Khải Nguyên HT
-
Số bài
:
270
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 28.01.2009
- Nơi: Hải Phòng - Việt Nam
|
TỘI LỖI NGUYÊN THUỶ, truyện ngắn
-
04.06.2012 12:06:02
Tội lỗi nguyên thủy -truyện ngắn- Bấy giờ là vào đầu năm 1973. Giám đốc Sở tức tốc đi xe com-măng-ca về nơi trường cấp ba sơ tán. Khốn kiếp! Đang lúc hiệp định Pa-ri thắng lợi to như thế; toàn sở đang bấn lên lo chuyển cơ quan về nội thành! Các anh đã họp bộ tứ chưa? Đã họp thường vụ chưa? Giải quyết cho gọn. Đừng làm rùm lên! Sao cho các anh lãnh đạo trên đỡ bận tâm. Nhưng không được xuê xoa! Nghệ thuật nghệ thiếc gì? Đồi trụy! Tư tưởng đồi trụy! Sinh hoạt đồi trụy! Tội nợ là ở bức tranh. Ở tác giả của nó chứ! Cái tay họa sĩ nửa mùa kia. Cái anh giáo văn ngông nghênh dám múa bút vẽ kia. Giáo Tân à? Ngộ nhỉ! Anh ta nom chẳng có dáng một giáo viên văn học, nhưng lại có mẽ nghệ sĩ kia đấy! Cao, to xương, da nâu, trán dô, cằm bạnh đen những ria. Ăn thì vào cỡ ngoại ngạch: với muối trắng không thôi có thể "xực" một lúc bốn suất cơm nhà ăn tập thể. Nói thì bỗ bã. Ai đời trong một buổi đào hầm phòng không, anh ta bảo một cô giáo vừa trẻ, vừa xinh, chưa mấy quen thân: "Chị cứ nghỉ cho khỏe dành sức chiều "phụ đạo" học sinh. Tôi sẽ đào luôn cho chị, đảm bảo vừa vặn kích thước chị nằm thoải mái, kể cả áo quan". Mặc thì… nói khó tin. Anh ta có một chiếc quần màu xanh; một miếng vá cỡ nửa mặt bao diêm cũng màu xanh nhưng nhẵn một cách khả nghi, và sau mỗi lần giặt lại có vẻ mới ra. Giới tọc mạch phát hiện ngay: dán giấy tô mực, trời ạ! Có chị giáo viên cám cảnh mới đề nghị vá hộ, nhưng anh chàng cảm ơn và cứ lần lữa. Làm thì… Để có thực tế cho việc phân tích đoạn văn tả người kéo cày thay trâu, thầy giáo ta mới rủ một học sinh đến tán một nông dân chịu cho hai thầy trò được è cổ thay trâu một buổi trên mảnh ruộng phần trăm. Đúng là gàn nòi, ít ra cũng đã có lí lịch từ đời ông bố. Hôm hắn ta sắp lọt lòng mẹ, ông bố đang chơi cờ ở nhà một người bạn. Được báo vợ đang chuyển dạ ở nhà, ông ta phẩy tay: "Chờ tí! Đang dở ván cờ!". Nếu ông bạn không xóa ván cờ đi thì cơ sự chưa biết sẽ ra sao: thằng bé chui ngược - Ngược! Âu cũng là cái "nghiệp" của đời hắn chăng? Các vị có trọng trách hoặc có vai vế trong trường đều dè dặt khi nói đến anh ta, dè dặt một cách hạ cố. Khi phân các giáo viên về ở nhờ nhà dân, các vị cứ lo lo. Ngữ này mà sống chung với nông dân thì "ngon" làm mất uy tín nhà trường lắm. Thôi, ưu tiên hắn được ở nhà một ông cụ đang sống một mình. Chủ nhà dành hẳn cho một buồng riêng biệt. Ông cụ ban ngày đi trông coi ao hợp tác, tối về cơm nước xong là đi ngủ. Vậy là rảnh nhé! - Các vị cứ nghĩ theo kiểu chính thống nên cho là vậy, chứ Tân chẳng cần đến những quan tâm bề trên ấy đâu. Ngay tối đầu, anh và chủ nhà đã trải chiếu ngoài sân ngồi uống chè, ngắm trăng, chuyện trò tới khuya… - Ờ, ngày đầu chủ nhà xã giao chứ gì. Biết rồi! Biết rồi! Mà không chừng hắn ta "phượu" mấy bài thơ tủ với ông già. Nghe đâu ông này cũng sính thơ, loại "con cóc" hoặc "Bút Tre" ấy mà. May phúc hắn, đắc địa đó. - Tôi thì không gần gũi anh ta mà cũng không hợp tính nhau. Nhưng nghe chuyện chị Cam, nhà cạnh nơi Tân trọ, thì tôi thấy mình không làm được như thế. Chị Cam có chồng đi chiến đấu xa. Chị không ưng gửi hai con cho nhà trẻ và lớp mẫu giáo nên hợp tác xã khoán cho chị những việc lẻ để có thể tùy nghi mà làm. Thường khi đi làm, chị giao đứa nhỏ lên hai cho đứa nhớn lên năm trông; thỉnh thoảng chị đảo về thăm chừng. Bữa đó, chị ta đi làm cỏ khoai xa nhà. Vào giữa buổi, chẳng hiểu vì sao đứa em khóc thét lên. Đứa chị dỗ mãi không được cũng khóc nốt. Tân đang soạn bài bèn chạy sang. Anh ta trổ tài dỗ cũng không xong, mới hỏi đường ra chỗ người mẹ, bảo: "Các cháu đang khóc quấy, chị về xem sao. Để cuốc đấy, tôi trông cho". Chị Cam mãi đến gần trưa mới ra làm tiếp được thì thấy… thầy giáo nhà ta đang cởi trần vun luống khoai và công việc sắp xong. Tân lân la thăm nhà trẻ và lớp mẫu giáo địa phương. Anh ta thu xếp thì giờ sang chơi với hai đứa bé. Thế nào mà được ít lâu sau người mẹ vừa vui vừa lạ lùng bảo: "Sao chú khéo dạy trẻ thế?". Anh ta cười: "Tôi học lỏm các chị giữ trẻ và dạy mẫu giáo đấy". Chị Cam lắc đầu hồ nghi: "Chú nói thế chứ các cô ấy cũng ba vạ lắm". "Tại chị không tìm hiểu đấy thôi. Cứ mạnh dạn tin người ta, có gì thì đi lại thân mật trao đổi, góp ý". Chưa hẳn người mẹ đã nghe ra, nhưng có lẽ nể Tân chị ta đã cho con đến nhà trẻ và lớp mẫu giáo. Vậy đó. - Hắn ta chúa thích chơi trội. Lắm khi chỉ lăng xăng mà được tiếng thơm đáo để. Đúng như nhận định của trên, của lãnh đạo, cả của tập thể: "thích nổi, hay đánh lẻ; yêng hùng cá nhân chủ nghĩa". Không thích chơi trội mà ra cái điều ta đây hay vẽ! Học vẽ bao giờ? ở đâu? được mấy ngày? Được tí tiền lương, nếu không dốc hết ra mua sách học ngoại ngữ, sách hội họa Tây, Tàu thì cũng sắm vật liệu vẽ. Hôm bức vẽ "Cô gái hé cửa" đến tai lãnh đạo, -bức vẽ mới tởm chứ, thế mà dám đặt tên là Sắc đời!-, các anh đã nhắc nhở rồi. Vẽ con gái gì mà đứng kín kín hở hở sau cửa; rình không ra rình, chờ không ra chờ, như gọi, như ve, đến là khêu gợi. Khéo mà sa vào lãng mạn suy đồi. Y như rằng! (Những người phán những lời trên hẳn chẳng biết rằng bức tranh ấy sau đó được đem bày ở một cuộc triển lãm tại Thủ đô và được giải B). * * * Tai vạ khởi đầu tự bức vẽ mà cô giáo Thìn tầm được đem khoe. Thìn là người mà Tân đã có "nhã ý" đào hộ cái "huyệt" hồi đầu năm học. Chị cũng dạy văn, hơn Tân vài tuổi và đã có chồng. Khi đã quen thân, chị đôi khi gọi Tân bằng "chú". Hai người hợp nhau vì cùng cảm thấy khốn khổ bởi cái xiềng sách giáo khoa. Họ cũng gặp nhau ở quan niệm "chuyện văn nghệ, có biết cảm mới thật là hiểu. Chỉ nắm lí luận không thôi thì không nên dạy văn". Bức vẽ - gọi theo lối cố ý bôi bác, chứ đích thị là một bức tranh - là phiên bản của một bức tranh cổ kể chuyện bà E-va đang hứng chịu cơn thịnh nộ của Thượng đế vì đã xui chồng ăn trái cấm. Cặp vợ-chồng-thủy-tổ-loài-người vốn vẫn sống nhởn nhơ trong vườn Địa-đàng chẳng hề biết đến áo quần là gì. Thế mà lần ấy đấng Toàn-năng đến, hai vị đâm ra luống cuống chẳng biết giấu tấm thân lõa lồ vào đâu, bèn nép vào sau cây. Ngài hiểu ngay là họ đã phạm điều cấm kị: cắn vào quả "khôn". - Tài thật! Lột được cái vẻ thẹn thùng, vừa ăn năn, vừa kinh hãi - Thìn tấm tắc. Chị vốn là tín đồ đạo Cơ-đốc, nhưng không mấy ngoan đạo. - Theo tôi thì bức tranh này sai căn bản về quan điểm - Tân quả quyết - Giả dụ buổi sơ khai của loài người đúng như kinh thánh đã nói thì nếu không có tội-nguyên-thủy của bà E-va, nhân loại đến tận bây giờ vẫn còn ở vườn Địa-đàng sống giữa cầm thú và như cầm thú với phương thức hái lượm, hoàn toàn theo bản năng. Kể cũng hay! Phát lộ nhân tính đầu tiên lại là sự xấu hổ. Người ta nói con người có "thất tình" - bảy thứ tình: hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục. Nhưng ai dám bảo cầm thú không có những thứ "tình" ấy? Khác nhau là về trình độ và biểu hiện. Duy điều rõ ràng là cầm thú không biết xấu hổ. Có thoát kiếp thú vật mới khám phá ra rằng ở truồng là khó coi! Kinh thánh vô tình mà thâm đấy chứ! Cái xấu hổ nguyên sơ ấy là một đột phá tình-ý người, một đột phá ý thức, báo hiệu con người bắt đầu thoát vòng mông muội, - đáng để "bị đuổi" khỏi vườn Địa-đàng. Cần xem lại cái tội "tổ tông" ấy của loài người. Bà E-va trong bức tranh này nom tội nghiệp quá! Tôi sẽ vẽ lại. Chị Thìn làm mẫu cho tôi nhé. Khuôn mặt chị rất hợp. - Ấy chết! - Thìn giẫy nẩy - Để vẽ và E-va ấy à? Chịu thôi. Hoành, bạn của cả hai, nghe thủng chuyện phá lên cười: - Hay đấy! E-va và A-đam không một mảnh lá che thân. Tân từ tốn nói, trái với thói quen bô bô của anh: - Không, tôi chỉ nhờ bộ mặt thôi, còn thì tôi phải vẽ mò chứ. - Nhất định không! - Thìn bặm môi - Anh tưởng là chuyện đùa à? Đúng là chẳng phải chuyện đùa. Nó đã trở thành nỗi ám ảnh đối với chị. Ám ảnh trong giấc ngủ. Ám ảnh cả khi đang giảng bài trên lớp. Lòng yêu nghệ thuật và trí tò mò không để chị yên. Và… cô gái nào, dẫu khiêm nhường đến đâu, được người ta đề nghị vẽ mình mà chẳng "hởi dạ" tí tỉnh? Song, chị dù sao cũng mang tính số đông phụ nữ Việt Nam; chị lại là cô giáo. Làm sao thiên hạ có thể tin rằng người đàn bà trần truồng trong tranh mang khuôn mặt chị lại không phải là chị? Tân cam đoan rằng chỉ vẽ thể nghiệm không trưng ra ngoài. Thuyết phục mãi rồi Tân cũng có được "cô người mẫu" bất đắc dĩ. Xưởng vẽ là gian buồng anh đang ở nhờ. Anh để ra một tháng phác thảo bố cục bức tranh mà anh định đặt tên là Tội lỗi nguyên thủy. Chuẩn bị chu đáo để chỉ phải nhờ "bộ mặt mẫu" một sáng chủ nhật thôi. Tạm hài lòng về khuôn mặt bà E-va, Tân dồn sức "sáng tạo" những phần còn lại của nữ nhân vật. Bây giờ thì chính người mẫu nóng lòng muốn được thấy bức tranh hoàn thành. Nhưng thời gian cứ trôi. Thìn không còn đọc thấy trên mặt chàng nghệ sĩ vườn của chúng ta những nét phấn khích nữa. Thay vào đó là nét ủ dột bàng bạc, đôi khi ảm đạm. Một lần, không nhịn được chị vờ hỏi: - Sao chẳng thấy chú Tân vẽ phong cảnh nữa nhỉ? Câu trả lời lạc đề, nhưng đúng như ý Thìn chờ đợi: - Tôi làm hỏng mất bức tranh dự định rồi chị ạ. Trí tưởng tượng của tôi quá tồi. Song ngay cả các họa sĩ bậc thầy thế giới xưa nay vẽ tranh khỏa thân cũng đều phải cần tới người mẫu. Có cái gì đó toát ra như cái hơi tuyệt vọng từ giọng nói và trên vẻ mặt của Tân khiến Thìn phải lảng chuyện. Đồng nghiệp và học trò thấy Tân vẫn vậy, chỉ có Thìn là nhìn ra, hoặc đoán ra, cái sắc diện rầu rĩ tiềm ẩn. Sáng chủ nhật ấy, Tân lại giở bức vẽ dở dang ra nhìn ngắm. anh đã vẽ lại lần thứ năm. Anh khổ tâm vì thấy như mình phản lại mình. Bà E-va và ông A-đam đứng chịu tội trước Chúa Trời phải là… không với dáng nhẫn nhục, hối hận càng không, mà là hổ thẹn - hổ thẹn chứ không phải e thẹn! Trong nỗi hổ thẹn ấy có sự ngỡ ngàng trước nhận thức mới mẻ là sự trần truồng và trần trụi về xác và hồn, có sự chịu đựng đớn đau, có sự thôi thúc vươn dậy. Đó là nỗi hổ thẹn của niềm tự hào làm Người - cái biểu hiện vĩ đại nguyên thủy của sự đương đầu mà nhân loại sẽ phải trải. Thần thái ấy của bà E-va, người "đầu têu" trong tội-lỗi-nguyên-thủy, không chỉ thể hiện trên nét mặt mà phải tỏa ra từ toàn tấm thân trinh trắng hoàn mĩ chính Thượng đế đã tạo tác. Chỉ riêng động tác lấy tay kéo lá che thân cũng là một biểu hiện. Phần thân thể Tân vẽ chắp vào đã làm hỏng bộ mặt mà anh đã phần nào đắc ý. Nhân vật trung tâm này mà vẽ hỏng thì bức tranh có xong cũng chẳng ra cái nghĩa lí gì. Dù anh thể hiện được nét bối rối lẫn trong vẻ thịnh nộ của Chúa thì hình tượng này cũng sẽ lạc lõng, nếu không là vô duyên. Tân ôm đầu, mấy ngón tay bấu vào tóc như muốn rút ra. Bỗng anh giật tờ giấy khỏi giá vẽ quẳng vào góc nhà. Anh xoay người và thấy có ai đứng nơi cửa ra vào. Anh chưa nhận ra ngay là Thìn. Chị đến từ nãy. Lúc này nhìn mắt bạn, chị thoáng lo ngại. * * * Trong hội đồng nhà trường xôn xao những lời bàn tán và lên án. Gớm thật! Dám vẽ tranh khỏa thân! Đâu như chính cô giáo ta chủ động. Nghe mà hãi, hơn cả trường hợp bà E-va phạm tội. Thời bà E-va, Thượng đế là duy nhất. Thời nay, "Thượng đế" lại nhiều không chỉ vì "nhân dân là chủ". Những ông "đầy tớ dân" còn "thượng đế" hơn cả Thượng đế, thực sự và chánh hiệu. Bức tranh vẽ xong, Tân tặng luôn cho Thìn. Và chị đã đưa vào bộ sưu tập tranh nho nhỏ của mình; bộ sưu tập vẫn cất kín trong rương, bởi chồng chị, một cán bộ có xe con đưa đón, không muốn ngó thấy vì chúng "không có tính tư tưởng". Vậy mà tin vẫn lộ ra. Khó hiểu mà cũng dễ hiểu, với cái thời buổi này! Bà thư kí công đoàn nhìn Thìn với vẻ mặt cảm thông, rồi nhẹ giọng như chị nói với em, như mẹ bảo con: - Em ạ, nữ giới mình vốn hay thương người nên dễ nhẹ dạ, lắm khi lại như bị ma khiến, quỉ xui. Chị cho rằng trong việc này em không có lỗi, à có lỗi tí ti thôi. Chẳng qua là nạn nhân của một sự tán tỉnh dụ dỗ. Thìn đã hơi cảm động trước thái độ của một người vốn nổi tiếng là sắc mắc, nghe đến câu cuối, chị thấy nhột: Sao mà đúng giọng ông chồng mình thế! - Thưa chị, em tuy non nớt, nhưng những gì đụng đến nhân cách thì em không nhẹ dạ đâu. Chẳng ai dụ dỗ được em cả. - Thế chuyện không mặc quần áo để cho chú Tân vẽ là có thật chứ? - Vâng. - Tại sao em lại làm như vậy? Tại sao mình lại làm như vậy nhỉ? Lúc đó, mắt Tân vằn lên và như loáng nước. Mình ngỡ anh ta phát điên. Nét buồn đau sâu sắc trong mắt anh ta làm mủi lòng hơn mọi lời thỉnh cầu. Mà vì cái gì kia chứ? Vì một ý đồ nghệ thuật không tồi. Mình đã giao hẹn chỉ để vẽ nửa người phần trên, rồi có phải là "ma xui, quỉ khiến" không khi mình thấy Tân quẳng bút cúi đầu bất lực sau khi đã thay luôn mấy tờ giấy vẽ? - Em chẳng biết nói sao đây. Có cái gì đấy lớn hơn những suy nghĩ tầm thường của em đã xui khiến… Bà công đoàn cười nhạt: - Cái lớn hơn sự tầm thường lại xui làm việc tầm thường, dưới mức tầm thường nữa kia. - Em không nghĩ vậy. - Cô không nghe người ta đồn đại những gì à? - Không, em không nghe. - Họ nói tôi nghe đầy cả lỗ tai. Bà kéo dài giọng - À, bà E-va ngày xưa gây tội tổ tông, bà E-va thời nay mắc tội hủ hóa. Họ còn mô tả những chuyện khiếp lên được ấy. - Lời đồn đại có cái đúng, có cái sai. Nếu tin cả vào lời đồn thì chị cũng như em khó mà ngóc đầu lên được. Bà công đoàn bèn từ từ đỏ mặt. Ngày trước, bà đã từng bị người ta đồn rằng: trong một chuyến đi vinh dự đến một nước bạn, bà đã để cho trưởng đoàn mặc đồ ngủ vào phòng riêng lúc đêm khuya. Vụ đồn thổi được dập tắt. Người ta nghiêm chỉnh tuyên bố: "Ai nói lung tung làm mất uy tín đồng chí chủ tịch thành phố, kẻ đó chịu trách nhiệm!". Do vậy, bước đường thăng tiến của bà êm ru. Hiện tại, cái ghế hiệu trưởng một trường phổ thông đang ở trong tầm tay bà. Bà công đoàn đã nhếch cười, lại trở lại cái giọng "chua - ngọt" quen thuộc: - Hôm trước, anh bí thư nhận định trong cuộc họp bộ tứ rằng lời trình bày của anh Tân rất vô lí. Suốt mấy giờ đằng đẵng trong một phòng vắng với một người phụ nữ chỉ để làm nghệ thuật nghe đã khó lọt tai, huống hồ đây lại bày ra đấy. Chị em mình với nhau, chị thông cảm với em, đàn bà chúng ta thường là bị động. - Chẳng phải ai cũng như ai đâu, chị ạ. Tin hay không tin là quyền người ta. Còn hôm ấy, chú Tân thì mải vẽ, em thì mải đọc cuốn "Chiến tranh và hòa bình" của Tôn-xtôi - Thìn nói nhỏ nhẹ, nhưng thâm tâm chị muốn thét to lên: "Đúng! Tôi có xốn xang, tôi có nghĩ vẩn vơ khi nhớ đến ông chồng tôi. "Dạy văn, em phải nhớ rằng văn chỉ để tải tư tưởng chính trị. Văn nghệ ma giáo lắm. Chúng chỉ là những thứ hoa hòe trong nhu cầu văn hóa của nhân dân". Ông ấy chỉ có mỗi say mê là được bắt tay các ông bự và răn dạy, uốn nắn người khác. Tôi không thể không so sánh hai con người, không "giá mà…". May mà tôi vớ được cuốn tiểu thuyết rất hấp dẫn. Đấy! Các người cứ buộc tội tôi đi! Đừng hành hạ chú Tân nữa". Đánh lẻ không được, họp hẹp không xong, phải đưa ra "khoáng đại hội nghị công đoàn". Cuộc họp kéo dài tới khuya. Những người "tôi có ý kiến" không nhiều, nhưng được cái là không lúc nào ngớt, khiến chủ tọa phải gạn, phải gợi. Nhiều ý kiến hùng hồn đụng đến cả những chuyện không trực tiếp liên quan đến "tội lỗi" đang được xét. Có đến mấy ý kiến xoáy vào động cơ học tiếng Anh của Tân. Giàu tính thuyết phục hơn cả là ý kiến của hiệu trưởng. - Anh Tân không thực thà, thiếu thành khẩn - Thủ trưởng không "đồng chí Tân" như lúc đầu cuộc họp nữa - Động cơ nào? Tư tưởng nào chi phối? Anh nói rằng anh muốn phản bác quan điểm của một bức tranh về bà E-va. Nhưng, một là bà E-va là ai? (Có tiếng nói leo từ một góc phòng họp: "Bà E-va và ông A-đam là thủy tổ loài người, theo kinh thánh đạo Cơ-đốc"). Hừ! Một là bà E-va như thế là sản phẩm của tôn giáo - thuốc phiện của nhân dân. Chúng ta đã biết tổ loài người là khỉ, chẳng e-va, e-viếc nào sất. Anh Tân và chị Thìn đồng mưu truyền bá tranh phản động. Hai là, anh là giáo viên, chẳng phải họa sĩ, bức tranh kia chẳng can cớ gì đến anh. Cần phản bác thì lí ra phải báo cáo, đã có trên lo đâu đến phần anh. Anh đi bỏ lơ nhiệm vụ chính của mình. Ba là, trong xã hội ta ngay họa sĩ chính tông cũng không được phép vẽ tranh khỏa thân. Đó là khiêu dâm, là tư tưởng đồi bại, trong lúc toàn dân đang dốc sức cho tiền tuyến lớn. Bốn là, ai còn lạ gì họa sĩ với người mẫu, lại là người mẫu cởi truồng… Hiệu trưởng nói hay đến nỗi có mấy người đã toan vỗ tay. Hoành từ đầu cuộc họp chỉ ngồi hút thuốc tràn với cái vẻ vừa lơ đãng vừa sốt ruột vì phải ngồi họp lâu, đến lúc này mới xin nói: - Tôi chơi thân với đồng chí Tân nên tiếc cho bạn - Anh ta khịt mũi hai cái, nhíu trán dừng lại đúng năm giây - Cái máu nghệ sĩ làm hại đồng chí ấy. Nhưng cái chất nghệ sĩ thiếu định hướng, hay có thể nói cái thứ nghệ thuật mượn màu triết lí rởm còn tai hại gấp mười. Tôi có được xem bức tranh. Ông chúa Trời trong tranh, nhìn qua dáng người thì như đang giận dữ, mà nhìn kĩ vẻ mặt, nhất là đôi mắt, thì như đang ngỡ ngàng chiêm ngưỡng. Đồng chí Tân giải thích rằng: Thân thể con người, trước hết là thân thể phụ nữ, là một báu vật của tự nhiên. Nếu quả Thượng đế đã tạo ra theo mẫu của mình thì ban đầu có thể ông ta chưa ngờ đó là một tuyệt tác. Chỉ khi nó được phô bày dưới cái vẻ e ấp, mới bộc lộ những nét tuyệt mĩ. Vừa rồi có người nói đến cái "đinh" của bức tranh làm tôi nhớ tới lần tranh luận trong phòng nghỉ giáo viên. Đồng chí Tân nói: "Cái sự biết xấu hổ không đáng xấu hổ. Từ xưa đến nay, biết bao người làm càn, mọt dân, hại nước, người ta kêu, người ta chửi, mà vẫn cứ lì ra đấy ư? Biết xấu hổ thì dạy cho ra dạy, làm cho ra làm, lãnh đạo cho ra lãnh đạo". Nghe như cuồng chữ, mà chẳng phải. Cuồng nghệ sĩ, có lẽ cũng khó tin… Thìn ngồi nghe, chẳng hiểu anh ta định nói đỡ bạn hay tố cáo bạn. Tân ngồi dựa lưng vào vách phòng, tay khoanh trước ngực. Anh vừa mệt, vừa buồn nản, vừa bực. Người ta buộc nhiều thứ tội, nhưng chung qui là tư tưởng sa đọa dẫn đến hành vi sa đọa. Khốn khổ cho Thìn! Anh giữ vẻ bình thản, ít ra là bề ngoài. Bỗng đại diện cấp trên đùng đùng đứng lên trỏ tay: - Các đồng chí hãy nhìn mặt anh ta mà xem kìa! Tập thể góp ý thấu tình đạt lí đến thế mà anh ta vẫn cứ nhơn nhơn ra, lại còn dám nhe răng ra nữa. Tôi đề nghị chấm dứt cuộc họp tại đây. Khốn khổ cho chính anh! Anh hơi hô răng, khi anh mải nghĩ để môi trên hé ra thì nom như nhếch cười. Vị đại diện cấp trên vẫn "quan tâm" đến anh rất sát đã không chịu nổi. Chẳng phải đợi lâu, hai tuần sau Tân bị đuổi khỏi ngành giáo dục. Hiếm khi công việc được giải quyết chóng vánh như vậy. Thìn được phép "xin chuyển ngành", do có bàn tay của ông chồng. Nhưng với một điều kiện: chị phải "thành khẩn nhận tội" với chồng - chỉ với chồng thôi. Từ lâu, đức lang quân đã cảm biết người vợ đang dần thoát ra ngoài vòng chế ngự tinh thần của mình nên muốn nhân dịp "may" này đưa cô nàng vào lại khuôn phép. Thìn từ chối. Anh chồng chìa đơn li dị ra - hẳn là chỉ dọa - chị kí ngay. Thế là chị cũng bị đuổi ra khỏi ngành nốt. Bức tranh cùng bộ sưu tập của chị bị những người có thẩm quyền tịch thu để nghiên cứu như những tang vật, những chứng cớ. Tân đến gặp Thìn: - Bây giờ chị định sao? - Tôi đã định xin đi thanh-niên-xung-phong vào phía trong, nhưng lại nghĩ chẳng nên để người ta đánh giá thấp động cơ của chị em. - Chúng ta có sức, chẳng lo chết đói. Nhưng trong tình cảnh chúng ta, dựa vào nhau cũng dễ sống hơn. Tôi muốn chị đi cùng tôi. Chị thấy thế nào? - Cảm ơn anh. Tôi chẳng có gì nhiều để lựa chọn. Song, tôi không muốn để mọi người đều có thể nghĩ rằng chúng ta bị như thế này là đáng đời. - Chị tin rằng có người quan tâm đến số phận chúng ta ư? - Người bình thường dẫu có quan tâm thì cũng chẳng thể làm được gì. Nhưng cũng nên cho lương tâm họ còn có chỗ để tin. * * * Năm 1981. Chiếc tàu tuần tiễu biên phòng đuổi bắt hụt một chiếc thuyền máy vượt biển trái phép. Mấy ngày sau, cũng chiếc tàu ấy vớt được xác một người chết trôi ngoài biển. Khám xét kĩ thì thấy đầu nạn nhân bị va mạnh phía trên gáy. Chẳng phải chết đuối. Không có tiền nong, vật dụng gì trong người, ngoài một mẩu giấy mang mấy dòng chữ: "Tôi nhắc lại: cái vốn ngoại ngữ tự học và các tài lẻ của cậu đừng để phí hoài. Chẳng nhẽ cậu còn vướng nàng? Nếu cậu đã sẵn sàng thì nơi và giờ hẹn như đã nói. Tôi sẽ tạm ứng lộ phí cho cậu. Trong mọi trường hợp, cậu kín miệng cho! H." ; và một bức thư, người gửi là Trần Thị Thìn, trại viên một trại chăn nuôi lợn; người nhận là Tân, công nhân tu sửa hè đường thành phố. Thư khẩn khoản nhờ tìm mọi cách lấy lại bức tranh nào đó “đừng để lạc vào những bàn tay bẩn thỉu” và một câu viết thêm: “Chưa đi ngay được”. Chắp lần các đầu mối, câu chuyện được dựng lại như sau: Người bị chết chính là Tân, chàng "họa sĩ vườn" khốn khổ năm nào. Sau khi bị kỉ luật, Thìn và Tân mỗi người một nơi, nhưng họ vẫn giữ được liên lạc với nhau. H. chính là Hoành, đồng nghiệp cũ của cả hai, người đã cậy cục chuyển ngành để rồi nhảy lên phụ trách một xí nghiệp quốc doanh. Bộ sưu tập còm về tranh của Thìn, sau vụ án, nằm mốc meo trong tủ hồ sơ lưu của ban tuyên giáo chờ ngày được thanh lí để ra với các bà "chè chai, lông vịt". Một hôm, Hoành đến gặp chồng cũ của Thìn xui đòi lại, nhân danh đồng sở hữu trước khi li dị. Rồi anh ta gạ mua với cái giá rẻ mạt, nói là để lấp chỗ trống các bức tường phòng khách xí nghiệp mình. Anh ta làm nhà giáo thì tồi, song óc kinh doanh thì lại có tài đánh hơi những điều mà ngay các vị tai to mặt lớn hơn anh ta nhiều cũng không để ý. Thìn biết chuyện, đã tha thiết đề nghị Tân lấy lại bức "Tội lỗi nguyên thủy". Đang nổi tiếng ăn nên làm ra, dưới gờm trên nể, giám đốc Hoành đánh bài chuồn vì chính anh ta cũng chán cảnh làm ăn "lãi giả, lỗ thật", đánh trống khua chuông ầm ĩ những thành tích ảo; mà lãi thật nếu có được cũng ít rớt vào quĩ công. Nếu mọi chuyện đổ bể thì có thể anh ta sẽ “được” vào diện “tướng thí”. Anh ta xếp trả cẩn thận thẻ đảng viên và các bằng khen cá nhân trong ngăn bàn đặc biệt của thủ trưởng, nhưng lại cuỗm đi mớ ngoại tệ được cấp để "mở rộng kinh doanh", một sự "thất thoát" lớn có dính tới các cấp trên cũ, những người mà sau khi biết tin anh ta “vượt biên” lẽ ra phải đau buồn lắm lại thở phào, nhẹ người. Hoành thuyết Tân cùng đi, tính rằng có thể lợi dụng các khả năng của anh, ít ra là trong buổi đầu bỡ ngỡ ở nước ngoài. Đến đây hơi khó đoán định. Có phải Tân bị giết không? Vì sao anh bị giết? Liên quan đến bức tranh chăng! “Xác chết không biết nói”, ở đây câu châm ngôn này đúng cả nghĩa đen. * * * Vào hơn bốn thập kỉ sau, tại Paris, cuộc bán đấu giá đang hồi bốc. Đó là bức tranh có thể gọi là đương đại. Con số hai triệu năm chục Euro chưa phải là con số cuối cùng. Tên bức tranh không còn là "Tội lỗi nguyên thủy" nữa mà đã được đổi ra một thứ tiếng nước ngoài "Germum". Một từ có thể hiểu là "Mầm", là "Căn nguyên" gì đó. Hải Phòng , 7-1993 [Rút từ tập truyện ngắn “Thời gian khép mở”, 2009]
<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.06.2012 12:27:30 bởi Khải Nguyên HT >
|