Ở MỘT NƠI XA LẮM
Nguyễn Lương Tuấn 05.05.2012 10:54:24 (permalink)


Mỗi lần ra Huế, về lại ngôi nhà xưa, thôn xóm cũ: Tôi bắt gặp những con đường, những ngõ ngách, những ngôi nhà quen thuộc, tôi đã đến, đã chơi đùa, đã trãi qua những thời khắc hạnh phúc cùng chúng bạn, cùng những người thân …
Tất cả , tất cả như hiện ra mới hôm qua, sống động, êm đềm.
Con đường đi về Bãi Dâu gợi cho tôi bao nhiêu kỉ niệm, những hình ảnh cũ một thời. Con đường với lối đi gập ghềnh, nhà cửa hai bên , rộng rãi, thoáng mát. Sân vườn, cây cối xanh tươi, nhiều cây ăn trái.
Đường này, có nhiều gia đình quen thuộc với gia đình tôi: nhà ông Bát, nhà cô Tư, nhà ông Vạy, ngôi biệt thự ông Thị Vinh,…
Nhà ông Thị Vinh là một biệt thự theo kiến trúc của Pháp nằm trên một khu đất rộng, chung quanh là vườn cây bóng mát. Phía mặt sau nhà nhìn xuống là dòng sông Hương đi qua tạo nên vẻ thơ mộng dịu dàng như trong một bức tranh cổ.
Hai chị em chúng tôi ngồi chơi trong khu vườn như hai con chuột nhắt. Chị tôi, chị Chanh quen thân với hai cô con gái của ông Thị Vinh: Túy, Vui. Hai cô người cao ráo, mãnh khảnh, mái tóc đen tuyền, xõa ngang vai, da trắng hồng. Tôi thích nhìn chị Vui chải tóc, nàng vuốt nhẹ mái tóc trong bàn tay trắng nỏn, thon dài.
Anh Thông, con bác Uyển, nhà ở phía trên, đường Chi Lăng, đối diện nhà tôi, học đại học sư phạm Việt văn, mê nàng, nhưng không dám tán, chỉ biết làm thơ ca tụng. Dạo đó, tôi học lớp đệ lục, thường hay qua nhà anh chơi. Anh Thông vẫn thường tâm sự và nói chuyện văn thơ, hội họa với tôi.
Một bửa nọ, tôi thấy anh cầm một cái tượng nhỏ hình cô gái với mái tóc xõa ngang mà anh đã dùng viên phấn để khắc nên. Rất đẹp! Tôi xuýt xoa khen lấy khen để. Anh Thông nói:
- Đố Cu Em biết ai? (ở nhà, tôi vẫn thường được được gọi tên như thế).
Tôi nói:
- Chị Vui chứ còn ai nữa!
Anh Thông cười:
- Mình làm cho vui đó mà. (đây là cách anh chơi chữ)
Là dân Văn thứ thiệt, anh Thông thuộc mẫu người sống nội tâm, lãng mạn, gặp người nào xinh, anh say đắm, mơ mộng.
Một bửa khác, tôi thấy anh đang loay hoay vẽ một người con gái với áo dài, tóc xỏa vai, đang bước đi ngoài mưa. Anh bảo đó là chị Hoàng L, anh kể anh nghe Hoàng L hát bài “Em đến thăm anh một chiều mưa”, cảm xúc, anh vẽ bức tranh này:
- Bài hát nói lên một ước mơ rất hạnh phúc, “ta ước mơ một chiều thêu nắng, em đến chơi quên niềm cay đắng, và quên đường về.”
Anh hỏi tôi:
- Tại sao lại quên đường về? em biết không?
Tôi mĩm cười nói với anh:
- Ẩn số nằm ở chữ “quên”
- Đúng rồi! quên đường về, có nghĩa là muốn ở lại, không muốn về, nhưng vì những lễ giáo, nên ước muốn bị đàn áp, tạo nên hành vi hỏng “quên”.
Dạo đó, mặc dù còn nhỏ, nhưng tôi vẫn thường hay đọc những cuốn sách triết anh tôi để ở nhà. Tôi đã biết lỏm bỏm về khái niệm ý thức, vô ý thức của S. Freud.
Tôi mến anh Thông. Anh là bạn anh Hiền tôi. Nhưng mỗi người hiện nay đang học mỗi nơi. Anh Hiền tôi đang theo học lớp sư phạm triết tại Viện Đại học Đà Lạt, năm 2. Anh Thông thì học đại học sư phạm Văn tại Huế. Anh là học trò cưng của GS Lê Tuyên.
Vắng anh Hiền, anh Thông xem tôi vừa là em vừa là bạn để anh tâm sự. Mỗi khi tiếp cận với anh Thông, tôi gặp một sự đồng cảm như hai người bạn và cảm thấy an ủi phần nào lúc có chuyện buồn, kể lại anh nghe.
Về mùa đông, trời mưa lạnh, ẩm ướt, tôi thường qua chơi nhà anh Thông trong những ngày nghĩ. Trong căn phòng ấm cúng của anh, tôi say sưa nghe anh nói những suy nghĩ của anh về một vấn đề nào đó. Một bửa nọ, anh đưa tôi xem bản nhạc “Đường nào lên Thiên thai” của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, anh nói:
- Bài hát thật dễ thương, lời trắc vấn của người yêu. Nàng hỏi, đường nào lên thiên thai? Người con trai không thể nào biết được. Nhưng rồi khi nhìn vào đôi mắt đẹp của người yêu, thì chợt phát hiện: ấy đường qua ngõ mắt thơ ngây và rồi người con trai tự hỏi: Ôi làm sao lạc vào được mắt em!
- Anh nói như người đang dạy văn. Thật là lôi cuốn!
Dạo đó, tôi ngưỡng mộ anh, cảm thấy mình quá non nớt trước anh. Tôi đâu có ngờ rằng, mười hai năm sau, tôi gặp lại anh tại Đà Nẵng. Và khi tôi dạy thêm giờ tư tại trường trung học Bán Công, tôi gặp anh, vui mừng khôn xiết.
Được biết, anh Hiền tôi và anh Thông đều dạy tại trường trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Anh Hiền dạy triết, anh Thông dạy Việt văn.
Giòng đời thay đổi, ngày tháng trôi đi như tên bay. 35 năm sau, kể từ năm 1973, tôi gặp lại anh trong buổi họp mặt của học sinh trường Bán Công.
Hôm ấy, tôi nhớ đầu năm năm 2008 dương lịch, học trò mời anh lên phát biểu. Anh cầm micro, tay anh run quá cở, không phải là vì anh cảm động, tôi nghĩ sức khỏe anh đã xuống cấp trầm trọng. Không hiểu sao hôm ấy, tôi buồn quá. Tôi nhớ kỉ niệm, một chiều mùa đông tại Huế, anh đã trao đổi với tôi về ca khúc “Đường nào lên thiên thai”. Lúc đó anh còn quá trẻ và tôi chỉ là một đứa con nít. Vậy mà, giờ đây, tóc tôi đã có sợi bạc, còn anh thì tóc đã hoàn toàn bạc phơ, với một dáng người như sắp sữa gục ngã trước cơn bảo thời gian. Xúc động, tôi cầm micro và hát bài hát ngày nào hai anh em cùng trao đổi, trước khi hát tôi cũng không quên nói là để tặng thầy Thông.
Năm 2009, vào một ngày mưa tháng 7, tôi được tin anh Thông đã qua đời.
Tôi thật sự bị sốc! Sao lại nhanh như thế. Mới hôm kia tháng 6 âm lịch, tôi về Huế, giỗ mẹ. Tôi bước qua nhà anh. Đứa con gái bảo: “ba con ngồi ở nhà sau”.
Anh ngồi đó, trong căn phòng hẹp, chiếc quạt máy chạy rào rào, nghe như tiếng mưa. Bên ngoài là khoảng sân vuông, nhìn qua bên kia là vườn sau nhà bác Siêu làm từ thiện, phía bên hông là ngôi miếu của xóm ngày nào, mỗi lần tế lễ còn rộn rịp, bây giờ hoang phế. Tôi hỏi anh:
- Sao anh ngồi nỏng nảy bịt bùng thế này?
Anh nói:
- Mình mới chợp mắt được một chút.
Tôi ngồi xuống bên cạnh anh, lễ phép:
- Em mời anh 4 giờ chiều nay, qua nhà dùng cơm, cúng giỗ mẹ em.
- Ừ! Mình sẽ qua.
- Anh đừng mang gì qua hết nghe! Anh qua là em vui rồi.
Anh nhẹ nhàng hỏi tôi :
- Tuấn vẫn còn đi làm ở NXB Giáo dục đó chứ?
- Em còn một năm nữa, rồi cũng như anh, bây giờ chúng mình là ông cụ hết rồi.
Tự nhiên tôi nhớ đến tủ sách của anh. Ngậm ngùi, tôi hỏi :
- Anh Thông, tủ sách của anh vẫn còn giữ được đó chứ?
- Còn một ít, bây giờ có người đòi xin cho thư viện trường, mình đang suy nghĩ.
Tự nhiên, tôi buột miệng:
- Sao lại vậy? Anh để cho mấy cháu thì hay hơn!
Anh buồn rầu:
- Con mình thì đọc sách quái gì!
Tôi im lặng nhìn anh, bất chợt một cái gì không ổn trong câu nói đó. Có điều, tôi nhận thấy là thần sắc anh không được tốt, mặc dù trông anh vẫn không ốm lắm. Trong đôi mắt của anh, tôi thoáng một chút gì đó mệt mõi, muốn ngã qụy?
Tôi mĩm cười nói với anh như một lời an ủi :
- Tuổi trẻ bây giờ là vậy đó anh. Thôi em về. Chốc nữa anh qua nghe!
Chiều hôm đó anh đã qua dự đám giỗ mẹ tôi. Và đó cũng là lần tôi gặp anh cuối cùng.
Ôi, cuộc đời vô thường. Có đó rồi mất đó!

Vậy là 2 người bạn ngày xưa cùng ở trong xóm, nhà đối diện nhau, cùng học chung một trường, giờ đây đã vắng hẳn trên đời. Ngày đó, cách đây một phần tư thế kỉ (năm 1984), anh tôi, Nguyễn Lương Hiền đã từ giã vợ con, anh, em, người thân, bạn bè ra đi mãi mãi. Năm ấy, tình hình đất nước không mấy sáng sũa, không khí chính trị ngột ngạt, anh bị cho nghỉ dạy ngay từ lúc đầu (1975), anh đã cố gắng chống chèo xoay xỡ qua một nghề mới, hàn khung xe đạp.
Cho đến một hôm, sau lễ Phật đản năm 1984, anh đã từ bỏ cuộc chơi, ra đi mãi mãi. Anh bị tai biến não, sống nửa mê, nửa tỉnh trong vòng 3 tuần lễ rồi đi luôn.
Trước 1975, trường trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng có 2 giáo sư nổi tiếng : Anh Nguyễn Lương Hiền, dạy môn triết học và anh Trần Thông, dạy môn Văn.
Hai anh đều xuất thân từ xóm Chợ Dinh, cùng học một trường, cùng chung với nhau kỉ niệm, quá khứ.
Một người bỏ chúng ta ra đi năm 1984.
Một người 1/4 thế kỉ sau mới dứt được nợ trần.
Hai anh chắc hẳn đang thong dong ở một nơi nào xa lắm !
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.05.2012 15:57:09 bởi Tuấn Nguyễn >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9