TƯỞNG NHỚ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH GIÁC LƯỢNG
TƯỞNG NHỚ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH GIÁC LƯỢNG Hôm nay 03.12.2020.
Đã ba ngày qua, từ khi Hòa Thượng Thích Giác Lượng đã thu thần viên tich, tôi như còn nghe giọng nói vui vẻ, ấm áp của HT vương lại, qua những lần trước đây tôi được tiếp chuyện với HT qua điện thoại. Với cảm tưởng đó, tôi ghi lại vài hàng như để tưởng nhớ một người thầy, trong tôn giáo và như một người anh cả trong gia đình văn học, nghệ thuật của người Việt tại hải ngoại. Tôi không muốn ghi nhận nơi đây như là bảng thành tich kể lại của HT và cũng không muốn để ý những thị phi -nếu có- về Hòa Thượng. Nhiều người đã ghi lại thành tích của Hòa Thượng, chẳng hạn như dưới đây: Hòa Thượng Thích Giác Lượng 1935-2020
Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới Do niên cao lạp trưởng, Trưởng lão Hòa thượng đã thu thần viên tịch lúc 09 giờ 00 phút tối ngày thứ hai 30 tháng 11 năm 2020 (Nhằm ngày 16 tháng 10 năm Canh Tý)
tại Pháp Duyên Tịnh Xá 1760 W. Ave, Fresno, CA. 93706-4600, Trụ Thế: 86 năm. Tên thật
Đinh Ngọc Thanh Sinh năm: 1935
Bút hiệu: Tuệ Đàm Tử
Pháp danh:
Thích Giác Lượng Sinh quán: Đập Đá, An Nhơn, Bình Định – Việt Nam
- Nhiều khóa trụ trì các Tịnh xá miền Trung Việt Nam
- Một trong bốn Trưởng toán Hành Đạo tại miền Trung VN.
- Trưởng ban Hoằng Pháp
Giáo Hội Đoàn Trung Phần 1970.
-
Trị Sự Trưởng, Trị Sự Đoàn GHTGKSVN. Giáo Đoàn III tại Trung Phần 1971 – đến khi vượt biên 1980.
-
Viện Trưởng Viện Hành Đạo GHPGTGKSTG (1993).
- Thành viên Hội Đồng Đại Diện kiêm
Phó Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN/HN/HK. Đặc trách
Vụ Xã Hội nhiệm kỳ 1992 – 1997.
- Phó Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, Đặc trách
Giải Trừ Pháp Nạn nhiệm kỳ 1997 – 2001.
- Chủ Nhiệm kiêm Chủ bút Đặc San và
Giai Phẩm Pháp Duyên 1983 – 1993, Chủ bút
tạp chí Nguồn Sống 1987 – 1991.
- Chủ trương
Nhà Xuất Bản Nguồn Sống từ năm 1988.
- Thành viên Ban Chỉ Đạo kiêm Chủ Tịch Điều Hành
Hội Đồng Hợp Tác Tôn Giáo Bắc Cali 1994 – 1995; 2000 – 2001.
- Chủ Tịch
Ủy Ban Quốc Tế Vận Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam.
- Chủ Tịch Phong Trào PG yểm trợ PGHH Quốc nội.
- Thành lập Trung Tâm Sinh Hoạt Phật Giáo - Pháp Duyên Tịnh Xá tại San Jose từ năm 1982 đến nay.
- Năm 2010 Pháp Duyên Tịnh Xá được dời về 1760 W. Ave, Fresno, CA. 93706-4600 – thuộc thành phố Fresno, Bắc California.
Trong
Điện Thư Phân Ưu Của Giáo Hội: Úc Châu – Âu Châu «…
Sự ra đi vĩnh viễn của Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Giác Lượng là một mất mát lớn lao cho môn đồ tứ chúng. Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới nói riêng và Phật Giáo Việt Nam nói chung. Cõi đời này đã mất đi một bậc xuất trần thượng sĩ, sứ giả Như Lai, nhà tranh đấu, giải trừ Pháp nạn, một nhà thơ lớn của Phật Giáo, đã tận tụy, cống hiến trong suốt 60 năm cho Đạo Pháp và Dân Tộc …» Rõ ràng, theo như trên, HT đã nhận lãnh nhiều chức vụ với trọng trách khá lớn. Ở vị trí nào cũng thế, điều quan trọng là người đó có thực hiện đầy đủ chức năng đó của mình hay không. Riêng với tôi, điều quan trọng trên, đã được Hòa Thượng hoàn tất với tất cả nhiệt tình. Với vai trò là thành viên Hội Đồng Đại Diện kiêm Phó Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN/HN/HK. Đặc trách Vụ Xã Hội nhiệm kỳ 1992 – 1997, HT đã tới lui như con thoi, đến những trại tị nạn tại Thái Lan, Singapour, Mã Lai..v..v... Chính vì thế, tôi đã biết đến HT, khi còn ở trong trại Pulau Bidong, Mã Lai. Mối tương ái như thế đã được kết nối chặt chẽ hơn, như HT đã viết: "...
Kế tiếp, những năm sau, Cộng đồng Phật Giáo Bắc Cali chúng tôi cho ấn hành đặc san Nguồn Sống, phổ biến định kỳ tam cá nguyệt, đồng thời thành lập nhà Xuất bản Nguồn Sống, in ấn nhiều tác phẩm Văn học, nghệ thuật, "Văn hòa Việt Nam, Văn hóa Phật Giáo mà nhà thơ chúng ta Đặng Quang Chính đã có một thời gian tiếp tay, nhận làm cơ sở phổ biến tác phầm và báo chí nói trên" (1)
Năm 2012, chúng tôi đến thăm là lúc HT đã đi hoằng pháp, xa Pháp Duyên Tịnh Xá. Nhưng, khi liên lạc được qua điện thoại, HT đã nhiệt tình nhờ trợ giúp của hai Thượng Tọa Giác Kiên và Giác Chơn, đưa chúng tôi viếng thăm nơi này chổ nọ. Tháng 07.2019, tôi trở lại thăm HT lần nữa. Chuyện bây giờ của tôi đúng là một công hai việc. Một năm trước đó, tôi hỏi thăm HT về việc in một tập thơ (2). Liên lạc qua điện thoại nhiều lần. Có lúc, tôi nghĩ rằng, HT đã quá lơ là với lời hứa, vì sự việc cứ như được lật qua lật lại, mà không thấy bước tiến nào trong công việc đó. Tháng 07.2019, tôi thăm HT và lưu lại Pháp Duyên Tịnh Xá gần cả tháng. Bấy giờ, gặp HT rồi, mới biết là suy nghĩ của mình trước đây không chính đáng lắm. Năm trước, 2018, HT bị giãi phẩu cột sống. Một người trên 80 tuổi, bị giãi phẩu cột sống, tưởng chừng mười phần sống, chết đến sáu bảy phần. Nghe thầy Giác Chơn thuật lại, mới biết HT xem như đã một lần thoát chết. Dù vậy, HT không quên lời hứa, giúp cá nhân tôi hoàn thành việc in tập thơ. Do đó, việc liên lạc không được ... hay công việc chưa tới đâu, phần nhiều do vấn đề sức khỏe.
Lần đầu, tập thơ do nhà in giao không được hoàn chỉnh lắm. Tôi chưa kịp trình bày ý riêng, HT đã tỏ thái độ không hài lòng. Kịp lúc thăm một chùa ở Nam Cali, HT ghé nhà in và quyết liệt yêu cầu bỏ hết những cuốn đã in, làm lại mới hoàn toàn. Nói nghe đơn giản. Thật ra, trước khi về Nam Cali, HT đã bỏ ra hai ba đêm, gọi điện thoại về San Jose, nhờ một kỹ sư vi tính, điều chỉnh những sai sót. Anh kia, đi làm ban ngày nên HT chỉ gọi được vào buổi tối. Hơn nữa, phải nhờ vào lúc nào để anh ta không quá bận rộn. Hòa Thượng, đứng không được lâu, ngồi không được lâu -sau khi giãi phẩu- ... mà phải chú tâm vào việc gọi điện thoại, nhắc sửa chổ này chổ kia. Có buổi làm việc đó đến khuya. Mệt cho cả HT và cho cả người muốn giúp đỡ Hòa Thượng!... Kể dài dòng như thế, để thấy HT giữ chữ tín đến như thế nào. Chứ dù có in một tập thơ này, hay năm ba tập thơ khác, bản thân HT và nhà XB Nguồn Sống cũng chẳng có thu nhập thêm chút lợi tức nào. Vì thế, đừng hỏi tại sao một số văn nhân, nghệ sĩ khác đã tìm đến HT. Trước khi nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật mất, anh ta cũng lưu tại Pháp Duyên Tịnh xá có đến dưới hoặc trên cả tháng. Nguyễn Hữu Nhật chắc cũng không phải là Phật tử của HT. Tôi không khác. Nhưng do cách ứng xử của HT, tôi xem HT như là vị thầy tôn giáo của mình. Tiếc là trong tháng lưu lại tại Pháp Duyên Tịnh Xá, việc hàn huyên thầy trò không nhiều và đủ lâu. Thời gian không đủ, vì HT, dù đã hồi phục sau giãi phẫu, nhưng sức khỏe không ổn định lắm. HT đi với loại xe tay, có bánh lăn. Đi khoảng cách xa, HT phải ngồi trên xe, nhờ người phụ, đẩy đi. Thời gian không đủ vì thỉnh thoảng HT đi việc Phật sự. Hơn nữa, chuyện liên quan đến văn học, nghệ thuật ... xen lẫn với cuộc đời hành đạo và đấu tranh cho Cộng đồng, đâu chỉ có thể trao đổi trong vài ba, tuần.
Dù trao đổi không nhiều, nhưng những trao đổi trong lãnh vực văn hóa, nghệ thuật đã soi sáng nơi tôi vài điều mới lạ. Đối với tôi, HT như người anh cả trong lãnh vực văn chương, đưa ra những lời khuyên chân tình, mộc mạc. Trong những lần trao đổi đó, có hai điều được xem như mong ước của Hòa Thượng. Một, được xem như là ước muốn cuối trong cuộc đời. Hòa Thượng mong hoàn thành việc xây dựng Pháp Duyện Tịnh xá, để trở thành một Trung tâm sinh hoạt Phật Giáo, lớn nhất nước Mỹ. Mong muốn thứ hai, là mong tôi đi vào con đường tu học, tiếp nối con đường của Hòa Thượng. Mong muốn thứ nhất có chiều hướng trở thành một việc "lực bất tòng tâm". HT đã cao tuổi. Hơn nữa, lại bệnh đau -chưa liệt giường là may rồi-. Mong muốn thứ hai cũng không khác lắm. Nếu có học đạo, tôi chỉ có thể ở vai trò cư sĩ. Hòa Thượng đã đóng góp công sức cho Cộng đồng là bao mà cũng chưa hẳn được mọi người nhận thấy. Thật ra, khi các vị cao tăng bận tâm việc thế sự (3) -không nói đến tham gia chính trị- cũng là mục tiêu công kích của bọn ma đạo rồi. Vì thế, ở vai trò cư sĩ, có thể tôi sẽ có cơ hội đóng góp thuận lợi hơn cho việc chung. Do đó, như tôi nói ở trên, tôi viết để tưởng nhớ đến HT, chứ không màng để ý những thị phi -nếu có- về Hòa Thượng. Năm nay, tôi đã định thăm HT lần nữa. Có gì tốt hơn khi một cư sĩ có thể tiếp cận, để học hỏi những điều hay, lẽ phải từ các bậc tôn túc. Nhất là các vị đã gắn bó suốt cuộc đời của mình để phụng sự đạo pháp, đã dấn thân vào các công cuộc có ích cho đồng bào và đất nước. Nhưng, hơn 80 năm đã qua, cỗ xe tứ đại cũng đã mỏi mòn, thuận theo quy luật của vũ trụ tạo hóa, các ngài phải trả lại xác phàm nơi trần thế (4). Hòa Thượng đã ra đi, nhưng công đức đó, mọi người con Phật, sẽ cố gắng duy trì. Tinh thần nhập thế của ngài sẽ được mọi cư sĩ hay là những vị đã xuất gia, tinh tấn tu tập, để đạo Phật được luôn ngời sáng nơi trời Âu Mỹ. Nam mô A Di Dà Phật Đặng Quang Chính 03.12.2020
15:45
(1) Đặng Quang Chính, "Giòng sông quê hương", NXB Nguồn Sống, California, Hoa Kỳ, 2019
(2) Hòa Thựơng chủ trương nhà XB Nguồn Sống từ năm 1988.
(3) - Phó Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, Đặc trách
Giải Trừ Pháp Nạn nhiệm kỳ 1997 – 2001.
- Chủ Tịch Phong Trào PG yểm trợ PGHH Quốc nội.
(4)
TRANG CHỦ - Như Lai Thiền Tự - Nhu Lai Meditation Temple (nhulaithientu.net) Theo lịch trình: -
Lễ Nhập Kim Quan: 10:00 giờ sáng Thứ Năm 10 tháng 12 năm 2020.
-
Lễ Viếng: suốt 3 ngày 10-11-12 tháng 12 năm 2020.
-
Lễ Cung Tống Kim Quan đến Đài Trà Tỳ: 11:00 sáng-1:00 trưa Thứ Bảy 12 tháng 12 năm 2020 (Evergreen Cemetery: 6450 Camden Street Oakland CA
<bài viết được chỉnh sửa lúc 09.02.2021 05:12:05 bởi Thanh Vân >