Re:Ai đi hết biển...
05.01.2018 18:49:34
(
permalink)
Nếu đi hết biển (2)
Một kinh nghiệm du lịch, có lẽ ai cũng biết, sau khi đã nhận thức những lợi, hại ra sao của việc này. Đó là khi phải ra phi trường vào những giờ cao điểm, chúng ta nên chọn lúc đi phù hợp, thay vì chờ đúng giờ theo sự tính toán bình thường. Hôm về lại Na Uy, lẽ ra tôi rời nhà từ lúc 14:30 (hay 15:00) tôi đã chọn đi lúc 16:00 -hơi sớm so với giờ phi cơ cất cánh- vì nghĩ rằng, như thế là đủ, không cần sớm hơn. Tốn đến gần 70 Canada kim là một chuyện, mà vì vội vã nên khi đưa tiền đô Mỹ cho tài xế, tôi đã không có sự tính nhẩm đúng cách, để được thối trả đúng mức.
Trước khi lên máy bay, tôi mua một khúc bánh mì nhỏ. Những chuyến có đường bay ngắn, hành khách không được phục vụ một bữa ăn có thể giúp mình tạm quên đói bụng. Dĩ nhiên, gọi món ăn trên máy bay cũng được, nhưng chịu một giá cao hơn, nếu ăn món đó ở phi trường.
Nhưng may mắn, tôi có chổ ngồi sát cửa sổ mà ghế giữa không có người ngồi. Rời phi trường một lúc khá lâu, người ngồi ngoài cùng, cạnh đường đi, đã vói mình vào trong, hỏi tôi một câu. Tôi xác nhận anh chàng đã đoán đúng quốc tịch của mình. Không những thế, tôi có thiện cảm ngay khi biết là người này đã có thời gian dạy tiếng Anh cho người Việt. Trong lúc trò chuyện, tôi đã có lúc thắc mắc về công việc đó. Người Việt tại Na Uy, cớ sao lại học tiếng Anh (?). Nhưng, những nội dung khác đã kéo thắc mắc đó trôi đi, không khiến điều đó trở thành một cản trở trong việc tiếp xúc.
Có một vài đoạn đối thoại nhỏ tôi vẫn còn nhớ đến bây giờ
- Anh đến Na Uy hồi nào?
- Năm 1992
- Hồi đó tôi mới sinh ra...(anh ta cười)
Anh chàng trẻ tuổi này cũng thành thật đấy chứ! Tôi chợt nhớ đến Kjell Inge Røkke, người Na Uy, sang Mỹ vào năm 24 tuổi, bắt đầu sự nghiệp bằng chiếc tàu đánh cá, dài 68-foot. Bây giờ, ông ta là một trong những người giàu có tiếng tại Na Uy.
Nhưng, con đường vượt biển, tìm đến một đất nước xa xôi, không ai cũng thành công giống nhau. Ông Røkke không có bằng trung học, nói chi học tới Đại học. Tôi nhớ đến nhà văn Hoàng Hà mới quen. Hồi đó, vào trong Nam, ông đâu đã học hết trung học. Nhưng máu giang hồ chắc đầy ắp trong người.
Lúc khác, anh ấy nói thêm:
- Ông ở Na Uy còn lâu hơn tôi
- Cũng đủ lâu...
- Tôi đã ở Đại hàn rồi...
Anh còn cho biết, đã qua Tàu, Nhật ..v..v.. và đã (hay đang học) ở Mỹ. Bang Iowa thì phải. Học thì nào môn tâm lý rồi hai ba môn nào khác nữa mà bây giờ tôi đã quên rồi. Tóm lại, anh chàng, nếu là học trò của cụ Phan Châu Trinh, có lẽ sẽ trở thành người yêu nước, không trước thì sau. Nếu anh chàng học tập theo đường hướng đó, ta phải xem đó là một loại người có chí "tang bồng hồ thỉ". Máu "giang hồ" hay chí "tang bồng hồ thỉ" chỉ khác nhau là mục đích và cách thức thực hiện.
Nhớ lại hồi mới "đậu" thanh lọc tại trại tị nạn, khi được phỏng vấn bởi đài truyền hình của Malaysia, về đất nước nào tôi sẽ chọn là nơi định cư, câu trả lời rất gọn là: "Đất nước nào có tự do". Sẵn đây, nói về chữ "đậu". Chương Trình Hành Động Toàn Diện vào năm 1989 (Comprehensive Plan of Action CPA) của Cao Ủy tị nạn LHQ, nhằm ngăn chận việc bỏ nước ra đi của người Việt, đã tạo ra một sự nhận định sai lệch trong thuyền nhân (Boat people). Họ làm việc thanh lọc, loại người ra đi vì lý do kinh tế và đưa họ trở lại VN. Trước thanh lọc, ai cũng tưởng, cứ là sĩ quan, viên chức cán bộ của chính thể VNCH ở miền Nam là có vé ưu tiên. Sau đợt phỏng vấn đợt 1, đến Đại tá còn rớt, nói là ai khác. Con số những chuyến vượt biên giảm xuống rồi ngưng hẳn. Nói là "nhận định sai lạc" vì họ cứ tưởng, hai khía cạnh của một thực thể xã hội hoàn toàn khác biệt nhau. Nhưng không, ông Trump, Tổng thống Mỹ, trước khi vào chính trường, đã là một doanh gia.
Tôi muốn khuyến khích người trẻ tuổi này, nên kể ngắn về việc một người cùng gát thi với tôi trước đây. Anh kia kể là, đã từng đi nhiều nước trên thế giới, theo cách, đến đâu cứ tìm được việc gì (bất cứ loại công việc gì) anh ta làm để sống...và đi tiếp.
Nhưng, hơi chưng hửng khi nghe hỏi và câu kết luận cuối của anh
- Ông thích sống ở Na Uy không...?
- Nói chung, thích. Nhưng "xã hội an sinh" không phải là toàn bích.
- Tôi hơi nản...Tôi thích các thành phố lớn!
Anh chàng này không thể là một Che Guevara của Nam Mỹ, một thời trước cuộc CM ở Cuba. Nhưng kinh nghiệm của đời giang hồ ít ra cũng khiến đầu óc của anh ta cởi mở hơn. Chẳng hạn, việc vói người vào phía trong, hỏi thăm tôi có phải là người Việt không (chắc thấy tôi đang đọc tờ báo "Đối lực" của Phong trào Hiến chương 2000)
Trong lúc chàng tuổi trẻ này ngồi ngủ (vì mới từ Mỹ về đến Iceland và cùng tôi trên chuyến bay về lại Na Uy) tôi mở iPAD, xem một bài viết của GS Ngô Bảo Châu, tựa đề "Yêu nước".
”K. là giáo sư toán ở Đại học Yale, có quốc tịch Mỹ nhưng gốc là người Nga, nói tiếng Mỹ vẫn đặc sệt giọng Nga. Có lần tôi hỏi anh ấy lần cuối anh về Nga là khi nào. Anh ấy nói từ khi tôi đi Mỹ tôi chưa quay lại Nga bao giờ. Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, K. nói rằng đối với anh ấy nước Nga cũng giống như bất kỳ một nước nào khác trên thế giới, anh không cảm thấy liên quan đến những gì hiện giờ đang xảy ra ở Nga. Trường hợp của K. không phải là một trường hợp phổ biến, nhưng cũng không phải là một trường hợp cá biệt. Tuy hơi bị bất ngờ nhưng tôi cảm thấy cái lý trong những chia sẻ rất thẳng thắn của K. Nói cho cùng thì tại sao mỗi người phải gắn bó với mảnh đất nơi mình sinh ra”.
Sau nhập đề đó, ông Châu đề cập đến vài lần ông nhìn thấy tại các sân bay Hàn quốc, Nhật những thanh niên như xuất phát từ Nghệ An, Việt Nam. Có lẽ như ông, nhưng do có nhiều thời gian hơn, nên tôi có dịp tiếp xúc với họ (dù là bên nào khởi đầu trước câu chuyện). Để nhanh chóng, tôi lấy giải thích của ông Châu làm nền cho lý do của mình.
“Tại sao lại đồng cảm với họ? Ngoài tiếng Việt là ngôn ngữ có thể dùng để hiểu nhau, ngoài nơi sinh Hà Nội và Nghệ An cách nhau vài trăm cây số, tôi có gì chung với họ? Tại sao tôi vẫn cảm thấy “liên quan” đến số phận của họ? Tôi thấy chỉ có một câu trả lời hợp lý duy nhất: sự “liên quan” đó chính là lòng yêu nước. Nếu đó là tình yêu thì có lẽ không cần tìm cách lý giải nữa. Chắc chắn mỗi người yêu nước, hoặc không, theo một cách khác nhau. Nhưng tôi cho rằng, yêu nước, về cơ bản, là cảm thấy “liên quan” đến số phận của đồng bào mình”.
Lúc rời trại tị nạn, tôi chỉ có một mong muốn đơn giản là được định cư tại một nước tự do. Và thật tình mà nói, trong đầu không có một giấc mơ làm giàu trong cuộc sống mới. Có thể điều đó do ảnh hưởng của sự thanh lọc, khi Cao ủy tị nạn chỉ cho những thuyền nhân đến định cư xứ tự do, với lý do chính trị (?)… mà có thể đó là mục đích của tôi từ lâu (tôi đã chọn nghề giáo trước 75). Nói về tôi là điều tôi chẳng muốn. Lấy trường hợp của Tiến sĩ Nguyễn Bá Long, có thể nào chứng minh ý muốn của một người chỉ có mục đích đi cho "hết biển"? Ông ta định cư tại Canada vào những năm 1979-1980. Từ đó đến nay, lúc nào ông cũng lo hoàn thành 2 số báo, Đối lực và KT Thị trường. Ai dám nói chắc là với việc điều hành hai tờ báo đó, ông Long có cuộc sống sung túc?... ...Lợi tức chưa biết thế nào, nhưng việc đấu tranh -qua hai tờ báo đó- cho một nước VN được tư do, độc lập, dân chủ, thịnh vượng ..v..v...là một việc làm đã có nhiều người bỏ cuộc khá lâu!
Những người như nhà văn Hoàng Hà, ông Nguyễn Bá Long, tuy không còn nhiều...nhưng vẫn còn rải rác khắp các quốc gia, nơi có người Việt sinh sống. Khi họ còn cảm thấy liên quan đến số phận đồng bào của mình, họ là những người yêu nước!
Chúng ta yêu nước theo cách của chúng ta. Cách đó, theo nhóm cầm quyền hiện nay là của bọn chống phá cách mạng, theo đuôi thế lực diễn tiến hòa bình ..v..v..Nhưng đã đi theo đường lối của chúng ta, chúng ta hãy đi cho hết biển.
Ở đây, nếu có điều gì liên quan đến cuốn sách "Nếu đi hết biển của Trần Văn Thủy", điều này được người viết xác định là: có và không. Trước hết, nhắc lại là, ""Nếu đi hết biển" không phải một bộ phim mà là một tài liệu viết cho William Joiner Center, đại học Massachusetts Boston.
"Có" là câu trả lời cho thắc mắc của Trần Văn Thủy: "người Việt ở hải ngoại có được tự do sáng tác?
"Không" là câu trả lời cho một hình tượng mà tác giả đã nêu ra trong sách: "Nay tác giả khôn lớn, được ra nước ngoài nhiều và nhận ra rằng nếu cứ tiếp tục đi, sẽ qua biển, qua những châu lục và cuối cùng cũng trở về nơi khởi hành". Điều này, được hiểu theo cả nghĩa tiêu cực và tích cực. Nhưng, câu sau của tác giả thường bị giải thích theo lối tiêu cực "Nhưng không phải cứ đi rồi ai cũng sẽ về lại chốn cũ". Lối tiêu cực là cách gián tiếp nói rằng, chính quyền hiện nay sẽ không duyệt xét cho những thành phần "phản động" chọn quê hương là nơi yên nghĩ cuối cùng!
"Có thể có" là câu trả lời của người viết, gửi đến tác giả Trần văn Thủy, khi ông ấy viết "Liệu văn chương có thể là cầu nối mang lại sự hòa hợp, hoà giải cho người Việt Nam ở hai bên bờ biển Thái Bình?”
Lối giải thích vừa nói không phải là sự lấp lửng, ba phải, vì ngày nào mà các tác giả, trong hay ngoài nước có cùng nhận định như sau -mà suy nghĩ của GS Châu là một cụ thể- văn chương sẽ phát huy tác dụng đúng mức của nó "Nhưng tôi mong muốn một khế ước xã hội như những khế ước xã hội đã là nền tảng cho những nước phát triển. Tôi muốn một xã hội công bằng được đảm bảo bởi một nhà nước pháp quyền. Tôi muốn một nền kinh tế lành mạnh, phồn thịnh hoạt động trên nguyên tắc thị trường. Tôi muốn một xã hội mà ở đó người dân có thể tự tổ chức cuộc sống cộng đồng của mình mà không bị cản trở, đó là xã hội dân sự. Vì cái chúng ta cần là một xã hội công bằng, phồn thịnh và một cuộc sống cộng đồng gắn bó, nên người lãnh đạo mà chúng ta muốn là một người cổ súy cho nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự”.
Biển nuôi sống chúng ta một cách gián tiếp. Hơi nước từ sông, biển tạo nên nguồn nước cho con người. Biển đưa chúng ta đến những bến bờ mới, tại đó, chúng ta có những khám phá mới. Từ đó, mang đến sự ấm no thịnh vượng. Nhưng, biển cũng mang đến những tàn phá khinh khủng đến với con người. Vì thế, hình tượng "Biển" ở đây của người viết, còn hơn là một điều gì chỉ có tính cụ thể như vừa kể. Con người, với tính nhân bản, không bao giờ chắc chắn sẽ hoàn thiện một mẫu người lý tưởng, một cuộc sống thiên đàng trên thế giới này; do đó, họ vẫn cứ đi mãi, phiêu lưu đi tìm một thế giới trong mộng ảo. Cuộc sống của một con người, có giới hạn, dù có sống qua 100 trăm năm, cũng đến thế mà thôi. Nhưng, vì mong ước đó, con người muốn và sẽ truyền cho các thế hệ nối tiếp, ước muốn của con người là, một cuộc sống an bình, thịnh vượng cho mọi người trên trần gian này!
Chúng ta sẽ cố gắng hết sức, truyền cho thế hệ kế tiếp, dù trong hay ngoài nước, tinh thần "Đi cho hết biển" vừa nói trên. Và chúng ta nên bền bĩ trong việc làm của mình, dù "...Ngay cả khi không có lá phiếu, người dân cũng cần nói rõ về xã hội mà mình muốn. Nói được cái mình muốn không hề dễ, nó khó hơn nhiều so với nói cái mình không muốn. Nếu không nói được cái mình muốn, nó sẽ không bao giờ xảy ra" (Ngô Bảo Châu)
Tôi muốn nói được cái mình muốn. Tôi không thể nói thay ai cả, kể cả những người ở trong nước. Nhưng, vì tôi đang ở nước ngoài, tôi sẽ cố gắng làm tròn công việc này, với khả năng có thể.
Đặng Quang Chính
24.12.2017
12:38