Nói chuyện về rồng
Lại Bối Y 21.09.2003 16:09:38 (permalink)
Nói chuyện về rồng

Zeng Sen

Rồng là một quái vật trong truyền thuyết. Thông thường được loài người tưởng tượng là một loài động vật có thân hình khổng lồ, có đôi cánh như loài dơi, miệng phun lửa hồng, đuôi có gai gốc. Hình thù giống tựa như loài rắn hay là loài kỳ đà. Thực ra, theo sinh vật học thì rồng chẳng có ý nghĩa gì thực tế cả. Có một số động vật được gọi là rồng, phát hiện ở Ấn độ, Malaysia và Indonesia, thực ra chỉ là loài bò sát giống như cắc kè hay thằn lằn to lớn. Thời viễn cổ, trên thế giới này đã từng có một loài rồng sinh sống, nhưng đó là loại khủng long. Khủng long sinh sống cách đây khoảng 70 triệu năm tới 200 triệu năm. Thân mình chúng dài hơn 30 mét, thân thể nặng tới hơn 100 tấn. Cũng có loại khủng long bé bằng con gà con, chúng có thể chạy, nhảy, bay lượn, trên không, lặn lội dưới nước. Chỉ riêng ở Trung Quốc số khủng long hóa thạch được phát hiện ít nhất có tới 59 loại khác nhau. Vừa qua, Thông tấn xã Trung ương ở Đài Loan có loan tin Viện khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh vừa rồi đã cho biết tháng 4 năm vừa qua ở tỉnh Quý Châu lại phát hiện được một số hóa thạch của loài rồng, Đó là loại khủng long, sinh sống cách đây 240 triệu năm. Con lớn nhất thân dài 170 centimetre, đa số thân chỉ dài khoảng 30 centimetre. Đặc điểm của loại khủng long này là đầu hơi tròn, mắt lồi, cổ nhỏ mà dài, thân mình to và tròn, xương sườn nhiều, bốn chân ngắn, đuôi dài, sinh sống ở vùng biển cạn.


Rồng trong tiếng Anh (dragon) bắt nguồn từ chữ Hy lạp, vốn có nghĩa là “con trăn”. Do đó, rồng trong các chuyện thần thoại phương Tây mô hình cơ bản là loài rắn.

Rắn ở các nước vùng Trung Đông, nói chung to như con trăn, vừa to vừa độc, có thể cắn chết người. Bởi vậy, rắn hay rồng ở các vùng đó, là tượng trưng chính cho thế lực hung ác. Người Hy Lạp và người La Mã tuy đều tiếp thu quan niệm cho rằng rồng là biểu tượng chính cho các thế lực hung tàn, song đôi khi họ cũng coi rồng là biểu tượng cho chính nghĩa. Trong các văn kiện của Công giáo, người ta không phân chia ra rồng nào là rồng thiện, rồng nào là rồng ác. Qua các tác phẩm nghệ thuật của giới Công giáo, chúng ta thấy rõ họ cho rằng rồng đại diện cho tội ác và dị đoan, thường được miêu tả thần phục dưới chân các vị thánh thần. Những người theo đạo Công giáo chắc đều biết chuyện huyền thoại Đức thánh Georges đâm rồng.

Qua các thời đại, hình thù rồng trong trí tưởng tượng của loài người không ngừng biến đổi. Chẳng hạn như hình rồng ở thời kỳ vương triều New Babilon xa xưa (trước công nguyên 6 thế kỷ) có bốn chân và đôi cánh, trên mình có đầy vẫy. Rồng trong sách Kinh Thánh được miêu tả thành loài rắn già có nhiều đầu. Vì rồng vừa có ý nghĩa thần linh phù hộ cho con người, vừa có thể làm cho loài người khiếp đảm kinh hồn, nên từ lâu, rồng cũng được coi là tượng trưng cho dũng cảm, thiện chiến. Trong sử thi (trường ca) Iryande của Homeros, huy hiệu trên chiếc mộc của quốc vương Hy Lạp, người chỉ huy trận đánh thành Troy hồi đó, là hình một con rồng màu xanh lam có 3 đầu. Về sau, bọn cướp biển ở miền bắc châu Âu cũng thường vẽ hình rồng trên mũi tàu và những chiếc mộc của đồng bọn mình. Nước Anh trước khi bị người Normandie chinh phục, cha của quốc vương Atjeh, cũng dùng hình rồng làm phù hiệu chính trên cờ xí của quân đội Hoàng gia. Cho tới thế kỷ 20 này, hình rồng vẫn còn là tượng trưng của hoàng tử Wells ở nước Anh.

Đối với các quốc gia ở Phương Đông, rồng là sinh vật có tính chất thần linh, rồng ở Trung Quốc và Việt Nam tượng trưng cho hoàng tộc và quyền quý. Rồng ở Nhật Bản có thể biến hóa thành lớn nhỏ tùy ý, thậm chí có thể ẩn thân, tàng hình. Rồng của Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam hiện nay đều không có cánh, nhưng có thể lên trời, xuống biển, cưỡi mây đạp gió, tung hoành bốn phương. Người Trung Quốc ngày nay bất cứ là sinh sống ở đại lục, Đài Loan hay ở hải ngoại, đều cho rằng mình là con cháu của Hoàng đế - Viêm đế, là dòng giống Rồng. Người Việt Nam bao đời qua cũng tự nhận mình là con Rồng cháu Tiên. Dưới đây, ta hãy thử tìm hiểu về nguồn gốc hình thành khái niệm rồng và ý nghĩa của nó theo văn hóa của các dân tộc Phương Đông.

Như mọi người đều biết, các dân tộc sinh sống trên địa bàn Trung Hoa ngày nay, ở thời kỳ xã hội nguyên thủy, do mức sản xuất còn thấp kém, trình độ trí thức còn bị hạn chế, nên đối với những hiện tượng thiên nhiên, như mưa gió, sấm sét, bão tố, lụt lội và các vấn đề quan trọng có ảnh hưởng tới đời sống của mình như sinh, tử, đau ốm v.v...... đều không thể giải thích được, nên rất mê tín. Do đó, họ tôn thờ, sùng bái một loài động vật, thực vật hay một vật gì đó, chẳng hạn như mặt trời, mặttrăng v.v., và coi đó như là vật tổ của thị tộc, cầu mong phù hộ cho mình. Hình tượng các vật tổ - totem tượng trưng cho thị tộc, nảy sinh ra trên cơ sở đó. Họ trông thấy cảnh tượng mây đen cuồn cuộn hiện lên trong bão táp hay thấy cảnh nước sông, nước biển bi gió lốc hút lên lưng trời, hoặc thấy cảnh ngập lụt, muôn dòng thác lũ từ trên núi cao đổ xuống, gầm thét, cuốn băng cả mọi vật, kể cả nhà cửa, cây cối, động vật v.v. Họ nghỉ rằng có lẽ trên trời cao có một vị thần linh nào đó trông coi về việc mưa gió. và vị thần đó có lẽ là “rồng”. Theo bài “Phục Hy khảo” của nhà học giả Trung Quốc là Văn Nhất Đa thì ngoài người Hoa Hạ ra, những người Hung Nô sinh sống ở phương bắc, những người Việt, kể cả Ngô Việt, Vu Việt, Mân Việt, Nam Việt, Âu Việt và Lạc Việt, và người Miêu sinh sống ở phương nam, những người Di sinh sống ở phương đông, những người Khương, người Tây Nhung sinh sống ở phương tây và cả các thị tộc về sau chuyển hóa coi chó là vật tổ của mình, như người Bắc Địch, người Bàn Hồ đều là hậu duệ trực hệ hay bàng hệ của dòng giống rồng. Người Bạch, dân tộc thiểu số ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ngày nay cũng tự cho rằng mình là dòng dõi giống rồng, có điều truyền thuyết của họ không phải theo thuyết totem mà ra. Có một số bộ lạc khác coi Chim, Nai, Khỉ, Ngựa, Trâu, Dê, Lợn, Gà v.v. là vật tổ của họ.

Theo giới khảo cổ Trung Quốc phát hiện các hoa văn trên các lọ, đĩa bằng gốm ở di chỉ văn hóa Ngưỡng Thiệu ở địa điểm Bán Ba, tỉnh Thiểm Tây thì mô hình rồng lúc khởi đầu được vẽ như hình con cá có thân mình dài như rắn. Điều đó có lẽ đúng vì hồi đó, sông Hoàng Hà thường gây nên lụt lội, khiến cho loài người thời nguyên thủy sùng bái loài cá, mong muốn được như loài cá, thích ứng với những hoàn cảnh ấy. (Lưu vực sông Hoàng Hà thời đó còn chưa có Rắn). Các sách cổ của Trung Quốc, như Sơn Hải Kinh, Thuyết Văn, Quảng Bác Vật Chí đều coi cá là rồng. Tên của cha vua Vũ nhà Hạ là “Cổn”. Cổn có nghĩa là “cá to”â. Truyền thuyết cổ xưa nói rằng Đại Vũ, thủy tổ của nhà Hạ, đến bên bờ sông Hoàng Hà, “thấy hiện lên một vị thần đầu người, mặt trắng, người dài, thân cá. tự xưng là “Hà tinh”â (thần sông), ban cho Đại Vũ bức “Hà đồ” (bản đồ sông biển), giúp Vũ trị thủy (sách Quảng Bác Vật Chí). Vị thần mình dài thân cá ấy theo sách Bão Phác Tử nói thì là “long ngư” (cá rồng). Sách “Nhất ThiếtKinh Âm Nghĩa dẫn “Bão Phác Tử” nói “rồng mẹ là Giao, rồng con là Cầu, mình như cá, nhưng hình dáng giống rắn”â. Những bức tranh Phục Hy và Nữ Oa đầu người, thân dài với đuôi cá được khắc trên đá được phát hiện trong mộ Bác Thiên Thu chứng tỏ lúc ban sơ, người nguyên thủy đã sùng bái cá, coi cá như thần. (Mãi cho tới ngày nay, ở vùng Sở Hùng tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ngày nay, dân thiểu số địa phương vẫn gọi cá vàng là rồng vàng. Về sau, theo phát hiện ở di chỉ nhà Hạ ở Đào Tự thuộc huyện Tương Phân tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc thuộc thời đại đồ đá mới, vào cuối thời xã hội nguyên thủy, cách đây khoảng 5.000 năm, thì hình rồng lúc bấy giờ trên đầu đã có hai tai. (hai tai có lẽ là do hình mang cá biến dạng). Các hoa văn rồng trên đồ đồng thời nhà Thương so với hoa văn rồng thời nhà Hạ có hơi phát triển, tăng thêm hai sừng.

Sau khi Hoàng Đế thống lĩnh 6 bộ lạc, các thị tộc và bộ lạc Trung Hoa hồi ấy thực hiện liên minh, họ cần có một phù hiệu chung cho cả tập thể. Do đó, từ totem động vật đơn nhất phát triển nên totem động vật phức hợp. Giới khảo cổ học Trung Quốc từng phát hiện được một con rồng bằng ngọc đời nhà Thương, mình rắn, đầu hổ, trên đầu có hai sừng nai, bốn chân giống như chân dê.

Các bộ tộc Hoa Hạ trải qua quá trình thôn tinh, dung hòa, kết hợp với các bộ lạc, thị tộc khác, đến đời nhà Chu thì vật tổ phức hợp rồng đã có đôi chân. Tới đời nhà Hán thì đa số hình rồng có bốn chân như ngày nay. Hình rồng cuối đời Đông Hán là: đầu giống lạc đà (hay ngựa hay cá sấu), sừng giống nai, mắt giống thỏ (hay hổ), tai giống trâu, mình giống rắn, bụng giống tằm, lưng và vẫy giống cá, chân giống hổ (cũng có người nói chân rồng giống rùa), vuốt giống chim ưng (vật tổ của người Thương và một số thị tộc ở miền đông nam Trung Quốc hiện nay là chim). Hình rồng bắt đầu từ đó tượng trưng cho toàn thể dòng giống dân tộc Trung Hoa. Và đến đời Hán thì mô hình rồng cơ bản đã định hình như ngày nay. Những chuyện rồng có hình dáng và tình cảm loài người thì đó là chuyện xuất hiện ở thời kỳ Nam Bắc Triều, cách đây khoảng 1500 năm, do một số nhà văn sáng tác ra sau khi ảnh hưởng của đạo Phật và truyện thần rắn Naga của Ấn độ truyền vào Trung Quốc. Tiếp theo đó, các chuyện thần thoại, truyền thuyết về rồng cũng được người ta thêu dệt, sáng tác ra, chẳng hạn như chuyện rồng bay lên trời, rồng lặn xuống biển, chuyện sơn thần mình người đầu rồng, chuyện lôi thần ở đầm Lôi trạch mình rồng đầu người, chuyện hai vua Nghiêu, Thuấn nhờ rồng mà sinh ra, chuyện Đại Vũ nhờ rồng mà trị được thủy, chuyện Hoàng Đế cưỡi rồng quy thiên, chuyện rồng có chín loại, năm màu, chuyện giao long khéo tu thì trở thành rồng, chuyện bốn Long Vương trong Tây Du Ký trông coi việc gây mưa tạo gió, chuyện cá chép nhảy vượt qua được cửa rồng thì hóa thành rồng, chuyện chàng thí sinh Lưu Nghị gặp long nữ, con gái long vương hồ Động Đình bên bờ sông Kinh Dương ở Thiểm Tây, biết nàng sau khi gã cho Long vương sông Kinh Dương, bị chồng bạc đãi, bèn nhận lời đưa hộ thư của long nữ về cho cha ở hồ Động Đình, cầu cứu và cuối cùng Liễu Nghị kết hôn với nàng long nữ v.v. Những chuyện có liên quan tới về rồng có thể nói là nhiều vô kể.

Người ta nói mỗi khúc sông, mỗi biển hồ đều có một vị vua rồng “Long vương” làm chúa tể, phụ trách trông coi những việc có liên quan tới mưa gió và các loài thủy tộc ở dưới nước, kể cả lụt lội, nên mỗi khi gặp phải cơn hạn hán hay lụt lội, thiên hạ thường hay làm lễ tế rồng, cầu mong cho được mưa thuận gió hòa, tai qua nạn khỏi. Có người nói rồng thần biến hóa khôn lường, thấy đầu chẳng thấy đuôi. Rồng vàng xuất hiện là điềm lành, thiên hạ thái bình (Kinh Dịch). Dần dần, rồng được coi là thần linh, tài giỏi hơn người. Do đó, những người tài giỏi cũng thường ví mình là rồng, mượn danh tiếng của rồng để nâng cao thêm danh giá cho mình. Các sách cổ như Sơn Hải Kinh, Thập Di Kýâ, Dậu Dương Tạp Trởâ nói cha của Vũ, thủy tổ nhà Hạ là kim long (rồng vàng, cá vàng), nói Nghiêu, Thuấn, Vũ cũng là rồng (cá). Hán Cao Tổ Lưu Bang nói mẹ mình nằm mơ thấy rồng sau đó đẻ mình. Truyện Hồng Bàng Thị trong Lĩnh Nam Chích Quái nói cháu bốn đời của vua Thần Nông là Kinh Dương Vương lấy Long nữ, con gái Long vương hồ Động Đình, sinh ra vua rồng ở xứ Lạc - Lạc Long Quân là thủy tổ của người Lạc Việt v.v. Chắc các bạn hẳn còn nhớ Gia Cát Lượng trong truyện Tam Quốc lấy biệt danh là Ngọa long tiên sinh”. Một số dịa danh cũng mượn rồng (long) làm thành phần đặt tên để thêm nổi tiếng. Sự tích thành Hà Nội ngày nay xưa được gọi là Thăng Long (sao không gọi là Long thăng, Rồng bay lên?), nói vua Lý Thái Tổ khi dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, thấy rồng vàng hiện lên, nên đổi tên Đại La thành “Thăng long”â và sách Đai Việt Sử Ký Toàn Thư nói vua Lê Thánh Tông trị vì 19 năm, có tới 12 năm rồng vàng hiện ra trên đất Việt (?). Đời Lý Nhân Tông cũng có đến 16 lần rồng vàng xuất hiện (?) chắc cũng do những ảnh hưởng trên đây mà ra.

Rồng lúc đầu là biểu tượng chung của tập thể thị tộc, có ý nghĩa là tài giỏi, cao quý, đẹp dẽ, nên có những thành ngữ như “mong con sớm trở thành rồng”â, “mong được chú rể cưỡi rồng”â, “dịp may chẳng khác nào rồng mây gặp hội”â, “rồng tới nhà tôm”â, “đó là chốn rồng ẩn hổ náu” (tàng long ngọa hổ), “nơi ấy long xà hỗn tạp”â, “chữ viết đẹp như rồng bay phượng múa” v.v. . Nhưng dần dần về sau, các giới cầm quyền phong kiến chiếm độc quyền sử dụng danh từ và đồ án rồng, khiến rồng trở thành tượng trưng cho uy quyền, cao sang của hoàng tộc. Người đầu tiên chiếm địa vị độc tôn này là Lưu Bang nhà Hán. Từ đó về sau, bất cứ ai hễ lên ngôi vua nắm quyền cai trị đất nước là tự cho mình là rồng thật. Áo vua được gọi là long bào, mũ vua được gọi là long quân, giường vua ngủ được gọi là long sàng, sân vua được gọi là long đình, xe vua dùng được gọi là long xa, thuyền vua ngự được gọi là thuyền rồng... v.v. Như ai nấy đều biết, triều đình Mãn Thanh trước khi bị lật đổ, từng dùng hình rồng làm huy hiệu của hoàng tộc mình. Cột trụ cung điện, bia trụ, trang phục, đồ dùng của nhà vua đều có chạm trổ, tô vẽ, thêu thùa, hình rồng để làm tăng thêm vẻ sang trọng, quyền quý. Triều đình bá quan văn võ, dù chức tước cao tới mấy, cũng không ai được quyền mặc áo long bào, nhiều nhất chỉ có thể mặc áo “mãng bào”. Triều phục của các quan đại thần có thể thêu rắn thêm chân, nhưng không được thêu thành hình mãng xà chân có 5 vuốt như vuốt rồng, tượng trưng của nhà vua.

Thực tình mà nói, chẳng phải chỉ riêng có người Trung Quốc mới coi rồng là vật tổ của mình. Ngay ở Việt Nam, ở Nhật Bản và các nước khác ở vùng Đông nam Á, cũng rất kính trọng rồng. Bạn không thấy nước Bhutan, một nước nhỏ nằm giữa hai nước Trung Ấn, tự nhận mình là quốc gia Thần Rồng. Trên quốc kỳ của họ có hình tượng một con rồng, chẳng khác nào hình rồng của người Trung Hoa ngày nay..


Ngày nay, khoa học tiến bộ, nhận thức của loài người có khác xa với người đời thượng cổ. Họ không còn nhắm mắt đi mê tín những điều dị đoan huyền hoặc. Nhưng đôi với rồng, nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Trung Quốc vẫn coi đó là tượng trưng cho tài giỏi, cao quý, là điềm lành, cho nên ngày nay, trong những buổi lễ quan trọng, như chúc mừng năm mới, nghênh đón tân khách hay hôn lễ giữa hai họ, chúng ta vẫn có thể trông thấy những hình thức múa rồng hay hình tượng rồng và phượng. Ngày nay, nói mình là con cháu giống rồng, điều đó có nghĩa là muốn nói lên rằng tổ tiên mình là giống người tài giỏi, dân tộc mình có một lịch sử văn hóa lâu dài, nhân dân mình có một truyền thống vẻ vang. Hôm nay, người viết mong rằng, những người con cháu dòng giống Tiên Rồng bất cứ hiện đang sinh sống ở trong nước, nơi quê cha đất tổ, hay đang phấn đấu ở hải ngoại, nơi đất khách quê người, dù sao cũng nên hãy sống sao cho ra sống, sống sao không làm nhơ danh cha ông tiên tổ, dòng dõi giống rồng, sống sao để khỏi hổ thẹn với đất nước non sông.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9