Chuyến du "nhẹ" xứ Chùa Tháp

Tác giả Bài
Khải Nguyên HT
  • Số bài : 270
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 28.01.2009
  • Nơi: Hải Phòng - Việt Nam
Chuyến du "nhẹ" xứ Chùa Tháp - 10.06.2012 19:41:46
 
MỘT CHUYẾN DU “NHẸ” XỨ CHÙA THÁP
-tản bút-
 
 
 
         Du lịch Campuchia, từ thành phố Hồ Chí Minh thứ năm tuần nào cũng có những chuyến đi. Vừa rồi, chiều thứ tư tôi đi đăng kí cập kì chuyến vào sáng hôm sau. Lúc đầu, đến “Trung tâm lữ hành quốc tế Futa Travel” (một cái tên tiếng Anh đến là oai!) gặp phải cô giao dịch có “phong thái” như nhân viên nhà nước hồi bao cấp, mất cả hứng. (Về sau, người ta rỉ tai: đó là một trong những cơ sở kinh doanh của nhà một đại gia quan chức cực cao! Giá biết thế từ trước thì đã không bỏ đi mà không có vài lời “gửi lại”). May, sang “Công ti TNHH Thương mại & Dịch vụ du lịch Biển Việt” được niềm nở làm thủ tục, tuy hơi “nặng gánh”. Vậy là đi.
         Cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, tập nập hơn cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh (sang Lào), nhưng cũng bức bối hơn. Các biển đề, bên Việt Nam bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Khơme, còn bên Campuchia chỉ hai thôi: tiếng Khơme và tiếng Anh. Vào sâu nội địa sẽ thấy nước bạn này thật sự cũng “hẹp hòi” như những nước tôi từng đến, hễ chỗ nào cần trưng cả tiếng nước ngoài, -biển đề, bảng hiệu, ... , thì bao giờ cũng tiếng nước chủ nhà phía trên, chữ to, đậm rồi mới đến tiếng Anh hoặc tiếng nước của chủ sở hữu ở dưới, nhỏ hơn; không như ở ta, các bạn để ý mà xem! Mới biết dân ta, trước hết là các vị chức trách và chức năng, “rộng rãi” thật “dễ tính” thật, “khiêm nhường” thật! Chưa kể hội nghị quốc tế ở ta, chỉ trưng tiếng Anh thôi; thoảng hoặc có thêm tiếng Việt “khiêm tốn” ở dưới (ở Trung Quốc chẳng hạn người ta trưng một bên là tiếng Anh, và ngang hàng bên kia là tiếng nước đăng cai, nếu không là để tiếng Trung ở trên). [Chẳng biết những chuyện “vặt vãnh” này thuộc quyền bộ văn hoá – thể thao – du lịch hay bộ nội vụ? hay ban tuyên giáo trung ương, -nơi nắm quyền điều hành thực sự lĩnh vực văn hoá? Có lẽ họ chỉ “nhạy cảm” và năng nổ khi có chuyện phạm “kiêng kị” thôi!].
         Khác với Lào, Campuchia mênh mông đất bằng, chỉ ở phía bắc, tây bắc, đông bắc, tây nam mới có núi. Từ cửa khẩu đi vào đồng ruộng trải ra mênh mông khô xác, chỉ điểm mấy vũng nước đây đó. Một đầm sen cạn nước, một thửa ruộng đã cày ải, mấy cây thốt nốt lẻ loi như lạc vào. Mấy con trâu rải rác đang cúi đầu trên mấy đám ruộng cỏ ngả vàng mọc sát sạt mặt đất nhưng hơi xa nên trông như đứng yên. Một hình người bất động bên một lạch nước. Xa xa những vệt xanh cây cối chỗ đậm, chỗ thoáng khó nhận ra loại cây. Cảnh trí nom như một bức tranh sắp đặt siêu ngoại cỡ. Dưới bầu trời xanh nhạt lơ thơ những cụm mây trắng nom thanh bình nhưng hơi cô liêu. Chợt nghĩ dưới bầu trời yên tĩnh này, trên những cánh đồng bình lặng này, cách nay mới hơn ba mươi năm, hàng triệu con người khốn khổ bị đầy đoạ dưới bàn tay máu lửa của bọn Khơme đỏ, được tập đoàn cầm quyền Băc kinh tiếp tay và nâng đỡ. Xương cốt của họ hiện bị vùi dập những nơi đâu? Oan hồn của họ nay vất vưởng chốn nào? Thời Pônpôt đó, Campuchia có bảy triệu dân thì bị giết hơn ba triệu và chạy ra nước ngoài gần một triệu, -hướng dẫn viên du lịch người bản địa cho biết.  
         Xe chạy đến quãng từ tỉnh Svayrieng qua tỉnh Preyveng, thấy có những thửa ruộng lúa chín vàng. Đi thêm một đỗi mấy cung đường, vượt chiếc cầu trên một khe cạn, đầm nước xa xa, những thửa ruộng lúa đang lên xanh, song đồng hoang bao quanh, miên man cỏ áy cháy nắng. Nước bạn có một nơi điều tiết nước tự nhiên vĩ đại, Biển Hồ (Tonlé Sap), song vẫn có lúc  không thoát cảnh khô hạn và lụt lội. Năm 2009, lụt 16 tỉnh nhiều ngày, chẳng gieo trồng gì được, vẫn lời hướng dẫn viên người Campuchia.
         Đất nước này hối sinh cũng nhanh. Từ cảnh trí hoang vu, chết chóc, từ không khí đầy ải, tang tóc. Dân số chừng ba triệu hồi mới được giải phóng năm 1979, nay đã lên tới gần 14 triệu người. Tuy vậy, còn khá “vắng”. Đi cả buổi chỉ gặp vài cụm dân cư thưa thớt nhà náu trong những vườn cây. Nhà trệt nhỏ, lợp lá. Cũng có nhiều nhà sàn xây lợp ngói hoặc tôn. Một đụn rơm kiểu dáng như ở nông thôn miền bắc nước Việt. Có nơi, thấy những nền nhà còn tươi màu đất chưa xây cất gì trên đó. Một ít vườn cây ven đường, ban đầu thường là dừa, nhãn, xen một ít thốt nốt.
         Xe chạy vào một vùng đồng lúa xanh trải rộng. Một biệt thự hai tầng, tường hồng, mái đỏ, không xa đường cái mấy, nhưng không ngoảnh ra đường, không “bám mặt đường” như thường thấy ở Việt Nam. Một xóm nhỏ bên đường, một ngôi nhà mái ngói đỏ, tường trắng, hao hao giống ngôi nhà khá giả ở nông thôn Việt trước kia, ẩn trong một khu vườn sum suê cây, chủ yếu là thốt nốt.  
 
         Càng vào sâu, cây thốt nốt ngự trị. Biểu tượng của Campuchia là cây thốt nốt. Từng có câu: “Đâu có cây thốt nốt, đấy là đất Campuchia”(!), bọn Pônpốt vin vào để đòi đất Nam bộ của Việt Nam. Đúng là người Campuchia rất gắn bó với cây thốt nốt. Chia của cho con bằng cây thốt nốt. Cây thốt nốt có thể làm của hồi môn đám cưới. Nhân nói chuyện cưới xin, người Campuchia cưới chồng chứ không  phải cưới vợ, -di tục của xã hội mẫu hệ như người Thượng ở Tây nguyên nước ta; tuy thế, nhà trai phải chịu hết, khá tốn kém, từ 1500 USD (nghèo), 2500USD (trung lưu) đến 7000 USD (giàu). Quà lễ hỏi chủ yếu là trái cây, có đến 36 loại, phải để gái trai tân bưng đến.
         Một loại cây cũng khá nổi tiếng là cây lộc vừng. Loại cây này ở Việt Nam cũng có. Dăm cây quanh hồ Gươm, Hà Nội. Ở miền Trung, thỉnh thoảng gặp quanh ruộng đồng, làng mạc. gọi là cây mưng. Bên ta chỉ thấy có trên cạn.  Ở Campuchia có khác, có lộc vừng cạn, có lộc vừng nước. Hai bên những lạch nước đổ vào Biển Hồ, thường có những vạt rừng lộc vừng. Đó là những nơi cá đẻ vào mùa nước nổi. Những lớp trứng cá nổi mảng trên mặt nước. Vào mùa này không một ai được đánh bắt cá. Chính phủ nước bạn cũng bảo vệ những đám cây lộc vừng, cấm không được đào cây bán, -rất được giá vì người ta chuộng làm cây cảnh. (Việc cấm này rất có hiệu lực, không như bên ta, việc thưc thi lệnh cấm đoán thường khá trầy trật; có những lệnh bị vô hiệu hoá, một phần hoặc toàn bộ, có khi bởi chính nhà chức trách). Cây lộc vừng cạn, người Campuchia tin rằng do đức Phật tạo ra, cũng có khác với ở Việt Nam. Ở ta, hoa của chúng kết chuổi dài từ trên các cành, nhánh buông thõng xuống như dải hoa treo trang trí, ít có những cây “lực lưỡng”. Ở khuôn viên chùa Bạc, Phnom Pênh, thấy một cây lộc vừng cổ thụ cao to, chòm tán lá vượt hẳn lên quá mái nhà phủ bóng che chở; quanh thân cây những tay vòi vươn ngang cong lượn đỡ những chùm hoa đầu mút như một kiểu trang trí từ gốc cây lên tận vòm lá bên trên.
 
         Cảnh trí phổ biến ở các tỉnh xe đi qua là đồng ruộng trải ra khô cằn, nhất là ở Congpong Thom, quê hương của thủ lĩnh Khơme đỏ Pônpốt. Lạ là không thấy đất ruộng nứt nẻ như ở Việt Nam trong cảnh huống tương tự. Thỉnh thoảng mới gặp một lạch nước. Rất vắng bóng người. Chỉ thấy những con trâu lơ thơ trên cánh đồng quạnh quẽ. Người ta nói ở đất nước này chăn nuôi kiểu thả rong, như vậy thịt ngon hơn. Nuôi bò cũng vậy, mà nuôi lợn cũng vậy (nuôi bò nhiều hơn nuôi lợn).  
         Vượt qua một cánh đồng như là hoang mạc, lúp xúp cây con, rừng cao su mở ra. Có lẽ thuộc địa phận Congpong Cham. Bạt ngàn đất đỏ. Chỗ đã trồng cây, chỗ đang vỡ đất. Nghe nói người Việt Nam cũng có đầu tư vào đây.
 
         Rong ruổi qua các vùng nông thôn mãi mới thấy một trường học, gần đường. Rất nhiều xe đạp. Và một cái chợ, hàng hoá bày tràn ra đường, tựa như ở Việt Nam, cùng xe cộ lộn xộn, -hầu hết là xe máy, một ít xe tải, xe ngựa.
         Trên đường về, qua Côngpông Thom đoàn ghé một cái chợ gọi là chợ “côn trùng”. Chợ không lớn lắm, vừa trong quán, vừa ngoài trời. Thật ra thì chợ cũng bán nhiều loại trái cây, nhưng đặc sản là côn trùng phần nhiều đã sấy khô hoặc chiên dòn: cào cào, dế, bọ cạp, gián, sâu dừa, ... Bên ta, nhiều loại côn trùng lên ngôi đặc sản chủ yếu là do các vị rửng của, -kiếm chác được qua “lối đen” kinh doanh và làm quan chức-, chán những cao lương mĩ vị muốn tìm những của lạ đối với họ. Ở xứ bạn, là do dưới thời Khơme đỏ dân đói ăn quá nên cố tìm bất cứ thứ gì nuôi sống được, -hướng dẫn viên giải thich và nói thêm: thế mà vẫn phải lén lút, không được vi phạm kỉ luật (!).
 
         Dọc đường rất ít gặp thị tứ. Thị xã tỉnh lị của tỉnh Svayriêng chỉ như một thị trấn lớn ở Việt Nam. Thị xã Preyveng, tỉnh lị của tỉnh kề bên về phía bắc, có dáng dấp đô thị rõ hơn. Một sân vận động không tường cao bao quanh, phô ra mặt sân cỏ cằn khô vì thiếu nước song vẫn cố để không lụi tàn. Một khu biệt thự có tường bao, các nhà xen giữa những rặng cây xanh mát không rào tường cách biệt. Nhìn chung những đô thị mà đoàn đi qua không thấy bộn bề xây dựng, không cảm thấy đang phình ra như ở Việt Nam, không rõ rệt vùng ngoại vi “bao vây thành thị” hay đang chờ thành thị “nuốt dần”. Cây xanh, mặt nước cũng không nhiều như lẽ ra phải vậy theo điều kiện và hoàn cảnh tự nhiên.
         Ăn bữa đầu tiên ở thị xã Compong Cham; sáu món, có hai món kiểu Việt. Món cá “chèng” của sông Mêcông, nhỏ con, rán dòn được ưa nhất. Một đôi vợ chồng người Bungari “lạc” vào đoàn khách du Việt; trong các bữa ăn chung, người chồng rất tự nhiên, ăn khoẻ, cố tập dùng đũa, -nhiếu khi khá trầy trật; bà vợ thường chỉ ngồi nhìn như là kén ăn, -có thể do không hợp khẩu vị, dọc đường họ phải mua những thức “quà” ăn thêm.
 
* * *
         Thành phố Siêm Riêp, đô thị nhiều cây xanh nhất nước này, cách Biển Hồ không xa về phía bắc, nằm gần trung tâm đất nước, một hồi là một trong những căn cứ kháng cự của Khơme đỏ chống quân đội Việt Nam trước khi lùi về cố thủ ở vùng biên giới phía tây giáp Thái Lan. Từ tàn tạ, xơ xác, chỉ mấy mươi năm thành phố đã vươn lên đô thị lớn và trù phú thứ hai sau thủ đô Phnom Pênh nhờ các khu du lịch Angkor nổi tiếng thế giới. Dẫu là chốn lưu trú, đi về của du khách bốn phương, thành phố này không có vẻ quá “tấp nập” như ở nhiều đô thị nước ta. Đường phố chính rộng rãi, hè đường cũng rất rộng và thoáng, không có dấu hiệu hàng hoá từ các cửa hiệu phè ra cũng như hàng hàng xe máy choán hầu hết không gian dành cho đi lại (có lẽ những cảnh này chỉ là “đặc sản Việt Nam”!). Đường có vạch ngăn cách liền nét dành cho xe đạp; ba trẻ, chừng đi học về, đi đúng luồng dành riêng, mà cũng không thấy các xe “lớn” khác lấn sang. Giá mà ở ta! Thử đi dạo, năm giờ rưỡi sáng, đường phố còn đang “giấc êm đềm” chỉ cửa hàng ăn sáng mở cửa. Tuy vậy, đã lác đác xe ô tô. Một số xe túc-túc, từa tựa xe xích lô máy, trực sẵn chờ khách gọi, hình như không có xe máy “ôm”.
         Các di tích Angkor ở về phía bắc thành phố Siêm Riêp. Angkor Thom (kinh đô vĩ đại), trước đây ta thường gọi Đế Thích, là thủ đô cuối cùng của đế quốc Khơme, một đế quốc thời trung đại từng bành trướng lãnh thổ ra gần hết nước Thái Lan, phần lớn nước Lào, một phần đất Miến Điện, Nam bộ và Tây Nguyên của Việt Nam ngày nay. Thành phố được hoàn thành vào thế kỉ 12, bị bỏ quên vào khoảng thế kỉ 15, sau khi bị quân Xiêm chiếm đóng một thời gian, -từ đó thủ đô dời về Phnom Pênh. Rừng hoang dần dần phủ lên cả một vùng rộng lớn, cả Angkor Wat. Giữa thế kỉ 19 (năm 1860), một người Pháp đi thám hiểm khu rừng rậm này đã sửng sốt khi bất ngờ trước mắt mình cả một khu lâu đài đá hùng vĩ chợt hiện ra như trong truyện thần thoại. Bao quanh Angkor Thom là tường thành vuông bốn mặt, cao 8 m, mỗi bề dài 3 km. Cổng nam Angkor Thom cách Siêm Riệp chừng hơn 7 km. Đường vào cổng qua một hào nước rộng, hai bên đường là hai hàng tượng đá, một bên là các thần, một bên là các ác quỉ, mỗi hàng nâng một con rắn thần (naga) dài trong tư thế như đang kéo co. Từ cổng vào phải đi ôtô qua khoảnh rừng cây cổ thụ mới tới những nơi cần tham quan. Các kiến trúc chủ yếu là bằng đá, chỉ một lần thấy một cửa vào đền là bằng gạch. Trung tâm, theo cái nghĩa công trình chủ đạo, là đền Bayon. Ở đây, một quần thể các tháp bằng đá, một rừng 50 tháp, đều cao hơn 10m, trong đó khu trung tâm 16 tháp, có cái cao đến 23m; riêng tháp chính giữa lên tới 45m. Nổi bật nhất, đặc trưng của Bayon, không có ở bất cứ nơi đâu, là tượng đầu Phật bốn mặt trấn ngự mỗi tháp với nụ cười bí ẩn ám ảnh khách du, tựa như nụ cười nàng Mona Lisa trong tranh của Leonardo da Vinci. Bayon là “đền núi” theo tôn giáo “thần-vua” (vua là thần, thần hoá thân vào vua).
         Cách Angkor Thom chừng 2 km là Angkor Wat (kinh đô đền thờ), ta thường gọi Đế Thiên, là đền thờ của quốc gia, vốn xây để thờ các thần của Ấn Độ giáo, về sau thành nơi thờ Phật khi vua cải theo đạo này. Khuôn viên Angkor Wat nhỏ hơn của Angkor Thom song cũng thuộc loại “khủng”: hình chữ nhật 1500m x 1300m, chung quanh có hào nước rất rộng bao bọc. Đền gổm bốn bậc như bốn vành đai cao dần lên. Có tất cả 13 tháp; các tháp vành ngoài hầu như đều bị cụt đầu; khu trung tâm có năm tháp với bốn tháp ở bốn góc, chính giữa là tháp chủ cao 65 m. Năm tháp này như là biểu trưng cho đất nước Campuchia, thể hiện trên quốc kì. Các hành lang dài nối các tháp và 398 gian phòng. Nghệ thuật Khơme xưa không chỉ tuyệt hảo ở các công trình xây dựng và kiến trúc vĩ đại mà còn ở những điêu khắc hoành tráng mà tinh xảo trên tường, trần các phòng, trên các hành lang, ban công. Rất tiếc! hướng dẫn viên luôn miệng khoe chúng ta sẽ tham quan “Angkor Wat, kì quan của thế giới” nhưng chỉ dành cho đoàn chúng tôi có 40 phút để chiêm ngưỡng một kiệt tác cỡ như vậy. Chỉ đủ dể lướt qua những hành lang chính hướng tới tháp chủ. Hướng dẫn viên thao thao nói chúng ta sẽ trèo lên “thiên đường”. Đúng là khách du đến Đế Thiên ai cũng háo hức được trèo lên tầng trên cùng tháp chính. Ở đó, có thể ngắm toàn bộ Angkor Wat giữa một vùng bao la còn miên man màu xanh của rừng cây cổ thụ. Hỡi ơi! Vừa đến chân thang thì đã 5 giờ chiều, nhân viên phụ trách báo hết giờ trèo lên!
         Hướng dẫn viên là người Campuchia chính cống, lấy tên Việt là Dương. Anh ta cho biết đã học tiếng Việt khi du học ở Trung Quốc do một người Lào dạy (như vậy là có hơi hướng bốn nền “văn hoá” : Khơme, Lào, Việt, Hoa!). Theo chương trình thì cả buổi chiều hôm ấy dành hai giờ để tham quan khu đền và một giờ để leo lên núi Bakheng ngắm hoàng hôn, -một cảnh kì thú mà báo chí hay nói đến. Nhưng Dương bảo leo núi phải xếp hàng chờ lâu lắm. Anh ta tự quyết định chương trình: đi Biển Hồ trước, -chắc là có sự đồng tình của hướng dẫn viên của phía Việt Nam tên là Xôphi (người Khơme Nam bộ) đi theo đoàn. Anh ta bảo ở đó nhiều cái nên xem và cũng có thể ngắm hoàng hôn. Ai không thích thì ở lại chờ đoàn trở về đón đi tham quan đền sau. Việc đi này nằm ngoài chương trình, đoàn khách Việt cũng “dễ tính” chẳng kịp phật ý vì sự “lộng quyền”, cũng chẳng kịp nghĩ rằng “ra đấy ngắm hoàng hôn thì phải đợi hết buổi chiều à?”. Anh ta thu mỗi người 20 USD (Tất cả 320 USD, chẳng biết thuê thuyền hết bao nhiêu, đút túi bao nhiêu). Chuyến “dạo” Biển Hồ cũng rất tranh thủ: xuống thuyền lúc ba giờ chiều, chỉ ra xa bờ một quãng, ghé một cửa hàng nổi (các hướng dẫn viên du lịch rất hay cho khách ghé các cửa hàng, thường là ngoài chương trình; vì sao thì ai cũng ngầm hiểu được) rồi quay về, lúc đó đã hơn bốn giờ chiều. Anh ta “cống hiến” du khách ngoại quốc về “kì quan thế giới” của đất nước mình như thế đó! Hôm sau ở Phnom Pênh, anh ta cũng bỏ qua điểm ghi đậm trong chương trình là “tham quan và chụp hình tại Quảng trường sông bốn mặt”, một cảnh trí độc đáo, một trong những đặc trưng của thủ đô Campuchia, hầu như không có thành phố nào trên thế giới có được. Một số điểm tham quan khác trong chương trình, anh ta cũng “phiên phiến” nhưng lại dành hẳn hai giờ cho sòng bạc (có trong chương trình) và gần hai giờ cho cửa hàng nữ trang (không có trong chương trình). Ở sòng bạc, mà qui mô không kém sòng cỡ lớn ở Macao, TQ, anh ta nhận rồi phát cho mỗi người trong đoàn một phiếu “biếu không” mệnh giá 10 USD để khách “tự do” chơi với điều kiện: phải góp thêm vào ít nhất 10 USD tiền mặt và chỉ được chơi trong thời gian qui định hôm đó, ngoài ra phiếu chẳng có tác dụng gì khác. Đó là một cách dử người ta chơi trò đỏ đen. (Một cậu trong đoàn đã mất trắng mấy chục USD góp thêm!).
 
         Kĩ thuật và nghệ thuật xây dựng Bayon nói riêng, các khu Angkor nói chung, đến nay cũng đang còn là bí ẩn, như là với tháp Chăm ở Việt Nam vậy. Mặc sự tàn phá của thời gian và của con người (chiến tranh và bọn trộm cổ vật), các khu Angkor đã tồn tại 9 thế kỉ, và dù đã xuống cấp chắc còn lưu lại lâu với sự bảo tồn và trùng tu của người Campuchia. Tuy nhiên,  có những đe doạ tiềm tàng mà hiển nhiên. Những người xây dựng Angkor không biết kĩ thuật xây vòm, họ xếp các viên đá chồng lên nhau hai bên cửa hoặc cổng cho lệch dần đến lúc áp vào nhau thành vòm, do vậy dễ bị sập. [Về điểm này, thành nhà Hồ ở Việt Nam, xây vào cuối thế kỉ 14, hơn hẳn. Cũng chỉ điểm này thôi]. Nữa, có những cây cổ thụ toả rễ to bàm chặt vào tường, vào mái các công trình từ đã lâu; nếu cố gỡ ra thì công trình sẽ hỏng, mà để vậy thì rôi công trình cũng sẽ sụp đổ. Hiện tại, các cây này cũng là một thứ “kì quan” mà hướng dẫn viên bản địa “tự hào” giới thiệu với du khách.
 
* * *
         Thành phố thủ đô Phnom Pênh, cách khu Angkor chừng 240 km về phía đông-nam, từ thời thuộc Pháp đã là một đô thị gọn xinh, những năm 1920 được coi là “hòn ngọc châu Á” (tựa như Sài Gòn một thời được mệnh danh là “hòn ngọc viễn đông”). Thành phố nằm ở ngã tư sông: sông Mêkông từ phía nguồn xuống đến đây chia thành hai nhánh sông Bassac chảy xuôi vào Việt Nam thành sông Tiền, sông Hậu (sông Cửu Long) và một nhánh nối với Biển Hồ, nhận nước về mùa cạn và cho nước về mùa lũ; hẳn là do vậy mà người dân gọi “thành phố bốn mặt sông”. Trước khi quân Khơme đỏ kéo vào, năm 1975, thành phố có chừng hai triệu dân. Bốn năm dưới thời Pônpốt là thành phố hoang, thành phố chết, không dân cư, không chợ búa, không ánh đèn điện ban đêm, trừ khu cố vấn Trung Quốc và, tất nhiên, nơi “ăng ca” chóp bu ngự. Ngày nay thành phố đã sống lại tươi mới hơn trước kia. Đường phố thoáng đãng; nhà cửa phong quang. Các quảng trường đài Độc Lập, đài tưởng niệm Viêt Nam – Campuchia, quảng trường “sông bốn mặt” rộng rãi, sạch sẽ. Trên đường phố xe cộ thong dong, hẳn là chưa bị nạn kẹt xe.
         Các điểm tham quan đầu tiên ở Phnom Pênh là hoàng cung và Chùa Bạc Chùa Vàng. Hoàng cung có kiểu kiến trúc Khơme gần với các chùa của Phật giáo tiểu thừa ở Nam bộ, Lào, Thái Lan, mái dốc, đầu các nóc có đuôi nhọn cong vút lên, nhưng khác ở chỗ qui mô hoành tráng. Nhiều toà nhà có những đơn nguyên kết nối nhau hình thước thợ, những hàng hiên bao quanh với nhiều cột thanh thoát; từ nóc nhà những tháp hình nón có chóp nhọn hoắt vút cao chĩa thẳng lên trời, mái xếp lớp nối nhau, nhất là những chỗ tiếp giáp chân tháp. Khu vực hoàng cung rộng, thoáng, có nhiều cây xanh, bồn hoa, thảm cỏ. Nhiều toà nhà nay dùng làm bảo tàng, nhà trưng bày cho khách tham quan. Có một khu vực dành cho vua (Campuchia hiện là nước quân chủ lập hiến). Hôm nào vua ngự ở đó là có một lá cờ xanh kéo lên, từ xa có thể ngó thấy. Hoàng cung này không rộng bằng khu hoàng cung ở Huế, cũng không có toà nhà nào to bằng điện Thái Hoà, song rõ nét thẩm mĩ hơn và không gợi bóng âm u dĩ vãng. Chùa Vàng, chùa Bạc, thật ra đúng là chùa bạc có những chỗ dát vàng, kiến truc na ná hoàng cung nhưng qui mô nhỏ hơn; bên trong có nhiều đồ thờ tự và đồ trưng bày bằng bạc nguyên khối.
         Phnom Pênh có nhiều chỗ đi dạo hẳn là rất thú vị, nếu du kiểu “Tây ba lô”.
         Thời Pháp đô hộ ba nước Đông Dưong, Phnông Pênh (Nam Vang)  nối với thế giới bên ngoài chủ yếu qua con đường bộ nối với Sài Gòn và đường thuỷ trên sông Bassac-Cửu Long. Thời đó dân thương hồ (dân buôn) thường theo đường thuỷ. Đường bộ cũng ít cách trở về thủ tục. Nhiều thanh niên học sinh ngày ấy, -dân thể thao, hướng đạo sinh, hay chỉ là nhóm bạn trẻ thích xê dịch, đã đạp xe từ Sài Gòn đi thăm thú xứ Chùa Tháp tới tận Nam Vang; tất nhiên phải là con nhà khá giả, bởi, chẳng hạn, biết đi xe đạp là của hiếm. Hiện tại, thành phố này có xe buýt nối với thành phố Hồ Chí Minh, có phà cao tốc nối với thành phố Cần Thơ. Đang có ý đồ làm con đường cao tốc (?) từ Vân Nam qua Viênchăn và suốt dọc đất nước Lào, vào Campuchia qua Phnom Pênh, sang Thái Lan qua Băngcôc, rồi đi tuốt xuống Malaixia, Singapo; một con đường sắt song hành cũng đang được tính đến. Chắc chắn là ông láng giềng khổng lồ phía bắc lắm mưu thâm và đầy tham vọng hoan hỉ chờ đón những dự án này, có khi còn hơn cả các nước Đông Nam Á.
 
         Quảng trường Độc Lập thoáng đãng, sạch đẹp, nhiều cây xanh và thảm cỏ. Dường như ở nước ta chưa có quãng trường nào như thế. Kề bên quảng trường có một biệt thự, thấp thoáng những mái ngói đỏ giữa màu xanh cây lá, đẹp như một cô gái kiêu sa chỉ hé lộ mình tí chút. Đó là tư dinh của thủ tướng đương nhiệm Hun Xen, vị thủ tướng nắm quyền đã 33 năm dư. Hướng dẫn viên luôn miệng nói đến tên thủ tướng của mình. -Ông Hun Xen cấm đào cây lộc vừng đem bán cho dân chơi cây cảnh; -ông Hun Xen “đền” cho mỗi người thiệt mạng trên cầu Chết 12.000 USD (ông Hun Xen có một vườn hoa mang tên mình trên một hòn đảo, trước đây đi vào bằng cây cầu dây văng goi là cầu Kim Cưong; năm 2010 trong hội đua ghe ngo người xem chen lấn, dẫm đạp lên nhau làm chết hơn 400 người, dân gọi là cầu Chết); -ông Hun Xen cho xây hai cây cầu xi măng thay cho cầu Chết; v.v ...
         Hay bắt gặp ở Phnom Pênh, cũng như trên đường trường qua các khu dân cư, những tấm biển mang ảnh ba ông “thánh” (lời hướng dẫn viên) đứng đầu đảng Nhân Dân Campuchia, mà người xếp thứ hai là đương kim thủ tướng, dẫu thủ tướng là người được nói tới nhiều nhất. Biển đề trụ sở đảng này cũng hay gặp nhiều nơi ở thủ đô cũng như trên đường đi. Campuchia không là nước độc đảng, song không thấy tăm hơi các đảng khác!
 
         Chẳng hiểu dân trí nước bạn ở mức nào; nhận thức chính trị, cung cách quản lí, làm ăn, ... khó mà biết được dẫu sống lâu tại đó, nói chi qua một chuyến du ngắn ngủi. Nếu qua cậu hướng dẫn viên còn khá trẻ, từng đi du học dường như muốn phô sự hiểu biết của mình, thì có những “thu hoạch” khá ngộ. Cậu hay nói tới vua cha (tức Xihanuc) và vua con (vua tại vị). Vua cha đã đòi được độc lập một cách hoà bình năm 1953 (Tất nhiên, cậu không thể biết được, -nhiều người khác cũng thế, không chỉ ở Campuchia, rằng nếu Pháp không sa lầy vì cuộc kháng chiến của nhân dân Đông Dương, trong đó có dân Campuchia, thì khó mà có chuyện “trao trả độc lập” ấy cho Xihanúc, cũng tựa như chuyện ở Việt Nam năm 1949 với Bảo Đại. “Trả độc lập” rồi nhưng quân viễn chinh Pháp vẫn tự tung tự tác, và quyền quyết định những chuyện quan trọng vẫn thuộc người Pháp). Vua cha từng là bạn của Napôlêông đệ tam (!) (ông vua nước Pháp này mất ngôi năm 1871 và chết trước khi Xihanuc ra đời khá lâu!). Trước đây có đảng Đông Dương do Hồ Chí Minh làm chủ tịch và Xihanuc làm phó chủ tịch (!). Còn lãnh tụ cách mạng là Lênin, Mác, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh và Xihanuc(!). Giá là chuyện tào lao, ba vạ thì chẳng cần để ý làm gì. Nhưng không, đây là anh ta “thuyết trình” với khách du, trơn tru và hồn nhiên, có phần tự hào và thoả mãn nữa.
 
* * *
         Những năm gần đây, xe cộ được cấp phép qua lại giữa Việt Nam và Campuchia. Số người Việt sang nước bạn ngày càng nhiều, đi buôn, đi du lịch, đi đánh bạc. Loại sau có dân chuyên nghiệp, dân ăn chơi, có cả dân “đại gia”, -quan chức hoặc doanh nhân, muốn giải trí, giải sầu, giải xui. Có hẳn những sòng bạc (casino) dành riêng cho người nước ngoài, nhất là người Việt. Người ta kể dân đỏ đen người Việt “xả láng” lắm, có người từ Việt Nam đi xe 4 chỗ sang và khi về thì đi xe 50 chỗ. (Thoạt nghe, tôi không hiểu, nhưng rồi vỡ lẽ ra rằng anh ta đã nướng chiếc xe riêng vào sòng bạc rồi, phải về bằng xe buýt). Chuyện cờ bạc bên ta thì cấm (nhưng nếu có mánh thì vẫn có thể tìm đến các “sòng”, và dân đỏ đen không loại trừ quan chức, thậm chí công an), còn bên nước bạn thì “phóng tay”, gần cửa khẩu đã có sòng bạc rồi. Do vậy, không chỉ đi du lịch góp phần làm “chảy máu” ngoại tệ, mà chuyện bài bạc cũng là một thủ phạm.
 
         Người Việt Nam thường nhức nhối về chuyện nhiều con em chúng ta phải bán thân (đúng cả nghiã đen và nghĩa bóng) làm vợ người Hàn, người Tàu, mà ít biết rằng không ít phụ nữ Việt phiêu bạt sang Campuchia, do cuộc sống khốn khó, hoặc bị bán, bị bắt cóc, làm những việc thảm hại mà gần đây một số tờ báo trong nước mới nói đến. Hôm lang thang trong sòng bạc lớn nhất Phnom Pênh, tôi chợt nghe một cô gái nói tiếng Việt. Hỏi chuyện, cô cho biết cô ở thành phố Hồ Chí Minh, lấy chồng người Singapo 65 tuổi lúc cô còn xuân xanh, được một đứa con, chồng chết, phía nhà chồng tước đoạt hết mọi của cải chồng để lại. Cô kiện để đòi phần nuôi con. Bị một luật sư lừa, mất toi một số tiền. Nay nhờ một công ti bào chữa với giá 5000USD. Trong khi chờ xử, lên Phnom Pênh kiếm ăn lần hồi. Không tiện hỏi làm nghề gì vì e cô không tiện nói thật.
         Ở thủ đô nước bạn, còn gặp “chớp nhoáng” hai người Việt nữa. Một lần ở tiệm bán các món ăn Việt mà chủ lại là Hoa kiều, một cháu trai mới vào làm bồi bàn ba tháng, lương 75 USD/tháng (hơn 1,5 triệu VNĐ một chút), muốn hỏi han thêm nhưng cháu đang làm việc. Lần khác, ở quầy tiếp tân khách sạn của một chủ người Miên, tôi đang ghi mấy chữ tiếng Anh vào giấy để hỏi một số chỉ dẫn thì cô gái trực, -còn rất trẻ, nói luôn: “Cháu là người Việt, bác cần gì ạ?”. Đang tính sẽ chuyện trò với cô thì khi trở lại cô đã đổi ca trực.
         Việt kiều đông nhất là ở Biển Hồ, hàng vạn người. Thời Khơme đỏ, người Việt lớp bị tàn sát, lớp chạy ra nước ngoài. Sau khi quân đội Việt Nam giúp giải phóng khỏi chế độ diệt chủng và chính phủ mới do đảng Nhân Dân Cách Mạng Campuchia (về sau bỏ từ “cách mạng”) lãnh đạo được thành lập, Việt kiều cũng như Hoa kiều trở về sinh sống “làm lại từ đầu” với dân bản xứ gốc. Tuy nhiên, chỉ mấy năm sau một nhà báo Anh đến Campuchia đã nhận xét: người Hoa nói chung giàu có, còn người Việt thì nghèo khổ phần lớn làm nghề đánh cá ở Biển Hồ. Đất quanh hồ là đất bồi, tôt, chỉ bị ngầp ba tháng (9, 10, 11) nhưng hầu như chẳng ai trồng trọt gì. Trên hồ, ngoài người Việt còn một số người Chăm. Cả hai loại cư dân này ở đây đã hai, ba mươi năm, không biết quê hương chính ở đâu. Nhiều người không biết tiếng Khơme. Năm 1999, chính phủ hoàng gia tập trung một số Việt kiều vào một nơi ở Phnom Pênh, cấp cho mỗi hộ một thửa đất 5m x 15m và 600 USD. Nhưng họ biết làm gì để sống? Họ không có nghề trồng trọt, chăn nuôi, không biết làm ăn theo thị trường, kể cả buôn bán vặt. Họ bèn bán tháo đi rồi tới nhập với cư dân Biển Hồ. Dân ở đây sống hầu như bất hợp pháp. Họ làm nhà trên bè tre (cứ 5 năm lại phải thay bè), thường lợp tôn. Mọi sinh hoạt, kể cả “chợ búa” đều trên mặt nước. Chỉ người chết là đưa lên cạn. Họ vẫn giữ tục Việt nên lập cả một nghĩa trang, dù biết rồi đây sẽ bị giải toả. (Tục người Campuchia thì xưa kia là hang táng, rồi thuỷ táng, một giai đoạn thổ táng, bây giờ là hoả táng). Trên mặt nước mênh mông, từng cụm dăm ba nhà (trên bè) kết chuỗi với nhau không xa bờ lắm. Từ xa, những mái tôn xanh, đỏ trông vui mắt. Lại gần, thấy những nếp nhà con con, cũng có vách ván sơn màu tử tế, có hàng hiên. Tình cảnh có vẻ khá hơn những xóm vạn chài ở Việt Nam. Lại ở giữa nơi thoáng đãng, trên là bầu trời bao la, dưới là mặt nước bát ngát, quanh năm lộng gió mà không có mùa đông. Tưởng sống như vậy, “thiên đường nơi hạ giới” chẳng cần tìm đâu xa. Nhưng hãy nhìn nước hồ: đục lờ lờ, hoen xanh, ăn uống do đấy, mà tắm giặt, vệ sinh cũng ở đấy! Lại nhìn những chiếc thuyền con cạnh nhà, những chiếc thuyền gỗ nhỏ nhoi, mỏng manh, cũ kĩ, phương tiện đi lại đấy! Đánh cá là cách kiếm ăn chủ yếu, nếu không là duy nhất; mà lượng cá trong hồ cũng không còn dồi dào như trước, lại còn những tháng cấm đánh bắt! Thân phận và tình cảnh còn đáng nói hơn. Coi như không quê hương, không quốc tịch, nhiều người không biết tiếng bản địa, mù chữ mẹ đẻ,... Nông nỗi này, đã đành khó (và khổ) cho dân mà cũng khó cho chính quyền. Dường như chính phủ hoàng gia đang thả nổi. (Chẳng biết thân phận những sinh linh “con Lạc, cháu Hồng” lạc loài này có vương chút nào trong những mối lo toan của chính phủ VN không?). Khu vực chúng tôi đến khá đông Việt kiều, chừng 6000 người, có một ngôi chùa kiểu nhà sàn mái ngói đỏ nổi bật trên hồ trong nắng chiều nhạt; hai nhà sư Miên trụ trì ở đó. Có lẽ đây là dây liên hệ mà cũng là sự quan tâm duy nhất của người bản địa đối với một cộng đồng cư dân cùng chung đất trời với họ mà thân phận nổi trôi. Gần đây nhờ quốc tế giúp, đã có trường cho trẻ, chỉ đến lớp 5. Giáo viên không lương, được trợ cấp 200USD/năm. Tôi những muốn ghé thăm vài nhà đồng bào và tìm hiểu đôi chút, nhưng cậu hướng dẫn viên bản xứ đã có “kế hoạch” (ý đồ!) rồi. Có hai mẹ con Việt kiều trên một chiếc thuyền nát ghé cạnh thuyền chúng tôi chìa tay xin; nhưng mấy cô, mấy bà ăn mặc hợp mốt đang ăn tôm đặc sản lờ đi. Trước đó, khi qua mấy người bản xứ hát một bài tiếng Việt “chào” (bọn người này thấy du khách nước ngoài nào là cất tiếng hát bài của nước đó), họ đã rộng tay đãi tiền! Một chiếc thuyền khác còn nhỏ và nát hơn với mỗi cháu bé gái gầy còm cổ khoác một con trăn bằng cổ tay ghé đến rụt rè hỏi xin, chẳng cô nào, bà nào để ý. Ấn tượng theo mãi tôi là bàn tay cô bé đưa lên vẫy chào từ biệt khi thuyền chở chúng tôi quay về. Có lẽ bé đã quen “được” đối đãi như vậy rồi, điều làm bé lưu luyến là “hiện diện” của hình bóng “quê nhà”, cái quê nhà mà ngay các bậc sinh thành của bé hẳn cũng chỉ mơ hồ trong tiềm thức không thể hình dung được là như thế nào.
 
* * *
         Chỉ được thăm Đế Thiên, Đế Thích (coi như) thoáng qua, cũng thấy dân tộc Khơme quả là vĩ đại. Tôi đánh giá các công trình này cao hơn Vạn lí trường thành (VLTT) của Trung Quốc về kĩ thuật và nghệ thuật xây dựng, kiến trúc. Tất nhiên, về qui mô thì không sánh được. Dù sao, các Angkor, cơ bản làm xong trong khoảng ba thế kỉ. VLTT, sau 17 thế kỉ mới coi như hoàn tất, với nguồn nhân lực bội phần lớn hơn. Nhưng dân tộc này phải chịu nhiều thăng trầm, phải trải qua những trang sử bi hùng.
         Quan hệ Việt Nam – Campuchia cũng trải qua những trang sử bi hùng. 
Từ thế kỉ 16, người Việt, trong quá trình mở cõi về phía nam, tiến dần khai phá đất Thuỷ Chân Lạp. Đất này vốn là đất của vương quốc Phù Nam xưa bị đế quốc Khơme thôn tính, làm tàn lụi những điểm dân cư từng phồn vinh, những cơ sở thủ công, những thương cảng; cũng không khai thác đất đai để mặc gần như hoang địa. Triều đình Chân Lạp, hay Cao Miên, những tên mà sử cũ gọi nước Campuchia, hầu như không phản ứng trước sự lấn chiếm đó. Có thời kì, trong hoàng tộc Cao Miên có sự tranh giành ngôi báu, một người anh em của vua Miên chạy sang Xiêm (Thái Lan ngày nay) nhờ vua nước ấy cho quân hộ tống về nước cướp ngôi. Vua Miên cầu cứu vua Đại Nam (Việt Nam). Quân Nam đánh đuổi được quân Xiêm lấy lại ngôi cho vua và đóng quân lại để bảo hộ (về sau phải rút về nước vì dân Miên phản ứng dữ). Việc đóng quân này là một sai lầm lịch sử mà Khơme đỏ lợi dụng, cùng với vụ đất Nam bộ, lại được Trung Quốc đỏ kích động, nhen lên hận thù dân tộc của người Khơme đối với người Việt.
         Thế kỉ 20, “tai nạn lịch sử” đã gắn kết ba dân tộc Việt, Lào, Miên trong công cuộc đấu tranh giải phóng xứ Đông Dương thuộc Pháp (ngày trước gọi tắt là Đông Pháp), nhất là cuộc kháng chiến chống Pháp muốn đặt ách đô hộ trở lại sau chiến tranh thế giới thứ hai. Chiến tích của người Miên tuy không nhiều cũng góp phần vào thế sa lầy của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Để gỡ rối, Pháp tuyên bố trao trả “độc lập” cho Cao Miên năm 1953.
         Đến 7–1954, Pháp buộc phải kí hiệp định Giơnevơ (Genève) thực sự  công nhận nền độc lập của ba nước Đông Dương: Việt Nam, Lào và Cao Miên. Do sự “đi đêm” của Trung cộng với Pháp, theo ý đồ chiến lược của họ, mà Việt Nam phải chia cắt hai miền, Lào chỉ có hai tỉnh cho chính phủ kháng chiến “tập kết”, còn Miên thì quân kháng chiến phải “phục viên tại chỗ” (tức là ở tại chỗ mà giải giáp). Những người Miên kháng chiến không chịu bị tước vũ khí một cách trá hình như thế, và Khơme đỏ đã tìm cơ hội để nắm quyền lãnh đạo cách mạng. Đây cũng là một cớ nữa để bọn Pônpốt chĩa căm thù vào người Việt, với sự xúi giục của Băc kinh. Cho nên, vẫn dựa vào Việt Nam để tồn tại và chiến đấu, nhưng như mấy người từng hoạt động ở Campuchia nhiều năm đã nói: “Họ là đồng minh 29 ngày”, có nghĩa là kể trong một tháng thì sang ngày thứ 30 đã phản phúc rồi. Còn hơn thế, cán bộ, bộ đội Việt sang giúp, hễ đi lẻ là dễ bị “mất tích”; các kho quân dụng, lương thực, vũ khí của quân tình nguyện Việt Nam trên đất bạn, nếu không cẩn mật dễ bị “phỉ” đột kích; ...
         Chỉ một ngày sau khi Việt Nam kết thúc chiến tranh (30-4-1975), hơn hai trăm người dân Việt Nam trên đảo Thổ Chu trong vịnh Thái Lan bị tàn sát man rợ. Truyền thông của ta, lúc đầu nói là do tàn quân nguỵ Sài Gòn(!), sau lại nói là tàn quân Lon Non(!). (Khơme đỏ đánh bại quân Lon Non do Mĩ đỡ đầu và làm chủ toàn Campuchia ngày 17-4-1975). Thực ra, chính là quân bọn Pôn Pốt. Sau đấy, dân Việt nơi biên giới với Campuchia thường bị quân bên kia sang cướp phá, giết chóc. Có ngôi trường chúng tràn qua hãm hiếp, cướp, giết rồi nổi lửa thiêu cả nạn nhân. Vậy mà bên ta vẫn “giải thích” là tàn quân ngụy Miên; sau thấy không ổn lại bảo: bên nước bạn lúc này trên trung ương không bảo được địa phương (dường như có những lần khi nghe bên ta “phàn nàn” về những chuyện động trời này, bọn cầm đầu Khơme đỏ có phân bua kiểu như vậy). Cho đến đỗi, có lần bên ta mời “bạn” ở địa phương “kết nghĩa” sát cạnh nhau sang giao lưu hữu hảo, liên hoan văn nghệ, chè chén ban ngày; ngay tối hôm đó, “bạn” ùa qua đốt phá, cướp giết cả một thị trấn. Tuồng như bọn Khơme đỏ vừa nắn gân, vừa dằn mặt, vừa quấy rối, theo cố vấn Tàu chỉ lối, để VN phải trả đất Nam bộ (!). Chúng còn có kế sách đánh thọc đến thành phố Hồ Chí Minh nơi có đông Hoa kiều Chợ Lớn mà Bắc kinh đang tìm cách thao túng. Bên Việt Nam vẫn không đưa một tin công khai nào; cũng không thấy một lời phản kháng công khai nào. Vẫn coi là “đồng chí”, vẫn để cho dân Việt nghĩ là nước anh em, trong khi dân chúng biên giới nhiều nơi phải dời đi (để tránh giặc cướp). “Chịu trận” như thế mà chẳng được nhân dân thế giới chia sẻ, -họ có được biết đâu! Dường như nhà cầm quyền Việt Nam muốn “càm hoá” bạn, mặt khác để tránh va chạm với Bắc kinh đang ra sức o bế Phnom Pênh.
         Khơme đỏ vẫn ngầm nuôi dưỡng thù hận với Việt Nam đến tận dân thường. Mặt khác, tìm cách xoá mọi ảnh hưởng của Việt Nam. Những người họ cho sang Việt Nam nhờ huấn luyện kĩ thuật đặc công, về nước, sau khi truyền lại mọi ngón nghề cho đồng đội, được mời “đi biểu diễn trong rừng” để không bao giờ trở lại. Những cán bộ kháng chiến (chống chính phủ Lon Non thân Mĩ) được đưa sang Trung Quốc nghĩ dưỡng và học tập về đều được trọng dụng; còn ở Việt Nam về đều bị thanh trừng tàn tệ. Thậm chí những cháu học sinh nhờ Việt nam cưu mang từ hồi còn chiến tranh, họ  cũng đòi về để “giáo dục các cháu cho sát với thực tế đất nước”. Bên ta đưa đến tận biên giới bàn giao. Các cháu vừa được dẫn sâu vào đất nước mình vài trăm mét thì cuốc, sẻng, gậy tới tấp giáng vào đầu cho tới khi bị tận diệt. Có chiến sĩ Việt bên này biên giới muốn xông sang cứu nhưng bị ngăn lại vì luật lệ quốc tế!
         Một hồi, dân Campuchia không chịu nổi ách tàn bạo đã vùng lên dưới sự lãnh đạo của Xôphin, một cán bộ Khơme đỏ cao cấp li khai. Ông lập căn cứ trong rừng và yêu cầu Việt Nam giúp, nhưng được nghe lời khuyên: “phải nên chờ thời cơ”. Và “thời cơ” là cuộc khởi nghĩa của ông bị bọn Pônpôt xoá sổ. Hành xử của nhà cầm quyền Việt Nam thật khó hiểu. Chẳng hiểu họ trông đợi gì ở bọn Pônpôt?
         Cho đến giữa năm 1978!
         Đi con đường “ngoại giao” mãi không xong, giữa năm 1978 Hà Nội cho quân đánh sang một trận để cảnh cáo rồi rút về. Cán bộ tuyên giáo giảng giải trong buổi nói chuyện thời sự ngay hôm sau: “Bạn như một đứa trẻ được nuông chiều khó bảo, khuyên mãi không nghe nên phải tát cho một cái để tỉnh ra. Thế nhưng bạn cũng không giận ta”. Ngay tối hôm đó, Khơme đỏ tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam và chửi bới thậm tệ. (Chẳng biết “tát” ở đâu, chứ chính ông cán bộ tuyên giáo tự tát vào mồm).
         Cuối năm 1978, với sự giúp đỡ của người Việt, những người Campuchia li khai đào thoát sang đất Việt tập hợp được lực lượng, không lớn lắm. Nhân danh “đáp lời kêu gọi giúp đỡ” của lực lượng này, Việt Nam đưa quân đánh sang để bẻ gẫy cái mũi dao cứ thọc vào lưng, vào sườn mình, đồng thời giải phóng dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng (Cái từ “giải phóng” có vẻ vơ vào cho VN, nhưng chính một Miên kiều ở Pari cũng nói: “Tôi di cư sang Pháp sau khi VN vừa giải phóng Campuchia khỏi bọn Khơme đỏ). Cuộc hành quân qui mô này, một nhân vật có cỡ sau đó cho biết, không có ý đánh tiêu diệt bởi dân Campuchia đã bị bọn Pônpôt tàn sát quá nhiều nên chỉ đánh xua, cốt dọn đường cho lực lượng khởi nghĩa về nắm chính quyền. Có phải vì vậy mà để sổng những kẻ cầm đầu Khơme đỏ với lực lượng của chúng chưa bị sứt mẻ mấy. Do đó, dự tính chỉ ở lại chừng sáu tháng giúp chính quyền non trẻ rồi sẽ rút về nước, quân đội Việt phải đương đầu với sự chống cự dai dẳng của tàn quân Pônpôt gần mười năm trời! Hẳn là có sự chủ quan ban đầu chăng? Cũng là chủ quan chăng, để cho Băc kinh sử dụng Xihanúc làm “con bài” giúp Khơme đỏ dụ dân chúng Campuchia và tuyên truyền đối ngoại? [Hạ bệ bọn Pônpôt, lập chính quyền mới, người ta coi Xihanuc không còn vai trò gì. Hai lần, ông hoàng này từ Bình Nhưỡng gửi thư cho thủ tướng VN đều bị trả về, -Bình Nhưỡng phụ hoạ với Băc Kinh chống Hà Nội, ông này bị nghi kị cũng phải!]. Việc đánh Campuchia, cho đến nay, có những ý kiến rất khác nhau, kể cả của cộng đồng người Việt, trong và ngoài nước. Lịch sử sẽ phân định. Điều chắc chắn là dân Việt Nam đã phải trả cái giá quá đắt, không chỉ về sinh mạng, của cải. Còn đắt nữa, bị “mang tiếng”, bị cô lập. Trước đây cứ bưng bít việc quân Khơme đỏ thường xuyên quấy rối và tấn công qua biên giới, việc đánh vào Campuchia khó biện minh với thế giới. Song, hiển nhiên là một khi Khơme đỏ còn nắm quyền ở Campuchia thì không những dân tộc này bị nạn diệt chủng mà dân Việt Nam khó mà yên thân, chẳng riêng ở biên giới đâu. Chúng chẳng dấu ý đồ đánh chiếm Nam bộ Việt Nam; nhất là một khi “cái ô” Bắc kinh không cần che đậy bộ mặt bá quyền nước lớn nữa. Vấn đề là Việt Nam loại trừ cái quốc nạn sát nách ấy như thế nào!
 
         Ngày nay, hai dân tộc đang cần yên ổn để dựng xây đất nước. Sự thông thương giữa hai bên có phần thoải mái. Đứng ở cửa khẩu cảm thấy dễ thở không như ở biên giới phía bắc. Nhiều người Việt sang làm ăn, đầu tư ở nước bạn. Tuy nhiên, chỉ mới cảm nhận sơ sơ cũng thấy hơi hướng Tàu, không chỉ Hoa kiều mà cả người Trung Quốc từ chính quốc, họ chiếm tỉ trọng kinh doanh lớn nhất. Nắm yết hầu kinh tế, viễn cảnh không xa một “Thái Lan” nữa chăng? Về chính trị, -nhận định của vài giới phương Tây, có vẻ như Phnom Pênh đang ngả dần vào vòng tay Bắc kinh. Lẽ nào họ đã chóng quên, không có bàn tay Trung cộng chở che và tiếp sức, bọn Khơme đỏ không có cơ đẩy quốc nạn Campuchia đến tột thảm như vậy!
 
* * *
         Quá khứ huy hoàng Angkor là niềm tự hào chính đáng của người Campuchia. Những anh hồn ngự trên các đỉnh tháp Đế Thiên, Đế Thích hẳn là không mải tự chiêm ngưỡng mình mà đang nhìn xuống đất nước hồi sinh, mong muốn được tự hào về hậu duệ của mình, các thế hệ hôm nay và mai sau. Và, rồi đây, nụ cười Bayon huyền hoặc sẽ rạng lên trên sự trầm mặc trải gần mười thế kỉ ...
 
4 - 2012
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 10.06.2012 19:58:47 bởi Khải Nguyên HT >