Tân Hình Thức & Quan Điểm Thẩm Mỹ Mới

Tác giả Bài
Thúy Lan
  • Số bài : 584
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 09.11.2010
Tân Hình Thức & Quan Điểm Thẩm Mỹ Mới - 20.05.2012 03:32:20
.


Tân Hình Thức & Quan Điểm Thẩm Mỹ Mới





Những nẻo đường quá khứ



Nhà thơ Dana Gioia và Frederick Turner cho rằng Tân hình thức là một cuộc trở về tương tự như thời đại Phục hưng (Renaissance), một thời kỳ đánh dấu sự phong phú về sáng tạo, đời sống và kiến thức với những thành tựu văn học chưa từng có. Trước hết, văn xuôi xuất hiện vào khoảng thế kỷ 14 với “Lịch sử của Thánh Louis” của Jean de Joinville (1224-1317), và máy in được khám phá vào thế kỷ 15, đã làm bùng nổ thông tin chẳng khác nào thời đại tin học bây giờ. Xã hội phương Tây ở thời kỳ này, với sự thặng dư về nông sản, sự mở rộng các thành phố, sự tăng nhanh về dân số, sự mở mang các vùng thương mại, và sự khao khát kiến thức, thoát khỏi ảnh hưởng một nghìn năm của quyền lực tôn giáo, phản ứng lại thời Trung cổ. Những nhà Phục hưng phát hiện văn hóa cổ Latin và Hy lạp, thiết lập chủ nghĩa Nhân văn (Humanism), con người làm chủ cuộc đời mình. Bắt đầu từ Ý với nhà thơ kiêm triết gia Francesco Petrarch (1304–1374), bác bỏ chủ nghĩa kinh viện kết hợp giữa thần học và triết học của thời Trung cổ, khám phá và truyền bá văn học cổ đại, đặc biệt là những tác phẩm của Cicero, một chính trị gia và nhà hùng biện Roman. Những gì mà những nhà Phục hưng rút ra từ Socrates, Plato, Cicero là hạnh phúc, và niềm hân hoan tràn đầy của đời sống con người. Nghệ sĩ là những triết gia đích thực trong cách tái tạo thiên nhiên, qua tài năng và phong thái nghệ thuật, tách biệt nghệ thuật và thủ công nghệ, hội họa, điêu khắc và kiến trúc. Có thể kể, Leonardo da Vinci, Michelangelo, Raphael ở Ý, Francois Rabelais, Michel de Montaigne ở Pháp, Francis Bacon, William Shakespeare ở Anh, Miguel de Cervantes ở Tây Ban Nha... Nhưng đặc điểm của thời Phục hưng chính là thiết lập một qui trình giáo dục, đặt trọng tâm vào văn phạm, lý luận và thuật hùng biện, từ đó hướng con người tới thời hiện đại.

Thời Phục hưng chấm dứt vào cuối thế kỷ 17, và nửa đầu thế kỷ 18 là chủ nghĩa Tân Cổ điển (Neo-Classicism), phục hưng hơn cả thời Phục hưng, nhấn mạnh vào lý tưởng về trật tự và giới hạn hợp lý, quay về quá khứ, bảo thủ về nghệ thuật lẫn chính trị, nhưng cũng chia sẻ những giả thiết hiện đại, rằng sự thay đổi có nghĩa là tiến bộ, vì con người tự nhiên thì không hoàn toàn. Cá nhân không thể vượt qua sự ổn định và đồng thuận xã hội, hiện thân đã từ lâu đời, trong phong tục và truyền thống. Thiên nhiên trở thành tiêu chuẩn đánh giá nghệ thuật, triết học, luân lý và chính trị, nhưng thật ra, chủ nghĩa Tân Cổ điển còn là sự kết hợp giữa sức mạnh văn hóa, tôn giáo và đời sống thế tục qua những tác phẩm của Jean Molière, Jean Racine, Jean de La Fontaine, Francois Voltaire, Denis Diderot... Thế kỷ 18 cũng được gọi là Thời kỳ Ánh sáng (Enlightenment), giải phóng con người khỏi biên giới chính trị, chuyên chế, cuồng tín và giáo điều. Ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những khám phá khoa học, hậu quả của những cuộc xung đột tôn giáo kéo dài quá lâu, tiếp theo thời Phục hưng, những triết gia thời kỳ này đề cao lý trí và sự am hiểu của con người, đặt căn bản cho mọi lãnh vực đời sống và tư tưởng. Chủ nghĩa Lý trí (Rationalism) thay thế tôn giáo bằng khoa học và triết học tự nhiên, như một phương tiện để nhận biết thiên nhiên và số phận con người. Tán dương tự do tư tưởng, tự do buôn bán, quyền bình đẳng và công lý, hoàn tất lý thuyết về nền cộng hòa, thuyết lý trí và luật tự nhiên của những thế kỷ trước, đặt nền tảng cho trật tự, luật lệ, và sự an bình xã hội. Sự phát minh ra máy hơi nước của James Watt, người Anh, vào cuối thế kỷ 18, đặt nước Anh thành trung tâm cuộc cách mạng kỹ nghệ. Với sự phát triển về hàng hải, thủ công nghệ, và kiến thức khoa học, con người vĩ đại không còn là những ông vua hay kẻ chiến thắng, mà là những học giả và triết gia.

Cách mạng Pháp 1789 tiếp theo cuộc cách mạng Hoa Kỳ 1776, đưa tới sự đồng thuận chung, tranh đấu cho lý tưởng nhân sinh. Thời kỳ đầu của chủ nghĩa Lãng mạn (Romanticism) xảy ra cùng lúc với những gì thường gọi là thời đại cách mạng, hóa thân của cuộc cách mạng kỹ nghệ, cũng đồng nghĩa với sự biến động và xáo trộn về chính trị, kinh tế, truyền thống, chống lại sự áp chế và bất công xã hội. Chủ nghĩa Lãng mạn tiếp theo đó, kéo dài trong bốn thập niên đầu của kỷ 19, khai phá sự nhạy cảm của cảm giác (The Age of Sensibility), tự do cá nhân và chính trị, đi tìm sự thật tuyệt đối và công lý làm thăng hoa giá trị con người. Nếu thời kỳ Ánh sáng bắt đầu với một số ít triết gia và học giả, ảnh hưởng và lan rộng rất chậm thì Chủ nghĩa Lãng mạn bắt nguồn từ văn học và nghệ thuật bình dân (Folklore and Popular Art), phát xuất từ Đức với những câu chuyện thần tiên và những bài hát dân gian. Thay lý trí bằng tưởng tượng, như một khả năng sáng tạo nghệ thuật, con người không những nhìn vào thế giới chung quanh, mà còn là một phần tạo nên thế giới đó. Nhấn mạnh vào trực giác, bản năng và cảm xúc, coi cảm xúc là phương cách chủ yếu đánh giá và giải thích tác phẩm văn học. Cá nhân chủ nghĩa, tình yêu đôi lứa, sự cảm hứng, yêu chuộng thiên nhiên là những khía cạnh nổi bật của chủ nghĩa Lãng mạn (J. J. Rousseau, Wofgang Von Goethe, Alexander Pushkin, Victor Hugo...).

Trở lại cuộc cách mạng kỹ nghệ, từ Anh lan rộng qua thế giới phương Tây, đến cuối thế kỷ 19, thay đổi toàn bộ nếp sống con người, và là động lực cho những tiến bộ vượt bực suốt thế kỷ 20. Người dân lìa bỏ nông thôn, hình thành đô thị, và cũng hình thành luôn tầng lớp thị dân vô sản, sau này trở thành sức mạnh và chủ thể chính trị quan trọng. Nhà văn nhận ra mối ràng buộc xã hội, chống lại quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật của chính họ. Chủ nghĩa Lãng mạn chấm dứt vào năm 1848, với bản Tuyên ngôn Cộng sản (The Comminist Manifesto) của Marx và Engels, chuyển qua chủ nghĩa Hiện thực (Realism), chủ đích miêu tả trung thực thực tại. Cá nhân tác giả không còn nổi bật hay bị đẩy vào trong hậu trường vì thực tại được coi như nó là (as it is). Những nhà hiện thực, trước cảnh đổi dời mau chóng, cố nắm bắt hiện thực trước khi nó biến mất, phá bỏ giá trị truyền thống, nhưng không hẳn là bắt chước đời sống như văn học cổ điển. Nhân vật tiểu thuyết là sản phẩm của yếu tố xã hội và môi trường chung quanh, với những hoàn cảnh và con người có thực. Những tác giả lớn ở thời kỳ này là Gustave Flaubert, Fyodor Dostoevski, Leo Tolstoy, Henrik Ibsen, Anton Chekhov....

Bất mãn với thực tế đời sống, cho rằng xã hội kỹ nghệ đầy tham lam, xấu xa và đạo đức giả, rằng tầng lớp quí tộc xa hoa và thiếu văn hóa, chỉ để tâm tới phát minh, sự kiện, sản phẩm và sự thịnh vượng, những nhà thơ mơ tới một ngôn ngữ lý tưởng để diễn đạt thế giới ngoài vật chất. Chủ nghĩa Tượng trưng (Symbolism) ra đời vào thập niên 1880 của thế kỷ 19, hòa hợp giữa Lãng mạn và Hiện thực, coi hiện thực là điểm tựa để ảo hóa hiện thực, hay nói khác, hình ảnh hay một chùm những hình ảnh tạo ra trong thơ, vươn tới phần khác của thực tại. Cho rằng tưởng tượng là cách giải thích trung thực thực tại, và diễn đạt tư tưởng và cảm xúc bằng phương cách tượng trưng, những nhà thơ lẩn vào đời sống nội tâm, viết với phong cách ám dụ, khó hiểu, tìm kiếm chữ hiếm và cú pháp rắc rối, thay ẩn dụ bằng hoán dụ, gợi tới nhiều tầng ý nghĩa. Lấy hứng khởi từ âm nhạc, rút vào một thế giới rã rời với rượu, nghiện ngập, tình dục và sự đơn độc, pha lẫn giữa Chủ nghĩa Mỹ cảm và Lãng mạn, sự suy đồi và huyền bí. Phong trào lên tới tột đỉnh vào cuối thế kỷ 19 và suy tàn vào đầu thế kỷ 20. Thời Hiện đại khoảng chừng thập niên 1850 tới 1950, bao gồm luôn cả Chủ nghĩa Tượng trưng, là một bức tranh hoành tráng, đầy âm thanh và cuồng nộ, gắn liền với những phong trào tiền phong, như chủ nghĩa Ấn tượng, Lập thể, Trừu tượng Biểu hiện trong hội họa, chủ nghĩa Hiện sinh trong triết học, DaDa, Siêu thực trong thơ... Điều này cũng dễ hiểu vì tốc độ cực kỳ nhanh của những thành tựu về phát minh khoa học, xen kẽ giữa hai cuộc thế chiến kinh hoàng, tạo nên tâm lý bất an, nổi loạn, cùng với ước vọng choáng ngợp về một bình minh mới, nên đã có những triển khai đầy kịch tính như vậy. Chủ nghĩa Hiện đại tự định nghĩa là nghệ thuật cao (high art), và để lại những tác phẩm lớn (masterpiece), với phong cách riêng của từng cá nhân tác giả. Người ta rất dễ nhận ra sự khác biệt giữa tranh Monet và Van Gogh, văn Franz Kafka và Ernest Hemingway, âm nhạc của Schoenberg và Stravinsky, hay kịch của Luigi Pirandello và Bertolt Brecht...

Từ thập niên 1950 đến 1980 là thời kỳ chuyển tiếp giữa hiện đại và hậu hiện đại. Đến thập niên 1980, với cuộc cách mạng điện toán, và hai thế kỷ sau cuộc cách mạng Pháp 1789, là cuộc cách mạng Nga, chấm dứt thời kỳ chiến tranh lạnh vào năm 1989, chủ nghĩa hậu hiện đại chính thức bắt đầu. Và thơ, cũng là thời kỳ rơi vào bế tắc với thơ Ngôn ngữ Hoa Kỳ, một phong trào được hầu hết giới hàn lâm hổ trợ. Đó chẳng qua là cái giá phải trả của thời quá độ, một cơn đau chuyển mình, để rồi, cùng tắc biến. Thập niên 1990 xảy ra những cuộc tranh luận thơ, và cuối cùng thơ hậu hiện đại chuyển sang một diện mạo khác với thơ Tân hình thức Hoa Kỳ. Vả chăng chủ nghĩa hậu hiện đại nẩy sinh từ một xã hội tiêu thụ, càng ngày càng bị cuốn hút bởi sức mạnh văn hóa và truyền thông đại chúng, phá vỡ những phân biệt giữa văn hóa cao và thấp, không còn chủ trương làm mới (make it new) như thời hiện đại, mà trở lại với đời sống sinh động, tìm lại những gì đã mất và làm phong phú thực tại, gấp nhiều lần hơn.


Từ truyền thống đến tự do



Nhìn lại các thời kỳ văn học, rất vắn tắt, thường chỉ kéo dài vài thập niên, nhưng với thơ, từ truyền thống đến hiện đại phải mất hơn 3 thế kỷ từ thời Phục hưng, và thơ tự do hơn một thế kỷ. Sở dĩ như vậy là vì thơ gắn liền với ngôn ngữ, và thật khó thay đổi thói quen thẩm mỹ, nếu không có sự thay đổi tận gốc đời sống, xã hội và nhận thức con người, kèm theo những cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật. Nếu nói rằng truyền thống và hiện đại là những bóng ma, đã chấm dứt từ lâu, nhưng những bóng ma ấy vẫn ám ảnh và hiện diện trong đời sống chúng ta, song song, cùng một lúc, như cái sống và cái chết. Thì thơ, khi lần tới những biến đổi để làm một cuộc chuyển hóa, chẳng khác nào quay lại từ đầu, làm sáng tỏ một số yếu tố căn bản. Trước hết là nhịp điệu, bản chất của mọi bộ môn nghệ thuật, thí dụ, hình chụp ba con chim hải âu, khoảng cách và những đôi cánh dang ra, ở cùng một vị trí, cùng một hướng bay, tạo nên nhịp điệu hình ảnh. Trong âm nhạc, hội họa (màu sắc và đường nét), kiến trúc (hình khối), kịch nghệ (điệu bộ và nút thắt), ngay cả những cuộc tranh tài thể thao, chuyển động nhịp nhàng và tốc độ, cũng tạo nên nhịp điệu, lôi cuốn người xem... Và trong văn chương là nhịp điệu của ngôn ngữ. Nếu ngôn ngữ khởi đi từ âm thanh nói, khả năng bẩm sinh của con người thì ngôn ngữ viết là sản phẩm của nền văn minh, sau một thời gian dài cả ngàn năm, vừa thực hành, kinh nghiệm, rút tỉa và loại bỏ, dựng thành qui luật cú pháp và văn phạm. Nói như thế, không có nghĩa là ngôn ngữ nói không có qui luật cú pháp văn phạm. Nhà ngữ học Hoa kỳ Noam Chomsky cho rằng hệ thần kinh trung tâm và vỏ não không những liên hệ tới tiếng nói mà còn tới sự tổ chức bởi chính ngôn ngữ. Rằng mọi ngôn ngữ đều có những cấu trúc và nền tảng văn phạm có sẵn từ lúc con người sinh ra, vì vậy trẻ em học ngôn ngữ rất nhanh từ thời ấu thơ, mặc dù không biết gì về luật tắc văn phạm. Nhưng văn phạm trong ngôn ngữ nói thì đơn giản và tự phát, thiếu tính cấu trúc, trong khi ngôn ngữ viết phức tạp và chặt chẽ. Nói khác đi, văn phạm được hoàn chỉnh từ ngôn ngữ nói, trở thành phương tiện điều chỉnh ngược lại ngôn ngữ nói, để trở thành ngôn ngữ viết. Trong ngôn ngữ viết, đơn vị căn bản là câu, trong ngôn ngữ nói là ngữ điệu (intonation) tạo bởi những nhóm chữ, hay nhóm giọng (tone group). Nhóm giọng chuyên chở ý tưởng ngay lúc đó, tiếp theo một nhóm giọng hay ý tưởng khác, phù hợp với hơi thở, chẳng khác nào chỗ ngắt trong thơ.

Nhịp điệu của thơ vần luật chi phối bởi thể luật, sự lập lại nguyên âm (assonance) và phụ âm (alliteration), sự đối chọi âm tiết (không nhấn, nhấn, bằng trắc), sự ngắt quãng và kỹ thuật tạo vần. Thể loại thơ 1 làm cho tốc độ đọc, nhanh hay chậm tùy theo câu thơ dài hay ngắn. Thơ vần luật đôi khi dùng kỹ thuật vắt dòng (enjambment), để làm nên nhịp lạ, nhưng thường ở loại thơ không vần (blank verse). Những nhà nghiên cứu về thơ Hoa kỳ thường áp dụng những kiến thức về Âm vị học 2 (Phonology) phân tích phần âm thanh của ngôn ngữ, giúp cho sự phát âm chuẩn khi đọc, nhưng không hề coi đó như phương cách để phê bình. Phonology hay Phonetics nằm trong trong Ngữ học (Linguistics), nối tiếp môn Ký hiệu học (Semiotics) 3 đã có từ thời cổ đại và Trung cổ ở phương Tây, tới đầu thế kỷ 20, Ferdinand de Saussure và Charles Peirce 4 đã nâng lên thành một ngành khoa học 5. Những thuật ngữ này dễ gây ngộ nhận, đúng ra chỉ là những ngành học, không liên quan gì tới khả năng am hiểu và nắm bắt thơ, và càng không phải là chìa khóa để phê bình văn học. Thơ đòi hỏi rất nhiều kiến thức từ mọi ngành nghệ thuật, những trào lưu văn học và triết học, cùng những tương quan xã hội và thời đại khác nhau. Nếu nhịp điệu trong thơ vần luật đến từ thể luật thì thơ tự do từ cú pháp văn phạm. Giáo sư Richard Ohman thuộc trường Đại học Wesleyan, làm một thí nghiệm, đưa cho 25 người một bức tranh hoạt họa (cartoon) đơn giản, và yêu cầu họ diễn tả chỉ bằng một câu. Tất cả những câu trả lời đều không giống nhau. Rồi ông đưa vào một chương trình điện toán, sửa lại văn phạm với chỉ những chữ trong 25 câu đó, kết quả là có khoảng 19.8 tỷ những câu khác nhau. Khả năng sáng tạo câu trong phạm vi văn phạm quả là vô cùng tận.

Thơ phương Tây, từ xa xưa, có thể từ những người hát rong, kể (recited) câu chuyện bằng thơ ở những nơi công cộng, cùng với âm nhạc. Đôi khi là bài hát chỉ đường cho người hành hương, lôi kéo sự chú ý tới những thánh tích nhà thờ và kiếm tiền, hay những màn kịch ngắn, hài hước diễn tả xã hội phong kiến...Trước thời Phục hưng, Latin vẫn là ngôn ngữ chính thức, dùng trong các cơ quan công quyền, giáo dục, và tôn giáo, nhưng từ đầu thời Trung cổ đã hòa trộn với rất nhiều ngôn ngữ địa phương để đáp ứng với nhu cầu của đa số quần chúng. Đến giữa thế kỷ 15, triết gia Ý Lorenzo Valla, giải mã ngôn ngữ Latin căn cứ theo tác phẩm của các tác giả thời cổ đại, loại bỏ những hệ thống đã lỗi thời, đẩy tiếng Latin từ ngôn ngữ sống trở thành một ngôn ngữ chết.6 Những ngôn ngữ địa phương tiếp tục phát triển, vay mượn từ nhiều nguồn khác nhau, hình thành ngôn ngữ như ngày nay ở phương Tây. Và thơ nằm trong cái dòng chảy ấy của ngôn ngữ, thăng trầm và biến hóa, loại bỏ và tiếp thu từng đơn vị luật tắc để tồn tại và đa dạng hóa ý nghĩa đời sống. Nhưng dù có dùng luật lệ, hay bất cứ ngôn ngữ nào thì thơ vần luật vẫn theo cách chọn chữ, chọn âm, cô đọng tới mức tối đa. John Schmit khi nghiên cứu về thơ Emily Dickinson,9 “I only said – The syntax”, cho thấy bà đã tạo ra sự tối tăm trong thơ và người đọc mỗi người hiểu một cách khác nhau, bằng cách đơn giản là nuốt chữ và một phần của câu. Ông đã dùng luật cú pháp (syntatic rule) phục hồi lại những gì đã mất và cho rằng thơ dễ hiểu hơn nếu biết được cách làm thơ. Một thí dụ:

Themself are all I be –
Myself a freckled – be –

Được phục hồi lại như sau:

My freckles Themself are all I have
I, Myself, am a freckled child

Nén chữ (compression), nuốt âm (elision) là điều thông thường của mọi ngôn ngữ, bởi khi nói, trong tiếng Anh, vẫn có những trường hợp nuốt chủ từ (trong câu hỏi), trợ động từ, hay một mệnh đề, ngay cả những nguyên âm, phụ âm 10, vì thế, âm thanh nói, nghe rất ròn rã, tưởng như iambic (không nhấn, nhấn), nhưng nếu ghi lại trên mặt giấy thì không giống gì với iambic.

Đoạn tuyệt với truyền thống, và cất cánh vào hiện đại, thơ tự do manh nha từ những bài thơ văn xuôi (prose poems) của nhà thơ Pháp Charles Baudelaire vào những năm 1869, gạch nối giữa chủ nghĩa Lãng mạn và Tượng trưng. Năm 1847, qua tác phẩm của Edgar Allan Poe, ông nhận ra sự tương đồng giữa ông và tư tưởng cùng cá tính phi thường của nhà văn Mỹ. Sự chuyển dịch những tác phẩm của Edgar Allan Poe và văn xuôi cổ điển Pháp đã tạo nơi ông niềm tin lớn về lý thuyết và lý tưởng thơ, chống lại chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng, đồng thời bác bỏ thể luật và tập trung sáng tác những bài thơ văn xuôi, với tập “Le Spleen de Paris”. Những nhà thơ tiền phong của phong trào Tượng trưng sau này, Arthur Rimbaud, Stéphane Mallarmé, Paul Verlaine, tự bày tỏ như là sự tiếp nối Charles Baudelaire... làm một cuộc cách mạng về cảm xúc, cách nghĩ, cách viết, đặt lại lý thuyết về mỹ học và là một bước ngoặt trong lịch sử thơ ca. Ảnh hưởng lớn lao của phong trào là tạo ra thể thơ tự do (free verse), chi phối suốt thế kỷ 20 với những nhà thơ lớn như W, B. Yeats, Ezra Pound, T. S. Eliot và Wallace Stevens.

Khoảng một thế kỷ sau cuộc cách mạng Hoa kỳ, Walt Whitman làm một cuộc cách mạng khác, đưa thơ thoát khỏi truyền thống, tạo nhịp bằng những chỗ ngừng và sự lập lại đơn vị cú pháp. Thơ tự do là khoảng giữa thơ và văn xuôi, giữa ánh sáng và bóng tối, khoảng mù mờ giữa vô thức và ý thức. Cảm xúc và tư tưởng bay lên từ những âm vang của ngôn ngữ, cú pháp văn phạm, kỹ thuật, và yếu tố thị giác. Vần, khi qua thơ tự do được thay thế bởi yếu tố lập lại hình ảnh, ý tưởng và cấu trúc văn phạm (grammatical structure).

Năm 1912, Ezra Pound đưa ra chủ nghĩa Hình tượng (Imagism), mục đích làm sáng tỏ sự diễn đạt qua hình ảnh thị giác. Dùng ngôn ngữ nói thông thường nhưng với chữ chính xác, tạo nhịp điệu mới, tự do chọn lựa chủ đề, và hình ảnh. Hình ảnh sâu thẳm (Deep image) tương tự quan niệm của chủ nghĩa Ấn tượng trong hội họa, những gì xuất hiện trên bề mặt, thị giác và âm thanh đơn giản, gây ấn tượng của nhiều tầng hình ảnh. Năm 1950, Charles Olson phát hiện, thơ trụ vào nhịp đập của hơi thở, bài thơ viết ra, hướng dẫn người đọc biết chỗ nào để thở, dừng lại và bắt đầu, chỗ nào lên hay xuống giọng. Vì vậy dòng gãy (line break) trở thành kỹ thuật chính của thơ tự do trong những thập niên 1950 và 1960 ở Hoa kỳ. Dòng gãy thật ra đã có từ một thế kỷ trước nhưng tới lúc này được sử dụng điêu luyện hơn bao giờ hết. Đây là một kỹ thuật nếu áp dụng không đúng sẽ trở thành vô lý và vô nghĩa, đơn giản như chỗ ngừng lại để thở, và đọc lớn lên ở đầu dòng.

Cuối cùng, giá trị của bài thơ chỉ có thể xác định khi đọc lớn lên, làm sao nghe được cả hơi gió trên đầu lưỡi. Đọc (recitation), giúp cho người làm thơ kinh nghiệm và nắm bắt nhịp điệu, không giống gì với ngâm hay hát thơ. Thơ Hoa kỳ phân biệt rất rõ các loại thơ, như Rap poetry, Jazz poetry phối hợp với âm nhạc, Slam poetry chỉ chú tâm vào phong cách trình diễn, Oral poetry liên hệ tới kịch nghệ và âm nhạc, nhưng đọc thẳng chứ không viết ra, nên khi đọc xong rồi thì bài thơ cũng biến mất. Không giống những loại thơ trên, đọc, tùy thuộc cách phát âm chuẩn của chữ, cú pháp văn phạm và trạng thái của bài thơ. Những bài thơ tự do khi đọc lên chúng ta nhận ra rất nhiều những biến cố nhịp điệu (rhythmic events): sự nhịp nhàng (cadence), sự lập lại (repeat patterns), sự ngừng (pause patterns), sự biến đổi (variations). Điều lạ là rất nhiều bài thơ tự do rất giống với dòng iambic pentameter, đơn giản và thông thường, gần với ngôn ngữ nói đời thường. Chúng ta cũng không ngạc nhiên khi những nhà thơ nổi tiếng nhất từ trước tới nay đều viết theo iambic pentameter như Shakespeare, Milton, Wordsworth và Frost.


Tân Hình Thức

Nhà thơ Timothy Steele, khi ăn trưa tại một quán ăn bình dân, ông tình cờ nghe được sự cãi vã của một cặp tình nhân, sau cùng cô gái đứng dậy, trước khi bỏ đi, nói lớn:

x / x / x / x / x /

You haven’t kissed me since we got engaged. 11

Câu nói đúng với iambic (không nhấn, nhấn) và lập lại 5 (penta--) lần, thành iambic pentameter. Ông nhận ra, thể luật căn cứ và rút ra từ dạng nói bình thường, và Tân hình thức đưa ngược những câu nói đời thường vào thể luật. Nhưng bằng cách nào họ mang những câu nói vào thể luật để tạo nên thi pháp đời thường? Sự khác biệt và mối liên hệ giữa thơ truyền thống, tự do và Tân hình thức? Và làm sao họ hỗn hợp giữa truyền thống và tự do, để làm ra một thể lai mới. Nếu thơ tự do dựa vào ngữ điệu, cú pháp văn phạm, và sự lập lại, thì thơ Tân hình thức dựa vào thể luật (meter), vần, tính truyện, và kỹ thuật vắt dòng. Vắt dòng, bất cứ chỗ nào trong câu, dòng trước tiếp theo dòng sau, và cách đọc không ngừng lại cuối dòng. Thơ truyền thống, như đã đề cập tới Emily Dickinson, nén chữ, nuốt âm, lựa vần, chọn chữ, trong khi Tân hình thức giống thơ tự do chủ vào câu dòng, tôn trọng âm, chữ và cú pháp văn phạm, gần với cách nói thông thường. Thể luật và vần giúp thơ Tân hình thức tạo được nhịp điệu và vì thế không cần đến kỹ thuật lập lại, vả chăng âm thanh từ thể luật iambic cũng đã là một hình thức lập lại. Trong tiếng Anh, giữa âm nói và thể luật không khác nhau nhiều, có thể nói, thể luật và vần đã nằm sẵn từ trong vô thức, trở thành phương tiện giúp người làm thơ, cắt đi những âm rườm rà và đưa câu nói thường ngày vào thể luật. Nhưng những nhà thơ Tân hình thức Hoa kỳ, khởi đầu chỉ áp dụng vào thể luật iambic, và vần không hợp cách (slant rhyme), hơi hơi vần thôi, và chưa khai thác được những thể luật khác như Trochees, Spondees, Dactyls, Anapests. Ngay cả những quan niệm về vần cũng khác, không hẳn là chữ, mà còn là những nhóm chữ, câu, cảm xúc và ý tưởng. Một đặc điểm của thơ Tân hình thức là tránh được sự trình bày khúc mắc của thơ tự do, dễ hiểu, dễ nhớ, hấp dẫn bởi tính truyện kể, sự biến đổi và luyến láy của nhạc tính, và đó cũng là những yếu tố để thích hợp với phương tiện truyền thông điện toán.

(Cũng cần ghi chú thêm về tiến triển của phong trào này, từ thập niên 1940 tới 1970, những nhà thơ Hoa kỳ viết bằng thể luật chỉ đếm trên đầu ngón tay, như Lowell, Merrill và Berryman. Đến cuối thập niên 1970, hai tập thơ thể luật của hai nhà thơ trẻ, Room for Error (1978) của Charles Martin và Uncertainties and Rest (1979) của Timothy Steele, hầu như không ai để ý đến. Sau đó ít lâu, tạp chí Paris Review, một tờ báo chưa bao giờ đăng bài thơ thể luật nào của ai, bất ngờ đề cập tới các thể sonnet, villanelle (một thể thơ vần, 19 dòng, mỗi đoạn 3 dòng, đoạn cuối 4 dòng, có những dòng lập lại). Hai tập thơ thể luật tiếp theo, Hundreds of Fireflies (1982) của Brad Leithauser và The Golden Gate (1986) của Vikram Seth gặp may, được khen ngợi nhiệt liệt. Cho đến năm 1987 nhà thơ Timothy Steele mới nghe nói lần đầu tiên về thuật ngữ “Neo-formalism”, được đặt ra bởi ai đó muốn báo động khi thấy những nhà thơ trẻ càng lúc càng quan tâm tới thể luật. Đến 1991, xuất hiện tiểu luận của nhà thơ Dana Gioia, “Can Poetry matter?”, ngay lập tức tạo nên những phản ứng với số lượng đông đảo khác thường (extraordinary), và bài phỏng vấn nhà thơ này vào năm 1996, đã được dịch đăng trên TC Thơ. Như vậy, trong thập niên 1980 khi phong trào Thơ Ngôn ngữ đang làm mưa làm gió, và hầu như là một phong trào mạnh nhất từ sau thế chiến II, một phần nhờ sự hổ trợ tích cực của những cơ sở hàn lâm, thì Thơ Tân hình thức Hoa kỳ mới có vài người thực hành. Cho đến 1996, thơ Tân hình thức Hoa kỳ mới ra được một tuyển tập thứ nhất, “Rebel Angels: 25 Poets of the New Formalism”, và được tái bản lần thứ hai năm 1998. Kể từ đó đến nay, hàng loạt những bài phát biểu, tranh luận, điểm thơ, trên internet, hàng chục tập tiểu luận được in ra, và cho đến bây giờ vẫn là một phong trào đang ở thời kỳ sung mãn nhất của thơ Hoa kỳ, trong khi Thơ Ngôn ngữ lui dần vào bóng tối.)

Âm nhạc với vài nốt Đồ, Rê, Mi, Fa, Sol, và tiếng nói với vài nguyên âm và phụ âm đã làm thành thế giới âm thanh và ngôn ngữ vô cùng phong phú và phức tạp, thì thơ từ truyền thống đến hiện đại, chỉ với vài luật tắc đơn giản, đã làm nên biết bao nhiêu thời kỳ thơ. Mỗi nhà thơ, qua thực hành, làm nên lý thuyết và luật tắc, chứ không phải lý thuyết và luật tắc làm nên thơ, nhưng nếu không có vài luật tắc đơn giản ấy thì điều đó không thể thành hiện thực. Vả lại, ngôn ngữ càng đi lần về nguyên thủy, càng có những nét tương đồng, chẳng hạn, không nhấn, nhấn trong tiếng Anh có khác gì bằng trắc trong tiếng Việt, hay hai ngôn ngữ đều có những nguyên âm và phụ âm giống nhau. Với thơ Việt, nếu chỉ đếm chữ xuống hàng, thì chẳng khác nào thơ tự do trước đó, hết câu xuống hàng, vì thể luật đếm âm tiết không đủ sức tạo thành nhịp điệu, và chỉ có công dụng làm cân bằng nhịp điệu tạo ra bởi ngữ điệu và cú pháp văn phạm. Tiếp nhận một số nguyên tắc thơ tự do phương Tây, và với đặc tính của ngôn ngữ, cuối cùng thơ Tân hình thức Việt bao gồm: ngữ điệu, cú pháp văn phạm, sự lập lại, tính truyện, cách đếm âm tiết, và kỹ thuật vắt dòng. Dùng cách lập lại hình ảnh, ý tưởng, nhóm chữ, và vắt dòng, để thay thế vần ở cuối dòng, cho đến khi người làm thơ, qua kinh nghiệm, tìm được cách nào hay nhất. Thể thơ 7 hay 8 chữ tương đối hợp với ngôn ngữ nói hơn vì thật khó đưa những câu nói đời thường với vần vào lục bát. Để cụ thể hóa, chúng ta thấy, vọng cổ khi dùng những câu nói đời thường phổ vào âm luật, khi ca lên, trở thành lời ca tiếng nhạc, không còn là những câu nói đời thường nữa. Như vậy khi áp dụng thi pháp đời thường, có nghĩa là đưa những câu nói thông thường vào thơ, để trở thành thơ, phải dựa theo những luật tắc của thơ, và đó là ý nghĩa của thơ Tân hình thức.

Thơ tự do, sau một thế kỷ đã cạn nguồn và cùng kiệt, những nhà thơ Tân hình thức Hoa Kỳ chắt lọc từ truyền thống và tự do một số yếu tố, để làm thành một hình thức tân kỳ hơn, thích nghi với cách diễn đạt mới, thì thơ Việt, cũng mòn mỏi với vần điệu và tự do. Cần ghi nhận, những cuộc cách mạng kỹ nghệ và khám phá khoa học ở phương Tây ở những thế kỷ trước, chỉ ảnh hưởng và lan rộng trong những quốc gia phương Tây. Nhưng cuộc cách mạng điện toán vào những thập niên cuối thế kỷ 20, đã tác động đến toàn thế giới. Những thế hệ trẻ phương Tây có quá nhiều phương tiện giải trí, và những thế hệ trẻ bây giờ ở Việt Nam bị quyến rũ bởi những tiện nghi đời sống và hiểu biết kỹ thuật, nên không thấy thơ hay các thể loại văn chương là đời sống tinh thần cần thiết. Tân hình thức như một thời lãng mạn mới, một trật tự mới hay một nền ca dao mới trong một xã hội bình đẳng và dân chủ, lôi cuốn người đọc, làm phong phú đời sống và ngôn ngữ tự nhiên. “Chúng ta phải thức dậy hay chết”12, đó là lời của nhà thơ Ý, Francesco Petrarch, người khai sinh ra thời đại Phục hưng.

(Để so sánh và có ý niệm rõ ràng hơn, chúng ta trở lại một chút về thơ Việt. Tới thời Tiền Chiến, thơ thoát khỏi luật bằng trắc của thơ Đường, ảnh hưởng của thơ Pháp, thời kỳ Lãng mạn vào đầu thế kỷ 19, dựa vào vần và cách đếm âm tiết, thơ 7, 8 chữ, và lục bát. Thơ đơn giản, chỉ cần sự nhịp nhàng của thanh điệu bằng trắc và vần. Nhưng đa số thường dùng vần bằng, vì dễ ngâm, không bị trúc trắc vì chỏi âm. Ca dao, lục bát, và thơ Tiền Chiến đều dùng vần bằng. Sự chuyển đổi từ thơ cổ điển, thơ Đường sang Tiền Chiến, tương đối nhẹ nhàng, và không có gì gay gắt. Thơ Tiền chiến là tổng hợp giữa ảnh hưởng thơ Pháp và khí vị Đường thi sau thời suy tàn Nho học, và là một nền thơ đặc biệt Việt Nam. Vả chăng, cho tới bây giờ, xã hội và văn hóa Việt vẫn đặt căn bản trên nền kinh tế nông nghiệp, nên tự nó không có những động lực mạnh mẽ đủ, làm thay đổi mọi thói quen, không riêng gì thẩm mỹ. Hơn thế nữa, từ lúc ấu thơ, những thế hệ sinh ra từ Tiền chiến, đã được ru bằng ca dao lục bát, khi lớn lên lại được nuôi dưỡng bởi Đường thi, Truyện Kiều, Tiền chiến. Trong học đường, những bài học thuộc lòng đa số viết bằng thơ vần, vì dễ nhớ, dễ thuộc, nên vần điệu vô tình đã bắt rễ vào những tâm hồn trẻ thơ. Người làm thơ không cần biết luật, chỉ nương theo những vần điệu đã nằm sâu trong tiềm thức, và do tài năng, tạo thành bản sắc riêng. Thơ Đường, Truyện Kiều, Tiền chiến, đã trở thành một nếp gấp thẩm mỹ, ngăn cản bất cứ sự thay đổi nào trong thơ, tưởng như một thứ vạn lý trường thành, quả là đáng sợ, bởi sáng tạo cũng có nghĩa là dám chấp nhận dị biệt.)

Văn học nghệ thuật là một tiến trình vừa đối kháng, vừa gián đoạn, vừa lập lại, nhưng lúc nào cũng mới mẻ, đầy tính sáng tạo, không thời nào giống thời nào. Chẳng hạn, Trừu tượng Biểu hiện (Abstract Expressionism), thập niên 1950 ở Hoa kỳ, đã trở lại Trừu tượng ở đầu thế kỷ 20 và đưa hội họa lên tới đỉnh cao của thời hiện đại, và sau đó, Pop Art đi theo chiều hướng gần như đối nghịch. Nhưng Pop Art lại rút ra hình thức cắt dán từ Lập thể (Cubism), quan điểm Readymade Art của Marcel Duchamp, mang những đồ vật thường ngày vào trong tranh. Andy Warhol, giả hình ảnh, tái sinh những đồ vật thật, chồng chất hình ảnh của những hình ảnh, trong một nghĩa nào đó còn trừu tượng hơn cả trừu tượng, dù rằng, rất thật. Rồi thơ Ngôn ngữ Hoa kỳ bứt khỏi những trào lưu thơ ở những thập niên 1960 như thế hệ Beat, New York School, Black Mountain... Tân hình thức sau đó chống lại thơ Ngôn ngữ và chấp nhận quan điểm và tiếp thu những trào lưu mà thơ Ngôn ngữ đã chống lại, nối kết truyền thống và hiện đại. Vả chăng chủ nghĩa hậu hiện đại là cái gì luôn đổi thay, bất định, và mọi định nghĩa cũng chỉ là tạm thời. Như kiến trúc, ngọn cờ đầu của chủ nghĩa hậu hiện đại, vào những thập niên 1980, cho đến thập niên 1990 thì đã bắt đầu nhàm chán, giả tạo chẳng khác nào kiến trúc hiện đại trước đó. Và các nhà phê bình cho rằng, kiến trúc cần kết hợp với chức năng và tương quan xã hội của kiến trúc hiện đại để tìm ra một phong cách và ý nghĩa mới. Mỗi thời kỳ, những nghệ sĩ tạo ra những quan điểm thẩm mỹ riêng, và không thể nào dùng quan điểm này để làm thước đo, phê bình hay so sánh với quan điểm khác. Nếu ở phương Tây, những thế hệ sau phản ứng với thế hệ những trào lưu trước, thích hợp với đời sống xã hội, thì ngược lại, ở Việt Nam, những thế hệ trước thường phản ứng và phủ nhận những thế hệ đi sau. Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Thanh Tâm Tuyền đã từng bị chối bỏ, chẳng phải nơi những thế hệ trước, mà ngay cả nơi thế hệ đồng thời với họ. Lịch sử tái diễn, chúng ta sẽ hoài công tìm kiếm người đọc từ những thế hệ trước và đồng thời, và chỉ từ nơi những thế hệ đến sau, sống với thời đại cách mạng điện toán và đời sống thị dân. Và như những nhà thơ Tân hình thức Hoa Kỳ, giã từ thơ Ngôn ngữ, làm một cuộc chia tay thế hệ, không hề ngoảnh lại. Và chúng ta cũng không có chọn lựa nào khác.

Mùa Xuân 2001

Ghi Chú:

1. 7, 8, chữ, lục bát trong tiếng Việt, hay feet trong thơ tiếng Anh.

2. Phonology học cách dùng âm thanh, sự thay đổi trong âm vị học làm thay đổi ý nghĩa trong những chữ khác nhau, áp dụng cho một ngôn ngữ đặc biệt. Phonetiscs học cách cấu tạo âm thanh, cách phát âm, và áp dụng cho mọi ngôn ngữ...

3. Semiotics là môn học giải thích những ký hiệu, từ thời cổ đại với những tên tuổi như Plato 428- 348 BC), Aristotle (384 – 322 BC), phân biệt giữa âm thanh tự nhiên (natural signs) và âm thanh có mục đích giao tiếp (conventional signs). Đến thời Trung cổ St. Augustine mở mang lý thuyết về Conventional signs, coi như một đối tượng nghiên cứu về triết học.

4. Linguistics là một ngành trong Ký hiệu học, học về ngôn ngữ của con người. Khởi từ F. Saussure (1857-1913) và C. Peirce (1839–1914). Saussure dùng thuật ngữ Semiology (trường phái Âu châu), đối nghịch với Semiotics (lý thuyết của những nhà ngữ học Hoa kỳ), phân ký hiệu ngôn ngữ ra làm 2 phần: signifier (âm thanh hình tượng) và signified (ý tưởng), và cho rằng tiến trình giao tiếp qua ngôn ngữ liên quan đến sự chuyên chở nội dung trong tâm trí và mã số ký hiệu. Ông phân tích trạng thái ngôn ngữ trong tổng quát, sự am hiểu những điều kiện hiện hữu của bất cứ ngôn ngữ nào. Trong khi C. Peirce cho rằng ký hiệu gồn những sự liên quan giữa Representation (ký hiệu tự nó), Object (đối tượng), và Interpretant (hiệu quả có ý nghĩa chính xác). Giải thích sự tương quan, tuy đơn giản nhưng lại khá dài dòng, cần một bài viết mới có thể hiểu rõ hơn.

5. Khoa học, theo triết gia Pháp Jean Francois Lyotard, từ thời kỳ Ánh sáng, được coi như một siêu truyện kể (metanarrative hay grand narrative), bao trùm các truyện kể khác như huyền thoại, triết học, tôn giáo... Nhưng sau hai cuộc thế chiến, chứng tỏ khoa học đã không mang đến phúc lợi cho con người và chỉ mang đến nguy hiểm và họa diệt vong, nên cũng chỉ được coi như tất cả các truyện kể khác. Bây giờ không có ai dùng khoa học để giải thích thơ, hay các ngành nghệ thuật, bởi mỗi bộ môn tự nó có những giải thích riêng, là một truyện kể độc lập với bất cứ truyện kể nào khác.

6. Giống như thơ Đường là âm nói của đời Đường, đã thuộc về thời cổ sử, bây giờ ngay cả người Trung hoa cũng ít ai hiểu.

9. Emily Dickinson (1830 – 1886) thường dùng thể luật thông thường (common meter), một dòng thay đổi cứ 8/6/8/6, âm tiết không nhấn, nhấn.

10. Nuốt phụ âm như: Postman – Pos(t)man, mashed potatoes – mash(ed) potatoes. Nuốt nguyên âm: library – lib(ra)ry, government – gov(ern)ment.

11. X: không nhấn, /: nhấn.

12. “We must awake or die!”



................................................................................................Khế Iêm