TIÊU DAO DIỄN NGHĨA (Phần cuối)
binhphap 03.05.2012 22:55:27 (permalink)
1.CUỘC SỐNG Ở BÌNH KHÊ
Hận đời có chi khó kể
Anh hùng ôm hận nhiêu khê
Một lần ngắm nước mải mê
Người đi bước nữa sa quê chiến trường.
Trần Nguyệt Hồ ngâm nga sau bụi lau dưới căn chòi nhỏ. Ông đang cầm câu vó bắt cá. Lê Vũ đứng hầu sau lưng, tay cầm quyển binh thư đọc chăm chú. Chàng đang quyết luyện võ, ôn kinh, chờ ngày nổi lên phá quân Minh. Sau khi Phạm Chẩn hy sinh ở Bình Than, Nguyệt Hồ Vương cùng chàng lánh vào Tây, đem theo tàn binh ngàn người xuống Tuyên Hóa định cư làm ăn. Bề ngoài là dân thường, nhưng trong lại ngày ngày ra bờ suối luyện võ. Vùng Tây này ít bị địch dòm ngó, hơn nữa dễ liên lạc với các cánh quân nơi rừng núi. Vũ quyết chí trả thù cho Lê Kim, em chàng, cùng Hồ Mạc, Hồ Văn, hai dũng tướng chết dưới gươm giặc. Chàng quyết phải rửa mối nhục này.
Trần Nguyệt Hồ cho lập một trang trại lớn, bao quanh làng Bình Khê, có năm chòi cao , dễ quan sát sự tình. Dân chúng âm thầm hưởng ứng lời kêu gọi của ông “Vũ Lĩnh”, cái tên giả của Nguyệt Hồ, làm ăn tích thực, chờ ngày dấy binh.
Hôm sau, có ba anh em, người anh tên Nguyễn Tuyệt, thứ là Nguyễn Văn Túc, còn lại tên là Nguyễn Hạ. Tuyệt có tài múa xích chùy, một lúc có thể xách mười xích. Văn Túc lại vũ dũng hơn người, thuần ngựa, phi hành đều tháo vát. Riêng Nguyễn Hạ khác hẳn, thông binh thư, giỏi thao lược, nên được chọn làm mưu sĩ.
Mỗi ngày, càng lúc càng lắm nhân tài theo Nguyệt Hồ Vương, đều được trọng vọng, đặt vào vị trí phù hợp. Thấy đã đến lúc, Nguyệt Hồ Vương định khởi binh, thì Nguyễn Hạ ngăn lại, nói:
-Bẩm chúa công, nếu ngài thân hành xuất chiến bây giờ, e chưa tiện. Chúng ta mới chuẩn bị hai năm, tuy lương thảo đầy kho, binh nhung dồi dào, thành quách kiên cố, dân chúng nhiệt liệt hưởng ứng, nhưng Minh triều vẫn đang tăng cường dò thám, tìm cách triệt hạ các toán quân, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng bị chúng tiêu diệt. Hay để ba năm nữa, địch quân lơi lỏng, quân ta đã hưng phấn, thì đánh chắc thắng.
Nguyệt Hồ Vương đắn đo:
-Nếu theo ý khanh thì ba năm tới, dân chúng vẫn phải khổ cực hay sao?
Nguyễn Hạ trầm tư một lúc, đáp:
-Chúa công chớ lo, dân chúng càng bị chèn ép, họ càng sinh biến nhiều hơn, làm cho giặc phải lao đao. Đợi cho lúc địch lơi lòng, hao mòn, tới lúc đó, chuyện dẹp giặc không cần phải trằn trọc.
Nguyệt Hồ thấy Hạ nói chí lý, bèn thôi không tiến hành duyệt binh, vẫn âm thầm chờ đợi.
Sáng sớm, từ xa xa có chục dân phu, tay cầm gươm, giáo tiến xuống bờ lúa, đập phá, hung hăng chém chết một nông dân. Nguyễn Hạ băng ngang qua, thấy thế, sai người cản lại. Bọn dân phu hung hăng, quát lớn:
-Tên chó nào dám ra cản lão gia. Bọn ta là người Đông Hưng, là thuộc hạ Đông Hưng giáo phủ. Đông tướng công sai bọn ta đến đây đòi đất. Bọn nào còn lộn xộn thì ta chém thẳng tay.
Nguyễn Hạ thấy bọn này tàn bạo, nhưng để tránh đổ máu, Hạ nói:
-Nếu các người thuộc Đông Hưng phủ, thì tất nhiên phải có lệnh bài, áo mão rõ ràng, sao lại ăn mặc giống lũ thất phu thế?
Bọn dân phu nghe đến đó, nét mặt hầm hầm, tay xiết chặt đao, lăm lăm nhằm vào Nguyễn Hạ. Hạ thấy nguy cấp, vội quay đầu chạy một mạch. Lũ dân phu đang nộ khí xung thiên, hươ đao rượt bắt. Nguyễn Hạ vừa chạy vừa la lớn cầu cứu. Thình lình, một tên dân phu bị dây chùy đâm thủng đầu. Hạ nhoẻn miệng cười, gọi to:
-Túc ca, Tuyệt ca, mau giúp đệ!
Tức thì, Văn Túc, Văn Tuyệt, mỗi người dẫn đầu năm đội lính xông ra. Cuộc ẩu đả diễn ra. Bọn dân phu hung hãn quật chết vài người lính, máu me bê bết, còn Văn Túc uy mãnh trông như hô đói, vồ đánh chết chục tên. Quân Bình Khê từ bốn hướng tuôn ra trợ chiến, khiến bọn dân phu đang gồng sức chịu đòn, bỗng hốt hoảng. Nhất là tên đầu đàn, hất tung một tên lính, vừa đánh vừa lui, cuối cùng chạy thẳng, không dám ngoái đầu. Cuộc ẩu đả vừa tan, Nguyễn Văn Tuyệt trông ra xa, nhíu mắt lại, khẽ thầm:
-Đúng là tai họa đến nơi rồi. Bọn Đông Hưng phủ là lũ bất nhân, nếu Đông Hưng mà đem quân đánh Bình Khê thì nơi dây khó còn bình yên được.
Nguyễn Hạ cũng nói:
-Đông Hưng phủ có một gia trại lớn là Đông Trang, chứa được hơn năm vạn người, rất mạnh thế. Bọn dân phu ban nãy nếu không phải người Đông Trang tất không dám quấy phá như vậy. Nên trình bày ngay với Chúa công để tiên liệu.
Khi về đến Bình Khê, Nguyễn Hạ gặp Trần Nguyệt Hồ, nói:
-Mới đây, bọn Đông Hưng phủ thường đến quấy nhiễu. Nay binh ta đang đồi dào, cần phát lệnh tấn công Đông Hưng chiếm cứ Đông Trang để giành lấy lương thực. Bọn giặc cỏ ấy cứ lúc nhúc làm rùa rụt cổ cho quân Minh, nếu không trừng trị e rằng khó bình thiên hạ.
Trần Nguyệt Hồ cứng cỏi, đáp:
-Ngươi nói quả không sai. Trong tình thế này, nên mang đại quân đánh lấy Đông Trang để có đủ thực lực. Ta cho ngươi tùy ý dụng binh, nhất định phải mang chiến thắng về.
Nguyễn Hạ dõng dạc:”Rõ”.
Trời gần chiều, Nguyễn Hạ từ nhà Trần Nguyệt Hồ bước ra, vừa đi vừa lẩm bẩm việc gì xem ra rất hệ trọng. Bộ tướng trong nhà Lê Vũ là Lý Thượng bước ra, tiến lại Nguyễn Hạ để hỏi chuyện. Thượng nói:
-Quân sư có điều gì mà cứ lẩm bẩm thế ?
Hạ đáp:
-Chỉ là việc quân cơ hệ trọng nên phải lao đao đôi chút. Mà tướng quân sao còn ở đây làm gì mà chưa ra thao trường?
Lý Thượng vô cùng ngạc nhiên, hỏi lại:
-Thao trường sao, tại hạ mới nghe đấy, hay là chúa công muốn ra thao trường xem đấu võ?
Nguyễn Hạ cười khúc khich, vừa lắc đầu, nói nhỏ:
-Vậy là thật sự ngài chưa biết gì rồi.
-Chưa biết gì ?
-Thì là chúa công muốn phái đại binh tấn công Đông Trang, tên ra thao trường tuyển nhân tài.
Lý Thượng nghe đến đó, khoái chí, vỗ vai Nguyễn Hạ rồi chạy thẳng ra thao trường. Tại thao trường, các tướng đều có mặt đầy đủ, gồm Thượng tướng Lê Vũ, phó tướng Nguyễn Văn Túc, Thượng thư Bộ binh Nguyễn Văn Tuyệt, Thừa tướng Nguyễn Hạ và rất đông người họp quanh đó.
Nguyễn Hạ bước lên bục cao, lấy chiếu thư vàng ra, miệng đọc lớn:
Ta, Nguyệt Hồ Vương, là tôn thất nhà Trần, nay dựng cờ xướng nghĩa, thay trời hành đạo. Thế mà, bọn Đông Hưng phủ, ngang nhiên cản trở, làm cho quân ta khó thống nhất thiên hạ. Nay, ta cho Nguyễn Thừa Tướng cử một vạn quân từ Bình Khê tiến đánh Đông Hưng phủ, tùy cơ ứng biến.
Chiếu đã viết ra, chớ có thay đổi.
Khâm thử.

Nguyễn Hạ đọc xong, các tướng ai cũng phấn khích. Nguyễn Hạ nói:
-Chúa công đã có ý đánh Đông Hưng, thì ta nên vâng mệnh. Nay cử Thượng tướng quân Lê Vũ, Bộ binh thượng thư Nguyễn Văn Tuyệt, Hạ tướng quân Lý Thượng theo ta đánh Đông Trang, còn lại trông giữ Bình Khê đề phòng bất trắc.
Tất cả đồng thanh: “Rõ”.
2. THẢM SÁT
Đêm đó, một vạn quân chủ lực hành động, đi từ cửa Bình Khê đến đất Cổ Lan. Đi được một đoạn, quân Bình Khê gặp một khe sâu, rất hẹp, chỉ được một người qua. Nguyễn Hạ nói với Văn Tuyệt:
-Ca ca, hay là quân ta đi theo đường khác, chứ nơi đây thật là hiểm địa, đi vào nếu gặc mai phục thì chỉ có đợi chết.
Nguyễn Văn Tuyệt nói:
-Nhưng đi theo hướng khác sẽ lâu giờ hơn. Việc binh quý thần tốc, nếu để bọn Đông Hưng phủ và quân Cổ Lan biết được sẽ rất nguy cấp.
Nguyễn Hạ trầm ngâm một hồi, bảo:
-Lý Thượng tướng quân làm tiên phong dẫn theo một nghìn người theo hướng này tiến vào Đông Hưng phủ.
Lý Thượng uy dũng đáp: “Rõ”. Rồi lập tức cử nghìn khiên thuẫn đầy đủ, ngay vác ván gổ dày, từng hàng một tiến vào khe núi. Quân chủ lực do Nguyễn Hạ chỉ huy tách một nửa đi về phía Tây Bắc, nhằm vào vùng núi Cổ Lan, còn một nửa do Lê Vũ chỉ huy tiến về hướng Đông Bắc, đánh quân Trấn Man là cánh trái của quân Đông Hưng phủ. Riêng Nguyễn Văn Tuyệt ở lại sườn dốc ứng cứu cho Lý Thượng.
Màn đêm buông dần đen kín trăng. Những bó đuốc hành quân vẫn lục đục tiến về Đông Hưng. Khi ấy, Nguyễn Hạ cho người hạ trại gần xã An Châu. Quân tuần An Châu vừa thấy quân lạ, vứt đèn lồng bỏ chạy. Nguyễn Hạ vội vã sai quân truy bắt lũ quân tuần, tránh làm kinh động. Bỗng từ khắp bốn phía ào ào tiếng chuông gió, tù và, trống đồng nổi vang. Quân Bình Khê ai nấy kinh hãi. Nguyễn Hạ kêu lên: “Nguy rồi, mau rút lui.”. Thế nhưng, không còn kịp nữa, quân An Châu ồ ạt xông vào tiền quân Bình Khê, đánh cho tơi tả, không còn mảnh giáp. Ánh lửa loan khắp bốn phía. Hàng trăm kỵ binh từ sườn dốc hung hãn tiến vào trung quân Bình Khê, chém giết sạch trung quân. Nguyễn Hạ thở dài, than:
-Vì ta mà cơ nghiệp phục quốc tan thành mây khói. Ta không còn mặt mũi nào nhìn thấy chúa công.
Nói xong, Hạ toan rút đao tự tận, nhưng thâm tâm chàng dằn xé. Một bên là con đường sống sau này có dịp trả thù, một bên sợ sau khi quay về sẽ bị Trần Nguyệt Hồ trách phạt. Hạ càng nghĩ càng bối rối. Chàng chưa biết làm cách nào để thoát khỏi tình cảnh hiện giờ. Hạ la to một tiếng, rồi thoái mã chạy về khe núi ban đầu, mong quân Lý Thượng cứu viện. Nhưng vừa đến khe núi, thì than ôi, quân Bình Khê xác chết đầy khe, máu tươi tung tóe, cái mũ chóp của Lý Thượng rơi ra ngoài, còn Nguyễn Văn Tuyệt chưa biết tung tích. Nguyễn Hạ nghiến răng, hận bọn Đông Trang quá gian hiểm, biết trước được kế hoạch. Chàng bèn lủi thủi quay về Bình Khê. Khi đó, quân của Lê Vũ đang trên lộ trình, bỗng pháo nổ khắp nơi. Quân Minh từ đâu ào ra, giết chết quân Bình Khê. Lê Vũ hoảng loạn, cầm đao giết vài tên lính Minh, rồi vứt mũ chạy thục mạng. Lê Vũ thất thểu chạy vừa ngoái lại sau đề phòng. Nào ngờ, một mũi tiễn bay đến, cắm phập vào mắt làm Vũ đau điếng. Chàng la thật to một cách khổ sở, té xuống ngựa, ngã sóng xoài. Bỗng từ trên núi rầm rầm tiếng vó ngựa, toán quân do Nguyễn Văn Túc chỉ huy, quay phi trùy giết chết vài tên lính. Văn Túc xuống ngựa, bế xốc Lê Vũ lên rồi chạy thật nhanh. Lê Vũ, miệng còn thoi thóp:
-Mau lên, quân Trấn Man đã theo bọn Minh rồi. Có lẽ quân An Châu cũng đã biết, nên quay về…nhanh…
Nói xong, Vũ ngất lịm. Văn Túc chau mày, hồi hả về Bình Khê, vừa chạy vừa bồn chồn.
Tại Bình Khê, trong trướng, Trần Nguyệt Hồ đi qua đi lại, lo lắng không dứt. Chợt, phía ngoài xôn xao. Nguyệt Hồ ra xem thử, thấy quân sĩ ai nấy đều mệt mỏi, rũ rượi, áo quần xộc xệch, bị thương rất nhiều. Rồi chốc lại xuất hiện quân của Văn Túc mới kéo về. Văn Túc xuống ngựa, quỳ mọp đất, khóc ròng:
-Bẩm chúa công, quân Bình Khê…tan…nát…rồi!
Trần Nguyệt Hồ ngây người. Ông thẫn thờ một lúc, rồi vật xuống đất. Quân lính xung quanh vội vực ông dậy, mang vào phòng.
3. GIÀNH THẾ THƯỢNG PHONG
Hai ngày sau, viên phủ sứ mới do Minh triều cử đến là Lâm Nhân Tắc, một tên khét tiếng bất nhân. Y giết cha là Lâm Ích, mẹ là Hòa Khôi, xử em là Lâm Phàn tội chết, bạn là Trịnh Tấn phải tru di. Một ngày phạm tới trăm điều ác. Khi đến Tuyên Hóa, y vơ vét dân lành, chém giết không thương tiếc.
Sáng đó, Lâm Nhân Tắc dẫn theo năm trăm tướng sĩ ba lộ An Châu, Cổ Lan, Trấn Man kéo xuống Bình Khê, tàn sát hơn ngàn nhân mạng. Một thiếu phụ hối hả chạy về thao trường cấp báo cho Nguyệt Hồ Vương. Nguyễn Văn Túc nghe chuyện ấy, vô cùng tức giận, muốn dẫn quân giết chết Lâm Nhân Tắc. Nhưng, vừa ra ngoài cửa trại, Nguyễn Văn Tuyệt cản lại. Văn Túc đang trong cơn nổi nóng, quát tháo:
-Nhà ngươi dám cản ta sao?
Tuyệt ôn tồn:
-Đại huynh không nên nóng vội. Bây giờ, quân ta vừa thua đậm, quân Minh cũng sắp tràn vào, nếu để thua thêm nữa hóa ra lại tự mình làm tiêu mình sao? Hay hơn hết là nhân lúc này, quân ta cũng cố hàng rào, tăng cường phòng bị thì quân Minh dù đông vẫn bị đẩy lùi, nhân cơ hội đó mà kéo quân giết hết bọn giặc.
Văn Túc sững người, trầm ngâm nhìn Văn Tuyệt thật lâu, rồi quay đầu ngựa trở về.
Văn Tuyệt lập tức chạy ra thao trường, đánh ba hồi trống. Các quân sĩ Bình Khê đang ngủ, lập tức chạy ra thao trường. Họ thấy một chủ tướng, oai nghiêm, bệ vệ cầm dùi gõ từng hồi rung động, phá đi cảnh u tịch não nề của binh trại. Hồi trống vừa dứt. Nguyễn Văn Tuyệt quay xuống các binh sĩ, đĩnh đạc nói:
-Hôm nay, ta tụ họp các ngươi nơi đây, là muốn các ngươi giúp ta một việc.
Các tướng sĩ đồng thanh:
-Xin chủ tướng hạ lệnh.
Tuyệt nói tiếp:
-Hẳn các ngươi cũng biết, quân ta vừa đại bại ở Đông Hưng, tinh thần suy sụp. Bọn quân Minh thừa dịp tràn vào Bình Khê. Nguy cơ diệt vong đã bày trước mắt, không thể làm ngơ. Nay, quân ta chỉ còn hai con đường. Một là giải tán, suốt đời chịu nhục. Hai, là ra sức chống cự, quyết đẩy lui quân Minh, nếu thành sự sẽ nhân đó mà mở rộng bình diện hoạt động, ý các ngươi thế nào?
Một tướng bước ra từ đám lính, nói:
-Chúng tôi là thần dân Đại Việt, là bề tôi cùa Đại Vương, là dòng dõi của Kinh Dương Vương, nào có thể lâm nạn mà quên cái gốc, cái ơn tri ngộ. Bọn giặc Bắc hung hăng ngang nhiên sang cướp bóc, giết hại sinh linh, lòng người Việt không ai không căm hận. Nếu chúng tôi tan rã, thì khác nào dâng hết ruộng nướng, sinh kế cho bọn xâm lược. Chúng tôi quyết không làm thế! Nếu có phải bỏ mạng trên sa trường thì có sá gì!
Các binh sĩ nghe xong, tất cả nều rơi lệ, khí uất ngùn ngụt, họ la lớn:
-Phải giết quân Minh, báo thù cho đất nước, phải xẻ thịt chúng, xay xác chúng xém cho thú dữ.
Nguyễn Văn Tuyệt nói lớn:
-Nếu đã vậy, các ngươi hãy mau chuẩn bị khiên giáp đầy đủ, chờ lúc thích hợp thì xuất binh.
Các tướng lĩnh, quân sĩ nhanh chóng trở về trang bị vũ khí đầy đủ. Đến canh năm đêm đó, đèn đuốc sáng rợp, những quân đoàn Bình Khê đóng trên núi Vọng, cắm cờ nghênh địch. Quân do Lâm Nhân Tắc dẫn đầu, men theo sườn núi tiến vào Bình Khê. Đang trên đường, bỗng dưng có tiếng ồn ào, Nhân Tắc hỏi phó tướng An Châu:
-Có cái gì xôn xao thế?
An Châu tướng nói:
- Tại hạ còn chưa biết rõ, để tại hạ xem thử.
Nói rồi, y phóng ngựa lao vút ra sau. Tên phó tướng vừa dừng mã, thì trước mặt y là cảnh chém chết ghê rợn. Quân Bình Khê đã giăng bẫy tại đó, nhân cơ hội xông ra áp đảo. Tên tướng hậu cần là Cổ Phong bị loạn tiễn giết chết, máu phun đầy mặt, còn quân Cổ Lan bị tiêu diệt gần hết, xác chết chất đầy. Phó tướng An Châu vội vã chạy lên tiền quân, nhưng đã muộn, một mũi phi trùy phóng thẳng hay yếu huyệt làm hắn văng ra xa, đè xuống chục tên lính. Nguyễn Văn Túc xuất hiện. Chàng xách hai dây chùy nặng trịch xông pha chết độ trăm tên địch. Quân Minh đằng trước còn chưa kịp hay, thì quân Bình Khê từ Vọng sơn tràn xuống. Quân Bình Khê đang tức giận, hăng máu chém chết làm quân Minh hoảng sợ không còn manh giáp. Lâm Nhân Tắc hốt hoảng quay ngựa trốn chạy. Xác bọn giặc liên tục quỵ ngã dưới làn gươm đao xối xả, giữa dòng tên vùn vụt bắn xuống, làm chúng không kịp chống cự. Đội quân tinh huệ ba châu nhanh chóng bị phục kích, tiêu diệt gần hết, chỉ còn vài tên chạy thục mạng về trại. Thừa thắng, quân Bình Khê tiến thẳng về Đông Trang. Nguyễn Văn Tuyệt cầm long đao, dẫn đầu đoàn quân ồ ạt xông đến. Quân Đông Trang những tưởng quân mình bình an vô sự, nên cửa thành mở toang. Quân Bình Khê thấy vậy, mừng rơn. Nguyễn Văn Tuyệt hô lớn:
-Đêm nay, Đông Trang sẽ là của chúng ta.
Thế là, hàng ngàn quân Bình Khê xông vào Đông Trang chém giết. Quân Đông Trang tán loạn, tìm đường bỏ chạy.
Cuối cùng, quân Bình Khê đã bình định Đông Hưng phủ, mở rộng căn cứ thêm ba châu, xây dựng cơ sở lớn mạnh. Họ còn tìm cách chế tạo hỏa pháo, thực lức không ai bì kịp. Sáu năm sau, quân Bình Khê tiếp tục công kích các vùng, miền rồi bành trường vào nam. Quân Minh tan tác, dân các tỉnh sống vô cùng yên bình.
4. NAM TIẾN
Bấy giờ, Minh Thần Tông đang ở Kinh Bắc, lo lắng về việc ở phía Nam. Trong buổi họp triều, Minh Thần Tông hỏi:
-Hiện giờ, bọn giặc Nam Phương liên tục gây rối, làm quân ta suy tổn vô số. Ai có thể thay trẫm dẹp loạn được?
Lúc đó, Trương Phụ tiến ra, nói:
-Quân ta ở đất Giao Châu, mới đến nên chưa quen thủy thổ, dễ mắc phong hàn, Vả lại, dù đã hết sức đồng hóa nhưng bọn dân đen đứa thì vào rừng trú, đứa thì ra đảo sâu, vào hang tối, rồi chờ thời mà nổi loạn. Nay, bọn Trần Nguyệt Hồ dám lớn gan làm loạn, giết hại nhiều binh tướng triều đình, xin để thần thống lĩnh mười vạn đại quân xuống trấn áp chúng, chắc chắn sẽ có kết quả tốt.
Minh Thần Tông cười đắc chí, nói:
-Đại Minh ta có một thần tử như khanh quả hiếm lắm! Khanh cứ việc tùy ý dụng binh, làm cho bọn Giao Châu thất điên bát đảo.
Vậy là, ba hôm sau, trời vừa sáng, Trương Phụ sai Trình Dương, Mộc Thạnh là các tướng quen đánh phía nam xuất trận. Quân sĩ nhà Minh đều bừng bừng khí thế. Lúc ấy, tại phủ Hà Bắc, thám mã báo tin quân Minh đang gửi quân đàn áp. Tướng trông coi Hà Bắc là Hoàng Tường vội vã điều quân từ các trấn lên giữ cửa Hà Bắc. Quân Bình Khê từ các lộ rầm rộ tiến về cửa Hà Bắc. Các cánh quân từ Khánh Hòa cho thủy binh đột kích cửa Quảng Đông. Lúc đó, tại trại của Nguyễn Văn Tuyệt đang nhốn nháo lên. Tuyệt đang ngồi trong trướng, một tên thám mã chạy vào, rơm rớm mồ hôi, nói:
-Bẩm tướng quân, quân Minh từ phía Bắc kéo xuống, các lộ sẵn sàng nghênh địch.
Văn Tuyệt bật dậy, truyền lui tên lính, tự mang giáp, cầm gươm ra ngoài. Các đơn vị lính đang về vị trí.
Lúc đó, Hoàng Tường đang điều động dân phu các làng xung quanh dựng lũy tre đặc
khắp các tuyến lộ, xây các chốt đóng quân đêm ngày thay phiên nhau tuần tra. Một đám
thám mã sau khi quay về, vội bẩm báo với Hoàng Tường :
-Bẩm tri phủ, quân Minh đã tiến sát thượng lưu sông Thao.
Hoàng Tường triệu tập các võ tướng tin cậy xung quanh, nhìn đăm chiêu vào bản đồ, rồi
nói:
-Quân ta nếu ra nghênh địch e rằng không lợi. Quân Trương Phụ đang khí thế bừng bừng
nhất định sẽ tiến qua đây. Binh ta hiện chưa phải là địch thủ. Bây giờ, điều ta muốn là quân địch
phải suy nhược, nên việc làm trước tiên là mang thư sang dọa dẫm, khiến Trương Phụ tức giận mà
đánh qua sông. Thừa dịp, ta cho người mai phục, dùng máy bắn đá giết hết quân Minh, chỉ
được giữ lại vài cái mạng để dò xét tình hình. Nếu Trương Phụ không qua, ta sẽ lợi dụng
đêm tối, phóng hỏa đốt trại địch.
Quả nhiên, sau khi đưa thư qua, Trương Phụ bàn với Mộc Thạnh và Trình Dương:
-Bọn giặc Giao Châu này xem ra chỉ có mưu nhỏ này, không biết lão tướng đang có mặt ở đây. Các ngươi cứ để yên xem lũ này còn giở trò gì.
5. KỊCH CHIẾN TẠI SÔNG NHƯ NGUYỆT
Tại trại Hoàng Tường vẫn bặt im. Tường biết Trương Phụ không muốn tiến sang. Tường lập tức thực hiện phương án hai, chia các quân ra hai bìa chiến tuyết, một đội cảm tử dụ giặc. Bầu trời bắt đầu tối dần, mặt trời đã xuống núi, Trương Phụ gọi Trình Dương vào, nói:
-Bọn giặc này có vẻ khá bí hiểm. Nếu sáng nay chúng đưa thư dọa ta thì chắc tối nay sẽ đem quân sang đánh. Ngươi hãy bố trí các lực lượng phục bình, chờ chiến thuyền giặc quan thì xông ra đánh, rồi cứ “sấn đả hỏa kiếp” tràn qua trại giặc, thế mới là thượng sách.
Trình Dương hơi nhíu mày, rồi lĩnh mệnh lui ra. Đêm đó, Hoàng Tường sai quân cảm tử sang phóng hỏa trại quân Minh. Đội cảm tử vừa đổ bộ thì tiếng tên sột soạt phóng ra tứ phía. Rồi, đồng loạt mấy trăm tên tiến vào giết quân Bình Khê như vồ mồi. Quân Bình Khê lập tức rút lui. Trình Dương theo kế Trương Phụ đuổi theo. Hàng ngàn con thuyền ào ạt lướt qua trại Nam. Trình Dương nhảy khỏi thuyền, chỉ huy chục nghìn binh mã từ tàu lớn kéo xuống. Quân Minh đang đánh hăng thì từ đâu những hòn đá lớn như các thể thiên thạch rơi vùn vụt, bất ngờ, choáng ngợp rôi xuống đầu hàng loạt tên địch. Rồi, tiếp theo là hàng loạt hàng tên bắn thủng giáp, nhiều tên ngã quỵ hơn. Lúc đó, Trình Dương đang loay hoay, chưa kịp hiểu gì thì những mũi lao từ đâu đâm vào. Y ngã xuống ngựa, tắt thở. Quân Minh càng hỗn loạn. Quân Bình Khê nhân cơ hội lên tàu giặc, chèo qua phản công trại Bắc. Trương Phụ đang chờ Trình Dương, bỗng thanh la vang dội, chiêng trống nhân vang, quân Bình Khê phá tan cửa ùa vào như vũ bão, giết sạch gần hết quân trong trại. Trương Phụ chưa kịp hoàn hồn thì thấy Mộc Thạnh đánh roi ngựa chạy trước. Phụ núng thế, vội lên ngựa chạy nốt. Vậy là, cứ đuổi theo, đuổi theo đến tận Lạng Sơn, Hà Giang, quân Bình Khê mới dừng lại.
6. LIỄU THĂNG TRONG RỪNG TRE
Sau trận đánh kinh hồn ấy, quân Minh càng rắp tâm phục hận. Hai năm sau, quân Minh kéo từ Chi Lăng qua xâm lược Đại Việt với lực lượng đông đảo hơn lần trước. Chúng vượt các đồi núi, băng qua các con sông và tập kết ở Đông Quan. Rút kinh nghiệm thất bại ở sống Như Nguyệt, Trương Phụ quyết thủ mà không công, xây dựng tường kín dày đặc. Quân của Hoàng Tường trong thành chỉ còn năm nghìn người, nên nhanh chóng tản ra các rừng tre, đào hầm chông, cạm bẫy, mai phục các con hẻm nhỏ. Quân Trương Phụ được thám mã báo lại thành cổ đều trơ trọi không một bóng người. Ban đầu, Phụ nửa tin nửa ngờ, cho một toán quân phá cửa thành vào xem thì không một bóng người. Liễu Thăng nói với Trương Phụ:
-Quân phiến loạn chắc chắn đã rút lui, ta nên dùng cơ hội này đuổi theo đến Tuyên Hóa, dùng kế sấn hỏa đả kiếp cho chúng không còn đường lui.
Nhưng vốn cẩn trọng, Phụ nói:
-Quân mới chiếm xong thành, nên cố thủ chớ có tấn công mà trúng kế địch quân.
Liễu Thăng đáp lời:
-Nhưng việc binh để lâu không lợi, ta…
Vừa nói đến đó, Trương Phụ đã quay gót vào thành. Liễu Thăng tức giận, tự ý hành động. Đêm xuống, Liễu Thăng sai Liễu Hộ là em trai mình kéo một vạn quân ra khỏi cổ thành định vượt qua rừng tre. Thế nhưng, chúng vừa bước vào rừng thì vài tên sụp hố mà chết. Quân Minh kinh hoàng. Rồi, hàng loạt trận mưa tên ập xuống, làm quân Minh chết không biết bao nhiêu. Đứng giữa rừng tre âm u, với tiếng gào thét man rợ, tiếng la hét vang trời dậy đất, xung quanh chỉ toàn những xác chết thê thảm, đâu đâu cũng bừng bừng lửa, bốc cháy ngùn ngụt, tro khói phủ đen mặt, Liễu Thăng đầu óc quay cuồng, bước đi lảo đảo, tưởng quân mình đã bị tiêu diệt, vội nhảy lên ngựa, nhắm mắt phóng thẳng về Cổ Thành. Còn Liễu Hộ đang giao chiến, gọi Liễu Thăng đến giúp, nhưng vô vọng, mất đà sơ hở, bị loạn tên giết.
Sau chiến thắng đó, quân Bắc Bình Khê với sự lãnh đạo của Hoàng Tường giành được nhiều chiến công vang dội. Vào năm 1420, khi đem quân chiếm lại Cổ Thành, Hoàng Tường bị bao vây, quân Bình Khê đều chết chung tại bờ sông Thao. Toán quân Bình Khê còn sót lại kéo vào Tuyên Hóa. Nguyễn Văn Tuyệt tức tốc chỉ huy năm vạn quân chiếm lại Cổ Thành. Nhưng, vài ngày sau, Cổ Thành bị bao vây, Trương Phụ ép toàn nghĩa quân đầu hàng.
7. CỔ THÀNH THẤT THỦ
-Các cánh quân mau sẵn sàng chiến đấu.
Đó là tiếng quân dữ dội của Nguyễn Văn Tuyệt. Tuyệt đang cầm long đao đứng trước cỗng thành xem xét trận thế của quân Minh. Trương Phụ dỏng ngựa ra, chỉ cờ vào Văn Tuyệt, nói:
-Tên phiến loạn kia, nếu ngươi đầu hàng, ta sẽ phong cho ngươi một chức quan ngang cả với Thừa tướng phương Bắc. Nếu không hàng, thì ta quyết san bằng thành này.
Văn Tuyệt đưa đao ra hăm dọa, mắt long sòng sọc, chửi mắng:
-Ngươi tưởng ta là con nít hay sao mà hòng lừa được ta? Nếu các ngươi có ý muốn ta hàng thì đâu phải tứ bề áp sát chân thành, tay lăm le vũ khí chứ? Có giỏi thì cùng trèo lên đi!
Trương Phụ giận dữ, ra lệnh toàn quân xuất kích. Hàng trăm cái thang bắc lên thành, dùng lao phóng. Từ trên thành lại bắn hàng vạn mũi tên, giết chết kẻ đang cố leo lên. Những mũi tên từ quân Minh cũng lần lượt thi nhau giết hết đội quân trên thành. Thấy tình thề bắt đầu nguy cấp, Văn Tuyệt sai quân mang đá và dầu sôi đổ xuống thành chặn giặc. Quân Minh đang hăng, bỗng bị bỏng và đá rơi thì ngã xuống, chết như rạ. Nhân cơ hội, đợt tên thứ hai bắn ra, càng làm xác chết quân Minh thêm nhiều. Trương Phụ nhíu mày, hét lên, sai Liễu Thăng sử dụng quân đặc biệt, toàn thân phủ lớp giáp cứng bằng thép, y phục đen thẫm, mặt trên có lớp mạ thép bảo vệ, tay cầm đao cứng trăm cân xông lên trợ chiến. Quân Bình Khê vừa thấy đám người này đã hoảng hồn. Văn tuyệt bất giác cũng run sợ. Chẵng mấy chốc, tên cũng chẳng làm họ bị thương, đá cũng không hề khiến họ đổ máu, dầu sôi trên thành cũng cạn, đội lính này đồng loạt ập vào thành, chém chết người vô tội. Quân Bình Khê vừa nhào tới đã bị chém chết. Trương Phụ lớn tiếng cười vang, sai mang súng đại bác bắn vào tường thành. Bức tường bắt đầu rạn. Quân Minh thừa thế tràn vào thành như thác lũ. Văn Tuyệt cũng một số thuộc hạ chạy về hường Nam. Nhưng, hướng nam đã bị Trương Phụ cho dàn sẵn thế trận, không thể vượt qua. Văn Tuyệt thấy mình cùng đường, quỳ xuống, ngẩng mặt lên trời, nước mắt ròng ròng. Chàng nói với binh sĩ:
-Ta theo chúa công các ngươi ngót hơn bảy năm, sinh tử có nhau. Nay ta bị chôn chân ở Cổ Thành, chết chỉ trong phút chốc. Các ngươi cố bảo vệ chúa công, đừng ở lại Tuyên Hóa mà rút về Lỗi Giang, nương nhờ một hào trưởng là Lê Lợi- Chàng vừa nói vừa rút ra một tấm thẻ bài-Các ngươi cứ đưa cho ông ấy, bảo rằng bạn ông ấy sẽ chờ ông ấy ở…-Tuyệt nói chưa dứt câu, thì tự rút gươm, đâm cổ tự vẫn. Sau khi chàng chết, trong Cổ Thành hiện chỉ còn bốn vạn quân, quá bé nhỏ so với trăm vạn quân của kẻ địch. Sáng hôm sau cái chết của chủ tướng, quân Bình Khê mở cửa thành giao chiến với quân Minh. Cuộc chiến khốc liệt diễn ra trong vài giờ, nghĩa quân thua trận, rút hết vào Lỗi Giang, Thanh Hóa theo lời dặn của Văn Tuyệt. Năm 1421, Tuyên Hóa thất thủ nhanh chóng, quân địch không gặp bất cứ sự kháng cự nào. Từ đó, hoạt động quân Bình Khê tan rã, rất đông các tàn dư quân Bình Khê ở lại Lỗi Giang giúp cho Lê Lợi khởi nghĩa. Trong trận ác chiến ở núi Chí Linh, khi Lê Lai giả dạng Lê Lợi đánh lừa quân Minh, phần đông quân Bình Khê theo Lê Lai đã tự trận. Vì còn sợ ảnh hưởng của nghĩa quân, Trương Phụ ra sức truy lùng các lực lượng còn sót, tàn sát dân chúng tại Tuyên Hóa. Chính trong cuộc tàn sát này mà Trần Nguyệt Hồ buộc phải ra mặt để cứu lấy những người dân vô tội. Trần Nguyệt Hồ bị xử chém. Cuộc khởi nghĩa Bình Khê hoàn toàn dập tắt. Ở Đông Quan, Trương Phụ đang ăn uống vui vẻ, miệng nói:
-Bọn Bình Khê chính vì chưa biết lượng sức nên thảm bại. Quân ta nhờ ý trời mà đánh bại chúng. Chắc bọn Giao Châu sẽ lấy đây làm bài học kinh nghiệm.
Nói rồi, y cười ha hả, miệng sặc sụa rượu. Chợt, một thám mã vào, báo:
-Bẩm chủ tướng, ở Hoàng Nghiêu đang lục đục vài tên có ý làm phản. Tên cầm đầu bọn này là Nguyễn Chích.
Trương Phụ buông tay khỏi ly rượu, vội đem quân đánh chiếm Vạn Lộc, căn cứ Hoàng Nghiêu. Ngay từ trận đầu quân Trương Phụ đánh tan đội tiên phong của Nguyễn Chích, nhưng khi đêm xuống, mười ngàn quân từ sườn Vạn Lộc do Nguyễn Hạ đứng đầu tràn xuống, tiêu diệt sạch hậu quân của Trương Phụ, đốt rụi lương thảo, làm quân Minh khốn đốn. Liên tiếp nhiều ngày, Trương Phụ bị Nguyễn Hạ quấy phá, mà lớn nhất là đợt tổng công kích bốn mặt, làm quân Minh chết hàng vạn. Trương Phụ liên tục gọi tiếp viện, gia cố doanh trại, tăng cường tuần tra, đặt hàng trăm khẩu thần cơ, nhưng kết quả vẫn bị quân Nguyễn Hạ triệt phá, năm lần viện binh đều chết sạch. Những tổn thất đó buộc Phụ phải lui khỏi Hoàng Nghiêu. Thật ra, Nguyễn Hạ sau khi thất bại ở An Châu, không về Bình Khê mà đổi ý, đi xa hơn đến Thanh Hóa. Tại đây, Hạ chiêu mộ rất đông người, lực lượng lên đến chục vạn, liên minh với Nguyễn Chích. Biết tin Bình Khê thất thủ, Hạ vội đem quân cứu nhưng không kịp, bèn quay về căn cứ, giăng bẫy chờ quân Minh. Cuối cùng, Trương Phụ, danh tướng của nhà Minh phải bại trận trước vị quân sư Bình Khê, khiến hắn uất ức mà sinh bệnh, lui về phía Bắc, tạo điều kiện cho khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ.
Mặc dù thất bại, nhưng tiếng tăm Bình Khê vẫn mãi là tiếng vang muôn thuở về lòng yêu nước bất diệt trường tồn nghìn năm.
Nguyễn Trãi sau khi cùng Lê Lợi thống nhất thiên hạ có đi kinh lược Tuyên Hóa, thăm mộ Bình Khê, có làm bài thơ:
Anh hùng gặp nước gian nan
Dấy binh xướng nghĩa hồng than ngày nào
Ai mang thân tội thét gào
Lòng người hậm hực xiết bao hãi hùng
Nguyệt Hồ nào lấy lao lung
Cầm gươm quật khởi Minh Triều rút lui
Gương kia tuy xác chôn vùi
Mà thiên thu mãi ghi danh núi rừng.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9