Pari, một thoáng ... (bản mới hiệu đính)
Khải Nguyên HT 12.06.2012 17:38:20 (permalink)
Khải Nguyên
Pari, một thoáng...
 
 
        Năm xưa, có một cậu bé con biết đau thân phận dân mất nước, căm “thằng Tây đô hộ”, đã từng mơ có ngày quân Việt Nam đổ bộ lên đất Pháp “cho chúng nó biết tay”, trả hận kẻ giày xéo đất nước mình. Thế rồi, cậu bé ngày ấy “đổ bộ” lên đất Pháp thật, lại “đổ bộ” đường không đàng hoàng xuống ngay thủ đô Pari. Có điều là trang bị, thay vì súng ống, lại là tấm hộ chiếu và chiếc va-li da. Không chỉ một mà hai lần.
        Thời mà đi nước ngoài được nhiều người cho là một niềm hạnh phúc lớn thì được đến một nước phương Tây, -lại chẳng phải do “ưu tiên” hay “chiếu cố” gì, quả là một “sự cố” ngoài mong đợi!
        Lần đầu, “đổ bộ” và “rút lui chiến lược” trong cùng  ngày. “13-12-1988, ta đã đặt chân lên đất Pháp. Gần 8 giờ sáng, giờ Pari, mà còn tối đất. Một sự cố hành lí chẳng đáng gì mà mấy vị quen lãnh đạo kiểu ở nhà giải quyết ấm ớ quá. Thế nào mà mấy cô đầm Pháp, nhân viên cảng hàng không, tưởng  là dân Việt Cộng “đào vong” (réfugié), còn không được là dân di tản (émigré) nữa, coi thường ra mặt. Cám cảnh sao đó, một cô người châu Á đi đến; cô nói tiếng Việt khá sõi, chỉ hơi lơ lớ: “ Tôi là người Nhật làm việc ở đây, để tôi giúp các ông”. Xong việc, cô đưa tấm danh thiếp, -Inthavong Khampiao, đọc lên thấy như tên một người Lào. Cảng bay Roat-xi đầy hàng và đầy người nhưng không ồn ào mất trật tự, vẫn sạch sẽ, đi lại thoải mái, gây được thiện cảm của một người lần đầu đặt chân lên một nước tư bản. Cả một khu vực khá rộng lắp kính khép kín, hơi lành lạnh rất dễ chịu. Ngoài kia, nhiệt độ xuống 6oC. Đó đây, những cây trụi lá chĩa cành nhánh đen thui lên trời, riêng những cây thuộc họ thông vẫn giữ nguyên màu xanh. Có lẽ đang là mùa thu Pari”. (trích nhật kí)
        Lần thứ hai đến Pari vào mùa hạ, hai năm sau. Sân bay Charles de Gaulle 1, nơi tôi đã lên một chiếc máy bay của hãng Air Afrique để đi châu Phi. Nắng sớm chan hoà, cây cối xanh tươi, trời mát. Ra cửa thong dong, chẳng thấy khám xét gì, cũng chẳng phải khai ngoại tệ như hồi đến thủ đô Liên-xô. (Thế mà tay bác sĩ Th. đã dọa: coi chừng cái tượng bằng ngà voi tôi mang theo!). Cho hành lí lên một cái xe đẩy hàng đi tự do loăng quăng như ở nhà mình.
        Đi xe buýt của hãng Air France về quảng trường Ngôi sao (Étoile) xa 30 km. Đường vòng ngoại thành. Cảnh đẹp, thanh bình. Ruộng đồng trù phú, “ấm cúng” hơn cả đồng ruộng ngoại thành Matxcơva, Liênxô. Xe đi dần vào trung tâm thành phố. Từ xa đã nhác thấy đài Chiến thắng (Arc de Triomphe).
        “Ta đã thả bước trên đường phố Paris!”
        Mười ngày lưu lại ”thủ đô ánh sáng”- danh xưng và danh phong từ thế kỉ trước- như là cưỡi ngựa xem hoa, như là bất chợt một cảnh thoáng gặp.
 
       Cổ kính và hiện đại
       Những gì  làm nên Pari, những gì  khiến người Pháp tự hào về Pari, những gì  hấp dẫn du khách ở Pari trước hết là ở những công trình mang dấu ấn truyền thống dân tộc và dấu tich lịch sử: tháp Ep-phen, đại lộ Săng Ê-li-dê, nhà thờ Đức Bà, bảo tàng Lu-vrơ, Cung điện Vec-xay, vườn Luých-xăm-bua…. Nhưng lạ thay! Đến Pari người ta không cảm thấy là đến một thành phố cổ mà là đến một thành phố của thời nay. Có lẽ bởi sinh khí của nó, bởi nét hiện đại của nó toát lên từ các phương tiện và cung cách sinh hoạt, từ cảnh trí đến gương mặt đô thị nhìn chung. Phong cảnh thiên nhiên và không gian đô thị; các kiến trúc lịch sử, văn hoá, tôn giáo; các công viên, quảng trường với các tượng đài, phù điêu, vòi phun nước, bồn hoa… ,cái cổ kính và cái hiện đại đan xen nhau, hoà vào nhau. Ở Pari không thấy phần xây dựng hiện đại tách riêng. Khu La Đê-phăng-xơ ở phía tây bắc gồm nhiều nhà mấy chục tầng, bê tông hoá  một khu vực khép kín các tiện nghi ăn ở, mua sắm, học hành, giải trí… như một số người Pháp nói, cũng chỉ là một khu phố nhỏ. Đứng tại một nơi cao như tháp Ep-phen, nhìn ra xa, những công trình hiện đại đột khởi lên đây đó: Trung tâm Bô-bua, nhà tháp Mông-pác-nát 59 tầng, cung Đại hội,…  những khối bê tông dựng đứng, hình trụ, hình hộp thi cao với những nóc vòm bán cầu có chóp nhọn hoắt của những toà cổ kính:  Điện Păng-tê-ông, viện Phế binh, nhà thờ Thánh Tâm (Sacré Coeur)... Trong thập kỉ 90 của thế kỉ 20, thấy nói Pa-ri có thêm một số công trình có  tầm cỡ như công viên Đisnây, các lâu đài khoa học, nhưng chắc không phá vỡ toàn cảnh vốn có của Pari.
       Trông người lại ngẫm đến ta. Về cảnh quan, về gương mặt đô thị, Hà nội của chúng ta có nhiều điều để tự hào, nhưng lại có nhiều cái đáng chê trách. Sự chắp vá thấy rõ, và sự tuỳ tiện. Ai đâu nghĩ về tự do, thấy chăng những lĩnh vực mà ở đấy là “tự do vô tội vạ”, trong đó có việc xây nhà tại các đô thị Việt Nam lúc này! Không xứ nào có mật độ dân cư cao như  ta (gần gấp đôi Trung Quốc) mà việc xây dựng nhà cửa lại bị “thả nổi” như thế. Thậm chí có thể lấn chiếm, chịu “chi” cho các vị “chức năng”  để tồn tại; sau đó, khi người ta cần “giải phóng mặt bằng” lại được “đền bù thoả đáng”. Còn cái “cổ” ở ta thì lại như bị lạc lõng bên cái “mới”, nhiều khi còn bị uy hiếp, có nguy cơ bị phủ định.
       Pa-ri lưu giữ cái “cổ”, không duy trì cái cũ. Cái mới tôn cái “cổ”. Muốn tận thưởng thức hai cái đó ở Pa-ri, dầu chỉ là sơ qua, phải bỏ ra nhiều thời gian, lại phải nặng tri thức trong đầu và nặng tiền trong ví.
 
       Xe điện ngầm Pari
       Lưu lại Pa-ri, khách du bình thường nghĩ ngay đến việc  mua một vé đi xe điện ngầm, cũng là vé đi xe buýt, dài hạn (tuần hoặc tháng). Hồi trước đang học đại học, tôi nghe một giáo sư từng đỗ hai bằng tiến sĩ tại Pháp nói: xe điện ngầm ở Pa-ri “bình dân”, hơi nhếch nhác, so với xe điện ngầm ở Mat-xcơ-va; tôi đã nghĩ hẳn vì ở Pa-ri phương tiện đi lại này chỉ dành cho người nghèo, những ngưới khá giả có ô tô riêng. Nay, thấy tận mắt hơi khác. Xe điện ngầm  Pa-ri ra đời năm 1900, sau xe điện ngầm Lơn-đơn của Anh -sớm nhất thế giới, nhưng mọi thứ đều được đổi mới theo thời, từ thẻ vào cửa, trang bị các toa tàu cho đến việc trang trí các ga. Một chuyện nhỏ vui vui: Một ông tiến sĩ từng ghé qua thủ đô Pháp kể rằng: Trong ga xe điện ngầm Pa-ri cũng có những nơi tường bị vẽ bậy. Thì ra đúng là có vài mảng tường đầy những nét vẽ màu đen “nhăng nhít” thật , nhưng đó là tranh “hiện đại”.
       Vừa tiếp xúc, ngỡ xe điện ngầm  Pa-ri sang hơn xe điện ngầm  Mat-xcơ-va. Vào cửa tự động dùng vé thẻ từ thay vì dùng đồng xu (copeck). Toa xe được chia hạng nhất và hạng hai; ghế ngồi đặt ngang chứ không để dọc toa như ở thủ đô Liên xô xưa, kể ra cũng tiện và sang hơn một chút. Ga hẹp hơn nhiều những vui mắt hơn nhờ những tấm biển quảng cáo, các cửa hiệu nhỏ và nhất là các tranh tường. Người ta nói quả thật bộ mặt ga xe điện ngầm  Pa-ri ngày trước không mấy hấp dẫn. Từ những năm 1950, 60 đã có bước ngoặt về “sự trẻ hoá”. Tiếp đó, chương trình hiện đại hoá vào những năm 70 tăng nhanh đến mức thường xuyên phá vỡ những giá trị thẩm mĩ đã có. Trong mấy năm, lại nhiễm lối trang trí loại tranh kém mĩ thuật du nhập từ Hoa kì đang tràn lan khắp Châu Âu. Những năm gần đây, công ty  RATP- công ti làm chủ xe điện ngầm- đã buộc phải bỏ ra 10 triệu phơ-răng (F) mỗi năm để chống phản thẩm mĩ; và năm 1989, phải chi tới 35 triệu F. Những điều trên tôi đọc được trong tờ giới thiệu (quảng cáo) triển lãm “nghệ thuật trong các ga xe điện ngầm” trên thế giới, được tổ chức tại Pa-ri năm 1990. Cả những ý sau: “Xe điện ngầm phản ánh, tô đậm và kết tinh thời tiết chính trị, kinh tế và xã hội  của đời sống bên trên”  và  “Phải trả cho hành khách quyền có một xe điện ngầm  an toàn, đẹp và sạch, thấm đẫm những giá trị văn hoá và thẩm mĩ ”.
       Một ông bạn từng ở Mat-xcơ-va và Pa-ri nói rằng: đi xe điện ngầm ở Pari tiện lợi và thoải mái hơn ở Mat-xcơ-va. Tôi nghĩ hơi khác: Vào cửa xe điện ngầm ở Mat-xcơ-va chỉ dùng đồng cô-pếch tất nhiên không hiện đại như thẻ từ, nhưng một khi đã vào lòng đất thì không còn “cửa ải” nào nữa, muốn đi đâu thì đi, muốn chuyển tuyến nào cũng được và chuyển rất thuận tiện vì có tuyến bao quanh vùng trung tâm khép kín nối mọi tuyến ngang dọc qua trung tâm thành phố toả ra ngoại vi. Ở Pa-ri thì không thế, chuyển tàu vất vả hơn; có những lần chuyển phải dùng đến thẻ để “vượt ải”. Trong các ga ở Pa-ri có rất ít thang cuốn tự động và hành lang di chuyển nhiều khi rất dài. Một tối, tôi chuyển ga ngầm ở cửa May-ô, đường hun hút vắng ngắt, cảm thấy rờn rợn, chợt nghe tiếng chạy huỳnh huỵch phía sau, người  tôi nổi gai chẳng dám ngoảnh lại, làm bộ bước rất đàng hoàng; một thanh niên cao lớn chạy vượt qua chẳng ngó đến tôi đang thở phào. Trước đó, tôi đọc trên tờ Nu-ven Đê-tếc-ti-vơ (tựa như báo An ninh của ta) và trên tờ Pa-ri Mat (một tạp chí có lượng phát hành lớn) thấy nói nhiều đến bọn thanh niên càn quấy trên xe điện ngầm; do vậy mà tự tạo một phen hú vía. Ga xe điện ngầm  ở Mat-xcơ-va cao rộng như lâu đài, nhiều tranh, tượng; có ga như một gian trưng bày phóng khoáng, là một trong những niềm tự hào của người Liên-Xô xưa.Tuy nhiên một bác sĩ ta cả quyết là “kém thẩm mĩ” (mauvais gou^t ). Vậy mà, tại cuộc triển lãm nói trên, ở Pa-ri năm 1990, người ta lại nhấn mạnh sự tráng lệ của ga xe điện ngầm  ở Matxcơva và Lêningrat.
 
       Vườn Luychxămbua (Luxembourg)
       Tới Pari, tôi quan tâm trước hết tới vườn Luychxămbua, cái vườn từng ướp thơm những kỉ niệm thời học trò qua những câu văn nhẹ nhàng và trong sáng của Anatôn Phơrăngxơ. Vườn  hình ngũ giác, không rộng hơn vườn Bách thảo cũ của Hà Nội bao nhiêu. Bao quanh là đám cây cổ thụ với rất nhiều pho tượng. Tiếc rằng đang mùa hè nên thiếu vắng hình ảnh "lá vàng rơi từng chiếc từng chiếc trên vai trắng của các pho tượng". Giữa vườn, một cái hồ tròn nhỏ như cái ao làng, nước khá trong sóng sánh mấp mé bờ. Viền quanh là đường rải đá cuội khá rộng. Cuội nhẵn va trượt vào nhau lạo xạo dưới chân người đi. Đường cuội ngăn cách hồ với những bãi cỏ xoè ra bốn phía như những cánh hoa. Cỏ rất dịu. Người ta bảo đấy là những bãi cỏ kiểu Anh, tôi chưa kịp tìm hiểu. Bữa ấy, nắng chiều nhàn nhạt nhưng hơi nồng; quanh hồ khá đông người, phần đông là du khách nước ngoài. Mấy cụ già ngồi sưởi nắng, chắc là dân Pa-ri không có điều kiện đi nghỉ hè. Chưa là mùa thu, chưa có không khí tựu trường, tôi hoài công hình dung bóng dáng cậu học trò, “cặp sách sau lưng băng qua vườn nhảy nhót như con chim sẻ”.
       Trong tâm tưởng tôi còn vương một vườn Luychxămbua khác, tuy không sâu đậm bằng. Ấy là vườn của cặp Côdet – Mariuyt. Cặp tình nhân trong "Những người khốn khổ" của Vichto Uygô đã đến với nhau trong khu vườn này. Tưởng chừng như không phải là hư cấu của nhà văn mà đúng là các chòm cây, trảng cỏ, các pho tượng từng chứng kiến nụ hôn đầu của họ, từng lắng nghe những lời họ thủ thỉ.
       Trong thế giới sôi động ngày nay, liệu vườn có còn lưu được chất thơ xưa?
 
       Tháp Epphen (Eiffel)
       Ai cũng biết nói đến cảnh vật Pari  mà không nói đến tháp Epphen thì cũng như  nói đến cảnh vật Hà Nội  mà không nói đến hồ Gươm vậy. Tháp Epphen nay vừa là tháp truyền thanh và truyền hình, vừa là điểm du lịch rất có giá. Du khách có thể leo lên theo  ba nấc cao, chỉ có thể trèo bộ ở nấc đầu, còn thì tất nhiên phải dùng thang máy. Năm 1989, kỷ niệm hai trăm năm Cách mạng Pháp, một vận động viên thể thao người Pari  đã định leo bằng chân tay không lên tót cái tháp cao ba trăm ba mươi mét. Nhưng anh ta mới leo được chừng một nửa thì cảnh sát Pháp bắt phải tụt xuống vì quá nguy hiểm. Theo thang máy lên nấc cao thứ ba, cách mặt đất độ ba trăm mét có thể thu toàn cảnh Pari vào trong tầm mắt. Buổi tối đầu tiên ở Pari, tôi và C., bạn đồng hành, đã đến thăm tháp. Chúng tôi chụp ảnh ở tầng  đầu, mời một cô người Pháp đang trực ở đấy cùng chụp, cô có vẻ thú lắm. Trái lại, hai cô đang tỉa hoa ở vườn Bách thảo mà chúng tôi mời cùng chụp ảnh mấy hôm sau, thì e lệ từ chối; Các cô có vẻ “nhà quê” ngay giữa trung tâm Pari(!). C. vừa gặp cô trực tháp đã tự giới  thiệu: “Chúng tôi là người Việt Nam, dân thuộc địa cũ của nước Pháp đây…”. Tôi không vui: “Anh nói vậy để làm gì?”. Ông ta hào hứng: “Ông Tố Hữu bảo phải nói cho chúng biết rằng ta là dân bị đô hộ đã vùng lên đánh thắng chúng đấy”. C. thạo tiếng Pháp hơn tôi nhiều, từng phụ trách văn phòng Hội đồng bộ trưởng, theo lời ông ta, - chính tôi được biết ông ta là bạn thân của một vị đại sứ tầm cỡ sau làm to-, có nhiều dịp tiếp xúc với nhiều “nhân vật”, ông ta hay viện lời ông này ông nọ để thêm sức nặng cho lí lẽ của ông ta  mỗi khi có sự bất đồng ý kiến với tôi. Lúc này, không  phải là chỗ tranh luận, tôi chỉ nói: “Ông nào thì cũng có thể sai. Câu nói còn phải tùy ngôn cảnh. Cô bé này biết gì về những chuyện như thế. Có chăng nếu dựa vào câu anh vừa nói thì phản ứng trong đầu của cô ta, nếu có, chỉ là sự coi thường chúng ta mà thôi”. C. sốt sắng hỏi địa chỉ cô đầm, hẹn sẽ gửi ảnh tặng. Tôi nghĩ chuyện đó dễ là hão, bởi lẽ ảnh về Việt Nam mới được rửa và in cho rẻ, biết có gửi được không! Về sau, những cuộn phim chúng tôi chụp suốt chuyến đi, C. đã đánh mất. C. là người chân chất, làm việc chu đáo, ai nhờ việc gì mà có thể giúp được thì bao giờ cũng tận tình.
 
       Sông Xen (Seine)
       Đứng  trên tháp Epphen ngắm cảnh Pari hoa lệ ban đêm thấy những con tàu du lịch sáng trưng đèn dạo trên sông Xen, tựa như những cành hoa kết tầng trôi trên sông. Sông Xen! Con sông trong vở kịch “Tháp đoạn hồn”, nơi đó mụ hoàng hậu bạo dâm đêm đêm ném xác người-tình-một-tối;  con sông trong “Những người khốn khổ”, nơi đó tên cảnh sát quá ư cần mẫn đã gieo mình tự vẫn  vì những mâu thuẫn giằng xé trong tâm hồn hắn; Con sông trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật khác. Sông không rộng, nước không trong lắm, ban ngày có thể thấy rõ màu bẩn, không bằng sông Mat-xcơ-va nhưng “vui” hơn, sầm uất hơn, được tận dụng tốt hơn để làm đẹp thành phố và thu hút du khách. Sông Xen nổi tiếng về cầu, nhiều cầu trang trí đẹp. Nếu xét về số lượng cầu trên sông chảy qua một thành phố lớn thì sông Xen đứng hàng đầu. Một sự nổi tiếng khác mà chắc rất hiếm thành phố nào trên thế giới “ganh” được, và không biết bây giờ còn duy trì  được nữa không, ấy là những quán bán các sách cũ bên bờ sông Xen tại trung tâm Pari. Người ta nói ở đấy nhiều khi kiếm được những cuốn sách rất quí hiếm. Một thầy giáo cũ đã quá cố của tôi, thầy Phó Đức Tố,  từng  kể lại rằng hồi thầy còn du học ở Pari, những năm 30 thế kỉ 20, thầy hay ra lục tìm tại các quán sách ấy. Một bữa có mấy cô đầm đi qua chỉ trỏ vào thầy cười và bảo nhau: “Sin-tốc, Sin-tốc (tiếng khinh miệt chỉ người Trung hoa)”. “Tôi mới chỉ vào ngực mình -lời thầy kể- bảo chúng nó: Moa pa Sin-tốc, pa Sin-tốc (tao không phải là Tầu). Chúng nó sợ lắm, sợ lắm”. Thầy kéo dài  mấy tiếng “sợ lắm” nghe rất nhộn. Tuy thế, thầy vẫn là người hiền lành, kể cả trong những kỉ niệm thiếu thời ở Pari.
 
       Nhà thờ Đức bà Pari (Notre dame de Paris)
       Các trang tiểu thuyết của Victo Uygô vẽ ra trong trí tưởng người đọc một ngôi nhà thờ còn hùng vĩ hơn cả trong thực tế, có tường bao và cổng ngoài đồ sộ, đượm không khí bí hiểm. Tôi đứng trên quảng trường trước nhà thờ vấn vít bởi bao câu hỏi hồi tưởng: Đâu là lầu chuông, nơi Quadimôdô giấu Miranđa? Đâu là cái cổng mà đám ăn mày đã công phá? Đâu là cái hành lang bên trên, chỗ Quadimôdô đứng đổ nước hắc ín sôi xuống? Đâu là khúc sông Xen từng chứng kiến lão giáo chủ đưa Miranđa đi trốn?  Đâu là bãi pháp trường treo cổ nàng? Đâu là cái máng xối mà tay giáo chủ đã bíu lấy trước khi rơi tan xác? Đâu là hầm mộ tử tù từng chứa thi thể chàng gù quắp chặt xác nàng trinh nữ bất hạnh? Trong nhà thờ hơi tối, đông nghịt người; sắp đến buổi cầu kinh, khách du nhiều hơn người quì làm lễ. Thiếu ánh sáng, thiếu thì giờ mà cũng thiếu những kiến thức thẩm mĩ cần thiết để ngắm kĩ vòm nhà, tường, các bức tranh, tượng...
       Hôm sau, tình cờ tôi ghé vào một nhà thờ khác cũng rất nổi tiếng, nhà thờ Thánh Tâm (Sacré-coeur). Nếu nhà thờ Đức Bà đường bệ, cổ kính thì nhà thờ Thánh Tâm đồ sộ nguy nga và hơi...diêm dúa. Một du khách người Ý bảo tôi rằng ông ta không thích ngôi nhà thờ này, nó phô trương và không thuần nhất. Trong các đạo cùng tôn thờ chúa Giêsu thì đạo Gia tô La mã khéo biết cách lung lạc tín đồ hơn cả, trước hết là bằng cấu trúc và trang trí nhà thờ. Ở nhà thờ này, người ta tỏ ra biết kinh doanh, biết tận dụng tín đồ và du khách để bán quà lưu niệm và kỉ vật tôn giáo.
        Nhà thờ Thánh Tâm toạ lạc trên đỉnh đồi Mông-mac, phía bắc thành phố. Đứng  đây có thể nhìn hầu khắp Pari qua ống nhòm. Có thể thấy tận tít phía nam những nhà cao tầng thực sự (để phân biệt với cách gọi các “nhà cao tầng” ở ta) tại những khu vốn  là ngoại vi như khu Ac-cơi. Ở khu này, có người vẫn nói “đi Pa-ri” khi họ định đến vùng trung tâm thành phố, tựa như người ở quận Phú Nhuận hay ở Chợ Lớn -tức quận 5, đến quận Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) thì nói “đi  Sài gòn”.
 
       Cung địên Véc-xay (Versailles)
       Véc-xay không thuộc Pa-ri, cách chừng 30 km. Chắc nhiều người đọc sử còn nhớ: một trong những nguyên nhân thất bại của Công xã Pari là sau khi làm chủ thủ đô, người ta đã để yên cho quân chính phủ tập hợp lực lượng tại Véc-xay, từ đó kéo về Pari và dìm Công xã trong biển máu. Từ  Pari đi Véc-xay không dùng  được thẻ xe điện ngầm dài hạn mà phải mua vé đường dài, chẳng rẻ. Xuất phát từ trong ga xe điện ngầm, ra ngoài là đường lộ thiên. Trong toa tàu, chúng tôi ngồi cạnh một cô gái Pháp khá xinh. Khi rõ ý định của chúng tôi, cô nói:”Vậy là các ông biết đến đúng nơi đấy”. Tôi hỏi: “Ở đấy, cô thích cái gì hơn cả?”. Cô đáp: “Phòng Mari Ăngtoannét (phòng của bà hoàng hậu bị Cách mạng tư sản pháp xử tử cùng chồng là vua Lu-Y 16)”. Tiếc rằng chúng tôi không có dịp kiểm chứng lời cô nói, vì chúng tôi đến vào thứ hai, bảo tàng đóng cửa! Chúng tôi đành vớt vát nơi khu vườn. Một khu công viên qui mô và tráng lệ. Những hàng cây cổ thụ, những luống hoa được chăm sóc tốt, một vườn cam, những bồn nước, bể nước và lạch sông, những bãi cỏ đúng là mịn như nhung. Chúng tôi nằm thử tại một nơi cũng vắng vẻ và tính nghỉ trưa một chốc, bỗng tiếng còi ré lên, một cảnh sát da đen đứng đầu kia bãi ra hiệu “không được”. Đang nghĩ cách đối phó nếu bị phạt thì anh ta đã rẽ lối khác. Có nhiều tượng dựng trong các bồn nước. Có chỗ là cả một đám người ngựa cùng cỗ xe đang tán loạn, có lẽ vì một con quái vật, nom ngoi ngóp trong nước khiến liên tưởng đến múa rối nước Việt Nam. Nơi khác, chính giữa bồn nước nổi lên một  khối tượng đài người và vật nhiều tầng lớp, một lối cấu trúc nghệ thuật cảnh có vai trò như hòn non bộ ở ta, tất nhiên khác nhau xa về nhiều mặt, cả về ý tưởng thẩm mĩ và nhân sinh quan. Chếch phía sau mé phải toà cung đIện có riêng một bể nước khá rộng với khán đài bên một phía bể dành cho những ngày mở hội nước. Người ta bắn súng nước, phun nước tạo  ra trên  không những dải băng, những chùm hoa, dĩ nhiên toàn bằng hạt nước. Không được xem trong các phòng, chỉ  xem vườn cũng đã thấy phần nào mức kiêu sa của vua chúa Pháp. Qua một số tranh ảnh cũ trưng trong vườn thì  thời xưa, từ  thời Hăngri IV, khu vườn còn lộng lẫy xa hoa hơn nữa. Các vườn ngự của vua chúa Việt Nam “khiêm tốn” nhiều. Ngự viên này có thể sánh với ngự viên của các vua Tàu, song một đằng thì mở ra phóng khoáng, một đằng thì khép lại thâm nghiêm. Hai hệ tư tưởng, hai lối sống, hai biểu hiện quyền lực khác nhau, Tây và Đông. Đi trong vườn Véc-xay, tôi có thể dạo ung dung; còn đi trong vườn Di hoà tại Bắc Kinh, tôi cứ “áy náy” cho mình. Do không biết tiếng Tàu chăng? không hẳn vậy. Đi chơi suốt buổi trong một công viên hiện đại ở Băng Cốc, tôi không có cảm giác ấy mà tôi có biết một chữ Thái nào  đâu!
       Chẳng phải là ngày mở cửa cung điện Véc-xay, mà vẫn không  ít du khách nước ngoài. Giữa đám người ấy, chợt nghe một cặp vợ chồng nói giọng Sài Gòn. Hôm ấy, phải một ngày nóng. Gặp một chị Tàu gốc Hồng Công, tôi hỏi: Có phải là ngày nóng nhất ở Pari không?. Chị bảo “Có thể. Tôi không rõ lắm”, mặc dù đã sống tại đây bốn năm. Chị kể mình có quốc tịch Anh, lấy chồng Pháp do quen biết nhau tại Thuỵ Sĩ. Đúng là “Hữu duyên thiên lí năng tương ngộ”. Trước khi lên tàu, chị chúc chúng tôi lên đường về nước may mắn.
 
       Bảo tàng Luvrơ (Louvre)
       Năm trước, vào Bảo tàng Luvrơ còn được “tháo khoán” ngày chủ nhật. Từ nay thì không. Giá vé các loại ở Pari đều cao, nói chi vào những nơi danh tiếng. Toà tháp đáy tứ giác, bốn mặt bên lắp toàn kính, mang dáng dấp kim tự tháp Ai Cập, một công trình cổ về kiểu dáng, hiện đại về chất liệu và kĩ thuật, đặt trong sân toà lâu đài cổ kính có vẻ như  tương phản, song khách tham quan dường như không kịp để ý. Vừa qua cửa vào trong tháp đã xuống ngay tầng hầm rộng rênh, từ  đó bắt đầu chuyến tham quan. Có lẽ đó là một trong những mục đích của toà tháp thuỷ tinh, giải toả  sự đông đặc trong sân trước nhà bảo tàng. Ai cũng biết đây là nhà bảo tàng  vào loại lớn nhất thế giới. Bao nhiêu là quí vật, thứ nào do sưu tầm, do mua, do được tặng? Thứ nào do cướp bóc qua các cuộc chiến tranh? Vào đây xem, một ngày ròng chẳng bõ bèn dù  chỉ xem lướt. Chúng tôi bỏ qua mọi phòng khác, phòng nào cũng hấp dẫn, tìm đến các phòng nghệ thuật cổ điển. Người đông như trong ngày hội. Trứơc tiên tôi đến  với La Giôcôngđơ, người đẹp I-ta-li được Lêona đơ Vanhxi (theo phiên âm Pháp) bất tử hoá trong tuổi thanh xuân ngự  trong một “lâu đài” hình hộp chữ nhật dẹt, được che kính bền chắc -nghe nói chống được cả đạn súng ngắn bắn gần, đính vào tường ở độ cao vừa tầm để có thể đứng chụp ảnh cùng  nàng, dĩ nhiên là không thể ngang hàng. Tranh trong các phòng treo dày mà vẫn thoáng. Thấy rõ là các tranh được chăm chút và bảo vệ cẩn thận. Tôi  giơ máy ảnh, đang ngắm, một cô trẻ đẹp tới gần nhắc: “Xin ông đừng dùng đèn chớp sáng”. Cô đứng coi chúng tôi bấm máy xong, yên tâm, nói “cảm ơn” rồi mới quay đi. Tôi đã đứng chụp ảnh lưu niệm cạnh một số tuyệt tác: La Giôcôngđơ, tượng vệ nữ Milô... Rất tiếc, về sau các phim chụp đều bị mất  cả.
       Phía ngoài nhà bảo tàng, trong tầng hầm của toà tháp kính, có hàng ăn nhẹ. Lịch sự Âu Tây, lại là lịch sự  Pari thì khỏi phải bàn. Tuy vậy, ... có khách tham quan mang sẵn đồ ăn thức uống đến ngồi vào ghế của nhà hàng, lập tức bị một cô phục vụ đẹp gái đuổi quầy quậy, mà ghế trống thì đầy ra (về điểm này thì rõ là thua hẳn nhiều quán ăn bình dân ở ta. Quá lắm là bị lườm nguýt thôi). Chúng tôi mua mỗi người một cốc sữa và một bánh sừng bò hết 14F, như vậy là có giá chỗ ngồi trong đó. Cô tiếp viên không mấy nhã nhặn, chúng tôi chỉ trả vừa đủ. Cô nhận tiền và nói trôi “Mecxi”, theo phép tắc bắt buộc phải vậy, với vẻ mặt không thể lạnh lùng hơn được nữa. C. bảo: “Giá có puốc-boa thì hẳn đã thêm từ Mơxiơ nữa và vẻ mặt tươi hơn”. Song tôi cũng băn khoăn: xử sự với cô ta vậy có  “phải” không?
 
       Đại lộ Săng Êlidê (Champ Élysée)
       Người ta nói đại lộ này đẹp nhất Pari; có báo còn tôn lên “nhất thế giới”. Đại lộ dài chừng hai killômét, từ cổng Khải Hoàn đến quảng trường Côngcoocđơ, bề rộng có thể là nhất Pari nhưng thua nhiều nơi mà tôi đã biết. Hai bên đường, với hành lang vỉa hè rộng rãi, có những khách sạn, nhà hát, bảo tàng, cung điện, ngân hàng, quán cà phê, ... , sứ quán một số nước, điện Êlidê-phủ Tổng thống. Cái đẹp của đại lộ Săng Êlidê không ở những điểm nói trên, hay đúng hơn, không chỉ do có vậy, song rất khó giãi bày. Tôi đã hai lần đi dạo trên con đường đó, ban ngày và ban đêm, tâm hồn lâng lâng thư thái, không ngợp bởi xe cộ sang trọng, bởi những hình khối và màu sắc của văn minh, không bị mê hoặc bởi những dư ảnh của vàng son quá khứ. Trên đường, xe không nhiều lắm, có thời điểm khá vắng, khách bộ hành dễ dàng sang ngang. Một khách du da trắng, có lẽ cũng vào loại “Tây ba lô” thả bộ trên mặt đường gần vỉa hè, một ô tô con phóng tới, anh ta cứ thản nhiên bước. Giá ở nước ta thì chiếc xe sẽ chạy chậm lại hoặc lượn tránh rồi. Ở đây, chiếc xe cũng “thản nhiên” lao tới. Vị khách bộ nhảy vội lên vỉa hè giơ cao nắm đấm dứ dứ theo người lái xe. Tôi đang ung dung ngoạn cảnh chợt cảm thấy cần xả bớt nước, may quá có một nhà vệ sinh công cộng, kín đáo nhưng dễ tìm, khá sạch, phải trả 2,20F (khoảng 5000 VNĐ). Không có tiền lẻ, đưa 2,50F bà già trông coi nơi đó tỏ ra cảm kích lắm, một tâm lí rất thường, đâu chỉ ở những nước nghèo!
       Cổng Khải Hoàn đầu đại lộ là vật đập vào mắt tôi đầu tiên khi tôi từ sân bay vào Pari. Người ta đã  nói nhiều đến nó cũng như tháp Epphen. Đây là đài kỉ niệm chiến tích của quân đội Pháp và các binh sĩ vô danh của họ. Trên nền cổng có chỗ ghi : “Để tưởng niệm các chiến binh Đông Dương”. Tôi dẫm lên nó, dòng chữ như ngọ nguậy dưới chân, tôi vụt nghĩ: Phải chăng đây là nét man rợ trong tầng  sâu của nền văn minh Pháp? Năm trước, trong dịp kỉ niệm 200 năm Cách mạng Pháp, báo chí Pari đưa tin và ảnh một người Pháp tay không leo lên cái  cổng cao hơn 50 mét đó. Chẳng hiểu người này tựa vào đâu?  Từ dưới lên, mặt tường đều trần trụi trừ mấy chỗ đắp hoa văn ở lưng chừng. Tôi đến hỏi một người Pháp đang trực tại một buồng ẩn trong chân cổng. Hắn ta chẳng bíêt gì cả, hắn còn rất trẻ. Té ra người nước ngoài lại quan tâm hơn dân Pari chính cống! Ban đêm ở cổng rất đông du khách. Một chàng trai  hỏi xin tôi diêm để hút thuốc lá. Anh ta chỉ mới nhìn qua bao diêm, ngạc nhiên: “Việt Nam?”. Bao diêm Thống nhất, chữ Việt Nam nhỏ xíu in nơi góc, ngay cả tôi sau đó vào ban ngày để ý kĩ mới đọc được. Anh ta tự giới thiệu là người Hà Lan.
       Quảng trường Côngcoocđơ nằm cuối đại lộ Săng Êlidê. Các buổi lễ trọng thể của nước Pháp thường diễn ra ở đây. Giữa quảng trường dựng cột đá biểu trưng quyền lực hoàng đế Ai Cập cổ đại, nghe nói do phó vương Ai Cập, hay còn được gọi là tổng trấn, “tặng” vua Charles X nước Pháp, tháng 5-1930. Bấy giờ, Ai Cập còn thuộc đế quốc Ottoman (nhưng được tự trị khá rộng rãi) bị thất lợi trong một cuộc chiến tranh có sự can thiệp của liên quân Pháp-Anh, nên quà tặng này có lẽ là một thứ chiến lợi phẩm chăng? Vốn là tặng hai cột, song nước Pháp dưới triều vua Louis Philippe dồn sức chở về được một cột mất hơn hai năm rưỡi, từ tháng 4-1831 đến tháng 12-1833. Cột được dựng lên tại quảng trường tháng 5-1936. Tổn phí tất cả 5 năm rưỡi và một triệu F khi đó. Trên cột đá, cạnh các dòng chữ tượng hình Ai Cập là bảng ghi rõ (bằng tiếng Pháp) đặc điểm, lai lịch của cột, ngày mang về và dựng... Chẳng biết có nên coi đây là niềm tự hào của nước Pháp không? Và nếu người Ai Cập đòi thì sao nhỉ? [Được biết dưới triều tổng thống Francois Mitterand nước Pháp đã trả(!) cột còn lại (vẫn còn tại Ai Cập!) cho Ai Cập].
       Đi quá quảng trường là vườn Tuynlơri. Vườn này nhỏ hơn vườn Luychxămbua và cũng khác hơn. Vườn L. là nơi du ngoạn, nghỉ ngơi. Vườn T. là nơi giải trí với các trò chơi, trò thể thao, trò điện tử... Ở Matxcơva  có vườn Goocki rộng hơn hai vườn nói trên, và mang chức năng của hai vườn này hợp lại. Vườn Luychxămbua hơn vườn Goocki ở cái vẻ cổ kính nhưng lại kém cái không gian thoáng và vị trí kề bên sông của cái vườn ở thủ đô Nga. Vườn Tuynlơri có nhiều trò chơi điện tử hơn vườn Goocki, nhưng các trò gây cảm giác ngợp thì không bằng. Đáng tiếc, vườn Goocki, dạo tôi biết, ít thu hút du khách ngoại quốc. Có một điều khó tin: các vườn trên về mặt vui chơi, đều không bằng công viên Xiêm ở BăngCốc. Thời điểm ấy, công viên này đã có những trò mà gần đây ở nước ta mới có.
 
       Mầu xanh Pari
       Ở Pari, nhiều phố nhỏ không có cây. Nhưng từ trên cao trông xuống hay nhìn bản đồ du lịch thì thấy thành phố này rất nhiều màu xanh, cả ở các nghĩa trang. Không như ở ta hễ có khoảng trống là san lấp để  xây cất, do chủ trương của các nhà “chức năng” hoặc do lấn chiếm, ở Pari người ta tận dụng mọi cơ hội để có cây xanh và  mặt nước, ít ra là thảm cỏ xanh. Thủ đô Pháp còn  có bốn khu rừng. Hai rừng Mơdông, Clama kề nhau  ở mạn tây nam xa trung tâm thành phố. Hai rừng Bulônhơ ở mạn tây và Vanhxennơ ở mạn đông-đông nam ngày nay có thể coi như nằm trong nội thành; chúng chỉ cách nhau hơn 9 km đường  chim bay. Tôi có ghé rừng Bulônhơ. Các cháu bé ở sứ quán Việt Nam khuyên nên thăm rừng vào buổi sáng: “Cha cháu bảo chớ đi buổi tối vì lắm chuyện lộn xộn”. Gần mép rừng có hai hồ: hồ Trên và hồ Dưới. Hồ Trên thực ra là một cái ao lớn; hồ Dưới là lạch suối rộng  bao quanh hai hòn đảo nhỏ dài gần chạm vào nhau. Nước được giữ tương đối trong, có máy bơm giữ ổn định mức nước. Mặt hồ sạch, không rác,  hiếm lá khô. Hồ được đặt trong khung cảnh rừng cây bãi cỏ tôn nhau lên. Đi sâu vào một chút, gặp một con đường nhỏ  lồi lõm những rãnh, những gờ bùn khô hằn vết lốp xe tải. Cây rừng cao nhưng không lớn, không nhằng nhịt cây con và dây leo trên mặt đất như ở rừng nhiệt đới, mà cũng không thưa thoáng nên thơ như khi đưa lên phim ảnh. Trời hơi oi. Bên khe nước nhân tạo chảy vào đầu hồ Dưới  có mấy cái ghế đơn sơ nhưng chắc chắn. Tôi ghé ngồi nghỉ. Một người Pháp già, không để râu, cũng nghỉ tại đấy cho biết: rừng Bulônhơ còn ít nhiều chất hoang dã, rừng Vanhxennơ thì bị con người gia công nhiều quá. Ông này là  công chức, vừa về hưu năm trước. “Cả đời tôi, cho đến lúc này, chưa hề đến một thày thuốc nào, chưa hề dùng một viên thúôc hay một mũi tiêm”. Ông ta thích đến với thiên nhiên, các rừng cây và công viên. Pháp là một trong những nước có diện tích cây xanh tính theo đầu người tại các đô thị đạt mức cao. Về điểm này, có lẽ nước ta vào loại thấp nhất thế giới, dĩ nhiên không tính các đô thị kề cận các vùng sa mạc. Mà trong số các thành phố của ta, có lẽ Hải Phòng vào loại chót.
 
       Chợ trời  Pari
       Nghe nói Pari có nhiều chợ trời. Tôi chỉ đến hai nơi. Chợ trời Môngtrơi trải ra trên một bãi rộng xa các đường phố chính, không ồn như đã nghĩ, khá sạch, ít lộn xộn  và không gây tâm lí lo ngại về an ninh và các hoạt động mua bán gian lận, chụp giựt. Ở nước nhà, tôi chỉ dám bén mảng đến chợ trời Hà Nội có một lần, đã lâu lắm.  Nơi xứ người, đi xem cho biết. C. thấy có áo da hươu thứ thiệt giá rẻ bèn mua mấy thứ, tự bằng lòng lắm; về nước, vợ con chẳng ai dùng vì quá lỗi mốt. Chợ trời Tati, tôi đi qua khi đến xem nhà thờ Thánh Tâm. Đây là một thứ chợ trời vỉa hè, nhiều hàng may mặc, nhất là quần áo cũ mà gian phong phú nhất là của một người Do Thái. Người đi lại mua bán tràn ra cả lòng đường. Nhiều giấy vụn và rác.
 
       Vết mụn trên gương mặt mĩ nhân
       Rác bẩn trên đường phố là điều chẳng vui với bất kỳ ai. Đến như mùi xú uế bốc lên quanh quanh Bôbua, một trung tâm văn hoá tổng hợp ra đời chưa lâu mang tên một tổng thống Pháp thì thật là tai vạ. Chừng như đó là hậu quả của dân nhập cư trái phép; ban đêm nhiều người trú ngụ tạm bợ quanh đó.
       Người ăn xin, một nghịch cảnh khác của các thành phố. Một lần, tôi bắt gặp trong một ga xe điện ngầm một  ông già ngồi gục đầu lên hai tay khoanh trên đầu gồi, cạnh dòng chữ phấn viết trên nền xi măng: “Tôi muốn về Ranh xơ, xin hãy giúp cho 110F”,  trong đó có chữ sai chính tả. Lần khác, cũng trong lối vào ga xe điện ngầm, một người đàn bà trung niên, đậm người, ngồi bó gối, trước mặt là tờ giấy ghi: “Tôi không có việc làm. Xin chu cấp cho”. Kiểu  chìa tay xin thì “đàng hoàng” hơn. Trong xe điện ngầm đang chạy, một anh còn khá trẻ bỗng nói to “Xin chú ý!” rồi đến bên từng người hỏi xin. Còn dạng “nhạc sĩ lưu động” thì không khác ở ta, có khi còn dạn dĩ hơn. Toa tàu đầy người nhưng không chật, hai người chơi ghi ta, người thứ ba chìa mũ đến bên từng hành khách. Có người làm ngơ, có người bỏ tiền vào mũ, thường là 2F. Anh ta đến bên tôi. Tôi bị bất ngờ, bởi hôm trước, người “xin thẳng” chừa người ngoại quốc. Trong túi tôi lúc đó chỉ có loại giấy bạc 50F trở lên, chả nhẽ bảo anh ta thối  lại. Tôi đang lúng túng thì người kia đã chuyển nhanh qua người khác. C. kể: đang đi, một thằng Tây ngồi trong xe riêng vẫy lại hỏi thăm đường ra sân bay, -Tôi ở Canada sang du lịch, quốc tịch của ông? -Việt Nam. -Tôi rất trọng Việt Nam. Tôi có hai cái áo lông muốn tặng ông; ông cho tôi 1500F để mua vé máy bay.-C lắc đầu- Thôi thì 600F cũng được. Loại này thì phải tôn bọn bịp ở Việt Nam bằng “cụ”.
       Trước khi đến Pari, tôi được người quen bảo: muốn đặc sản thì phải đến chốn này. Ông ta đưa cho một sơ đồ mà đích cuối là phố S.D. với dòng chú : “đây là nơi có hàng cần tìm”. Ông ta không nói thêm chỉ tủm tỉm cười. Hoá ra đó là một trong những phố “lầu xanh” của Pari hoa lệ. Ngoài những trò tất nhiên, còn những “tiết mục” khó ngờ. Mất 30F thì được ghé xem người cởi truồng trình diễn trong buồng kín, ngó qua một ô nhỏ lắp kính. Mất nhiều nũa thì được xem “hành sự”. Tưởng chỉ là chuyện nói tào lao. Hôm ấy, một ông bạn đưa đi dạo phố. Đến một phố thấy có những người đàn bà ăn mặc thoải mái đứng tréo chân hoặc khoanh tay trước một số nhà. Điều lạ so với các phố khác. Lạ hơn, phía trên cửa một nhà chạy một hàng chữ điện: “Lúc này một cặp đang trên xới (tạm dịch chữ piste)” khuất rồi lại hiện. Đúng là phố S.D. Thì ra văn minh quá nên “sáng kiến” ra lắm trò! Bác sĩ S., vốn là bệnh viện trưởng bệnh viện Thái Bình II trước khi đi làm chuyên gia, kể: ông ta vào một nơi để tiếp xúc với một kĩ nữ “nuy” (khoả thân) hoàn toàn; -chỉ được sử dụng thị giác, xúc giác, thính giác, khứu giác thôi-, tốn 200 F (chừng 18 USD) qua hai tách cà phê, một cho mình, một cho đối tượng. Ông ta cười hều: “Té ra những chỗ ‘đáng giá’ lại là của giả -bằng chất dẻo làm hệt như thật!”. Đồng nghiệp của ông ta bèn “hiến kế” (đùa) để bù “thất thu”: <<Về nước, anh hãy làm kiểu Trạng Quỳnh, mở một phòng thư giãn “nghe bác sĩ S. kể chuyện sờ của giả” có bán vé vào cửa, đảm bảo còn thu lợi lớn>>.
       Nếu đi sâu tìm hiểu hậu trường văn minh thì chắc không chỉ là những “vết mụn”. Và những gì miêu tả trong “Những bí mật của Pari” của Ơgien Xuy và nhiều tiểu thuyết khác có thể đã bị vượt về mức độ, thủ đoạn...
       Dẫu vậy, rời Pari, du khách vẫn mang theo những ấn tượng tốt đẹp.
 
       Tha hương ngộ đồng hương
       Ở xứ người, hẳn người Việt nào cũng vui khi gặp người Việt, nghe tiếng Việt; những cuộc gặp tình cờ nhiều khi lại lâu quên.
       Tôi vừa ra khỏi vườn Luychxămbua, đang tìm đường đến điện Păngtêông thì một thanh niên da vàng, tóc đen chấm gáy, mặt gầy và tái, đến gần hỏi: “Ông mới đến xin định cư đấy à?”. Sực nhớ lời người ở nhà khách sứ quán nhắc nhở: ở Pari có một số người Việt di tản bị tha hoá, có cả kẻ nghiện hút, phải cẩn thận kẻo bị móc túi đấy, tôi hơi nghi ngại. Anh ta kéo tôi ra một bên, bảo: “Ông có tiền thì giúp anh em 10F mua bánh mì”. Ấn tượng ngày đầu thật chẳng hay!
       May mắn là những lần gặp sau dễ chịu hơn.
       Chiều hôm chúng tôi đến thăm nhà thờ Đức Bà, một thanh niên Việt đẹp trai, dễ thương đang hướng dẫn khách tham quan. Cậu vượt biên năm 1982, đang học tại Xoocbon, khoa tin học, năm thứ hai. Cậu xin được học bổng của chính phủ Pháp nhưng quá ít nên phải đi làm kiếm thêm. Một  cậu khác học ở Mĩ, qua Pháp làm tại trạm đổi tiền của một ngân hàng Pháp, nhân dịp nghỉ hè. Rất có ý thức với  nơi mình làm việc. Được hỏi vì sao tỉ suất đổi phơrăng Pháp ra đôla Mĩ nơi cậu hạ xuống trong khi ở hai nơi khác gần ngay đấy lại tăng lên, cậu đáp tự nhiên: “Bọn con phải ganh với bọn nó”; không phải giọng của một người làm thuê tạm.
       Hai cậu sinh viên chuyện trò với tôi rất cởi mở. Có một số Việt kiều, loại di tản hoặc vượt biên, ít cởi mở, hoặc quá hơn, ít thân thiện với người trong nước ra nước ngoài công tác. Những Việt kiều lâu năm cũng có phần dè dặt. Một anh bạn của tôi đang dạo trên bờ sông Xen, gặp một Việt kiều đã có tuổi và rời nước cũng đã lâu. Ông này mời bạn tôi vào một quán cà phê trò chuyện. Ông ta  tâm sự: “Tôi định về thăm quê, người ta bảo tôi rằng về chỉ để mà bố thí” -ngập ngừng một chút- “Nói vậy thì mất dạy quá phải không ông?”. Anh bạn nói: “Tôi không đánh giá như ông, nhưng nghĩ vậy thì quả là đáng buồn. Trong số bà con của ông bên nhà, có thể là không ít người mong ông về để  kiếm chác; song chắc là có nhiều người trước hết là mừng thấy lại người  thân; cũng có thể có người ngại  gặp ông vì gia cảnh lùi xùi quá. Theo tôi, cái chính là ở ông, là những gì thôi thúc ông về thăm lại quê hương”. Người Việt kiều cảm ơn bạn tôi và cho biết ông ta đã có chủ định rồi. Những năm này, Việt kiều còn không ít nghi ngại khi định về thăm cố hương, và thủ tục nhập cảnh còn chưa mấy suôn sẻ.
       Người Việt  làm ăn tại Pari cũng lắm vẻ. Hai vợ chồng kĩ sư A. cùng làm việc cho công ti điện tử. Họ chưa có con, thuê một căn hộ một buồng ở tầng 10 một chung cư. Đến thăm họ khỏi phải hỏi dò nhiều. Một sơ đồ các căn hộ với tên chủ hộ đặt ngay chân cầu thang. Các hành lang tối om. Trước mỗi cửa phòng có nút để bật đèn, song đèn chỉ sáng trong chừng mười phút đủ để mở khoá vào phòng, sau đó tự động tắt. Vợ chồng A lương cao nhưng chi tiêu cũng đắt đỏ. A cho biết có người cũng là kĩ sư, ban ngày làm chỗ này, đêm phải làm thêm chỗ  khác. Làm được hai  năm suôn sẻ, vậy mà chỉ một lần lỡ nhầm một con số là “được” chủ cho nghỉ luôn. Làm thêm kiểu này không nằm trong sự bảo vệ của luật lao động.
       Nhiều người làm nghề tự do. Có lẽ “tự do” nhất là trường hợp sau đây: Cạnh lối vào ga xe điện ngầm, kề một chợ trời vỉa hè, một bà Việt kiều  ngồi bán mấy cái quạt  do người  Tàu làm. “Ông có dám ngồi bán không? Tôi cung cấp cho mà bán. Đến chỗ X thì sẽ bán tốt. Đủ ăn, sống được”. Khẩu khí muốn tỏ ra ta đây chẳng phải là người lỡ vận. Tôi định hỏi chuyện thân thế, gia cảnh… thấy vậy bèn thôi.
       Chúng tôi đến thăm một khách sạn Việt kiều. Bà chủ nguyên là cán bộ phụ nữ một huyện ngoại thành Hà Nội được người cha Việt kiều quá cố cho thừa hưởng đã chừng mươi năm. Hôm ấy, bà ta đi biển nghỉ mát, trông nom thay là cậu em ruột, một người độ bốn mươi, mang máu Việt trăm phần trăm mà không biết qua một tiếng Việt nào. Anh nói đã rời nước từ 1953.
       Khu vực quanh quảng trường Itali, phía nam Pari, có nhiều hàng ăn Việt, Tàu hoặc Thái. Tôi rủ C. đi ăn phở. Ông ta bảo: “Tưởng đặc sản Pari, chứ phở thì về Hà nội, một đôla bốn bát, còn ở đây hơn năm đôla một bát, chả dại”. Tôi nói: “Đặc sản đúng hương vị Pari, thì phải vào các nhà hàng danh tiếng, chúng mình đến đấy đau bụng là cái chắc, mà không hợp khẩu vị đâu. Ăn phở Việt tại Pari mới khoái. Ta đi thôi. Tôi đãi anh”. Trước tiệm thấy đề to “Phở đặc biệt” bằng chữ Việt. Chủ tiệm là người Việt, có hầu sáng là người Tàu. Đúng là “đặc biệt”, một bát to đùng ăn cố  mới hết có thể thay bữa cơm. Nhưng chỉ có vậy, hơi “mơ màng” hương vị phở thứ thiệt. Cùng ăn hôm đó có một Miên kiều, anh ta xưng vậy, cha Tàu, mẹ Khơ me, đều là nhà buôn. Thời Lonnon, anh ta còn là học sinh; thời Pônpốt, bị bắt đi làm ruộng. Anh ta coi năm 1979 là năm “giải phóng”. “Việt Nam đánh Khơme đỏ, tôi sang Việt Nam tị nạn rồi sang Canađa”. Không thích Canađa vì quá lạnh. Tháng nóng thường sang đó nghỉ. Đã lấy vợ, người Cămpuchia, và đã có hai con. Không thích lấy vợ Pháp vì khó hiểu được nhau. Hiện làm ở một khách sạn bốn sao, lương tháng 7000F. Thỉnh thoảng vẫn đến các  quán ăn Việt Nam.
       Lần sau, chúng tôi lại vào “thử” bún bò tại một hàng ăn Việt khác.  Mỗi bát 28F, nước dùng tạm được, còn bún và thịt thì dở. Chủ quán khoe rằng một cựu phó thủ tướng chính quyền Sài Gòn xưa, làm cố vấn cho chính quyền mới, sang Pháp công tác đã khen phở hiệu này ngon. Hai vợ chồng chủ quán đều là người Sài gòn, ra đi từ 1973, chưa về thăm quê lần nào. Hai hôm sau, ở rìa rừng Bulônhơ, tôi  gặp lại hai vợ chồng dùng xe hơi riêng đưa hai cháu nội (dù họ còn rất trẻ) đi chơi kiểu nghỉ xả hơi của dân thành phố đến với thiên nhiên. Hai cháu bé thuần Việt mà không biết tiếng Việt. Đứa lớn chừng sáu tuổi, bà nội cháu mớm lời mãi mới bập bẹ được “Chào ông”; Khi tôi nêu  mấy  nhận xét không vui về người Việt hải ngoại đối với tiếng mẹ đẻ, đối với  tập tục gốc, so cùng người Tàu, người Do Thái, hai vợ chồng nói họ có dạy các cháu nhưng chúng không nhớ được, vả họ cũng quá bận nên không có thì giờ kèm các cháu (!). Trò chuyện, ban đầu họ còn dè dặt, về sau cởi mở thoải mái. Họ mời tôi cùng dùng bữa ăn dã ngoại, tôi cảm ơn và nói đã ăn rồi. Người chồng tỏ ý định hợp vốn kinh doanh làm lốp ô tô ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhân nói đến chuyện làm ăn của Việt kiều tại Pháp, anh bảo: “Hội người Việt Nam tại Pháp mất tín nhiệm với Việt kiều và với người trong nước vì bị một số người lợi dụng”. Kĩ sư A, người được nhắc tới đoạn trên, cũng có những ý kiến gần như thế. Chợt nhớ tới ông P., một tiến sĩ kinh tế, học ở Mĩ về, từng là bộ trưởng trong chính quyền Sài Gòn trước đây, rời Sài Gòn năm 1976, hợp pháp, cùng cả nhà, có cơ sở kinh doanh ở Pháp, ở Mĩ, cả ở châu Phi. Một lần  tôi hỏi: “Anh chị có làm ăn chung với các Việt kiều khác không?”, ông ta đã trả lời thẳng:  “Không bao giờ chúng tôi cộng tác kinh doanh với người Việt cả”.  Người Việt tha hương  mà khó liên kết với nhau vậy ư? Hoa kiều ở các nước thường giúp nhau  làm  ăn, thường qui tụ thành khu phố riêng. Họ dễ dàng  gìn giữ được tiếng nói, phong tục, tập quán cho con cháu hàng đời sau là do vậy. Tất nhiên, tình trạng này cũng có những hậu quả tiêu cực, trước hết là cho người bản địa.
       Hội người Việt Nam tại Pháp có truyền thống từ xa xưa, từ thời chịu thân phận mất nước, không được yêu nước, không có Tổ quốc mà chỉ có nước mẹ Đại Pháp (!), và đã qua bao thăng trầm, thử thách. Hội có cơ quan ngôn luận là báo Đoàn Kết, có trung tâm sinh hoạt văn hoá Nhà Việt nam, và liên hệ mật thiết với một cơ sở kinh doanh lớn của Việt kiều tại Pháp là “Việt Nam diffusion”. Báo Đoàn Kết do nhiều trí thức Việt kiếu làm tay trái, không lương. Mang dáng dấp một bản tin trước đó, từ những năm cuối thập kỉ 80 đã vươn lên thành một tạp chí hàng tháng chững chạc, hình thức nhã, nội dung phong phú. Tờ tạp chí tỏ ra quan tâm nhiều đến tình hình trong nước, thường khi hơn cả tình hình Việt kiều tại Pháp. Có thể ghi nhận những thiện ý, những tấm lòng hướng về đất Mẹ xưa mong được thấy khởi sắc lên, song có lúc gặp giọng điệu khá “hung”. Không có mấy những thông tin giúp cho hiểu Việt kiều hơn, hoàn cảnh, đời sống, tâm tư… nhưng đọc một số bài nói đến trí thức Việt kiều ở Pháp thấy nỗi “đoạn trường” và niềm “vênh” (vênh vang, không phải “vinh”) chẳng của riêng ai trên con đường thành đạt, chẳng riêng người Á đông chúng ta vốn bị nhiễm chất phong kiến lâu, nặng đầu óc “xôi thịt”, chẳng riêng xứ chậm phát triển như nước ta. Xin trích một đoạn trong bài “Bóng lại gặp hình” của Nguyên Thắng  đăng trong Đoàn kết số ra tháng 12 năm 1988.
       “…Giáo sư Thành bây giờ rất oai, nhưng trước kia lúc đang chạy vạy để được chỗ làm ở T... Phải cầu cạnh  những giáo sư có thế lực. Daniel Lanrot là một trong những tay quyền thế đó. […] Có lẽ phải dùng đến chữ “xô” của mấy tay đá gà mới tả đúng hình dáng Thành bữa đó. Ngồi chờ, cửa văn phòng đóng im ỉm. Bạn tôi hệt như con gà trống mới tập gáy phải đến kiếm ăn trong lãnh thổ con gà chúa tính cả ghen, gặp gà trống mới lớn ở đâu là đánh ngay ở đấy. Chưa thấy tăm hơi chúa tể đâu mà đã lơ láo xọp cả người, còn hơn gà phải cáo.
       “Bây giờ lên cấp giáo sư A rồi có khác; ra vẻ như cá mè một lứa, tha hồ mà xách mé gọi Đaniel này, Daniel nọ (1). Và tôi nhớ cách Lanrot thời xưa cư xử với Helparn, viện sĩ viện hàn lâm khoa học và là chủ tịch ban quản trị phòng thí nghiệm mà chính Lanrot, khi đó đã lên giáo sư, làm giám đốc. Helparn đã về già, hoàn toàn cạn ý nghiên cứu. Quân dưới trướng của lão ta khôn hồn thì bất cứ tìm ra được cái gì hay có bài đăng báo nào cũng phải đệ công trình nghiên cứu lên cho  hắn duyệt để đứng tên chung. Lanrot coi khinh, đặt cho lão cái biệt danh “đầu nậu bọn trẻ lắt hầu bao” và chúng tôi chỉ nghe kiểu gọi xách mé. Nhưng có lần Helparn đến, tôi mắt thấy Lanrot đích thân ra đón tận xe, tay giành đỡ lấy cái cặp to xù của Helparn, miệng xuýt  xoa “Ôi chao! Thật là tri thức ra sao thì cái cặp cũng vậy!”. Tiếng Pháp xưng hô đơn giản hơn ta nhiều, họ chỉ  có một từ vous, thế mà cái tiếng vous bình quân chủ nghĩa đó từ miệng Lanrot thốt ra nghe trang trọng  như có vòng
laurier [vòng nguyệt quế (ý tỏ ra vinh dự)-chú thích của Ng.Th] bằng vàng kết xung quanh.
       “Hay là Thành đã  hấp thụ được đến thuần thục cái thứ truyền thống đó chăng?
       “[…] nhưng say sưa rằng Thành hiện có chân quan trọng trong câu lạc bộ ủng hộ Barre
(chính khách tên tuổi của Pháp,từng là thủ tướng -K.N. chú thích) ở vùng T…, rằng đây mới là tương lai […] cơ hội không nên bỏ qua […]” .
       Việt Nam diffusion kinh doanh nhiều mặt, liên kết chặt chẽ với một số người trong nước. Mấy người ở nhà khách sứ quán đã cảnh báo chúng tôi rằng cơ sở làm ăn này không phải bao giờ cũng sòng phẳng. C. và tôi đã mua tại đấy 3 máy thu hình màu, về nước nhận hàng tại cơ sở uỷ nhiệm của họ tại Giảng Võ, Hà Nội. Những người giao hàng bảo đảm miệng rằng hàng tốt. Rất tiếc! Về mở ra thì hai máy không làm việc. Nói mãi, họ đổi cho một chiếc và chỉ đến thế “bên Pháp chỉ cho đổi có vậy”(!). Gửi thư sang tận Pari, qua bưu đIện, qua người quen sang đó công tác, cho cả giám đốc, thậm chi họ không thèm trả lời.
 
       Sứ quán Việt Nam
       Một toà nhà kiến trúc độc đáo, nghe nói do Việt kiều tại Pháp góp tiền xây tặng. Năm tầng trên, một tầng trệt, hai tầng âm. Có máy nhắn gọi cổng tự động và điều khiển đóng mở từ xa, hồi đó là tân tiến hơn nhiều sứ quán khác. Phòng chờ khí chật. Phòng tiếp khách khá rộng di chuyển thoải mái; gian ngoài, ba bộ xa lông khác kiểu nhau; gian trong hai bộ nữa.
       Các người của sứ quán hơi lạnh lùng. Tôi đã hơn một lần nghe người ta nhận xét: Các sứ quán  ta ở P., ở M., ... đối xử với người từ trong nước sang công tác mà không thuộc loại vai vế, hoặc ít  ra không phải là nhà báo, nhà văn thật tiếng tăm thì không được trọng thị lắm. Tôi không thật tin, bởi nghĩ: sứ quán chính là “mảnh xứ sở mình” tại đất người. Người Việt Nam lạc vào đất khách, người của sứ quán chính là chỗ thân thiết để dựa, đúng nghiã “đồng bào”, chẳng lẽ... Ấy vậy, sự thật chẳng xa mấy. Được cái hay là các cháu con em cán bộ (chủ chốt) của sứ quán thì tuyệt. Các cháu sốt sắng dẫn tôi xem hầu khắp trong toà nhà, qua các hành lang, thang máy, các ngóc ngách như mê lộ. Các cháu còn dẫn ra mảnh vườn nhỏ phía sau. Ở đó còn cây tilleul (2) cổ thụ, nơi gốc còn nguyên hòn đá làm ghế ngồi của Boalô, nhà văn Pháp thế kỷ 17. Khi duyệt cho xây sứ quán Việt Nam, người Pháp đã lưu ý bảo tồn cây và hòn đá. Tôi đã ghé ngồi vào ghế đá, cố hình dung ra quang cảnh chốn này hai thế kỉ rưỡi trước mà không xong, thầm phục người ta đã bảo tồn được cả những di tích tưởng như nhỏ nhoi và không quan trọng này. Tôi ngắt một lá tilleul ép vào sổ ghi. Nó còn đến ngày nay. Sau hơn chín năm, tôi đang cầm đây, một cái lá nhỏ viền răng cưa đặt vừa gọn trong lòng bàn tay tôi, mặt trên ngả màu nâu xám, mặt dưới màu vàng xám nhạt. Tôi ra về, các cháu còn đứng sau song sắt ngăn sân với đường phố thò tay ra vẫy và “Chào bác”. Ôi! những bàn tay nhỏ dại và lời chào tiễn bằng tiếng Việt hồn nhiên, trìu mến thốt ra từ những cái miệng bé thơ giữa Pari xa lạ! Các cháu bây giờ đã lớn, các cháu ở đâu? Hẳn các cháu chẳng còn nhớ cái “chuyện vặt” ngày ấy.
       Nhà khách sứ quán ngụ tại một phố nhỏ gần vườn Luychxămbua. Tiện nghi bình thường ngay cả đối với trong nước thời đó. Ăn khá rẻ so với bên ngoài, chỉ khoảng hai đôla Mĩ một bữa. Trước đấy, nghe nói mà sợ. Nhân viên cao ngạo. Có một tay rất hách; khách đi chơi tối về chừng hơn mười giờ gọi cửa là hắn nói nhặng lên như mắng mỏ. Mà Pari mùa hè, chín giờ tối còn sáng trời. Chúng tôi đến, nhân vật nọ đã không còn; khoá cửa ra vào có mật mã số chẳng cần phải gọi cửa; và tôi thấy mọi người đối xử cũng phải chăng. Chỉ phiền một nỗi máy điện thoại nhà khách bị khoá số, khách không thể gọi đi đâu được. Biết tiết kiệm cho đất nước vậy là tốt. Nhưng giá có được cách thích hợp để khách trả tiền gọi nhờ thì tiện cho khách hơn; gọi ở trạm công cộng cần phải có thẻ hoặc tiền kim loại đúng cỡ, những thứ mà khách ghé lại khó có sẵn.
 
       Ta về ta ngắm “ao” ta
       Trên chuyến máy bay từ sân Đôn Mương – Thái Lan về sân Nội Bài,  tôi ngồi cạnh một người Úc. Ông ta nói đã đến Việt Nam trên ba mươi lần. Hỏi: “Ở Đông Nam Á, ông thích những nơi nào?” ; Đáp: “Hà Nội, Băng Cốc”. “Xinh ga po thì sao?” ; “Quá sạch”. “Ông thích Hà Nội ở những điểm nào?”. “Khó nói rõ...Trước hết là cái chất Á đông”.
       Nếu có ai bảo bạn không yêu Hà Nội thì khó lọt tai bạn. Nhưng nếu hỏi bạn yêu Hà Nội ở những điểm nào thì đúng là khó nói. Tôi nhớ lần đầu thấy hồ Gươm, cách nay hơn bốn chục năm. Từ bấy, hình ảnh hồ Gươm luôn luôn lung linh trong tôi, đẹp hơn thực tại. Tôi cũng có thể kể ra đôi điều rõ rệt. Chẳng hạn, Hà Nội có những đường phố mà có lẽ Pari phải ao ước: hè đường rộng thoáng, cây cổ thụ dàn hàng bên nhau, tàng cây hai bên đường với sang nhau, xe cộ và người đi trên đường như đi dưới vòm hang kết bằng lá xanh. Chẳng hạn, tôi yêu Hà Nội mùa thu trước khi có những bài hát về mùa thu Hà Nội rất lâu. Tuy nhiên, tôi yêu Hà Nội chủ yếu không qua những gì hiển hiện mà do những gì thấm dần vào tâm linh.
Chẳng phải chỉ riêng người Hà Nội tâm hồn mới ngân lên theo câu hát “Đây hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây ... Đây Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội ... ” ; mới tự hào về “nghìn năm văn hiến”, về cốt cách “thanh lịch”. Song, trước hết là dân Hà thành. Tuy nhiên, nếu ngày nay một người Pháp có thể hãnh diện khi được giới thiệu hoặc tự xưng là “người Pari” thì liệu một người Việt Nam cũng có thể hãnh diện như thế khi được là “người Hà Nội”?
         Hà Nội, nhiều biểu hiện trước mắt khiến ta không hài lòng, rầu lòng nữa . Cảnh quan và vệ sinh đô thị, trật tự đường phố, ... , nhất là những thứ “tự do” không thấy ở Pari hay ở bất cứ thành  phố thực sự nào... Người dân gây ra những cái đó và tất phải chịu hậu quả. Nhưng chỉ nên trách người dân phần nào thôi; đành rằng trong “lí luận” mọi cái đều qui về sự nghiệp của quần chúng, của nhân dân. Thế người ta giành nhau vai trò lãnh đạo, vai trò quản lí để làm gì? Lẽ đâu hễ thành tích tốt là công của lãnh đạo, hễ kết quả xấu thì chỉ qui tội cho người dân? Hà Nội đang vỡ da, đang chuẩn bị bước sang thế kỉ mới, đang tiến tới nghìn tuổi Thăng Long, ấy là lúc càng cần đòi hỏi cao tinh thần trách nhiệm của mọi người, trước hết là những người “chức trách” và  “chức năng”.
       Pari, chẳng ai có thể hãnh diện thay người Pháp; cũng như Hà Nội, chẳng ai tự hào hộ chúng ta!
                  
______________                           
(1)     Gọi tên riêng là thân mật hoặc suồng sã.
(2)     Có người dịch là cây đoạn. Ở đây để nguyên chữ Pháp không phiên âm.

 

 
 
 
 
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 12.06.2012 18:41:10 bởi Khải Nguyên HT >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9