Thầy giáo cũ của tôi
Trần Huy Phụng 29.05.2012 18:08:56 (permalink)

Thày giáo cũ của tôi

Tối nay tôi đang ngồi xem Truyền hình, và thỉnh thoảng tôi lại nghe người dẫn chương trình phát âm "pi", "ti", "đắp bờ lờ viu" ...bỗng nhiên tôi lại nhớ đến thày giáo cũ của tôi...Đó là Thày Tự, dạy lớp "nhì 1" , năm 1943..
Trước năm 1945, nước ta còn là thuộc địa của Pháp. Tiếng Pháp được dạy từ bậc Tiểu học trở lên. Ở Hà nội cũng như các thành phố, tỉnh lỵ khác, các cửa hàng thường trưng bảng hiệu bằng tiếng Pháp. Nhiều thanh niên muốn ra vẻ ta đây, nhất là khi ở gần "bóng hồng" thường nói tiếng ta xen lẫn tiếng tây, nghĩa là "moa", "toa", lúy" nhặng xị cả lên, chỉ có điều khá nhiều người phát âm cũng như sử dụng từ không chuẩn. Những kiểu nói như vậy được xã hội đặt cho cái tên là "tiếng tây bồi". Bồi là những người giúp việc trong các gia đình người Pháp. Họ không được học tiếng Pháp ở trường mà chỉ học lỏm những từ riêng lẻ rồi ghép lại. Thế mà những ông chủ tây cũng hiểu họ nói gì..
Hồi đó có khá nhiều câu chuyện tiếu lâm về "tiếng tây bồi" này, chẳng hạn như chuyện sau đây :
Chúng ta thường dùng cụm từ "nhà tôi" để chỉ vợ hoặc chồng mình. Tương truyền rằng, một hôm, anh bồi giúp việc cho một gia đình người Pháp, có cô vợ lên thăm. Anh ta giới thiệu vợ mình cho ông chủ như thế này " Me sừ, se ma me zông" (Monsieur, c'est ma maison ". Ý anh ta định nói : thưa ông đây là "nhà tôi", nhưng anh ta không hiểu "ma maison" nghĩa là "cái nhà của tôi". Ông chủ trố mắt nhưng rồi cũng hiểu ra. Người ta gọi cái thứ tiếng tây như thế gọi là "tiếng tây bồi"
Sau đây là mấy câu chuyện tiếu lâm về "tiếng tây bồi " :
Chuyện thứ nhất : Có 1 anh bếp đang rán món " bí tết". Khi anh cầm cái chảo hất lên để lật miếng bí tết thì chẳng may, miến bì tết rơi xuống đất. Đúng lúc đó có tiếng giày cồm cộp của ông chủ đi vào bếp, anh bếp vội vã nhắt lên bỏ vào chảo rồi tiếp tục rán xèo xèo. Ông chủ không biết chuyện này, nhưng anh bồi bạn anh bếp đang lau chùi ở đó thì biết. Anh ta đã kể cho người bạn cũng là bồi câu chuyện trên như thế này : " bí tết tòm bê la te, me sừ cồm cộp lúy phe sèo sèo " nếu viết thành chự sẽ như thế này " bifteck tomber la terre , monsieur "cồm cộp" lui faire "sèo sèo " trong đó bifteck là món bí tết), tomber là rơi , la terre là đất, monsieur là Ông, lui làhắn, faire là làm) ..
Chuyện thứ hai. :Có một anh bồi theo chủ đi săn trong rừng. Bất ngờ bồi ta trông thấy con hổ. Anh ta không biết tiếng Pháp từ "con hổ" gọi là gì, nhưng anh ta vẫn níu áo ông chủ rồi thì thào " Me sừ, lúy com mờ bớp, lúy ne pa bớp, lúy măng giê bớp, lúy măng giê moa, lúy mang giê toa" ( me sừ = monsieur = thưa ông, lúy = lui = nó , ne pa = n'est pas = không là, bớp = boeuf = con bò, măng giê = manger = ăn , moa = moi = tôi, toa = toi = ông.)
Chuyện thứ ba : đây là một câu đố theo kiểu câu đố dân gian của ta :
" Me giông tê hát vòng tròn, đầu đội nón dấu, tay cầm ba toong " là cái gì ?
Giải : Me giông (maison) nghĩa là cái nhà, ở đây nghĩa là " Nhà ", tê là chữ t, hát là chữ h, vòng tròn là chữ o, chữ 0 đội nón dấu, cầm ba toong là chữ ổ. Vậy nghĩa là "Nhà thổ"
Bây giờ nói về thầy giáo của chúng tôi
Thày dạy chúng tôi rất cẩn thận, chu đáo từng môn học một, môn toán, môn khoa học, môn sử, địa, và không bao giờ tôi quên những giờ học Quốc văn và Pháp văn.
Môn Quốc văn cũng như Pháp văn, không những phải viết đúng chính tả, viết đúng văn phạm, bỏ dấu chấm, dấu phẩy mà còn phải phát âm đúng từng chữ khi phải đánh vần. Chẳng hạn trong tiếng Việt khi đánh vần chữ e đọc là "e", chữ u đọc là "u", chữ q đọc là "cu".chữ w đọc là "v kép", trong tiếng Pháp khi đánh vần chữ e đọc là "ơ", chữ u đọc là "uy", chữ q đọc là "quy" , chữ w đôc là "v đúp". Nếu đánh vần sai, thầy bắt đánh vần lại, nếu lại sai, lại đánh vần lại, sai lần thứ ba thì xòe tay ra, thầy đánh vào đấy đủ 3 thước kẻ rồi thầy đọc mẫu và nhắc lại 3 lần. Thầy gọi cái kiểu đọc sai như thế, bất cứ là tiếng Việt hay tiếng Pháp, là : tiếng tây bồi"
Và cứ mỗi khi nhớ lại Thầy là tôi lại nhớ đến bài luận quốc văn mà thày cho về nhà làm có đầu đề : " Em hãy tả em anh đang học bài vào một buổi tối trong gia đình".
Trong lớp có bạn làm bài rất hay, bạn ấy tả lại quang cảnh buổi tối trong gia đình có cả cha, mẹ, anh, chị em quây quần :, ai làm việc nấy rất ngằn gọn chỉ có 1 câu, còn tất cả dành tả cô em gái đang học lớp vỡ lòng đầu tiên. Em thật dễ thương, ngoan ngoãn, chăm học, tiếng học bài thánh thót của em làm cho cả nhà lặng đi ...v.v.Thầy cho bài này 8 điểm, là điểm cao nhất của lớp lần đó. Thầy chỉ ra những từ vừa chính xác vừa gợi cảm, những câu văn ngắn, gọn, đặc sắc, thày đưa bài và yêu cầu bạn ấy đọc cho cả lớp cũng nghe. Mấy câu đầu bạn còn run run, nhưng tiếp đó bạn tự tin, đọc gãy gọn , âm điệu lên xuống rất gợi cảm Nhưng đến câu " Em tôi ngân nga thánh thót đánh vần từng nguyên âm " a, á , ớ " đến "e, ê . uy, ư ...thì một tiếng quát vang lên " Thôi, !!! ". Cả lớp giật mình nhưng vẫn chưa hiểu..
Thầy bắt đọc lại câu đó. Lần này lại " uy " , " ư". Lại một tiếng quát " thôi ". Lần này thì chúng tôi đã hiểu. Thầy đến lấy lại bài văn, mang lên bàn thấy, lấy bút phê vào, thầy đứng lên, đọc chậm lới phê cho cả lớp nghe : Bài văn viết khá, sử dụng từ chính xác, có hồn, câu văn mạch lạc, ngắn gọn, không rườm rà, đáng 8 điểm, nhưng đọc theo ngôn ngữ " tây bồi " nên trừ đi 3 điểm.
Đó là chuyện cũ nhớ lại từ hồi xa xưa của tôi. Còn bây giờ, sau nhiều năm đổi mới, các cửa hàng, cửa hiệu tràn ngập tiếng Anh. Các trường học tiếng Anh mọc lên như nấm, từ người lớn đến con nít đua nhau học tiếng Anh. Cái từ "Ô kê" đã thay cho "uẩy" ngày xưa. Các bạn trẻ bây giờ cũng sính nói pha trộn tiếng Anh lẫn tiếng Việt như thời còn là thuộc địa của Pháp, pha trộn tiếng Pháp với tiếng Việt vậy..
Một hôm tôi đang đi bộ trên đường Hai Bà Trưng, bất ngờ nghe tiếng " Này, nhìn kìa, taxi girl !!!". Tôi quay lại, thấy mất em học sinh, chắc học cấp hai, đang chỉ chiếc xe taxi vì kẹt xe đang nổ máy đứng chờ, người lái xe là một phụ nữ.. Tôi hỏi em học sinh vừa nói :"cháu vừa nói tiếng nước ngoài nghĩa là gì thế ? " em đó nhìn tôi rồi hồn nhiên trả lời "cháu nói người lái taxi là con gái !!! ". Ngẫm nghĩ một lát rồi tôi nói " Cháu vể hỏi lại thày giáo cháu xem, hồi xưa khi ông học tiếng Anh từ "taxi girl" hình như có nghĩa là gái điếm thì phải
Và tối tối mở Truyền hình tôi vẫn thường được nghe riết tiếng người dẫn chương trình hoặc sang sảng, hoặc véo von "pi", "ti", "đắp bờ lờ viu"... trên các kênh chính thống quốc gia .
Thế hệ bây giờ giỏi hơn chúng tôi rất nhiều , những Tiến sĩ, Thạc sĩ, Giáo sư nhiểu không thể đếm được, chả bù ngày xưa, tổng nào chỉ có 1 người đỗ bằng Sơ học yếu lược, tương đương với lớp ba tiểu học bây giờ là vinh hạnh lắm rồi. Bằng tú tài (hết Trung hoc) là là điều kiện để lấy vợ con nhà giàu.còn nói đến bằng đại học thì quả là xa vời
Chú thích :
Trước năm 1945, bậc tiểu học của Việt Nam học 6 năm, có cách gọi tên lớp ngược với bây giờ : đầu tiên là lớp Năm (enfantin), rồi đến lớp Tư (préparatoire), lớp Ba (Élémentaire), lớp nhì 1 (moyen 1), lớp nhì 2 (moyen 2) và lớp Nhất (Supérieur) .
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.05.2012 16:38:39 bởi Ct.Ly >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9