Vô cảm Bàn ăn có khoảng hơn 10 người, trong đó có ba người phụ nữ. Những người nữ này là vợ của ba ông trong nhóm. Cả nhóm, nếu gọi vui, chúng ta có thể nói họ là những người "Trí thức không yêu nước". Bởi, sau năm 75, họ vẫn tiếp tục dạy tại các trường Trung học cấp 3 (trước 75 được gọi là Trung học đệ nhị cấp), nhưng không vào cái Hội được gọi là" Hội trí thức yêu nước"; một Hội trực thuộc Mặt Trận Tổ Quốc thành phố. Bây giờ, tất cả đều "mất dạy". Nói đúng hơn, họ đều hưu trí cả. Mỗi tuần họ gặp nhau một lần. Đề tài lôi kéo họ vẫn là những vấn đề thời sự.
Góc bên phải tôi, các bà bàn chuyện riêng tư nào đó mà vì ngồi hơi xa nên tôi không nghe rõ. Nhưng, cánh đàn ông bên phải của họ, dù không lớn tiếng vẫn lọt vào tai tôi
- Uống gì mà cả bụm thuốc vậy?. Một anh hỏi
- Đã nói là như xe cũ mà ..
- Anh muốn trường sinh bất tử hả?..
- Anh nhớ anh Công không?. Trước khi chết vẫn nói như trối rằng, mình cố sống chờ ngày Cộng Sản sụp đổ ..nhưng, ai ngờ, mình đi trước nó. Tôi chỉ chờ ngày đó xảy ra ...rồi nhắm mắt cũng hài lòng.
Nhóm đàn ông bên trái tôi thì xoay quanh câu chuyện về người nhạc sĩ đã sáng tác bài "Anh là ai"
- "Mẹ của Việt Khang cũng không vừa đâu". Khi tôi nói ý rằng, phải dùng chữ "Sau" trong câu " ...(sau) ngày tàn khói lửa", bà ấy nói ngay là, như thế không vần điệu.
- Bà ấy lớn tuổi chưa ..?
- Ngoài 50 tuổi. Tên Vân. Bà ta có cho tôi số điện thoại của bà ấy ....(nói đến đây, anh "ném đá" lôi ra điện thoại cầm tay, bấm ra cho người ngồi cạnh xem). Cũng may cho Việt Khang. Bà ngoại hơi lẫn nên đỡ đau khổ về đứa cháu của mình.!...
- Anh không sợ họ theo dõi à ..?
- "Ai cũng chết có một lần ..". anh "ném đá" trả lời
- "Nhiều người bây giờ vô cảm lắm!...". Nhận xét được đưa ra từ một anh còn dạy tư Anh văn tại nhà anh ấy.
Anh này có lần đã khoe với tôi rằng, anh ấy dạy tư, mỗi tháng kiếm được vài ngàn đô. Bây giờ anh ấy "phang" một câu như thế khiến tôi không khỏi thắc mắc rằng, anh ấy có hiểu chính xác loại tiếng Việt mới được sáng chế sau ngày 30.04.75 không. Tôi xa quê hương đã khá lâu nên không thạo về việc dùng các từ "khủng" (cũng chữ của nền văn hoá mới)...hiện nay.
- Tôi phải về sớm, các cậu cứ tiếp tục ngồi chơi ...Đến giờ dạy rồi ...
Anh ta vừa nói, vừa ra hiệu cho anh "ném đá" đưa anh tiền đi "xe ôm" về nhà. Ai nấy đều bật cười. Dù cách "bòn rút" anh bạn "đại gia" của anh ta có vẻ khôi hài ...nhưng có lẽ mỗi người cười theo một kiểu khác nhau. Nếu không đến giờ dạy học, biết đâu anh ấy cũng ra về, vì e rằng bàn chuyện "quốc sự" nơi công cộng là điều nên tránh. Ai cũng phải lo cơm áo gạo tiền. Ngoài ra, cũng không có ai tự mình muốn bị một họng súng kê vào đầu...nhưng, để loại tâm trạng vô cảm khỏi con người của mình, có lẽ mỗi người cũng có một cách khác nhau.
Tôi hỏi với theo cho vui, "vô cảm" theo nghĩa tiếng Anh là gì. "Insensitive". Anh ấy không chỉ trả lời nhanh chóng, còn nói thêm: "Nghề của chàng mà!". Tôi chợt nhớ đến chữ "non-empathy". Không biết chữ nào chính xác hơn. Vì có lần tôi nghe có người cười về lối dịch "Biển dâu" là "Sea of strawberry". Nhưng điều quan trọng nhất là, khi hiểu rõ ý nghĩa của một chữ, một nội dung sự việc chính trị nào đó, việc thực hiện mới có giá tri. Tri hành phải hợp nhất. Đó là bài học căn bản từ xưa đến nay.
Đặng Quang Chính
Sài Gòn 21.02.2013
20:51