Chương 2 "Ngươì Hà Nội"
-
23.04.2012 18:16:29
Chương II
NGƯỜI HÀ NỘI ( Tiểu thuyết “Một thời giông bão - của Tạ Hữu Đỉnh)
Lần đầu tiên xa gia đình là ngày tôi đi Hà Nội học, ngày ấy tôi gần mười một tuổi. Anh cả tôi ở Hà Nội về quê ăn tết. Tết xong, anh đưa tôi đi Hà Nội. Được đi, tôi mừng thì ít, lo thì nhiều. Lo phải xa nhà, nhớ cha mẹ, anh em, nhất là nhớ mấy thằng bạn học, đánh khăng, đánh đáo. Mừng vì được ra thành phố ở với anh, chắc sẽ sung sướng hơn.
Đi qua làng Thiên Đông lên đường cái, người anh thứ hai xách va ly tiễn chân chúng tôi dừng lại, chào: “Hai anh em đi nhá. Em cố gắng chăm học cho thật giỏi. Nghỉ hè lại về thăm nhà”. Ngồi lên xe kéo (lúc bấy giờ chưa có xe xích lô), ngoái lại nhìn làng mình chỉ còn là một dải xanh mờ, trong màn mưa lâm thâm. Mắt cay xè, tôi chỉ ước giá được chạy theo anh hai về nhà…
Đến Hải Phòng, chúng tôi vào nhà nghỉ trọ. Anh cả bảo người bồi phòng:
- Anh đưa thằng bé này đi cắt tóc, rồi chỉ cho nó chỗ tắm giặt.
Rửa mặt xong anh cả đi ngay. Anh bảo đi thu xếp ký hợp đồng, thuê nhà hát lớn Hải Phòng để đưa đoàn kịch của anh về đây biểu diễn.
Anh bồi dẫn tôi ra ngoài phố. Bây giờ đi bộ tôi mới được ngắm nhìn thoải mái. Ô…nhà cửa ở phố khác hẳn ở quê tôi. Nhà không có cột, lại chồng lên nhau rất cao, cái nọ liền cái kia và dài mãi ra không biết đến đâu là cùng. Người đông như kiến cỏ, chẳng biết người ta đi đâu? Đến hiệu cắt tóc, anh bồi dặn tôi: “Em ở đây cắt, chốc xong anh đến đón. Không được chạy ra đường đấy”. Cắt xong, nhìn ra cửa, mãi không thấy anh bồi đâu. Tôi lo quá. Nhỡ vì một lý do nào đấy, anh ta không đến đón tôi, thì chắc chắn tôi sẽ bị lạc ở cái thành phố khổng lồ này, không biết tìm đâu ra lối mà về. Nhưng kia rồi! Mừng quá, anh ta đã không bỏ quên tôi.
Trưa hôm ấy ăn cơm xong, đắn đo mãi, đến lúc không thể chịu được nữa, tôi mới dám hỏi anh cả:
- Anh ơi, nhà gio ở đâu? Anh kéo tôi ra cửa sổ trỏ xuống sân, bảo:
- Cái cửa gỗ ở gần chỗ buộc con khỉ kia là nhà vệ sinh đấy! Đi xa con khỉ ra, nhỡ nó cào.
Thế thì tôi biết rồi. Ban nẫy anh chưa về, tôi đã đứng xem con khỉ. Ai đi qua nó cũng nhẩy ra định tóm chân người ta, nhưng bị sợi dây xích giật trở lại, khiến nó ngã ngửa ra, trông đến là buồn cười. Tôi xuống sân tránh con khi, vội vàng đẩy cửa bước vào. Bỗng đánh “so..ạt” một tiếng, một chị con gái trắng toát, kéo quần đứng phắt dậy. Chị ta vội vã bước ra, và ném vào mặt tôi một cái nhìn nẩy lửa. Ôi thôi! Thế là khốn nạn cái thân tôi rồi! Tôi là thằng bé nhà quê ngu ngốc, thấy cửa đóng thì mở, chứ nào tôi có biết đâu phải gõ rồi mới được mở.. Mà cũng tại cả chị ta nữa, cửa có then trong sao chị ta không cài? Chị tưởng ai cũng biết phải gõ cửa trước khi mở cả hay sao? Nếu vậy thì chính cái lòng tin ấy đã làm khổ chị rồi. Và thật dơ dáng cho cái thân tôi. Tôi ngồi xuống. Trời chiều càng rét. Trên người tôi chỉ có hai chiếc áo cánh nâu, mặc lồng vào nhau, mà mồ hôi vẫn vã ra, Vừa xấu hổ, vừa sợ chốc nữa lại gặp chị thì không biết giấu cái mặt mo này vào đâu được. Nhưng may sao ơn nhờ Trời Phật, cuộc “tao phùng hội ngộ” bất đắc dĩ ấy đã không xẩy ra!
Đêm ấy anh em tôi ngủ ở Hải Phòng. Đêm đầu tiên xa quê, nhớ nhà quá không ngủ được, tôi chỉ muốn khóc, nhưng lại sợ anh biết. Đã thế lại còn cái bóng đèn điện, anh không tắt, để sáng choang. Nó cứ trừng trừng nhìn tôi như mắt ma, vừa hăm doạ, vừa diễu cợt, khiến tôi càng không thể ngủ được. Tôi đang nghĩ giờ này ở quê, chắc cả nhà đang ngủ. Bỗng có tiếng tu…tu…thét lên rất gần, cùng những tiếng xình xịch dồn dập vang lên như có hàng nghìn khối sắt thép va đập vào nhau vỡ nát. tôi hốt hoảng hỏi anh:
- Anh ơi! Tiếng gì kêu nghe khiếp thế? Anh bảo:
- Tầu hoả đấy. Sáng mai chúng ta sẽ đi con tầu ấy lên Hà Nội.
Tôi thở dài. À..tầu hoả. Tầu hoả thì tôi bíêt rồi. Tôi đã được trông thấy hình vẽ ở trong sách giáo khoa. Và biết nó cũng là một phương tiện giao thông, nhưng không hiểu sao nó lại kêu rống lên như vậy?
Tầu hoả đi rồi, hồn tôi lại bay về với mẹ, với cha, với bạn bè và lớp học ở đình làng. Làng tôi là một cái cù lao nhỏ, nằm giữa con sông Ba Nhánh, quanh năm nước trong, sóng biếc. Làng bằng phẳng, nhưng lại có tên là Trúc Sơn. Làng Trúc vừa nhỏ vừa nghèo, hơn một trăm nóc nhà, mà chỉ có hai nhà lợp ngói. Làng cũng không có ai là bậc danh nho khoa bảng. Ngoài mấy vị “Khoá sinh” là tột đỉnh. Khi chữ nho hết thời, phái tân học nổi lên, cả làng cũng chỉ có thầy giáo Tình.và anh cả tôi là học đến bậc “Thành chung”. Một số ít người có bằng “Sơ học yếu lược”. Một số chỉ biết đọc biết viết. Còn lại, gần như cả làng đều mù chữ.
Tuy nhiên, trong một phạm vi và chừng mực nào đó làng Trúc cũng có người nổi tiếng. Bia đá ở đình làng ghi lại rằng: Ông tổ họ tôi ở làng Trà Sơn xuống chiếm cù lao hoang, làm nhà cho mẹ con người vợ thứ hai là bà Hoàng Thị Cỏn ở, rồi chiêu dân lập thành làng Trúc. Nhưng rồi đê sông Giá vỡ, nước mặn trần về, lúa chết, mùa mất, Dân đói phải bỏ làng đi phiêu bạt khắp nơi kiếm sống, Nhân cơ hội ấy, Tổng Sọc ở Kiền Bái liền đem người làng hắn đến chiếm làng Trúc. Lúc ấy chồng đã mất, bà Cỏn thân cô, nhưng không chịu khuất. Bà nhờ người hiểu biết làm đơn, bàn mưu tính kế, rồi bà lên kinh đô Thăng Long đội đơn kiện Tổng Sọc.
Theo kế đã bàn, khi quỳ trước sân rồng, nhằm lúc có thể được, bà Cỏn liền hướng về Tổng Sọc chửi thầm. Sọc vốn là dân lính tráng, mãn hạn về làm chánh tổng, quen đao to búa lớn, bị chửi tức không chịu được, y bèn chửi to lên. Chỉ chờ có thế, bà Cỏn liền vin vào đấy, lấy đấy làm bằng chứng tố cáo ông ta quen thói “Lấy thịt đè người”…Cuối cùng triều đình Nhà Lê xử cho bà được kiện. Từ đấy, bà Cỏn được dân làng yêu mến, khi chết được phong là “Hậu thần”. Tên tuổi của bà được khắc vào bia đá. Và hằng năm cứ ngày giỗ bà, làng lại mở hội, tế lễ bà như một vị “Thành Hoàng”.
Lần lượt , mỗi năm làng cử mấy người giữ chân “tế đám”, những người này phải nuôi lợn “ông bồ”, cấy lúa nếp hoa vàng, chuẩn bị gạo thật thơm ngon để giã bánh dầy. Chọn bòng bưởi, cam chuối quả to, mã đẹp để bày nâm ngũ quả. Mở đầu phần lễ là các nam thanh nữ tú, ăn mặc khăn chầu áo ngự, cùng các vị chức sắc, khênh kiệu, rước bài vị bà từ đình đi đến chùa. Các vị chức sắc vào chùa thắp hương lễ Phật, rồi rước kiệu về đình. Trống tế tùng…tùng…nổi lên. Bố tôi vừa là trưởng họ, vừa là lý trưởng, được làng bầu làm chủ tế. Ông đội “ mũ miện”, mặc áo thụng xanh, có “bối tử” thêu mặt hổ phù ở trước ngực và sau lưng. Ông lễ phủ phục ở giữa chiếu hoa, theo lệnh của viên “xướng tế”. Tám ông phụ tế cũng mặc áo thụng xanh, nhưng không có “bối tử”, đầu đội khăn xếp, vòng tay cung kính đứng chầu hai bên. Chú tôi, người có bằng “Khoá sinh”, và có tiếng là người văn hay chữ tốt, được viết và đọc văn tế. Làng gọi ông là “ông Văn”. Bản văn được dán lên tấm bảng sơn son thiếp vàng, nhỏ như bàn cờ tướng. Chân bảng đục hai con “hổ phù”, đuôi cong vút lên, đỡ lấy cạnh trên của bảng. Với chất giọng trầm, ấm, ông Văn đọc văn tế ngân nga như người hát. Cứ mỗi đoạn ngắt câu, ông lại nâng bảng lên trịnh trọng bái một cái. Và lúc ấy trống cái, trớng con lại tùng…tùng…nổi lên phụ hoạ.
Kết thúc lễ, đến hội, làng mời phường chèo ở thành Nam về hát. Ôi tiếng trống chèo đêm hội ở làng quê nghe mới rộn rã và thôi thúc làm sao! Tôi háo hức, mê say đến bỏ cả cơm, rủ bạn đi sớm để giữ chỗ. Thật đúng là đông như hội. Mặt trời vừa lặn người ta đã đổ ra đình, chen chân nhau, vòng trong vòng ngoài. Sân đình hàng quán mọc lên san sát. Đèn đuốc sáng trưng. Thanh niên trai gái trêu gẹo nhau, cười nói, tán tỉnh, mời chào, lôi kéo nhau vào quán ầm ĩ. Bọn tôi chui rúc, len lỏi mãi rồi cũng vào được gần sát chiếu chèo. Nhưng chờ được đến lúc mở màn, thì đã buồn ngủ rũ ra mất rồi. Cuối cùng chúng tôi cũng chẳng biết ông “Lã Bố” và cô “Điêu Thuyền”, xiêm y lộng lẫy đứng giữa sân đình kia là ai, và vì sao đang khóc, bỗng họ lại cười?
Thế mà vẫn thích, đêm sau chúng tôi vẫn đi cho đến hôm làng rã đám.
Người thứ hai nổi tiếng, cũng là một người đàn bà. Đó là bà Phi, chị ruột thầy giáo của tôi. Bà nổi tiếng không phải vì tài năng hay đức hạnh, mà nổi tiếng về sắc đẹp. Mãi cuối kháng chiến chống Pháp, lần đầu tiên tôi mới được gặp bà ở vùng tự do Nhã Nam - Bố Hạ. Chiến tranh đã xô đẩy bà trôi dạt đến đây, như một cánh bèo trong cơn bão táp. Lúc ấy bà đã già, nhưng vẫn còn nhiều nét đẹp.
Thời Pháp thuộc, cụ thân sinh bà làm cai “Lục lộ”. Cụ cho cô con gái yêu sang Hải Phòng học văn hoá. Rồi cô nữ sinh ấy lớn lên thành một hoa khôi xuân sắc, và lọt vào “vòng ngắm” của một viên quan Pháp làm chánh sứ tỉnh Lạng Sơn. Từ địa vị cao sang ấy, tiền quan bà gửi về quê như nước chẩy. Gia đình bà tậu ruộng, làm nhà. Nhà Tây, nhà ta, nhà cao, nhà thấp, cổng cuốn, tường vây, thành một toà dinh thự mà khắp cả vùng không làng nào có.
Và để trả ơn bạt đất đã có công sinh thành ra người đẹp, quan chánh sứ đã một lần “hạ cố” về thăm quê ngoại. Ông còn “thành tâm” đem về cúng tiến đình làng Trúc hai “ông hổ đá”, đứng chầu hai bên cửa đình cho thêm phần tôn nghiêm ở nơi thờ tự. Nhưng rồi thời gian nước chẩy đá mòn, và sự tôn nghiêm của đá cũng mòn. Vả lại: “Nhất quỷ nhì ma…”. Cái lũ thứ ba không sừng, vô sẹo chúng tôi đã trèo lên lưng hổ, cưỡi hổ. Có đứa còn ghè hổ cụt cả tai! Nghĩ lại cũng buồn cười. Làng Trúc có rừng đâu? Mà nếu có thì chắc gì đã có hổ? Sao ông quan Tây ấy không cúng chó, cúng ngựa, cúng voi mà lại cúng hổ? Hay ông ta cho người “An Nam” còn nặng đầu óc phong kiến, vẫn theo lệ cũ: Chỉ cửa “Kim môn” ở cung vua mới được phép đặt “Kim mã” đứng chầu? Hay, là người thích hài hước, ông ta cúng hổ để ngụ ý rằng tình yêu cũng có sức mạnh như hổ báo chăng?...
Nhưng thôi chuyện đã là quá khứ rồi. Chỉ biết sau này, khi được đọc thiên phóng sự “Kỹ nghệ lấy Tây” của nhà văn Vũ Trọng Phụng, tôi lại nghĩ đến bà Phi làng mình. Quả thực bà cũng là một bậc “tài danh” của ngành kỹ nghệ ấy!
***
Đêm đầu tiên xa nhà ở Hải Phòng, cũng là lần đầu tiên tôi cảm nhận được chiều dài thăm thẳm của một đêm thao thức. Tuy nhiên, nhờ tuổi trẻ, cuối cùng rồi tôi cũng thiếp đi được. Sáng hôm sau hai anh em tôi xách va ly ra ga. Tầu hoả kia rồi! Đêm qua nó thét nghe dữ dội thế, nhưng bây giờ trông lại có vẻ hiền lành, không to lắm, mà cũng chẳng giống bất cứ thứ gì. Nó chỉ là nó thôi, đầu đuôi bằng nhau và dài dằng dặc.
***
Đến Hà Nội, tôi ở trên gác số nhà 116 bis, vườn hoa Cửa Nam. Đây là nhà của một người Hoa kiều, mà lúc bấy giờ người Việt vẫn quen gọi là “chú khách”. Ở dưói bán tạp hoá, trên gác “chú khách” cho một bà “me tây” thuê, nấu cơm tháng cho khách trọ. Gác hẹp, khách trọ chỉ có năm người: Một thầy giáo, một học sinh, hai ông ký nhà ga, và một ông thợ vẽ truyền ảnh. Còn anh cả tôi ở Khâm Thiên với chị Lan Hà.
Chẳng ai biết bà me tên là gì. Cả nhà ai cũng gọi bà là “bà Chủ”. Bà ta chứa già, chỉ khoảng ngoài bốn mươi, vẫn còn nhiều nét của một thời mặt hoa da phấn. Bà không có con, nuôi một người ở trai tên là Quý. Anh Quý hơn tôi vài ba tuổi, người thô, mặt đầy tàn nhang, dân công giáo chính cống. Tôi bé nhất nhà, lại quê quê, ngộ ngộ, dễ sai vặt nên cả nhà ai cũng mến.
Tôi học ở trường Thăng Long. Đây là trường gần nhà tôi ở nhất. Buổi học đầu tiên, anh cả đưa tôi đến trường. Anh mặc com lê. Tôi mặc quần trắng, áo dài thâm, đội mũ trắng, đi guốc. Y phục của học trò nghèo thời bấy giờ. Chúng tôi đến văn phòng chào ra mắt Ban giám hiệu. Anh tôi và các thầy nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Tôi chẳng hiều gì. Khi chuông vào lớp, có bác tạp vụ đến dẫn tôi đi.
Giờ học đầu tiên là một bài “ám tả”, tôi viết khá sạch sẽ và hầu như không bị một “phốt” (lỗi) nào. Sau mười lăm phút ra chơi, vào lớp, thầy giáo cầm phấn lặng lẽ viết lên đầu bảng một hàng chứ Pháp to, dài. Chữ ta không có chũ nào dài thế. Nhìn hàng chữ càng dài ra bao nhiêu, tôi càng run bấy nhiêu. Thầy gạch dưới chân hàng chữ ấy, rồi từng hàng, từng hàng chữ Pháp cứ nối tiếp nhau hiện lên trên bảng. Mặt tôi từng lúc cứ nóng bừng lên, tim đập thình thịch. Đầu óc rối bời. Cả lớp cắm cúi viết, ngòi bút rào rào, sột soạt. Chỉ có mình tôi vẫn ngồi yên, mặt cúi gằm. Bỗng thầy giáo hỏi:
- Sao cậu mới vào học kia không viết đi?
- Thưa thầy… thưa thầy…con…con…
Tôi xấu hổ quá, lý nhí nói như thằng mất hồn. Thằng ngồi bên cạnh tôi (sau tôi mới biết nó tên là Bái), đứng lên nói giúp tôi:
- Thưa thầy, anh ấy bảo anh ấy không biêt viết chữ Pháp ạ!
Cả lớp cười ồ lên. Khắp người tôi nhoi nhói như kiến đốt, kim châm. Thầy gõ thước kẻ ra hiệu im lặng, rồi đi xuống chỗ tôi. Thôi, thế là hết! Chắc chắn tôi sẽ bị đuổi học rồi! Nhưng khi nghe tôi trả lời các câu hỏi, thầy chỉ lặng lã gật đầu. Thầy còn bảo thằng Bái chép bài giúp tôi, rồi mới về bục giảng.
Tại sao năm ấy tôi học lớp “Préparatoire”, (có lẽ tương đương với lớp ba bây giờ) mà không biết một chữ Pháp bẻ đôi nào?. Vì ở làng tôi không có trường chính quy. Cả làng chỉ có một trường tư. Mà cái gọi là trường tư ấy, thưc tế chỉ là ba gian nhà tre, vách đất, được dựng lên ở góc vườn của một gia đình khá giả, hiếu học. Trong nhà kê mấy cái “trường kỷ” tre, ghế băng, ghế đẩu. Bàn thì đủ các kiểu, cỡ to, cỡ nhỏ, cao thấp khác nhau, huy động của các nhà có con em đến học. Thầy giáo là một “cậu” thanh niên tân học, vì hoàn cảnh nào đó mà phải đến nơi sơn cùng thuỷ tận này để kiếm sống, chứ không phải là thầy được đào tạo qua trường sư phạm. Học sinh lại đủ các lứa tuổi và trình độ khác nhau, từ vỡ lòng đến lớp ba, lớp bồn, ngồi chung, không có vách ngăn. Thế mà trường cũng không được học thường xuyên. Khi thầy giáo ốm không có người dậy thay. Lúc lại ông thân sinh thầy qua đời. Thầy giáo về quê rồi không trở lại trường nữa.
Chờ đợi mãi, cuối cùng gia đình phải xin cho anh em tôi đến học một ông đồ nho. Đó là thầy Xứ Am. Chữ nho lúc bấy giờ đã suy tàn, ít nho sinh, thầy đồ phải dậy thêm cả chữ quốc ngữ. Mà vốn quốc ngữ của thầy, chắc cũng chẳng có là bao. Cho nên hôm trước đã bài học thuộc lòng: “Công cha như núi Thái Sơn…”. Hôm sau lại bài học thuộc lòng: “Trong đầm gì đẹp bằng sen…”.
Thế rồi về sau làng tôi cũng có một vị “Hương sư” được bổ nhiệm về. Làng cho mượn một gian đình làm lớp học, có bảng đen, bàn ghế hẳn hoi. Nhưng cũng chỉ được gần một nửa niên khoá, tự nhiên thầy bỏ trường đi mất. Không biết có phải thầy chán cảnh ở làng tôi buồn tẻ? Hay thầy đã chọn nhầm nghề? Hay còn lý do nào nữa, mà bọn trẻ con chúng tôi lúc bấy giờ chưa hiểu được. Thấy “Hương sư” đi rồi, lớp học phải bỏ trống. Sau làng mời thầy Tinh ra đứng lớp. Thầy vốn là một “thầy ký” của Sở giao thông công chính Hải Phòng, vì quá mê say “Ả phù dung” ở các nơi cao lâu, kỹ viện nên mất việc, về làng. Thầy có học lực cao, nhưng không có nghề sư phạm. Nể làng thì thầy dậy cho vui, và cũng để thêm thu nhập, chứ không phải vì yêu nghề, mến trẻ.
Đó là các trường, lớp tôi đã học ở quê. Nếu các trường ấy cũng có chương trình dậy chữ Pháp như ở đây thì cái thân tôi đâu đến nỗi…
Bỗng tiêng chuông tan học reng…reng…reo lên. Tôi cắp cặp chạy về. Lối rẽ đây rồi. Sáng nay anh cả đã dặn:
- Đến đây em nhớ phải rẽ bên phải mới về được nhà. Nếu rẽ trái là lên Hàng Gai ra bờ Hồ.
Thế thì… chắc hồ Hoàn Kiếm cũng gần đây thôi. Ở quê tôi đã được nghe thầy giáo kể: Vua Lê được rùa vàng cho kiềm thần để đánh đuổi quân Minh xâm lược nước ta. Thầy bảo hồ đẹp lắm. Từ lâu tôi đã ước ao được nhìn thấy hồ. Sáng nay anh cả cho năm xu, tôi đã ăn phở nên chưa đói. Mà có đói một tí thì đã làm sao. Tôi rẽ luôn tay trái đi xem hồ. Đi mãi. Đi mãi chẳng thấy hồ đâu. Quay về thì tiếc công đi. Tôi đang phân vân thì thấy một bà từ trong cửa hiệu bước ra, tôi liền hỏi xem hồ còn xa không? Bà nhìn tôi khoát tay một cái, mắng:
- Hồ kia chứ đâu! Mù à?
Xấu hổ quá, mặt tôi nóng ran lên. Thì ra đây là chỗ gấp khúc ở cuối phố Hàng Gai. Tôi chỉ đi ba, bốn bước nữa là trông thấy hồ rồi. Khi còn ở làng, tuy là cái cù lao xa xôi, nhưng qua các bài học lịch sử, tôi cũng biết Hà Nội là kinh đô ngàn năm văn hiến, biết người Hà Nội lịch sự, văn minh. Thế mà giờ đây, người Hà Nội lại đối xử với một thằng bé nhà quê thô lỗ như vậy ư? Nhưng thôi, mặc kệ bà ta, với những gì bà ta đang bực tức. Hồ Hoàn Kiếm kia rồi! Lại còn đây nữa: Ở giữa ngã năm hay ngã sáu bên cạnh hồ, có cái đài phun nước. Đài tròn vành vạnh như mặt trăng. Tim đài là một cây cột cao khoảng ba, bốn mét. Đầu cột là cái khay tròn như cái nia. Trên bờ viền vành trăng, bốn phia Đông, Tây, Nam, Bắc có bốn chú cóc ngồi phun nước. Bốn dòng nước trắng xoá, bay vọt lên cao như bốn chiếc cầu vồng lấp lánh ngũ sắc, rồi rơi xuông chiếc khay. Khay đầy, nước tràn xuống hồ trăng. Trông thật là đẹp! Trong tâm thức tôi vốn chỉ có khái niệm “rồng phun nước”, giờ mới thấy cóc cũng phun nước. Thích quá, nhưng không thể nhìn lâu được, vì còn phải đi. Tôi đi như người bị cả hai thế lực vô hình cùng ám ảnh, vừa bị cuốn hút ở phía trước, vừa bị níu kéo ở phia sau lưng.
Hồ Hoàn Kiếm đây! Ôi chao, quang cảnh mới lộng lẫy làm sao! Chưa bao giờ tôi được trông thấy cái gì đẹp, và mênh mông đến thế. Mặt nước trong xanh, sóng gợn lăn tăn. Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Tháp Rùa, nổi lên trên mặt nước. Nhìn cái tháp rêu phong cổ kính, tôi lại nhớ chuyện thuở nào bà tổ họ tôi lên kinh đô kiện Tổng Sọc. Bà có được đi xem hồ không?..Cung vua Lê ở đâu?..Sao không thấy con rùa nào bò lên chân tháp?..
Cứ buông chân, phóng mắt, và thả hồn mình bay đi như vậy, tôi đi hết một vòng hồ Hoàn Kiếm, rồi mới thấy bụng đói, chân mỏi, và chợt nhớ đến buổi học chiều. Đi hỏi giờ, biết không kịp về nhà, tôi vào luôn lớp học.
Chiều tan học, về chưa đến nhà, tôi đã thấy anh Quý đang nghến ở cửa. Thấy tôi, anh thốt lên:
- Cậu chết nhá! Đi đâu? Làm cả nhà nháo nhác đi tìm suốt từ trưa đến giờ. Tôi phải xuống Khâm Thiên báo cậu Thiện. Cậu ấy đi báo Sở Cẩm rồi!
Tôi sờ tái mặt đi, người rét run lên, chứ không nóng như giờ học Pháp văn sáng nay. Chắc chắn thế nào tôi cũng phải ăn đòn rồi. Tôi sợ anh cả lắm. Giá tôi đang ở nhà với bố thì còn đỡ sợ hơn. Vì từ bé tôi vẫn ở với bố. Tính bố nghiêm, nhưng không dữ đòn. Còn anh, trước ở mãi trong Nam, thỉnh thoảng mới gửi thư về. Rồi từ ngày anh ra Hà Nội, cũng chỉ tết mới về, tôi mới trông thấy người, chứ nào đã biết tính anh hiền hay dữ đâu. Một lúc sau anh tôi về, vẻ mệt mỏi, bực tức, hỏi:
- Mày đi đâu?
- Em đi xem hồ Hoàn Kiếm.
Tôi cúi mặt, nhìn xuống sàn nhà, và sẵn sàng chờ một cái tát nẩy lửa, mở đầu cho trận lôi đình. Nhưng không hiểu sao anh tôi chỉ lặng thinh, rồi một lát sau mới bảo: Thôi đi ăn cơm.
Tôi trút một hơi thở dài nhẹ nhõm. Thôi thế là tai qua nạn khỏi rồi! Anh tôi ngồi xuống bàn cầm chen uống nước, thong thả như uống một thứ nước thần, để dẹp tan cơn thịnh nộ. Là một nghệ sỹ, chắc anh cho rằng con người vì cái đẹp mà say mê, thì ở một chừng mực nào đó cũng có thể tha thứ được chăng?
Sau bài học Pháp văn đầu tiên ấy, chắc nhà trường đã có ý kiến với anh, nên tối nào anh cũng đến kèm tôi học. Nhưng rồi thời gian ký hợp đồng với nhà hát lớn Hải Phòng đã đến. Anh phải đưa đoàn kịch đi biểu diễn. Thế là chỉ còn một mình. Tôi như con chim bé bỏng, lạc vào rừng đại ngàn mênh mông, bát ngát những ngôn từ, chữ nghĩa hoàn toàn mới lạ. Tôi phải tự lần mò, tìm hiểu lấy tất cả những gì mà trước đây tôi đã không được dậy bảo. “Không thầy đố mày làm nên”. Liệu tôi có làm được gì không? Có học được chữ nào không?
Ở nhà toàn những người lớn và xa lạ đã đành. Đến lớp tôi cũng chưa có bạn. Chắc chẳng phải chúng nó không muốn chơi với tôi đâu. Với cái vẻ ngô ngố, quê quê, nhút nhát của tôi, chắc chúng nó cũng coi tôi như một thứ đồ chơi lạ, Thâý mắt chúng nó nhấp nháy nhìn tôi, môi he hé mỉm cười là tôi biết. Nhưng những phút ra chơi bao giờ cũng ít. Chúng nó phải vội vàng kéo nhau ra gốc cây, chơi tiếp những trò chơi còn bỏ dở. Còn thì giờ đâu mà làm quen?
Có một đứa trông mặt rất hiền, không chạy nhẩy xông xáo như những đứa khác. Thấy tôi nhìn nó, nó hỏi:
- Nhà cậu ở đâu?
Ở vườn hoa Cửa Nam.
- Nhà tớ ở Hàng Bông. đi học cậu phải qua nhà tớ đấy. Từ nay tớ đợi,chúng ta cùng đi nhá!
Tôi gật đầu. Thế là tôi đã có bạn rồi! Nó tên là Lộc. Lộc dẫn tôi về nhà nó chơi. Nhà nó giầu lắm. Hiệu giầy. Thảo nào, nó mặc quần áo Tây, đi giầy da, bít tất cao đến tận đầu gối. Có một buổi sáng nó đứng chờ tôi ở cửa, tay xách cặp, tay giấu sau lưng. tôi đến nó cười tinh nghịch, bảo:
- Chìa tay ra!
- Làm gì?
- Cứ chìa ra nào!
Tôi chìa tay. Nó đặt vào tay tôi một quả bóng bằng crếp tròn xoe như quả bòng con, trong suốt như khối thạch, tưởng có thể ăn được. Nó bảo: Tớ lấy crếp vụn ngâm vào ét săng thành quả bóng đấy, cho cậu.
Ở quê, hai anh em tôi vẵn nhặt bòng rụng, đem nướng mềm làm bóng đá. Nhiều lúc hấp tấp bòng chưa chín đã đá, “bịch” một cái, chân đau điếng. giờ được quả bóng mềm thật thích. Cũng chẳng biết nói cảm ơn, tôi chỉ nhìn vào đôi mắt to, trong veo của nó, và hai đứa vừa đi vừa cười.
Rồi một hôm, tôi đang đứng chơi với thằng Lộc, bỗng thằng Bái chạy đến lôi thốc tôi đi. Nó cười ngặt nghẽo:
- Ê..hê…Cái thằng này! Nó là con gái đấy! Tôi ngớ người ra không hiểu. Thằng Bái đấm tôi mấy cái bảo:
- Đồ ngu! Nhà nó không có con trai. Cậu mợ nó bắt nó cắt tóc ngắn, mặc giả con trai, hiểu chưa?
À ra vậy. Thảo nào trông mặt nó hiền, đẹp, da trắng, giọng nói trong, ríu rít như chim. Thế mà tôi không nghĩ ra, thật đúng là thằng ngốc. Tiếc quá! Người bạn đầu tiên khi rời luỹ tre làng tôi đã chọn nhầm. Nhưng cái Lộc chơi với tôi, nó có nhầm đâu? Nó dám chơi với con trai, sao con trai lại phân biệt, không chơi với con gái? Thật vô lý!
Chẳng có ai giảng giải cho tôi hiểu điều thắc mắc ấy. Nhưng từ đấy tôi cũng không dám chơi với cái Lộc nữa. Tan học, không dám về cùng, tôi chờ nó đi một lúc rồi mới đi sau, hoặc xách cặp chạy nhanh về trước.
***
Hà Nội những ngày cuối xuân, sắp bước sang hè thật là đẹp. Trời nhiều mây, nhưng không mưa dầm, không nắng gắt, không nóng bức và cũng không lạnh giá. Mùa của những người giầu có đi chơi xuân, đi lễ hội. Còn tôi, từ sau lần đi thăm hồ ấy, hầu như không được phép đi đâu xa, nếu không có người lớn đi cùng. Ngày chủ nhật, một mình, tôi chỉ chơi quanh quẩn ở vườn hoa Cửa Nam, xem hoa, xem tượng “Bà đầm xoè”. Vườn hoa rất đẹp. Có người chăm sóc hằng ngày. Dưới những hàng cây cổ thụ, người ta trồng hoa trên những ô đất được tạo thành những kiểu dáng khác nhau. Có ô tròn, ô vuông, ô chéo, ô hình chữ nhật, dài ngắn, to nhỏ khác nhau. Ô trồng hoa. Ô trồng cỏ. Lối đi rải sỏi. Bờ viền bằng cây xanh, được cắt xén thẳng tắp. Rải rác có ghế xi măng cho người ngồi. Dưới chân tượng, người ta vun đất cao, tròn như quả đồi con. Mới chiều hôm trước còn là đồi đất, nhưng sáng hôm sau, hàng phố thức dậy, đã thấy “Bà đầm xoè” đứng trên đồi hoa cúc vàng tươi rực rỡ. Người ta chở cây hoa đến trồng vào ban đêm.
Ngoài những ông “bụt ốc” ở chùa làng, đây là lần đầu tiên tôi được trông thấy một bức tượng đồng to lớn và đẹp đẽ như vậy. Về bức tượng này có hai ý kiến khác nhau. Có người bảo là tượng bà Janđa (Jeanne d’Are), nữ anh hùng của nước Pháp, người đã bị Toà án Giáo hội xử hoả thiêu năm 1431, vì tội lãnh đạo nhân dân Pháp chống lại quân Anh xâm lược. Nhưng có người lại bảo là tượng “Thần tự do”, tầu Pháp chở sang đặt ở đây năm 1887. Chẳng biết ý nào đúng. Nếu ý trên đúng, thì quả là người Pháp thích bông dùa, nên mới đem tượng người chống quân xâm lựơc đi đặt ở một đất nước mà họ vừa xâm lược xong. Còn nếu ý dưới đúng, tức là tượng “Thần tự do” lại đặt ở một đất nước đã bị chính những người đặt tượng cướp mất quyền tự do và độc lập, thì sự hài hước cũng chẳng kém trường hợp trước là bao!
Nếu linh hồn của con người là trường tồn, và tinh thần chống ngoại xâm của bà Janđa là bất diệt, thì hẳn ở nơi “Thiên đường” bà cũng phải chau mày nổi giận, vì việc làm buồn cười của lũ con cháu mình. Nhưng thôi, chuyện đã quá cũ rồi. Ở vườn hoa Cửa Nam có còn dấu tích gì đâu? Vì từ ngày Nhật đảo chính Pháp, người Hà Nội đã kéo bức tượng ấy đổ xuỗng đất rồi. Và người ta không dẹp cái đống phế tích ấy đi ngay, mà để rất lâu như muốn cảnh cáo những ai đã chọn nhầm chỗ đứng cho mình.
Tôi với anh Quý chỉ mấy ngày đã rất thân nhau. Một hôm chủ nhật anh hỏi tôi:
- Hôm nay là ngày lễ trọng, cậu có đi xem không?
Tôi chưa biết Nhà thờ lớn ở đâu, và cũng chưa bao giờ được xem lễ, nên rất thích. Nhưng lại sợ mình là người bên Lương, nhỡ người ta biết thì sao? Tuy lúc bấy giờ tôi chưa hiểu những sự kiện lịch sử quan trọng như vua Tự Đức đã chém các Linh mục nước ngoài đến nước ta không vì mục đích truyền đạo. Nhưng tôi biết đã có những vụ xích mích giữa các học sinh Lương và Giáo ở trường này, trường nọ, nên tôi rất sợ. Anh Quý bảo:
- Đi! Sợ cóc gì. Tớ làm gì, cậu cứ làm y hệt là được, không ai để ý đâu.
Vâng tôi đi. Đi đến gần cửa nhà thờ, và càng gần tôi càng chột dạ, thấy mình quá bé nhỏ trước ngôi nhà cao, to sừng sững như một trái núi, với những dấu “Thánh gía”chọc thẳng lên trời cao. Hai bên cửa vào có bồn “nước phép” và khăn lau tay. Tôi cũng nhúng, cũng lau tay y như anh Quý. Bước vào cửa tôi cũng khuỵu gối, nhún người, chụm tay chấm lên trán và hai vai như anh Quý dặn. Tôi ngồi xuống ghế bên cạnh anh, đưa mắt nhìn ra chung quanh. Và bây giờ thì tôi hoàn toàn bị choáng ngợp bởi vẻ lộng lẫy và tôn nghiêm của toà thánh đường đồ sộ này. Đang ngồi bỗng anh Quý quỳ xuống nền nhà. Tôi cũng quỳ theo. Nhưng khi anh lầm rầm đọc kinh thì tôi hoàn toàn chịu. Làm thế nào bây giờ? Tôi hích vào sườn anh Quý cầu cứu. Anh ghé vào tai tôi nói thầm: “Cứ mấp máy môi, ê a phứa đi!”. Tôi vội làm theo. và chỉ có hai từ “A men” là tôi nói ra thành tiếng.
Xem lễ xong, chúng tôi ra bờ hồ ăn phở. Rồi anh Quý dẫn tôi đi xem phố Hàng Ngang, Hàng Đào, đi qua chợ Đồng Xuân rồi lên Hồ Tây. Ôi chao! Cái hồ này còn to, rộng hơn hồ Hoàn Kiếm không biết là bao nhiêu lần? Làng xóm bên kia hồ trông xa tít tắp. Nhà cửa còn nhỏ hơn cả những chiếc thuyền con đang đi trên mặt nước kia. Cũng có chùa ở trên hồ. Nhưng người ta không bắc cầu, mà lại làm đường đi ra chùa, nên trông không đẹp bằng hồ Hoàn Kiếm. Anh Quý bảo đấy là chùa Trấn Quốc, còn nơi chúng tôi đứng là đường Cổ Ngư. Anh quý chẳng còn lạ gì Hà Nội, nên anh luôn luôn giục tôi đi nhanh. Chúng tôi đến đền Quán Thánh, rồi qua cửa dinh quan Toàn quyền Đông Dương. Ở cổng có hai người lính đứng gác, yên lặng như hai bức tượng. Trước đây ở khu vườn hoa Cửa Nam, cứ mỗi lần có “đôị sếp” (police) đứng gác đường, người ta lại bảo nhau: quan Toàn quyền sắp đi qua. Tôi liền chạy ra xem. Ô tô quan đi đến đâu, “đội sếp” phải quay mặt vào hè, không được phép nhìn. Mặc kệ. Tôi cứ nhìn. Nhưng ô tô chạy nhanh quá, chẳng lần nào tôi nhìn rõ mặt ông Toàn quyền. Đi một quãng nữa, anh Quý trỏ sang bên kia đường, bảo tôi:
- Bên ấy là vườn hoa Canh Nông, kia là Cột Cờ. Bây giờ muộn rồi, về. Bận sau một mình cậu đến đây chơi cũng được, không phải ai dẫn nữa.
Ngay chủ nhật sau tôi đã đến vườn hoa Canh Nông (Bây giờ đặt tượng Lênin). Có lẽ đây là vườn hoa đẹp và lớn nhất Hà Nội lúc bấy giờ. Đầu vườn hoa, từ phía Cửa Nam đi lại có cái “quán gió”, chung quanh lan can có ghế đá cho khách ngồi. Các luống hoa, thảm cỏ, ghế đá, lối đi, bờ viền ở đây kiểu dáng cũng như ở vườn hoa Cửa Nam. Chỉ khác là nhiều hơn và to hơn mà thôi. Ở giữa vườn hoa nổi lên một bức tượng đài cao, to, đứng sững trên một cái bệ hình chữ nhật. Mặt trước bệ là bức phù điêu, tạc một người nông dân đầu đội nón chúp, vai vác cày, tay giong trâu. Con trâu to hơn trâu thật. Mặt bên kia là một người đàn bà, đội nón khua, mặc áo dài thắt vạt, gánh một gánh trái cây. Mặt thứ ba là một ông già thợ mộc, quấn khăn đầu rìu, nét mặt khắc khổ, một tay cầm đục, một tay cầm dùi đục đang đục. Mặt còn lại là một người đàn ông mảnh khảnh, mặc áo dài, đầu trần, tay cầm sách, nét mặt ngây ngô, chẳng ra suy nghĩ, chẳng ra không.. Trên bệ là một người lính, đội mũ tròn, mặt dài, mũi lõ, tay cầm khẩu súng trường, tỳ báng vào vai, ở tư rthế đang bắn vào thành Cột Cờ.
Nhìn bức tượng này, tôi lại nhớ bài học lịch sử: “Quân Pháp đánh thành Hà Nội”, tôi đã học. Vậy có phải những người làm ra bức tượng này, nhằm tôn vinh chiến công ấy của họ? Và chính người lính mũi lõ kia đã bắn vào lá cờ vàng của nước Đại Việt ta thuở ấy chăng? Nếu đúng thế thì sao lại có tên là vườn hoa “Canh Nông”? Hay để cố quên đi nỗi nhục của kẻ chiến bại, mà người Hà Nội đã lấy bức phù điêu nông dân ở chân tượng làm tên gọi?..
Tôi rất muốn đem thắc mắc của mình ra hói những người lớn tuổi đang chơi ở đây. Nhưng lại sợ như ngày nào ở phố Hàng Gai, bị người lớn mắng, nên lại thôi. Rồi chuyện đó cũng mau chóng quên đi. Mãi sau này lớn lên, đọc lịch sử “Nguyên – Mông”, thấy Thành Cát Tư Hãn tiến quân vào nước Nga, bắt hoàng đế và tướng soái Nga phải đội ván, để ông ta ngồi lên trên uống rượu mừng chiến thắng. Lúc ấy tôi lại nhớ đến bức tượng này, và rất tiếc là khi nó bị người dân Hà Nội kéo đổ, tôi không được trông thấy như tượng “Bà đầm xoè”.
Ông cha ta xưa cũng từng là người chiến thắng. Nhưng đã cho kẻ thua được cưỡi ngựa, chèo thuyền về nước. Tuy có chém vua Xạ Đẩu, bắt hoàng hậu My Ê, nhưng đã phong cho bà là người “trung liệt”, cho lập đền thờ, chứ có ngạo mạn như thế đâu!
***
Từ ngày không chơi với cái Lộc nữa, những lúc bất chợt gặp nhau, hai đứa chỉ tủm tỉm cười. Những buổi đi học và tan học về, cứ phải lẩn tránh mãi cũng chán. Sau tình cờ tôi phát hiện ra một lối đi mới. Nói tình cờ, vì tôi rất thích đi xem các cửa hàng giầy dép. Hôm ấy tan học, trên đường về, tôi đi xem từ hiệu này lân sang hiệu khác, rồi lạc vào phố Hàng Da lúc nào không biết. Ở đây, tôi hỏi thăm đường về Cửa Nam. Thế là lối đi mới được phát hiện.
Một hôm tan học, đi đến cổng chợ Hàng Da, tôi thấy một đoàn xiếc rong đang biểu diễn. Ông trưởng đoàn giới thiệu một tiết mục ảo thuật. Ông ta mặc áo véc kẻ sọc, quần tây ca ki vàng, đầu đội cái mũ phớt dúm dó, nói:
Trò ảo thuật này có tên là “Trâu chui qua ống”. Ngày xưa, khi tổ phụ chúng tôi mới phát minh ra, đã được diễn trình để vua Tự Đức thưởng lãm. Xem xong ngài bảo: “Không phải trâu chui qua ống”. Bây giờ tại đây chúng tôi không có trâu, phải lấy người thay thế. Và cũng xin phép hỏi quý vị: Con trâu có chui qua ống không? Ông ta ngừng lời, nhìn vòng quanh đám đông một lượt rồi tiếp:
- Nào, bây giờ trò vui xin bắt đầu! Xin mời một vị nào trong các quý vị đây, chịu khó trói giúp chúng tôi con trâu đực này - Ông ta vỗ vỗ vào vai anh thanh niên to béo đứng bên cạnh - chẳng nhỡ nó…Nào, xin mời!
Mọi người cười ồ lên. Phải đến mấy phút sau mới có một người bước ra. Ông này cũng mặc quần áo tây như ông trưởng đoàn, chỉ khác chiếc nơ đen ở cổ áo , và hàng ria kiến bò ở mép. Ông ta lấy dây thừng trói hai tay anh thanh niên quặt ra sau lưng. Một chiếc hòm gỗ hình vuông được khênh ra. Nắp hòm có bản lề và khuy khoá cẩn thận. Giữa nắp hòm có lỗ thủng bằng quả bòng. Người ta mở nắp, nghiêng hòm, quay chung quanh cho mọi người nhìn rỏ, rồi cho anh thanh niên ngồi vào trong, đậy nắp và sập khoá lại. Để thật cẩn thận, ông thắt nơ còn buộc chung quanh hòm nhiều vòng dây thừng. Rồi người ta phủ lên hòm một tấm vải xanh, vuông như cái chăn. Bốn người cầm bốn góc chăn, cứ phất lên phủ xuống phập phồng theo nhịp trống, nhịp chiêng và các nhạc cụ khác cùng tấu lên inh ỏi.
Trong khi chờ đợi “con trâu người”, xem có chui qua được cái lỗ trên mặt hòm không, thì một người con gái mặc áo dài, tóc bối, má phấn, môi son, bê cái khay đi quanh vòng người mời mọc:
- Nào, xin mời các quý ông, quý bà mở lòng từ thiện, mở lượng từ bi, giúp đỡ con nhà nghề chúng tôi. Nào, xin mời! Xin cảm ơn!
Người ta bỏ vào cái khay ấy những đồng hào giấy, và những đồng năm xu kẽm kêu lạch cạch. Tôi cũng có một đồng năm xu, nhưng như thường lệ sáng nay đã ăn phở mất rồi. Tôi đành lủi ra phía sau, chờ chị ta đi qua, tôi lại chen vào. Ở giữa mặt hòm, bây giờ đã thấy một khối tròn tròn như cái đầu, cứ từ từ nhô lên cao. Và rồi cuối cùng người bị trói đứng thẳng lên mặt hòm. Tâm vải phủ được bỏ ra. Người anh ta ướt đẫm mồ hôi, hai tay trói buộc vẫn nguyên. Cái hòm vẫn khoá và buộc dây như trước. Ông trưởng đoàn lại hỏi câu thách đố ban nãy, Nhưng chẳng thấy ai trả lời. Ngươit ta chỉ ném thêm những đồng hào giấy và đồng kẽm vào cái khay kêu lạch cạch.
Câu hỏi đó đã ám ảnh tôi suốt cả thời gian dài. Mẫi sau tôi mới hiểu: Chẳng qua, người ta đã mượn cái danh là thực để làm một việc ảo. Hay nói cách khác là người ta đã làm một việc ảo, hoàn hảo đến mức y như thực, chứ có gì đâu.
Càng đi qua lại phố Hàng Da, tôi càng mê đi vì các cửa hiệu giầy. Đủ các kiểu dáng và mầu sắc khác nhau, cỡ to, cỡ nhỏ. Có cả những đôi hài nhung, dát hạt thuỷ tinh mầu, thành hình những con phượng hoàng bay, sáng lấp lánh. Những đôi giầy da hai mầu trắng đỏ để đi mùa hè. Những đôi “xăng đan” mầu mận chín, khoá đồng vàng choé, đế crêp trong như khối mỡ đông…Nhìn xuống chân mình chỉ có mỗi đôi guốc cùn, sơn tróc ra từng mảng. Sáng đi học guốc! Chiều đi học guốc! Tối thứ bẩy, chủ nhật đi chơi cũng lại guốc! Rõ thật chán!
Từ lâu tôi đã ước ao có một đôi dép, như đôi bày ở trong tủ kính kia, nhưng không dám xin anh cả mua. Hôm anh đi biểu diễn ở Hải Phòng về, thấy anh vui vẻ, tôi định hỏi, nhưng ông giáo Đức cứ bám riết, chuyện văn học nghệ thuật gì mà cứ dai như đỉa đói. Thế là tôi không hỏi được.
Chờ mãi mới đến ngày chủ nhật. Hôm ấy tôi dậy thật sớm, cuốc bộ xuống Khâm Thiên. Vừa đi vừa sắp xếp nhũng câu, chữ để nói thế nào cho trôi chẩy. Khó nhất là câu mở đầu. Tôi định mở đầu thế này: “Anh ơi! Em…em…”. Thế là không được rồi! “Anh ơi!” là gọi. Anh ngồi hay đứng trước mặt chứ đâu xa mà phải gọi? Hay là: “Thưa anh…”. Cũng không được nốt! Anh chứ có phải thầy giáo đâu mà thưa rồi mới nói. Cứ suy nghĩ lung tung như thế, cho đến lúc tôi đến căn nhà 118 bís Khâm Thiên. Đây là căn nhà một tầng, hình ống. Anh chị tôi ở phòng trong. Phải đi qua phòng ngoài của gia đình ông Dụ. Ô…anh chị tôi đi vắng. Thật là may! Chẳng phài nói năng gì cả. Trên bàn sẵn giấy bút, tôi viết luôn cho anh mấy chữ: “Kính gửi anh Thiện. Anh mua cho em một đôi xăng đan. Đôi guốc của em cùn mất rồi. Kính thư. Tái bút: Đế crếp anh ạ. Đừng mua đế da chóng mòn”.
Ngay chiều hôm ấy, anh tôi đến Cửa Nam, và đáp ứng đúng yêu cầu. Sáng hôm sau tôi đi dép đến lớp. Đôi dép vừa như in, mỗi bước đi êm như giẵm lên bông. Vừa đi tôi vừa nghĩ: “Chắc bấy giờ trông mình đã ra dáng người Hà Nội rồi! Mà là người khá, chứ người nghèo thì lây đâu ra dép mà đi”. Hà Nội ngày ấy, từ sáng tinh mơ đã vang lên tiếng guốc, của đủ loại người. Người bán hàng rong, thợ may, thợ giầy, thợ cắt tóc, thợ mộc, thợ nề. Thậm chí cả những ông ký nghèo cũng đi guốc đến công sở. Người đi guốc nhiều hơn người đi dép, đi giầy.
Mải đi, không biết là vô tình hay cố ý, tôi lại đi vào đường cũ. Đến cửa nhà cái Lộc, tôi liếc vào, không thấy nó đâu. Bỗng thấy tiếng nó thét lên: “Diện thế!”. Tôi cắm cổ chạy một mạch đến trường.
Nhưng đến khi tan học về thì tôi không buồn bước nũa rồi! Mỗi bước đi lại đau nhói lên tận óc. Cả hai gót chân tôi đều bị quai dép làm trầy da, chẩy máu. Cởi dép ra đi chân đất thì xấu hổ quá. Tôi đành nghiến răng, nhăn nhó, rậm rệch bước đi. Vừa đi vừa tự hỏi: Ai mới lần đầu đi giầy, đi dép cũng đều phải trải qua cái cảnh này ư? Ôi ! Nếu thế thì đời con người thật là khổ! Sướng khổ liền kề, gần như cùng một lúc. Sướng thì ngắn, mà khổ thì dài. Con đường vẫn thế mà tự nhiên cứ dài ra, xa mãi ra. Và cái thằng tôi bây giờ cũng như con nghé ở nhà quê, đang tung tăng chạy nhẩy, bỗng nhiên lại bị xỏ mũi, đi cũng còn đau chứ nói gì chạy nhẩy.
Chiều hôm ấy tôi đành bỏ dép ở nhà. Lại kéo lê đôi guốc cùn đến lớp, và đi đúng vào lối mới phố Hàng Da, chứ không đi nhầm vào lối cũ nữa.
***
Ba tháng nghỉ hè ở quê trôi đi nhanh chóng. Năm học mới đã đến. Anh thứ hai đưa tôi và chú Tiên, con dì Măm lên Hà Nội học. Dì là em ruột mẹ tôi. Trước chú dì ở Sài Gòn. Chú làm bồi cho chủ Tây. Dì làm “chị hai” nuôi con chủ. Khi anh cả vào Sài Gòn, đã có thời gian chú dì nuôi cho ăn học. Sau chú mất. Dì về quê làm ruộng. Trường ở quê kém chất lượng, nên dì gửi Tiên lên Hà Nội. Tiên hơn tôi một tuổi, người đậm, mặt to, tai cũng to, ít nói, hay cười, tính hiền như đất. Tuy chúng tôi là anh em, nhưng mỗi đứa ở một làng, cũng it khi gặp mặt. Giờ được ở với nhau. Thế là từ nay, tôi vừa có em lại có cả bạn.
Chúng tôi đến nhà 116 bís Khâm Thiên, giữa lúc chị Liễu, bạn của anh chị vừa ở Sài Gòn ra, đến chơi. Quà miền Nam của chị có hai bịch sầu riêng và măng cụt. Chị Lan Hà đi chợ về, cả nhà tíu tít làm cơm khách. Chị Liễu đúng là “Người đẹp như trong tranh”. Mặt trái xoan, mắt huyền, môi mọng đỏ. Dáng người mảnh mai, tầm cao vừa phải, cử chỉ dịu dàng, giọng nói nhỏ nhẹ, ngữ điệu du dương, như hát. Sau tôi mới biết chị là người gốc Hà Nội, con út của cụ Tú nho, chuyên cắt thuốc Bắc. Chị Liễu không phải là diễn viên. Nhưng thỉnh thoảng vẫn được anh cả mời đóng những vai chị thích. Chị yêu nghệ thuật sân khấu, nhưng không muốn mình thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. Có thể vì quan niệm: “Xướng ca vô loài” của cụ Tú chăng?
Để khỏi phải đi lại trông nom, anh cả để tôi và Tiên ở Khâm Thiên với anh chị. Và xin cho chúng tôi học ở trường “Trịnh Kiểm” cùng phố. Chúng tôi ăn cơm tháng do một gia đình quen anh chị ở trong ngõ thổi nấu. Ngủ trên chiếc di văng mét hai, trông như cái bục giảng của thầy giáo ở trường. Làm bài cũng ở trên cái bục ấy. Có đêm đang ngủ say, thấy đau quắn ở mông, tôi tỉnh dậy. Anh cả càm cái thước kẻ cạnh đồng, vung lên quát mắng:
- Tao đã bảo phải nằm thẳng. Sao hai đứa lại ôm nhau, hả?
Tôi nằm xuống thẳng băng, vừa xoa chỗ đau, vừa ấm ức nghĩ: Cái ông nghệ sĩ này đến là dở, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cái đẹp mà tự làm khổ mình. ăn cũng không được nhai “tóp tép”, uống cũng không được uống “ừng ực”, nói năng, đi đứng phải nhẹ nhàng, khoan thai, không được hấp tấp, ngồi cũng phải khép nép, không được xạng chân, duỗi cẳng. Chẳng khác gì ông đồ ở nhà quê giảng giải: “Tịch bất chính, bất toạ”. Vâng. Chiếu không vuông góc, ông đồ có thể không ngồi. Nhưng ở đời còn bao nhiêu cái có vuông góc đâu? Trời đất sinh ra vốn thế. Hay do địa thế tạo thành. Ví như cái vườn hoa chéo chẳng hạn, sao không thấy ông đồ chê? Nghĩ vơ vẩn một lúc rồi tôi lại ngủ thiếp đi.
Nhà cửa ở Hà Nội quá chật chội. Gian phòng chúng tôi ở chỉ kê được một giường đôi, một tủ quần áo, bộ bàn ghế, cái chạn con, và chiếc đi văng mới đóng khi chúng tôi đến ở, kê áp tường, giữa lối đi của phồng ngoài đi vào trong sân. Thật bất tiện cho gia đình ông Dụ. Nhất là bất tiện cho bà ấy. Vì bà Dụ phải đi làm đêm. Hôm nào cũng hai ba giờ sáng mới về, lại tắm rửa, lục xục mãi rồi mới đi ngủ.
Ông Dụ làm phiên dịch cho hãng “Oatanabê” của Nhật. Bà làm gái nhẩy ở ba rượu cũng có tên là “Oatanabê”. Ông Dụ người cao to như đô vật. Tối đi làm về, ông thường mặc cái áo ngủ kiểu Nhật dài, rộng thùng thình như áo tế. Tay áo cũng rộng như tay áo tế, chân đi guốc mộc cao, vuông cả gót lẫn mũi, quai guốc xỏ ở kẽ ngón chân cái, trông rất lạ. Ông rất ít nói, nét mặt lúc nào cũng lầm lì như nhà hiền triết. Hầu như chưa bao giờ thấy ông nói chuyện với anh tôi.
Trái lại, bà Dụ người thì nhỏ, tiếng lại to. Bà nói suốt ngày, giọng the thé, chua như chanh. Đêm đi làm về đã tắm rửa rồi, sáng hôm sau lại sai đứa ở đi mua hương nhu, cỏ xả, nấu nước gội đầu. Bà ngồi để chị ở gội, gãi, chải, lau, vuốt sáp rồi uốn tỉa rất là cầu kỳ. Mà bà ta nào có phải là trang “quốc sắc thiên hương” gì cho cam. Mặt diệp cày, lông mày sâu róm, mũi cá lác, miệng cười toét như cái hoa muống cuối thu. Chỉ được cái trẻ. Bà phải kém ông đến hơn mười tuổi. Khổ hàng xóm nhất là khi bà sinh được “cậu ấm” đầu lòng. Nào là mắng vú em, nựng con, sai đứa ở, và làm nũng chồng, cứ ỏm tỏi cả lên.
Không biết từ lúc nào, tôi đã nghe thấy câu thành ngữ: “Ăn cơm Tầu, lấy vợ Nhật, ở nhà Tây”. Thế mà chẳng hiếu sao cái hãng “Oatanabê” nào đó lại lấy bà ta làm nhân viên!
Ngày tôi mới lên Hà Nội, chưa thấy quân Nhật. Bây giờ thì nhiều lắm. Thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng lộp cộp, ngựa của bọn sĩ quan phi trên đường phố. Giữa thủ đô “hoa lệ” của chúng ta, ngựa Nhật cứ tự do bĩnh ra lúc nào cũng được! Người ta đồn rằng quân Nhật chỉ mượn đường đi qua nước ta sang Vân Nam, đánh nước Tầu. Chính phủ bảo hộ không cho, đem quân phòng thủ ở cảng Hải Phòng. Nhưng bất ngờ quân Nhật đổ bộ lên bến đò Khuể, Kiến An, đánh tập hậu phía sau lưng. Quân Pháp trở tay không kịp. Thế là chính phủ Pháp đành nhượng bộ.
Người Nhật đến Hà Nội cũng tỏ ra là khách có văn hoá. Họ luôn luôn nói : “Giô tô nay!” và mỉm cười. Họ vào các hiệu thuốc bắc, bút đàm với các thầy lang bằng chữ tượng hình gốc Hán, làm cho các cụ đồ nho lại có phen rửa nghiên, mài mực. Đi đường gặp đám tang, bao giờ họ cũng nhường đường và giơ tay lên vành mũ chào. Vì thế nên tôi cũng có cảm tình với họ. Thanh niên Hà Nội có người đi đâu cũng kè kè quyển sách dậy tiếng Nhật. Các nhà hàng, quán ba, đua nhau mở cửa. Các nhà “kỹ nghệ lấy Tây” vội vã chuyển hướng kinh doanh về Châu Á. Bỏ váy đầm, lấy Nhật, mặc áo “kimônô”!
Ngày ấy đoàn kịch của anh tôi đang chuẩn bị cho đêm biểu diễn quan trọng ở nhà hát lớn Hà Nội. Anh chị và các diễn viên đi tập suốt ngày. Gần đến ngày biểu diễn , cả đoàn còn chia nhau đem vé đến từng nhà bán. Chủ nhật nghỉ học, tôi và Tiên cũng đi bán vé. Một hôm chúng tôi đi ăn cơm chiều ở trong ngõ về, thấy anh cả đang tiếp chị Liễu và mấy bạn diễn của anh. Chị Lan Hà đi vấng. Khi anh và khách vừa ra khỏi nhà thì chị Lan Hà về, hỏi:
- Anh Thiện đâu?
- Anh đi chơi rồi.
- Đi với ai?
- Anh đi với chị Liễu và vợ chồng anh Khương Mễ. Thế là “choang” một tiếng, chị kéo đổ cái chạn, bát đĩa vỡ tung toé. Tôi vội ôm cái phích để trên bàn đem sang nhà ông Dụ, rồi ra phố, thấy anh đi chưa xa, tôi chạy theo, gọi:
- Anh ơi! Chị Lan Hà…
- Mày cứ về đi!
Anh ngoái lại chỉ nói có thế, rồi thản nhiên đi, coi như việc xẩy ra anh đã biết cả rồi. Tôi về nhà, thấy chị Lan Hà đang xếp quần áo vào va ly, rồi lặng lẽ xách đi.
Sự lo lắng của anh tôi bắt đầu từ chiều ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa vẫn không thấy chị về. Ngày biểu diễn sắp đến nơi rồi. Chị lại đóng vai chính trong vở kịch thơ “Lưu Bình - Dương Lễ”. Làm thế nào bây giờ? Thay người khác thì thời gian đâu mà tập?..
Anh và chị Lan Hà trước đây vốn là diễn viên ở đoàn kịch của một “ông bầu” già người Pháp, tên là Bua- ranh (Claude Bourin), Sau hai người yêu nhau, tách ra lập đoàn mới, lấy tên là “Thanh niên tài tử nghệ sĩ liên đoàn”. Chị là một nghệ sĩ được cả tài lẫn sắc. Giọng ngâm thơ của chị, có lẽ không thua kém gì Linh Nhâm hay Trần Thị Tuyết sau này.
Hôm sau nữa, tan học về, tôi và Tiên vào trong ngõ ăn cơm, đến cổng chúng tôi chợt trông thấy chị Lan Hà ở phòng ngoài chạy vào trong buồng. Được tin chúng tôi báo, anh đi ngay, kết quả là đón được chị về. Mọi lo lắng của cả đoàn được loại bỏ.
Nhưng rồi đến giờ phút cuối cùng thì rắc rối lại xẩy ra, mà lần này mới thật là nghiêm trọng. Vé bán đã hết. Chương trình đêm diễn đã in xong. Băng, áp phích quảng cáo đã treo, dán khắp nơi trong thành phố. Giấy mời các quan chức cao cấp như Đốc Lý thành phố Hà Nội, Thống sứ Bắc Kỳ, anh sai tôi đã đem đi từ ba bốn hôm trước. Hai va ly quần áo biểu diễn đã xếp lên xe. Tôi và Tiên ngồi đợi ở ngoài cửa. Tám rưỡi mở màn, mà gần bẩy giờ rồi, chị vẫn không chịụ ra xe. Anh tôi cuống lên, hết chạy ra cửa lại chạy vào. Ôi chao! Những giây phút chờ đợi ấy mới nặng nề, căng thẳng làm sao! Có lẽ chị không chỉ là một diễn viên, mà còn là “một bà tướng” nũa. Tướng bà đã nhắm trúng thời cơ để hạ gục “đối thủ” vốn mạnh hơn mình, dễ dàng như trở bàn tay. Cuối cùng mãi gần tám giờ chị mới ra xe. Tôi không biết anh đã làm thế nào để chị đổi ý. Nhưng tôi dám đoan chắc rằng anh đã phải quỳ xuống chân chị mà xin lỗi về những sai lầm nào đó đã xẩy ra trước đây.
Anh ngồi xe cùng tôi, đi trước. Chị ngồi xe với Tiên, đi sau. Anh luôn luôn giục người kéo xe chạy thật nhanh. Nhưng quãng đường từ Khâm Thiên lên nhà hát lớn cũng không phải là gần. Quảng trường nhà hát lúc bấy giờ còn cái vườn hoa tròn ở giữa. Cột đèn xa, ánh sáng chỉ lờ mờ. Người phu xe đi chậm lại. Bỗng anh tôi giậm chân xuỗng sàn xe đánh “ra..ắc” một cái, và vừa hét lên, vừa chửi tục. Người phu xe hoảng hốt nhẩy bổ lên bờ vườn! Rõ thật khổ thân bác ta, vì ánh sáng mập mờ, loá mắt, xe nặng, đường xa, chạy vội, hay còn vì bụng đói, chân run nữa đây?!...
May quá, dù sao chúng tôi cũng đến trước giờ mở màn được vài chục phút.
Đây là lần đầu tiên tôi được đặt chân đến nhà hát lớn, một nhà hát có tầm cỡ vào bậc nhất nước ta. Ấn tượng mạnh mẽ đầu tiên khiến tôi loá mắt, choáng ngợp là tấm màn nhung rộng lớn, và các chùm đèn nhiều mầu sắc. Nhìn chỗ nào cũng thấy nhung. Tay vịn cầu thang bọc nhung. Thảm giải cầu thang, nền nhà và các hành lang, cũng bằng nhung. Nhung lụa là của quý, chỉ những nhà giầu mới có tiền mua, may khăn, may áo mặc. Thế mà hầu như cả cái nhà hát to lớn mênh mông này đều được “mặc” toàn bằng nhung cả! Và chỗ nào đèn cũng sáng trưng. Mỗi bóng đèn được đặt trong một cái chụp hình bông hoa, làm bằng thuỷ tinh mầu. Các bông hoa ghép lại thành chùm hoa. Các chùm hoa có mầu sắc xanh, đỏ, tím, vàng khác nhau, được đặt ở đầu cầu thang, và gắn lên vòm trần nhà, thành một “vườn hoa” mọc ngược, muôn mầu nghìn sắc, toả sáng lung linh…
Các nhạc công ngồi dưới sân khấu, trước các hàng ghế hạng nhất của khán giả một chút. Họ đang hoà tấu những bản nhạc du dương trầm bổng, mà lúc bấy giờ tôi chưa hiểu là của những tác giả nảo. Nhưng chắc chắn cũng phải là của các bậc thiên tài như Mô Da hay Bếttôven.
Bỗng thấy mấy tiếng kịch…kịch…từ một nơi nào đó vang lên. Nghe vừa nghiêm trang, vừa náo nức. Tấm màn nhung từ từ mở ra. anh cả mặc bộ com lê lễ phục “si mô kinh”, thắt nơ đen, ra giới thiệu chương trình, bằng song ngữ Pháp - Việt. Cùng lúc đó hai nữ diễn viên, trang điểm lộng lẫy, xách lẵng mây đựng chương trình, cũng in song ngữ, xuống các hàng ghế mời khách mua. Đây là một thứ tiền “boa” (pourboir) cho đêm diễn, khán giả mua hay không là tuỳ lòng. Nhưng người Hà Nội vốn thanh lịch, chẳng mấy ai chối từ lời mời của người đẹp.
Anh cả đóng vai Dương lễ, chị Lan Hà đóng vai Châu Long. Diễn đến cảnh vợ chông Dương Lễ đến thăm quan tân khoa Lưu Bình, thì cả nhà hát vỗ tay vang lên như sấm dậy. Đó là niềm vui của khán giả được xem đêm diễn thành công, và cũng là hạnh phúc, là vinh quang của người nghệ sĩ.
Còn tôi, ngoài niềm vui, tôi còn có thêm cả chút tự hào về người thân của mình nữa. Nhưng tôi vẫn nhớ chuyện cái chạn hôm nào, nên lại băn khoăn tự hỏi: Sân khấu và cuộc đời khác nhau đến thế, thì liệu trên thế gian này có người bạn, người vợ nào thuỷ chung như thế không?...
Sáng hôm sau, hai anh em tôi đến trường. Các thầy cô báo học sinh phải tập trung dưới cột cờ nghe thầy Giàm hiệu nói chuyện. Thầy Giám hiệu đọc tờ “cáo thị” xong, nói:
- Theo các nhà chức trách dự đoán thì quân Đồng minh sẽ ném bom thành phố chúng ta. Vậy từ nay đi học, các con không được la cà dọc đường. Thấy còi báo động phải tìm nởi trú ẩn.
It ngày sau, trường chúng tôi được học thêm bài mới: “Phòng thủ thụ động”. Một môn học chưa bao giờ có in trong sách giáo khoa. Và quả nhiên ít ngày sau, những chiếc máy bay hai thân đen như quạ, đã xuất hiện trên bẩu trời Hà Nội. Tiếng súng, tiếng bom gầm lên dữ dội. Hà Nội nháo nhào rung chuyển. Người ta lao vào các gốc cây, góc tường, hiên nhà, hay bất cứ chỗ nào có một chút gì đó che được kín cái đầu. Khi tiếng gầm rít yên, người ta ngơ ngác hỏi nhau:
- Bom ở đâu đấy?
Ỏ Đấu xảo.
Thế là người ta đổ ra đường, kéo nhau đến khu Đấu Xảo. Tôi và chú Tiên cũng háo hức đi xem. Chúng tôi chưa hiểu chiến tranh là gì, và sự nguy hiểm của nó ra sao? Tuy sợ bom đạn, biết nó là vũ khí giết người, nhưng lại tò mò, muốn trông thấy tận mắt. Đên nơi, chỉ thấy mấy hố bom sâu hút, đất đá, ngói vỡ, dây điện đứt.ngổn ngang. Mấy quãng tường khu doanh trại bị đổ, quân Nhật đã quây cót kín, cầm súng lăm lăm đứng gác. Mấy chiếc xe cứu thương đang chạy từ trong doanh trại ra ngoài.
Trận bom mở đầu ấy đã khiến bộ mặt Hà Nội thay đổi. Người ta chở gạch đến các vườn hoa và chung quanh bờ hồ, xây hầm trú ẩn. Chợ không được họp cả ngày. Xe tải Nhật đã phủ lưới nguỵ trang. Và bộ mặt tươi cười của những ông khách “mượn đường” ấy cũng trở nên lầm lì ít nói. Nhất là ông Dụ, người láng diềng gần gũi của gia đình chúng tôi. Bây giờ ông không còn là người trầm ngâm ít nói nữa, trái lại ông luôn luôn gắt gỏng. Ông vừa mắng chị ở chậm chạp như rùa, rồi lại tát chị vú em, không xi thằng cu, để nó tè vào bộ áo ngủ kiểu Nhật của ông.
Khi nghe thấy cái tiếng “bốp” phát ra từ má chị vú em ấy, chú Tiên cười, bảo tôi: “Cả ông Nhật chính hiệu lẫn ông Nhật giả cùng bấn lên rồi!”. Phải, đúng là ông Dụ đang lo, vì thế sự thăng trầm. Nhỡ ra quân Nhật thua, thì đời ông rồi sẽ ra sao? Chỉ bà Dụ là vẫn bình chân như vại, vẫn ăn ngủ, vẫn tắm gội và điểm trang. Nếu có lúc nào đó phải lo, là bà lo cho chồng. Ông ấy phải đi làm ban ngày, mà “Oatanabê” là hãng buôn của người Nhật, chuyên cung ứng nhu cầu cho quân đội Nhật, cho nên cũng là mục tiêu ném bom của quân Đồng minh. Còn công việc của bà chỉ diễn ra về đêm. Lúc bấy giờ chưa có may bay ném bom đêm, nên bà chẳng sợ gì. Còn cuộc chiến, nếu xoay vần theo hướng xấu, quân Nhật thua, thì bà cũng chỉ việc cởi bỏ bộ “kimônô”, mặc bộ váy áo khác là xong. Quân đội viễn chinh nào mà chả thích ôm gái nhẩy!
***
Tết Nguyên Đán năm ấy, tôi và Tiên vè quê ăn tết. Anh cả không về. Khi chúng tôi trở lại Hà Nội, thì anh đã chuyển đến số nhà 114 Hàng Bột và ở một mình. Chị Lan Hà đã bỏ anh đi mất.
Sau ngày quân Đồng minh ném bom Hà Nội, ông Bua-ranh đã về Pháp, đem theo một số diễn viên người Việt. Trước khi lấy anh cả, chị Lan Hà vốn là học trò yêu của thầy Bua-ranh. Thầy đã đào tạo và đưa chị lên sân khấu. Chị còn được ông nhận là con “đỡ đầu”. Và cũng chẳng ai hiểu ngoài mối quan hệ nghề nghiệp thân tình ấy, còn có gì nữa không? Hay ở nơi sâu thẳm của lòng người, lại còn những gì gì nữa? Hay ông đã nghĩ lại, bỏ qua cho lỗi lầm của chị, và mời chị sang Pháp chăng? Tôi chỉ nghĩ như vậy, chứ không dám nói với anh. Quả nhiên, sau đó anh mới biết chị Lan Hà sang Pháp.
Để khỏi phải đi xa, anh cả xin cho chúng tôi vào học trường “Phổ Thông”, ở cùng phố. Đây cũng là trường tư thục, nhưng là trường lớn, có nhiều cấp và phòng học, ở trong một khuôn viên rộng rãi, có nhiều cây bóng mát và cây ăn quả. Thầy hiệu trưởng còn trẻ. Ngoài công việc quản lý, điều hành, thầy còn trực tiếp dậy lớp cao nhất trường: Cous Superier. Trên thầy hiệu trưởng còn cụ Đốc (Giám đốc, do mọi người suy tôn thành tên gọi). Cụ chỉ giám sát, đôn đốc các thầy, cô giáo. Bọn học sinh lớp tôi bảo: Cụ là em thầy hiệu trưởng trường “Trịnh Kiểm”. Hai người là dòng dõi Chúa Trịnh ngày xưa. Cụ làm quan trong triều đình Huế, nghỉ hưu về đây ở với con trai là thầy hiệu trưởng. Cụ Đốc người to béo đẫy đà, râu tóc bạc trắng như bông. Tôi đã trông thấy tấm ảnh lớn, cụ mặc triều phục, đội mũ cánh chuồn, để trên mặt tủ chè, khảm trai, trong ngôi nhà gỗ lim cổ, mà cụ và cụ bà đang ở. Trông đẹp như ông Tiên.
Một hôm vừa nghe thấy tiếng chuông tan học, thằng Lễ, bạn ngồi cùng bàn với tôi, ở phía trong nhẩy tót ngay lên bàn, lấy mũ để trên giá tung ra cho tôi bắt. Hai thằng vừa xách cặp ra đến cửa lớp thì cụ Độc đến. Cụ ôn tồn hỏi:
- Ai cho phép các con đứng lên bàn lấy mũ ném? Thầy Tín à?
Hai thằng sợ quá, đứng yên không dám nhúc nhích, thằng nào mặt cũng đỏ gay, đầu cúi nhìn xuống đất, im lặng. Cụ lại thong thả nói:
- Bàn của nhà trường sắm để các con học, chứ không phải để nhẩy lên đứng. Mũ, cha mẹ mua để các con đội, phải giữ gìn, chứ không được ném hiểu chưa? Bây giờ ta phạt đây, đứng cách nhau năm bước, đứa tung, đứa bắt. Bao giờ ta cho phép mới được về, làm đi!
Thế là hai đứa tôi phải để cặp xuông đất, cầm mũ, đứa tung, đứa bắt. Học sinh các lớp đi qua, mắt đứa nào cũng nhấp nháy cười ruồi. Tức điên lên được. Có lúc tuột tay rơi mũ, cụ bắt nhặt lên, tiếp tục. Nhìn chúng tôi một lúc chán rồi, cụ thủng thẳng bỏ đi đâu đó. Nhưng chúng tôi không dám bỏ cuộc, vẫn vừa tung bắt, vừa nước mắt chẩy dòng dòng. Chán chê rồi mới thấy cụ quay lại, và vẫn giọng ôn tồn như luc nẫy, cụ hỏi:
- Các con tung thế đã thích chưa?
- Thích rồi ạ.
- Các con trả lời ta thế là không được rồi. Câu nói phải có chủ ngữ chứ? Nói lại đi!
- Bẩm cụ Đốc, chúng con thích rồi ạ.
- Tốt! Thôi ta cho các con về.
Thật hú vía! Học sinh các lớp đã về hết từ lâu, sân trường vắng ngắt. Ngoài cổng trường chỉ con một mình chú Tiên đứng chờ tôi.
Vì “cuộc chơi” bất đắc dĩ ấy, nên hôm nay chúng tôi về muộn, đói quá mà chưa thấy chị Thi bê mâm lên. Tôi đang định chạy xuống bếp giúp chị, thì thấy chị, vai khoác cái thúng, nét mặt lo âu, hốt hoảng nói:
- Chết rồi các cậu ơi! Cháu đi khắp nơi mà không đâu có gạo bán. Làm thế nào bây giờ?
Anh cả đang viết lách gì đó ở trên bàn, buông bút, đứng dậy:
- Làm gì mà ồn lên thế? Để tôi đi với chị, nếu không có gạo, thì cũng phải kiếm cái gì ăn chứ nhịn à?
Đó là những ngày đầu tiên của trận đói khủng khiếp tháng ba năm 1945. Người ở các nơi đổ về Hà Nội kiếm sống. Làm thuê, đi ở, ăn trộm, ăn cắp, cướp giật. Nhưng đông nhất vẫn là ăn mày, lang thang đi đầy đường phố, và càng ngày càng đông lên gấp bội. Chúng tôi vẫn biết có nạn đói, nhưng người ta bảo đói ở mãi Thái Bình, Nam Định kia, chứ Hà Nội thì làm sao mà đói được. Không ngờ bây giờ cả Hà Nội cũng không có gạo bán. Đi một lúc lâu lâu, anh cả và chị Thi mới về, mua được lưng thúng bánh chưng. Cũng còn may là không có gạo bán, nhưng những người làm nghề vẫn kiếm được gạo nếp gói bánh chưng.
Anh cả vốn it quan tâm đến những việc thiết thực về đời sông vật chất hằng ngày. Việc chợ búa mua bán, anh hoàn toàn phó mặc cho chị Thi. Một người giúp việc vừa quê mùa, vừa thực thà đến mức hơi đần. Chị không biết lo xa, chứ người ta biết trước, đã bỏ tiền ra vét sạch gạo ở các chợ từ lâu rồi. Từ hôm ấy nhà tôi ngày nào cũng hai bữa bánh chưng. Không ăn thì đói, ăn vào cổ nóng như nuốt than. Và cũng từ hôm ấy, hễ nghe thấy nói ở đâu có gạo bàn, chị Thi cũng cắp thúng đi. Nhưng tin đồn, trước sau cũng chỉ là tin đồn.
Có câu ca: “Nhất sĩ nhì nông/ Hết gạo chạy rông/Nhất nông nhì sĩ”. Đã hết gạo thì chẳng biết “sĩ” có còn sống không mà xuống hạng nhì, hay đã ra ma?...
Người đói ở các nơi vẫn ùn ùn kéo về Hà Nội. Thoạt đầu trông họ còn lành lặn, còn có xương có thịt. Nhưng đói quá, bắt buộc họ phải bán bộ quần áo lành cuối cùng đi. Hay nói cho đúng là đổi bộ quần áo lấy vài năm gạo, nấu cháo ăn ngay cho đỡ đói. Tôi đã trông thấy một anh thanh niên trần truồng như nhộng, không có gì che thân, giữa thanh thiên bạch nhật. Anh ngồi tựa vào bờ tường ga Hàng Cỏ. Đầu cúi gục nhìn vào lòng mình. Chắc rồi anh sẽ như những người cùng cảnh ngộ. Họ che thân bằng bất cứ thứ gì xin được, nhặt được, như bao tải, vỉ buồm, manh chiếu. Đói quá chân run, bước đi xiêu vẹo, không vững, họ phải dựa vào cái gậy mà lê đi từng bước chậm chạp. Tay cầm cái ông bơ, hay cái bát sứt chìa ra phía trước. Thế là họ đã mau chóng trở thành kẻ ăn mày. Mặc dù trước đó chưa lâu, họ vẫn còn là ông nọ, bà kia, có tên, có tuổi, có quê hương nhà cửa hẳn hoi. Nhưng giờ đây họ chỉ còn một cái tên chung là “kẻ ăn mày”. Họ đi khắp các phố để xin ăn, và để kiếm ăn, nhặt được cái bã mía hay cái lá gói bánh, họ bỏ ngay vào mồm nhai, hoặc thè lưỡi liếm. Họ nằm vật vạ ở đầu đường, xó chợ, gầm cầu, mái hiên để ngủ, và cả để chết nữa. Hà Nội những ngày ấy, nhà nào cửa có mái hiên, thì hầu như sáng nào dậy mở cửa ra cũng thấy vài ba người chết nằm co quắp ở dưới mái hiên. Thậm chí có người mẹ đã chết từ bao giờ rồi, ruồi đã bâu đen cả hai hố mắt, lỗ mũi và khoé mép, nhưng tay vẫn còn ôm đứa con nhỏ còn sống. Đứa bé ngậm cái đầu vú đen sì đang mút chùn chụt. Tôi vội quay mặt bước đi, không dám nhìn. Trời ơi! Thật khổ thân cho nó, nó bú cái vú lép kẹp không còn sữa, vì bản năng của kẻ đói, chứ nào nó có biết sống chết là cái gì đâu!
Một hôm tan học về, anh em tôi đi cùng chiều với đoàn xe ba gác chở gạo từ phía Hà Đông, qua Hàng Bột lên khu Văn Miếu. Đoàn xe kéo theo sau một cái đuôi dài dằng dặc, toàn những người ăn mày. Đủ cả già trẻ gái trai. Với đủ các kiểu bị bọc, túi đeo, nón mê, áo vỉ buồm, quần quây manh chiếu, tay chổi cùn, tay mảnh tôn, tranh giành nhau hót gạo rơi vãi. Họ bâu vào đoàn xe, lấy gậy chọc cho gạo chẩy xuống đường. Bất chấp những cú đấm, đạp xô đẩy mạnh như trời giáng của bọn phu tải. Có người bị đạp ngã chúi mặt xuống đường, nằm một lúc sau mới lóp ngóp bò dậy được. Có người chạy dạt ra, tránh những cú đấm, đạp, rồi lại lao vào, bâu lại như đàn ruồi, và lại tranh nhau quét, hót, bốc, vét, thu nhặt từng hạt rơi vãi. Có người nhặt được hạt nào, bỏ ngay vào miệng ngấu nghiến nhai ngay hạt ấy.
Bỗng có hai chiễc ô tô tải chở đầy lính Nhật đi cùng chiều chạy đến, bấm còi inh ỏi. Đoàn ba gác tránh vào bên đường. Nhưng bọn người ăn mày thì không. Vì những hạt gạo rơi vãi ở giữa lòng đường, nên họ vẫn cúi rạp xuống quét, hót, bất chấp cả hiểm nguy. Xe lính không đi được. Bọn chúng xì xồ nói với nhau giây lát, rồi hàng chục thằng nhẩy xuống đường. Chúng giơ báng súng lên và thả sức nện vào những cái lưng gầy trơ xương, đang cúi gập giữa lòng đường!!
À…ra thế! Bấy giờ tôi mới hiểu. Có lẽ người Nhật nóng tính, hay quên. Mới hôm nào họ bảo họ là “Khách mượn đường”. Thế mà nay đã quên. Nếu không, sao “khách” lại đánh “chủ”? Hay là họ có thế giới tâm linh sâu sắc, sùng đạo Phật, coi “sống là gửi, thác là về”, nên họ nhường đường, và chào các đám tang khi đi qua, để tỏ lòng kính trọng người đã chết. Còn người sống chỉ là “gửi”, chắng có gì đáng quan tâm, cho nên họ cứ việc đánh đập hay tự do bắn giết?...
Có một điều rất lạ là trong lúc tranh giành nhau từng hạt gạo rơi vãi, và cả những lúc bị đánh đập dã man như vậy, nhưng những người ăn mày không hề kêu ca, van xin hay nói năng bất cứ một điều gì. Tất cả đều im lặng. Họ không còn đủ sức để nói, để kêu ca nũa chăng?. Hay im lặng chính là tiếng nói mãnh liệt nhất, đáng giá nhất để nói cái điều đáng nói nhất là: Vì sao họ lại đói?...
Trước nạn đói khủng khiếp ấy, có lẽ Chính phủ bảo hộ Pháp cũng không thẻ bỏ mặc dân chúng thủ đô của một “thuộc quốc” chết đói hêt được. Cho nên họ cũng tổ chức được một số cửa hàng bán gạo sổ. Gia đình chúng tôi cũng được cấp sổ, nhưng chỉ còn ba khẩu. Vì từ ngày đói, các hoạt động văn hoá, nghệ thuật đều bị đình đốn. Anh tôi đã thành ra người thất nghiệp, nên buộc lòng phải cho chị Thi thôi việc. Khi từ biệt chúng tôi chị khóc nức nở. Biết chị cũng không còn con đường nào khác là đi ăn mày. Chúng tôi thương chị lắm, nhưng chẳng còn cách nào hơn. Khi tiễn chị xuông dưới chân cầu thang, tôi cũng không cầm được nước mắt.
Đến ngày đong gạo sổ, tôi phải nghỉ một buổi học để đi đong. Tôi đến cửa hàng gạo, người xếp hàng đã dài dằng dặc. Nhưng người ăn mày chầu chực ở đây để nhặt nhạnh những hạt rơi vãi, để xin, và cả để bốc trộm nữa, còn đông hơn nhiều. Lần đầu tiên phải đứng xếp hàng chờ đợi thật là sốt ruột. Tôi đang nghển cổ đếm xem, còn bao nhiêu người nữa thì đến lượt mình. Bỗng thấy tiếng kêu thét lên: “Ối..ối.. các ông, các bà ơi! Cư..ớp! Nó cướp của tôi cái bánh!”. Ở bên kia đường, bà bán bánh chưng đang kêu la. Bà ta vừa đuổi, vừa cầm đòn gánh vụt tới tấp vào đầu, vào vai một người đàn ông còm nhom, rách rưới. Người ăn mày chạy, hai tay giữ cái bánh ở miệng đang cắn xé, giằng lạt buộc và lá gói ra để cắn, mặc kệ chiếc đòn gánh muốn vụt vào đâu thì vụt. Có lẽ đau ở đâu cũng không đáng sợ bằng đau ở cái dạ dầy trống rỗng đã quá lâu chăng? Rất nhiều người cùng kêu lên: “Thôi, thôi, cho người ta. Đánh thế thì chết mất còn gì”. Nhưng bà hàng đã giằng lại được chiếc bánh và quay về. Chiếc bánh đã bị cắn nham nhở, không thẻ bán được nữa. Cái đói đã xô đẩy con người trở lại cái gốc nguyên thuỷ của nó là “động vật” rồi sao?...
Từ khi có gạo sổ, cả Hà Nội bừng lên như cánh đồng khô hạn sau mưa. Người ta thở dài nhẹ nhõm, trút được nỗi lo chết đói. Và trên đường phố xuất hiện ngày càng nhiều xe “cứu tế” của thanh niên, học sinh, sinh viên. Họ kéo những chiếc xe ba gác được rửa sạch sẽ, quây cót quanh thùng xe, căng băng rôn, kêu gọi tinh thần tương thân, tương ái, cứu giúp đồng bào hoạn nạn. Có tấm băng viết nguyên cả câu ca dao: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương…”. Xe cứu tế đi đến đâu, dân hai bên phố cũng đem cơm ra đổ vào thùng xe. Người ta nấu cả nồi cơm để chờ xe cứu tế đên, chứ không phải chỉ cơm thừa, cơm nguội. Những xe cơm trắng phau, đầy chất ngất, nối nhau đi, hết ngày này sang ngày khác. Có những thiếu phụ, quần áo và hai bàn tay trắng muốt, cầm kéo đứng ở vỉa hè, cắt tóc cho những người ăn mày, chẳng ngại gì bẩn thỉu. Những mớ tóc xanh, tóc bạc, rơi xuộng cống rãnh, chấy rận bò lúc nhúc…
Người đói nhiều quá, và vẫn tiếp tục đổ về Hà Nội. Một mình người dân Hà Nội làm sao cứu xuể. Cứu thì vẫn cứu, mà chết vẫn chết. Người chết nằm la liệt khắp nơi. Mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Sáng nào cũng có đoàn xe hòm đi nhặt xác chết hối hả , ngược xuôi.
Một buổi sáng hai anh em tôi ra sân thượng rửa mặt, nhin sang bên kia đường đếm được vừa đúng mười hai người chết, nằm ngổn ngang trên bãi chứa gỗ của xưởng mộc bên kia đường. Ngày ấy Hàng Bột còn có đường tầu điện chạy dọc phố, vỉa hè bên đường tầu còn nhiều đoạn chưa lát gạch, cỏ mọc xanh rì. Chiều hôm qua tôi đã trông thấy mấy người ăn mày đi vật vờ trên đường, khi thấy bạt cỏ, họ cố sức chạy, có người chưa kịp đên nơi đã đổ vật xuống, úp mặt xuống mặt đường. Nằm một lúc cho tỉnh lại, rồi người ấy bò nhích dần lên bạt cỏ, và cả hai tay cùng vặt cỏ bỏ vào miệng nhai như mấy người đã đến trước. Trời ơi! Chết như thế này mới khủng khiếp làm sao! Trước khi chết họ đã hoàn toàn mê lẫn rồi. Họ là người chứ có phải là trâu đâu? Cỏ thì làm sao có thể cứu được người!
Chúng tôi thấy ông chủ xưởng gỗ mở cửa bước ra. Đứng nhìn một lúc, rồi ông xắn tay áo lên, bê từng cái xác hôi thối ấy, đặt thành một hàng dài, đầu về đằng đầu, chân về đằng chân. Ông ông vuốt mắt cho từng người, rồi lấy bao tải của họ, rọc ra từng mảnh phủ mặt cho cả mười hai người. Rồi ông vào nhà, chỉ vài phút sau ông đã thay quần áo, dắt xe ra. Cả hai chúng tôi cùng nhìn vào mặt nhau, và cùng định nói một câu: “Chắc ông ấy đi báo Sở Cẩm”. Nhưng rồi không nói được, vì đứa nào cũng đầm đìa nước mắt!
Và cũng chính cái buổi sáng khủng khiếp ấy, khi đi học, chúng tôi thấy một người đàn bà nằm ở vỉa hè, tưởng là chị Thi, nhưng đến gần thì không phải. Chị ta nằm nghiêng nhìn dõi theo một ông Cố đạo đang đi ở dưới đường. Khi ông Cố đến gần, chị ta lên tiếng yếu ớt:
- Lậy cha! Xin đức cha hãy cứu giúp con!
Ông giáo sĩ người Pháp, râu dài, mặc áo chùng thâm, đội mũ trắng rộng vành, đạp chiếc xe duyra trắng toát. Thấy ông xuống xe, anh em tôi đứng lại xem. Vì nghĩ chị này may quá, chắc Cha sẽ cho nhiều tiền đây! Cha vén áo ngoài, móc túi lấy ra một lọ dầu bạc hà hình trụ, bằng gỗ. Cha mở lọ dầu, xoa hai bên thái dương cho con chiên, và “ban” một lời khuyên bằng tiếng Việt rất sõi”
- Dù hoàn cảnh nào, con hãy vững lòng tin ở Chúa! Lời khuyên dứt, cả hai người cùng nói “A men”. Rồi ông giáo sỹ lên xe đi. Thấy thế tôi đâm ra ghét ông Cố và nói với chú Tiên:
- Sao ông ấy, không cho chị ta lấy một vài hào, hay ít nhát là một xu, mà chỉ có mỗi lời khuyên và một chút dầu bạc hà, nhỉ? Tiên cười, bảo:
- Nhỡ ông ấy quên ví tiền ở nhà rồi thì sao?
Hay cũng như bên Lương, các nhà tu hành họ chỉ quan tâm đến “phần hồn” của mỗi kiếp sinh?...
***
Có lẽ những ông khách “mượn đường” người Nhật ấy, ở nước ta lâu, cũng sinh ra mến cảnh, mến người. Nhất lả cảnh và người Hà Nội, cho nên họ phớt lờ Chính phủ bảo hộ đi. Vì biết rằng người Pháp cũng chẳng làm gì được họ. Để nắm lấy cái gốc là người bản xứ, họ đưa ra thuyết lý “Đại Đông Á”. Nhật - Việt cùng máu đỏ da vàng. Họ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam giành lại độc lập v.v…
Ô hay! Nói vậy chẳng hoá ra những người khởi xưỡng ra lý thuyết ấy lại không hiểu rằng Trung Quốc cũng là một nước ở Châu Á, và người Trung Hoa cũng máu đỏ da vàng hay sao? Nhưng thôi. Người Nhật ở nước ta lúc bấy giờ đang là kẻ mạnh. Họ muốn nói gì chẳng được. Dẫu sao thì họ cũng làm cho bầu không khí chính trị ở Hà Nội đỡ ngột ngạt hơn trước. Người ta có thể công khai nói đến những từ ngữ như “cách mạng” hay “độc lập”, mà không phải sợ bọn phòng nhì, mật thám nữa.
Cũng nhân đó mà ngày kỷ niêm Hai Bà Trưng năm ấy, thanh niên, sinh viên Hà Nội tổ chức mít tinh rất lớn ở khu Việt Nam học xá. Hai anh em tôi cũng nô nức đi xem. Phố nào cũng tập trung người, và đi theo từng ngành nghề riêng, có băng chữ như: “Liên đoàn thợ giầy”, “Liên đoàn thợ cạo”, hay “Chị em chợ Đồng Xuân” v.v…
Giũa khu đất trống người ta dựng một tấm panô rất to, vẽ Hai Bà Trưng ngồi trên bành voi, tay cầm cờ vàng, tay trỏ về phía trước. Dưới chân voi là đoàn quân giáo gươm tua tủa bước đi. Trước panô để cái hương án sơn son thiếp vàng, trên có chiếc đỉnh đồng cực lớn, đốt trầm, khói bay nghi ngút. Hai bên cánh gà để hai dẫy bàn dài, trên bày toàn bánh dầy trắng muốt. Người ta cắm cọc, căng dây, chia bãi thành các ô vuông cho các đoàn vào ngồi. Hai bên rìa ngoài là các ô dành cho những người ăn mày. Vì sau mít tinh sẽ phát chẩn bánh dầy, nên tất cả ăn mày ở Hà Nội đều kéo đến. Người đông nghịt. Chưa bao giờ anh em tôi được thấy một cuộc tập hợp nào đông người đế thế. Sau bài diễn văn tưởng niệm Hai Bà, Ban tổ chức vừa tuyên bố bế mạc, thì tất cả những người ăn mày cùng ào ào xông lên cánh gà. Họ tranh nhau, xô đẩy nhau, giẵm đạp lên nhau mà chạy lên. Ai cũng sợ mình mất phần. Thế là hoàn toàn rối loạn. Hai anh em tôi vội vàng nắm tay nhau co cẳng chạy. Không biết trong cuộc tranh giành ấy, kết cục có bao nhiêu người bị giẵm chết?
Chỉ khoảng mười ngày sau cuộc mít tinh khổng lồ ấy, Hà Nội lại bùng lên một vụ rung chuyển mới! Đó là ngày Nhật đảo chính Pháp. Vào khoảng bầy giờ tối. Giữa lúc chúng tôi đang ăn cơm. Bỗng thấy tiêng đại bác đùng!...đùng!... gầm rit lên, rung chuyển cả bầu trời Hà Nội. Đó là những loạt đại bác mở đầu, tiếp theo là các loại trung, đại liên và súng trường cùng vang lên dồn dập. Không ai biết có chuyện gì xẩy ra, và xẩy ra ở đâu? Chúng tôi chạy ra sân thượng nghe ngóng. Người ở dưới đường chạy nháo nhác. Người ta bảo súng ở khu Đấu Xảo, và nhiều nơi trong thành phố. Anh cả chạy xuống dưới nhà hỏi ông Trưng, người có xưởng cơ khí vẵn sửa vũ khí cho quân Nhật, xem ông có biết tin tức gì không. Nhưng ông Trưng cũng không biết gì hơn.
Mãi sáng hôm sau dân Hà Nội mới biết đêm qua quân Nhật đã bất ngờ tấn công quân Pháp, giũa lúc họ đang ăn bữa tối. Quân Pháp không chống cự nổi, đã đầu hàng. Từ sáng tinh mơ, từng toán lính Nhật, súng cắm lưỡi lê lăm lăm trong tay, xông vào các phố tìm bắt những người Pháp lẩn trốn. Anh em tôi đứng trên sân thượng, trông thấy lão Chánh cẩm người Pháp, ở bốt Ngã Tư Sở bị bắt giải đi dưới phố. Hai tay lão bị trói quặt ra sau lưng, khoé mép có dòng máu chẩy xuống cằm. Bọn Nhật trông thấy chúng tôi, liền vẫy súng ra hiệu phải vào trong nhà. Sợ quá, hai anh em tôi vào nhà, đóng cửa lại.
Thế là sau hơn tám mươi năm chinh phục và đô hộ nước ta, giờ đây bộ máy thực dân Pháp đã bị quân Nhật đập tan không đầy một tiếng đồng hồ. Cuộc chính biến, hay nói cách khác là cuộc thanh toán, hất cẳng nhau giữa hai thế lực ngoại bang ấy, đã làm đảo lộn cuộc sông của người Hà Nội. Các công chức người Việt bỏ công sở, nằm yên ở nhà nghe ngóng. Các trường học, công cũng như tư đều đóng cửa. Hệ thống giáo dục cũ hoàn toàn sụp đổ. Hệ thống mới chưa có. Và chẳng biết từ đâu đã nhanh chóng lan truyền câu đông dao: “Ông đốc về Tây/ Thầy giáo đi cày/Học trò kiếm củi”.
Sau ít ngày nghe ngóng tình hình, anh cả quyết định cho hai anh em tôi về quê. Thu xếp xong anh đưa chúng tôi ra ga Hàng Cỏ, lấy được vé thì đã sắp đền giờ tầu chạy. Các toa người đã chật cứng, không có chỗ chen chân. Anh cả thuê người bốc vác xách va ly lên tầu, nhưng anh ta cũng không chen lên được. Chẳng đắn đo gì, anh ta ném luôn chiếc va ly qua cửa sổ toa tầu, rồi bốc luôn hai thằng chúng tôi lên, và cũng ném y như vậy. Hành khách kêu la toáng lên, nhưng rồi thấy hai đứa trẻ con, người ta cũng phải giãn ra, nhường cho chúng tôi một tí chút chỗ ngồi.
Thế là bất đắc dĩ tôi đã phải dời Hà Nội, và ra đi cũng bằng cái lối bất đắc dĩ như vậy. Một hồi còi vang lên, tầu từ từ chuyển bánh. Thôi chào Hà Nội! Hà Nội của tuổi thơ tôi! Chắc chẳng bao lâu sẽ gặp lại. Nhưng không ngờ chuyến đi ấy đã chấm dứt quãng đời học sinh ngắn ngủi và dở dang của tôi. Để rồi đúng mười năm sau, khi đi kháng chiến chông Pháp trở về, tôi mới có dịp trở lại Hà Nội.