Mặt trời là một thiên thể chiếu sáng, sưởi ấm cho trái đất. Hình tượng mặt trời được dùng nhiều và phổ biến trong ngôn ngữ như một mỹ từ để chỉ định những gì tốt đẹp mà con người hướng tới, được phản ảnh qua văn chương, thi ca, thần thoại, truyền thuyết, ...
Có nhà thơ đã dùng hình tượng mặt trời để ví với người yêu:
“Nàng là mặt trời.
Buổi sáng mặt trời mọc ở phương Đông…”
Có người sống trong xã hội chủ nghĩa, được tắm mình trong CS, đã ca ngợi Đảng CS như là mặt trời. Ông gọi mặt trời là chân lý:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ.
Mặt trời chân lý chói trong tim.
Hồn tôi là một vườn hoa lá.
Rất đậm hương và đầy tiếng chim ca…”
Đảng CS đã làm ông nhà thơ này sáng mắt sáng lòng!
Biến cố năm 1963, Lễ Phật đản 15/4, tại Huế bị lệnh cấm treo Phật kỳ đã làm nổ hàng loạt cuộc biểu tình phản đối. Lòng người xao động, bức xúc dẫn đến vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Phật tử chới với , dân chúng chới với. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã xúc động làm bài thơ Lửa từ bi:
“Ôi! Đích thực hôm nay mặt trời có mặt.
Là giờ hoàng đạo nguy nga.
Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt.
Nhìn nhau tình huynh đệ bao la…”
Lịch sử là chứng nhân ghi nhận sự kiện, là sự phán quyết sáng suốt: CIA đã tạo scandale cấm treo Phật kỳ và đã thành công. Mỹ đã khai tử Tổng thống Ngô Đình Diệm, chế độ mà chính Mỹ đã tạo dựng cách đó 10 năm. Bởi một lí do đơn giản, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã không chịu thực hiện theo ý đồ của Mỹ quốc!
Như vậy phải chăng dưới ánh sáng mặt trời. sự thật sẽ hé lộ. Mặt trời là đích điểm để con người hướng tới. Mặt trời là chân lý, là ý niệm thiện. Triết gia Platon đồng nghĩa thiện với mặt trời. Con người hướng về điều thiện như hướng về mặt trời. Thử tưởng tượng, nếu trái đất không có mặt trời thì hậu quả sẽ như thế nào.
Huyền thoại cái hang của Platon, những người nô lệ ở dưới hang tối. Họ thỏa mãn với thế giới tối tăm mà họ sống, thân thiện hằng ngày. Thế rồi khi tiếp cận với ánh sáng mặt trời, những người dưới hang bị ánh sáng mặt trời chiếu dọi. Họ đau mắt. Họ mù lòa. Họ sợ hãi và họ chỉ muốn quay trở lại thế giới của họ. Thế giới bóng tối, đêm đen. Thế giới che lấp sự thật, che lấp chân lý. Thế giới của tội ác. Thế giới của mờ ám mà lương tâm con người đã hoàn toàn vô cảm bởi từ lâu họ đã được uốn nắn, giáo dục trong một môi trường hoàn toàn tăm tối vẩn đục.
Trong hoàn cảnh đó, nếu có cá nhân nào đòi hỏi được sống với chân lý, với những giá trị đích thực mà con người cần có thì đương nhiên cá nhân đó sẽ lãnh hậu quả, các hình phạt sẽ được áp dụng cho họ, …Chỉ khi nào, con người giác ngộ được, hiểu được rằng từ lâu họ đã bị bóng tối lừa phỉnh. Những điều mà họ tưởng rằng đó là những giá trị tốt đẹp, là những hành động cao cả, đạo đức, thật ra là thủ đoạn, gian trá, lưu manh. Lúc bấy giờ sự công phẩn biến thành hành động và hậu quả thật khó mà lường được.
Nhân loại đã được chứng kiến những chế độ độc tài, tham những hung ác đã đặt ra cả bộ máy cai trị tinh vi như thế nào. Thế nhưng khi giờ G đã điểm thì sóng thần, động đất đã quét phăng tất cả. Sự thật đã minh chứng cho chúng ta thấy sự sụp đỗ của cả hệ thống những nước bị cai quản theo chế độ độc tài đảng trị. Và mới đây làn sóng dân chủ trào dâng đến các nước Bắc Phi, Trung Đông đã và đang kéo phăng đi những thể chế độc tài: Ai cập, Sirye, Lybie, …
Như vậy sau đêm dài tăm tối, phải chăng là bình minh sẽ xuất hiện. Mặt trời sẽ chiếu rạng rỡ. Nhân loại của những nước bị áp bức sẽ vùng lên đòi quyền sống, quyền tự do, dân chủ.
Tiền tài, danh vọng, quyền lực, thể chế chính trị thì vô thường.
Mặt trời thì thường hằng và ngự trị khắp địa cầu, ngự trị trong… trái tim của mỗi người.
Người nô lệ là kẻ ý thức tự do mãnh liệt nhất.
Có một sự mâu thuẩn, mà con người gặp phải, đó là sự chiếm hữu các giá trị tốt đẹp một lúc nào đó lại có thể trở thành lý do để con người nỗi loạn với sự khao khát, hành trình tìm kiếm, tìm kiếm một cái gì đó mà y không biết là cái gì. Đó cũng là tâm trạng của kẻ "đứng núi này trông núi nọ"".
Tự do chỉ được chiêm nghiệm trong thân phận của người nô lệ. Kẻ tự do không ý thức được mình tự do.
Âu đó cũng là số phận bi thảm của mỗi cá thể và đó cũng là sự thăng hoa của nghệ thuật.
Văn hóa là gì? phải chăng là ngôn ngữ của tuyệt vọng, dấu tích tìm sự giải thoát qua nỗi khao khát cái vô cùng, tuyệt đối.
Chính nỗi tuyệt vọng cùng sự tự do đã tạo dựng văn hóa. Không có sự tự do, văn hóa bị bóp méo trở thành anh hề trong gánh xiếc.
Năm 1975, ông anh đầu, từ Nghệ An vào Huế thăm gia đình lần đầu. Ban đêm nằm trong căn phòng nhỏ của tôi, ông nghe bản nhạc “Mặt trời đen” được phát từ trong máy cassette, ông suýt xoa:
- Bản nhạc cực kỳ hay.
Lẽ cố nhiên, ông anh không phân tích hay ở chỗ nào, nhưng có một điều tôi nghĩ bài hát đã làm ông xúc động vì ông cảm nhận được là nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng là ngôn ngữ cất lên từ thế giới nội tâm trong môi trường tự do.
Còn với cá nhân ông, ông đã sống và trải nghiệm biết bao điều đau xót, bi thảm mà ông không bao giờ cất được nên lời.
Ông anh cảm nhận được là tác giả Nguyễn Trung can hơn ông, ở chỗ tác giả nói lên được suy nghĩ của tác giả, nói lên được sự cùng khổ của hoàn cảnh cá nhân mình để có người cùng nghe, cùng hiệp thông.
Như vậy ngôn ngữ âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung đòi hỏi sự tự do, nghĩa là quyền được nói và quyền được phổ biến để mời gọi mọi người cùng nghe.
Bài hát “Mặt trời đen” của tác giả Nguyễn Trung Can đến với tôi, nhân mùa thi năm 1973, tôi vào Sài Gòn chấm thi, chuyến bay Đà Nẵng – Sài gòn bị hoãn gần 2 tiếng và trở thành chuyến bay đêm. Trên chiếc Boeing 707, tôi nhớ cảm giác khi tôi bước vào khoang chỗ ngồi, mùi bạc hà thơm dịu và văng vẳng tôi nghe tiếng hát rất nhỏ:
“Sao ta vẫn thấy mặt trời đen như mực
Mặt trời đen
Đen như đêm ma quái... ha ha ha ha...
Mặt trời đen
Sao ta vẫn thấy mặt trời đen như mực
Mặt trời đen
Đen như đêm ma quái.... "
Qua ô cửa kính của khoang ngồi, tôi nhìn bầu trời đen, rãi rác những ánh sao đêm, tiếng hát khàn đục cất lên thống thiết:
“Sao ta vẫn thấy, mặt trời đen như mực. Mặt trời đen, đen như ma quái…ha ha ha ha…”
Tôi bỗng xúc động. Một cảm giác lâng lâng. Tôi rùng mình như vừa lao vào hư vô. Hư vô tràn ngập. Cuộc đời quá ngắn, quá mong manh, …
Sao ta vẫn thấy mặt trời đen như mực? Câu nghi vấn trở thành một mệnh đề ta thán, oán hận đến tận cùng và quả thật cuộc đời của Nguyễn Trung Can như ta biết:
“Ông là 1 người đầy bí ẩn và có 1 lí lịch rất mơ hồ, được sinh ra trong 1 gia đình lao động nghèo khó đông anh em, cuộc sống từ thuở bé của ông hứng chịu nhiều sự cực khổ và nó cũng ảnh hướng phong thái sáng tác sau này, các bài hát chủ yếu là sự bi quan và chán nán, không lối thoát. Đã từng có giả thuyết cho rằng ông sáng tác và lấy cảm hứng từ ma túy… “trong hơi khói cay cay trong giây phút say say ta quên đi ngày mai ...” (trích trong nhạc phẩm "Đêm Dài").
Sau năm 75 là thời gian vô cùng gian khổ của ông và cái chết của nhạc sỹ là 1 bí ẩn chưa bao giờ có lời đáp (Mạng nghe nhìn VN).
Xin cảm ơn cố nhạc sĩ Nguyễn Trung Can!
Xin cảm ơn Tự Do!
<bài viết được chỉnh sửa lúc 12.06.2012 10:00:57 bởi Tuấn Nguyễn >