Thăm nhanh đất nước Triệu Voi
THĂM NHANH ĐẤT NƯỚC TRIỆU VOI -ghi và ngẫm-
Kì thật! Các hãng lữ hàmh của ta chào mời bao nhiêu tuyến du lịch gần xa, kể cả tận bên kia trái đất, vậy mà mình muốn du nước bạn cận kề, -“bạn” đúng nghĩa, khăng khít như lợi và răng, chứ chẳng phải “bạn môi răng” đầu môi chót lưỡi- mà mãi vẫn không tìm được hãng nào chịu thử mở một “tua” vượt Trường Sơn xem sao. Có lẽ họ nghĩ rằng dân Việt ta đã du thì phải đến những xứ đáng để tiêu tiền, chứ đến cái xứ còn “bệt”(!) hơn ta thì hoài. Đi để được lác mắt, được xài, được phởn; chứ sá gì cảnh và người mấy cái chốn “bán khai”(!), dẫu cảnh có kì thú, người có chân chất. May, Việt Nam và Lào có sự lưu thông xe cộ giữa hai nước, anh bạn nảy ra sáng kiến tổ chức một đoàn du bằng xe khách. Xe khách chứ không thuê xe dịch vụ đường dài, nhẹ cho túi tiền hơn. Đi xe khách thì phải chịu những cái luỵ của khách đi xe, chẳng sao. Chuyến đi “ngự” xe của người Lào, nơi chờ xe cạnh sứ quán của nước bạn ở thủ đô Hà Nội. Mấy ông bà người Việt ta tìm vào sân bên của sứ quán có nhiều cây to để tránh cái nóng chiều muộn. Một người còn trẻ nói tiếng Việt khá sõi bảo: “Sứ quán Lào không phải là bến xe!” nhưng cũng để cho vào. Nếu là sứ quán của một nước nào khác, nhất là của nước bạn khổng lồ bắc phương, thì đừng hòng nhá! (-các người có âm mưu đột nhập gì đây?!). Xe khách loại lớn hai tầng, tầng trên chở người, tầng dưới chở hàng. Chủ xe, lái xe và phụ xe là người Lào, không nghe được tiếng Việt, -có vẻ là có biết nhưng vờ như không(?). Lượng khách chỉ chừng hai phần ba số ghế, có đông người Việt đi buôn chuyến đánh hàng Thái về VN, một số người Việt làm ăn ở Lào, cả ở đông-bắc Tháilan. Số người Lào thì có người đang công tác hoặc học tập ở VN, một nữ sinh viên ngân hàng ở trong số đó; một bác sĩ từng học ở Hà Nội sang thăm người cũ; một bà người Lào lấy chồng Việt mỗi năm vài lần thăm quê –bà này hay chuyện, cởi mở, coi cụ Hồ là Ngọc Phật ;... Không cảm thấy cái cảnh “om cua” như thường thấy ở các chuyến xe khách đường dài. Xe thẳng hướng Nam theo đường số Một đến thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) thì ngoặt sang hướng Tây theo đường số Tám, con đường liên quốc gia có thời là con đường dài vào loại đẹp nhất nước. Vào khuya, bắt đầu cảm nhận được đường xấu. Leo đèo. Trời tối bưng, ánh đèn xe mờ lướt nhanh qua các cột cây số không sao đọc kịp. Rồi, hình núi rừng nổi lờ mờ, -năm giờ sáng. Tiếp đó hừng đông, những tầng mây bất động trên đỉnh cây rừng. Sáng bạch, xe dừng : đã đến cửa khẩu Câu Treo. Kể cũng lạ! Cũng là đứng ở cửa mở biên giới nhìn sang nước bạn mà sao nơi này thì có cảm giác an lành, thơ thới chẳng vướng chút nào bức bối như khi đứng nơi cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang),... cũng nhìn sang nước bạn! Ám ảnh hay linh cảm? Địa thế cửa khẩu Cầu Treo khá hẹp không được như cửa khẩu Lao Bảo. Nơi sau, nay đã có chợ, có khách sạn, nhà hàng, đang hình thành một khu thương mai, dịch vụ. Cầu Treo cũng đã có dự án xây dựng khu kinh tế cửa khẩu quốc tế rộng đến năm chục nghìn hecta bao gồm cửa khẩu và ba xã cùng một thị trấn hai bên đường 8A từ dưới chân đèo. Dự án được phê duyệt năm 2007, nhưng nay đang ở giai đoạn cho đăng kí và gọi mời đăng kí. Do vậy một phần; phần khác là do Cầu Treo cao hơn Lao Bảo (đèo Kẹo Nưa cao 760m so với mặt nước biển, đèo Lao Bảo cao 350m) nên sáng sớm đứng ở Cầu Treo cảm thấy khinh khoái hơn. Phiền một nỗi, nơi đây cũng không thoát “cố tật” (hay “đặc trưng”?) của xứ mình: thản nhiên với rác (hay quen với rác?). Đó đây đặt thùng rác mà vỏ kẹo bánh, vỏ bao thuốc lá, chai nhựa,... vẫn thấy vứt vô tội vạ. Cảm thấy ngượng với khách nước ngoài, -không nhiều, chỉ dăm người, song ấn tượng và sự cảm nhận sẽ nhiều. Phải hơn nửa giờ mới xong thủ tục bên này để qua bên kia. Mà chỉ có hai chiếc xe khách. Cửa khẩu phía bạn cũng na ná bên ta. Về nhà cửa, về địa thế, về cung cách giải quyết công việc,... , cả về rác! Có khác một chút: qua lại cửa khẩu vào thứ bảy, chủ nhật, khách phải trả tiền bồi dưỡng cho những người thi hành công vụ. Ăn sáng bên phía Lào, có xôi ăn với thịt bò gác bếp hấp chín, -món ăn kiểu Lào do người Việt bán, có cả phở, song nên dùng xôi vì khá thú vị và có thể mang theo ăn dọc đường. Một bài “ghi chép” đăng trên một số báo Lao Động cuối tuần (LĐCT) ra chưa lâu kể rằng đi Lào qua cửa khẩu (ở một tỉnh phía nam) “là đã bước ngay vào rừng. Con đường /.../ xuyên giữa đại ngàn đẹp và kì vĩ đến ngẩn ngơ. Cổ thụ vài ba người ôm tầng tầng lớp lớp bám sát mép lộ. /.../ Chỉ có những cánh rừng bạt ngàn bất tận nối tiếp nhau”. Chúng tôi không có được duyên may như thế. Đường số Tám (tên gọi từ thời Pháp thuộc) bên này nước Lào khi vượt qua biên giới cũng chạy giữa một vùng núi non của dãy Trường Sơn, tuy không hiểm trở như bên phía Việt Nam và thoai thoải dần theo cao nguyên. Rừng đại ngàn chỉ thấp thoáng những nơi khuất xa. Hai bên đường xe qua, sườn núi thường là rậm cỏ xen những mảng lùm cây thấp, đó đây là những rừng tái sinh; thảng hoặc nương rẫy. Người Lào cho biết: rừng kiệt là do làm thủy điện, do đốn gỗ bán, và do dân làm rẫy. Thì ở nước Việt ta cũng rứa mà thôi! Không như ở ta, việc khai phá đất hoang núi rừng hai bên đường Tám ở nước bạn không nhiều, không tràn lan. Thỉnh thoảng thấy những vạt sườn đồi có cây trồng nhưng có vẻ không được chăm sóc, chẳng thấy nhà cửa và người, anh bác sĩ Lào ngồi cạnh cho biết đấy là đất bao chiếm riêng như là trang trại, chủ có thể ở nơi khác. Cũng gặp những rẫy tái sinh, tức là rẫy mà chủ trở lại sau khi đã bỏ đi một thời gian. Quá cửa khẩu mươi cây số mới gặp một khu dân cư nhỏ lơ thơ nhà. Một ngôi trường thấp trên một đám đất rộng không rào bao quanh; nhìn thông thoáng với tường lửng ngang thắt lưng bằng đất nện. Tương phản với ngôi chùa đang xây dở cách không xa, nom rõ dáng bề thế. Dường như xứ này đang ở “giai đoạn” không coi trọng sự nghiệp giáo dục như nước ta trước đây mà “di căn” là ngày nay dù đã tốn không ít công của cùng những chủ trương, chính sách và lời hô hào vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nội tại, chưa bén được tầm thế giới. Cũng là tương phản, các chỗ thu phí giao thông đường bộ có mái che xe cộ một đoạn dài, mà xe rất thưa chắc là rất hiếm khi ùn lại khiến phải núp mưa nắng. Càng đi xa biên giới, tiến dần về phía sông Mê Công, núi đồi càng thấp dần rồi bình nguyên hiện ra. Lào có không ít đồng bằng ở Trung và Hạ Lào, có nơi nhỉnh hơn những bình nguyên hẹp ở miền trung Việt Nam. Bắt gặp những vườn cây cao su, không có dáng vẻ “rừng”. Những trảng rộng xanh mướt cỏ, diểm xuyết những tụm cây, -khá nhiều cây mít-, rải rác những lùm cây dại. Thưa thớt nhà. Nhiều nhà sàn bêtông hóa. Nhà không bám mặt đường như ở ta, -để mở hàng quán nhỏ lẻ và để... “hưởng” bụi cùng tiếng ồn! Đường 13, con đường từ tận bên Tàu vào Lào, phần lớn là bám gần sát sông Mêcông phía tả ngạn, qua thủ đô Viêngchăn xuôi xuống nam đến Campuchia; đoạn qua Trung Lào song hành với đường số Một bên Việt Nam. Người Trung Quốc đang muốn nắm con đường này trong ý đồ xẻ dọc Đông Nam Á từ căn cứ Vân Nam băng qua Lào, Cămpuchia, Tháilan, Malaixia đến tuốt Singapo. Con đường có thể đồng hành, kết nối với đường số Một và những con đường khác trong kì vọng phồn vinh của vùng Đông Nam Á, mà cũng có thể kiềm chế, đe dọa trong tham vọng thôn tính kiểu mới của những thế lực bá quyền ngoại lai. Nhiều chỗ, đường 13 chạy khá gần sông Mêcông, có thể nhìn thấy bên kia sông đất Tháilan một vệt xanh thẫm. Bên này, những đám ruộng rộng nom có vẻ như lạc vào giữa những vạt đất hoang hóa, những đầm cỏ lấp xấp nước, những trảng cây dại, những dải rừng lẻ,... , hầu như không rõ ranh giới. Ruộng cũng hầu như không có bờ thửa, hoặc có khi bờ thửa chỉ là một vệt nước nhỏ thẳng băng giữa đám lúa. Anh bác sĩ Lào bảo có thể đó là sở hữu của một người. Trước kia, dân Lào trồng lúa nương là chính. Cây hoang đôi khi xen vào giữa ruộng; rải rác những lùm cây, lùm tre. Đi lên nữa, gặp một cánh đồng khá rộng, song vẫn không nhìn thấy bờ vùng. Và vẫn có những nhóm cây cao, cả những cây to gốc đơn độc ngự giữa đám lúa đang lên xanh. Cạnh đấy, một đồng cỏ rộng với những cây hoang đây đó, trâu bò thả rông ung dung gặm cỏ. Nước Lào, đất không phải là rộng (gần 237.000 km2) nhưng đúng là dân thưa. [Chẳng thế mà sinh thời Mao Trach Đông từng ao ước, nói hẳn ra miệng, có ngày dẫn 500 triệu nông dân Trung Quốc đi khai thác những vùng đất trống (!)ở Đông Nam Á]. Suốt từ biên giới đi vào, ít gặp làng bản; đô thị càng hiếm. Xe đi qua những thị tứ gợi lại những cái tên quen thuộc với tôi từ thời thơ trẻ: Nà Bẹ (Napê), nơi thời Pháp đô hộ có một đồn binh cỏn con chỉ với chừng mươi lính bản xứ do một viên đội Tây phụ trách án ngữ con đường Tám sang Việt Nam; cũng là nơi khi Cách mạng tháng Tám thành công chưa lâu, một đội quân Việt trang bị giáo mác và mấy khẩu súng táp nham đã tấn công đồn binh đó do mấy tên Pháp vừa trở lại cố thủ, bao vây hồi lâu và gọi hàng song phải nhờ hai hàng binh Nhật đột nhập mới hạ được; Lặc Xao (Laksao), nơi mấy người Việt sang làm ăn thường lui tới; ... Đường bây giờ là đường rải bêtông nhựa khá rộng với biển chỉ đường ghi chữ Lào trên và chữ Anh dưới không ngăn được tâm trí tôi hình dung về con đường xưa rải đá dăm, hẹp vừa đủ cho hai xe tránh nhau, mang tên “đường thuộc địa số 8” liên Đông Pháp (Đông dương thuộc Pháp goi tắt), con đường vượt đèo Keo Nưa (Cầu Treo) của dải Trường Sơn, len lỏi giữa núi rừng thâm u có thể bắt gặp cọp bất cứ lúc nào. Con đường ấy từng in dấu chân trần của những người hàng xóm của tôi. Những ngày “giáp hạt” họ đi “ngược Mường”. Dăm người đàn ông, mỗi người gánh sọt chứa chủ yếu là muối đi về hướng núi (ngược) sang Lào (Mường,-cái tên mà người dân thời ấy gọi người Lào). Họ mang hàng sang đổi cho dân địa phương lấy gạo, vải,... Gạo Lào hồi đó là gạo nếp (gạo rẫy) dẻo, thơm; vải Lào dệt tay, thô nhưng bền. Việc đổi chác diễn ra theo cung cách nguyên thủy: hàng đổi hàng, và gạo, muối đong bằng ống tre, vải đo bằng sải tay (Nên người Việt chọn người có tay dài ngực bè để làm việc đó). Người dân quê Việt Nam vốn chất phác -cả ngu ngơ nữa trong mắt thị dân, song vẫn láu cá hơn người Lào chút đỉnh; tuy nhiên, cuộc đổi chác vẫn khá là sòng phẳng, không như những người đã là “con buôn”. Một người loại này hồi ấy từng xuôi ngược buôn bán trên đất Lào sau này từng khoe với tôi những mánh lới của ông ta. Chẳng hạn, với tốp người Lào từ các bản rủ nhau mang cùng một loại hàng tự làm ra chợ bán, ông ta gặp riêng người có uy tín nhất trong đám chiêu đãi và ngã giá: tôi trả chung giá này, nếu ông làm cho mọi người đồng ý bán thì tôi sẽ mua hàng của ông trên một giá. Ngày ấy, nói đến nước Lào thấy xa ngái hơn bây giờ nhiều, hoang vu, tối tăm, xứ sở của những người lạc hậu, khờ khạo (Thật ra là chất phác, cả tin, mà, khốn khổ! người Việt mình thuở ấy vốn cũng bị người Tây, cả người Tàu nữa, coi rẻ và lợi dụng, lại có cái nhìn bề trên đối với những sắc dân có vẻ là kém hơn mình!). Tuy thế, lại không là ngăn cách, bởi, có thể qua lại bình thường như là không có biên giới, chỉ cần cái thẻ thuế thân. Dẫu vậy, người Việt vốn kém máu phiêu du, ít khi ra khỏi xóm làng thân quen, trừ khi nào vì sinh kế cấp bách quá. Lúc đó, họ mới rủ nhau vượt Trường Sơn qua xứ bạn dăm bữa nửa tháng, chân đất cuốc bộ. Dân buôn thực sự chỉ lèo tèo mấy người. Những người này tất nhiên là không đi bộ mà đi “xe hàng” (cách gọi xe khách thời đó như trong Nam gọi “xe đò”). Ngày ấy ai cũng thấy dân “buôn bên Lào” sống khá hơn hẳn dân quê. Thế nhưng ít ai “dám” theo. Mấy năm học tiểu học ở huyện lị Hương Sơn tôi chỉ thấy mỗi chiếc xe khách đi về giữa Việt và Lào, bên sườn xe kẻ đậm hai hàng chữ đen, trên là “Nguyễn Văn Kiên” (tên chủ xe), dưới là “Hà Tĩnh - Linh Cảm - Phố Châu – Napé - Thakhet” (tên các địa điểm chính trên hàmh trình từ một thị xã Việt Nam gần bờ biển Đông đến một thị xã Lào bên bờ sông Mêcông). Lâu lâu mới thấy xe chạy, mà ít khi thấy xe đầy khách. Chiếc xe ấy chạy dầu, về sau chạy than; đến cuối chiến tranh thế giới 2 thi phải “nghỉ”. Sau Cách mạng tháng Tám, nó hồi sinh được hơn một năm thì gặp “tiêu thổ kháng chiến” phải nằm đắp vải bạt bên vệ đường dưới chân đồi Linh Cảm, rồi biến đi lúc nào chẳng rõ. Đáng tiếc! Chiếc xe thấm nắng mưa và bụi đường Lào-Việt có thể thầm kể bao nhiêu chuyện về một thời. Giá cho nó một góc trong một bảo tàng nào đó! Thị xã Pacxan, tỉnh lị của Bolikhamxay, nằm trên đường 13, gần kề sông Mêcông. Qua Napê, Laksao, nếu không chú ý thì không nhận ra là một thị trấn. Còn Pacxan đã rõ dáng đô thị. Một đường phố chính khá rộng với vạch phân cách ở giữa. Ô tô, xe máy chạy lưa thưa. Cuộc sống có vẻ thanh bình, không xô bồ. Bài báo trong LĐCT nói trên còn có một câu khẳng định “Trên khắp đất nước Lào, bất kì ở đâu, bước ra khỏi đô thị là rừng nguyên sinh” tưởng như nói về mốt xứ nào khác chứ không phải là nước Lào trong chuyến đi của chúng tôi. Chẳng gặp thị tứ nào kề rừng chứ chưa nói là nằm giữa rừng, dẫu là rừng trồng hoặc tái sinh nói chi rừng nguyên sinh! * * * Thủ đô nước Lào nằm bên bờ bắc sông Mêcông, trung tâm thành phố chỉ cách sông chừng ba kilômet, bên kia sông hiện nay là đất Tháilan. Viêngchăn không đón khách bằng những phố xá ngoại vi mà bằng những công trình hoành tráng khá riêng biệt giữa miên man đồng bãi, đã canh tác có, hoang vu có, đang san ủi có, những công trình đã xong như các khu thể thao và sân vận động cho SEAgames 2009, hoặc đang làm dở: nhà xưởng, nhà hàng,... , cả những đường đang mở rộng hoặc làm mới chuẩn bị cho đại lễ kỉ niệm bốn trăm năm mươi năm thủ đô Viêngchăn, (như là một sự hô ứng từ đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội vậy!). Người Việt Nam ta quá quen với những phố xá len chật “nhà mặt đường” hình ống (loại nhà mặt tiền hẹp, dài chiều sâu -loại nhà của các thế kỉ trước ở các phố buôn bán nhỏ hoặc làm nghề thủ công, phần trước bán hàng hoặc làm nghề, phần sau để ở và sinh hoạt), lúc đến các đô thị nước ngoài có khi không “quen mắt”. Trên các đường phố, cửa hàng không ken dày, thường thì biển hiệu trên đề băng chữ Lào to đậm, dưới bằng tiếng Anh, không như ở Việt Nam nơi mà lắm khi biển tên nhà hàng, khách sạn chỉ rặt tiếng nước ngoài! Nhà cửa bên các đường phố không có vẻ chen chúc và không cao lắm; nhà cao nhất cho đến nay là khách sạn Don Chan 17 tầng. Đường phố không rộng lắm song thoáng đãng. Xe cộ có vẻ “thong dong”, không có vẻ hối hả, tất bật, chen lấn, giành giật như ở ta. Họ hoằn mới nghe tiếng còi xe. Ở các giao lộ có đèn hiệu vẫn có công an trực. (Không như ở ta; ngay trường hợp đèn hiệu không hoạt động vì bị cắt điện theo lịch phân phối điện vẫn chẳng thấy bóng cảnh sát nào, mặc cho người đi đường “tùy nghi” phóng, vượt!). Ôtô nhiều hơn xe máy. Xe đạp hầu như vắng bóng; một lần, thấy một người cưỡi một chiếc phóng nhanh; hôm sau, một cô “đầm” đạp xe đi dạo. Học sinh đi học cũng không dùng xe đạp mà đi xe buýt. Vỉa hè thoáng, không thầy hàng bán bày phè ra, cũng không thấy dựng xe máy, xe đạp. Kề một công viên gần bờ sông Mêcông thấy có những quán hàng nhỏ, quán cóc bán thức ăn đa dạng,... Người ta nói người dân Láo thuần hậu ngay ở các đô thị lớn. Không to tiếng đánh chửi nhau, nhất là ngoài đường. Xe cộ để ngoài “vô tư”. (Nghe nói ở Thái Lan giáp Lào thậm chí xe hơi có thể để nguyên chìa khóa xe, khép cửa xe lại cứ việc đi, -một phần có lẽ vì trên dướí đều chấp hành luật lệ nghiêm minh). Ở thôn quê, dễ xin nghỉ nhờ, có khi còn dược mời cơm. Phần lớn dân Lào theo đạo Phật. Đây là Phật giáo tiểu thừa như với dân Khơme Nam bộ Việt Nam; song chùa Lào có khác chùa Khơme ở Nam bộ về kiến trúc. Cũng thờ Phật Thích Ca là chính, còn thêm một số tượng khác. Đồ cúng chủ yếu là hương hoa và nến, cũng có khi thêm hoa quả. Các sư rất được trọng vọng, thấy rõ khi họ đi khất thực. Thường thì sư chỉ đi khất thực vào đầu và cuối mùa lễ (từ tháng 5 đến tháng 9). Ngoài các vị sư tu “chuyên nghiệp”, còn các người tu có thời hạn. Con trai chuẩn bị lấy vợ vào chùa tu vài ba tháng. Con trai hư được gửi vào chùa tu cho đến khi được đánh giá là đã “tiến bộ”. Người dẫn đường thông báo một cách long trọng: Sẽ được làm lễ buộc chỉ vào cổ tay để chúc phúc. Hẳn là một thứ nghi thức đón tiếp khách của bạn chi đây, từng được báo chí nói đến có mòi ngợi ca một tục đẹp. Đoàn được dẫn vào một ngôi chùa có tiếng linh thiêng, đến trước một vị sư trẻ, gầy nhẳng. Mấy người trong đoàn, đàn bà và đàn ông, kể cả những vị từng là quan chức, sẽ sàng và kính cẩn ngồi xuống trước nhà tu hành. Nhà sư đọc hoặc khấn câu gì đó rồi giơ ra một sợi chỉ trắng; người ngồi trước mặt chìa cổ tay ra cho ông buộc chỉ vào. Trong phút lặng nghiêm ấy chợt nghe một tiếng nhắc khẽ, khẽ nhưng tôi đứng cách chừng ba mét cũng nghe được: “Tiền cúng tuỳ lòng thành, tiền Việt cũng được”. Xong cuộc buộc chỉ cổ tay, mấy vị đến bàn xóc thẻ bói, có trả tiền, cũng tùy khách. Mỗi thẻ ứng với một câu phán bằng tiếng Lào, tất nhiên, và phải nhờ nhà sư giải ý nghĩa qua phiên dịch của người dẫn đoàn. Đại loại: “Gặp trắc trở nhưng phải quyết tâm đấu tranh; người thân xa cách; cuộc sống đầy đủ”; “Lên đỉnh núi gặp Phật; đi đường gặp may; điềm báo tiền bạc nhiều; vận may, gì cũng khắc phục được”; “Gặp một chút khó khăn, giải quyết được; có người thân đi xa, nhớ nhau và buồn; năm nay làm ăn thuận lợi; mất đồ nhưng sẽ tìm thấy”; v.v... Viêngchăn có nhiều chùa đẹp, song nếu không có nhiều thời gian người ta thường đi hai nơi. Một là That Luông, tục gọi là chùa Vàng, ngôi chùa đã thành biểu tượng của nước Lào. Đúng như tên gọi thông tục, mặt ngoài chùa dát vàng với phần trên hình nậm rượu và cái chóp nhọn hoắt vút lên, cao chừng 45 mét. Tiếc rằng không vào trong xem được, vì không gặp ngày lễ. Chùa có tường vuông bao quanh. Bao ngoài nữa là quảng trường với những khoảnh công viên, vườn hoa, với những sân và lối đi rộng lát gạch, quang quẽ và sạch sẽ, điểm xuyết rải rác những cây cọ cảnh thân thẳng cao vọt trên đầu là chòm lá hình cầu. Một chốn thông thoáng, thanh tĩnh, không bị rào ngăn, không có canh gác mà không bị xe cộ, con người làm ô tạp; giá như ở ta... ! Hai là một chùa bình thường nhưng có một “đặc sản”: con hạc sống. Trên một bức tường đá, dưới một tàng cây kín đáo, có một vật xam xám im lìm như một cục đá, nhìn kĩ thấy có một cái mỏ to dài, một chân, nhìn lâu mới thấy đôi lúc có một thoáng ngọ nguậy. Con chim cứ đứng yên co một chân không nhúc nhích suốt, trừ những khi các nhà sư cho ăn. Một nơi mà khách du đến Viênchăn ít khi bỏ qua là vườn Phật cách thủ đô chừng 27 km. Trong một khuôn viên chừng nửa héta xanh mướt cỏ và cây bóng mát là những bức tượng và công trình điêu khắc bằng bê tông. Đầu cổng vườn là môt “quả cam” không lồ, một mặt người cao đến quá nửa có cái miệng há rộng mở một lối đi vào. Đường dẫn quanh co cao dần lên qua các tầng địa ngục với những cảnh tra tấn, xử phạt, hành hình của bầy quỉ sứ theo lệnh diêm vương theo như các tích ở chùa. Cửa trên cùng mở ra một vùng lô nhô trên chỏm quả cam mà khách du vừa qua một chặng mệt bở hơi tai không kịp nhận ra là mô tả cảnh gì. Có thể là vừa di qua chặng đường từ địa ngục tới thiên đàng chăng! Trong vườn có rất nhiều tượng phần nhiều là minh họa các tích của đạo Phật, cả tích của đạo Hinđu; có tượng vũ nữ, mãng xà, khỉ. Đáng chú ý nhất là tượng Phật nằm dài hơn 50 mét. Ngài nằm nghiêng, tay chống một bên đầu, mắt nhắm, nét mặt thanh thản. Toàn cảnh vườn nằm bên dồng Mêcông êm ả, thanh binh, tít xa bên kia là một dải xanh xanh cây cối nước Thái. Vườn do một tu sĩ đứng ra lập cách nay đã mấy chục năm. Tiếc răng công phu vậy nhưng lại không tạc bằng đá nên e rằng không được bền. Đã có đôi chỗ nứt vỡ lòi cả sắt phía trong; một chỗ, tượng con mãng xà bị gẫy đổ sập xuống. Nằm gần trung tâm thủ đô, Cổng Khải hoàn (Patuxay), xây năm 1958 với cái tên Đài chiến sĩ vô danh (Anou Savary), sau năm 1975 khi thành lập Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào mới đồi tên để ghi công tích chiến thắng. Đài này gợi nhớ đến Cổng Khải hoàn ở Pari, thủ đô Pháp, bởi cấu trúc bệ và thân tương tự, chỉ trên đỉnh mới mang dáng dấp Lào. Từ xa đã nhìn thấy cổng sừng sững đường bệ, song khi tới gần chân thì đập vào mắt lại là một tấm biển ghi trang trọng rằng cái vườn hoa nhỏ bao quanh là công trình hữu nghị do Trung Quốc tặng. Chính trị Tàu bao giờ cũng nhạy bén và “chu đáo”! (Những gì TQ “giúp” Lào đều buộc phải công bố công khai, còn những gì do VN giúp thì thường là các cấp liên quan “biết với nhau”
, bạn không muốn nói ra, -năm xưa một ông phó giám đôc nhà máy đóng tàu Bạch Đằng từng qua giúp Lào cho tôi biết như vậy).
Tiền Lào là đồng Kíp, một kíp gần bằng 2,5 đồng VN (cách nay chưa đến hai năm chỉ là 2 VNĐ!). Song, nhiều nơi có thể trả bằng tiền Việt, như phí chụp ảnh chẳng hạn. Khách Việt muốn ăn cơm Việt thì ở đâu cũng có thể yêu cầu, kể cả các khách sạn, nhà hàng hạng sang. Nhưng nên thử một bữa ăn Lào cho biết. Chúng tôi vào một cửa hàng “tự phục vụ”, có nghĩa là trên bàn ăn để sẵn lò nướng kiêm nồi nấu lẩu, còn nguyên liệu: thịt, cá, rau, mì sợi, bán chế phẩm bằng bột mì,... bày đầu phòng, khách ăn tự đến lấy tùy thích (nhưng coi chừng! một hàng chữ Lào căng ngang trên cao đập vào mắt khách khi vừa bước vào phòng cảnh báo: nếu để thừa thì bị phạt 150.000 kíp!). Cung cách ăn pha kiểu lẩu của Nhật và kiểu nướng của Hàn. Hẳn đây không phải là ăn cách Lào đích thực. Các bữa ăn sáng ở khách sạn chúng tôi ngụ cũng vậy, cũng tự phục vụ gồm các thứ mang hơi hướng Tây, Tàu, cả Việt. Anh có thể uống cà phê, ăn sữa chua, ăn cháo thịt (khá ngon!), có thể ăn cơm với các thứ xào nấu, có thể ăn bánh mì tẩm bơ và mứt,... , và tráng miệng bằng nước ngọt. Tóm lại còn phong phú hon bữa sáng tự phục vụ tôi đã dùng tại một khách sạn bốn sao tại Quảng Châu, TQ. * * * Anh bác sĩ Lào nói trên, ngồi cạnh tôi trong chuyến đi, chừng bốn mươi tuổi. Anh từng học trường đại học Y Hà Nội, khoa thần kinh. Anh có vẻ trầm lặng nhưng hỏi chuyện thì trả lời cởi mở. Anh cho biết dân số Lào từ 3 triệu năm 1975 nay đã 8 triệu (sức tăng ở nước ta cũng chẳng kém đâu! có điều mật độ dân cư của Lào chưa bằng một phần tư của ta, nên chưa phải là nạn “nhân mãn”). Mỗi gia đình thường có bảy, tám con. Người dân không thích làm nhiều, ruộng chỉ cấy một vụ, còn thì ngồi nhà xem truyền hình. Anh nói đất Lào phần lớn là núi non, trước đây bị mất 20 tỉnh, hầu hết là vùng đồng bằng, hồi Pháp đô hộ đã nhượng cho Tháilan khi đàm phán về biên giới. Anh nói Lào cho người nước ngoài thuê đất những 50 năm, hay gần 100 năm, bao giờ trả? mà cho đến khi trả thì những chuyện gì đã và sẽ xẩy đến? Trung Quốc, Việt Nam nhảy vào; Trung Quốc còn cấy người vào nữa kia. (Đáng trân trọng những ưu tư của những người con của đất nước Lào! Hẳn anh cũng nghĩ đến chuyện sau khi TQ trao trả thì những đất ấy đã trở thành những Chinatown. Có điều, những bậc “đầy tớ dân” ở nước bạn có thèm để tâm không? Hiện tại, ở sát biên giới phía bắc giáp Trung Quốc đã có một “tô giới” Tàu mà người Lào không được tự do ra vào; ở đó, người ta xài tiền TQ, điện và bưu điện nối mạng từ TQ,... ). Người ta cho biết ở Lào cũng lương và “lậu” như ở VN; tham nhũng cũng “khủng” như ở VN, có khi còn hơn vì dân Lào vốn chất phác, thuần hậu. Việt Nam giúp Lào nhiều mặt, để đáp nghiã “cùng chung trận tuyến”, để đền nợ “ân tình”, mà cũng là để tự giúp mình. (Có “giúp” cả sự lỗi thời, sự trì trệ không?). Người Việt ở Lào khá đông, một số lớn sang định cư từ thời thuộc Pháp, ít nhiều còn giữ được tiếng nói, tập tục Việt. Nhiều người khá giả; họ kinh doanh bất động sản, khách sạn, hàng may mặc, khai thác mỏ, làm dịch vụ,... Một người chủ hai nhà hàng cho biết bây giờ kinh doanh không còn dễ như trước vì dân bản địa cũng đã học được cách làm ăn của người nước ngoài. Người Tàu ở Lào còn đông hơn người Việt, lại ở tập trung và nhiều mánh khóe hơn, có kinh nghiệm cạnh tranh lâu đời. Người Việt chẳng dễ đua chen với họ. Nhưng rồi ra “lãnh đủ” sẽ là nhân dân Lào, đất nước Lào. * * * Ngày cuối, đoàn làm một “cú đột nhập” chớp nhoáng vào Thái Lan. Xe từ Viênchăn qua cầu Hữu Nghị, -chiéc cầu đầu tiên nối liền Lào với Thái vượt sông Mêcông do một nước phương Tây giúp-, băng băng trên đường cao tốc đên Udon, thành phố rộng hơn cả Hà Nội theo lời người hướng dẫn đoàn (?) nằm sâu trong nội địa chừng 120km. Đường thẳng tắp chia hai làn: vận tốc dưới 80km/h và vận tốc 80 - 100km/h. Cảm nhận xe chạy khá êm, hơn cả khi đi trên đường cao tốc Thăng Long (Hà Nội). Đường rất vắng nhưng lái xe vẫn bám đúng làn đường; khi cần tăng tốc để vượt thì qua làn kia rồi khi giảm tốc lại về làn đường cũ. Hai bên đường nhiều chỗ còn hoang rậm; có những khu dân cư rải rác đây đó, nhưng không thấy nhà bám mặt đường như ở VN (Ở ta, nhà “mặt đường” luôn luôn có giá). Thử một bữa ăn Thái. Khách được đưa đến ngồi trước một cái bàn nhỏ trên để sẵn một cái bếp điện có một nồi nước lã trên đó, muốn đun sôi lúc nào tùy khách. Một băng chuyền chạy sát trước các bàn thực khách ngồi, theo các đường vuông góc bố trí rất khéo trong một căn phòng rộng; các đĩa, khay đựng thức ăn tươi sống: thịt, cá, trứng, rau, gia vị, ... , cả bán chế phẩm lướt chậm (vòng quanh) trước mặt khách. Khách thích món nào thì lấy xuống tự chế biến và thưởng thức. Một đầu phòng còn những bàn, tủ đầy thức ăn đã chế biến sẵn, nghe nói là thức ăn kiểu Nhật. Đầu kia phòng lại là những thùng đựng các loại kem và nước ngọt. Ăn “thả cửa”, lại không có dòng cảnh cáo lấy thừa (mứa) thì bị phạt như bên Lào. Nhưng, hỡi ôi! chẳng phải ai cũng là Trạng Ăn! Tất nhiên là giá chẳng rẻ. May ra chỉ hợp với những ai phàm ăn (món nào cũng “xực” tốt) và khỏe ăn. Đi ăn “thử” xong lại vào một siêu thị để cho một số người tầm hàng Thái “xịn” (tránh hàng Tàu và hàng Thái nhái ở nhà, nhưng thật ra vẫn có nhiều hàng đề “made in China”!) thành ra lỡ kế hoạch thăm một khu Việt kiều ở Noọng Khai. Đồng bào ở đây hầu hết là hậu duệ của những người Việt lánh sự bóc lột, đàn áp của thực dân Pháp từ trong nước hoặc từ Lào sang đây đã bảy, tám chục năm, mà về cơ bản còn giữ được tiếng nói, văn hóa gốc (có lẽ nhờ tụ cư, chứ không phân tán như ở Pháp chẳng hạn). * * * Đường về, đoàn “ngự” xe giường nằm, chủ xe là người Việt ở Hà Nội. Xe tổ chức kém, chủ yếu là do tham lấy khách quá số giường với cái cớ “khách quen, khách có việc cần”; do vậy người nằm đầy cả lối đi. Có sáu “Tây, đầm ba lô” đồng hành; chắc là họ đã “miễn dịch” với cung cách nhếch nhác mang “thương hiệu” Việt Nam. Trở lại đất Mẹ, mừng thấy quả là quê mình trù phú hơn đất bạn(!). Vượt biên giới vào sáng sớm; xe xuống đèo một đỗi xa, phía trái đường ống dẫn nước của một nhà máy thủy điện (loại nhỏ) cheo leo quanh một sườn núi dốc. Xuống gần chân đèo, chưa thấy nhà đã thấy rơm rải phơi trên đường. Sơn Kim, một xã nghèo khó xưa kia nơi rừng rú hoang vu, ma thiêng nước độc, nay nhà cửa vườn tược không xo xúi như từng mường tượng. Một chiếc quạt lúa chạy điện chĩa hai càng ngang đường choán nửa mặt đường; mấy người vận hành thản nhiên làm việc mặc chiếc xe tìm cách lách để bò qua. (Mà nhà xe cũng “thản nhiên”, không một tiếng càu nhàu; -chắc là “quen rồi”!). Thị trấn Tây Sơn, thị trấn mới có tên cách nay 13 năm (-năm 1997, trước đó không có tên và chẳng thuộc đơn vị hành chính cơ sở nào từ khi lâm trường Hương Sơn giải thể, trước năm 1973!), bám hai bên đường số Tám; nhiều nhà tầng, đường phố rợp cây xanh. Không thật sạch sẽ, phong quang, nhưng cũng là một điểm sáng nơi từng heo hút. Thị trấn này và mấy xã kề chân đèo Kẹo Nưa mấy chục nâm nay khá lên một phần nhờ lộc rừng (có cả hại rừng), một phần nhờ buôn bán qua biên giới (có cả buôn lậu). Dĩ nhiên, số đông là “hưởng theo” hoặc, nếu có mặt khuất, là tòng phạm. Khi dự án khu kinh tế cửa khẩu quốc tế thành sự thực, vùng này ắt sẽ phát triển. Song le, để được là “văn minh” thực sự thì e rằng phải cần nhiều công sức và thời gian, cần đúng hướng và quyết tâm nữa. Còn nếu mong giữ được môi trường sống thơ thới, -thiên nhiên và tinh thần-, như cảm nhận trong mấy ngày trên đất bạn thì có lẽ phải cần đến... truyện giả tưởng. Trên toàn đất nước ta cũng vậy thôi. . Hải Phòng, 10 - 2010
<bài viết được chỉnh sửa lúc 15.05.2012 18:04:22 bởi Khải Nguyên HT >
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
Kiểu: