UỐNG CÀ PHÊ CHUI, NGHE NHẠC CHUI

Tác giả Bài
Nguyễn Lương Tuấn
  • Số bài : 223
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 15.03.2011
UỐNG CÀ PHÊ CHUI, NGHE NHẠC CHUI - 10.05.2012 11:33:02
Cà phê du nhập vào Việt Nam khi nào? Đi bằng con đường nào? Do ai mang sang? Tôi không được rõ lắm. Có lẽ cà phê theo bước chân xâm lược của người Pháp mà du nhập sang?
Nhưng tôi biết được mùi vị cà phê lần đầu từ lúc lên 7. Tôi nhớ đó là năm 1953 - 1954, giai đoạn nước Pháp bắt đầu triệt thoái đoàn quân viễn chinh về nước.
Buổi sáng trời mưa. Tiết trời lạnh ngắt. Một người đàn ông khoác áo tơi, tay xách một cái ấm tích, đi ngang qua trước nhà. Cha tôi gọi:
- Cà phê!
Người đàn ông bước vào. Ông lấy một cái cốc sành, màu trắng, có quai, rót một cốc cà phê đen, hơi nóng bay ra, thơm ngào ngạt, dễ chịu. Ba tôi uống một ngụm. Ông cười và cho tôi uống thử: Ôi! Một vị đắng, có chút ngọt, thơm, rất ư là dễ chịu. Cha tôi nói:
- Cà phê đó nghe mi!
Cà phê đi vào đời tôi từ dạo đó. Thời điểm mà các đồn điền cà phê đã được nhân rộng. Họ lập các đồn điền cà phê trên cao nguyên Daclak, Gia Lai, Kontum, …mục đích là để phục vụ người Pháp.
Sau này, cà phê không còn được đi bán dạo, nhưng các quán cà phê phát triển, mọc tràn lan trên các đường phố gồm đủ loại hình: Cà phê cốc, cà phê vĩa hè, cà phê hộp, cà phê vườn.
Tuy nhiên cà phê chính thức tôi thường uống là giai đoạn tôi học đại học, những năm 1968 trở về sau này.
Nhớ lại những năm tháng học đại học. Những biến chuyển chính trị liên tục xảy ra. Các phong trào tranh đấu hoạt động. Sinh viên, học sinh liên tục bãi khóa xuống đường.
Chuyện học của Sinh viên, học sinh không yên ổn. Có tháng sinh viên học đâu được 6, 7 giờ.
Thời gian còn lại để làm gì?
- Tranh đấu, hội thảo.
Thế còn những sinh viên không tham gia tranh đấu như tôi, làm gì?
- Đi uống cà phê!
Thật sự tôi cũng không ghiền cà phê. Nhưng không ngồi bên một cốc cà phê thì tôi không biết làm gì cho hết thời gian.
Từ lầu 2 của Đại học Văn khoa Huế, tôi bước xuống cầu thang, rẽ trái về hướng Bưu điện, tôi chọn một quán cà phê cốc, trên vĩa hè, đối diện Bưu điện Huế, nhìn thiên hạ qua lại tấp nập trên đường. Thế là rất tuyệt cho việc đốt thời gian.
Cà phê cốc phục vụ nhanh. Người ta pha bằng cách bỏ bột cà phê vào trong một cái vợt, gọi là cà phê bít tất. Vợt cà phê đươc nhúng vào trong một ấm nước đang sôi. Cà phê sẽ tan và cho ra vị cà phê đậm đắng. Cốc để pha được thả trong một nồi nước luôn âm ĩ sôi, mục đích là để cho cốc luôn luôn nóng hổi. Khách gọi cốc cà phê đen nóng. Tức thì cốc được gấp ra, rót cà phê đang nóng vào cốc. Vậy là có cốc cà phê nóng hổi. Khách thoải mái nhâm nhi và có thể uống chậm mà cà phê vẫn còn nóng. Cà phê sữa nóng thì cũng giống cà phê đen nóng. Riêng cà phê đen đá, cà phê sữa đá thì độ đậm cà phê phải cao hơn tí nữa để dung hòa. Khi khách uống chậm, đá tan, cà phê vẫn bảo hòa được. Có một điều là cà phê bít tất nếu để sôi nhiều lần sẽ có vị chua, giảm độ ngon.
Loại hình cà phê cốc rất phổ biến và được bán rất nhiều ở Huế. Trên đường lộ, trong một góc phố đông người qua lại, gần trường đại học. Ở Huế có mấy quán cà phê pha uống liền rất nổi tiếng trở thành thương hiệu mãi cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ, mặc dù bây giờ chỉ còn là kỉ niệm, thực tế đã bị xóa sổ:
Quán cà phê Lạc Sơn, ở trên đường Trần Hưng Đạo Huế, đối diện rạp ciné Tân Tân, nằm cạnh chợ Đông Ba. Đó là một Kiosque, khách đến uống, phần nhiều là dân làm ăn, kinh doanh, chạy áp phe, họ đến ngồi với li cà phê đen đá trước mặt, nhìn người qua đường, chờ mánh tới, …một quán cà phê khác loại hình giống cà phê Lạc Sơn, nằm gần, cách độ 20 mét, đó là cà phê Phấn..
Và một quán cà phê khác, sinh viên rất ghiền và có mặt thường xuyên, cà phê Tổng hội, tôi nhớ địa chỉ, 22 Trương Định Huế. Đây là một dạng câu lạc bộ dành cho Sinh viên Huế. Quán nằm sau lưng KS Morin, tức là đối diện trường Đại học khoa học. Dân ghiền cà phê hình như có mặt thường xuyên tại quán Tổng hội. Bởi lẽ sinh viên hết tiền vẫn có thể kí sổ khi đã quen mặt. Cà phê Tổng hội nằm quay lưng vào mặt sau. Sinh viên ngồi uống cà phê hoặc các loại nước giải khát giữa sân vườn. Có cây xanh, giàn bông giấy. Mặt khác trên bàn đều có bộ cờ tướng để SV đốt thời gian. Giá bán lại rất hợp với túi tiền sinh viên. Khác với các quán cà phê cốc khác, cà phê Tổng hội thỉnh thoảng được phát nhạc để sinh viên nghe.
Sau năm 1975, giữa hoàn cảnh giao thời, chị chủ quán cà phê Tổng hội chạy đôn chạy đáo để tìm cho ra những sinh viên kí sổ nợ tiền cà phê, nhưng hởi ôi, biết tìm đâu?
Nói chung loại hình cà phê cốc hay còn gọi là cà phê bít tất thường rất đại chúng, chuyên bán cho những người bình dân, người uống chỉ cần có chỗ ngồi thuận tiện để vừa nhâm nhi, vừa suy nghĩ một vấn đề gì đó hoặc có chỗ để nói chuyện với bạn bè, cũng có khi là để nhìn những người qua đường. Cà phê cốc đối diện Bưu điện Huế, khách ngồi uống trên những chiếc ghế xúp, cái bàn ọp ẹp, kề sát bên thành cống. Vậy mà vẫn đông khách. Họ không cần chỗ ngồi sang trọng, không cần nhạc. Và nhiều người cũng không cần cà phê ngon. Họ uống theo thói quen để trao đổi công việc, gặp mặt bạn bè, đấu láo.
Các bạn thử tưởng tượng, trời mưa lạnh ngắt, co ro đi dưới mưa cùng người bạn. Dừng lại, ghé quán bên đường, ngồi trong một chòi quán, che mưa đơn giản, gọi cốc cà phê đen nóng, nhâm nhi tâm sự cùng người bạn. Ngoài đường người qua lại đều choàng áo mưa. Đúng là thú vị và lãng mạn.
Uống quán cà phê cốc không cầu kì và phức tạp như uống quán cà phê hộp. Quán cà phê hộp phòng uống lịch sự, sang trọng, trang hoàng theo phong cách phương Tây. Tường treo tranh của các danh họa Âu châu, hoặc tranh sơn dầu của mọt số họa sĩ trong nước. Cà phê cốc không có nhạc nền, nhưng cà phê hộp có nhạc nền và nhạc thường được phát với kĩ thuật âm thanh tối tân, theo hệ thống dàn. Ngày ấy các quán cà phê trang bị dàn máy âm thanh nổi là sang lắm rồi. Các dàn máy phát thường là máy magnétéphone loại băng cối, to như cái đĩa đựng đồ ăn. Máy phát nhạc, thường là hiệu Sony, hoặc Akai, hoặc Pionner, âm thanh phát ra hai loa. Âm nhạc quyện tỏa trong phòng đóng kín cửa, có máy lạnh. Máy lạnh thời ấy cũng đã được trang bị cho một số quán nhưng chưa phổ biến nhiều.
Và điều quan trọng là cà phê được pha bằng phin, không phải cà phê pha theo vợt. Cà phê phin (Filter) được pha bằng cách dùng một cái lọc, gọi là phin cà phê. Cà phê được bỏ vào phin, và có một cái lưới, dùng để cài, giữ không cho bột cà phê trào lên trên, đáy là lưới để cà phê chảy ra. Lượng nước sôi đổ vào vừa uống, khoảng cốc trà nhỏ.
Cách pha cà phê kiểu này, sau năm 1975, khi CS vào tiếp quản TP. Đà Nẵng, được các đồng chí nhà ta gọi là “cái nồi ngồi trên cái cốc”. Như vậy cà phê sẽ từ từ chảy xuống cốc. Lượng cà phê chảy xuống càng đậm kẹo, cà phê sẽ ngon nhiều.
Cà phê phin được dùng cho các quán cà phê hộp. Uống cà phê phin, khách phải có thời gian nhiều vì phải chờ cà phê chảy.
Huế giai đoạn thập niên 1960, quán hộp đã phổ biến nhiều. Ở đường Chi Lăng có quán Dạ Thảo, quán Phương Lan, Sương Lan, đường Chi Lăng có quán Chí Lợi, …
Khách đến uống cà phê, ngoài cà phê ngon, họ cần một chỗ ngồi lịch sự, có phong cách văn hóa và được nghe nhạc, thường là nhạc hay, nhạc có giá trị nghệ thuật. Tuy nhiên cũng có nhiều quán dùng nhạc thương mãi, một loại nhạc dể dãi, thịnh hành trong thời chiến, phần lớn được các tàng lớp lao động bình dân, các chị em tiểu thương buôn bán ở các chợ ưa chuộng như bài “Căn nhà ngoại ô” do ca sĩ kim Loan hát, bài “Lính mà em” do Hùng Cường trình bày, …,
Những năm tháng học đại học của tôi gắn liền với các quán nhạc cà phê. Mỗi bài hát tôi biết, mỗi bản nhạc tôi nghe đều bắt đầu tại các quán như Dạ Thảo, Chí Lợi. Các bản nhạc cho tôi nhiều suy nghĩ về cuộc chiến, về thân phận của người việt Nam.
Năm 1968, tôi nhớ sau khi thi đỗ tú tài 2, tôi vào Đà Nẵng chơi, ở tại nhà người anh. Các quán nhạc tại TP Đà Nẵng đã làm tôi đâm ghiền.
Đây là quán cà phê hộp đóng kín vì phòng luôn có máy điều hòa. Cách trang trí, bàn ghế chỗ ngồi sang trọng, lịch sự, hệ thống dàn nhạc âm thanh rất tối tân. Âm thanh nỗi 4 chiều (four ways), với lượng âm thanh phát nhỏ vừa đủ nghe, nhưng rất trung thực. Từ phối khí, hòa âm,…đều rõ mồn một và nhất là các cô ngồi caissière ở quầy quá đẹp!
Và một điều hay nhất là quán luôn luôn cửa đóng, khách vào chủ động đẩy cửa, do đó nhạc không vang ra ngoài, không ảnh hưởng đến môi trường.
Dạo đó Đà Nẵng có nhiều quán cà phê rất nỗi tiếng, như cà phê Dũng, Cà phê Châu, Cà phê Loan, Cà phê Paloma, …
Hầu hết các quán đều dùng nhạc Trịnh, nhạc Phạm Duy làm nền để khách nghe. Tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly mãi mãi là lời kêu gào trong tuyệt vọng của một đất nước nhỏ bé bị chiến tranh dày xéo qua những tình khúc của Trịnh Công Sơn. Những trăn trở của lớp trẻ khi phải lên đường chiến đấu qua những tình ca của Phạm Duy.
Ít hôm sau, quán cà phê Dũng ở đường Độc Lập (bây giờ là Trần Phú) bị quăng lựu đạn hay đặt plastic gì đó. Có người chết và bị thương. Trong đó có một sĩ quan về phép, dẫn người yêu đi chơi, vào uống cà phê. Thế là lãnh đủ. Ôi! Cuộc chiến Việt Nam.
Khi rời Đà Nẵng, tôi vẫn còn vương vấn mãi hình ảnh các quán cà phê hộp. Người lính về phép bị chết tại quán cà phê. Nụ cười ngây thơ của cô caissière và bài hát của Trịnh qua tiếng hát của Khánh Ly:
“Tôi có người yêu chết trận Plei-me.
Tôi có người yêu ở chiến khu "Đ" .
Chết trận Đồng Xoài,
Chết ngoài Hà Nội ,
Chết vội vàng dọc theo biên giới”.
Ít ra cà phê cũng là chứng nhân của cuộc chiến Việt Nam.

Sau năm 1975, số phận của cà phê cũng long đong và trôi nổi không kém gì thân phận của những người miền Nam Việt Nam.
Cà phê được liệt vào loại hàng bị cấm kinh doanh đi liền với nhạc Việt Nam mà nhà nước CS gọi là nhạc vàng. Như vậy, các quán cà phê bây giờ chỉ được bán nước ngọt, chanh, cam, trà, …không được bán cà phê, không được phát nhạc Việt Nam.
Với tôi cà phê đi liền với thú nghe nhạc. Nếu bỏ một trong hai thứ thì đâu còn thú vị gì nữa.
Khi họp ở tổ dân phó, người ta giải thích là “nhà nước cấm kinh doanh mặt hàng cà phê là vì các quán bán cà phê là một loại hình dung túng những người trốn lao động. Người ta lao động ngày đêm cật lực ở công trường, trong nhà máy, ngoài cánh đồng, …vậy mà các anh chị, một số đông thanh niên trong độ tuổi lao động lại đi trốn tránh trong các quán cà phê. Ngồi uống cà phê nhâm nhi, quên hết thời gian. Thời gian là vàng bạc! các đồng chí biết không?”!
Giải thích lí do cấm nghe nhạc đang phổ biến tại miền Nam Việt Nam, người ta giải thích: “Đây là một loại nhạc nhằm ru ngủ thanh niên, làm cho ta tê liệt lòng yêu nước, lòng yêu lao động. Nhạc gì mà nghe xong là muốn trùm chăn ngủ. Còn đâu là sức kháng chiến, còn đâu là sức lao động!”.
Như vậy là kể từ đó, tôi bị phạm hai tội: Đó là uống cà phê chui và nghe nhạc chui!
Nhà nước đã ra lệnh cấm mà tôi vẫn uống cà phê, vẫn nghe nhạc “vàng”. Thì là phạm tội, còn gì nữa!
Khi đã uống cà phê chui thi dứt khoát có bán cà phê chui!
Bán chui và uống chui như thế nào?
Dạo đó, tôi nhớ sau khi chờ dài cổ ở Ty Tiểu học, đường Yên Báy, và tôi đã trúng tuyển, nghĩa là được đi dạy lại với quyết định là giáo viên lưu dung, cấp 2, dạy tiếng Pháp. Tôi được lãnh lương mỗi tháng 50 đồng. Cuộc sống cay nghiệt. Tôi chỉ còn biết tìm vui ở mấy đứa bạn cùng số phận. Thế là mỗi chiều, thèm cà phê quá. Tôi cùng đứa bạn đi uống chui.
Ngã tư đường Hùng Vương, Yên Báy Đà Nẵng, có một tiệm may, tên là nhà may V, sau cuộc cải tạo công thương nghiệp, nhà may đóng cửa. Thế mà thằng bạn dẫn tôi đến. Nó gõ cửa. một người thanh niên ra mở cửa. Bạn tôi giới thiệu xong. Nó nói:
- Cho hai cốc cà phê đen đá nghe!
Tôi nhìn quanh, không có bàn, không có ghế. Chỉ là một bộ ngựa, gỗ đen bóng. Tôi thấy có một thanh niên đang xếp bàn ngồi nhâm nhi cà phê, với điếu thuốc trên tay. M, bạn tôi nói: “Mình ngồi đây!”
Thế là chúng tôi cũng leo lên ngồi xếp bàn trên bộ ngựa, trông y như dân Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Và hai ly cà phê được mang ra. Chúng tôi nhâm nhi cà phê như “trà đạo”. Kể cũng hay: “Cà phê đạo!!!”
Sau này, khi tôi nghỉ dạy, về Huế chơi tôi cũng được đi uống cà phê chui trong những biệt thự, có vườn xanh, vòm lá, tỏa bóng mát ở đường Lê Lợi, gần nhà ga, chúng tôi cũng ngồi trên bộ ngựa và được nge những bản nhạc của Phạm Duy, của Trịnh Công Sơn qua tiếng hát của Thái Thanh, Khánh Ly, …
Thật tuyệt vời khi được uống cà phê chui, nghe nhạc chui!
Như tâm lý của con người, cái gì vụng trộm cũng thú vị hơn là được công khai, cho phép. Như thuở bé, cầm sào hái trộm quả ổi nhà bên cạnh, ăn vào thấy ngon, ngọt, thích ghê. Nhưng chị đi chợ mua cho ăn, chẳng thấy thích bằng! Tôi có tâm trạng như thế và tôi lấy làm thích thú được sống với những cảm giác vụng trộm đó.
Nghe nhạc cũng là một sự vụng trộm, vì đã bị cấm.
Nhưng điều này thì dễ thực hiện.Trước 1975, tôi có máy cassette, có băng nhạc với nhiều bài hát giá trị. Lúc bấy giờ, thường là ban đêm, tôi nằm nghe, điều chỉnh volume, tầng số nhỏ, tiếng hát Thái Thanh với tình khúc vượt thời gian. Tiếng hát Khánh Ly với băng nhạc Sơn Ca 9, băng nhạc Ngô Thụy Miên, …Tha hồ nghe! Và không những tôi nghe một mình, tôi còn rủ thêm mấy đứa học Y khoa Huế, bây giờ vào làm tại bệnh viện Đà Nẵng, Tụi nó ở nội trú, ban đêm mò về ở lại với tôi trên cái gác xép ọp ẹp.
Cả mấy đứa nghe nhạc như nghe tiếng người yêu thủ thỉ bên tai. Bây giờ nhớ lại thời kỳ ấy thật là hạnh phúc.
Trở lại chuyện cà phê.
Sau khi ra lệnh cấm kinh doanh mặt hàng cà phê một thời gian, người ta thấy trong các cửa hàng mậu dịch quốc doanh xuất hiện cà phê. Các quán cà phê bị tịch thu, biến thành các cửa hàng, và bây giờ xuất hiện trở lại cà phê, cà phê phin.
Khách uống cà phê, mua phiếu, trả tiền trước, về chỗ ngồi, chờ mậu dịch viên mang cà phê đến. Các loại hình cà phê có nhạc bắt đầu xuất hiện, lúc đầu là nhạc Việt Nam hòa tấu, nhạc nước ngoài một số bài được phát thoải mái, thỉnh thoảng người ta thấy xuất hiện một số bài hát như Chiều của Dương Thiệu Tước, Nắng chiều của Lê Trọng Nguyễn, chơi ở hải ngoại, nhịp điệu nhanh hơn, sôi động hơn.
Thời đó vào mậu dịch quốc doanh mua một phiếu cà phê phin sữa, phải trả 5 hào, tức 50 xu tiền mới (tiền vừa đổi 500đ lấy 1đồng).
Tôi nhớ có một kỉ niệm vui: Tại Trung tâm thương nghiệp, gần nhà tôi ở, có một quầy bán cà phê. Trưởng pha chế cà phê tôi quen. Thế là mỗi sáng tôi qua mua, trả tiền, lấy phiếu, tôi mang theo một cái phin cà phê. Khi vào cho người quen làm cà phê, anh ta bỏ cà phê cho tôi đầy luôn cả cái phin. Tôi mang về nhà, chia ra làm 3 lần, uống mới hết. Các bạn hãy đặt mình vào giai đoạn đó, mới thấy cà phê rất quý. Mua bên ngoài không có bán, chỉ có ở quốc doanh.
Sau dần dần, tôi có bà chị lấy chồng, lập nghiệp ở Kontum, hai vợ chồng đi buôn, thường mỗi lần về Đà Nẵng, họ quẳng cho tôi khi 5 kg, khi 10 kg. Bấy giờ tôi bắt đầu có sáng kiến tự rang lấy cà phê để uống. Rất đơn giản, mỗi lần, tôi lấy 50 gram cà phê sống, tôi bỏ vào trong một cái son nhôm. Đưa lên lò dầu hỏa, tôi tự rang tay như các bà nội trợ vẫn thường rang đậu. Tôi dùng đũa quậy liên tục. quậy cho đến khi hạt cà phê bắt đầu ngã qua màu nâu nâu là tôi xem chừng để dừng quậy. Khi khói bắt đầu bốc kèm theo mùi thơm cà phê nồng nặc. tôi dừng lại, tắt rề sô (réchauffer). Tôi bỏ vào cà phê đang nóng hực một muổng bơ (loại muổng canh), môt thìa nhỏ muối rang. Tôi dùng đũa quậy đều. Thế là hạt cà phê bấy giờ có màu nâu đen, bóng loáng, rất đẹp và hấp dẫn.
Bây giờ còn một thao tác tiếp theo là xay. Tôi dùng cái xay tiêu, tôi quay tay, mỗi lần một ít. Thế là có cà phê bột để dùng.
Tôi pha phin cà phê đầu tiên bằng tác phẩm của tôi. Chao ôi! Ngon tuyệt. Nếu ai đã uống cà phê của tôi, họ sẽ thấy rằng cà phê bán chui ngoài xã hội là cà phê trộn. Họ trộn đủ thứ: hạt cau, bắp cháy, …miển sao uống vào có loại nước đen đen, đắng đắng là được, còn hậu quả thế nào, người ta bất kể. Thời đó có người bảo uống nước đen đen, ngụ ý là cà phê dổm.
Tại sao không mang ra các tiệm để nhờ xay? Tôi đã làm thử nhưng phát hiện cà phê có triệu chứng bị tráo đổi. Do đó không bao giờ tôi đem đi nhờ xay nữa. Thời kỳ bao cấp – Đó là thời kỳ mà lòng tin bị xuống cấp. Bất kỳ cái gì cũng lo, cũng nghi ngờ, đêm ra mỗ xẽ. Thắc mắc, nghi vấn, …
Ngày nay, Việt Nam đã chấm dứt thời kỳ bao cấp, đất nước đã mở cửa, gia nhập kinh tế thị trường, gia nhập WTO. Uống cà phê không còn là một tội nữa mà là một thú vui, một nhu cầu mang tính cách văn hóa. Hạt cà phê đã trở lại với giá trị của nó.
Các quán cà phê với nhiều loại hình: Cà phê hộp, cà phê cốc, cà phê vườn , cà phê chuồng, cà phê ôm, cà phê internet, …mọc ra như nấm.
Cà phê bây giờ tiến đến dạng cà phê "cao cấp", dành cho đại gia, giai cấp tư bản đỏ, một cốc cà phê chay giá đâu 70.000đồng VN tại các quán vườn như chốn địa đàng hay các nhà hàng trên sông...
Một điều lạ lùng, ông nhà nước CS bây giờ rất thoáng trong vấn đề cấp phép kinh doanh. Ai xin phép ông cũng y cho, nhà nước CS còn khuyến khích bằng cách trong ba tháng đầu kinh doanh, ông nhà nước không đánh thuế. Để chờ xem tình hình thu nhập thế nào.
Tôi được biết một người bạn kể lại, tại Mỹ, người ta chỉ cho phép kinh doanh các loại hình dịch vụ bằng cách tính theo diện tích không gian. Trong vòng bán kính bao nhiêu mét đó, họ sẽ cấp một giấy phép. Ví dụ trong dãy phố 200 mét, đã có một chỗ bán phở rồi thì nếu một người khác gần đó xin phép kinh doanh thêm một tiệm phở nữa thì người ta sẽ không chấp thuận. Không phải bạn tôi kể có đúng không, nhưng như thế là Mỹ thua ta rồi. Ta sẵn sàng tạo điều kiện dễ dàng cho người dân có công ăn việc làm mà lỵ. Và nhà nước lại có thêm một đơn vị đóng thuế nữa.
Lợi quá! Lợi quá!
Còn về vấn đề nguồn cung cấp cà phê thì bây giờ tha hồ. Không biết bao nhiêu thương hiệu cà phê xuất hiện mời chào: Cà phê Pleime, cà phê Kontum, cà phê Trung Nguyên, cà phê Chấn, …
Tuy nhiên vấn đề cạnh tranh trong kinh doanh, các hãng cà phê đã dùng các chiêu thức trong pha chế, mục đích là làm thế nào để người uống cà phê thích thú, đâm ghiền, không bỏ được, và chính vì vậy mà người kinh doanh bất chấp mọi hậu quả, miển sao đem lại lợi nhuận.
Ôi! Nguy tai, nguy tai.

(Nguồn: dt.net, chutluulai.net/Tuấn Nguyễn)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 12.05.2012 09:48:30 bởi Tuấn Nguyễn >

Nguyễn Lương Tuấn
  • Số bài : 223
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 15.03.2011
RE: TIẾN NHANH, TIẾN MẠNH - 24.05.2012 12:23:23

Đã qua rồi thời kỳ bao cấp mà mỗi cá nhân, mỗi chủ thể trở thành những sinh vật nô lệ vật chất. Đó cũng là tham vọng của một học thuyết đã bị đào thải muốn biến con người thành những đơn vị đồng đều để tiến đến một xã hội đại đồng, một thiên đường trong thế giới loài người.
Khi ngồi trước computer để gõ những dòng này, tôi không nghĩ rằng hôm nay tôi lại có thể đứng ở góc độ này để nhìn lại một thời kỳ của những năm tháng miền Nam VN sống trong XNCN, suốt ngày chỉ biết lo miếng ăn, thức uống, suốt ngày cầm sổ mua hàng, đi thật sớm để xếp hàng, chờ mua 13 kg gạo, mấy lon sửa, mấy cục xà phòng, …
Đường phố lúc bấy giờ vắng ngắt, chỉ có mấy chiếc xe đạp là được nâng niu. Các quán xá, nhà hàng đều đóng cửa im lìm…
Thèm một cốc cà phê, thèm nghe một bản nhạc, biết tìm đâu ra những thứ xa xĩ phẩm ấy, biểu trưng cho nếp sống « tiểu tư sản »
Thôi thì đi uống cà phê « chui », nghe nhạc « chui » !
Ngày nay, Xã hội VN đã nhảy vọt, bước một bước quá đà. Từ một thái cực này chuyển sang một thái cực khác.
VN hiện nay tiến đến một sự cực thịnh gây sốc :
Xài điện thoại di động sang nhất.
Đi xe hơi xịn nhất.
Nhà cao ốc nhiều tầng nhất, ngang hàng với các nước tiên tiến.
Nhà biệt thự triệu đô.
Tổ chức thi hoa hậu nhiều nhất
Mỹ có Americans ido, ta có VN ido !
Mỹ có Bước nhảy hoàn vũ, ta cũng có !
Mà lại còn ngon lành hơn nữa đó chứ. Mỹ làm gì có mấy em chân dài như ta mà lại ăn mặc thoải mái, hở rốn, hở ngực, hở lung tung. Cho dù có đi nữa cũng không thơm như múi mít của ta. Gái VN đẹp lắm mà lị !
Có người xài cây viết để kí nửa tỉ đồng VN, có máy bay riêng để dùng, tổ chức đám cưới 51 tỉ, …
Bên cạnh đó, VN cũng vượt qua nhiều vụ tai tiếng lẩy lừng khắp bốn bể năm châu, hách xì xằng ra phết. Chẳng hạn « vụ Đại lộ Đông Tây », vụ « Vinashine », « Vinaline », vụ Đào Văn Vươn, vụ đất Hưng Yên, …
Và đặc biệt vụ « 26 triệu đô la Mỹ biến thành một đống sắt vụn », ta cũng đang tìm hiểu …!
Còn chuyện ly cà phê ?
Tha hồ uống nhé ! Từ ly cà phê 7000 đồng ở vĩa hè, quán cốc, đến ly cà phê 20.000 đồng ở vườn để rồi ly cà phê yểu điệu thục nữ tại các quán của mấy ông chủ đại gia, gọi là « high coffee » trên các nhà hàng cao ốc, cửa kính nhìn ra sông, máy điều hòa mát rượi, người đẹp lượn qua, lượn lại. Giá cũng nhẹ nhàng thôi 100.000 đồng VN, tính ra có 5 đô la Mỹ, so với thu nhập của mấy anh chẳng đáng là bao, chỉ là hạt cát trên sa mạc !
Vấn đề âm nhạc ?
Ôi ! thua gì mấy nước tư bản. VN bây giờ tha hồ thưởng thức âm nhạc. Chỉ sợ mấy đ/c mãi lo chạy affaire hay đi theo với mấy em bồ nhí thôi !
Nhạc nền tại các quán cà phê thì tha hồ. Nhạc gì cũng có : Từ Trịnh Công Sơn đến Phạm Duy, từ Vũ Thành An đến Lê Uyên và Phương, từ Từ Công Phụng đến …hùm bà lằng, muốn nhạc gì cũng có, kể cả nhạc lính của mấy "thằng ngụy tặc" tất tần tật, hiện đại, cổ điển, tiền chiến, hậu chiến, …
Còn các live show ư ?
Tha hồ ! Chỉ sợ các đ/c, các anh em la lên là sao nhiều thế !
Không có đất nước nào tự do nghe nhạc, tổ chức sự kiện âm nhạc như VN ta bấy giờ. Mấy tên ca sĩ phản động một thời bỏ VN ra nước ngoài, bây giờ ta còn cho phép về ca hát, có ca sĩ đăng kí ở luôn VN, không về bên ấy nữa, tha hồ cho những người muốn nghe lại tiếng hát một thời!
Cho dù là tiếng hát đã bị rè, nghe như sắp chết đến nơi, cụ thể : E. Ph, Đức H, T. Ngọc, G. Linh, D. Q, …
Hãy nhìn xem ! Thúy Nga Paris by night. Đó là một đơn vị tổ chức các show âm nhạc tập trung các ca sĩ phản động, các bài hát chướng tai gai mắt mà ta còn cho phép về VN trình diễn thì còn nói làm gì nữa !
Trường hợp ca sĩ Chế Linh là một điển hình ! Ca sĩ này trước 75, chuyên hát nhạc lính, nhạc vàng, loại nhạc mà nghe xong là ta chỉ muốn trùm chăn ngủ, hủy diệt mọi ý chí chiến đấu, hủy diệt mọi ý chí lao động. Giọng của ca sĩ này nghe rền rền như ta ăn tô cháo bị khê :
« Đêm đêm ngửi mùi hôi, mùi hôi thúi từ nàng, … »
Ôi ! vậy mà nhóm Thúy Nga đã đưa về trở lại VN hát, ta cũng chấp thuận, tự do mà ! ai lại đi cấm món ăn tinh thần bao giờ.
Vé bán mỗi người đi xem cho đêm diễn có 3 triệu đồng VN, quá bèo !
- 150 đô la chứ mấy !
Do đó thiên hạ đạp nhau đi mua vé, suýt gây ra sự cố !
Mà đất nước VN ta sao bây giờ lại có hiện tượng sùng mộ giọng ca sến như vậy ? Không lý mọi người đều sến hết hay sao ?
Ôi ! Sến muôn năm !
Tự do thì quá nhiều nhưng chỉ xin nhắn nhủ một điều :
- Đừng có nói lung tung !
<bài viết được chỉnh sửa lúc 25.05.2012 16:42:00 bởi Tuấn Nguyễn >