Ai về đằng ấy hôm mai
Gửi dăm cái nhớ, gửi vài cái thương
Gửi cho đến chiếu đến giường
Gửi cho đến tận quê hương chàng nằm
Vắng chàng em vẫn hỏi thăm
Nơi ăn đã vậy, nơi nằm làm sao?
-------------
Ai về Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Để thương để nhớ để sầu cho ai
Để sầu cho khách vãng lai
Để thương để nhớ cho ai chịu sầu.
-------------
Ai về đợi với em cùng
Thân em nay bắc mai đông một mình
Chi bằng ruộng tốt rừng xanh
Vui cha vui mẹ, vui anh em nhà
Ai làm cái nón quai thao
Để cho anh thấy cô nào cũng xinh.
-----------
Ai làm cho bể kia đầy
Cho ao kia cạn cho gầy cò con.
-----------
Ai làm cho bến xa thuyền
Cho Trăng xa Cuội, bạn hiền xa nhau
Cha mẹ sao chẳng nghĩ sâu
Để thương để nhớ để sầu cho cả hai ta.
-----------
Ai làm cho cực tấm lòng
Càng nhắc càng nhớ, càng trông càng sầu
Hễ về nhớ đến lời nhau
Bắc cầu mà chả được cầu ái ân
Dầu xa nhích lại cho gần
Làm thân con nhện mấy lần vương tơ.
-----------
Ai làm cho bướm lìa hoa
Cho chim xanh nỡ bay qua vườn hồng
Ai đi muôn dặm non sông
Để ai chứa chất sầu đong vơi đầy.
-----------
Ai làm cho nước chảy xuôi
Cho thuyền xuôi ngược cho người nhớ nhau
Chàng đi để thiếp sao đành
Thiếp xin khóa cửa, buông mành thiếp theo.
-----------
Ai làm Ngưu Chức (1) đôi đàng
Để cho quân tử đa mang nặng tình
Thuyền quyên lấp ló dạng hình
Em đành chẳng chịu gởi mình cho anh
Trách ai nỡ phụ lòng thành
Đêm nằm thổn thức tam canh ưu sầu
Ai làm ra cuộc biển dâu (2)
Gối luông chẳng đặng giao đầu từ đây.
>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>
(1) Ngưu Chức: Chức Nữ là (tên một ngôi sao ở phía bắc sông Ngân Hà, đối diện với sao Khiên Ngưu). Theo Kinh Sở tuế thời ký, Chức Nữ (Ả Chức) là cháu Trời, làm nghề dệt vải rất siêng năng. Trời đem gả cho Khiên Ngưu (chàng Ngưu) làm nghề chăn trâu. Hai vợ chồng quá âu yếm nhau không giữ đúng phép trời. Trời phạt đem đày mỗi người ở một bên sông Ngân Hà. Mỗi năm, Trời chỉ cho phép hai vợ chồng qua sông gặp nhau một lần vào đêm mồng bảy tháng bảy âm lịch (thất tịch), đi qua cái cầu của chim Ô Thước (chim quạ và chim khách) bắc (cầu Ô). Vợ chồng gặp nhau than khóc về cảnh ly biệt, nước mắt chan chứa, rơi xuống trần gian thành mưa dầm tầm tã, tục gọi là "mưa Ngâu tháng Bảy". Điển tích này còn được dùng là: Ngưu Lang, Chức Nữ, Cầu Ô.
(2) Biển dâu: từ câu chữ Hán "Thương hải biến vi tang điền" nghĩa là biển xanh biến thành ruộng dâu, chỉ sự đổi thay lớn trong thiên nhiên và xã hội.