Chương 3 "Một thời giông bão"
tahuudinhqn 02.05.2012 18:27:55 (permalink)
                            THẦM LẶNG                                      (Tiểu thuyết “Một thời giông bão”của Tạ Hữu Đỉnh)
Anh Thuỷ đưa tôi về Quận Ba, Ty Công an liên tỉnh Quảng Hồng. Thời gian này quân Pháp đã chiếm đóng toàn bộ khu mỏ, suốt từ Cửa Ông, Cẩm Phả, Hồng Gai, Uông Bí, Đông Triều. Quận đóng tại nhà một người thiểu số ở Ninh Tràng. Đây là một thôn nhỏ nằm dưới chân dẫy núi Yên Tử hùng vĩ. Đêm tháng mười ở đây trời đã lạnh lắm. Nhà nào cũng đốt lửa. Củi để cả cây, đốt suốt đêm. Chẳng bù cho quê tôi phải quét lá tre, nhổ gốc rạ thổi nấu, làm gì có củi mà sưởi như ở đây. Tôi nhớ nhà quá, lại vừa bị lạnh đêm không ngủ được. Không có chăn, anh Thuỷ ôm tôi, ủ ấm cho tôi. Hôm ở nhà chuẩn bị đi, hành trang của tôi chẳng có gì. Không màn, không chăn, chỉ hai bộ quần áo nâu, bộ mặc, bộ để trong túi vải. Chiếc mũ trắng và đôi dép da tôi đem ở Hà Nội về năm trước, nay đã cũ, rách, mà anh Thuỷ bảo không dùng được. Mũ trắng máy bay địch dễ phát hiện, dép da lội suối ngấm nước.
Mẹ tôi không muốn cho tôi đi. Mẹ bảo: “Mày còn bé thế đi thi…”. Mẹ không nói hết câu. Mẹ lo đạn bom, khói lửa, tôi còn nhỏ dại, không biết giữ thân chăng? Ôi, mẹ lo xa quá! Lứa tuổi mười sáu đầy mơ mộng như tôi, được đi đánh giặc cứu nước là sung sướng rồi, còn sống hay chết nào có xá gì đâu.
Biết không thể giữ tôi ở nhà được, mẹ đi chợ mua cho tôi cái khăn mặt, và đôi dép cao xu trắng mác “ngựa bay”. Một chuyến đi lâu dài, không biết bao giờ mới về, và cũng không chắc có ngày về nữa không. Nhưng sự chuẩn bị cũng giản đơn thế thôi, không có hoa trao, quà tặng. Không liên hoan, không người đưa tiễn, như những lớp người sau nối tiếp ra đi.
Như con chim được sổ lồng, tôi vội vàng xách túi chạy đi. Đến giữa sân mới nhớ, tôi chào với lại: “Mẹ ở nhà, con đi đây!”.  Mẹ gọi giật lại, ấn vào túi tôi hai đồng bạc tiền “Đông Dương”. Lúc bấy giờ năm xu một quả trứng vịt luộc, lại có cả muối tiêu, thì hai đồng là món tiền đáng kể rồi.
Sau mấy ngày nghỉ ngơi, anh Thuỷ và tôi được Ty quyết định điều về Quận Công an Hồng Gai.
Rời Ninh Tràng từ sáng sớm, đoàn chúng tôi đi sâu vào trong rừng Yên Tử mù sương. Người nọ cách người kia chỉ năm sáu bước chân mà nhìn người đã lẫn với cây. Sương đọng trên lá thành nước, tí tách rỏ giọt xuống thàm lá khô, rơi cả vào cổ áo lạnh ngắt . Đi trong rừng mà tưởng như đi trong mây. Đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy rừng. Ôi chao! Rừng mới đẹp đẽ và hùng vĩ làm sao!. Nó hoàn toàn khác với sự tưởng tượng của tôi. Trước đây tôi vẫn tưởng  rừng và núi là hai thứ khác nhau. Núi toàn đá sỏi, chỉ có lau sậy, gai góc như dẫy núi ở Thiên Đông - Rực Liễn quê tôi. Còn rừng phải là vùng đất bằng phẳng, mầu mỡ, cây cối xanh tươi và to mới gọi là rừng. Thế này là cây mọc ở trên núi, từ những ngọn cao chót vót. mọc tràn lan xuống các thung lũng sâu hút mắt. Đúng là rừng chồng lên trên núi, phủ lên trên  núi một lớp áo xanh biếc bao la, trùng điệp. Rừng và Núi, tên gọi khác nhau nhưng lại là một. Tre gỗ chen nhau tua tủa, lao thẳng lên trời cao. Lại có cánh rừng thuần chủng tự nhiên, mọc toàn cây lim, thân to hàng ôm. Có cây đến hai người ôm, đồ sộ đứng sát bên nhau, thẳng tắp, cao đến mấy chục mét, phải ngửa mặt lên mới trông thấy ngọn. Thật là vĩ đại! Và đúng như câu thành ngữ nói: “Tiền rừng bạc bể”. Những cây gỗ này mà ngả xuống, chở về xuôi làm nhà, đóng đồ thì biết bao nhiêu tiền mà kể. Chỉ riêng những cành khô, cây đổ làm củi cũng đã nhiều tiền rồi, Chẳng bù ở dưới xuôi, nhà tôi có cây xoan vườn khi ngả xuống sửa nhà, đầu gỗ cắt ra, ông tôi phải cất đi cẩn thận, để dành lúc có người ốm bổ ra sắc thuốc.
Không khí ở trong rừng như loãng ra, nhẹ tênh, và lúc nào cũng phảng phất mùi lá mục, lẫn với hương thơm của hoa lá, Không có tiếng ồn ào hoạt động của con người, chỉ có tiếng suối reo, chim hót. Có những tiếng nghe rất lạ, tôi chưa từng thấy bao giờ. Tôi hỏi anh Thuỷ con gì đấy? Anh bảo con: “Thủ thỉ thù thì”, hay con: “Bắt cô trói cột”. Ôi thiên nhiên kỳ thú biết bao!
Nhưng niềm say mê vui thích đó ở với tôi có buổi sáng thôi. Đi đến trưa thì tôi đã mỏi chân lắm rồi, nhất là lúc phải leo dốc, mỗi bước đầu gối chỉ muốn khuỵu xuống. Cảnh vật núi rừng vẫn thế, nhưng tôi không còn hứng thú ngắm nhìn nữa, chỉ mong mau chóng đến nơi. Mà cái nơi mong mỏi ấy ở đâu thì tôi lại hoàn toàn chưa biết. Phải cố lên, theo kịp anh không thì lạc, mà lạc ở đây thì đúng là: “Chim chích lạc vào rừng xanh” rồi. Cố lên! Tôi tì người vào đầu gậy, bám vào dây leo đu mình lên. Nhưng sang đến buổi chiều thì tôi theo không kịp nữa. Anh Thuỷ phải dừng lại chờ. Nhiều chỗ anh phải kéo tôi lên. Chưa bao giở tôi phải đi bộ một cuốc đường xa và hiểm trở đến thế. Người ta hay nói: “Kháng chiến gian khổ”. Có lẽ một phần của sự gian khổ ấy đang là con đường dài dằng dặc này chăng?...
Mãi gần tối, chúng tôi mới đến địa điểm nghỉ chân. Đó là xã Quảng La huyện Hoành Bồ. Cái thung lũng này khá bằng phẳng, nằm lọt thỏm giữa rừng đại ngàn, chỉ có vài ba chục nóc nhà người Kinh và người Thanh Y sinh sống.
Ngày hôm sau, chúng tôi nghỉ lại Quảng La, vì chưa có chuyến giao thông đi tiếp. Anh Thuỷ bảo Quận công an Hồng Gai hiện đang ở Xích Thổ. Tôi chẳng biết Xích Thổ ở đâu, nhưng chỉ nghe cái tên cổ kính ấy đã thấy nó xa vời vợi, muốn rùng mình rồi.
Chúng tôi đang nằm chờ giao thông, thì anh Thuỷ nhận được lệnh của Ty: Kết hợp giúp đỡ Công an huyện Yên Hưng, diệt ba tên phản động ở các xã Động Linh, Khoái Lạc. Lúc bấy giờ Ty đã có Đội biệt động, chuyên trách việc trừ gian, do anh Bích Bé phụ trách. Nhưng đội này đang hoạt động ở vùng khác, không điều về kịp. Côn an Yên Hưng cho anh Toán đến đón chúng tôi. Đêm hôm ấy anh Toán dẫn chúng tôi về Động Linh, giao cho một gia đình cơ sở, rồi anh đi lo việc điều tra để đêm sau hành động.
Không ngờ hôm sau gia đình này có buổi lợp nhà. Vật liệu đã chuẩn bị. Người làm giúp đã mời, không hoãn được. Thế là hai anh em tôi phải vào buồng nằm trùm chăn kín mít suột một ngày dài dằng dặc. Không được ăn uống, nói năng, đi lại đã đành. Khố nhất là không được đi giải. Anh Thuỷ lại nghiện thuốc lào, muốn ho phải bóp cổ, úp mặt xuống gối “khục” một tiếng thật khẽ. Bởi vì từ sáng tinh mơ, những người lợp nhà đã leo lên mái, dỡ  rạ cũ, quét mái, thay riu mè mục, buộc lạt rồi lợp rạ mới. Mãi gần tối công việc mới xong. Nghe thấy họ đi ăn cơm, chúng tôi vội tung chăn, lẻn ra hè làm cái việc mà lẽ ra đã phải làm trước đó mười hai tiếng!
Chúng tôi vừa ăn cơm xong thì anh Toán đến dẫn đi. Hai anh em tôi đến và đi đều về ban đêm, nên chẳng biết vùng dân cư này hình thể ra sao. Chỉ biết hai làng nằm sát bốt Yên Lập, một vị trí tiền tiêu quan trọng, bảo vệ đường Mười Tám và Quân khu Quảng Yên của địch. Đêm ấy chúng tôi bắt Lý Cường và hai tên làm chỉ điểm cho giặc, rồi rút về Quảng La an toàn.
Vì nguyên tắc bí mật, có nhiều điều tôi muốn biết, nhưng không dám hỏi. Khi đi đến Xích Thổ rồi tôi mới biết đây là một xã giáp biển của huyện Hoành Bồ. Quân Pháp đã chiếm đóng, và lập một Chi khu quân sự quan trọng ở đây để bảo vệ khu mỏ Hồng Gai. Vì thế chúng tôi phải đi xuyên rừng bằng đường bí mật, chưa có dấu chân người, do các nhân viên giao thông tạo ra, bằng cách chém cành cây đánh dấu, mà chỉ họ mới nhận biết được.
Quận Công an Hồng Gai đóng ở nhà ông chủ tịch xã. Tuy về danh nghĩa Pháp đã chiếm huyện Hoành Bồ, nhưng đây là một trong những xã ở xa huyện lỵ, chúng chưa lập được tề. Tuy là cơ quan Quận, nhưng chỉ có ba người ở nhà. Một quận trưởng, một quận phó, một thư ký kiêm liên lạc, kiêm luôn cả cấp dưỡng. Họ đón chúng tôi rất thân mật, niềm nở, nhất là với anh Thuỷ, hai bên đã biết nhau từ trước. Đọc thư tay và quyết định của Trưởng ty xong, anh Ngọc, Quận trưởng nói:
Đang thiếu người trầm trọng, được bổ sung các cậu, bon mình mừng lắm. Các cậu cứ nghỉ ngơi rồi Quận sẽ bố trí công tác sau.
Ông chủ nhà có đứa em trai cùng tuổi tôi. Hai thằng thân nhau ngay khi vừa biết tên, biết tuổi. Nó tên là Tú. Ngày nào Tú cũng dẫn tôi đi chơi. Đây là một làng miền núi, dân cư thưa thớt, ở rải rác dưới các chân đồi. Ruộng lúa ít và xấu, chỉ nương sắn thì nhiều. Dân nghèo, nguồn sống chủ yếu là dựa vào rừng, và đi ngòi ở ngoài bãi sông. Một hôm Tú hỏi tôi:
- Cậu có thích đi xem thành Nhà Mạc không?
- Ơ…ở đây mà cũng có thành Nhà Mạc à? Đi!
Tôi đã được sờ tay vào bức tường thành cổ kính ở Cửa Bắc, kinh đô Thăng Long xưa. Và đã học lịch sử, biết sự nghiệp Nhà Mạc rồi, giờ lại được đi xem dấu tích của nó thì còn gì bằng.
Chúng tôi leo lên đỉnh đồi. Nào có còn thành quách gì đâu? Đồi toàn cây hoang cỏ dại. Thời gian ấy là đầu mùa đông, trời nắng hanh, đồi khô cỏ héo. Hoa bông lau đã tàn, bông bay tả tơi trong gió. Chúng tôi phải vạch cây, bới cỏ mới tìm thấy chân thành, cũng có chỗ chân tường còn nhô lên trên mặt đất, rõ cả bồn góc hình chữ nhật rất hẹp. Tú bảo đây là khu tầu ngựa. Tôi ngồi xuống chân phế tích, trước cảnh “Bãi bể nương dâu” biến đổi, khiến tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại hình ảnh những chiến binh xưa, tay cầm giáo, cưỡi trên lưng ngựa, xông pha ngoài bãi chiến trường, được vẽ trong sách giáo khoa cũ. Về mặt quân sự, tôi không hiểu Nhà Mạc chiếm cái mẩu đất chênh vênh heo hút ở nơi đầu non cuối bể này để làm gì? Còn về sự nghiệp của họ tuy cũng có một thời dọc ngang vùng vẫy, nhưng cái tiếng “Nguỵ triều” thì có lẽ đến muôn đời cũng không rửa được. Không biết bọn “Nguỵ quyền “ bây giờ có trông thấy cái gương ấy không?...
Qua mấy ngày nghỉ ngơi. một hôm anh Ngọc dẫn tôi ra chân đồi. Hai anh em ngồi xuống bãi cỏ. Anh hỏi:
- Cậu trước học ở Hà Nội à ? Đi kháng chiến có nhớ nhà không?
- Vâng, Có ạ.
- Ừ, bọn tớ lớn cả rồi mà lúc rỗi cũng nhớ Hà Nội ra phết.
Tôi biết anh Ngọc là người Hà Nội, qua những câu chuyện đêm ngồi bên bếp lửa nướng sắn. Anh kể về vụ “Ôn Như Hầu”. Anh là một trong số các chiến sĩ an ninh đã đột nhấp vào cái hang ổ khét tiếng ấy của bọn Quộc dân đảng. Người anh hơi thấp, béo, da đen như “Tống Giang” trong truyện “Thuỷ hử”, khoảng ngoài ba mươi tuổi. Tôi rất kính phục anh vì lòng dũng cảm và hiểu biết nhiều. Nhưng cũng rất sợ, vì anh là một cấp trên thẳng thắn và nóng nẩy. Có lần tôi đã thấy anh đập bàn cãi nhau với thiếu tá Minh Sơn, phụ trách tình báo miền Duyên hải, về một “nhân mối” bí mật nào đó. 
Bỗng anh thay đổi cách xưng hô, nói:
- Chú chuẩn bị mai đi công tác nhé!
- Vâng a!
- Bộ quần áo nâu này phải bỏ lại. Ở trong mỏ người ta mặc quần áo xanh hay đen. Tôi đã bảo kiếm cho chú vài bộ, mai sẽ có người đem đến cho chú thay. Anh ngừng lời, suy nghĩ một lát rồi nói tiếp:
- Địch đang có âm mưu mở rộng khai thác than, nhằm lấy của ta đánh ta. Chúng ta có nhiệm vụ phải phá tan âm mưu ấy của địch. Để làm được nhiệm vụ nặng nề này, chúng ta phải có người chui sâu vào trong lòng địch, phá từ trong phá ra. Quận tung chú vào Hồng Gai là nhằm mục đích ấy, chú hiểu chưa? Nhiệm vụ cụ thể của chú là gì? Công việc làm ăn, giấy tờ hợp pháp ra sao? Ở trong ấy đã có người lo. Đây là mật số tổ điều tra, và mật khẩu liên lạc. Chú xem, nhớ cho kỹ rồi huỷ đi ngay. Anh đưa cho tôi một mẩu giấy và nói tiếp:
- Anh Quân là tổ trưởng phụ trách ở trong ấy, đang chờ chú vào. Việc chuẩn bị quan trọng nhất của người cán bộ hoạt động ở trong lòng địch là phải bịa ra cho mình một lý lịch, thật khớp với hoàn cảnh của mình đang sống. Nếu chẳng may bị địch bắt, thì cứ thế mà khai. Nếu khai lung tung, lấn sau khác lần trước sẽ bị lộ. Chú chuẩn bị đi. Nếu có gì thắc mắc hay đề đạt gì, thì anh em ta lại bàn thêm.
Tôi lo quá, càng nghe anh nói càng lo. Từ hôm đi ra khỏi nhà, tôi đều nấp dưới bóng của anh Thuỷ, giờ không thấy anh Ngọc nói đến anh ấy. Hơn nữa đây là nhiệm vụ nặng nề, nguy hiểm. Tôi lại chưa được qua một lớp đào tạo nào. Nhưng tôi cũng hiểu mình không có quyền từ chối. Từ chối là hèn. Vả chăng, qua những truyện trinh thám đã đọc, tôi cũng cảm thấy một phần thích thú và tự hào. Vì mình cũng đang trở thành một “thám tử” rồi. Tôi mạnh dạn hỏi anh Ngọc:
- Thưa… thế còn anh Thuỷ đi đâu ạ?
- Cậu Thuỷ đi hướng khác. Ở ngành ta, ai làm việc gì, chỉ người ấy và cấp trên chỉ huy trực tiếp mới được biết. Ngoài ra là tuyệt đối bí mật. Đó là nguyên tắc.
Hôm sau. Người đến đưa quần áo, và dẫn tôi đi là chị Hội. Người chị cao, to, hơi thô, răng đen, gò má cao, khoé miệng, đuôi mắt và trán đã có nhiều nếp nhăn. Mọi người gọi là “chị” nên tôi cũng gọi, chứ có thể chị cũng gần bằng tuổi mẹ tôi rồi. Tôi không biết chị làm gì và ở đâu? Chỉ biết chị goá chồng, không có con, Chị đội cái thúng, trên úp cái nón mới, hai tay vung vẩy đi, vừa nhanh, vừa dẻo như người bán quà rong ở Hà Nội vậy. Tôi mặc quần áo đen, đầu trần, đi dép cao su trắng theo sau. Chị không hỏi chuyện tôi và cũng không nói với tôi bất cứ chuyện gì. Chỉ những lúc không thấy tôi theo sát, chị mới quay lại đứng chờ, và bằng một giọng nhỏ nhẹ hỏi: “Em đi thế có mệt không?”.
Không! Tôi không thấy mệt. Mặc dù từ khi biết nhiệm vụ của mình, tôi đã lo lắng đến ăn không no, ngủ không yên. Nhưng tôi đi đâu phải chỉ có một mình, mà hầu như còn có cả Trần Quốc Toản, Quang Trung, Kim Đồng, thậm chí cả những nhân vật “thám tử” cũng cùng đi với tôi, nâng đỡ tôi vững bước.
Chúng tôi đi đến trưa thì đến chợ Bang. Chị dẫn tôi vào nhà một người Hoa. Chị bảo: “Chị em mình nghỉ ăn cơm ở đây, chờ chợ tan mới có đò đi Hồng Gai”.
Chị nói chuyện với chủ nhà bằng tiếng Quảng Đông, rồi mượn nồi nâu cơm. Tôi muốn cùng làm với chị, nhưng chị không cho, bảo tôi đi xem chợ. Chợ chỉ có một dẫy quán gianh xiêu vẹo, nằm giữa hai dẫy nhà gạch một tằng, cũ kỹ, mốc meo của người Hoa. Quán của các bà, các chị ngoài Hồng Gai. Họ đi đò vào đây bán hàng xén, bán vải. Dân địa phương mua bán ngồi ở bãi cỏ ngoài trời và bờ ruộng. Phía dưới chợ là bến đò, phía trên là đồng ruộng, làng mạc. Đang mùa thu hoạch mía. Chợ hầu như bán toàn mía. Vỏ mía, bã mía tràn ngập khắp nơi.
Chị Hội nấu cơm vừa nhanh, vừa khéo, chỉ có một món bông thùa xào với dưa cải nén của người Hoa. Họ có biệt tài muối dưa, muối một vụ ăn quanh năm, mà dưa vẫn vàng ươm, thơm phức, không bao giờ bị khú. Quê tôi cũng có bông thùa, nhưng mẹ tôi chỉ xào với su hào hay củ cải tươi, chứ chưa bao giờ xào dưa. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được ăn món bông thùa ngon như vậy. Và qua món ăn đó, tôi đã hiểu được một nửa câu tục ngữ: “Miếng ngon nhớ lâu…”. Còn nửa kia: “Điều đau nhớ đời”, thì mãi mười năm sau nữa tôi mới hiểu…
Chợ tan. Chúng tôi xuống đò. Thuyền đò đi qua Cửa Lục, vào Vịnh Hạ Long. Đây là lần đầu tiên tôi được trông thấy biển, đi trên biển và thấy những dẫy, những hòn núi đá xanh trùng điệp của Vịnh. Quả thực là đẹp. Đẹp đến say mê ngây ngất. Nhưng ngắm nhìn cái cảnh trời mây, non nước bao la xanh thẳm ấy, chỉ một lúc, tôi lại thấy mình cô đơn, bé bỏng quá. Mình chẳng còn là gì. Mình như không tồn tại nữa, Không phải vì lúc đó tôi còn nhỏ, và lần đầu tiên thấy biển. Mà cả sau này, trên bước đường công tác, tôi đã nhiều lần đi lại dọc ngang trên vịnh biển. Thậm chí còn ăn ở nhiều ngày tháng trên đó. Nhưng cứ mỗi lần đối mặt với biển, tôi lại có cái cảm giác buồn rầu như vậy.
Chị em tôi đặt chân lên phố mỏ Hồng Gai vào khoảng bốn giờ chiều. Mặt trời chưa xuống núi. Phố ở đây không giống Hà Nội, Hải Phòng. Nhà phần lớn là một tầng. Đường hẹp và không rải nhựa. Cống rãnh không có nắp, mùi ô uế bốc lên nồng nặc. Bụi than bao trùm lên phố phường một mầu xám ngắt. Chị Hội đưa tôi vào một ngôi nhà hai tầng, nằm sát núi Bài Thơ. Chủ nhà cũng tầm tuổi chị, cũng răng đen, vấn trần, nhưng đẹp đẽ hơn nhiều. Bà tiếp chúng tôi niềm nở, thân mật như người nhà. Chị Hội bảo tôi:
- Đây là bà Bang.
Tôi tưởng tên bà là Bang. Sau mới biết bà là vợ một người Hoa, làm Bang trưởng của người Hoa kiều. Ông Bang còn là chủ của hai chiếc tầu vận tải. Chiếc có tải trọng lớn đã bị quân Pháp trưng dụng khi chúng tấn công lên Việt Bắc, bị pháo binh ta bắn chìm ở sông Lô. Bà Bang mặc quần áo lụa trắng. Chiếc áo len mặc ngoài cũng mầu trắng. Tay đeo vòng ngọc mầu lam. Cổ deo một chiếc vòng vàng to, nổi rõ những nét hoa văn tinh tế. Trông bà rõ ra một người giầu có ở nơi đô thị. Chị Hội đưa cho bà một gói nhỏ, nói là quà biếu. Bà cũng biếu lại chị một gói, nhưng to hơn nhiều. Hai người nói chuyện một lát rồi chị Hội bảo tôi:
- Nhiệm vụ của chị xong rồi. Chị về đây. Em ở lại cố gắng nhá!
Thế là người quen biết cuối cùng của tôi - dù chỉ mới có một ngày - cũng lại chia tay tôi. Từ giờ tôi chỉ có một mình, ở giũa cái phố mỏ xa lạ này. Dẫu rằng vẫn biết ở đâu đó có một người đông chí với mình, nhưng liệu rồi chúng tôi có gặp được nhau không?..Tôi nhìn theo chị Hội cho đến khi đi khuất. Rồi từ lúc ấy, hôm ấy cho đến mãi mãi sau này, cũng không bao giờ tôi được gặp lại chị nữa. Trong một trận địch tập kích vào khu căn cứ kháng chiến của huyện Hoành Bồ, chị đã bị địch bắt, bị chúng tra tấn cho đến chết ở “căng” Máy Chai, Hải Phòng.
Thấy tôi có vẻ rụt rè, bà Bang cầm chén nước đưa cho tôi, giục uống. Bà hỏi tuổi tôi. Ý chừng bà cho là tôi còn nhỏ, so với việc tôi đang làm. Rồi bà hỏi anh em ở ngoài vùng kháng chiến có mạnh khoẻ không? Có thiếu thốn lắm không?.. Bà đứng trước gương chải lại đầu, thoa phấn như săp sửa đi đâu đó. Vừa điểm trang bà vừa nói chuyện với tôi:
- Ông nhà tôi là người Hoa, tuy hơi xấu người, nhưng tốt bụng lắm, cũng ủng hộ kháng chiến đấy. Cái gói tôi đưa cho bà Hội là thuốc tây, ông ấy mua gửi ra cho anh em ngoài ấy. Tôi muốn để cậu ở đây với gia đình cho tiện. Nhưng ông ấy nhiều khách lắm. Kẻ ra người vào, ta có, Tầu có, cả Tây nữa cũng có, biết bụng dạ người ta thế nào?
Bà mặc thêm chiếc áo dài nhung mầu mận chín, ngắm nghía, vuốt ve một lúc rồi dẫn tôi đi. Bà nói:
- Nhà ta sắp đến đây, bà ấy tên là Nhau, bạn gái của tôi. Bà ấy không có chồng, có hai đứa con nuôi, một giai, một gái. Nhưng chúng nó lớn cả rồi. Đứa giai làm ký lục ở Sở. Đứa gái đi lấy chồng, Nhà vắng vẻ, tiện lắm.
Đi một quãng bà lại hỏi tôi:
- Chắc cậu cũng nghĩ. trông tôi chẳng đến nỗi nào, sao lại lấy người Hoa, phải không? Có nhiều người đã hỏi tôi như thế. Không phải tôi tham ông ấy giầu đâu. Tôi cũng chê đấy, chê kịch liệt ấy chứ. Nhưng ông ấy cứ theo đuổi mãi. Buồn cười, có lần gửi thư cho tôi, ông ấy còn chép cả hai câu Kiều:
“Người đâu gắp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?”
Sau một tiếng cười vui, bà im lặng. Dường như đến bây giờ bà vẫn còn xúc động về lời thở than tỏ tình ấy. Rồi bà lạị vui vẻ kể tiếp:
-Phải đến ba năm sau tôi mới bằng lòng. Nhưng tôi bắt phải thề là không được bắt tôi nói tiếng Hoa, vận quần áo người Hoa. Con cái sau này chia đôi, một nửa học trường Việt, nói tiếng Việt,  một nửa học trường Hoa, nói tiếng Hoa. Nói với tôi, ông ấy phải nói tiêng Việt. Cũng phải công nhận ông ấy là người biết giữ lời hứa. Bây giờ chúng tôi đã có bốn đứa con, nhưng ông ấy vẫn giữ đúng như vậy. 
Tôi hơi ngạc nhiên, không hiều sao bà lại đem chuyện tình cảm riêng tư của người lớn ra kể với tôi, một đứa trẻ vừa mới gặp? Hay bà muốn qua tôi để nói với phía kháng chiến rằng dù ở hoàn cảnh nào, bà vẫn là một người Việt Nam yêu nước chăng?
Bước vào cửa căn nhà số bốn hai Phố Chợ, tôi thấy một bà cụ già gầy còm, mặc áo dài nâu, tóc  bạc, miệng móm, ngồi trên chiếu yên, bên cái điếu bát, đôi mắt sâu, sáng quắc như hai pha đèn đang nhìn ra cửa. Tôi không thẻ tin ngay được bà cụ lại là bạn bà Bang. Vì tuổi hai người chênh nhau nhiều quá. Bà rót nước mời khách. Đưa chén nước cho tôi, bà chỉ thoáng nhìn chứ không hỏi gì, coi như tôi là người vẫn ở trong nhà. Bà vừa nghe chuyện bà Bang, vừa thông điếu, đánh diêm hút thuốc. Là người dân sống trong vùng địch chiếm, những phút đầu tiên tiếp nhận về nhà mình  một người kháng chiến, không có giấy tờ hợp pháp, mà bà vẫn thản nhiên, bình tĩnh như vậy thì quả là một người thật dũng cảm. Tiếp chuyện bà Bang một lúc, rồi bà Nhau đứng dậy bảo tôi:
- Chú đi lên gác với bá. Từ nay tên chú là Quế, Nguyễn Văn Quế. Quê ở Vũ Đại, Hà Nam. Bố mẹ mất sớm ra đây ở với Bá. Tên là Quế nhớ chưa? Ai hỏi cũng nói vậy.
Tôi nghĩ thầm không dám nói ra: Là bá cháu, sao bá lại gọi cháu là “Chú”? Sau tôi mới hiểu, bá vẫn quen xưng hô như vậy, kể cả với anh Nhân là con nuôi, và anh Nhớn là người giúp việc. Và thực ra tuổi của bá không hơn bà Bang là bao. Nhưng vì bá đã trải quá nhiều sóng gió, lại nghiện rượu, nghiện thuốc lào nặng, cho nên già trước tuổi. Bá đưa tôi lên gác ba. Đây là tầng áp mái. Ở giữa đặt bệ thờ Phật tại gia. Hai bên mái xuôi xuống, phải cúi mới đi được. Sau bệ thờ kê cái giường một, chăn màn mới nguyên. Bá Nhau bảo:
- Từ nay chú nghỉ ở đây. Đi xa chắc mệt rồi, nằm nghỉ đi!
Vâng. Chỗ này thật kín đáo. Tôi ở đây tránh được con mắt nhòm ngó của bọn mật thám. Tôi không phải là kẻ gian, và cũng không phải là người xuất thế tu hành. Tôi đi kháng chiến chống lại kẻ ác, đến đây nằm ở dưới chân đức Phật, liệu Phật có phù hộ, che chở cho tôi không?...
Bá Nhau có quầy hàng bán chuối ở chợ. Chuối xanh mua của thuyền buôn đem dấm chín rồi bán. Trong nhà chỗ nào cũng thấy chuối. Chỗ mới ra lò. Chỗ chờ vào lò. Ngoài cửa bá cho ông phó Phúng thuê làm may. Ông Phúng đã già, tóc hoa râm, mắt kém, lúc nào cũng phải đeo kính. Có thể cả tuổi nghề cũng già. Nhưng ông không phải là thợ giỏi, chỉ may quần áo lao động cho công nhân và dân thuyền chài. Nhà ông ở trong hẻm núi, sáng đến làm, tối lại về. Tôi muốn tìm hiếu xem ông là người thế nào, để còn đề phòng. Nhưng ông chẳng tỏ lộ ra điều gì, ngoài những lời phàn nàn về hoàn cảnh nhà nghèo, con cái đông v.v…
Trong thời gian chờ đợi giấy tờ và việc làm, cả ngày tôi chỉ quanh quẩn ở nhà với anh Nhớn, không dám đi đâu. Anh Nhớn là người cùng quê với bá Nhau, nhà nghèo không được đi học, hai mươi tuổi mà chưa biết chữ. Từ ngày ra đây, anh Nhân mới dậy anh học. Nhưng anh bận suốt ngày, ngoài việc dấm chuối, đội chuối ra chợ, nấu hai bữa cơm, anh còn phải chăn nuôi mười hai con lợn cấn, và một con nái. Chỉ thỉnh thoảng mới có lúc rỗi, anh lấy quyển vở giắt trên mái bếp, và mẩu bút chì cài ở vành tai, ngồi kê vở lên đầu gối viết. Mắt anh lác, trông như ngoảnh mặt đi mà vẫn viết được. Nhiều lúc tôi muốn làm đỡ để anh có thêm thời gian học tập. Nhưng anh không nghe, giấy nẩy lên:
- Chết! Chết! Bá cấm đấy, để chú làm, bá mà trông thấy thì tôi bị mắng ngay. Chú cứ ngồi đấy, có chữ nào khó để tôi còn hỏi là được rồi.
Anh ngồi viết một lúc, hai thùng cám trên bếp bỗng sôi lên sùng sục. Anh cát vở, đi quấy cám. Tôi hỏi:
- Anh Nhớn này! Ông Hương cứ lầm lầm lì lì thế nào ấy nhỉ? Đi làm về là chui tọt vào buồng riêng. Chẳng thấy ông ấy nói năng gì với ai bao giờ. Hôm qua gặp ông ấy ở cầu thang, tôi chào, ông ấy chỉ “hừ” có mỗi tiếng. Bá bảo ông ấy là bạn cũ của bá. Có phải không, hay chỉ là người thuê nhà?
- Không phải đâu. Trước đây ông Hương là chồng bá đấy. Bây giờ thì không. Không phải ông chủ, cũng chẳng phải người thuê nhà. Ở nhà này ông ấy chẳng ưa ai đâu. Không say thì yên như thóc, say thì ông ấy chửi tuốt, chẳng trừ ai đâu.
Tôi lo quá. Nếu biết tôi là ai, liệu ông ấy có đi tố cáo không?...
Rồi anh Nhớn kể cho tôi nghe, những gì anh biết về quan hệ giữa ông Hương với bá Nhau trước đây. Và sau này cũng có lần bá kể với tôi. Bá là người kiên định, kín đáo, không phải tự nhiên vui chuyện mà kể đâu.
Hôm ấy nhà có giỗ, bá mời cơm ông Hương. Ông uống rượu say. Bá cũng uống say. Hai bên lời qua tiếng lại, rồi cãi nhau, thậm chí chửi nhau, nhiếc móc nhau thậm thệ. Ông Hương xông vào đánh bá. Anh Nhân và mọi người xúm lại can ngăn. Sau anh phải kéo ông về phòng đóng cửa lại. Ông đập phá cửa rầm rầm, và càng chửi toáng lên. Chửi chán rồi lại thấy tiếng ông ấy khóc. Bá Nhau cũng khóc, vừa kể lể, chì chiết, mạt sát ông cho đến lúc mệt quá ngủ thiếp đi.
Bữa tiệc đang vui, bỗng chốc thành buồn. Khách khứa lục tục ra về. Người nhà lặng lẽ nhìn nhau, dọn dẹp. Qua những lời đôi bên đối đáp, tôi đã hiểu phần nào sự diễn biến từ tình yêu, hôn nhân, rồi vì sao lại hoá thành thù hận. Và nếu đó là một món “nợ đời”, như người ta vẫn nói, thì có lẽ chẳng bao giờ ai có thể trả được cho ai sòng phẳng. Bởi vì người ta đòi hỏi nhau những cái mà cả hai bên đều đã đánh mất mất rồi.
Khi bá Nhau tỉnh dậy, tôi pha nước đưa mời. Ngồi uống nước, bá rì rầm kể lại:
Hôm nay bá say quá phải không chú Quế? Chú đừng trách bá nhá. Đời bá vất vả lắm. Ba chìm bẩy nổi chín mười cái lênh đênh…
Bá Nhau lấy chồng từ năm mười tám tuổi. Ông Hương ngày ấy cũng là một chàng trai bảnh bao, con nhà tử tế, khá giả. Hai người yêu thương nhau, làm ăn hoà thuận êm ả. Rồi qua hai lần sinh con, nhưng chúng nó đều bỏ đi chẳng được đứa nào. Ông ấy đâm ra chán nản, cờ bạc, rượu chè, la cà làng này sang làng khác. Mùa lễ hội, ông ấy đi đến lúc nhẵn túi mới quay về tróc tiền. Có tiền ông ấy lại đi. Vợ không có tiền đưa, ông thẳng tay đánh đập. Đánh cho kỳ bật tiền ra mới thôi. Bá nghiến răng chịu đựng, cũng tưởng rối sẽ có lúc ông ấy nghĩ lại. Nhưng càng ngày càng sa đà. Rồi ông ấy phải lòng một con bé ở làng bên. Về nhà lại đánh đập, phá phách, đòi lấy vợ hai. Nếu không ông ấy sẽ đốt nhà bỏ đi theo nó. Cực chẳng đã bá phải bằng lòng. Bá đứng ra lo liệu. Tay bưng giầu đầu đội lễ. Cưới vợ cho ông ấy xong, bá trốn nhà bỏ ra mỏ.
Đến đây, trong lưng chỉ còn hai hào bạc. Bá đi buôn khoai. Luộc khoai đội lên tàng bán cho phu mỏ. Dần dần có tí dấn vốn, bá chuyển sang buôn cá. Lúc đầu chỉ mua được một bưng. Sau mới được một gánh. Cái nghề buôn thúng bán bưng, hàng thịt nguýt hàng cá, cũng lắm phen biêu đầu mẻ trán, mới kiếm được miếng ăn chứ có dễ đâu. Sau thấy buôn cá vất vả quá, bá chuyển sang buôn quả.
Một hôm bá ở chợ về, thấy ông Hương ngồi lù lù ở nhà. Biết tin bá ở đây, ông ấy mò ra, nhằm tính chuyện “Gương vỡ lại lành”. Nhưng không đời nào. Khi bước chân đi bá đã thề suốt đời ở vậy. Lúc còn trẻ, ở đây cũng không thiếu gì đám nhỡ nhàng theo đuổi. Bá có nhận lời ai đâu. Bây giờ bá đã có chú Nhân, cô Đức, thế là đủ, chẳng cần gì nữa. Cũng vì một ngày là nghĩa, thấy ông ấy rách rưới, khổ sở, bá mới cho ở nhờ. Và nói với người quen, xin cho ông ấy đi làm…
- Thưa bá, con sợ nhỡ có điều gì sơ xuất, có thể ông Hương sẽ…
- Không! Không đời nào ông ấy được biết chú là ai. Việc của chú là hệ trọng, phải giữ gìn cẩn thận. Nhưng nếu chẳng may có gì sơ xuất, cũng không đáng lo đâu. Bá biết, tuy ông ấy bê tha, cờ bạc, rượu chè, nhưng cũng chưa đến nỗi quên hết cả đâu. Ngày Tây nó đánh Hà Nam, con ông ấy bị chúng nó bắn chết. Ông ấy vẫn nhớ cúng con đấy.
Trưa hôm sau, tôi đang ngồi ở bếp với anh Nhớn, bỗng thấy người gai gai rét, mặt mỗi lúc một nóng bừng lên. Rồi cơn sốt ở đâu ập đến, rét từ trong bụng rét ra, rét run lên cầm cập, hai hàm răng va vào nhau. Anh Nhớn thốt lên:
- Thôi chét! Chú bị sốt rét ngã nước rồi, lên trên nhà nằm đi!       
Lúc bầy giờ dân trí nước ta còn thấp, ai cũng cho câu thành ngữ: “Rừng thiêng nước độc” là sự thật. Tôi cũng tin là như vậy. Chứ không biết mấy tháng ở rừng vừa qua, muỗi đã truyền cho tôi cái bệnh quái ác này. Khi cơn rét dứt, thì cơn sốt laị tăng lên, người nóng hầm hập. Tôi tung chăn ra, mồ hôi ướt đẫm quần áo. Bá Nhau lên gác ba. Bá đặt bàn tay gầy guộc lên trán tôi:
- Nóng lắm. Chú phải xuống dưới nhà nằm tạm mấy hôm. Ở đây đi lại không tiện.
Bá gọi anh Nhớn lên, ôm chăn gối, đưa tôi xuống dưới nhà và bảo anh nấu cháo cho tôi. Tối hôm ấy, không sai anh Nhân hay anh Nhớn, bá Nhau thân chinh sang nhà bên cạnh, mời bác sĩ Thường khám cho tôi. Ông Thường phụ trách phòng khám bệnh của Sở than. Ông cho tôi uống mấy viên ký ninh và bảo phải tiêm. Sáng mai đến phòng khám của ông mới có thuốc.
Sáng hôm sau, đội chuối ra chợ xong, anh Nhớn dẫn tôi đi tiêm. Khi bước ra con đường chính chạy dọc phố mỏ Hồng Gai (đường Mười Tám), tôi mới thấy cơ man nào là xe quân dụng. Đủ các loại to, nhỏ, kiểu dáng khác nhau. Cái còn lành. Cái bẹp dúm, méo mó. Cái lành buộc dây vào cái hỏng để kéo, hoặc chở cái hỏng nặng ở trên sàn xe. Có cả xe bánh xích, xe cần cẩu, nhấc bổng cái xe hỏng lên lơ lửng trên mắt đất. Và đủ các loại súng đại bác, súng liên thanh to nhỏ. Khẩu phủ bạt, khẩu không. Khẩu gắn trên xe. Khẩu để nằm dưới đất. Rặng phi lao hai bên đường và sân vận động, bạt ngàn lều bạt của bọn lính Lê Dương. Chúng nằm ở trong lều,  và nằm lăn lọc trên bái cỏ. Có thằng băng đầu. Thằng băng tay đeo lên cổ. Đứa ngủ. Đứa say. Đứa hát rống lên như điên dại…
Sau tôi mới biết đó là đoàn quân bại trận ở Việt Bắc chạy về. Hai binh đoàn tinh nhuệ vào bậc nhất của đội quân viễn chinh Pháp: “Bổphơrê” và “Commuynan”. Hồng Gai là điểm dừng chân nghỉ ngơi của chúng.
Tiêm rồi mà hôm ấy tôi vẫn sốt. Tôi trùm chăn kín đầu, nằm co rúm lại, run. Bỗng thấy người vén chăn. Ông phó Phúng, tay cầm một cốc rượu đầy, gọi: “Cậu Quế ơi! Ngồi dậy! Ngồi dậy, uống đi. Rượu vang tôi mua cho cậu đây”.
- Cảm ơn bác cháu có biết uống rượu đâu.
Thấy tôi từ chối, ông ngẩn ra, nét mặt buồn buồn. Rồi bằng một giọng gần như thì thầm, ông dỗ dành:
- Tuy để bụng không dám nói ra, nhưng tôi biết hết cả rồi. Thấy cậu còn ít tuổi mà đã có lòng với nước nhà như vậy, tôi càm phục lắm. Tôi già rồi chẳng làm được gì. Cậu uống đi! Người ta bảo sốt mà uống cái này thì tốt lắm. Nếu không uống được nhiều, thì cũng cố lấy một hớp cho tôi vui lòng.
Vâng. Bác đã nói thế thì tôi xin cầm cốc. Tôi đặt môi vào miệng cốc tràn đầy tình cảm của con người. Đây là lần đầu tiên tôi uống rượu vang. Rượu không cay mà lại chua. Nó cũng không chua như khế, như chanh hay bất kỳ một thứ quả chua nào khác. Cái vị chua ấy không có tên, cho nên rồi tôi cũng quên đi. Nhưng tình của người cho rượu, thì không bao giờ quên được. 
Mãi đến chiều muộn tôi mới cất cơn sốt. Người đau ê ẩm, mỏi mệt, không muốn ngồi dậy. Giờ này anh Nhớn đã ra chợ dọn hàng. Ông Phúng cũng úp mấy về nhà rồi. Nhà vắng vẻ chỉ có một mình. Tôi nằm nghe tiếng gió heo may xào xạc ở ngoài đường và trên cấc mái nhà. Gió lùa qua song cửa vào trong nhà, và vào cả lòng người xa xứ. Gió thổi từ bao giờ, mà sao bây giờ tôi mới biết? Những tiếng ào ào, vi vút không ngừng, không dứt ấy  cứ như khêu, như gợi nỗi cô đơn, trống trải của lòng người. Khiến tôi nhớ nhà quá. Nước mắt ứa ra chẩy tràn xuống gối!...
Giữa lúc ấy, cô Yến bước vào cửa. Cô là con gái bác sĩ Thường, cũng tầm tuổi tôi, nhưng mọi nét đã rõ ra một người con gái. Không những thế, cô còn xinh đẹp nữa. Cô có sạp hàng vải ở trước cửa. Hai nhà cùng chung tường, nên hằng ngày vẫn trông thấy nhau luôn. Cô niềm nở gọi tôi:
- Anh Quế ơi! Cậu em đưa thuốc cho anh đây, anh đã đỡ chưa?
Tôi vội vàng lau nước mắt, bối rối không dám nhìn cô, chỉ cảm ơn và cầm lấy thuốc. Ơ…mà sao sáng nay không thấy bác sĩ bảo phải vừa uống, vừa tiêm? Mà sao ông không đưa thuốc ngay lúc sáng? Hay là…hay là…Vì gió heo may giục giã, khiến cõi lòng thổn thức mà cô lấy thuốc đem cho tôi? Thấy tôi im lặng, Yến cũng mất tự chủ, cô ngập ngừng giây lát rồi chào tôi ra về. Nhưng vừa ra đến cửa đã thấy cô vội vàng quay lại, vẻ mặt hốt hoảng thốt lên:
- Anh Quế ơi! Thằng Tây say!
Cô đứng nép vào bên giường tôi, như ở đây là nơi che chở, nơi ẩn náu tin cậy. Và cô nhỏ giọng thì thầm: “Eo ơi! Em sợ lắm!”. Tôi ngồi dậy. Thằng say lảo đảo bước vào cửa. Sau những cái nhìn ngây dại, nó lại nghiêng ngả bước ra. Nó không nhìn thấy “con mồi”? Hay nó vẫn còn đủ tỉnh táo để hiểu nó đã đi quá giới hạn? Sự nguy hiểm đã qua. Nhưng cô Yến chưa về. Một thoáng hai ánh mắt gặp nhau, khiến cả hai cùng bối rối. Yến vội vàng lấp liếm:
- À… anh uống thuốc nhá? Để em rót nước cho.
Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi nhận biết được sự ngọt ngào ở trong giọng nói, và cử chỉ dịu dàng của một người con gái.
 
***
 
 
Anh Nhân làm thư ký đánh máy ở Sở than. Anh cao vừa phải, người to, da trắng, khoẻ mạnh, cứng cáp như một người lao động chân tay, chứ không phải là “Thầy ký”. Anh mới cưới vợ. Bá Nhau mua một ngôi nhà ở cùng phố, cho anh chị ở riêng. Gọi là riêng, nhưng mới mẻ, nên mọi sinh hoạt vẫn ở nhà bốn hai như cũ. Chỉ tối anh chị mới về nhà mới.
Một hôm đi làm về, anh gọi tôi đến bàn may ông phó Phúng, bảo:
- Hôm nay anh được lĩnh lương, mua cho chú mấy mét vải. Tết nhất đến nơi rồi, con trai cũng phải diện cho nó oách chứ. Không…(Anh nhìn ra cửa nhỏ giọng) Nhỡ cô Yến chê thì sao! Anh cười trêu, làm tôi xấu hổ quá. Ông Phúng rút cái thước dây, vừa đo, vừa nói:
- Cậu Nhân nhanh tay hơn tôi rồi. Tôi cũng đang định…Nhưng cái nghề của tôi cứ phải miếng thừa nhỏ đổi lấy miếng thừa to, phải lâu lâu mới đủ. Các cụ ta bảo: “Thợ may ăn giẻ. Thợ vẽ ăn hồ…”. Đúng đấy.
Anh Nhân bẻ lại:
- Ông bảo đúng. Thế ra thợ bồ họ ăn cứt trâu thật à? Cà nhà đang cười, thì  thấy một giọng the thé cất lên ở ngoài cửa:
- Chào mấy người. Làm gì mà vui vẻ thế? Bà lão có nhà không, hay ở ngoài chợ?
- Chào bà lớn. Mời bà vào nhà chơi. Bá cháu về ngay bây giờ đấy ạ! Anh Nhân mời khách, rồi ra chợ tìm bá Nhau. Bà khách ngồi tót ngay lên yên hỏi:
- Ông phó có nhiều việc không?
- Cảm ơn bà lớn. Nghề của nhà cháu tháng tết này, nhờ giời cũng kiếm được gạo cho các cháu đấy ạ.
Tôi không biết bà khách là ai. Nhưng thấy anh Nhân và ông Phúng gọi là “bà lơn”, cũng chột dạ. Tôi nhìn trộm bà ta lần nưa rồi đi vào. Đó là một người đàn bà, nếu gọi như cụ Nguyến Du thí đã “quá niên”, ăn mặc loè loẹt, mặt bự phấn son, vàng đeo từ tai đến cổ, đến tay, chỗ nào cũng vàng choé, chỉ còn chân là không thấy đeo vàng. Người gầy đét, mỏng dính như chiếc lá, chứ không phốp pháp, đẫy đà như mụ “Tú bà”. Bá Nhau về tiếp khách. Lát sau, bá đưa khách ra đằng sãu xem lợn. Khách luôn mồm khen: “Đẹp quá! Cụ mát tay quá! Con nào cũng to cả rồi. Định bao giờ cân?”.
Ngay chiều hôm ấy, bá Nhau sai anh Nhớn bắt lợn. Bá dặn:
- Chú nói với bà ấy là bá cháu biếu để bà làm “dăm bông” cho cụ lớn ăn tết. Bắt con bé nhất ấy.
-Con bé cũng phải hơn sáu chục cân rồi bá ạ.
Anh Nhớn tiếc. Tôi cũng tiếc. Tôi hỏi bà ấy là ai, vì sao lại phải biếu cả con lợn to thế. Bá bảo:
- Vợ lão Ray, chánh mật thám Sở đấy. Chẳng họ hàng bè bạn gì đâu. Biết nhà mình có đàn lợn, mượn tiếng đến thăm. Mình không có hòn xôi đấm miệng, thì rôi sinh chuyện.
Mấy hôm sau, trước khi đi chợ, bá Nhau đưa cho tôi mảnh giấy, và bảo anh Nhớn đội chuối ra chợ, rồi dẫn tôi lên toà Thị chính chụp ảnh căn cước. Hai anh em tôi đến một ngôi nhà ba tầng, to đẹp vào loại nhất khu phố này thời bấy giờ. Đến cửa, anh bảo tôi vào, chứ anh không vào cùng như hôm đưa tôi đi tiêm, khiến tôi hơi chột dạ. Vì biết rằng đây là sào huyệt, hang ổ của bọn Việt gian chóp bu của tỉnh này. Chúng là tai mắt, là chân tay của giặc, và mọi rủi ro, bất trắc đều có thể xẩy ra ở đây. Có lẽ cũng vì cảm nhận thấy điều đó, cho nên anh Nhớn đã vội vã ra về, chứ không đợi tôi ở ngoài cửa.. Tôi cố giữ vẻ bình tĩnh bước vào, thấy phòng đầu tiên có người, tôi cúi chào, nói: “Thưa ông, tôi đến chúp ảnh căn cước”. Hắn xem tờ phiếu, nhìn vào mặt tôi và trỏ cái ghế bảo: “Ngồi xuống”. Chụp xong, lấy biên lai, tôi bước ra cổng thở phào nhẹ nhõm.
 
***
 
Nghe tiếng còi tầm thứ nhất, tôi bật dậy, vội vàng rửa mặt, thay quần áo chuẩn bị đi làm. Bá Nhau cũng dậy rôi. Bá đưa cho tôi cái nón, bảo: “Sợ chú ngủ quên, bá đang định gọi”. Tôi cầm nón. Ôi…chính tôi cũng chưa kịp nghĩ mình đi làm phải có cái gì đội lên đầu. Bá lo cho tôi nhiều quá! Biết hôm nay tôi đi làm, chưa có gì che nắng, che mưa, nên bá mua nón cho tôi, và lo tôi chưa quen với tiếng còi tầm, nên bá thức để gọi tôi. Nhưng tôi quên làm sao được. Đêm qua tôi thao thức có ngủ được yên đâu. Vừa mừng có giấy tờ, được đi lại tự do, chẳng sợ đứa nào hoạnh hoẹ. Vừa lo, vì đây là ngày đầu tiên tôi đi làm mỏ, mà chẳng có nghề nghiệp hay một tí hiểu biết gì về mỏ. Căng thẳng nhất là ý nghĩ: Từ nay tôi có hai cuộc sống cùng tồn tại. Người cán bộ kháng chiến và anh phu mỏ. Người này công khai, người kia bí mật. Hai người phải hỗ trợ nhau, bảo vệ nhau. Nếu người này bị bắt thì người kia cũng chẳng còn. Vậy tôi phải làm sao đây. để cả hai việc cùng trôi chẩy?...
Chiều hôm qua đến thăm bá Nhau, ông Bật đã hẹn đón tôi ở cổng Nhà máy sàng. Ông là dân Công giáo, có chức sắc là “Trùm trưởng”, nhà ở trên Núi Đạo. Ông làm cai ở Nhà máy sàng. Bá Nhau nhờ ông xin giấy tờ và việc làm cho tôi. Tôi đến điểm hẹn thì ông đã chờ ở đấy rồi. Ông dẫn tôi đi. Vừa đi vừa bảo:
- Cậu làm với ông cai Thiện, sửa chữa đường sắt. Ông ấy cũng là người tốt, không có gì đáng ngại. Việc lại dễ, ai cũng làm được.
Chúng tôi đến một cái nhà kho thấp bé, nằm trơ trọi ở bên đường tầu. Nhà chỉ có một gian như cái điếm canh. Ông cai Thiện đứng giữa cửa, cấm sổ, đang gọi tên từng người một. Chung quanh ông có khoảng hơn chục người, toàn nam giới, cả già lẫn trẻ, đứng ngồi nhốn nháo. Trông người nào cũng rách rưới, đen đúa, Có người đi chân đất. Họ nhìn tôi bằng con mắt tò mò, khinh bạc. Ông Bật bảo ông Thiện: “Thợ mới của ông đây. Ông chấm công cho nó đi!”. Ông Thiện chẳng nói gì, chỉ nhìn tôi bằng một cái liếc mắt, và hơi nhếch mép gần giống như cười. Ông mở cửa phát dụng cụ cho từng người. Tôi được phát cuối cùng. Khi đưa chiếc xẻng cho tôi, ông nói nhỏ: “Cậu cứ nhẩn nha mà làm, không phải dốc sức đâu. Việc của Sở ấy mà”.
Thôi chết! Sao ông Thiện lại gọi tôi là “cậu”? Vừa nẫy tôi thấy ông gọi người già là bác, trẻ là anh. Có lúc còn mày tao, chú tớ, chứ có gọi ai như vậy đâu? Chắc ông Bật đã nói gì về tôi đây. Cứ cái kiểu rỉ tai nhau như vậy, thì chẳng bao lâu nưa tôi sẽ bị lộ mất!
Hôm ấy bọn tôi sửa đoạn đường từ nhà sàng ra cảng. Tôi cứ đinh ninh là “ma cũ” sẽ bắt nạt “ma mới”, nên đã chuẩn bị tinh thần để nhận lấy những lời đèo xíu, mắng mỏ. Nhưng rất trái ngược với những cái nhìn lạnh tanh lúc nẫy, ai cũng sẵn sàng chỉ bảo tôi cách làm. Có bác còn cầm xẻng xúc đá dăm làm mẫu cho tôi xem. Bác bảo phải tỳ tay xẻng vào đùi xúc mới đỡ mệt.
Chiều tan tầm về, có anh còn rủ tôi đi tắm. Anh bảo hôm nay có nước nóng. Trời rét, người bẩn mà được tắm nước nóng thì còn gì bằng. Tôi đi. Nhưng đến nơi thi…Ôi chao, khiếp quá! Nhà tắm chỉ là một cái nền xi măng rộng khoảng vài ba chục mét vuông, nhiều chỗ sụt lở, lồi lõm. Bốn phia xây tường cao lút đầu người. Chỉ có một lối vào, ra, gọi là cửa, nhưng không có cánh. Trên không có mái che, lộ thiên. Một dẫy nhiều ông nước, bắc ngang trên đỉnh đầu, từ tường nọ sang tường kia. Nước ở các lỗ ống phun ra tung toé, xối xả xuống những tấm thân đen đủi than bụi. Tất cả già trẻ đều trần truồng. Người ta thản nhiên đứng gội đầu, kỳ cọ, lau chùi, giặt giũ. Ở bên kia tường cũng một ô như vậy, dành cho nữ giới. Mấy anh thợ trẻ ỏ bên này cười đùa, nghịch ngơm, la hét, nói trêu và thách đố nhau nhẩy lên nhìn sang ô phụ nữ, khiến các chị kêu rú lên, và chửi rủa, tục tĩu, xô bồ, ầm ĩ.
Tôi bỏ về không dám tắm. Chưa bao giờ tôi thấy ở đâu, có cái kiểu nhà tắm hoang dã như ở đây. Chủ mỏ làm cái nhà tắm này chỉ nghĩ đến lợi nhuận, hay còn vì lòng kỳ thị khinh người, khinh “bọn culy nô lệ” chăng? Về nhà rồi tôi mới thấy mình hớ hênh, dại dột. Mình không dám tắm như người ta, thì có khác gì mình tự tố cáo mình không phải là “culy”.
Sáng hôm sau ông cai Thiện cho tôi đi lĩnh vật liệu ở tổng kho với một người nữa. Anh ta đưa phiều vào văn phòng kho rồi đi chơi mất. Tôi đứng đợi ở ngoài. Sân kho là một bãi đất rộng, những đống sắt đường tầu, tà vẹt, ống nước, cột điện ngổn ngang, chất ngất. Tôi ngồi xem mấy chị thợ sơn đang cạo rỉ sắt ở bên kia sân. Một lúc thấy tiếng gọi:
- Ới,,,anh nón mới ơi! Anh ngồi lâu thế thì mục mất tà vẹt của bọn em còn gì! Họ cười rộ lên. Rồi lại một giọng nữa tiếp theo:
- Anh yêu ơi! Sang đây cùng làm với bọn em cho vui nào! Họ lại rúc rích cười. Tôi chưa bị trêu ghẹo thế bao giờ, xấu hổ quá, mặt cứ nóng bừng lên, im lặng không dám đối lời. Giữa lúc ấy, anh bạn cùng lĩnh vật liệu xuất hiện. Anh ta cười, và lên tiếng thay tôi:
- Anh sang với các em đây. Anh không có nón mới, nhưng có cái cũng mới nguyên đây. Các em có thích không? Họ đấm nhau và cả hai cùng cười…
Tôi làm thợ sửa chữa đường sắt được hơn một tháng thì gặp may. Anh Năng nhân viên chạy giấy (phanton) ở phòng anh Nhân, được lên làm phụ thư ký. Anh Nhân liền xin cho tôi thế chân. Anh thảo đơn bằng chữ Pháp. Tôi chép lại rồi đưa cho viên trưởng phòng Vecđô (Verdeaux). Ông ta xem đơn rồi cầm lên gác. Lúc quay về, ông viết mấy chữ vào mảnh giấy con, bảo tôi đem sang Sở mật thám. Anh Nhân dịch mảnh giấy ấy:
“Gửi ông Ray,
Nhờ ông xem hộ tôi thằng này, vì tôi muốn lấy nó vào làm. Verdeaux”
Tôi cầm giấy đi. anh Nhân gọi lại, dăn:
- Chú nhớ phải chào ông Ray bằng tiêng Việt đấy. Ông ấy chúa ghét người Việt nào chào ông ấy bằng tiềng Pháp. Tôi ngạc nhiên hỏi:
Ông ấy cũng biết tiếng Việt à? Anh Nhấn cười:
Chuyện! Tây ngâm thơ Kiều, ăn thịt chó mắm tôm đấy!
Tôi đến văn phòng cơ quan mật thám Sở than. Thấy một ông già mặt mũi nhăn nheo, tóc bạc, da mồi, mũi lõ, mắt không xanh mà lại đỏ, bụng to tròn như bụng cóc, ngồi một mình trước cái bàn con. Tôi cúi đầu chào:
Bẩm cụ lớn ạ!
Bồng! (Bonjour).
Tôi bước lại, hai tay đặt mảnh giấy lên bàn, rồi lùi ra bên cửa chờ đợi. Đọc xong, ông ta ngoảnh ra phóng vào người tôi một cái nhìn từ mặt xuống chân. Khiến tôi có cảm giác như bị một dòng điện chạy qua người từ trên xuống dưới. Ông ta lật mảnh giấy viết đúng ba chữ: “Không có gì”, Ký tên: Ray.
Từ hôm ấy, theo tiếng còi tầm cùng anh Nhân, tôi đến văn phòng Công ty than Bắc Kỳ ký tên vào sổ lương rồi về phòng làm việc. Đây là Phòng giao dịch, chuyên trách việc xuất nhấp khẩu của công ty. Ngoài viên Trưởng phong Verdeaux, còn một người Pháp nữa tên là Jean Piere. Jean nguyên là lính  của binh đoàn Bôphơrê thất trận trở về đây, nhờ có chú bác gì đó là quan chức của mỏ, hắn xin xuất ngũ vào làm. Jean chuyên trực máy vô tuyến viễn thông, hằng ngày trao đổi thông tin với Chủ Nhất ở bên Pháp.
Ngày ngày tôi cắp cặp giấy tờ đến nhà Đoan, Sở mật thám và văn phòng viên quan Năm, chỉ huy trưởng Quân khu Hồng Gai, để ký giấy tờ cho tầu buôn các nước vào ra bến cảng ăn than. Do việc làm ấy, môi trường tiếp xúc và phạm vi hoạt động của tôi đã được mở rộng hơn ngày làm thợ sửa chữa đường sắt.
Và cũng từ hôm ấy, gần như ngày nào hai anh em tôi cũng gặp lão Ray. Vì văn phòng Sở than và Sở mật thám ở gần nhau. Cứ mỗi lần gặp, chúng tôi lại phải cúi đầu “Bẩm cụ lớn ạ”. Lão ngồi phưỡn bụng trtên chiếc xe kéo gọng đồng sáng loáng, do một ông già người Việt tên là Đăng gò lưng kéo. Lão chỉ đáp lại bằng một tiếng “Bồng” gọn lỏn. Trước đây anh Nhân đã cho tôi biết, lão Ray rất ghét người Việt chào hắn bằng tiếng Pháp. Giờ tôi lại biết thêm: Không bao giờ lão dùng tiêng Việt để chào người Việt. Mặc dù Truyện Kiều lão thuộc lầu lầu. Mà cũng không ai hiều vì sao lão lại thích Truyện Kiều? Hay ở đấy lão đã gặp Sở Khanh là bạn tương đồng? Cũng “Một tay chôn biết bao cành phù dung”!
Rồi dần dần tim hiểu tôi biết thêm: Không bao giờ lão Ray đi ô tô, hay bất cứ phương tiện giao thông nào khác, ngoài xe kéo. Mặc dù lão có thừa tiêu chuẩn dùng ô tô riêng do Sở cấp. Đến nỗi người ta có thể nghĩ: Nếu chiếc xe kéo hỏng, rất có thể lão sẽ ngồi chồm chỗm trên lưng ông gìa Đăng, bắt cõng đi làm, chứ lão cũng không chụi leo lên ô tô.
Cũng như không bao giờ lão thích lây vợ người Pháp. Lão quá hiểu phụ nữ Pháp. Họ không dễ dàng vâng lời chồng như phụ nữ Việt. Mà cái thói kẻ dưới lại dám “bất tuân thượng lệnh” là lão không ưa. Người vùng mỏ, dù đã ở đây lâu đời, cũng không ai biết đời lão đã bao nhiêu lần lấy vợ. Người ta chỉ biết chắc chắn là tất cả “những cành phù dung” ấy đều là người Việt. Kể cả người tôi gặp ở nhà bá Nhau.
Người ta cũng không biết lão xuất hiện ở mỏ từ bao giờ? Có người bảo: Lão đẻ ở mỏ. Có người lại bảo thời “Đệ nhất thế chiến” lão mới sang. Có bộ óc hài hước lại cố tình khẳng định là lão xuất hiện ở mỏ từ những thế kỷ trước. Tức là từ năm 1863, khi thực dân Pháp mới hoàn tất việc chinh phục nước “An Nam”. Và cả đời lão chỉ bám vào mỗi cục than mà sống đến bây giờ! Nhưng có một điều người vùng mỏ ai cũng biết chắc chắn là ngày Nhật đảo chính Pháp, lão đẵ nhanh chân chạy thoát. Để rồi sau đó theo chân quân viễn chinh, lão lại quay về vùng mỏ, bám lấy cục than như trước.
Vì không biết lai lịch, gốc gác, cũng như tuổi tác lão bao nhiêu, cho nên người vùng mỏ cũng không thể đong đếm được đã bao nhiêu máu của các chiến sĩ cách mạng, và người dân vùng mỏ đã đổ vì tay lão. Người ta chỉ biết lão lả tên sen đầm khét tiếng nhất vùng mỏ. Còn bọn chủ mỏ thì coi lão là một “vị anh hùng”!
Dưới trướng, cánh tay đắc lực của lão Ray là một người Việt, còn trẻ, tên là Phổ. Người Phổ nhỏ nhắn, da trắng, mặt mũi đẹp đẽ. Thậm chí còn có vẻ rất hiền lành. Chỉ riêng có mái tóc hắn cắt bốc là trông có vẻ nghịch. Phổ sang Phòng chúng tôi luôn. Hắn chỉ chào và nói chuyện với ông Verdeaux qua loa vài câu, rồi quay ra nói chuyện với mấy anh thư ký. Chẳng bao giờ hắn tò mỏ hỏi người đối thoại điều gì. Và cũng không bao giờ hắn đả động đến chuyện thời cuộc, chính trị hay chiến tranh. Hắn nói toàn những chuyện chơi bời, bông lông, trai gái. Cô nào xấu, cô nào đẹp. Cô nào ngoan, cô nào lẳng. Hắn đều biết hết. Đó là đám con nhà lành. Còn bọn gái mại dâm chuyên nghiệp, hắn cũng kể ra vanh vách từng tên,  cũng như hoàn cảnh riêng tư của từng người. Ai quê quán ở đâu? Vì sao chán đời? Ai lỡ dở yêu đương. Ai bị lừa phải vào nhà chứa. Hắn đều biết, đều nhớ rõ ràng, cặn kẽ…
Có lẽ hắn muốn mượn cái áo phóng đãng, để bọc kín cái nham hiểm ở bên trong chăng?
Anh Nhân cho tôi biết chính hắn, ngoài sự mẫn cán, trung thành với chủ, còn nhờ lợi thế là người bản xứ, nên được lão Ray giao cho việc cầm đầu bọn “Lính kín” của Sở mật thám mỏ. Những việc quan trọng như bắt người, tha người, hoặc thủ tiêu người của cái cơ quan đầy quyền lực này, đều phải qua bàn giấy hắn, rồi mới lên lão Ray. Một người như thế thì làm gì có thì giờ để đi tán hão? Chắc chắn cái “con khuyển” nghiệp vụ này đã đánh hơi thấy điều gì khả nghi ở Phòng giao dịch đây?...
Cứ mỗi lần thấy hắn ngồi lâu, ông Verdeaux lại tỏ vẻ khó chịu. Ông buông bút, dùng bàn tay cứa vào cổ, bảo: “Phổ, attention! Việt Minh coupe la tette” (coi chừng Việt Minh chém đầu). Hắn không tỏ ý giận, mà lại cười vui vẻ, coi như lời cảnh báo đó chỉ là chuyện khôi hài.
 
***
 
Hôm ấy chủ nhật. Tôi đi cắt tóc. Cô Yến ngồi đọc sách bên quầy hàng. Cô ngước lên nhìn tôi mỉm cười, hỏi:
- Anh Quế đọc quyển này chưa? Hay lắm!
- Trinh thám à?
- Vâng. “Vạt áo tím”. Để em đọc nốt mấy trang nữa xong, rồi em đưa cho.
Thế là cũng như những lần trước, mối khi tôi và cô Yến hỏi nhau về việc gì đó, thì mấy cô hàng xen ở trước cửa nhà tôi lại chụm đầu vào nhau. Chẳng biết họ bàn tán những gì? Chỉ thấy họ nhìn tôi bằng những ánh mắt dò hỏi, phán đoán. Tôi đã định nhân tiện đi xem chợ, nhưng lại sợ những ánh mắt ấy, cùng những lời mời chào. Mua hàng thì tôi không có tiền, và cũng không có nhu cầu. Thế là thôi, không đi qua chợ nữa. Tôi đi đường vòng ra phố. Tôi đang đi, thấy một người lạ mặt đến hỏi:
- Anh xem giúp mấy giở rồi?
- Tôi không có đồng hồ..
- Tôi có nhưng lại quên ở nhà.
Tôi thầm a…lên một tiếng. Lời thoại thứ ba đã giúp tôi nhận ra người của đằng mình rồi. Anh đi sát vào tôi dặn địa chỉ và giờ gặp.
Chiều hôm ấy tôi đến điểm hẹn. Đây là hiệu nước mắm. Chủ hiệu là anh Vượng, người sáng nay đã bắt liên lạc với tôi. Anh Vượng ngó ra đường không thấy cái “đuôi” nào bám theo, mới mở cửa sau, bảo tôi lên gác. Một người khoảng bốn mươi tuổi, mặt mũi khôi ngô, tráng kiện đón tôi ở cầu thang. Anh bắt tay tôi và tự giới thiệu: “Tôi là Quân. Chú có thư của anh Ngọc đây”.
Ôi, tôi mừng quá! Người bấy lâu tôi mong mỏi chờ đợi, bây giờ mới được gặp đấy.Thế là từ nay tôi đã có người chỉ huy, có nơi nương tựa, có cả tổ chức ở bên mình rồi. Tôi không đơn độc nữa. Anh quân rất mừng thấy tôi đã có giấy tờ, và việc làm ổn định. Chờ tôi đọc thư xong, anh hỏi về anh Nhân, và cả những người khác cùng phòng. Tôi báo cáo, khẳng định anh Nhân là người tốt, sẵn sàng ủng hộ, giúp đõ kháng chiến. Cả Verdeaux cũng là một người Pháp tương đối tiến bộ. Đã có lần nói chuyện với anh Nhân, ông ta tỏ ý không tán thành Chính phủ Pháp trở lại chiếm Việt Nam, mà chỉ muốn Pháp hợp tác, làm ăn với Việt Nam thôi. Anh Quân bảo:
- Hãy để tay Verdeaux đấy, nghiên cứu sau. Chú phải thuyết phục ngay anh Nhân làm việc cho kháng chiến. Anh Quân còn cho tôi biết: Ngoài tin tức sản xuất hằng ngày phải điện về Pháp, cứ mỗi tháng, mỗi quý, tổng kết năm, Sở than đều có báo cáo bằng văn bản gửi về Pháp. Tôi có nhiêm vụ phải vận đông anh Nhân lấy cho ta những bản báo cáo ấy. Vì chỉ có anh Nhân là thư ký đánh máy ở Phòng giao dịch mới lấy được.
Bàn định xong, chúng tôi thống nhất với nhau ngày giờ và địa điểm gặp nhau lần sau, rồi nhanh chóng giải tán. Anh Quân đi trước. Mười lăm phút sau tôi ra khỏi hiệu nước mắm.
Từ đấy, cứ mỗi lần Sở than có báo cáo, anh Nhân lại lấy cho tôi một bản. Không tháng, quý nào thiếu.
Anh Năng, người được lên phụ thư ký, hơn tôi hai tuổi, nhưng cao hơn tôi gần một cái đầu, da trắng, mặt dài và đầy tàn nhang. Tính anh nhu mỳ, hiền dịu. Mọi cử chỉ đi đứng, nói năng đều mềm mại, nhỏ nhẹ như con gái. Trái ngược hẳn với tấm thân cường tráng dư thừa sinh lực. Chúng tôi thân nhau ngay từ những ngày đầu tôi mới vào làm. Chủ nhật nào rỗi, anh cũng đến nhà rủ tôi đi câu, hay tắm biển.
Một hôm anh đến rủ tôi lên nhà anh chơi và đi câu tôm. Tôi đang đọc quyển sách cô Yến cho mượn, chưa xong, đang ham. Nhưng vì chưa biết câu tôm thế nào, vả lại cũng chưa bao giờ tôi đến nhà anh chơi, quả cũng là thiếu sót. Thế là tôi kẹp quyển sách vào nách, đi ngay. Chúng tôi vừa đi đến trước cửa Sở mật thám liên bang, thì một cô gái trẻ, khá xịnh đẹp ở trên hiên bước ra, tươi cười hỏi: “Nhà dây thép còn mở cửa không hai anh?”. Chúng tôi chưa ai kịp trả lời thì mụ đá rút quyển sách của tôi, mở ra xem lướt. Rồi mụ trả sách, và nở một nụ cười thay lời cảm ơn hoặc xin lỗi. Anh Năng bảo tôi:
- Mụ này không phải người Hồng Gai. Chắc là một “Adăng” (gián điệp) ở đâu mới đến. Cái kiểu giả vờ thân mật ấy, chẳng che mặt được ai. Thực chất đó là một cú khám xét chớp nhoáng, bất ngờ đấy.
Hành vi đó của mụ ta, khiện cả hai đứa cùng chột dạ và kém vui. Chúng tôi lặng lẽ đi bên nhau, mỗi người một ý nghĩ, và hầu như ai cũng nghĩ về những điều thầm kín của riêng mình. Đi một lúc bỗng anh Năng nắm chặt tay tôi, áp sát vào tôi, nét mặt nghiêm trang khác hẳn. Anh ngập ngừng một chút rồi mạnh dạn hỏi:
-       Cậu ở Công an phải không?
-       Anh căn cứ vào đâu?
-       Cảm tính và phán đoán.
-       Thế còn anh?
-       Tớ hoạt động cho Tình báo.
Chợt anh ngừng lòi. Hình như anh đã nhận thấy mình bồng bột, lỡ lời, làm lộ bí mật. Anh chuyển sang chuỵên gia đình, chuyện đi câu. Và nhất là chuyện tình cảm . Anh bảo nhà chỉ có môt mình anh là trai. Anh coi tôi vừa là bạn, vửa là em, sống chết có nhau.
Nhà anh Năng ở chân đồi thông, nhìn ra Vụng Đâng. Đây là xóm thợ nghèo. Nhà nào cũng nhỏ bé, chật chội. Lối đi leo lên, tụt xuống, quanh co, khúc khuỷu. Nhà anh Năng chỉ có hai anh em và bà mẹ. Bố anh là thợ mỏ, mất đã lâu vi bị sập lò. Bà mẹ ở nhà nấu rượu, nuôi lợn, và chăm sóc mấy luống rau bậc thang ở ngoài đồi. Cô em gái mười hai tuổi đang đi học.
Chơi một lúc rồi anh đưa giỏ và cần câu cho tôi. Chúng tôi lội xuống vụng, nước nông, trong vắt. Bùn ở vụng mỏng, không lún sâu. Những khóm sú, khóm vẹt mọc thưa và thấp. Cần câu nhỏ như cái roi trâu. Lưỡi câu là một cái móc sắt nhỏ, không có ngạnh, và cũng không cần phải mắc mồi. Anh Năng bảo tôi phải nhìn thật tinh. Con tôm nằm kín trong bùn, chỉ thò ra hai cái mẳt đen nhánh như hai hạt vừng. Người câu chỉ cần nhẹ nhàng đưa móc vào một bên mắt con tôm nhấc lên. Nó khom lưng bật tanh tách mấy cái là rơi vào giỏ.
Chỉ hơn một tiếng sau, giỏ nào cũng thấy nằng nặng. Bữa trưa hôm ấy, có hai móm đều là tôm cả. tôm rang mặn và tôm nấu canh rau ngót. Bà mẹ anh Năng hái rau ngót ở vườn nhà. Anh Năng hỏi tôi:     
-       Cậu có ăn được rau này không? Rau “sắng nhà” đấy. Ở đây người ta gọi vậy. Còn rau sắng chùa Hương Tản Đà viết, thì mình chưa được ăn, chẳng biết có khác gì không? Rồi anh đọc luôn mấy câu thơ của Tản Đà: “Muốn ăn rau sắng chủa Hương/ Tiền đò ngại tốn, quãng đường ngại xa…”.
Rau này, quê tôi gọi là rau ngót, tôi đã được ăn, và cả bài thơ ấy tôi cũng được đọc rồi. Nhưng bây giờ mới biết rau ngót còn có tên là rau sắng. Rau hái ở vườn nhà.. Tôm câu được. Bữa cơm hôm ấy thật là ngon!
Một hôm tôi đi làm về, thấy bá Nhau ngồi lặng phắc trên chiếu yên. Bá vừa thông điếu hút thuốc, vừa hỏi tôi:
-       Chú Quế đã biết tin gì chưa?
-       Con chưa biết. Tin gì thế bá?
Ngoài chợ người ta xôn xao, đâu như đêm qua mật thám khám nhà bà Nhiếp, bắt bà ấy và ông lái bò đi rồi. Hình như cả nhà nước mắm
Cát Hải cũng bị bắt. Tôi lặng người đi, như bị nghe một tiếng sét quá gần, không nói được nữa, và cũng chẳng biết nói gì. Chỉ cố giữ cho mặt khỏi tái đi cho bá đỡ lo. Nhưng một người từng trải, tinh đời như bá, tôi giấu làm sao được. Chính vì lo bá mới về báo tin cho tôi biết. Thế là anh Vượng bị bắt rồi. Còn ông lái bò kia là ai? Ôi…thôi chết! Có lần anh Vượng đã nói với tôi: “Anh Quân bận đi Đông Triều mua bò”. Thế là anh Quân cũng bị bắt rồi! Tổ điều tra quan trọng nhất của Quận công an Hồng Gai đã bị phá vỡ rồi. Chỉ còn một mình tôi đơn độc ở giữa hang ổ của kẻ thù.
Bà Nhiếp ở dẫy phố trong, sát chân núi Bài Thơ, gần nhà bá Nhau. Tuy hai bà không chơi thân với nhau, nhưng vẫn có quan hệ nhờ vả lẫn nhau về tiền nong buôn bán. Bà Nhiếp là chủ một lò mổ lớn. Ngoài việc cung cấp thịt cho chợ Hồng Gai, bà còn hợp đồng độc quyền cung cấp thịt cho quân Pháp đóng ở đây. Mỗi lần đi Đông Triều, bà thường đánh về hai ba chục con bò. Mổ hết lại đi. Và có lẽ từ những chuyến đi ấy của bà, mà anh Quân, một cán bộ công an, đã trở thành ông lái bò đi vào Hồng Gai hoạt động.
Sau này tôi mới biết, cùng vào Hồng Gai với anh Quân còn một người nữa, chuyên chăn và mổ bò là anh Trình. Đêm bọn mật thám vây nhà bà Nhiếp bắt anh Quân, anh Trình ngủ ở chuồng bò, nên trốn thoát. Nhờ có tài bơi lội, đêm ấy anh Trình ra ngoài chân núi Bài Thơ, bơi qua Cửa Lục, ngược sông về Xích Thổ Hoành Bồ.
Tôi phấp phỏng lo âu. Và không hiểu sao chúng chưa bắt tôi? Hay tôi vào Hồng Gai từ một hướng khác, chúng chưa lần ra đầu mối chăng? Liệu hai người bị bắt, bị tra khảo đánh đập, có khai ra tôi không? Trong hoàn cảnh này, tôi có được phép chạy trốn không? Chạy đường nào? Đường bộ chúng chiếm đóng. Đường biển không có thuyền! Hàng trăm câu hỏi giày vò. Hàng nghìn giả thuyết đặt ra, nhưng vẫn không có lối thoát. Tôi như con cá nằm trên thớt. Chúng muốn bắt lúc nào cũng được.
Ban ngày tôi đi làm. Đêm nằm nghĩ lời khai, và ước ao, chờ đợi có một mũi tên bí mật ở đâu đó bắn vào nhà mình, đem theo chỉ thị của anh Ngọc. Nhưng mong hoài, mong mãi chẳng thấy gì.
Cũng còn may là bá Nhau và anh Nhân không biết quan hệ của tôi với hai người bị bắt, nên sự lo lắng của bá và anh cũng dần dần lắng xuống. Còn tôi vẫn âm thầm lo lắng và suy tinh…
Tên Phổ dạo này năng đến phòng chúng tôi chơi hơn trước. Hắn vẫn chuyện trò vui vẻ, nhưng không ngồi dai. Hình như  y chỉ cần đến xem nét mặt của từng người chúng tôi, có thay đổi gì không, sau chuyện bắt bớ, thế thôi. Nhờ cái chức danh chạy giấy mà nhiều lần tôi không phải đối mặt với hắn. Thấy hắn đến, tôi lại cắp cặp giấy đi. Chỉ khổ cho anh Nhân và anh Năng, không bỏ đi đâu được.
Một hôm, tôi vừa đi làm về, nhìn ra cửa đã thấy một gã đàn ông lạ hoắc đến trước cửa ngồi tán gẫu với mấy cô hàng xén. Gã đi, thì chỉ một lát sau, lại thấy đứa khác đến . Và không ngày nào thiếu vắng những kẻ vô công rồi nghề như vậy. Tôi hiểu rằng chúng đang theo dõi tôi sát sao, như con mèo rình chuột, trước khi tung một cú nhây. vồ.
Có hôm Phòng giao dịch đi vắng hết. Anh Năng kéo ghế đến bên tôi thì thầm” “Cơ sở Tình báo vỡ hết rồi!”. Vừa lúc ấy tôi trông thấy cửa phía sau phòng hơi bị đẩy vào một chút. Tôi vội đá chân anh Năng. Chúng tôi nói sang chuyện khác. Lát sau thấy ông già lao công, cầm cái chổi đi dọc hành lang, đầu thẳng tắp. À…ra thế! Tai vách mạch rừng là thế! Hẳn cái tai nghe lén này vừa áp vào cánh cửa? Ai ngờ…Cái con chó già này, ngày ngày vẫn cặm cụi quét nhà, lau cửa. Cả đời chẳng nói một câu như thằng câm, lại hoá ra là một tên mật vụ, tên Việt gian, khoác áo người lương thiện.
Thế là chúng theo dõi cả lúc tôi đi làm. Chắc chắn chúng đang muốn tìm xem, tôi có quan hệ với những ai, để “hót” luôn cả thể. Anh Năng, anh Nhân thì hẳn là không lọt ra ngoài tầm mắt của chúng được rồi. Nhưng rồi sau chúng tôi vẫn tạo ra được cơ hội để nói chuyện riêng với nhau. Tôi đi xuống kho lĩnh vật liệu văn phòng. Anh Năng đi khớp sổ. Tôi hỏi anh Năng: 
-       Sao anh không chạy đi?
-       Mình thương bà cụ, và con bé em đang đi học. Vả lại mình là người ở đây, có biết cơ quan Tình báo ở đâu đâu?
-       Tôi biết! (Tôi nhìn anh như muốn reo lên). Cả Tình báo và Công an đều ở huyện Hoành Bồ.
Nhưng chúng theo dõi sát sao như vậy, trốn bằng cách nào, và lúc nào cho trót lọt? Chắc chắn rằng tất cả các ngả đường ra vào Hồng Gai, đều bị chúng phong toả. Thật nan giải. Chúng tôi bàn bạc mãi. Cuối cùng, thấy không còn cách nào hơn là trốn ngay ban ngày và bằng thuyền. Nhờ anh Năng có quen biết mấy người dân chài. Anh chịu trách nhiêm tìm người tin cậy, thuê họ chở. Việc hệ trọng này, phải tuyệt đối bí mật. Kể cả với mẹ anh, cũng như bá Nhau và anh Nhân.
Sau hôm ấy, ngày nào đi làm tôi cũng tìm cách hỏi anh Năng xem kết quả? Anh chỉ lắc đầu, báo hỏi mẫy chỗ, họ đều từ chối. Tôi càng lo lắng hơn, vì tính mạng của chúng tôi giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào việc đó. Thế rồi cái điều mong mỏi, chờ đợi ấy cũng đến. Một hôm tan tầm về, đi đến trước cửa Sở mật thám lão Ray, và trước khi bước sang lối rẽ, anh Năng mới cho tôi biết có tin vui: “Có thuyền rồi! Sáng mai tan tầm, đi!”.
Tôi mừng run lên! Đêm hôm ấy, cả đêm tôi trằn trọc, mong trời chóng sáng, mong tiêng còi tầm. Thế là đã hơn nửa năm, tôi ở đây, dưới cái vỏ một nhân viên hạng chót của mỏ, để hoạt động cho kháng chiến. Những gì đã làm được?...Những gì chưa?...Đầu óc quay cuồng những dòng hôi ức…Tôi vẫn nhớ lời anh Ngọc nói: “Địch muốn lấy của ta, đánh ta. Ta phải phá tan âm mưu ấy của địch. Muốn làm được việc đó, ta phải có người chui sâu vào trong lòng địch, nắm được nội tình của chúng, để phá từ trong phá ra”. Và  tôi đã có mặt, ở đúng cái nơi là đầu não của bộ máy ấy, đã lấy được toàn bộ tình hình sản xuất của chúng. Kể ra cũng không đến nỗi uổng công anh trông đợi. Nhưng tiếc rằng giờ kết thúc đã đến! Chỉ còn đêm nay nữa thôi! Đây là đêm cuối cùng. Tôi sẽ phải từ giã ngôi nhà này. Từ giã bá Nhau, người đã đón nhận, và nuôi tôi như con đẻ, đã vất vả lo lắng vì tôi. Giã từ anh Nhân, anh Nhớn. Giã từ tất cả những gì quen thuộc thân yêu…
Xưa nay, mọi cuộc chia ly đều buồn cả. Nhưng cuộc chia ly thầm lặng này, có lẽ còn buồn hơn. Vì chỉ xẩy ra có một phía. Chỉ người ra đi mới biết mình phải đi. Còn người ở lại, khi biết thì sự chia ly đã xẩy ra rồi!...
Trời mờ mờ sáng. Tiếng còi tầm rúc lên giục giã. Vốn từ xưa còi vẫn thế, nhưng sao hôm nay tôi thấy nó thôi thúc hơn, gấp gáp hơn bất cứ hôm nào? Tôi bước ra cửa. Cô Yến cũng dọn hàng rồi. Tôi nhìn em lần cuối. Nhìn sâu vào đáy mắt em. Nửa năm quen biết nhau, bây giờ tôi mới dám nhìn như vậy. Xin em đừng giận, đừng cho tôi là kẻ lả lơi, vì đây là cái nhìn cuối cùng. Tôi muốn thu lấy hình ảnh xinh đẹp của em, và cả hồn em nữa, để rồi mãi mãi không bao giờ tôi có thể quên em. Gia đình em ở đây, bạn bè em ở đây, chắc em không hiểu được cái nhìn ấy đâu. Nó nuối tiếc, xót xa đến nao lòng người ly biệt. Yến cũng nhìn tôi âu yếm, và lại trao cho tôi một nụ cười như mỗi sáng, mỗi chiều, khi tôi trở về, hay bước chân ra ngoài cửa. Em có biết đâu hôm nay đã hoàn toàn khác trước. Tôi đi sẽ chẳng có ngày trở lại. Khi thấy tôi không về, em có nhớ tôi nhiều như tôi nhớ em không?...
Nếu một ngày ở trong tù bằng một nghìn năm ở bên ngoài, thì bốn tiếng ca sáng tôi làm hôm ấy cũng dài như bốn năm. Mong mãi mới thấy tiêng còi tan tầm. Đi qua cổng khu nhà văn phòng rồi, tôi cố giữ vẻ bình tĩnh bảo anh Nhân: “Em lên nhà anh Năng chơi, chiều đi làm luôn. tối em mới vè nhà”. Tôi cùng anh Năng lặng lẽ đi bên nhau. Tôi không dám ngoái lại nhìn anh Nhân lần cuối cùng.
Đến trước cửa Sở mật thám lão Ray, không ai bảo ai, chúng tôi cùng liếc mắt vào thấy vắng ngắt. Thế là trót lọt một cửa ải rồi! Rồi đến vọng gác trước cửa chỉ huy sở Quân khu Hồng Gai, nơi tôi vẫn đến xin ký giấy tờ. Hai tên lính da đen cầm súng đứng yên không nhúc nhích. Tôi nhìn ngôi nhà đồ sộ ấy lần cuối cùng (Sau ngày giải phóng là trụ sở Công đoàn Quảng Ninh), và hình dung thấy tên quan năm Pháp, đầu đội mũ chào mào, cởi trần, da đỏ huẩy ngồi lúi húi viết. Khi chúng tôi đi đến khu Nhà tù, vừa đi tim vừa đập thình thịch. Chỉ sợ có tiếng bất chợt gọi từ phía sau lưng: “Ê, đứng lại! Các anh đã bị bắt!”. Đến bến phà, qua vị trí tiền tiêu của quân Pháp ở phía Tây bắc Hồng Gai, rồi mới đến Vụng Đâng.  
. Vào nhà anh Năng, chúng tôi vội vàng tháo dép, cởi quần áo ngoài ấn vào trong giỏ. Hai đứa mặc quần áo lót, xách giỏ, cầm cần câu, lội xuống bãi biển. Mẹ anh Năng ở trong bếp chạy ra gọi với: “Sao anh em không ở nhà ăn cơm đã! Lại đi đâu giữa trưa trời nắng thế này?”. Tôi đành nói dối bà: “Tí nữa chúng con về!”. Một chiếc thuyền câu đã chờ sẵn ở ngoài chân sú. Chúng tôi khoắng chân, chui tọt vào trong khoang. Thuyền chỉ có hai người, một mẹ, một con. Thằng bé khoảng mười bốn mười lăm tuổi. Nhanh như con sóc, nó kéo buồm rồi ra mũi cầm chèo, phăm phăm bổ ngang mặt nước. Bấy giờ đang là  mùa hè, gió đông nam thổi mạnh. Chúng tôi ngồi ở trong khoang, bỗng chốc thành ra “hai ông Gia Cát Lượng”, cấu cho gió to nữa lên. Con thuyền thon nhỏ, lao đi như bay, ngược dòng sông Cửa Lục về phía Bắc. Bà chủ thuyền ngồi cấm lái, luôn luôn ngoảnh lại nhìn về phía sau. Tuy không ai nói ra, nhưng ai cũng hiểu: Nếu ca nô chúng đuổi theo, thì vận tốc của thuyền dù có nhanh nữa, cũng không thoát được. Nhưng trưa hè sông vắng. Không thấy ca nô đuổi theo. Chiếc thuyền câu vẫn lao băng băng.
Khoảng hơn một tiếng, hay hai tiếng sau, mũi thuyền rẽ vào một cửa lạch, rồi gầm thuyền bỗng ran lên những tiềng lạo xạo của cát sỏi, con thuyền dừng hẳn lại. Cả hai chúng tôi cùng bật lên tiếng: “Thoát rồi! Thoát rồi!”. Chúng tôi chui ra ngoài khoang. Đất liền đây rồi! Ôi chao! Đất tư do, đất sống đây rồi! Chúng tôi rối rit cảm ơn mẹ con bà chủ thuyền, rồi xách giỏ lao xuống nước, lội vào bờ, Vừa giẵm chân lên bãi cỏ, không bảo nhau, không chủ định, cả hai cùng vứt giỏ, nhẩy bổ vào nhau, ôm nhau, vừa nhẩy lên, vừa gào thét: “Thoát thật rồi! Sống thật rồi! Tự do rồi! Tự do muôn năm!”. Chúng tôi vừa hò hét thật to, vừa nhẩy nhót cho phỉ chí, cho bõ bèn những tháng ngày phải lo âu, thầm lặng, vào luồn ra cúi kẻ thù. Bỗng tôi nẩy ra ý bắt chước những buổi đi làm, gặp lão Ray. Tôi khom lưng, chắp tay vái anh Năng: “Bẩm cụ lớn ạ!”. Lấp tức anh Năng cũng ngửa người, phưỡn bụng: “Bồ..ồng..”. Rồi lại xông vào, ôm nhau, quật nhau lăn ra bãi cỏ cười ngất. Cười mãi rồi, chúng tôi bật lên tiếng hát. Vâng trong lúc vui vẻ, sung sướng này ai mà chẳng muốn mở tiệc mừng. Chúng tôi “ăn mừng” bằng bài hát. Những bài hát quen thuộc mà bấy lâu không dám hé răng. Chúng tôi hát say mê, hát vội vàng chẳng cần gì giai điệu, tiết tấu, cũng chẳng cần biết có hay không. Chỉ cần xem mình còn nhớ hay quên.
Mãi đến lúc mặt trời đã ngả trên đỉnh núi phía tây, chúng tôi mới rửa chân, mặc quần áo tìm đường về cơ quan.
Khi nhận ra tôi, cả cơ quan chạy ra đón. Người tôi quen, cũng như người tôi chưa gặp mặt, ai cũng vui mừng. Từ hôm vỡ cơ sở, anh Trình chạy về, ai cũng tưởng là tôi đã bị bắt. Tôi giới thiệu anh Năng và báo cáo qua tình hình với anh Ngọc. Cơm chiều xong, anh Ngọc cho liên lác đưa anh Nang về cơ quan Tình báo
Hôm sau phiên chợ Bang. Tôi đi mua khăn mặt, bàn chải và hộp kem đáng răng. Chợ đông. Tôi đang len lỏi, bỗng có người cầm tay kéo lại. Ôi…bà chủ thuyền! Bà tươi cười nói: “Anh ơi! May nhá! Mẹ con tôi vừa ra đến giữa sông, thi ca nô nó ập đến. Nó nhẩy sang khám xét, rồi vặn hỏi đi đâu? Tôi bảo đi lấy nước ngọt. Thế là nó chịu”. Tôi chẳng biết lấy gì để đáp lại ơn bà, ngoài những lời cảm ơn suông. Bà bảo: “Tiện gặp thì cũng nói để anh biết, chứ ơn mấy huệ gì. Thôi tôi đi bán cá đây!”.
 
***
 
Anh Viện, Trưởng Ty Công an liên tỉnh Quảng Hồng, xuống Quận Công an Hồng Gai kiểm tra công tác. Lãnh đạo Quận họp với Trưởng ty liên miên mấy ngày liền. Hôm nghỉ, anh Viện bảo tôi đem ghế ra vườn ngồi nói chyện. Anh ngồi trên võng bạt buộc vào gốc cây chay. Tuy là cán bộ cấp cao, nhưng anh Viện cũng chỉ tầm tuổi anh Ngọc. Người nhỏ, dáng dấp như một nhà giáo, chứ không phải là cán bộ chính quyền. Anh hỏi rất tỷ mỉ về tình hình công tác, và vụ vỡ cơ sở trong nội thành. Tôi trình bày cặn kẽ, cũng như trước đã báo cáo với anh Ngọc. Nghe xong, anh nhận định: “Khả năng chúng bắt anh Nhân là khó tránh khỏi”. Vâng. Tôi cũng nghĩ như thế. Về danh nghĩa tôi là em, lại là người anh Nhân xin cho đi làm. Nhất định chúng sẽ buộc trách nhiệm cho anh, bắt anh phải khai ra sự thật. Suy nghĩ một lát, anh Viện bảo: “Phải rút anh Nhân ra. Nếu Quận lại cử chú vào Hông Gai, chú có đi được không?”
Anh nhìn thẳng vào mắt tôi chờ đợi. Tôi giật mình đánh thót. Vừa thoát ra được, giờ lại giấn thân vào thì nguy hiểm quá! Nhưng không lẽ bỏ mặc anh Nhân? Vả lại tôi là cấp dưới, làm sao dám từ chối mệnh lệnh của cấp trên. Suy nghĩ một lát, cuối cùng vì lương tâm và danh dự, tôi nhận lời:
-       Vâng, em có thể đi được.
-       Tốt lắm! Chú nghĩ đi, xem đi bằng cách nào? Tôi viết cho tay Verdeaux lá thư, khuyến khích hắn. Nếu vì lý do gì đó anh Nhân không đi mà bị bắt, có thể Verdeaux sẽ đứng ra giúp đỡ anh ấy.
Anh Viện lấy giấy bút kê lên đùi, viết một lá thư rất dài bằng chữ Pháp. Chờ anh viết xong, tôi trình bày dự kiến, Và, vì dự kiến này có liên quan đến vụ tước súng của Xương Bình, chủ mỏ Cái Đá, nên tôi xin kể về vụ này trước:
Quận Công an Hồng Gai mới được thành lập, cái gì cũng thiếu. Thiếu người, thiếu tiền, và thiếu vũ khí. Biết chủ mỏ Cái Đá mới mua được hai khẩu súng ngắn để tự vệ. Anh Ngọc, Quận trưởng quyết định thu hai khẩu súng ấy, để trang bị cho anh em hoạt động. Sau khi điều tra, nghiên cứu, cơ quan họp bàn kế họach. Anh Ngọc cho chúng tôi biết, Xương Bình là tư sản người Hoa. Hắn mua lại mỏ Cái Đá của bon tư sản Pháp: ”Công ty than Bắc Kỳ” (Societẻ de Chảbonnase du Tonkin), để phục hồi sản xuất. Mỏ này là khu đồi núi nằm bên tả ngạn sông Bang, đã bị bỏ hoang từ ngày Nhật đảo chính Pháp. Mỏ chưa có đủ lán trại cho công nhân ở. Những người ở Hồng Gai, Hà Lầm đến mỏ làm, tối lại đi bộ về. Xương Bình cũng vậy, hắn cùng người tư ký tin cậy, sáng đi thuyền vào mỏ, tối lại về Hồng Gai. Súng để trong túi xách. Đến văn phòng, túi súng để ở đàu giường.
Quận cử bốn người, với ba súng ngắn, gồm các anh Thuỷ, Hoà, Phong và tôi đi, do anh Thuỷ phụ trách. Chúng tôi mặc quần áo công nhân, chèo thuyền từ Xích Thổ sang Cái Đá, đột nhập vào văn phòng mỏ, rút súng ra bắt tất cả ngồi im. Tôi vào đầu giường thu túi súng. Anh Thuỷ cảnh cáo Xương Bình, vì đã mấy tháng y không phát lương cho công nhân, và tuyên bố thu hai khẩu súng của y để phục vụ cho kháng chiến. Xương Bình và đồng bọn sợ xanh xám cả mặt mày, vâng dạ rối rít, và hứa sẽ thu xếp phát lương cho công nhân ngay. Để đề phòng bất trắc, trước khi rút đi, chúng tôi yêu cầu chủ mỏ phải đưa chúng tôi ra thuyền, và cấm không được làm việc gì gây huyên náo. Cuối cùng Xương Bình cử thư ký đưa chúng tôi đi.
Xin trở lại việc đang trao đổi giữa tôi với anh Viện. Dự kiến của tôi như sau:
Do việc đi tước súng của Xương Bình mà tôi biết từ Cái Đá có đường đi Hồng Gai. Chỉ có điều là tôi chưa đi qua đường này bao giờ, nên phải đi ban ngày mới nhận được đường. Và trong thời gian về Quận vừa qua, tôi đã quen anh Thủ, là giao thông viên nội thành của Công đoàn, biết anh vẫn sang Cái Đá bằng chiếc thuyền riêng, khi về lại dìm thuyền giấu ở bờ sông. Nếu anh Ngọc sang đề nghị Công đoàn, cho tôi được đi cùng anh Thủ sang Cái Đá, thì chuyến đi có thể thực hiện được. Tuy hơi mạo hiểm, vì tôi đã lộ mặt ở Hồng Gai. Nhưng ngoài ra, không còn cách nào khác. Anh Viện đồng ý dự kiến của tôi.
Hai hôm sau. Tôi cùng anh Thủ lên đường. Anh Thủ mặc quần áo, và đội nón rộng vành kiểu người Hoa, trông y như một Hoa kiều thực thụ. Anh là người Kinh, quê ở Trà Cổ, nói tiếng Quảng Đông rất thạo. Đặc biệt là lúc anh bắt chước người Hoa nói tièng Việt, ngọng líu lô, thì không chê vào đâu được. Tôi kiếm được cái ô, dùng để che mặt lúc cần, mặc quần soóc, áo sơ mi bỏ vạt ra ngoài quần. Sau vụ tước súng, tôi được sử dụng một trong hai khẩu súng ngắn “chiến lợi phẩm”. Khẩu “Sinechien” mới nguyên, ánh thép xanh rờn, bóng loáng. Tôi cài khẩu súng vào trong bụng. Bao thư đút trong túi quần. Thuyền vượt qua sông Bang, anh Thủ cho thuyền vào chân đồi phía Nam mỏ Cái Đá, tìm chỗ kín dìm thuyền, giấu. Anh dặn tôi:  Chiều mai từ hai đến ba giờ, chờ anh ở đây rồi cùng về. tôi hỏi:
- Anh vào Cái Đá à?
- Không, tớ đi Hà Lầm. Chú đi đâu?
- Em đi Hồng Gai.
- Thế ta cúng đi. Hà Lầm cách Hồng Gai bốn cây. Bao giờ đến chỗ rẽ tớ chỉ cho mà đi.
Quãng đường từ Cái Đá vào Hà Lầm khá xa, toàn đồi núi hoang vu, lau sậy rậm rạp, cao gần lút đầu người. Lác đác đây đó còn sót những cây thông già, bám vào sườn đồi đơn độc. Đường vắng. Thỉnh thoảng mới gặp một vài người buôn, gánh rau, gánh cá, từ Hồng Gai, Hà Lầm ra Cái Đá. Trươc khi rẽ lối, anh Thủ dẫn tôi vào nghỉ chân ở một nhà cơ sở. Ngôi nhà hai gian, bám vào sườn đồi. Cửa mở ở đầu hồi, như kiểu nhà của người thiểu số, nền nhà nửa đất, nủă sàn. Chủ nhà là bác công nhân già, gầy nhom, xơ xác, mặt buồn rười rượi, hỏi mới nói, không lại ngồi yên. Và anh con trai khoảng ngoài hai mươi tuổi, làm thợ lò.
Nghỉ một lát rồi tôi đi, qua Loong toòng vào Phố Mới, rồi leo lên Núi Đạo, đến nhà ông cai Bật. Nhà ông ở đỉnh núi, trước cửa nhà thờ. Đây là đất của Chúa, toàn giáo dân ở. Bọn chỉ điểm, mật thám cũng it khi nhòm ngó. Vừa trông thấy tôi, cả nhà ông Bật cùng “ồ…” lên ngạc nhiên, và vui mừng. Ai cũng chụm tay làm dấu tạ ơn “Giêsuma lậy Chúa tôi!” Rồi ông nói như reo lên:
- Cậu Quế! Thế mà người ta cứ đồn ầm lên là cậu bị bắt rồi. Họ còn nói rõ là cậu bị giam ở Trới. Thật nhảm nhí.
-  Thế ạ. Có thể cái tin ấy do bọn mật thám tung ra, sau khi đuổi theo bọn cháu hụt.
- Chắc cậu chưa biết? Sau cái tin nhảm ấy, thì bà Nhau bị bắt thật!
-       Ôi thôi chết! Bá Nhau bị bắt rồi sao?
-       Khoan! Để tôi nói đầu đuôi cho cậu nghe. Thấy tin đồn, bà Nhau vảo Trới thăm cậu. Trại giam nó trả lời, không có tên Quế nào bị giam ở đây. Trước khi về, chẳng biết nghĩ ngợi làm sao, có đồng nào đem đi, bà ấy phân phát hết cho người tù. Thế là bị chúng nó bắt. Bắt người mà lấy được tiền thì sao nó không bắt! Nhưng ổn cả rồi. Cậu Nhân chạy chọt, đút lót mụ Ray. Chỉ mất máy hôm rồi chúng tha.         
Tôi thở dài nhẹ nhõm, mừng bá tai qua nạn khỏi. Nhưng trong thâm tâm vẫn áy nây, ân hận, không ngở lại vì mình mà bá thêm vất vả, gian lao như vậy. Và đến lúc ấy tôi mới hiểu: Bá là người biết nhìn xa, thấy rộng, khi quyết định cho mụ Ray con lợn hôm nào.
Ăn uống và nghỉ ngơi ở nhà ông Bật, chờ trời tối tôi xuống phố. Phố tối mở mờ. Lúc bấy giờ chưa có đèn cao áp. Đèn đường toàn những chiếc bóng tròn đỏ quạch. Tôi đi theo kiểu vòng vo từ góc tối này sang chỗ tối kia, rồi về số nhà bốn hai quen thuộc. Khi nhìn thấy vệt sáng từ trong nhà em Yến hắt ra ngoài hiên, lòng tôi bỗng rộn lên biết bao bồi hồi, xao xuyến…Tôi liếc mắt vào trong nhà,  mong được nhìn trộm thây em, nhưng không thấy ai. Tôi vòng ra sau nhà, đẩy tấm ván cửa hẻm, lối đi của người lấy phân lợn, rồi vào trong nhà. Thấy tiếng bá Nhau đang kể lể, chửi bới, chì chiết ai đó ở trên gác. Tuy không nghe thấy tên ai, nhưng chắc lại là ông Hương. Vì chỉ có ông mới là đối tượng của những lời kể lể ấy, lúc bá say. Anh Nhân đứng ở chân cầu thang, mặt buồn rười rượi. Chợt trông thấy tôi anh thốt lên:
-       Ôi…chú Quế! Chú về bao giờ? Trời ơi sao em mạo hiểm thế?
-       Em có việc phải về bàn với anh, và thăm bá rồi đi ngay.
-       Thăm bá bây giờ thì không nên. Bà cụ bị bắt, mới được tha, chú đã biết chưa?
-       Ông cai Bật cho em biết cả rồi.
-       Từ hôm được tha về, hôm nào bá cũng say. Mà hễ say là lại chửi bới, khóc mếu, chú còn lạ gì. Có việc gì anh em ta cứ nói với nhau cũng được
Tôi nói rõ chủ định của Quận Công an, muốn rút anh ra ngoài vùng tự do để bảo đảm an toàn cho anh. Nhưng anh từ chối, bảo: “Tôi cũng muốn thoát ly đi tham gia kháng chiến. Nhưng nhà chỉ có một mẹ, một con. Bà cụ lại già rồi. Tôi đi làm sao được.”.
Tôi biết bá Nhau đã mua anh từ lúc còn ẵm ngửa, của một bà mẹ ăn mày. Bá nuôi dậy anh khôn lớn, và gây dựng cho anh được như bây giờ. Công ơn ấy anh chưa có gì báo đáp, nên không dám ép. Tôi đưa bức thư anh Viện, nhờ anh tìm cách bí mật chuển cho Verdeaux. Và dặn anh: Nếu bị bắt, cứ khai tôi bé dại, nghe thằng Năng rủ rê, trốn nhà đi mất, không biết đi đâu. Chẳng có chứng cớ gì, giam mãi rồi chúng cũng phải tha.
Tôi từ biệt anh quay về Núi Đạo.  
Hôm sau, sáng dậy thấy trời đầy mây. Mây xám, mây bạc, mây đen lồng lên tơi tả, và mỗi lúc một thêm dầy đặc. Không gian càng lúc càng tím tái đi, Thỉnh thoảng lại nổi lên những cơn gió lạ, và lác đác lúc mưa, lúc tạnh, chợt gió, chợt yên. Hiện tượng đó là dấu hiệu của một cơn bão gần, mà tôi không biết. Lúc bầy giờ ở nước ta, vùng tự do cũng như vùng địch chiếm, đều không có phương tiện thông tin, không có dự báo thời tiết như bây giờ.
Ông cai Bật đi làm. Nhà chỉ còn bà cai và cô gái út. Người trông nồi rượu, giã men. Người nấu cơm, chuẩn bị ủ mẻ cơm rượu mới. Tôi bồn chồn chờ đợi, mong từng giây từng phút qua đi cho chóng đến giờ anh Thủ hẹn. Hết xem đồng hồ lại nhìn trời mây, mưa gió. Đến gần trưa, mưa như có vẻ thưa hạt hơn. Gió cũng dần dần giảm, có lúc chỉ còn phe phẩy trên ngọn cây. Sắp đền giở rồi. Tôi từ biệt mẹ con bà cai xuống núi.
Phố Mới lúc bầy giờ mới có vài ba lán thợ, nhà một tầng, người thưa, đường vắng, ai cũng vội vàng chay mưa. Nhờ chiếc ô che khuất mặt, tôi yên tâm đi như những người chạy mưa, qua Loong Toòng, rồi rẽ sang đường mòn đi Cái Đá. Mưa bây giờ lại to hơn. Gió cũng đột ngột mạnh hẳn lên, và mỗi lúc một thêm dữ dội. Bão to rồi. Bão đã tràn đến đây rồi. Gió ở sau lưng ô, đẩy tôi đi như bay về phía trước. Lại có lúc như muốn nhấc bổng tôi lên. Có lúc lại hất tôi lùi trở lại. Quần áo ướt sũng, tay giữ ô, tay ôm bụng giữ khẩu súng, tôi cắm đầu chạy. Chạy theo kiểu giật cục, lúc nhanh, lúc chậm. Các bụi lau, bụi sậy ở hai bên đường quất vào lưng và hai ống chân tê buốt. Có những chỗ vách núi dựng đứng không có cây, sỏi ném vào người tôi rát rạt như tên bắn. Tôi vẫn cố dấn lên phía trước. Mãi rồi cũng đến đựơc chỗ mỏm đồi hẹn, nhưng chẳng thấy anh Thủ đâu? Sông Cửa Lục khói nước mù trời. Sóng như những bức tường thành đồ sộ dựng đứng lên, rồi đổ vật vào chân đồi, gầm rít, điên cuồng như hàng nghìn con quái vật. Bốn phía không một bóng người. Chỉ thấy rừng thông quằn quại, gầm rú, cùng lau sậy vật vã, rít lên muôn vàn âm thanh man rợ. Bão to quá rôi! Báo đã cắt mất đường về của tôi rồi! Tôi hốt hoảng, khiếp sợ, thấy mình đã bị cơn bão xô đẩy đến chỗ cùng đường rồi!...
Nhưng, bất chợt trong tâm trí tôi lại loé lên một tia hi vọng mỏng manh cuối cùng…Tôi liền chạy ngược trở lại, tim căn nhà nghỉ chân hôm qua. Đang cắm đầu chạy, bỗng tôi  bật lên tiếng hát. Vâng, tôi đã hát. Trong cảnh ngộ hái hùng ấy, nếu tôi không hát, thì nhất định phải khóc. Hát để tự an ủi nỗi cô đơn của mình. Hát để chống lại nỗi khiếp sợ trước thiên nhiên tàn bạo. Nhưng hát đến câu: “Anh Kim Đồng ơi! Anh Kim Đồng ơi! Tuy anh qua đời Đội ta cố noi”, thì nước mắt lại tràn ra…Tôi khóc! Không biết tôi khóc vì tấm gương anh Kim Đồng? Hay vì tự thương mình. Hay vì cả hai thì tôi không nhớ nữa.
Ngôi nhà cửa dọc đây rồi! Cửa đóng kín mít. Không biết tên chủ nhà là gì, tôi cứ gọi: “Anh ơi! Anh ơi!”. Vừa gọi vừa gõ cửa dồn dập. Mãi sau mới thấy anh thợ lò hé cửa. Nhận ra tôi, anh lao ra ngoài sân mưa, nắm cánh tay tôi, đưa  vào chái bếp. Tôi như kẻ sắp chết đuối ở giữa dòng nước xiết, bỗng được cứu  lên bờ. Người tôi đang run cầm cập vì rét, bây giờ lại run thêm vì mừng. Gió mưa vẫn gào thét ầm ầm , sợ tôi không nghe rõ, anh ghé sát vào tai tôi nói to như quát: “Không vào nhà được đâu! Mẹ tôi đang lên cơn. Bệnh tâm thần ấy mà”. Im lặng một lát, rồi anh lại nói, như tự than thở với mình: “Khổ quá! Giời đang mưa bão, lại tối đến nơi rồi!”.
Tôi hỏi tin anh Thủ. Anh bảo chẳng thấy đâu. Bất chợt trong tiếng gió rít, mưa sa, tôi nghe thấy một giọng đàn bà khản đặc, cười lên sằng sặc. Rồi sau lại thấy tiếng ngân nga, í ới như tiếng hát. Bão gió làm cho tiếng người đứt quãng, chập chờn, chới với chẳng rõ ra câu chữ, ý nghĩa gì. Khiến càng lăng tai nghe, càng thêm ghê rợn.
Đăm chiêu suy nghĩ một lúc, rồi anh công nhân chạy lên nhà. Sau anh đem xuống cho tôi một mảnh vải mưa, bộ quần áo khô, và đùm vào khăn mặt khoảng một bát cơm, hãy còn hơi âm ấm. Anh dẫn tôi ra ngoài rừng thông, leo lên đỉnh đồi, trên đó có cái chòi gác máy bơm của bố anh. Bão, mỏ nghỉ sản xuất, bố anh ở nhà. Tôi kéo miếng tôn che cửa, chui vào trong. Cái chòi có hai mái lợp lá thông, úp chụp xuỗng đất như cái chuồng gà. Có lẽ vì thế, nên trước gió bão nó vẫn không bị cuốn đi. Toàn bộ “nội thất” chỉ có cái giường một ọp ẹp, giải manh chiếu, và một khúc gỗ bóng nhẫy mồ hôi, dùng làm gối. Tôi thay quần áo khô,  bốc cơm ăn, chụm tay hứng nước uống, rồi nằm lăn xuống giường.
Đêm ấy tôi ôm khẩu súng nằm nghe gió rít ở trên đầu, và nghĩ đến mọi cách để tìm đường về. Quãng đường tuy không xa lắm, nhưng đầy hiểm trở, không chắc gì có thể vượt qua được. Nghĩ mãi, lo âu mãi, rồi nghĩ đến chuyện cọp vồ người, rắn phun nọc độc, ở đâu đó tôi đã từng nghe. Cũng may là còn có khẩu súng. Nó là người bạn đường tin cậy, là cái “ bùa hộ mệnh”, đồng thời cũng là niềm tự hào của tuổi trẻ tôi. Nếu không có nó, chắc cái đêm mưa bão ở trong vùng địch ấy, với tôi còn khủng khiếp hơn nhiều.
Tinh mơ sáng hôm sau, tôi dậy. Trời còn mưa, nhưng gió đã yên. Tôi cởi quần áo để lại trả anh công nhân, vận quần áo ướt xuống núi. Cây cối hai bên đường đi tả tơi, run rẩy đứng dưới mưa. Tôi lại trở ra điểm hen, Nhưng vẫn không thấy anh Thủ đâu. Quẩn quanh ở đây lâu càng thêm nguy hiểm. Tôi quyết định bằng mọi giá, phải bơi về Hoành Bồ. Dù có bị chết chìm làm mồi cho cá, cũng còn hơn là bị địch bắt. Tôi ấn cái ô và đôi dép vào trong bụi, cởi áo buộc chặt khẩu súng lên đầu, rồi lội xuống nước. Không bơi được xa như anh Trình, tôi bơi từng quãng một, theo dọc chân sú, ngược lên phía Bắc là thượng nguồn con sông Bang. Mệt lại leo lên cây chang, cây đước, vít cành ngồi nghỉ. Bão mới tan, trời mưa, sông vắng. Chưa có một chiếc thuyền nào ra sông, khiến tôi càng bình tĩnh. Cứ từng quãng vừa bơi vừa nghỉ. Rồi dần dần mưa tạnh, mây quang. Đến lúc thấy mặt trời ló ra, và đã ngả về Tây, thì nhìn sang bên kia đã thấy phố Bang. Quãng sông này tương đối hẹp, cố hết sức chắc tôi có thể vượt qua được. Chỉ cầu mong dừng bị chuột rút. Để chuẩn bị vượt sông, tôi leo lên một cây đước khá to, nằm nghỉ lâu hơn tất cả những lần nghỉ trước. Khi hồi sức, tôi tụt xuống bơi qua sông. Bơi mãi. Bơi mãi. Có lúc mệt quá, tôi định nằm ngửa lên  mặt nước để nghỉ. Nhưng trên đầu còn khẩu súng. Nước mặn, sợ súng han gỉ, nên lại cố sức bơi. Bơi mãi, rồi cũng sang được bên kia sông. Thế là thêm một lần nữa, từ chỗ hiểm nguy, chân tôi lại chàm vào đất sống: Hoành Bồ.
Lần thứ hai tôi trở về cơ quan trót lọt.
 
 
 
 
 
 
 

                            THẦM LẶNG                                      (Tiểu thuyết “Một thời giông bão”của Tạ Hữu Đỉnh)
Anh Thuỷ đưa tôi về Quận Ba, Ty Công an liên tỉnh Quảng Hồng. Thời gian này quân Pháp đã chiếm đóng toàn bộ khu mỏ, suốt từ Cửa Ông, Cẩm Phả, Hồng Gai, Uông Bí, Đông Triều. Quận đóng tại nhà một người thiểu số ở Ninh Tràng. Đây là một thôn nhỏ nằm dưới chân dẫy núi Yên Tử hùng vĩ. Đêm tháng mười ở đây trời đã lạnh lắm. Nhà nào cũng đốt lửa. Củi để cả cây, đốt suốt đêm. Chẳng bù cho quê tôi phải quét lá tre, nhổ gốc rạ thổi nấu, làm gì có củi mà sưởi như ở đây. Tôi nhớ nhà quá, lại vừa bị lạnh đêm không ngủ được. Không có chăn, anh Thuỷ ôm tôi, ủ ấm cho tôi. Hôm ở nhà chuẩn bị đi, hành trang của tôi chẳng có gì. Không màn, không chăn, chỉ hai bộ quần áo nâu, bộ mặc, bộ để trong túi vải. Chiếc mũ trắng và đôi dép da tôi đem ở Hà Nội về năm trước, nay đã cũ, rách, mà anh Thuỷ bảo không dùng được. Mũ trắng máy bay địch dễ phát hiện, dép da lội suối ngấm nước.
Mẹ tôi không muốn cho tôi đi. Mẹ bảo: “Mày còn bé thế đi thi…”. Mẹ không nói hết câu. Mẹ lo đạn bom, khói lửa, tôi còn nhỏ dại, không biết giữ thân chăng? Ôi, mẹ lo xa quá! Lứa tuổi mười sáu đầy mơ mộng như tôi, được đi đánh giặc cứu nước là sung sướng rồi, còn sống hay chết nào có xá gì đâu.
Biết không thể giữ tôi ở nhà được, mẹ đi chợ mua cho tôi cái khăn mặt, và đôi dép cao xu trắng mác “ngựa bay”. Một chuyến đi lâu dài, không biết bao giờ mới về, và cũng không chắc có ngày về nữa không. Nhưng sự chuẩn bị cũng giản đơn thế thôi, không có hoa trao, quà tặng. Không liên hoan, không người đưa tiễn, như những lớp người sau nối tiếp ra đi.
Như con chim được sổ lồng, tôi vội vàng xách túi chạy đi. Đến giữa sân mới nhớ, tôi chào với lại: “Mẹ ở nhà, con đi đây!”.  Mẹ gọi giật lại, ấn vào túi tôi hai đồng bạc tiền “Đông Dương”. Lúc bấy giờ năm xu một quả trứng vịt luộc, lại có cả muối tiêu, thì hai đồng là món tiền đáng kể rồi.
Sau mấy ngày nghỉ ngơi, anh Thuỷ và tôi được Ty quyết định điều về Quận Công an Hồng Gai.
Rời Ninh Tràng từ sáng sớm, đoàn chúng tôi đi sâu vào trong rừng Yên Tử mù sương. Người nọ cách người kia chỉ năm sáu bước chân mà nhìn người đã lẫn với cây. Sương đọng trên lá thành nước, tí tách rỏ giọt xuống thàm lá khô, rơi cả vào cổ áo lạnh ngắt . Đi trong rừng mà tưởng như đi trong mây. Đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy rừng. Ôi chao! Rừng mới đẹp đẽ và hùng vĩ làm sao!. Nó hoàn toàn khác với sự tưởng tượng của tôi. Trước đây tôi vẫn tưởng  rừng và núi là hai thứ khác nhau. Núi toàn đá sỏi, chỉ có lau sậy, gai góc như dẫy núi ở Thiên Đông - Rực Liễn quê tôi. Còn rừng phải là vùng đất bằng phẳng, mầu mỡ, cây cối xanh tươi và to mới gọi là rừng. Thế này là cây mọc ở trên núi, từ những ngọn cao chót vót. mọc tràn lan xuống các thung lũng sâu hút mắt. Đúng là rừng chồng lên trên núi, phủ lên trên  núi một lớp áo xanh biếc bao la, trùng điệp. Rừng và Núi, tên gọi khác nhau nhưng lại là một. Tre gỗ chen nhau tua tủa, lao thẳng lên trời cao. Lại có cánh rừng thuần chủng tự nhiên, mọc toàn cây lim, thân to hàng ôm. Có cây đến hai người ôm, đồ sộ đứng sát bên nhau, thẳng tắp, cao đến mấy chục mét, phải ngửa mặt lên mới trông thấy ngọn. Thật là vĩ đại! Và đúng như câu thành ngữ nói: “Tiền rừng bạc bể”. Những cây gỗ này mà ngả xuống, chở về xuôi làm nhà, đóng đồ thì biết bao nhiêu tiền mà kể. Chỉ riêng những cành khô, cây đổ làm củi cũng đã nhiều tiền rồi, Chẳng bù ở dưới xuôi, nhà tôi có cây xoan vườn khi ngả xuống sửa nhà, đầu gỗ cắt ra, ông tôi phải cất đi cẩn thận, để dành lúc có người ốm bổ ra sắc thuốc.
Không khí ở trong rừng như loãng ra, nhẹ tênh, và lúc nào cũng phảng phất mùi lá mục, lẫn với hương thơm của hoa lá, Không có tiếng ồn ào hoạt động của con người, chỉ có tiếng suối reo, chim hót. Có những tiếng nghe rất lạ, tôi chưa từng thấy bao giờ. Tôi hỏi anh Thuỷ con gì đấy? Anh bảo con: “Thủ thỉ thù thì”, hay con: “Bắt cô trói cột”. Ôi thiên nhiên kỳ thú biết bao!
Nhưng niềm say mê vui thích đó ở với tôi có buổi sáng thôi. Đi đến trưa thì tôi đã mỏi chân lắm rồi, nhất là lúc phải leo dốc, mỗi bước đầu gối chỉ muốn khuỵu xuống. Cảnh vật núi rừng vẫn thế, nhưng tôi không còn hứng thú ngắm nhìn nữa, chỉ mong mau chóng đến nơi. Mà cái nơi mong mỏi ấy ở đâu thì tôi lại hoàn toàn chưa biết. Phải cố lên, theo kịp anh không thì lạc, mà lạc ở đây thì đúng là: “Chim chích lạc vào rừng xanh” rồi. Cố lên! Tôi tì người vào đầu gậy, bám vào dây leo đu mình lên. Nhưng sang đến buổi chiều thì tôi theo không kịp nữa. Anh Thuỷ phải dừng lại chờ. Nhiều chỗ anh phải kéo tôi lên. Chưa bao giở tôi phải đi bộ một cuốc đường xa và hiểm trở đến thế. Người ta hay nói: “Kháng chiến gian khổ”. Có lẽ một phần của sự gian khổ ấy đang là con đường dài dằng dặc này chăng?...
Mãi gần tối, chúng tôi mới đến địa điểm nghỉ chân. Đó là xã Quảng La huyện Hoành Bồ. Cái thung lũng này khá bằng phẳng, nằm lọt thỏm giữa rừng đại ngàn, chỉ có vài ba chục nóc nhà người Kinh và người Thanh Y sinh sống.
Ngày hôm sau, chúng tôi nghỉ lại Quảng La, vì chưa có chuyến giao thông đi tiếp. Anh Thuỷ bảo Quận công an Hồng Gai hiện đang ở Xích Thổ. Tôi chẳng biết Xích Thổ ở đâu, nhưng chỉ nghe cái tên cổ kính ấy đã thấy nó xa vời vợi, muốn rùng mình rồi.
Chúng tôi đang nằm chờ giao thông, thì anh Thuỷ nhận được lệnh của Ty: Kết hợp giúp đỡ Công an huyện Yên Hưng, diệt ba tên phản động ở các xã Động Linh, Khoái Lạc. Lúc bấy giờ Ty đã có Đội biệt động, chuyên trách việc trừ gian, do anh Bích Bé phụ trách. Nhưng đội này đang hoạt động ở vùng khác, không điều về kịp. Côn an Yên Hưng cho anh Toán đến đón chúng tôi. Đêm hôm ấy anh Toán dẫn chúng tôi về Động Linh, giao cho một gia đình cơ sở, rồi anh đi lo việc điều tra để đêm sau hành động.
Không ngờ hôm sau gia đình này có buổi lợp nhà. Vật liệu đã chuẩn bị. Người làm giúp đã mời, không hoãn được. Thế là hai anh em tôi phải vào buồng nằm trùm chăn kín mít suột một ngày dài dằng dặc. Không được ăn uống, nói năng, đi lại đã đành. Khố nhất là không được đi giải. Anh Thuỷ lại nghiện thuốc lào, muốn ho phải bóp cổ, úp mặt xuống gối “khục” một tiếng thật khẽ. Bởi vì từ sáng tinh mơ, những người lợp nhà đã leo lên mái, dỡ  rạ cũ, quét mái, thay riu mè mục, buộc lạt rồi lợp rạ mới. Mãi gần tối công việc mới xong. Nghe thấy họ đi ăn cơm, chúng tôi vội tung chăn, lẻn ra hè làm cái việc mà lẽ ra đã phải làm trước đó mười hai tiếng!
Chúng tôi vừa ăn cơm xong thì anh Toán đến dẫn đi. Hai anh em tôi đến và đi đều về ban đêm, nên chẳng biết vùng dân cư này hình thể ra sao. Chỉ biết hai làng nằm sát bốt Yên Lập, một vị trí tiền tiêu quan trọng, bảo vệ đường Mười Tám và Quân khu Quảng Yên của địch. Đêm ấy chúng tôi bắt Lý Cường và hai tên làm chỉ điểm cho giặc, rồi rút về Quảng La an toàn.
Vì nguyên tắc bí mật, có nhiều điều tôi muốn biết, nhưng không dám hỏi. Khi đi đến Xích Thổ rồi tôi mới biết đây là một xã giáp biển của huyện Hoành Bồ. Quân Pháp đã chiếm đóng, và lập một Chi khu quân sự quan trọng ở đây để bảo vệ khu mỏ Hồng Gai. Vì thế chúng tôi phải đi xuyên rừng bằng đường bí mật, chưa có dấu chân người, do các nhân viên giao thông tạo ra, bằng cách chém cành cây đánh dấu, mà chỉ họ mới nhận biết được.
Quận Công an Hồng Gai đóng ở nhà ông chủ tịch xã. Tuy về danh nghĩa Pháp đã chiếm huyện Hoành Bồ, nhưng đây là một trong những xã ở xa huyện lỵ, chúng chưa lập được tề. Tuy là cơ quan Quận, nhưng chỉ có ba người ở nhà. Một quận trưởng, một quận phó, một thư ký kiêm liên lạc, kiêm luôn cả cấp dưỡng. Họ đón chúng tôi rất thân mật, niềm nở, nhất là với anh Thuỷ, hai bên đã biết nhau từ trước. Đọc thư tay và quyết định của Trưởng ty xong, anh Ngọc, Quận trưởng nói:
Đang thiếu người trầm trọng, được bổ sung các cậu, bon mình mừng lắm. Các cậu cứ nghỉ ngơi rồi Quận sẽ bố trí công tác sau.
Ông chủ nhà có đứa em trai cùng tuổi tôi. Hai thằng thân nhau ngay khi vừa biết tên, biết tuổi. Nó tên là Tú. Ngày nào Tú cũng dẫn tôi đi chơi. Đây là một làng miền núi, dân cư thưa thớt, ở rải rác dưới các chân đồi. Ruộng lúa ít và xấu, chỉ nương sắn thì nhiều. Dân nghèo, nguồn sống chủ yếu là dựa vào rừng, và đi ngòi ở ngoài bãi sông. Một hôm Tú hỏi tôi:
- Cậu có thích đi xem thành Nhà Mạc không?
- Ơ…ở đây mà cũng có thành Nhà Mạc à? Đi!
Tôi đã được sờ tay vào bức tường thành cổ kính ở Cửa Bắc, kinh đô Thăng Long xưa. Và đã học lịch sử, biết sự nghiệp Nhà Mạc rồi, giờ lại được đi xem dấu tích của nó thì còn gì bằng.
Chúng tôi leo lên đỉnh đồi. Nào có còn thành quách gì đâu? Đồi toàn cây hoang cỏ dại. Thời gian ấy là đầu mùa đông, trời nắng hanh, đồi khô cỏ héo. Hoa bông lau đã tàn, bông bay tả tơi trong gió. Chúng tôi phải vạch cây, bới cỏ mới tìm thấy chân thành, cũng có chỗ chân tường còn nhô lên trên mặt đất, rõ cả bồn góc hình chữ nhật rất hẹp. Tú bảo đây là khu tầu ngựa. Tôi ngồi xuống chân phế tích, trước cảnh “Bãi bể nương dâu” biến đổi, khiến tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại hình ảnh những chiến binh xưa, tay cầm giáo, cưỡi trên lưng ngựa, xông pha ngoài bãi chiến trường, được vẽ trong sách giáo khoa cũ. Về mặt quân sự, tôi không hiểu Nhà Mạc chiếm cái mẩu đất chênh vênh heo hút ở nơi đầu non cuối bể này để làm gì? Còn về sự nghiệp của họ tuy cũng có một thời dọc ngang vùng vẫy, nhưng cái tiếng “Nguỵ triều” thì có lẽ đến muôn đời cũng không rửa được. Không biết bọn “Nguỵ quyền “ bây giờ có trông thấy cái gương ấy không?...
Qua mấy ngày nghỉ ngơi. một hôm anh Ngọc dẫn tôi ra chân đồi. Hai anh em ngồi xuống bãi cỏ. Anh hỏi:
- Cậu trước học ở Hà Nội à ? Đi kháng chiến có nhớ nhà không?
- Vâng, Có ạ.
- Ừ, bọn tớ lớn cả rồi mà lúc rỗi cũng nhớ Hà Nội ra phết.
Tôi biết anh Ngọc là người Hà Nội, qua những câu chuyện đêm ngồi bên bếp lửa nướng sắn. Anh kể về vụ “Ôn Như Hầu”. Anh là một trong số các chiến sĩ an ninh đã đột nhấp vào cái hang ổ khét tiếng ấy của bọn Quộc dân đảng. Người anh hơi thấp, béo, da đen như “Tống Giang” trong truyện “Thuỷ hử”, khoảng ngoài ba mươi tuổi. Tôi rất kính phục anh vì lòng dũng cảm và hiểu biết nhiều. Nhưng cũng rất sợ, vì anh là một cấp trên thẳng thắn và nóng nẩy. Có lần tôi đã thấy anh đập bàn cãi nhau với thiếu tá Minh Sơn, phụ trách tình báo miền Duyên hải, về một “nhân mối” bí mật nào đó. 
Bỗng anh thay đổi cách xưng hô, nói:
- Chú chuẩn bị mai đi công tác nhé!
- Vâng a!
- Bộ quần áo nâu này phải bỏ lại. Ở trong mỏ người ta mặc quần áo xanh hay đen. Tôi đã bảo kiếm cho chú vài bộ, mai sẽ có người đem đến cho chú thay. Anh ngừng lời, suy nghĩ một lát rồi nói tiếp:
- Địch đang có âm mưu mở rộng khai thác than, nhằm lấy của ta đánh ta. Chúng ta có nhiệm vụ phải phá tan âm mưu ấy của địch. Để làm được nhiệm vụ nặng nề này, chúng ta phải có người chui sâu vào trong lòng địch, phá từ trong phá ra. Quận tung chú vào Hồng Gai là nhằm mục đích ấy, chú hiểu chưa? Nhiệm vụ cụ thể của chú là gì? Công việc làm ăn, giấy tờ hợp pháp ra sao? Ở trong ấy đã có người lo. Đây là mật số tổ điều tra, và mật khẩu liên lạc. Chú xem, nhớ cho kỹ rồi huỷ đi ngay. Anh đưa cho tôi một mẩu giấy và nói tiếp:
- Anh Quân là tổ trưởng phụ trách ở trong ấy, đang chờ chú vào. Việc chuẩn bị quan trọng nhất của người cán bộ hoạt động ở trong lòng địch là phải bịa ra cho mình một lý lịch, thật khớp với hoàn cảnh của mình đang sống. Nếu chẳng may bị địch bắt, thì cứ thế mà khai. Nếu khai lung tung, lấn sau khác lần trước sẽ bị lộ. Chú chuẩn bị đi. Nếu có gì thắc mắc hay đề đạt gì, thì anh em ta lại bàn thêm.
Tôi lo quá, càng nghe anh nói càng lo. Từ hôm đi ra khỏi nhà, tôi đều nấp dưới bóng của anh Thuỷ, giờ không thấy anh Ngọc nói đến anh ấy. Hơn nữa đây là nhiệm vụ nặng nề, nguy hiểm. Tôi lại chưa được qua một lớp đào tạo nào. Nhưng tôi cũng hiểu mình không có quyền từ chối. Từ chối là hèn. Vả chăng, qua những truyện trinh thám đã đọc, tôi cũng cảm thấy một phần thích thú và tự hào. Vì mình cũng đang trở thành một “thám tử” rồi. Tôi mạnh dạn hỏi anh Ngọc:
- Thưa… thế còn anh Thuỷ đi đâu ạ?
- Cậu Thuỷ đi hướng khác. Ở ngành ta, ai làm việc gì, chỉ người ấy và cấp trên chỉ huy trực tiếp mới được biết. Ngoài ra là tuyệt đối bí mật. Đó là nguyên tắc.
Hôm sau. Người đến đưa quần áo, và dẫn tôi đi là chị Hội. Người chị cao, to, hơi thô, răng đen, gò má cao, khoé miệng, đuôi mắt và trán đã có nhiều nếp nhăn. Mọi người gọi là “chị” nên tôi cũng gọi, chứ có thể chị cũng gần bằng tuổi mẹ tôi rồi. Tôi không biết chị làm gì và ở đâu? Chỉ biết chị goá chồng, không có con, Chị đội cái thúng, trên úp cái nón mới, hai tay vung vẩy đi, vừa nhanh, vừa dẻo như người bán quà rong ở Hà Nội vậy. Tôi mặc quần áo đen, đầu trần, đi dép cao su trắng theo sau. Chị không hỏi chuyện tôi và cũng không nói với tôi bất cứ chuyện gì. Chỉ những lúc không thấy tôi theo sát, chị mới quay lại đứng chờ, và bằng một giọng nhỏ nhẹ hỏi: “Em đi thế có mệt không?”.
Không! Tôi không thấy mệt. Mặc dù từ khi biết nhiệm vụ của mình, tôi đã lo lắng đến ăn không no, ngủ không yên. Nhưng tôi đi đâu phải chỉ có một mình, mà hầu như còn có cả Trần Quốc Toản, Quang Trung, Kim Đồng, thậm chí cả những nhân vật “thám tử” cũng cùng đi với tôi, nâng đỡ tôi vững bước.
Chúng tôi đi đến trưa thì đến chợ Bang. Chị dẫn tôi vào nhà một người Hoa. Chị bảo: “Chị em mình nghỉ ăn cơm ở đây, chờ chợ tan mới có đò đi Hồng Gai”.
Chị nói chuyện với chủ nhà bằng tiếng Quảng Đông, rồi mượn nồi nâu cơm. Tôi muốn cùng làm với chị, nhưng chị không cho, bảo tôi đi xem chợ. Chợ chỉ có một dẫy quán gianh xiêu vẹo, nằm giữa hai dẫy nhà gạch một tằng, cũ kỹ, mốc meo của người Hoa. Quán của các bà, các chị ngoài Hồng Gai. Họ đi đò vào đây bán hàng xén, bán vải. Dân địa phương mua bán ngồi ở bãi cỏ ngoài trời và bờ ruộng. Phía dưới chợ là bến đò, phía trên là đồng ruộng, làng mạc. Đang mùa thu hoạch mía. Chợ hầu như bán toàn mía. Vỏ mía, bã mía tràn ngập khắp nơi.
Chị Hội nấu cơm vừa nhanh, vừa khéo, chỉ có một món bông thùa xào với dưa cải nén của người Hoa. Họ có biệt tài muối dưa, muối một vụ ăn quanh năm, mà dưa vẫn vàng ươm, thơm phức, không bao giờ bị khú. Quê tôi cũng có bông thùa, nhưng mẹ tôi chỉ xào với su hào hay củ cải tươi, chứ chưa bao giờ xào dưa. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được ăn món bông thùa ngon như vậy. Và qua món ăn đó, tôi đã hiểu được một nửa câu tục ngữ: “Miếng ngon nhớ lâu…”. Còn nửa kia: “Điều đau nhớ đời”, thì mãi mười năm sau nữa tôi mới hiểu…
Chợ tan. Chúng tôi xuống đò. Thuyền đò đi qua Cửa Lục, vào Vịnh Hạ Long. Đây là lần đầu tiên tôi được trông thấy biển, đi trên biển và thấy những dẫy, những hòn núi đá xanh trùng điệp của Vịnh. Quả thực là đẹp. Đẹp đến say mê ngây ngất. Nhưng ngắm nhìn cái cảnh trời mây, non nước bao la xanh thẳm ấy, chỉ một lúc, tôi lại thấy mình cô đơn, bé bỏng quá. Mình chẳng còn là gì. Mình như không tồn tại nữa, Không phải vì lúc đó tôi còn nhỏ, và lần đầu tiên thấy biển. Mà cả sau này, trên bước đường công tác, tôi đã nhiều lần đi lại dọc ngang trên vịnh biển. Thậm chí còn ăn ở nhiều ngày tháng trên đó. Nhưng cứ mỗi lần đối mặt với biển, tôi lại có cái cảm giác buồn rầu như vậy.
Chị em tôi đặt chân lên phố mỏ Hồng Gai vào khoảng bốn giờ chiều. Mặt trời chưa xuống núi. Phố ở đây không giống Hà Nội, Hải Phòng. Nhà phần lớn là một tầng. Đường hẹp và không rải nhựa. Cống rãnh không có nắp, mùi ô uế bốc lên nồng nặc. Bụi than bao trùm lên phố phường một mầu xám ngắt. Chị Hội đưa tôi vào một ngôi nhà hai tầng, nằm sát núi Bài Thơ. Chủ nhà cũng tầm tuổi chị, cũng răng đen, vấn trần, nhưng đẹp đẽ hơn nhiều. Bà tiếp chúng tôi niềm nở, thân mật như người nhà. Chị Hội bảo tôi:
- Đây là bà Bang.
Tôi tưởng tên bà là Bang. Sau mới biết bà là vợ một người Hoa, làm Bang trưởng của người Hoa kiều. Ông Bang còn là chủ của hai chiếc tầu vận tải. Chiếc có tải trọng lớn đã bị quân Pháp trưng dụng khi chúng tấn công lên Việt Bắc, bị pháo binh ta bắn chìm ở sông Lô. Bà Bang mặc quần áo lụa trắng. Chiếc áo len mặc ngoài cũng mầu trắng. Tay đeo vòng ngọc mầu lam. Cổ deo một chiếc vòng vàng to, nổi rõ những nét hoa văn tinh tế. Trông bà rõ ra một người giầu có ở nơi đô thị. Chị Hội đưa cho bà một gói nhỏ, nói là quà biếu. Bà cũng biếu lại chị một gói, nhưng to hơn nhiều. Hai người nói chuyện một lát rồi chị Hội bảo tôi:
- Nhiệm vụ của chị xong rồi. Chị về đây. Em ở lại cố gắng nhá!
Thế là người quen biết cuối cùng của tôi - dù chỉ mới có một ngày - cũng lại chia tay tôi. Từ giờ tôi chỉ có một mình, ở giũa cái phố mỏ xa lạ này. Dẫu rằng vẫn biết ở đâu đó có một người đông chí với mình, nhưng liệu rồi chúng tôi có gặp được nhau không?..Tôi nhìn theo chị Hội cho đến khi đi khuất. Rồi từ lúc ấy, hôm ấy cho đến mãi mãi sau này, cũng không bao giờ tôi được gặp lại chị nữa. Trong một trận địch tập kích vào khu căn cứ kháng chiến của huyện Hoành Bồ, chị đã bị địch bắt, bị chúng tra tấn cho đến chết ở “căng” Máy Chai, Hải Phòng.
Thấy tôi có vẻ rụt rè, bà Bang cầm chén nước đưa cho tôi, giục uống. Bà hỏi tuổi tôi. Ý chừng bà cho là tôi còn nhỏ, so với việc tôi đang làm. Rồi bà hỏi anh em ở ngoài vùng kháng chiến có mạnh khoẻ không? Có thiếu thốn lắm không?.. Bà đứng trước gương chải lại đầu, thoa phấn như săp sửa đi đâu đó. Vừa điểm trang bà vừa nói chuyện với tôi:
- Ông nhà tôi là người Hoa, tuy hơi xấu người, nhưng tốt bụng lắm, cũng ủng hộ kháng chiến đấy. Cái gói tôi đưa cho bà Hội là thuốc tây, ông ấy mua gửi ra cho anh em ngoài ấy. Tôi muốn để cậu ở đây với gia đình cho tiện. Nhưng ông ấy nhiều khách lắm. Kẻ ra người vào, ta có, Tầu có, cả Tây nữa cũng có, biết bụng dạ người ta thế nào?
Bà mặc thêm chiếc áo dài nhung mầu mận chín, ngắm nghía, vuốt ve một lúc rồi dẫn tôi đi. Bà nói:
- Nhà ta sắp đến đây, bà ấy tên là Nhau, bạn gái của tôi. Bà ấy không có chồng, có hai đứa con nuôi, một giai, một gái. Nhưng chúng nó lớn cả rồi. Đứa giai làm ký lục ở Sở. Đứa gái đi lấy chồng, Nhà vắng vẻ, tiện lắm.
Đi một quãng bà lại hỏi tôi:
- Chắc cậu cũng nghĩ. trông tôi chẳng đến nỗi nào, sao lại lấy người Hoa, phải không? Có nhiều người đã hỏi tôi như thế. Không phải tôi tham ông ấy giầu đâu. Tôi cũng chê đấy, chê kịch liệt ấy chứ. Nhưng ông ấy cứ theo đuổi mãi. Buồn cười, có lần gửi thư cho tôi, ông ấy còn chép cả hai câu Kiều:
“Người đâu gắp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?”
Sau một tiếng cười vui, bà im lặng. Dường như đến bây giờ bà vẫn còn xúc động về lời thở than tỏ tình ấy. Rồi bà lạị vui vẻ kể tiếp:
-Phải đến ba năm sau tôi mới bằng lòng. Nhưng tôi bắt phải thề là không được bắt tôi nói tiếng Hoa, vận quần áo người Hoa. Con cái sau này chia đôi, một nửa học trường Việt, nói tiếng Việt,  một nửa học trường Hoa, nói tiếng Hoa. Nói với tôi, ông ấy phải nói tiêng Việt. Cũng phải công nhận ông ấy là người biết giữ lời hứa. Bây giờ chúng tôi đã có bốn đứa con, nhưng ông ấy vẫn giữ đúng như vậy. 
Tôi hơi ngạc nhiên, không hiều sao bà lại đem chuyện tình cảm riêng tư của người lớn ra kể với tôi, một đứa trẻ vừa mới gặp? Hay bà muốn qua tôi để nói với phía kháng chiến rằng dù ở hoàn cảnh nào, bà vẫn là một người Việt Nam yêu nước chăng?
Bước vào cửa căn nhà số bốn hai Phố Chợ, tôi thấy một bà cụ già gầy còm, mặc áo dài nâu, tóc  bạc, miệng móm, ngồi trên chiếu yên, bên cái điếu bát, đôi mắt sâu, sáng quắc như hai pha đèn đang nhìn ra cửa. Tôi không thẻ tin ngay được bà cụ lại là bạn bà Bang. Vì tuổi hai người chênh nhau nhiều quá. Bà rót nước mời khách. Đưa chén nước cho tôi, bà chỉ thoáng nhìn chứ không hỏi gì, coi như tôi là người vẫn ở trong nhà. Bà vừa nghe chuyện bà Bang, vừa thông điếu, đánh diêm hút thuốc. Là người dân sống trong vùng địch chiếm, những phút đầu tiên tiếp nhận về nhà mình  một người kháng chiến, không có giấy tờ hợp pháp, mà bà vẫn thản nhiên, bình tĩnh như vậy thì quả là một người thật dũng cảm. Tiếp chuyện bà Bang một lúc, rồi bà Nhau đứng dậy bảo tôi:
- Chú đi lên gác với bá. Từ nay tên chú là Quế, Nguyễn Văn Quế. Quê ở Vũ Đại, Hà Nam. Bố mẹ mất sớm ra đây ở với Bá. Tên là Quế nhớ chưa? Ai hỏi cũng nói vậy.
Tôi nghĩ thầm không dám nói ra: Là bá cháu, sao bá lại gọi cháu là “Chú”? Sau tôi mới hiểu, bá vẫn quen xưng hô như vậy, kể cả với anh Nhân là con nuôi, và anh Nhớn là người giúp việc. Và thực ra tuổi của bá không hơn bà Bang là bao. Nhưng vì bá đã trải quá nhiều sóng gió, lại nghiện rượu, nghiện thuốc lào nặng, cho nên già trước tuổi. Bá đưa tôi lên gác ba. Đây là tầng áp mái. Ở giữa đặt bệ thờ Phật tại gia. Hai bên mái xuôi xuống, phải cúi mới đi được. Sau bệ thờ kê cái giường một, chăn màn mới nguyên. Bá Nhau bảo:
- Từ nay chú nghỉ ở đây. Đi xa chắc mệt rồi, nằm nghỉ đi!
Vâng. Chỗ này thật kín đáo. Tôi ở đây tránh được con mắt nhòm ngó của bọn mật thám. Tôi không phải là kẻ gian, và cũng không phải là người xuất thế tu hành. Tôi đi kháng chiến chống lại kẻ ác, đến đây nằm ở dưới chân đức Phật, liệu Phật có phù hộ, che chở cho tôi không?...
Bá Nhau có quầy hàng bán chuối ở chợ. Chuối xanh mua của thuyền buôn đem dấm chín rồi bán. Trong nhà chỗ nào cũng thấy chuối. Chỗ mới ra lò. Chỗ chờ vào lò. Ngoài cửa bá cho ông phó Phúng thuê làm may. Ông Phúng đã già, tóc hoa râm, mắt kém, lúc nào cũng phải đeo kính. Có thể cả tuổi nghề cũng già. Nhưng ông không phải là thợ giỏi, chỉ may quần áo lao động cho công nhân và dân thuyền chài. Nhà ông ở trong hẻm núi, sáng đến làm, tối lại về. Tôi muốn tìm hiếu xem ông là người thế nào, để còn đề phòng. Nhưng ông chẳng tỏ lộ ra điều gì, ngoài những lời phàn nàn về hoàn cảnh nhà nghèo, con cái đông v.v…
Trong thời gian chờ đợi giấy tờ và việc làm, cả ngày tôi chỉ quanh quẩn ở nhà với anh Nhớn, không dám đi đâu. Anh Nhớn là người cùng quê với bá Nhau, nhà nghèo không được đi học, hai mươi tuổi mà chưa biết chữ. Từ ngày ra đây, anh Nhân mới dậy anh học. Nhưng anh bận suốt ngày, ngoài việc dấm chuối, đội chuối ra chợ, nấu hai bữa cơm, anh còn phải chăn nuôi mười hai con lợn cấn, và một con nái. Chỉ thỉnh thoảng mới có lúc rỗi, anh lấy quyển vở giắt trên mái bếp, và mẩu bút chì cài ở vành tai, ngồi kê vở lên đầu gối viết. Mắt anh lác, trông như ngoảnh mặt đi mà vẫn viết được. Nhiều lúc tôi muốn làm đỡ để anh có thêm thời gian học tập. Nhưng anh không nghe, giấy nẩy lên:
- Chết! Chết! Bá cấm đấy, để chú làm, bá mà trông thấy thì tôi bị mắng ngay. Chú cứ ngồi đấy, có chữ nào khó để tôi còn hỏi là được rồi.
Anh ngồi viết một lúc, hai thùng cám trên bếp bỗng sôi lên sùng sục. Anh cát vở, đi quấy cám. Tôi hỏi:
- Anh Nhớn này! Ông Hương cứ lầm lầm lì lì thế nào ấy nhỉ? Đi làm về là chui tọt vào buồng riêng. Chẳng thấy ông ấy nói năng gì với ai bao giờ. Hôm qua gặp ông ấy ở cầu thang, tôi chào, ông ấy chỉ “hừ” có mỗi tiếng. Bá bảo ông ấy là bạn cũ của bá. Có phải không, hay chỉ là người thuê nhà?
- Không phải đâu. Trước đây ông Hương là chồng bá đấy. Bây giờ thì không. Không phải ông chủ, cũng chẳng phải người thuê nhà. Ở nhà này ông ấy chẳng ưa ai đâu. Không say thì yên như thóc, say thì ông ấy chửi tuốt, chẳng trừ ai đâu.
Tôi lo quá. Nếu biết tôi là ai, liệu ông ấy có đi tố cáo không?...
Rồi anh Nhớn kể cho tôi nghe, những gì anh biết về quan hệ giữa ông Hương với bá Nhau trước đây. Và sau này cũng có lần bá kể với tôi. Bá là người kiên định, kín đáo, không phải tự nhiên vui chuyện mà kể đâu.
Hôm ấy nhà có giỗ, bá mời cơm ông Hương. Ông uống rượu say. Bá cũng uống say. Hai bên lời qua tiếng lại, rồi cãi nhau, thậm chí chửi nhau, nhiếc móc nhau thậm thệ. Ông Hương xông vào đánh bá. Anh Nhân và mọi người xúm lại can ngăn. Sau anh phải kéo ông về phòng đóng cửa lại. Ông đập phá cửa rầm rầm, và càng chửi toáng lên. Chửi chán rồi lại thấy tiếng ông ấy khóc. Bá Nhau cũng khóc, vừa kể lể, chì chiết, mạt sát ông cho đến lúc mệt quá ngủ thiếp đi.
Bữa tiệc đang vui, bỗng chốc thành buồn. Khách khứa lục tục ra về. Người nhà lặng lẽ nhìn nhau, dọn dẹp. Qua những lời đôi bên đối đáp, tôi đã hiểu phần nào sự diễn biến từ tình yêu, hôn nhân, rồi vì sao lại hoá thành thù hận. Và nếu đó là một món “nợ đời”, như người ta vẫn nói, thì có lẽ chẳng bao giờ ai có thể trả được cho ai sòng phẳng. Bởi vì người ta đòi hỏi nhau những cái mà cả hai bên đều đã đánh mất mất rồi.
Khi bá Nhau tỉnh dậy, tôi pha nước đưa mời. Ngồi uống nước, bá rì rầm kể lại:
Hôm nay bá say quá phải không chú Quế? Chú đừng trách bá nhá. Đời bá vất vả lắm. Ba chìm bẩy nổi chín mười cái lênh đênh…
Bá Nhau lấy chồng từ năm mười tám tuổi. Ông Hương ngày ấy cũng là một chàng trai bảnh bao, con nhà tử tế, khá giả. Hai người yêu thương nhau, làm ăn hoà thuận êm ả. Rồi qua hai lần sinh con, nhưng chúng nó đều bỏ đi chẳng được đứa nào. Ông ấy đâm ra chán nản, cờ bạc, rượu chè, la cà làng này sang làng khác. Mùa lễ hội, ông ấy đi đến lúc nhẵn túi mới quay về tróc tiền. Có tiền ông ấy lại đi. Vợ không có tiền đưa, ông thẳng tay đánh đập. Đánh cho kỳ bật tiền ra mới thôi. Bá nghiến răng chịu đựng, cũng tưởng rối sẽ có lúc ông ấy nghĩ lại. Nhưng càng ngày càng sa đà. Rồi ông ấy phải lòng một con bé ở làng bên. Về nhà lại đánh đập, phá phách, đòi lấy vợ hai. Nếu không ông ấy sẽ đốt nhà bỏ đi theo nó. Cực chẳng đã bá phải bằng lòng. Bá đứng ra lo liệu. Tay bưng giầu đầu đội lễ. Cưới vợ cho ông ấy xong, bá trốn nhà bỏ ra mỏ.
Đến đây, trong lưng chỉ còn hai hào bạc. Bá đi buôn khoai. Luộc khoai đội lên tàng bán cho phu mỏ. Dần dần có tí dấn vốn, bá chuyển sang buôn cá. Lúc đầu chỉ mua được một bưng. Sau mới được một gánh. Cái nghề buôn thúng bán bưng, hàng thịt nguýt hàng cá, cũng lắm phen biêu đầu mẻ trán, mới kiếm được miếng ăn chứ có dễ đâu. Sau thấy buôn cá vất vả quá, bá chuyển sang buôn quả.
Một hôm bá ở chợ về, thấy ông Hương ngồi lù lù ở nhà. Biết tin bá ở đây, ông ấy mò ra, nhằm tính chuyện “Gương vỡ lại lành”. Nhưng không đời nào. Khi bước chân đi bá đã thề suốt đời ở vậy. Lúc còn trẻ, ở đây cũng không thiếu gì đám nhỡ nhàng theo đuổi. Bá có nhận lời ai đâu. Bây giờ bá đã có chú Nhân, cô Đức, thế là đủ, chẳng cần gì nữa. Cũng vì một ngày là nghĩa, thấy ông ấy rách rưới, khổ sở, bá mới cho ở nhờ. Và nói với người quen, xin cho ông ấy đi làm…
- Thưa bá, con sợ nhỡ có điều gì sơ xuất, có thể ông Hương sẽ…
- Không! Không đời nào ông ấy được biết chú là ai. Việc của chú là hệ trọng, phải giữ gìn cẩn thận. Nhưng nếu chẳng may có gì sơ xuất, cũng không đáng lo đâu. Bá biết, tuy ông ấy bê tha, cờ bạc, rượu chè, nhưng cũng chưa đến nỗi quên hết cả đâu. Ngày Tây nó đánh Hà Nam, con ông ấy bị chúng nó bắn chết. Ông ấy vẫn nhớ cúng con đấy.
Trưa hôm sau, tôi đang ngồi ở bếp với anh Nhớn, bỗng thấy người gai gai rét, mặt mỗi lúc một nóng bừng lên. Rồi cơn sốt ở đâu ập đến, rét từ trong bụng rét ra, rét run lên cầm cập, hai hàm răng va vào nhau. Anh Nhớn thốt lên:
- Thôi chét! Chú bị sốt rét ngã nước rồi, lên trên nhà nằm đi!       
Lúc bầy giờ dân trí nước ta còn thấp, ai cũng cho câu thành ngữ: “Rừng thiêng nước độc” là sự thật. Tôi cũng tin là như vậy. Chứ không biết mấy tháng ở rừng vừa qua, muỗi đã truyền cho tôi cái bệnh quái ác này. Khi cơn rét dứt, thì cơn sốt laị tăng lên, người nóng hầm hập. Tôi tung chăn ra, mồ hôi ướt đẫm quần áo. Bá Nhau lên gác ba. Bá đặt bàn tay gầy guộc lên trán tôi:
- Nóng lắm. Chú phải xuống dưới nhà nằm tạm mấy hôm. Ở đây đi lại không tiện.
Bá gọi anh Nhớn lên, ôm chăn gối, đưa tôi xuống dưới nhà và bảo anh nấu cháo cho tôi. Tối hôm ấy, không sai anh Nhân hay anh Nhớn, bá Nhau thân chinh sang nhà bên cạnh, mời bác sĩ Thường khám cho tôi. Ông Thường phụ trách phòng khám bệnh của Sở than. Ông cho tôi uống mấy viên ký ninh và bảo phải tiêm. Sáng mai đến phòng khám của ông mới có thuốc.
Sáng hôm sau, đội chuối ra chợ xong, anh Nhớn dẫn tôi đi tiêm. Khi bước ra con đường chính chạy dọc phố mỏ Hồng Gai (đường Mười Tám), tôi mới thấy cơ man nào là xe quân dụng. Đủ các loại to, nhỏ, kiểu dáng khác nhau. Cái còn lành. Cái bẹp dúm, méo mó. Cái lành buộc dây vào cái hỏng để kéo, hoặc chở cái hỏng nặng ở trên sàn xe. Có cả xe bánh xích, xe cần cẩu, nhấc bổng cái xe hỏng lên lơ lửng trên mắt đất. Và đủ các loại súng đại bác, súng liên thanh to nhỏ. Khẩu phủ bạt, khẩu không. Khẩu gắn trên xe. Khẩu để nằm dưới đất. Rặng phi lao hai bên đường và sân vận động, bạt ngàn lều bạt của bọn lính Lê Dương. Chúng nằm ở trong lều,  và nằm lăn lọc trên bái cỏ. Có thằng băng đầu. Thằng băng tay đeo lên cổ. Đứa ngủ. Đứa say. Đứa hát rống lên như điên dại…
Sau tôi mới biết đó là đoàn quân bại trận ở Việt Bắc chạy về. Hai binh đoàn tinh nhuệ vào bậc nhất của đội quân viễn chinh Pháp: “Bổphơrê” và “Commuynan”. Hồng Gai là điểm dừng chân nghỉ ngơi của chúng.
Tiêm rồi mà hôm ấy tôi vẫn sốt. Tôi trùm chăn kín đầu, nằm co rúm lại, run. Bỗng thấy người vén chăn. Ông phó Phúng, tay cầm một cốc rượu đầy, gọi: “Cậu Quế ơi! Ngồi dậy! Ngồi dậy, uống đi. Rượu vang tôi mua cho cậu đây”.
- Cảm ơn bác cháu có biết uống rượu đâu.
Thấy tôi từ chối, ông ngẩn ra, nét mặt buồn buồn. Rồi bằng một giọng gần như thì thầm, ông dỗ dành:
- Tuy để bụng không dám nói ra, nhưng tôi biết hết cả rồi. Thấy cậu còn ít tuổi mà đã có lòng với nước nhà như vậy, tôi càm phục lắm. Tôi già rồi chẳng làm được gì. Cậu uống đi! Người ta bảo sốt mà uống cái này thì tốt lắm. Nếu không uống được nhiều, thì cũng cố lấy một hớp cho tôi vui lòng.
Vâng. Bác đã nói thế thì tôi xin cầm cốc. Tôi đặt môi vào miệng cốc tràn đầy tình cảm của con người. Đây là lần đầu tiên tôi uống rượu vang. Rượu không cay mà lại chua. Nó cũng không chua như khế, như chanh hay bất kỳ một thứ quả chua nào khác. Cái vị chua ấy không có tên, cho nên rồi tôi cũng quên đi. Nhưng tình của người cho rượu, thì không bao giờ quên được. 
Mãi đến chiều muộn tôi mới cất cơn sốt. Người đau ê ẩm, mỏi mệt, không muốn ngồi dậy. Giờ này anh Nhớn đã ra chợ dọn hàng. Ông Phúng cũng úp mấy về nhà rồi. Nhà vắng vẻ chỉ có một mình. Tôi nằm nghe tiếng gió heo may xào xạc ở ngoài đường và trên cấc mái nhà. Gió lùa qua song cửa vào trong nhà, và vào cả lòng người xa xứ. Gió thổi từ bao giờ, mà sao bây giờ tôi mới biết? Những tiếng ào ào, vi vút không ngừng, không dứt ấy  cứ như khêu, như gợi nỗi cô đơn, trống trải của lòng người. Khiến tôi nhớ nhà quá. Nước mắt ứa ra chẩy tràn xuống gối!...
Giữa lúc ấy, cô Yến bước vào cửa. Cô là con gái bác sĩ Thường, cũng tầm tuổi tôi, nhưng mọi nét đã rõ ra một người con gái. Không những thế, cô còn xinh đẹp nữa. Cô có sạp hàng vải ở trước cửa. Hai nhà cùng chung tường, nên hằng ngày vẫn trông thấy nhau luôn. Cô niềm nở gọi tôi:
- Anh Quế ơi! Cậu em đưa thuốc cho anh đây, anh đã đỡ chưa?
Tôi vội vàng lau nước mắt, bối rối không dám nhìn cô, chỉ cảm ơn và cầm lấy thuốc. Ơ…mà sao sáng nay không thấy bác sĩ bảo phải vừa uống, vừa tiêm? Mà sao ông không đưa thuốc ngay lúc sáng? Hay là…hay là…Vì gió heo may giục giã, khiến cõi lòng thổn thức mà cô lấy thuốc đem cho tôi? Thấy tôi im lặng, Yến cũng mất tự chủ, cô ngập ngừng giây lát rồi chào tôi ra về. Nhưng vừa ra đến cửa đã thấy cô vội vàng quay lại, vẻ mặt hốt hoảng thốt lên:
- Anh Quế ơi! Thằng Tây say!
Cô đứng nép vào bên giường tôi, như ở đây là nơi che chở, nơi ẩn náu tin cậy. Và cô nhỏ giọng thì thầm: “Eo ơi! Em sợ lắm!”. Tôi ngồi dậy. Thằng say lảo đảo bước vào cửa. Sau những cái nhìn ngây dại, nó lại nghiêng ngả bước ra. Nó không nhìn thấy “con mồi”? Hay nó vẫn còn đủ tỉnh táo để hiểu nó đã đi quá giới hạn? Sự nguy hiểm đã qua. Nhưng cô Yến chưa về. Một thoáng hai ánh mắt gặp nhau, khiến cả hai cùng bối rối. Yến vội vàng lấp liếm:
- À… anh uống thuốc nhá? Để em rót nước cho.
Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi nhận biết được sự ngọt ngào ở trong giọng nói, và cử chỉ dịu dàng của một người con gái.
 
***
 
 
Anh Nhân làm thư ký đánh máy ở Sở than. Anh cao vừa phải, người to, da trắng, khoẻ mạnh, cứng cáp như một người lao động chân tay, chứ không phải là “Thầy ký”. Anh mới cưới vợ. Bá Nhau mua một ngôi nhà ở cùng phố, cho anh chị ở riêng. Gọi là riêng, nhưng mới mẻ, nên mọi sinh hoạt vẫn ở nhà bốn hai như cũ. Chỉ tối anh chị mới về nhà mới.
Một hôm đi làm về, anh gọi tôi đến bàn may ông phó Phúng, bảo:
- Hôm nay anh được lĩnh lương, mua cho chú mấy mét vải. Tết nhất đến nơi rồi, con trai cũng phải diện cho nó oách chứ. Không…(Anh nhìn ra cửa nhỏ giọng) Nhỡ cô Yến chê thì sao! Anh cười trêu, làm tôi xấu hổ quá. Ông Phúng rút cái thước dây, vừa đo, vừa nói:
- Cậu Nhân nhanh tay hơn tôi rồi. Tôi cũng đang định…Nhưng cái nghề của tôi cứ phải miếng thừa nhỏ đổi lấy miếng thừa to, phải lâu lâu mới đủ. Các cụ ta bảo: “Thợ may ăn giẻ. Thợ vẽ ăn hồ…”. Đúng đấy.
Anh Nhân bẻ lại:
- Ông bảo đúng. Thế ra thợ bồ họ ăn cứt trâu thật à? Cà nhà đang cười, thì  thấy một giọng the thé cất lên ở ngoài cửa:
- Chào mấy người. Làm gì mà vui vẻ thế? Bà lão có nhà không, hay ở ngoài chợ?
- Chào bà lớn. Mời bà vào nhà chơi. Bá cháu về ngay bây giờ đấy ạ! Anh Nhân mời khách, rồi ra chợ tìm bá Nhau. Bà khách ngồi tót ngay lên yên hỏi:
- Ông phó có nhiều việc không?
- Cảm ơn bà lớn. Nghề của nhà cháu tháng tết này, nhờ giời cũng kiếm được gạo cho các cháu đấy ạ.
Tôi không biết bà khách là ai. Nhưng thấy anh Nhân và ông Phúng gọi là “bà lơn”, cũng chột dạ. Tôi nhìn trộm bà ta lần nưa rồi đi vào. Đó là một người đàn bà, nếu gọi như cụ Nguyến Du thí đã “quá niên”, ăn mặc loè loẹt, mặt bự phấn son, vàng đeo từ tai đến cổ, đến tay, chỗ nào cũng vàng choé, chỉ còn chân là không thấy đeo vàng. Người gầy đét, mỏng dính như chiếc lá, chứ không phốp pháp, đẫy đà như mụ “Tú bà”. Bá Nhau về tiếp khách. Lát sau, bá đưa khách ra đằng sãu xem lợn. Khách luôn mồm khen: “Đẹp quá! Cụ mát tay quá! Con nào cũng to cả rồi. Định bao giờ cân?”.
Ngay chiều hôm ấy, bá Nhau sai anh Nhớn bắt lợn. Bá dặn:
- Chú nói với bà ấy là bá cháu biếu để bà làm “dăm bông” cho cụ lớn ăn tết. Bắt con bé nhất ấy.
-Con bé cũng phải hơn sáu chục cân rồi bá ạ.
Anh Nhớn tiếc. Tôi cũng tiếc. Tôi hỏi bà ấy là ai, vì sao lại phải biếu cả con lợn to thế. Bá bảo:
- Vợ lão Ray, chánh mật thám Sở đấy. Chẳng họ hàng bè bạn gì đâu. Biết nhà mình có đàn lợn, mượn tiếng đến thăm. Mình không có hòn xôi đấm miệng, thì rôi sinh chuyện.
Mấy hôm sau, trước khi đi chợ, bá Nhau đưa cho tôi mảnh giấy, và bảo anh Nhớn đội chuối ra chợ, rồi dẫn tôi lên toà Thị chính chụp ảnh căn cước. Hai anh em tôi đến một ngôi nhà ba tầng, to đẹp vào loại nhất khu phố này thời bấy giờ. Đến cửa, anh bảo tôi vào, chứ anh không vào cùng như hôm đưa tôi đi tiêm, khiến tôi hơi chột dạ. Vì biết rằng đây là sào huyệt, hang ổ của bọn Việt gian chóp bu của tỉnh này. Chúng là tai mắt, là chân tay của giặc, và mọi rủi ro, bất trắc đều có thể xẩy ra ở đây. Có lẽ cũng vì cảm nhận thấy điều đó, cho nên anh Nhớn đã vội vã ra về, chứ không đợi tôi ở ngoài cửa.. Tôi cố giữ vẻ bình tĩnh bước vào, thấy phòng đầu tiên có người, tôi cúi chào, nói: “Thưa ông, tôi đến chúp ảnh căn cước”. Hắn xem tờ phiếu, nhìn vào mặt tôi và trỏ cái ghế bảo: “Ngồi xuống”. Chụp xong, lấy biên lai, tôi bước ra cổng thở phào nhẹ nhõm.
 
***
 
Nghe tiếng còi tầm thứ nhất, tôi bật dậy, vội vàng rửa mặt, thay quần áo chuẩn bị đi làm. Bá Nhau cũng dậy rôi. Bá đưa cho tôi cái nón, bảo: “Sợ chú ngủ quên, bá đang định gọi”. Tôi cầm nón. Ôi…chính tôi cũng chưa kịp nghĩ mình đi làm phải có cái gì đội lên đầu. Bá lo cho tôi nhiều quá! Biết hôm nay tôi đi làm, chưa có gì che nắng, che mưa, nên bá mua nón cho tôi, và lo tôi chưa quen với tiếng còi tầm, nên bá thức để gọi tôi. Nhưng tôi quên làm sao được. Đêm qua tôi thao thức có ngủ được yên đâu. Vừa mừng có giấy tờ, được đi lại tự do, chẳng sợ đứa nào hoạnh hoẹ. Vừa lo, vì đây là ngày đầu tiên tôi đi làm mỏ, mà chẳng có nghề nghiệp hay một tí hiểu biết gì về mỏ. Căng thẳng nhất là ý nghĩ: Từ nay tôi có hai cuộc sống cùng tồn tại. Người cán bộ kháng chiến và anh phu mỏ. Người này công khai, người kia bí mật. Hai người phải hỗ trợ nhau, bảo vệ nhau. Nếu người này bị bắt thì người kia cũng chẳng còn. Vậy tôi phải làm sao đây. để cả hai việc cùng trôi chẩy?...
Chiều hôm qua đến thăm bá Nhau, ông Bật đã hẹn đón tôi ở cổng Nhà máy sàng. Ông là dân Công giáo, có chức sắc là “Trùm trưởng”, nhà ở trên Núi Đạo. Ông làm cai ở Nhà máy sàng. Bá Nhau nhờ ông xin giấy tờ và việc làm cho tôi. Tôi đến điểm hẹn thì ông đã chờ ở đấy rồi. Ông dẫn tôi đi. Vừa đi vừa bảo:
- Cậu làm với ông cai Thiện, sửa chữa đường sắt. Ông ấy cũng là người tốt, không có gì đáng ngại. Việc lại dễ, ai cũng làm được.
Chúng tôi đến một cái nhà kho thấp bé, nằm trơ trọi ở bên đường tầu. Nhà chỉ có một gian như cái điếm canh. Ông cai Thiện đứng giữa cửa, cấm sổ, đang gọi tên từng người một. Chung quanh ông có khoảng hơn chục người, toàn nam giới, cả già lẫn trẻ, đứng ngồi nhốn nháo. Trông người nào cũng rách rưới, đen đúa, Có người đi chân đất. Họ nhìn tôi bằng con mắt tò mò, khinh bạc. Ông Bật bảo ông Thiện: “Thợ mới của ông đây. Ông chấm công cho nó đi!”. Ông Thiện chẳng nói gì, chỉ nhìn tôi bằng một cái liếc mắt, và hơi nhếch mép gần giống như cười. Ông mở cửa phát dụng cụ cho từng người. Tôi được phát cuối cùng. Khi đưa chiếc xẻng cho tôi, ông nói nhỏ: “Cậu cứ nhẩn nha mà làm, không phải dốc sức đâu. Việc của Sở ấy mà”.
Thôi chết! Sao ông Thiện lại gọi tôi là “cậu”? Vừa nẫy tôi thấy ông gọi người già là bác, trẻ là anh. Có lúc còn mày tao, chú tớ, chứ có gọi ai như vậy đâu? Chắc ông Bật đã nói gì về tôi đây. Cứ cái kiểu rỉ tai nhau như vậy, thì chẳng bao lâu nưa tôi sẽ bị lộ mất!
Hôm ấy bọn tôi sửa đoạn đường từ nhà sàng ra cảng. Tôi cứ đinh ninh là “ma cũ” sẽ bắt nạt “ma mới”, nên đã chuẩn bị tinh thần để nhận lấy những lời đèo xíu, mắng mỏ. Nhưng rất trái ngược với những cái nhìn lạnh tanh lúc nẫy, ai cũng sẵn sàng chỉ bảo tôi cách làm. Có bác còn cầm xẻng xúc đá dăm làm mẫu cho tôi xem. Bác bảo phải tỳ tay xẻng vào đùi xúc mới đỡ mệt.
Chiều tan tầm về, có anh còn rủ tôi đi tắm. Anh bảo hôm nay có nước nóng. Trời rét, người bẩn mà được tắm nước nóng thì còn gì bằng. Tôi đi. Nhưng đến nơi thi…Ôi chao, khiếp quá! Nhà tắm chỉ là một cái nền xi măng rộng khoảng vài ba chục mét vuông, nhiều chỗ sụt lở, lồi lõm. Bốn phia xây tường cao lút đầu người. Chỉ có một lối vào, ra, gọi là cửa, nhưng không có cánh. Trên không có mái che, lộ thiên. Một dẫy nhiều ông nước, bắc ngang trên đỉnh đầu, từ tường nọ sang tường kia. Nước ở các lỗ ống phun ra tung toé, xối xả xuống những tấm thân đen đủi than bụi. Tất cả già trẻ đều trần truồng. Người ta thản nhiên đứng gội đầu, kỳ cọ, lau chùi, giặt giũ. Ở bên kia tường cũng một ô như vậy, dành cho nữ giới. Mấy anh thợ trẻ ỏ bên này cười đùa, nghịch ngơm, la hét, nói trêu và thách đố nhau nhẩy lên nhìn sang ô phụ nữ, khiến các chị kêu rú lên, và chửi rủa, tục tĩu, xô bồ, ầm ĩ.
Tôi bỏ về không dám tắm. Chưa bao giờ tôi thấy ở đâu, có cái kiểu nhà tắm hoang dã như ở đây. Chủ mỏ làm cái nhà tắm này chỉ nghĩ đến lợi nhuận, hay còn vì lòng kỳ thị khinh người, khinh “bọn culy nô lệ” chăng? Về nhà rồi tôi mới thấy mình hớ hênh, dại dột. Mình không dám tắm như người ta, thì có khác gì mình tự tố cáo mình không phải là “culy”.
Sáng hôm sau ông cai Thiện cho tôi đi lĩnh vật liệu ở tổng kho với một người nữa. Anh ta đưa phiều vào văn phòng kho rồi đi chơi mất. Tôi đứng đợi ở ngoài. Sân kho là một bãi đất rộng, những đống sắt đường tầu, tà vẹt, ống nước, cột điện ngổn ngang, chất ngất. Tôi ngồi xem mấy chị thợ sơn đang cạo rỉ sắt ở bên kia sân. Một lúc thấy tiếng gọi:
- Ới,,,anh nón mới ơi! Anh ngồi lâu thế thì mục mất tà vẹt của bọn em còn gì! Họ cười rộ lên. Rồi lại một giọng nữa tiếp theo:
- Anh yêu ơi! Sang đây cùng làm với bọn em cho vui nào! Họ lại rúc rích cười. Tôi chưa bị trêu ghẹo thế bao giờ, xấu hổ quá, mặt cứ nóng bừng lên, im lặng không dám đối lời. Giữa lúc ấy, anh bạn cùng lĩnh vật liệu xuất hiện. Anh ta cười, và lên tiếng thay tôi:
- Anh sang với các em đây. Anh không có nón mới, nhưng có cái cũng mới nguyên đây. Các em có thích không? Họ đấm nhau và cả hai cùng cười…
Tôi làm thợ sửa chữa đường sắt được hơn một tháng thì gặp may. Anh Năng nhân viên chạy giấy (phanton) ở phòng anh Nhân, được lên làm phụ thư ký. Anh Nhân liền xin cho tôi thế chân. Anh thảo đơn bằng chữ Pháp. Tôi chép lại rồi đưa cho viên trưởng phòng Vecđô (Verdeaux). Ông ta xem đơn rồi cầm lên gác. Lúc quay về, ông viết mấy chữ vào mảnh giấy con, bảo tôi đem sang Sở mật thám. Anh Nhân dịch mảnh giấy ấy:
“Gửi ông Ray,
Nhờ ông xem hộ tôi thằng này, vì tôi muốn lấy nó vào làm. Verdeaux”
Tôi cầm giấy đi. anh Nhân gọi lại, dăn:
- Chú nhớ phải chào ông Ray bằng tiêng Việt đấy. Ông ấy chúa ghét người Việt nào chào ông ấy bằng tiềng Pháp. Tôi ngạc nhiên hỏi:
Ông ấy cũng biết tiếng Việt à? Anh Nhấn cười:
Chuyện! Tây ngâm thơ Kiều, ăn thịt chó mắm tôm đấy!
Tôi đến văn phòng cơ quan mật thám Sở than. Thấy một ông già mặt mũi nhăn nheo, tóc bạc, da mồi, mũi lõ, mắt không xanh mà lại đỏ, bụng to tròn như bụng cóc, ngồi một mình trước cái bàn con. Tôi cúi đầu chào:
Bẩm cụ lớn ạ!
Bồng! (Bonjour).
Tôi bước lại, hai tay đặt mảnh giấy lên bàn, rồi lùi ra bên cửa chờ đợi. Đọc xong, ông ta ngoảnh ra phóng vào người tôi một cái nhìn từ mặt xuống chân. Khiến tôi có cảm giác như bị một dòng điện chạy qua người từ trên xuống dưới. Ông ta lật mảnh giấy viết đúng ba chữ: “Không có gì”, Ký tên: Ray.
Từ hôm ấy, theo tiếng còi tầm cùng anh Nhân, tôi đến văn phòng Công ty than Bắc Kỳ ký tên vào sổ lương rồi về phòng làm việc. Đây là Phòng giao dịch, chuyên trách việc xuất nhấp khẩu của công ty. Ngoài viên Trưởng phong Verdeaux, còn một người Pháp nữa tên là Jean Piere. Jean nguyên là lính  của binh đoàn Bôphơrê thất trận trở về đây, nhờ có chú bác gì đó là quan chức của mỏ, hắn xin xuất ngũ vào làm. Jean chuyên trực máy vô tuyến viễn thông, hằng ngày trao đổi thông tin với Chủ Nhất ở bên Pháp.
Ngày ngày tôi cắp cặp giấy tờ đến nhà Đoan, Sở mật thám và văn phòng viên quan Năm, chỉ huy trưởng Quân khu Hồng Gai, để ký giấy tờ cho tầu buôn các nước vào ra bến cảng ăn than. Do việc làm ấy, môi trường tiếp xúc và phạm vi hoạt động của tôi đã được mở rộng hơn ngày làm thợ sửa chữa đường sắt.
Và cũng từ hôm ấy, gần như ngày nào hai anh em tôi cũng gặp lão Ray. Vì văn phòng Sở than và Sở mật thám ở gần nhau. Cứ mỗi lần gặp, chúng tôi lại phải cúi đầu “Bẩm cụ lớn ạ”. Lão ngồi phưỡn bụng trtên chiếc xe kéo gọng đồng sáng loáng, do một ông già người Việt tên là Đăng gò lưng kéo. Lão chỉ đáp lại bằng một tiếng “Bồng” gọn lỏn. Trước đây anh Nhân đã cho tôi biết, lão Ray rất ghét người Việt chào hắn bằng tiếng Pháp. Giờ tôi lại biết thêm: Không bao giờ lão dùng tiêng Việt để chào người Việt. Mặc dù Truyện Kiều lão thuộc lầu lầu. Mà cũng không ai hiều vì sao lão lại thích Truyện Kiều? Hay ở đấy lão đã gặp Sở Khanh là bạn tương đồng? Cũng “Một tay chôn biết bao cành phù dung”!
Rồi dần dần tim hiểu tôi biết thêm: Không bao giờ lão Ray đi ô tô, hay bất cứ phương tiện giao thông nào khác, ngoài xe kéo. Mặc dù lão có thừa tiêu chuẩn dùng ô tô riêng do Sở cấp. Đến nỗi người ta có thể nghĩ: Nếu chiếc xe kéo hỏng, rất có thể lão sẽ ngồi chồm chỗm trên lưng ông gìa Đăng, bắt cõng đi làm, chứ lão cũng không chụi leo lên ô tô.
Cũng như không bao giờ lão thích lây vợ người Pháp. Lão quá hiểu phụ nữ Pháp. Họ không dễ dàng vâng lời chồng như phụ nữ Việt. Mà cái thói kẻ dưới lại dám “bất tuân thượng lệnh” là lão không ưa. Người vùng mỏ, dù đã ở đây lâu đời, cũng không ai biết đời lão đã bao nhiêu lần lấy vợ. Người ta chỉ biết chắc chắn là tất cả “những cành phù dung” ấy đều là người Việt. Kể cả người tôi gặp ở nhà bá Nhau.
Người ta cũng không biết lão xuất hiện ở mỏ từ bao giờ? Có người bảo: Lão đẻ ở mỏ. Có người lại bảo thời “Đệ nhất thế chiến” lão mới sang. Có bộ óc hài hước lại cố tình khẳng định là lão xuất hiện ở mỏ từ những thế kỷ trước. Tức là từ năm 1863, khi thực dân Pháp mới hoàn tất việc chinh phục nước “An Nam”. Và cả đời lão chỉ bám vào mỗi cục than mà sống đến bây giờ! Nhưng có một điều người vùng mỏ ai cũng biết chắc chắn là ngày Nhật đảo chính Pháp, lão đẵ nhanh chân chạy thoát. Để rồi sau đó theo chân quân viễn chinh, lão lại quay về vùng mỏ, bám lấy cục than như trước.
Vì không biết lai lịch, gốc gác, cũng như tuổi tác lão bao nhiêu, cho nên người vùng mỏ cũng không thể đong đếm được đã bao nhiêu máu của các chiến sĩ cách mạng, và người dân vùng mỏ đã đổ vì tay lão. Người ta chỉ biết lão lả tên sen đầm khét tiếng nhất vùng mỏ. Còn bọn chủ mỏ thì coi lão là một “vị anh hùng”!
Dưới trướng, cánh tay đắc lực của lão Ray là một người Việt, còn trẻ, tên là Phổ. Người Phổ nhỏ nhắn, da trắng, mặt mũi đẹp đẽ. Thậm chí còn có vẻ rất hiền lành. Chỉ riêng có mái tóc hắn cắt bốc là trông có vẻ nghịch. Phổ sang Phòng chúng tôi luôn. Hắn chỉ chào và nói chuyện với ông Verdeaux qua loa vài câu, rồi quay ra nói chuyện với mấy anh thư ký. Chẳng bao giờ hắn tò mỏ hỏi người đối thoại điều gì. Và cũng không bao giờ hắn đả động đến chuyện thời cuộc, chính trị hay chiến tranh. Hắn nói toàn những chuyện chơi bời, bông lông, trai gái. Cô nào xấu, cô nào đẹp. Cô nào ngoan, cô nào lẳng. Hắn đều biết hết. Đó là đám con nhà lành. Còn bọn gái mại dâm chuyên nghiệp, hắn cũng kể ra vanh vách từng tên,  cũng như hoàn cảnh riêng tư của từng người. Ai quê quán ở đâu? Vì sao chán đời? Ai lỡ dở yêu đương. Ai bị lừa phải vào nhà chứa. Hắn đều biết, đều nhớ rõ ràng, cặn kẽ…
Có lẽ hắn muốn mượn cái áo phóng đãng, để bọc kín cái nham hiểm ở bên trong chăng?
Anh Nhân cho tôi biết chính hắn, ngoài sự mẫn cán, trung thành với chủ, còn nhờ lợi thế là người bản xứ, nên được lão Ray giao cho việc cầm đầu bọn “Lính kín” của Sở mật thám mỏ. Những việc quan trọng như bắt người, tha người, hoặc thủ tiêu người của cái cơ quan đầy quyền lực này, đều phải qua bàn giấy hắn, rồi mới lên lão Ray. Một người như thế thì làm gì có thì giờ để đi tán hão? Chắc chắn cái “con khuyển” nghiệp vụ này đã đánh hơi thấy điều gì khả nghi ở Phòng giao dịch đây?...
Cứ mỗi lần thấy hắn ngồi lâu, ông Verdeaux lại tỏ vẻ khó chịu. Ông buông bút, dùng bàn tay cứa vào cổ, bảo: “Phổ, attention! Việt Minh coupe la tette” (coi chừng Việt Minh chém đầu). Hắn không tỏ ý giận, mà lại cười vui vẻ, coi như lời cảnh báo đó chỉ là chuyện khôi hài.
 
***
 
Hôm ấy chủ nhật. Tôi đi cắt tóc. Cô Yến ngồi đọc sách bên quầy hàng. Cô ngước lên nhìn tôi mỉm cười, hỏi:
- Anh Quế đọc quyển này chưa? Hay lắm!
- Trinh thám à?
- Vâng. “Vạt áo tím”. Để em đọc nốt mấy trang nữa xong, rồi em đưa cho.
Thế là cũng như những lần trước, mối khi tôi và cô Yến hỏi nhau về việc gì đó, thì mấy cô hàng xen ở trước cửa nhà tôi lại chụm đầu vào nhau. Chẳng biết họ bàn tán những gì? Chỉ thấy họ nhìn tôi bằng những ánh mắt dò hỏi, phán đoán. Tôi đã định nhân tiện đi xem chợ, nhưng lại sợ những ánh mắt ấy, cùng những lời mời chào. Mua hàng thì tôi không có tiền, và cũng không có nhu cầu. Thế là thôi, không đi qua chợ nữa. Tôi đi đường vòng ra phố. Tôi đang đi, thấy một người lạ mặt đến hỏi:
- Anh xem giúp mấy giở rồi?
- Tôi không có đồng hồ..
- Tôi có nhưng lại quên ở nhà.
Tôi thầm a…lên một tiếng. Lời thoại thứ ba đã giúp tôi nhận ra người của đằng mình rồi. Anh đi sát vào tôi dặn địa chỉ và giờ gặp.
Chiều hôm ấy tôi đến điểm hẹn. Đây là hiệu nước mắm. Chủ hiệu là anh Vượng, người sáng nay đã bắt liên lạc với tôi. Anh Vượng ngó ra đường không thấy cái “đuôi” nào bám theo, mới mở cửa sau, bảo tôi lên gác. Một người khoảng bốn mươi tuổi, mặt mũi khôi ngô, tráng kiện đón tôi ở cầu thang. Anh bắt tay tôi và tự giới thiệu: “Tôi là Quân. Chú có thư của anh Ngọc đây”.
Ôi, tôi mừng quá! Người bấy lâu tôi mong mỏi chờ đợi, bây giờ mới được gặp đấy.Thế là từ nay tôi đã có người chỉ huy, có nơi nương tựa, có cả tổ chức ở bên mình rồi. Tôi không đơn độc nữa. Anh quân rất mừng thấy tôi đã có giấy tờ, và việc làm ổn định. Chờ tôi đọc thư xong, anh hỏi về anh Nhân, và cả những người khác cùng phòng. Tôi báo cáo, khẳng định anh Nhân là người tốt, sẵn sàng ủng hộ, giúp đõ kháng chiến. Cả Verdeaux cũng là một người Pháp tương đối tiến bộ. Đã có lần nói chuyện với anh Nhân, ông ta tỏ ý không tán thành Chính phủ Pháp trở lại chiếm Việt Nam, mà chỉ muốn Pháp hợp tác, làm ăn với Việt Nam thôi. Anh Quân bảo:
- Hãy để tay Verdeaux đấy, nghiên cứu sau. Chú phải thuyết phục ngay anh Nhân làm việc cho kháng chiến. Anh Quân còn cho tôi biết: Ngoài tin tức sản xuất hằng ngày phải điện về Pháp, cứ mỗi tháng, mỗi quý, tổng kết năm, Sở than đều có báo cáo bằng văn bản gửi về Pháp. Tôi có nhiêm vụ phải vận đông anh Nhân lấy cho ta những bản báo cáo ấy. Vì chỉ có anh Nhân là thư ký đánh máy ở Phòng giao dịch mới lấy được.
Bàn định xong, chúng tôi thống nhất với nhau ngày giờ và địa điểm gặp nhau lần sau, rồi nhanh chóng giải tán. Anh Quân đi trước. Mười lăm phút sau tôi ra khỏi hiệu nước mắm.
Từ đấy, cứ mỗi lần Sở than có báo cáo, anh Nhân lại lấy cho tôi một bản. Không tháng, quý nào thiếu.
Anh Năng, người được lên phụ thư ký, hơn tôi hai tuổi, nhưng cao hơn tôi gần một cái đầu, da trắng, mặt dài và đầy tàn nhang. Tính anh nhu mỳ, hiền dịu. Mọi cử chỉ đi đứng, nói năng đều mềm mại, nhỏ nhẹ như con gái. Trái ngược hẳn với tấm thân cường tráng dư thừa sinh lực. Chúng tôi thân nhau ngay từ những ngày đầu tôi mới vào làm. Chủ nhật nào rỗi, anh cũng đến nhà rủ tôi đi câu, hay tắm biển.
Một hôm anh đến rủ tôi lên nhà anh chơi và đi câu tôm. Tôi đang đọc quyển sách cô Yến cho mượn, chưa xong, đang ham. Nhưng vì chưa biết câu tôm thế nào, vả lại cũng chưa bao giờ tôi đến nhà anh chơi, quả cũng là thiếu sót. Thế là tôi kẹp quyển sách vào nách, đi ngay. Chúng tôi vừa đi đến trước cửa Sở mật thám liên bang, thì một cô gái trẻ, khá xịnh đẹp ở trên hiên bước ra, tươi cười hỏi: “Nhà dây thép còn mở cửa không hai anh?”. Chúng tôi chưa ai kịp trả lời thì mụ đá rút quyển sách của tôi, mở ra xem lướt. Rồi mụ trả sách, và nở một nụ cười thay lời cảm ơn hoặc xin lỗi. Anh Năng bảo tôi:
- Mụ này không phải người Hồng Gai. Chắc là một “Adăng” (gián điệp) ở đâu mới đến. Cái kiểu giả vờ thân mật ấy, chẳng che mặt được ai. Thực chất đó là một cú khám xét chớp nhoáng, bất ngờ đấy.
Hành vi đó của mụ ta, khiện cả hai đứa cùng chột dạ và kém vui. Chúng tôi lặng lẽ đi bên nhau, mỗi người một ý nghĩ, và hầu như ai cũng nghĩ về những điều thầm kín của riêng mình. Đi một lúc bỗng anh Năng nắm chặt tay tôi, áp sát vào tôi, nét mặt nghiêm trang khác hẳn. Anh ngập ngừng một chút rồi mạnh dạn hỏi:
-       Cậu ở Công an phải không?
-       Anh căn cứ vào đâu?
-       Cảm tính và phán đoán.
-       Thế còn anh?
-       Tớ hoạt động cho Tình báo.
Chợt anh ngừng lòi. Hình như anh đã nhận thấy mình bồng bột, lỡ lời, làm lộ bí mật. Anh chuyển sang chuỵên gia đình, chuyện đi câu. Và nhất là chuyện tình cảm . Anh bảo nhà chỉ có môt mình anh là trai. Anh coi tôi vừa là bạn, vửa là em, sống chết có nhau.
Nhà anh Năng ở chân đồi thông, nhìn ra Vụng Đâng. Đây là xóm thợ nghèo. Nhà nào cũng nhỏ bé, chật chội. Lối đi leo lên, tụt xuống, quanh co, khúc khuỷu. Nhà anh Năng chỉ có hai anh em và bà mẹ. Bố anh là thợ mỏ, mất đã lâu vi bị sập lò. Bà mẹ ở nhà nấu rượu, nuôi lợn, và chăm sóc mấy luống rau bậc thang ở ngoài đồi. Cô em gái mười hai tuổi đang đi học.
Chơi một lúc rồi anh đưa giỏ và cần câu cho tôi. Chúng tôi lội xuống vụng, nước nông, trong vắt. Bùn ở vụng mỏng, không lún sâu. Những khóm sú, khóm vẹt mọc thưa và thấp. Cần câu nhỏ như cái roi trâu. Lưỡi câu là một cái móc sắt nhỏ, không có ngạnh, và cũng không cần phải mắc mồi. Anh Năng bảo tôi phải nhìn thật tinh. Con tôm nằm kín trong bùn, chỉ thò ra hai cái mẳt đen nhánh như hai hạt vừng. Người câu chỉ cần nhẹ nhàng đưa móc vào một bên mắt con tôm nhấc lên. Nó khom lưng bật tanh tách mấy cái là rơi vào giỏ.
Chỉ hơn một tiếng sau, giỏ nào cũng thấy nằng nặng. Bữa trưa hôm ấy, có hai móm đều là tôm cả. tôm rang mặn và tôm nấu canh rau ngót. Bà mẹ anh Năng hái rau ngót ở vườn nhà. Anh Năng hỏi tôi:     
-       Cậu có ăn được rau này không? Rau “sắng nhà” đấy. Ở đây người ta gọi vậy. Còn rau sắng chùa Hương Tản Đà viết, thì mình chưa được ăn, chẳng biết có khác gì không? Rồi anh đọc luôn mấy câu thơ của Tản Đà: “Muốn ăn rau sắng chủa Hương/ Tiền đò ngại tốn, quãng đường ngại xa…”.
Rau này, quê tôi gọi là rau ngót, tôi đã được ăn, và cả bài thơ ấy tôi cũng được đọc rồi. Nhưng bây giờ mới biết rau ngót còn có tên là rau sắng. Rau hái ở vườn nhà.. Tôm câu được. Bữa cơm hôm ấy thật là ngon!
Một hôm tôi đi làm về, thấy bá Nhau ngồi lặng phắc trên chiếu yên. Bá vừa thông điếu hút thuốc, vừa hỏi tôi:
-       Chú Quế đã biết tin gì chưa?
-       Con chưa biết. Tin gì thế bá?
Ngoài chợ người ta xôn xao, đâu như đêm qua mật thám khám nhà bà Nhiếp, bắt bà ấy và ông lái bò đi rồi. Hình như cả nhà nước mắm
Cát Hải cũng bị bắt. Tôi lặng người đi, như bị nghe một tiếng sét quá gần, không nói được nữa, và cũng chẳng biết nói gì. Chỉ cố giữ cho mặt khỏi tái đi cho bá đỡ lo. Nhưng một người từng trải, tinh đời như bá, tôi giấu làm sao được. Chính vì lo bá mới về báo tin cho tôi biết. Thế là anh Vượng bị bắt rồi. Còn ông lái bò kia là ai? Ôi…thôi chết! Có lần anh Vượng đã nói với tôi: “Anh Quân bận đi Đông Triều mua bò”. Thế là anh Quân cũng bị bắt rồi! Tổ điều tra quan trọng nhất của Quận công an Hồng Gai đã bị phá vỡ rồi. Chỉ còn một mình tôi đơn độc ở giữa hang ổ của kẻ thù.
Bà Nhiếp ở dẫy phố trong, sát chân núi Bài Thơ, gần nhà bá Nhau. Tuy hai bà không chơi thân với nhau, nhưng vẫn có quan hệ nhờ vả lẫn nhau về tiền nong buôn bán. Bà Nhiếp là chủ một lò mổ lớn. Ngoài việc cung cấp thịt cho chợ Hồng Gai, bà còn hợp đồng độc quyền cung cấp thịt cho quân Pháp đóng ở đây. Mỗi lần đi Đông Triều, bà thường đánh về hai ba chục con bò. Mổ hết lại đi. Và có lẽ từ những chuyến đi ấy của bà, mà anh Quân, một cán bộ công an, đã trở thành ông lái bò đi vào Hồng Gai hoạt động.
Sau này tôi mới biết, cùng vào Hồng Gai với anh Quân còn một người nữa, chuyên chăn và mổ bò là anh Trình. Đêm bọn mật thám vây nhà bà Nhiếp bắt anh Quân, anh Trình ngủ ở chuồng bò, nên trốn thoát. Nhờ có tài bơi lội, đêm ấy anh Trình ra ngoài chân núi Bài Thơ, bơi qua Cửa Lục, ngược sông về Xích Thổ Hoành Bồ.
Tôi phấp phỏng lo âu. Và không hiểu sao chúng chưa bắt tôi? Hay tôi vào Hồng Gai từ một hướng khác, chúng chưa lần ra đầu mối chăng? Liệu hai người bị bắt, bị tra khảo đánh đập, có khai ra tôi không? Trong hoàn cảnh này, tôi có được phép chạy trốn không? Chạy đường nào? Đường bộ chúng chiếm đóng. Đường biển không có thuyền! Hàng trăm câu hỏi giày vò. Hàng nghìn giả thuyết đặt ra, nhưng vẫn không có lối thoát. Tôi như con cá nằm trên thớt. Chúng muốn bắt lúc nào cũng được.
Ban ngày tôi đi làm. Đêm nằm nghĩ lời khai, và ước ao, chờ đợi có một mũi tên bí mật ở đâu đó bắn vào nhà mình, đem theo chỉ thị của anh Ngọc. Nhưng mong hoài, mong mãi chẳng thấy gì.
Cũng còn may là bá Nhau và anh Nhân không biết quan hệ của tôi với hai người bị bắt, nên sự lo lắng của bá và anh cũng dần dần lắng xuống. Còn tôi vẫn âm thầm lo lắng và suy tinh…
Tên Phổ dạo này năng đến phòng chúng tôi chơi hơn trước. Hắn vẫn chuyện trò vui vẻ, nhưng không ngồi dai. Hình như  y chỉ cần đến xem nét mặt của từng người chúng tôi, có thay đổi gì không, sau chuyện bắt bớ, thế thôi. Nhờ cái chức danh chạy giấy mà nhiều lần tôi không phải đối mặt với hắn. Thấy hắn đến, tôi lại cắp cặp giấy đi. Chỉ khổ cho anh Nhân và anh Năng, không bỏ đi đâu được.
Một hôm, tôi vừa đi làm về, nhìn ra cửa đã thấy một gã đàn ông lạ hoắc đến trước cửa ngồi tán gẫu với mấy cô hàng xén. Gã đi, thì chỉ một lát sau, lại thấy đứa khác đến . Và không ngày nào thiếu vắng những kẻ vô công rồi nghề như vậy. Tôi hiểu rằng chúng đang theo dõi tôi sát sao, như con mèo rình chuột, trước khi tung một cú nhây. vồ.
Có hôm Phòng giao dịch đi vắng hết. Anh Năng kéo ghế đến bên tôi thì thầm” “Cơ sở Tình báo vỡ hết rồi!”. Vừa lúc ấy tôi trông thấy cửa phía sau phòng hơi bị đẩy vào một chút. Tôi vội đá chân anh Năng. Chúng tôi nói sang chuyện khác. Lát sau thấy ông già lao công, cầm cái chổi đi dọc hành lang, đầu thẳng tắp. À…ra thế! Tai vách mạch rừng là thế! Hẳn cái tai nghe lén này vừa áp vào cánh cửa? Ai ngờ…Cái con chó già này, ngày ngày vẫn cặm cụi quét nhà, lau cửa. Cả đời chẳng nói một câu như thằng câm, lại hoá ra là một tên mật vụ, tên Việt gian, khoác áo người lương thiện.
Thế là chúng theo dõi cả lúc tôi đi làm. Chắc chắn chúng đang muốn tìm xem, tôi có quan hệ với những ai, để “hót” luôn cả thể. Anh Năng, anh Nhân thì hẳn là không lọt ra ngoài tầm mắt của chúng được rồi. Nhưng rồi sau chúng tôi vẫn tạo ra được cơ hội để nói chuyện riêng với nhau. Tôi đi xuống kho lĩnh vật liệu văn phòng. Anh Năng đi khớp sổ. Tôi hỏi anh Năng: 
-       Sao anh không chạy đi?
-       Mình thương bà cụ, và con bé em đang đi học. Vả lại mình là người ở đây, có biết cơ quan Tình báo ở đâu đâu?
-       Tôi biết! (Tôi nhìn anh như muốn reo lên). Cả Tình báo và Công an đều ở huyện Hoành Bồ.
Nhưng chúng theo dõi sát sao như vậy, trốn bằng cách nào, và lúc nào cho trót lọt? Chắc chắn rằng tất cả các ngả đường ra vào Hồng Gai, đều bị chúng phong toả. Thật nan giải. Chúng tôi bàn bạc mãi. Cuối cùng, thấy không còn cách nào hơn là trốn ngay ban ngày và bằng thuyền. Nhờ anh Năng có quen biết mấy người dân chài. Anh chịu trách nhiêm tìm người tin cậy, thuê họ chở. Việc hệ trọng này, phải tuyệt đối bí mật. Kể cả với mẹ anh, cũng như bá Nhau và anh Nhân.
Sau hôm ấy, ngày nào đi làm tôi cũng tìm cách hỏi anh Năng xem kết quả? Anh chỉ lắc đầu, báo hỏi mẫy chỗ, họ đều từ chối. Tôi càng lo lắng hơn, vì tính mạng của chúng tôi giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào việc đó. Thế rồi cái điều mong mỏi, chờ đợi ấy cũng đến. Một hôm tan tầm về, đi đến trước cửa Sở mật thám lão Ray, và trước khi bước sang lối rẽ, anh Năng mới cho tôi biết có tin vui: “Có thuyền rồi! Sáng mai tan tầm, đi!”.
Tôi mừng run lên! Đêm hôm ấy, cả đêm tôi trằn trọc, mong trời chóng sáng, mong tiêng còi tầm. Thế là đã hơn nửa năm, tôi ở đây, dưới cái vỏ một nhân viên hạng chót của mỏ, để hoạt động cho kháng chiến. Những gì đã làm được?...Những gì chưa?...Đầu óc quay cuồng những dòng hôi ức…Tôi vẫn nhớ lời anh Ngọc nói: “Địch muốn lấy của ta, đánh ta. Ta phải phá tan âm mưu ấy của địch. Muốn làm được việc đó, ta phải có người chui sâu vào trong lòng địch, nắm được nội tình của chúng, để phá từ trong phá ra”. Và  tôi đã có mặt, ở đúng cái nơi là đầu não của bộ máy ấy, đã lấy được toàn bộ tình hình sản xuất của chúng. Kể ra cũng không đến nỗi uổng công anh trông đợi. Nhưng tiếc rằng giờ kết thúc đã đến! Chỉ còn đêm nay nữa thôi! Đây là đêm cuối cùng. Tôi sẽ phải từ giã ngôi nhà này. Từ giã bá Nhau, người đã đón nhận, và nuôi tôi như con đẻ, đã vất vả lo lắng vì tôi. Giã từ anh Nhân, anh Nhớn. Giã từ tất cả những gì quen thuộc thân yêu…
Xưa nay, mọi cuộc chia ly đều buồn cả. Nhưng cuộc chia ly thầm lặng này, có lẽ còn buồn hơn. Vì chỉ xẩy ra có một phía. Chỉ người ra đi mới biết mình phải đi. Còn người ở lại, khi biết thì sự chia ly đã xẩy ra rồi!...
Trời mờ mờ sáng. Tiếng còi tầm rúc lên giục giã. Vốn từ xưa còi vẫn thế, nhưng sao hôm nay tôi thấy nó thôi thúc hơn, gấp gáp hơn bất cứ hôm nào? Tôi bước ra cửa. Cô Yến cũng dọn hàng rồi. Tôi nhìn em lần cuối. Nhìn sâu vào đáy mắt em. Nửa năm quen biết nhau, bây giờ tôi mới dám nhìn như vậy. Xin em đừng giận, đừng cho tôi là kẻ lả lơi, vì đây là cái nhìn cuối cùng. Tôi muốn thu lấy hình ảnh xinh đẹp của em, và cả hồn em nữa, để rồi mãi mãi không bao giờ tôi có thể quên em. Gia đình em ở đây, bạn bè em ở đây, chắc em không hiểu được cái nhìn ấy đâu. Nó nuối tiếc, xót xa đến nao lòng người ly biệt. Yến cũng nhìn tôi âu yếm, và lại trao cho tôi một nụ cười như mỗi sáng, mỗi chiều, khi tôi trở về, hay bước chân ra ngoài cửa. Em có biết đâu hôm nay đã hoàn toàn khác trước. Tôi đi sẽ chẳng có ngày trở lại. Khi thấy tôi không về, em có nhớ tôi nhiều như tôi nhớ em không?...
Nếu một ngày ở trong tù bằng một nghìn năm ở bên ngoài, thì bốn tiếng ca sáng tôi làm hôm ấy cũng dài như bốn năm. Mong mãi mới thấy tiêng còi tan tầm. Đi qua cổng khu nhà văn phòng rồi, tôi cố giữ vẻ bình tĩnh bảo anh Nhân: “Em lên nhà anh Năng chơi, chiều đi làm luôn. tối em mới vè nhà”. Tôi cùng anh Năng lặng lẽ đi bên nhau. Tôi không dám ngoái lại nhìn anh Nhân lần cuối cùng.
Đến trước cửa Sở mật thám lão Ray, không ai bảo ai, chúng tôi cùng liếc mắt vào thấy vắng ngắt. Thế là trót lọt một cửa ải rồi! Rồi đến vọng gác trước cửa chỉ huy sở Quân khu Hồng Gai, nơi tôi vẫn đến xin ký giấy tờ. Hai tên lính da đen cầm súng đứng yên không nhúc nhích. Tôi nhìn ngôi nhà đồ sộ ấy lần cuối cùng (Sau ngày giải phóng là trụ sở Công đoàn Quảng Ninh), và hình dung thấy tên quan năm Pháp, đầu đội mũ chào mào, cởi trần, da đỏ huẩy ngồi lúi húi viết. Khi chúng tôi đi đến khu Nhà tù, vừa đi tim vừa đập thình thịch. Chỉ sợ có tiếng bất chợt gọi từ phía sau lưng: “Ê, đứng lại! Các anh đã bị bắt!”. Đến bến phà, qua vị trí tiền tiêu của quân Pháp ở phía Tây bắc Hồng Gai, rồi mới đến Vụng Đâng.  
. Vào nhà anh Năng, chúng tôi vội vàng tháo dép, cởi quần áo ngoài ấn vào trong giỏ. Hai đứa mặc quần áo lót, xách giỏ, cầm cần câu, lội xuống bãi biển. Mẹ anh Năng ở trong bếp chạy ra gọi với: “Sao anh em không ở nhà ăn cơm đã! Lại đi đâu giữa trưa trời nắng thế này?”. Tôi đành nói dối bà: “Tí nữa chúng con về!”. Một chiếc thuyền câu đã chờ sẵn ở ngoài chân sú. Chúng tôi khoắng chân, chui tọt vào trong khoang. Thuyền chỉ có hai người, một mẹ, một con. Thằng bé khoảng mười bốn mười lăm tuổi. Nhanh như con sóc, nó kéo buồm rồi ra mũi cầm chèo, phăm phăm bổ ngang mặt nước. Bấy giờ đang là  mùa hè, gió đông nam thổi mạnh. Chúng tôi ngồi ở trong khoang, bỗng chốc thành ra “hai ông Gia Cát Lượng”, cấu cho gió to nữa lên. Con thuyền thon nhỏ, lao đi như bay, ngược dòng sông Cửa Lục về phía Bắc. Bà chủ thuyền ngồi cấm lái, luôn luôn ngoảnh lại nhìn về phía sau. Tuy không ai nói ra, nhưng ai cũng hiểu: Nếu ca nô chúng đuổi theo, thì vận tốc của thuyền dù có nhanh nữa, cũng không thoát được. Nhưng trưa hè sông vắng. Không thấy ca nô đuổi theo. Chiếc thuyền câu vẫn lao băng băng.
Khoảng hơn một tiếng, hay hai tiếng sau, mũi thuyền rẽ vào một cửa lạch, rồi gầm thuyền bỗng ran lên những tiềng lạo xạo của cát sỏi, con thuyền dừng hẳn lại. Cả hai chúng tôi cùng bật lên tiếng: “Thoát rồi! Thoát rồi!”. Chúng tôi chui ra ngoài khoang. Đất liền đây rồi! Ôi chao! Đất tư do, đất sống đây rồi! Chúng tôi rối rit cảm ơn mẹ con bà chủ thuyền, rồi xách giỏ lao xuống nước, lội vào bờ, Vừa giẵm chân lên bãi cỏ, không bảo nhau, không chủ định, cả hai cùng vứt giỏ, nhẩy bổ vào nhau, ôm nhau, vừa nhẩy lên, vừa gào thét: “Thoát thật rồi! Sống thật rồi! Tự do rồi! Tự do muôn năm!”. Chúng tôi vừa hò hét thật to, vừa nhẩy nhót cho phỉ chí, cho bõ bèn những tháng ngày phải lo âu, thầm lặng, vào luồn ra cúi kẻ thù. Bỗng tôi nẩy ra ý bắt chước những buổi đi làm, gặp lão Ray. Tôi khom lưng, chắp tay vái anh Năng: “Bẩm cụ lớn ạ!”. Lấp tức anh Năng cũng ngửa người, phưỡn bụng: “Bồ..ồng..”. Rồi lại xông vào, ôm nhau, quật nhau lăn ra bãi cỏ cười ngất. Cười mãi rồi, chúng tôi bật lên tiếng hát. Vâng trong lúc vui vẻ, sung sướng này ai mà chẳng muốn mở tiệc mừng. Chúng tôi “ăn mừng” bằng bài hát. Những bài hát quen thuộc mà bấy lâu không dám hé răng. Chúng tôi hát say mê, hát vội vàng chẳng cần gì giai điệu, tiết tấu, cũng chẳng cần biết có hay không. Chỉ cần xem mình còn nhớ hay quên.
Mãi đến lúc mặt trời đã ngả trên đỉnh núi phía tây, chúng tôi mới rửa chân, mặc quần áo tìm đường về cơ quan.
Khi nhận ra tôi, cả cơ quan chạy ra đón. Người tôi quen, cũng như người tôi chưa gặp mặt, ai cũng vui mừng. Từ hôm vỡ cơ sở, anh Trình chạy về, ai cũng tưởng là tôi đã bị bắt. Tôi giới thiệu anh Năng và báo cáo qua tình hình với anh Ngọc. Cơm chiều xong, anh Ngọc cho liên lác đưa anh Nang về cơ quan Tình báo
Hôm sau phiên chợ Bang. Tôi đi mua khăn mặt, bàn chải và hộp kem đáng răng. Chợ đông. Tôi đang len lỏi, bỗng có người cầm tay kéo lại. Ôi…bà chủ thuyền! Bà tươi cười nói: “Anh ơi! May nhá! Mẹ con tôi vừa ra đến giữa sông, thi ca nô nó ập đến. Nó nhẩy sang khám xét, rồi vặn hỏi đi đâu? Tôi bảo đi lấy nước ngọt. Thế là nó chịu”. Tôi chẳng biết lấy gì để đáp lại ơn bà, ngoài những lời cảm ơn suông. Bà bảo: “Tiện gặp thì cũng nói để anh biết, chứ ơn mấy huệ gì. Thôi tôi đi bán cá đây!”.
 
***
 
Anh Viện, Trưởng Ty Công an liên tỉnh Quảng Hồng, xuống Quận Công an Hồng Gai kiểm tra công tác. Lãnh đạo Quận họp với Trưởng ty liên miên mấy ngày liền. Hôm nghỉ, anh Viện bảo tôi đem ghế ra vườn ngồi nói chyện. Anh ngồi trên võng bạt buộc vào gốc cây chay. Tuy là cán bộ cấp cao, nhưng anh Viện cũng chỉ tầm tuổi anh Ngọc. Người nhỏ, dáng dấp như một nhà giáo, chứ không phải là cán bộ chính quyền. Anh hỏi rất tỷ mỉ về tình hình công tác, và vụ vỡ cơ sở trong nội thành. Tôi trình bày cặn kẽ, cũng như trước đã báo cáo với anh Ngọc. Nghe xong, anh nhận định: “Khả năng chúng bắt anh Nhân là khó tránh khỏi”. Vâng. Tôi cũng nghĩ như thế. Về danh nghĩa tôi là em, lại là người anh Nhân xin cho đi làm. Nhất định chúng sẽ buộc trách nhiệm cho anh, bắt anh phải khai ra sự thật. Suy nghĩ một lát, anh Viện bảo: “Phải rút anh Nhân ra. Nếu Quận lại cử chú vào Hông Gai, chú có đi được không?”
Anh nhìn thẳng vào mắt tôi chờ đợi. Tôi giật mình đánh thót. Vừa thoát ra được, giờ lại giấn thân vào thì nguy hiểm quá! Nhưng không lẽ bỏ mặc anh Nhân? Vả lại tôi là cấp dưới, làm sao dám từ chối mệnh lệnh của cấp trên. Suy nghĩ một lát, cuối cùng vì lương tâm và danh dự, tôi nhận lời:
-       Vâng, em có thể đi được.
-       Tốt lắm! Chú nghĩ đi, xem đi bằng cách nào? Tôi viết cho tay Verdeaux lá thư, khuyến khích hắn. Nếu vì lý do gì đó anh Nhân không đi mà bị bắt, có thể Verdeaux sẽ đứng ra giúp đỡ anh ấy.
Anh Viện lấy giấy bút kê lên đùi, viết một lá thư rất dài bằng chữ Pháp. Chờ anh viết xong, tôi trình bày dự kiến, Và, vì dự kiến này có liên quan đến vụ tước súng của Xương Bình, chủ mỏ Cái Đá, nên tôi xin kể về vụ này trước:
Quận Công an Hồng Gai mới được thành lập, cái gì cũng thiếu. Thiếu người, thiếu tiền, và thiếu vũ khí. Biết chủ mỏ Cái Đá mới mua được hai khẩu súng ngắn để tự vệ. Anh Ngọc, Quận trưởng quyết định thu hai khẩu súng ấy, để trang bị cho anh em hoạt động. Sau khi điều tra, nghiên cứu, cơ quan họp bàn kế họach. Anh Ngọc cho chúng tôi biết, Xương Bình là tư sản người Hoa. Hắn mua lại mỏ Cái Đá của bon tư sản Pháp: ”Công ty than Bắc Kỳ” (Societẻ de Chảbonnase du Tonkin), để phục hồi sản xuất. Mỏ này là khu đồi núi nằm bên tả ngạn sông Bang, đã bị bỏ hoang từ ngày Nhật đảo chính Pháp. Mỏ chưa có đủ lán trại cho công nhân ở. Những người ở Hồng Gai, Hà Lầm đến mỏ làm, tối lại đi bộ về. Xương Bình cũng vậy, hắn cùng người tư ký tin cậy, sáng đi thuyền vào mỏ, tối lại về Hồng Gai. Súng để trong túi xách. Đến văn phòng, túi súng để ở đàu giường.
Quận cử bốn người, với ba súng ngắn, gồm các anh Thuỷ, Hoà, Phong và tôi đi, do anh Thuỷ phụ trách. Chúng tôi mặc quần áo công nhân, chèo thuyền từ Xích Thổ sang Cái Đá, đột nhập vào văn phòng mỏ, rút súng ra bắt tất cả ngồi im. Tôi vào đầu giường thu túi súng. Anh Thuỷ cảnh cáo Xương Bình, vì đã mấy tháng y không phát lương cho công nhân, và tuyên bố thu hai khẩu súng của y để phục vụ cho kháng chiến. Xương Bình và đồng bọn sợ xanh xám cả mặt mày, vâng dạ rối rít, và hứa sẽ thu xếp phát lương cho công nhân ngay. Để đề phòng bất trắc, trước khi rút đi, chúng tôi yêu cầu chủ mỏ phải đưa chúng tôi ra thuyền, và cấm không được làm việc gì gây huyên náo. Cuối cùng Xương Bình cử thư ký đưa chúng tôi đi.
Xin trở lại việc đang trao đổi giữa tôi với anh Viện. Dự kiến của tôi như sau:
Do việc đi tước súng của Xương Bình mà tôi biết từ Cái Đá có đường đi Hồng Gai. Chỉ có điều là tôi chưa đi qua đường này bao giờ, nên phải đi ban ngày mới nhận được đường. Và trong thời gian về Quận vừa qua, tôi đã quen anh Thủ, là giao thông viên nội thành của Công đoàn, biết anh vẫn sang Cái Đá bằng chiếc thuyền riêng, khi về lại dìm thuyền giấu ở bờ sông. Nếu anh Ngọc sang đề nghị Công đoàn, cho tôi được đi cùng anh Thủ sang Cái Đá, thì chuyến đi có thể thực hiện được. Tuy hơi mạo hiểm, vì tôi đã lộ mặt ở Hồng Gai. Nhưng ngoài ra, không còn cách nào khác. Anh Viện đồng ý dự kiến của tôi.
Hai hôm sau. Tôi cùng anh Thủ lên đường. Anh Thủ mặc quần áo, và đội nón rộng vành kiểu người Hoa, trông y như một Hoa kiều thực thụ. Anh là người Kinh, quê ở Trà Cổ, nói tiếng Quảng Đông rất thạo. Đặc biệt là lúc anh bắt chước người Hoa nói tièng Việt, ngọng líu lô, thì không chê vào đâu được. Tôi kiếm được cái ô, dùng để che mặt lúc cần, mặc quần soóc, áo sơ mi bỏ vạt ra ngoài quần. Sau vụ tước súng, tôi được sử dụng một trong hai khẩu súng ngắn “chiến lợi phẩm”. Khẩu “Sinechien” mới nguyên, ánh thép xanh rờn, bóng loáng. Tôi cài khẩu súng vào trong bụng. Bao thư đút trong túi quần. Thuyền vượt qua sông Bang, anh Thủ cho thuyền vào chân đồi phía Nam mỏ Cái Đá, tìm chỗ kín dìm thuyền, giấu. Anh dặn tôi:  Chiều mai từ hai đến ba giờ, chờ anh ở đây rồi cùng về. tôi hỏi:
- Anh vào Cái Đá à?
- Không, tớ đi Hà Lầm. Chú đi đâu?
- Em đi Hồng Gai.
- Thế ta cúng đi. Hà Lầm cách Hồng Gai bốn cây. Bao giờ đến chỗ rẽ tớ chỉ cho mà đi.
Quãng đường từ Cái Đá vào Hà Lầm khá xa, toàn đồi núi hoang vu, lau sậy rậm rạp, cao gần lút đầu người. Lác đác đây đó còn sót những cây thông già, bám vào sườn đồi đơn độc. Đường vắng. Thỉnh thoảng mới gặp một vài người buôn, gánh rau, gánh cá, từ Hồng Gai, Hà Lầm ra Cái Đá. Trươc khi rẽ lối, anh Thủ dẫn tôi vào nghỉ chân ở một nhà cơ sở. Ngôi nhà hai gian, bám vào sườn đồi. Cửa mở ở đầu hồi, như kiểu nhà của người thiểu số, nền nhà nửa đất, nủă sàn. Chủ nhà là bác công nhân già, gầy nhom, xơ xác, mặt buồn rười rượi, hỏi mới nói, không lại ngồi yên. Và anh con trai khoảng ngoài hai mươi tuổi, làm thợ lò.
Nghỉ một lát rồi tôi đi, qua Loong toòng vào Phố Mới, rồi leo lên Núi Đạo, đến nhà ông cai Bật. Nhà ông ở đỉnh núi, trước cửa nhà thờ. Đây là đất của Chúa, toàn giáo dân ở. Bọn chỉ điểm, mật thám cũng it khi nhòm ngó. Vừa trông thấy tôi, cả nhà ông Bật cùng “ồ…” lên ngạc nhiên, và vui mừng. Ai cũng chụm tay làm dấu tạ ơn “Giêsuma lậy Chúa tôi!” Rồi ông nói như reo lên:
- Cậu Quế! Thế mà người ta cứ đồn ầm lên là cậu bị bắt rồi. Họ còn nói rõ là cậu bị giam ở Trới. Thật nhảm nhí.
-  Thế ạ. Có thể cái tin ấy do bọn mật thám tung ra, sau khi đuổi theo bọn cháu hụt.
- Chắc cậu chưa biết? Sau cái tin nhảm ấy, thì bà Nhau bị bắt thật!
-       Ôi thôi chết! Bá Nhau bị bắt rồi sao?
-       Khoan! Để tôi nói đầu đuôi cho cậu nghe. Thấy tin đồn, bà Nhau vảo Trới thăm cậu. Trại giam nó trả lời, không có tên Quế nào bị giam ở đây. Trước khi về, chẳng biết nghĩ ngợi làm sao, có đồng nào đem đi, bà ấy phân phát hết cho người tù. Thế là bị chúng nó bắt. Bắt người mà lấy được tiền thì sao nó không bắt! Nhưng ổn cả rồi. Cậu Nhân chạy chọt, đút lót mụ Ray. Chỉ mất máy hôm rồi chúng tha.         
Tôi thở dài nhẹ nhõm, mừng bá tai qua nạn khỏi. Nhưng trong thâm tâm vẫn áy nây, ân hận, không ngở lại vì mình mà bá thêm vất vả, gian lao như vậy. Và đến lúc ấy tôi mới hiểu: Bá là người biết nhìn xa, thấy rộng, khi quyết định cho mụ Ray con lợn hôm nào.
Ăn uống và nghỉ ngơi ở nhà ông Bật, chờ trời tối tôi xuống phố. Phố tối mở mờ. Lúc bấy giờ chưa có đèn cao áp. Đèn đường toàn những chiếc bóng tròn đỏ quạch. Tôi đi theo kiểu vòng vo từ góc tối này sang chỗ tối kia, rồi về số nhà bốn hai quen thuộc. Khi nhìn thấy vệt sáng từ trong nhà em Yến hắt ra ngoài hiên, lòng tôi bỗng rộn lên biết bao bồi hồi, xao xuyến…Tôi liếc mắt vào trong nhà,  mong được nhìn trộm thây em, nhưng không thấy ai. Tôi vòng ra sau nhà, đẩy tấm ván cửa hẻm, lối đi của người lấy phân lợn, rồi vào trong nhà. Thấy tiếng bá Nhau đang kể lể, chửi bới, chì chiết ai đó ở trên gác. Tuy không nghe thấy tên ai, nhưng chắc lại là ông Hương. Vì chỉ có ông mới là đối tượng của những lời kể lể ấy, lúc bá say. Anh Nhân đứng ở chân cầu thang, mặt buồn rười rượi. Chợt trông thấy tôi anh thốt lên:
-       Ôi…chú Quế! Chú về bao giờ? Trời ơi sao em mạo hiểm thế?
-       Em có việc phải về bàn với anh, và thăm bá rồi đi ngay.
-       Thăm bá bây giờ thì không nên. Bà cụ bị bắt, mới được tha, chú đã biết chưa?
-       Ông cai Bật cho em biết cả rồi.
-       Từ hôm được tha về, hôm nào bá cũng say. Mà hễ say là lại chửi bới, khóc mếu, chú còn lạ gì. Có việc gì anh em ta cứ nói với nhau cũng được
Tôi nói rõ chủ định của Quận Công an, muốn rút anh ra ngoài vùng tự do để bảo đảm an toàn cho anh. Nhưng anh từ chối, bảo: “Tôi cũng muốn thoát ly đi tham gia kháng chiến. Nhưng nhà chỉ có một mẹ, một con. Bà cụ lại già rồi. Tôi đi làm sao được.”.
Tôi biết bá Nhau đã mua anh từ lúc còn ẵm ngửa, của một bà mẹ ăn mày. Bá nuôi dậy anh khôn lớn, và gây dựng cho anh được như bây giờ. Công ơn ấy anh chưa có gì báo đáp, nên không dám ép. Tôi đưa bức thư anh Viện, nhờ anh tìm cách bí mật chuển cho Verdeaux. Và dặn anh: Nếu bị bắt, cứ khai tôi bé dại, nghe thằng Năng rủ rê, trốn nhà đi mất, không biết đi đâu. Chẳng có chứng cớ gì, giam mãi rồi chúng cũng phải tha.
Tôi từ biệt anh quay về Núi Đạo.  
Hôm sau, sáng dậy thấy trời đầy mây. Mây xám, mây bạc, mây đen lồng lên tơi tả, và mỗi lúc một thêm dầy đặc. Không gian càng lúc càng tím tái đi, Thỉnh thoảng lại nổi lên những cơn gió lạ, và lác đác lúc mưa, lúc tạnh, chợt gió, chợt yên. Hiện tượng đó là dấu hiệu của một cơn bão gần, mà tôi không biết. Lúc bầy giờ ở nước ta, vùng tự do cũng như vùng địch chiếm, đều không có phương tiện thông tin, không có dự báo thời tiết như bây giờ.
Ông cai Bật đi làm. Nhà chỉ còn bà cai và cô gái út. Người trông nồi rượu, giã men. Người nấu cơm, chuẩn bị ủ mẻ cơm rượu mới. Tôi bồn chồn chờ đợi, mong từng giây từng phút qua đi cho chóng đến giờ anh Thủ hẹn. Hết xem đồng hồ lại nhìn trời mây, mưa gió. Đến gần trưa, mưa như có vẻ thưa hạt hơn. Gió cũng dần dần giảm, có lúc chỉ còn phe phẩy trên ngọn cây. Sắp đền giở rồi. Tôi từ biệt mẹ con bà cai xuống núi.
Phố Mới lúc bầy giờ mới có vài ba lán thợ, nhà một tầng, người thưa, đường vắng, ai cũng vội vàng chay mưa. Nhờ chiếc ô che khuất mặt, tôi yên tâm đi như những người chạy mưa, qua Loong Toòng, rồi rẽ sang đường mòn đi Cái Đá. Mưa bây giờ lại to hơn. Gió cũng đột ngột mạnh hẳn lên, và mỗi lúc một thêm dữ dội. Bão to rồi. Bão đã tràn đến đây rồi. Gió ở sau lưng ô, đẩy tôi đi như bay về phía trước. Lại có lúc như muốn nhấc bổng tôi lên. Có lúc lại hất tôi lùi trở lại. Quần áo ướt sũng, tay giữ ô, tay ôm bụng giữ khẩu súng, tôi cắm đầu chạy. Chạy theo kiểu giật cục, lúc nhanh, lúc chậm. Các bụi lau, bụi sậy ở hai bên đường quất vào lưng và hai ống chân tê buốt. Có những chỗ vách núi dựng đứng không có cây, sỏi ném vào người tôi rát rạt như tên bắn. Tôi vẫn cố dấn lên phía trước. Mãi rồi cũng đến đựơc chỗ mỏm đồi hẹn, nhưng chẳng thấy anh Thủ đâu? Sông Cửa Lục khói nước mù trời. Sóng như những bức tường thành đồ sộ dựng đứng lên, rồi đổ vật vào chân đồi, gầm rít, điên cuồng như hàng nghìn con quái vật. Bốn phía không một bóng người. Chỉ thấy rừng thông quằn quại, gầm rú, cùng lau sậy vật vã, rít lên muôn vàn âm thanh man rợ. Bão to quá rôi! Báo đã cắt mất đường về của tôi rồi! Tôi hốt hoảng, khiếp sợ, thấy mình đã bị cơn bão xô đẩy đến chỗ cùng đường rồi!...
Nhưng, bất chợt trong tâm trí tôi lại loé lên một tia hi vọng mỏng manh cuối cùng…Tôi liền chạy ngược trở lại, tim căn nhà nghỉ chân hôm qua. Đang cắm đầu chạy, bỗng tôi  bật lên tiếng hát. Vâng, tôi đã hát. Trong cảnh ngộ hái hùng ấy, nếu tôi không hát, thì nhất định phải khóc. Hát để tự an ủi nỗi cô đơn của mình. Hát để chống lại nỗi khiếp sợ trước thiên nhiên tàn bạo. Nhưng hát đến câu: “Anh Kim Đồng ơi! Anh Kim Đồng ơi! Tuy anh qua đời Đội ta cố noi”, thì nước mắt lại tràn ra…Tôi khóc! Không biết tôi khóc vì tấm gương anh Kim Đồng? Hay vì tự thương mình. Hay vì cả hai thì tôi không nhớ nữa.
Ngôi nhà cửa dọc đây rồi! Cửa đóng kín mít. Không biết tên chủ nhà là gì, tôi cứ gọi: “Anh ơi! Anh ơi!”. Vừa gọi vừa gõ cửa dồn dập. Mãi sau mới thấy anh thợ lò hé cửa. Nhận ra tôi, anh lao ra ngoài sân mưa, nắm cánh tay tôi, đưa  vào chái bếp. Tôi như kẻ sắp chết đuối ở giữa dòng nước xiết, bỗng được cứu  lên bờ. Người tôi đang run cầm cập vì rét, bây giờ lại run thêm vì mừng. Gió mưa vẫn gào thét ầm ầm , sợ tôi không nghe rõ, anh ghé sát vào tai tôi nói to như quát: “Không vào nhà được đâu! Mẹ tôi đang lên cơn. Bệnh tâm thần ấy mà”. Im lặng một lát, rồi anh lại nói, như tự than thở với mình: “Khổ quá! Giời đang mưa bão, lại tối đến nơi rồi!”.
Tôi hỏi tin anh Thủ. Anh bảo chẳng thấy đâu. Bất chợt trong tiếng gió rít, mưa sa, tôi nghe thấy một giọng đàn bà khản đặc, cười lên sằng sặc. Rồi sau lại thấy tiếng ngân nga, í ới như tiếng hát. Bão gió làm cho tiếng người đứt quãng, chập chờn, chới với chẳng rõ ra câu chữ, ý nghĩa gì. Khiến càng lăng tai nghe, càng thêm ghê rợn.
Đăm chiêu suy nghĩ một lúc, rồi anh công nhân chạy lên nhà. Sau anh đem xuống cho tôi một mảnh vải mưa, bộ quần áo khô, và đùm vào khăn mặt khoảng một bát cơm, hãy còn hơi âm ấm. Anh dẫn tôi ra ngoài rừng thông, leo lên đỉnh đồi, trên đó có cái chòi gác máy bơm của bố anh. Bão, mỏ nghỉ sản xuất, bố anh ở nhà. Tôi kéo miếng tôn che cửa, chui vào trong. Cái chòi có hai mái lợp lá thông, úp chụp xuỗng đất như cái chuồng gà. Có lẽ vì thế, nên trước gió bão nó vẫn không bị cuốn đi. Toàn bộ “nội thất” chỉ có cái giường một ọp ẹp, giải manh chiếu, và một khúc gỗ bóng nhẫy mồ hôi, dùng làm gối. Tôi thay quần áo khô,  bốc cơm ăn, chụm tay hứng nước uống, rồi nằm lăn xuống giường.
Đêm ấy tôi ôm khẩu súng nằm nghe gió rít ở trên đầu, và nghĩ đến mọi cách để tìm đường về. Quãng đường tuy không xa lắm, nhưng đầy hiểm trở, không chắc gì có thể vượt qua được. Nghĩ mãi, lo âu mãi, rồi nghĩ đến chuyện cọp vồ người, rắn phun nọc độc, ở đâu đó tôi đã từng nghe. Cũng may là còn có khẩu súng. Nó là người bạn đường tin cậy, là cái “ bùa hộ mệnh”, đồng thời cũng là niềm tự hào của tuổi trẻ tôi. Nếu không có nó, chắc cái đêm mưa bão ở trong vùng địch ấy, với tôi còn khủng khiếp hơn nhiều.
Tinh mơ sáng hôm sau, tôi dậy. Trời còn mưa, nhưng gió đã yên. Tôi cởi quần áo để lại trả anh công nhân, vận quần áo ướt xuống núi. Cây cối hai bên đường đi tả tơi, run rẩy đứng dưới mưa. Tôi lại trở ra điểm hen, Nhưng vẫn không thấy anh Thủ đâu. Quẩn quanh ở đây lâu càng thêm nguy hiểm. Tôi quyết định bằng mọi giá, phải bơi về Hoành Bồ. Dù có bị chết chìm làm mồi cho cá, cũng còn hơn là bị địch bắt. Tôi ấn cái ô và đôi dép vào trong bụi, cởi áo buộc chặt khẩu súng lên đầu, rồi lội xuống nước. Không bơi được xa như anh Trình, tôi bơi từng quãng một, theo dọc chân sú, ngược lên phía Bắc là thượng nguồn con sông Bang. Mệt lại leo lên cây chang, cây đước, vít cành ngồi nghỉ. Bão mới tan, trời mưa, sông vắng. Chưa có một chiếc thuyền nào ra sông, khiến tôi càng bình tĩnh. Cứ từng quãng vừa bơi vừa nghỉ. Rồi dần dần mưa tạnh, mây quang. Đến lúc thấy mặt trời ló ra, và đã ngả về Tây, thì nhìn sang bên kia đã thấy phố Bang. Quãng sông này tương đối hẹp, cố hết sức chắc tôi có thể vượt qua được. Chỉ cầu mong dừng bị chuột rút. Để chuẩn bị vượt sông, tôi leo lên một cây đước khá to, nằm nghỉ lâu hơn tất cả những lần nghỉ trước. Khi hồi sức, tôi tụt xuống bơi qua sông. Bơi mãi. Bơi mãi. Có lúc mệt quá, tôi định nằm ngửa lên  mặt nước để nghỉ. Nhưng trên đầu còn khẩu súng. Nước mặn, sợ súng han gỉ, nên lại cố sức bơi. Bơi mãi, rồi cũng sang được bên kia sông. Thế là thêm một lần nữa, từ chỗ hiểm nguy, chân tôi lại chàm vào đất sống: Hoành Bồ.
Lần thứ hai tôi trở về cơ quan trót lọt.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9