Buôn THÁNH - Truyện ngắn
Buôn THÁNH Truyện ngắn cùa KIỀU GIANG
Dần xuất thân từ một gia đình lý hào của chế độ phong kiến lụi tàn. Cha hắn giữ chức hương mục, bản thân hắn cũng chỉ lõm bõm mấy chữ Nho cuối mùa. Hình như ông hương mục cũng ít để mắt đến hắn vì hắn lười và hay lêu lổng , đùm túm với bọn ngồi lê đôi mách. Hắn cũng không thương cha ví cái tính Trương Phi, cộc cằn , còn mẹ thì nặng tình với hắn hơn do hồi mới sinh, hắn hay ốm đau, nhiều đêm bà phải thức suốt với hắn, lớn lên hắn thường quấn quýt bên bà. Năm lên bảy, có lấn hắn ăn một trận đòn nên thân của cha, khi hắn lấy than củi vẽ hình TàoTháo, Quan Công lên cái tường mà ông mới quét vôi để chuẩn bị ăn Tết, sau cái đêm mẹ hắn dẫn hắn đi coi hát bội. Càng lớn, rất lạ, hắn lại càng giống ông Chánh tổng trong từng cử chỉ, dáng đi, giọng nói. Bỡi thế hắn trở thành cái gai trước mắt ông hương mục, dù ông không dám nói ra, vợ chồng ông dần dần trở thành hai cái bóng trong một ngôi nhà lặng lẽ, nặng nề. Năm nay Dần đã mười sáu, ông chánh tổng nói rằng vì nể tình ông hương mục nên cắt đặt cho hắn cái chân lo nhang khói cho ngôi miễu trong làng, thờ cúng những oan hồn không nơi nương tựa để họ khỏi phá phách và phù hộ cho dân làng tránh được tai ương, làm ăn khấm khá. Mỗi mùa vụ Dần được lý trưởng cấp cho khoảng mươi giạ thóc hoặc hơn một chút, tùy vào việc làng có trúng mùa hay không. Ban đầu hắn cũng thấy sờ sợ khi đêm đêm gần gũi với những oan hồn luôn quanh quất đâu đây, không thể biết trước những gì sẽ xảy ra trong một thế giới huyễn hoặc , oan khốc. Lần đầu khi bước chân vào miễu, Dần thấy lạnh cả xương sống , gai ốc nổi lên khắp người, nhưng lâu dần , hắn cũng quen, rồi không những quen mà hắn còn đâm ra dạn dĩ, coi mấy tượng âm hồn kia là bạn, khi đêm về. Trước mỗi kỳ tế lễ, cả làng chẳng ai dám sờ tới tượng Thành hoàng, thổ địa, âm hồn thì hắn lại mang mấy bức tượng đất nung sơn phết xanh đỏ đó ra tắm rửa lau chùi rất tử tế. Hắn nêu ra một triết lý mà không ai dám cãi “ tưởng thần thì thần đãi”. Ngoài ra, không biết do đâu, hắn còn có cái “biệt tài” về bắt chó , giết chó, ra thịt,và chế biến thành các món ngon, nên nhà ai trong làng có tiệc tùng gì cũng đều gọi hắn. Nhưng chó là loài vật rất tinh khôn nên những chú chó còn sống, hễ thấy Dần là bọn chúng bu theo hắn mà sủa, không tha cho hắn nửa bước, quen rồi, mỗi khi dân làng thấy chó sủa thành đàn, dai dẳng, là biết Dần đang lảng vảng ở đâu đó . Nhưng có điều rất trớ trêu là, nếu dân làng có ai bị như hắn thì họ rất bực bội và xấu hổ, trái lại, với hắn thì đàn chó lại làm cho hắn an tâm và tự hào, vì hắn cho rằng tiếng chó sủa sẽ xua đi bớt những oan hồn đang vây quanh hắn xin ăn và chính hắn là người duy nhất của làng liên hệ được với người cõi âm và ban phát ân huệ cho những linh hồn xấu số vĩnh viễn bị đọa đày nơi địa ngục. Nhiều đêm đi chơi khuya, không dám về nhà, sợ ông hương mục quở mắn, hắn dẫn cả đàn chó chui vào chái sau miễu mà ngủ ngon lành.Và chính nhờ đàn chó, nên đêm nào hằn về ngủ ở miễu Thành hoàng, dân làng đều biết. Miễu Thành - hoàng được xây trên một doi đất cao, diện tích khoảng nửa sào ta, có nhiều cây cổ thụ tự mọc không biết tự bao giờ, nên ban ngày rất mát, nhưng ban đêm lại làm tăng thêm cái vẻ bí ẩn và ma quái nên đàn bà trẻ con ít ai dám bén mảng tới. Mấy đám ruộng quanh miễu thường ít thấy bóng dáng đàn bà. Mùa cấy vào khoảng đầu đông , họ đến làm, khi mặt trời đã quá sào và kéo nhau về khi mới vừa xế bóng. Dù không ai bảo ai nhưng họ đều hiểu với nhau rằng những âm hồn thường trở lại trần gian vào ban đêm, và những người điên trong làng là do ma nhập. Khi đã sống quen với ma, Dần không cần đến bầy chó nữa. Đêm nào muốn về ngủ trong miễu Thành hoàng cho mát, hắn đánh lừa bầy chó bằng cách cởi bỏ hết quần áo, lâu ngày không giặt, bốc mùi thịt chó, rồi trùm nguyên người bằng một chiếc áo tơi đi mưa chằm lá cọ. Lâu dần, bầy chó cũng không còn để ý đến hắn, hắn cũng nghỉ làm thịt chó cho dân làng. Từ đó hành tung của hắn ngày càng có vẻ bí hiểm, đêm nào hắn có ngủ trong miễu hay không, là chuyện chỉ có hắn mới biết, hắn lui tới miễu như một cái bóng ma. Một đêm mùa hạ, gió tây nam mát rượi thổi từng cơn , làm cho hắn say ngủ trên chiếc chõng tre sau miễu, bỗng hắn thức giấc bỡi một tiếng đập mạnh của cánh cửa trước, có người mở ra rồi quên khép lại. Nghe có tiếng chân, không biết là của người hay là của ma , hắn tỉnh ngủ , định thần, nằm im chờ đợi. Lại có tiếng thì thầm. Hắn ngồi dậy áp tai vào phên. Tiếng người con trai: “Cầu xin Thành hoàng thổ địa cô hồn linh thiêng bắt cha con tỉnh trí, cho con được lấy Sen. Dẫu Sen là đứa mồ côi nhưng em nết na, chăm làm, không có Sen, con không thể nào sống nổi”. Tiếp theo là tiếng con gái: “ Hỡi những oan hồn xin về đây chứng giám lời thề nguyền của con và anh Lía, là thương nhau suốt đời. Sau này ai bội bạc, xin trên trước hãy vặn họng người ấy đi”. “ Thằng Lía và con Sen”, hắn kinh ngạc và lẩm bẩm. Lâu nay hắn cứ tưởng rằng, với cái miễu đầy vẻ bí ẩn , ma quái và linh thiêng này, chỉ có hắn mới dám ở đây trong đêm khuya thanh vắng. Chắc là chúng có gì bức bách lắm mới dám liều mạng như vậy. Hắn dán mắt vào cái lỗ rách của tấm phên và chỉ thấy lờ mờ hai cái bóng đen đang ôm chặt lấy nhau, thật lâu, không chịu nhả ra, tự nhiên, không biết một dòng nước bọt từ đâu dâng lên làm nghẹn cổ hắn. Hắn chưa thấy hình ảnh ấy bao giờ, mà sao làm cho hắn cồn cào đến như thế. Hắn đứng trân trong giây lát. Nhưng bất chợt, một luồng suy nghĩ phát xuất từ cái dạ dày đói của hắn đã mấy bữa nay, làm cho hắn sáng trí ra, hắn quyết thực hiện ý đồ của mình. Hắn giả giọng thổ ồ ồ, mà hắn tưởng tượng thánh thần chắc cũng có giọng như vậy, hắn chỉ nhớ ba tiếng đầu trong câu kinh mà hắn nghe lóm được của mấy ông thầy chùa thường đọc khi đến cúng cầu an cho nhà lão hội đồng: “Án – ba – ni, Án – ba – ni, chúng bay đang yêu còn Thần ta đang đói, chẳng lẽ cầu xin chay vậy sao, làm sao chứng cho được?”. Hai cái bóng đen lập tức buông nhau ra, quì gối hướng về phía bàn thờ, giọng nam lắp bắp: “Đêm mai chúng con sẽ mang lễ vật đến dâng lên Thành hoàng, thổ địa, cô hồn, xin cho chúng con được toại nguyện, chúng con không dám thất lễ”. Thế là chỉ dựa vào mấy pho tượng đất nung trong miễu Thành - hoàng mà từ đấy hắn được no say, cứ năm ba ngày hắn được một mẻ rượu thịt, hắn khôn ngoan không để lại bất cứ một dấu tích gì khi xử lý những lễ vật kia, còn dân trong làng càng ngày càng ái mộ hắn, nghĩ rằng nhờ hắn chăm lo quét dọn , cúng kính hết mực mà thần linh mỗi ngày mỗi thiêng,ai xin gì cũng chứng, ai cầu gì cũng được. Dần trở thành nhân vật quan trọng nhuốm màu huyễn hoặc của làng tự bao giờ, người ta cũng không biết. Riêng hắn thì hắn hiểu rất rõ, những chuyện chiếc đèn trên các bàn thờ âm hồn , Thổ địa, Thành - hoàng tự nhiên vụt tắt hay chợt sáng, cái giọng nói ồ ồ, ồm ộp, nghe như tiếng nói từ âm phủ, phát ra trong đêm thanh vắng, khi có ai đó trong làng đến cầu cúng, đều do biệt tài trời ban cho hắn mà ra. Dù không biết giọng nói của thần linh ra sao, nhưng chính hắn cũng phải công nhận cái giọng ồ ồ, ái nam ái nữ ấy của hắn đều làm cho bất cứ ai dù cứng vía đến đâu cũng phải rợn người . Dần dà, hắn trở thành ma quỷ, lúc nào , bản thân hắn cũng không ngờ nữa. Cho nên nhiều lúc hắn tự cười một mình: “Không ngờ thần linh đôi khi cũng là một mối lợi, giá như không có cái miễu âm hồn, thì ngày nay ta đâu được no đủ như thế này, dân làng gọi ta là “ông âm hồn”; gọi gì cũng được, miễn là đêm đêm chúng bay quì lạy và dâng lễ cho ta là được”. Hắn tự khoát lên bộ mặt thần thánh lúc nào, thì chỉ có cái miễu Thành hoàng kia mới biết. Đã hai mươi mấy tuổi đầu, Dần chẳng có vợ. Gái trong làng cảm thấy nhờn nhợn khi nghĩ đến việc, nếu phải làm vợ hắn , ngủ với hắn chẳng khác gì đang ngủ với ma, nên chẳng có cô nào chịu lấy hắn, mặc dù ông hương mục cũng đã nhiều lần dạm hỏi. Nhiều đêm nằm chèo queo ở cái chái sau của miễu âm hồn, hắn thấy rạo rực, thèm thuồng và trống trải kỳ lạ. Trăn qua trở lại, hắn nhớ lại chuyện Thạch Sanh chém chằn tinh mà mấy cụ già trong làng kể cho hắn nghe hồi còn nhỏ, tự nhiên hắn đâm ra nghi hoặc…Biết đâu có kẻ giả danh thần linh đã bắt những cô gái đồng trinh kia đi đâu, rồi đổ cho chằn, có ai biết được ? Rồi tự nhiên hắn bạo bụng nghĩ rằng, tại sao hắn không nghĩ ra cách mượn hơi thần linh gợi ý dân làng đem dâng nộp cho hắn những cô gái xuân xanh mơn mởn? Nghĩ đến đó, tim hắn đập thình thịch, tay chân hắn bủn rủn..., nhưng hắn lại sợ, chưa dám, vì chưa nghĩ ra cách, nhất là khi nhớ lại những cặp mắt ranh mảnh, đa nghi và thèm gái của hai lão già, lý trưởng và chánh tổng. Hắn đã từng nghe nhiều cô gái trong làng chửa hoang và nhiều thai nhi chết lạnh nơi gốc cây đa đầu chợ. Hắn đâm ra nghi ngờ bọn chức sắc quan lại mà lâu nay hắn vẫn một mực bẩm lạy. Hắn không thể nào quên , cứ mỗi lần lễ lạc,là lão Lý trưởng rồi đến Chánh tổng thi nhau lên mặt dạy đạo đức cho dân, một thứ đạo đức phong hủi của kẻ có quyền, đã bao đời nay, không biết hắn có tin được nữa không? Hắn tự nhủ: “Bọn chúng nó dựa vào quyền bính của thế gian để chiếm đoạt, thì bây giờ, ta dựa vào thần quyền thì cũng hợp lẽ thôi”. Hắn thấy vui trong lòng và tự hẹn với mình là hãy chờ đến một ngày quyền uy của hắn đối vối với cả ma lẫn người được nâng lên một bậc nữa, khi ấy việc thực hiện ý đồ cũng chưa muộn. Người giữ đình Vĩnh an tự nhiên lăn đùng ra chết, vì dân làng không ai thấy anh ta đau ốm gì. Có người nói rằng anh ta bị Thiên thần trong đình bắt, do hắn tuy đã lớn tuổi nhưng lại có cái tật đái dầm, và nếu đúng như thế thì cũng đáng cho đời hắn vì hắn đã vô tình làm ô uế nơi tôn nghiêm . Nhưng có người lại thương xót cho cuộc đời cô đơn và bệnh tật của hắn. Nghe nói hắn mồ côi từ nhỏ. Một thai nhi vô thừa nhận được vứt nơi cổng đình, một người đàn bà góa đứng tuổi lượm về nuôi, khi đứa bé lên sáu thì người mẹ nghèo cô độc đáng thương kia cũng đã bỏ cậu vĩnh viễn ra đi . Số phận lại chồng lên số phận, khốn khổ lại đè lên khốn khổ. Từ đó cậu sống bằng chút cơm thừa canh cặn của dân làng. Lớn lên, ban ngày , cậu đi làm mướn vặt, đêm về chui vào chái đình, cũng là nơi mà từ đó cậu sinh ra, để ngủ, như một cái bóng của trần gian, không hề có chút mơ ước gì ở cuộc đời này. Thế rồi, không hiểu sao, ông Chánh tổng đã cất nhắc cậu làm cái chân phụ tế của đình, nhưng chưa kịp lành lặn thì cậu đã vội bỏ cuộc đời này để đi theo người mẹ nuôi xấu số, khi tuổi cậu chưa tới ba mươi. Cái chết của người giữ đìnhVĩnh An lại là dịp may cho Dần ( đang coi sóc miễu Âm hồn). Cuộc đời vẫn thường trớ trêu như thế, nỗi bất hạnh của người này lại là dịp may cho kẻ khác, dù rằng những người có chút thiện tâm, không ai muốn thế. Nhờ “uy tín” mấy năm nay quét dọn, nhang khói cho cái miễu Âm hồn của Dần, hay cũng không biết có còn nguyên nhân nào khác, ông Chánh tổng quyết định “điều” hắn lên thay cho người “ tiền nhiệm” xấu số. Hắn như mở cờ trong bụng. Theo lời hắn rêu rao thì đây là cơ hội để hắn thông thần, hiển thánh, nâng cao đời sống tâm linh của dân làng, dù hắn chẳng có chút quyền uy, chức tước gì trong làng. Nghe mấy cụ cao niên nhất trong làng kể lại, thì Đình Vĩnh An được xây từ thời vua Tự Đức, trên một doi đất tận cùng của dãy Trường Sơn đâm ngang ra biển. Những cây đa ở đây tuổi thọ đã quá nửa thế kỷ, rễ bò phủ cả mặt sân. Chung quanh sân đình được xây một tường rào bằng đá ong cao quá đầu người, cổng Đình có hình vòm cao đến năm thước, bằng gạch nung , từ xa trông như một pháo đài. Trên mái vòm là hai con rồng chầu, phía trước là hai cặp lân sư đứng quay mặt vào nhau , rất oai nghiêm. Đình Vĩnh An xây theo hình chữ T, phần dọc là đình trong, còn gọi là hậu cung hay nội điện . Đây là nơi thâm nghiêm , một bên thờ thiên thần Phù Đổng và bên kia thờ nhân thần Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, mà dân gian thường gọi tắt là Thánh Trần, tiếng đồn là rất thiêng. Dân làng tự hào là họ không thờ nhầm ai bao giờ. Phần ngang là đình ngoài là nơi tiền tế hay đại bái. Đình ngoài chia làm ba khoảng : giữa gọi là trung đình làm nơi tế sự, hai bên gọi là tả gian và hữu gian , ở bên trong có bàn thờ Thành hoàng, thổ địa, và các bộ hạ của thần .Hai bên tả hữu có hai hành lang dành cho dân làng chuẩn bị lễ vật để cúng tế. Đã hơn nửa thế kỷ, chỉ được trùng tu có một lần, thời gian đã phủ một lớp rong rêu lên ngôi đình, tất cả đã trở thành xám xịt, bong tróc, lở lả, u ám. Thay vì trước đây là nơi tụ hội của dân làng trong những ngày lễ, đặc biệt là lễ Sóc, lễ Vọng, lễ Thượng điền, lễ Hạ điền…, dân làng mang lễ vật đến dâng rất đông, nhưng bây giờ, dần dà chỉ còn là chỗ để cho người ta đến cầu tình, cầu tài, cầu tự, cầu phúc, cầu vinh…, nhất là từ khi thằng Dần về coi sóc, ngôi đình được phủ lên một màu huyễn hoặc, ma quái, kinh dị. Hắn biến ngôi đình càng ngày càng có vẻ âm u ,thần bí, hắn rỉ tai ra thiên hạ rằng chỉ có mình hắn là người duy nhất có thể tiếp xúc được với thần linh, và thần linh cũng chỉ ban phúc cho dân làng qua tay hắn. Đình Vĩnh An dần dần giống như cái miễu âm hồn, không còn dáng dấp của một công trình văn hóa nữa. Kể từ khi cái tin đồn rằng Dần là đứa con hoang của lão chánh tổng lọt vào tai hắn, hắn tỏ ra kiêu căng tự đắc, coi thường mọi người trong làng, hắn tự cho mình là “dòng dõi thế tộc”, bây giờ lại được nhân thần Hưng Đạo Vương nhập vào nữa, thì thử hỏi, cả nước này, có ai có quyền năng bằng hắn ! Có lẽ hắn đã đọc lóm quyển thần tích và những Thượng - đẳng thần sắc của vua ban cho Đức Thánh Trần Hưng Đạo khi còn tại thế, được cất giữ trong tủ thờ của Người, nên hắn đã rêu rao là Đức Thánh Trần đã nhập vào hắn, kể cho hắn nghe những thâm cung bí sử về loạn luân đời nhà Trần cùng những binh pháp thần diệu, đã ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông bất bại trên tất cả các chiến trường từ Á sang Âu thế kỷ 13, mà từ trước tới giờ, khi còn tại thế hay khi đã về trời, Thánh Trần chưa hề viết ra cũng như chưa hề truyền cho ai, chỉ bây giờ mới truyền cho hắn . Cho nên, nếu như trước đây, mỗi lần tế lễ, Dần chỉ có nhiệm vụ là thắp nhang và rước nhang cắm lên bàn thờ, thì giờ đây hắn chỉ ngồi đồng, nhập thần để báo trước số mạng ai đó của các chức sắc trong làng, trong tổng hoặc vận mệnh, rủi may, hưng suy của làng, của nước. Rồi cứ thế, một đồn mười, mười đồn trăm, dân trong tổng, kể cả phủ, huyện rủ nhau về đình Vĩnh An xin xăm, xin quẻ , bói toán, ngồi đồng. Uy tín của con người trần tục thì người ta còn kiểm chứng được, nhưng uy danh của thần linh là một sức mạnh vô song, dù muốn, cũng không ai dại gì đi phản bác những điều mà đúng hay sai, thì cũng chỉ có chính thần linh và những người tín ngưỡng biết. Vì sợ bị thiên hạ chê cười, nên ít có ai thừa nhận mình lỡ rơi vào cái bẩy của gã giữ đình tên Dần, mà lại phải đi rêu rao rằng mình đã nói chuyện trực tiếp được với thần linh. Và cũng từ đây, Dần tha hồ hốt bạc của người đi dâng hương, lễ bái, coi quẻ… Hắn giàu lên rất nhanh, dù hắn có khéo che đậy, nhưng dân làng ai cũng biết. Rồi dựa vào thần quyền hắn đạp sang thế quyền. Giờ thì hắn qua mặt lý trưởng, chánh tổng, tiến ra giao du với cả tri huyện, tuần phủ. Không những hắn mua được những cô gái trong làng mà hắn còn dám ngắm nghé cả con gái nhà bá hộ, hội đồng, đầy quyền thế. Cái giấc mơ làm chằn tinh của hắn, khi còn ngủ nhờ chái sau miễu Âm hồn, bây giờ trở thành ngây ngô, huyễn hoặc, buồn cười. Dần nhớ lại từ khi được ông Chánh tổng “điều” lên giữ đình Vĩnh An, hắn chẳng phải bỏ ra một xu nào cho thần thánh và cho những kẻ quyền thế trong làng, chỉ nhờ vào cái tài giả hư giả thực, nửa thiên thần nửa trần tục, nửa người nửa ma và đặc biệt là cái tài vẽ vời, nói láo của hắn. Hắn đã ăn chung, ngủ chung với Thần trong đình Vĩnh An. Có lần hắn ba hoa rằng Phù Đổng Thiên Vương từng cho hắn ngồi chung trên lưng ngựa sắt đi chu du khắp thiên hạ, trước khi Thiên Vương bay về trời ở Sóc Sơn, còn Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn hiện về đưa hắn xem lại trận đại thắng quân Nguyên, bắt Ô Mã Nhi trên sóng Bạch Đằng . Dân làng Vĩnh An thì im lặng, không ai dám nói chống, nhưng không biết họ có tin lời hắn hay không? Có điều hắn đã thành công trong việc biến thần thánh thành một mối lợi khổng lồ . Hắn đã bay lên nhờ cái tài “ mại thiên mãi địa” đó. Thế rồi, một buổi sáng tinh mơ của tháng giêng , chỉ mới có mấy gã trai cày thả bò lên núi Doi, người ta thấy Dần , trên vai, một gánh thật nặng, mà ai cũng nghi là tiền, ra đi. Từ đó hắn biệt vô âm tín, người ta cũng không hiểu là hắn đi đâu. Có người thì tin rằng hắn đã theo Phù Đổng Thiên Vương hoặc Hưng Đạo Vương về trời vì hắn đã là người của thần. Nhưng có người lại bĩu môi cho rằng đi về trời thì gánh tiền theo để làm gì, chẳng lẽ trên thiên đường cũng có nạn tham ô hối lộ ? Từ đó dân làng Vĩnh An đã chia thành hai phe, vì hắn. Chỉ trong một gánh trên vai hắn, mà một phe tin rằng đó là “gánh thần” còn phe kia chỉ tin đó là “gánh tiền”. Bẵng đi hơn mười năm, Dần trở về làng Vĩnh An, trên vai không phải là một gánh tiền như lúc ra đi, mà là một gánh kinh sách và những tượng thần lạ hoắc, chưa ai biết tên tuổi bao giờ. Sau đó ròng rã nửa năm trời, Dần đóng kín cửa đình , hắn làm gì ở bên trong, không ai biết, cũng không ai dám biết. Một không khí bí hiểm, ma quái bao trùm lên ngôi đình Vĩnh An từ khi Dần đột ngột bỏ ngôi đình ra đi, bây giờ, hắn về, lại càng thêm huyễn hoặc. Đêm đêm , những kẻ bạo gan đi ngang qua trên con đường bao quanh đình, nghe bên trong vọng ra những tiếng thét, tiếng rú kinh dị, thỉnh thoảng lại là một hồi chuông ngân nga trên mái đình rồi rít lên theo làn gió trên các ngọn cây cổ thụ, tạo thành một thứ âm thanh vừa thần bí vừa hoang dại đến rợn người. Đêm ấy là mồng một tháng năm, mảnh trăng lưỡi liềm mỏng dính vội vã chìm xuống chân trời tây từ đầu hôm, trời tối mịt, từng cơn gió nam rít qua những khe cửa hòa với tiếng cót két của hàng tre ở sau đình, tạo thành một thứ âm thanh du dương nhưng hoang vắng , làm nổi bật cái khoảng không tĩnh lặng như đang chìm vào cõi hư vô. Sau cái đêm bạo gan đến cầu tình ở miễu Thành hoàng, thằng Lía, con Sen đã được thành đôi. Nhưng thần ở đấy chỉ mới cho chúng một nửa. Mười mấy năm nay, chúng không hề sanh được một mụn con nào. Con Sen đau khổ vật vã với nhà chồng, vì làng trên xóm dưới thi nhau xầm xì “gái độc không con”. Còn Lía thì tỏ ra rất ân hận vì lúc đó hắn quên xin thần ban cho vợ chồng Lía con cái, biết đâu thần lại cắt đi cái phần thừa tự của hắn. Lâu nay dù nghe tiếng đình Vĩnh An vô cùng linh thiêng, khách thập phương kéo đến cầu cúng rất đông, nhưng vì cái phận nghèo, và sợ cái uy của thần, vợ chồng nó cũng chưa dám bén mảng tới đây. Đêm nay vợ Lía đội một mâm xôi với hai con gà, một mái một trống, cùng hai quan tiền mà Lía đã chắt bóp từ mấy năm nay, đem dâng lên Thánh Gióng , Thánh Trần để cầu tự. Vì chưa tìm được cửa vào nên Lía đỡ mâm xôi trên đầu Sen đặt lên đầu con chó đá bên hành lang nội điện. Hai cái bóng đen đang dán mắt vào mấy cái lỗ mối trên chiếc cửa đình, bỗng quay phắt lại nhìn nhau, Lía lên tiếng trước: “con Nụ”. Đôi vợ chồng Lía sửng sờ: “Sao con Nụ lại ở đây,giờ này?”. Thế là một cuộn phim đời quay ngược trong đầu Lía, rất rõ. Từ ngày Dần bỏ làng ra đi, nghe nói là tầm sư học đạo để có thể “xuất quỉ nhập thần”, không hiểu sao cũng từ đó cái bụng con Nụ cứ lớn dần lên, dù ông lý trưởng có tra vấn đến đâu, Nụ cũng nhất định không chịu khai tác giả của cái bào thai kia là ai. Năm nay thằng bé cũng đã mười mấy tuổi rồi, rất lạ, nó lại giống ông Chánh tổng như hai giọt nước, thiên hạ xầm xì rằng con Nụ có phước, nhưng thấy nó vẫn nghèo nên dần dà miệng đời cũng bớt sắc lẻm như dao, chỉa vào cuộc đời khốn khổ của nó. Bây giờ nó xuất hiện ở đây, trong cái đêm bí hiểm và thâm u này, như một chuyện liêu trai, ít có ai tưởng tượng nổi. Dưới ánh đèn của đĩa dầu lạc mù mờ, gian chánh điện của ngôi đình càng trở nên ủ rũ, hoang liêu và huyền bí, Lía thấy hình như có ai đó đã dời tượng của Thánh Trần sang ngồi chung với Thánh Gióng, còn bàn thờ Thánh Trần thì được đặt hai bức chân dung của hai người đàn ông xa lạ, râu ria xồm xoàm, trán rộng đầu hói, cằm nhô, trông rất uy nghi, lạ lẫm, nét vẽ không được sắc sảo, có lẽ đây là sản phẩm của tài hội họa và của trí tượng mà Dần đã hấp thu được trong hơn 10 năm tầm sư học đạo. Giữa chốn tôn nghiêm, chưa bước vào đây lần nào, Nụ không dám ngồi sát vào Dần, chị cất giọng khe khẽ : - Mười mấy năm qua anh đi đâu, bỏ em và thằng Mẹo vất vưởng nơi đầu đường xó chợ? Ánh mắt long lanh dưới ánh đèn của Nụ làm cho Dần nhớ lại câu chuyện mười mấy năm qua, như đã trở thành cổ tích. Ngày ấy, tuy Dần dựa vào các Thánh nơi đình Vĩnh An, kiếm được khối tiền, dù các lý hào địa phương, muốn gả con gái cho Dần, nhưng các cô đều sợ hắn có ma nhập, nên chẳng cô nào dám lấy hắn. Trong một đêm rằm tháng mười, bầu trời mờ đục, dưới cơn mưa tầm tã, Dần vô tình gặp Nụ, hai tay ôm vai, co ro đi qua cổng đình, người ướt sũng, chiếc áo tơi chằm lá cọ của Dần có ngờ đâu lại là khởi đầu nhân duyên của hai người… Dần nhìn Nụ, ngưng một chút, rồi nói: -Anh đi lo đại nghiệp. Nụ rụt rè: - Đại nghiệp gì, em không hiểu ?
Dần đáp gọn lỏn: - Buôn Thánh - Em là con nhà quê, lâu nay em chỉ nghe người ta nói buôn gạo, buôn mắm chứ có nghe ai nói buôn Thánh bao giờ? Dần đổi sang giọng tâm sự: - Em đã biết rồi đó. Anh là đứa con bị ruồng rẫy, gia đình và xóm làng đẩy anh vào cái miễu Âm hồn sống với Ma, có những ngày không một củ khoai trong bụng, và bao đêm co ro trong manh chiếu rách ở cái chái sau của miễu Thành hoàng và anh đã sống nhờ vào Ma, nếu không, thì anh đã chết từ lâu rồi.
Nụ thắc mắc: -Thần thánh trong miễu Âm hồn có cho anh gì đâu? - Đó là điều bí ẩn mà chỉ có Thần và anh biết, làm sao em hiểu được.
Nụ không dám hỏi nữa, cô tỉ tê: - Nhưng anh cũng đã từng sống với ma kia mà? Ngày ấy em sợ anh lắm. Lúc anh đè em mà em cứ tưởng như ma đè, lâu dần, thì anh cũng chỉ là một con người, em thấy thích và nhớ anh.
Dần đâm ra tự hào: - Vâng, anh đã sống với Ma, đôi khi anh chính là Ma, có lúc anh lại là Thần. Thần, Ma, Người cuối cùng cũng chỉ là một. Một mình anh mà thôi.
Nụ lại tỏ ra khó hiểu: - Anh kỳ quặc lắm. Từ ngày anh được ông chánh tổng điều về “ôm” cái đình Vĩnh An, có phải là anh đã giàu sang lên không, vì sao thế?
Dần nói một cách bí ẩn và triết lý: - Là Ma thì người ta sợ, là người thì có khi bị thiên hạ khinh khi ganh ghét, là Thần thì được tin, nể trọng , tôn vinh và thờ phụng. Do đó trong đêm tăm tối anh phải làm Ma, giữa thanh thiên bạch nhật, anh đành phải chính là anh, chỉ là một con người, nhưng giữa đám đông mê muội kia, anh phải trở thành Thần Thánh. Nhờ biết nhập vào Thần Thánh, rồi trở thành Thần Thánh mà anh mới có tiền và có quyền. Em biết rằng chỉ có tiền và có quyền mới có thể khống chế được mấy lão quan huyện quan phủ chứ?
Như sực nhớ ra, nhìn vào tấm hình trên bàn thờ, Nụ bâng khuâng: -Thế còn mấy ông râu kia là ai, là Thần Thánh nào? Sao anh lại đem thay chỗ của Thánh Trần lâu nay vẫn thường ngồi ở đấy?
Dần nhìn chăm vào mắt Nụ rồi mỉm cười: - Chẳng phải là Thần Thánh nào cả, chẳng phải là một nhân vật ghê gớm nào cả. Đó chỉ là những cái bóng của thần linh trong trí tưởng tượng riêng anh. Nhưng hai người đàn ông ấy sẽ thành Thánh dưới bàn tay phù phép của anh. Đã bao năm Thần thánh đẻ ra anh, bây giờ đến lúc anh phải đẻ ra Thần Thánh. Mười mấy năm anh ra đi và gần nửa năm anh đóng cửa đình để tu luyện, đó là một huyền thoại. Huyền thoại sẽ đẻ ra Thần Thánh.
Nụ nghe một thứ ngôn ngữ rất mơ hồ, khó hiểu, cô nói gọn lỏn: -Thần Thánh đẻ ra anh, hay anh đẻ ra Thần Thánh, em không cần biết, em chỉ biết bây giờ anh đã về, là anh Dần, anh không thể bỏ em và thằng Mẹo đi buôn Thần bán Thánh một lần nữa. Mà buôn Thần Thánh thì có lợi gì đâu?
Dần cười đắc ý và tự tin: - Anh sẽ không đi đâu nữa, nhưng em là đàn bà con gái, đái không khỏi ngọn cỏ, thì làm sao hiểu được cái lợi của buôn Thánh. Ngày xưa ông Lã Bất Vi bên Tàu buôn vua, một lời trăm, lời nghìn, nay anh buôn Thánh thì mối lợi không sổ sách nào có thể ghi hết đâu.
Nụ không tin: -Thật là không tưởng viễn vông, em vẫn chỉ thấy anh tự giam thân vào cái xó đình tăm tối này, còn em và thằng Mẹo mãi mãi là khố rách áo ôm. Làm thế nào anh có thể biến một tấm hình thành Thánh chứ?
Dần lắc đầu thất vọng: - Em có biết mấy bà già trầu? Cái bình đựng vôi bằng đất nung khi mới mua về, nó chỉ là cái bình vôi, sau mấy năm, vôi cứng lại, đặc ruột, không dùng nữa, vứt ra đường , sợ trẻ con chúng nó tè lên, sợ dơ cái mồm vì ngày xưa mình đã từng ăn vôi từ ấy, đưa nó lên trang thờ, từ đó phải gọi bằng ông, "Ông bình vôi ".
Nụ cãi: - Dù được gọi là “Ông bình vôi” đi nữa, cũng đâu có vinh dự gì, vẫn là thứ thừa thãi, có ngày người ta phải vứt đi !
Dần vẫn kiên nhẫn và ôn tồn: - Đó là anh chỉ lấy một thí dụ nhỏ cho em hiểu. Còn sự nghiệp buôn Thánh của anh thì vô cùng to tát. Hai vị trong bức ảnh kia, sau khi anh dùng tài tô vẽ của mình, kinh nghiệm bao nhiêu năm ăn ngủ chung với Ma, với Thánh, đã từng đem Thánh ra để lừa thiên hạ lấy tiền, lấy quyền, anh sẽ phủ lên đó một huyền thoại, làm cho người ta tin, từ làng đến tổng, từ tổng đến huyện phủ, rồi loang ra cả nước. Em biết lúc ấy sức mạnh của Thánh và của anh sẽ ra sao không ? Thánh và anh sẽ ngự trong lòng mọi người. Thần dân sẽ là con chiên của Thánh. Dần say sưa ngây ngất trong suy nghĩ của mình...
Nụ đành phải ngắt lời: -Rồi Thánh vẫn là Thánh, còn anh cũng vẫn là anh mà thôi !
Dần vội giải thích: - Không đâu. Ngày xưa, khi cất bước ra đi Thiên Trúc, ngài Đường Huyền Trang cũng chỉ là một Đại Đức. Thế mà khi thỉnh được Tam Tạng kinh đem về cho Trung Hoa, rồi Ngài dịch tất cả 75 bộ kinh gồm 1335 quyển để lại cho đời, nhớ công đức ấy mà ngày nay chúng sinh tôn thờ Ngài , dựng tượng ngài ở khắp nơi, có khi còn đứng chung với Đức Phật. Nay anh rước Thánh về cùng hàng chục bộ kinh sách cho dân mình, mai kia có ngày , anh cũng sẽ đứng chung với Thánh của anh. Con đường buôn Thánh của anh vĩ đại biết chừng nào ! Nói đến đấy, môi Dần run run vì xúc động. Hắn ngước nhìn lên bức chân dung của hai người đàn ông xa lạ mà hắn đã tưởng tượng ra. Chỉ có hắn mới biết họ là những vị Thánh nào. Trong niềm sung sướng tột cùng, như một người nửa tỉnh nửa say, Dần quàng tay ôm Nụ vào lòng. Hình như bản năng trong hắn đang trổi dậy.... Ngoài kia, Sen đội mâm xôi gà trở về nhà, còn Lía thì lẩm bẩm: “trong ấy sao mà nhiều Thánh quá,thánh ngoại loại thánh nội, còn ngoài này, bầu trời vẫn tối đen như mực !”.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.01.2013 14:47:02 bởi Kiều Giang >
"Buôn Thánh" đã được mang vào thư viện.
Xin cám ơn tác giả Kiều Giang.
Cảm ơn anh NGUỴ XƯA đã quan tâm và đồng cảm với KIỀU GIANG. Kính chúc anh luôn vui khoẻ để phục vụ nghệ thuật.
Bớ ...Nụ ... !
Mày ở nhà chị ...mày chỉ là Nụ ngơ Nụ ngẩn ...Nụ lẩn thẩn ...Nụ dở hơi ! Sống nhờ vào Giời ...xơi cơm thiên hạ .
Sang đến nhà Bác Kiều Giang thì mày là cái con ...lừa làng ...dối nước . Xác thân đi trước ...cái đầu đi sau . Ăn nằm với cái quân ...lừa thần ...buôn thánh . Mồm mày đành hánh ...óc mày co ro . Ban ngày nói co ban đêm nói giản ...mày lừa thầy... mày phản bạn ...
Ớ ...này Nụ ơi ! ...là Nụ ơi ...ơi !
Bớ ...làng nước ơi ! Gông giùm em cái Nụ ...!
Bà chị ơi...ơi là bà chị !
Sao bà chị nỡ khắc khe với con em gái nhà quê thế...?
Dù em là nhà quê, cũng là phận đàn bà. Em cũng muốn...ngửi một chút hơi của ADAM chứ?
Dẫu hắn là một tên giữ đình, chuyên sống với...ma, nhưng hắn vẫn cứ thèm hơi đàn bà con gái, hắn kỳ cục lắm. Em đâu có...ngờ !
Giữa cái đêm mưa gió đầy trời ấy, em đâu có biết hắn buôn thần bán thánh, điêu ngoa xảo quyệt gì đâu?
Mà đã ba mươi tuổi đầu, cái thùng mắm nêm của em nó vỡ ra lúc nào chị có biết được không? Đêm hôm ấy cứ coi là dịp may của em...Còn gì?
<bài viết được chỉnh sửa lúc 17.06.2012 18:15:45 bởi Kiều Giang >
DÒNG SÔNG MA QUỶ Truyện ngắn của KIỀU GIANG
Vào khoảng những năm thứ 13 tỷ 345 triệu, sau vụ nổ vũ trụ Big Bang, trên hành tinh xanh hình thành những dòng sông chảy về muôn hướng. Mỗi dòng sông kéo theo một nẻo đường phát triển cho loài sinh vật biết khóc, biết cười, biết tư duy, trong số đó có dòng sông Xích Tư dài hàng ngàn cây số chảy từ tây sang đông, qua hàng chục nước rồi đổ ra biển Hải Không
Có hai vương quốc là Hạ Trụ và Nậm Vu hình thành hai bên tả và hữu ngạn, cùng uống chung nước của dòng sông Xích Tư quanh năm đầy ắp , trăn trở, nặng nề , và cứ đêm về dòng sông sóng dậy, đỏ ngầu, thét gào, như thù hận với bao dòng sông khác. Mặt đất như cứ từng cơn rung lên từ ngày hình thành dòng Xích Tư, như người mẹ đang cơn trở dạ đứa con mà hình như bà ta không muốn cho ra đời trên thế gian này.
Dưới cái rét mùa đông như cắt da, một người thanh niên thân hình mảnh khảnh, tên Ngô Ân Quân cùng người tình là Mẫn Khương và người bạn nối khố là Lâm Hùng Phiệt, vẫn nhẫn nại, hì hục kéo chiếc xe bánh gỗ chất đầy những thùng nước lấy từ dòng sông Xích Tư , cách đó chừng nửa dặm đường, đang vượt qua một con dốc. Người thanh niên ấy có khuôn mặt xương xương, miệng rộng, trán cao, cằm vuông, đôi mắt mí lót, làm tăng thêm vẻ lì lợm, cả quyết. Chiếc xe vẫn ì ạch trườn lên trên con đường lầy lội đầy bùn đất đỏ của Vương quốc Nậm Vu. Anh dừng chân,dẫu trời giá rét, anh vẫn phải đưa tay quệt mồ hôi trên trán rồi quay qua Mẫn Khương, nói như đang ở trong mơ:
-Trở lại quê hương lần này, anh quyết đem nước của dòng Xích Tư linh diệu tưới lên tổ quốc khô cằn của anh. Dòng Xích Tư chính là ân sủng của Thượng Đế ban cho chúng ta, Thượng Đế đã về với dòng sông. Không còn con sông nào khác, không còn con đường nào khác. Đã có nhiều nước được dòng Xích Tư làm cho màu mỡ xanh tươi, không ai còn nghi ngờ gì nữa.
Mẫn Khương nhìn vào mắt người yêu rồi ân cần :
-Hình như mỗi thời đại, Thượng Đế lại ban cho loài người những dòng sông chảy vào lịch sử, vì lịch sử là một dòng sông mà, và em có cảm giác là chúng ta đang mở đầu cho đất nước ta một giai đoạn lịch sử. Ta phải làm sao cho từng giọt nước của dòng sông Xích Tư ngấm vào từng tế bào của xã hội Nậm Vu. Đó là kế sách lâu dài của một chế độ.
Ngô Ân Quân càng sôi nổi hơn:
-Em hãy để ý xem, đôi bàn tay, bàn chân của chúng ta thì Thượng Đế cho thay da từng ngày, nhưng những tảng đá kia đâu có da để mà thay,ta không thể là tảng đá,lịch sử của Nậm Vu phải thay da đổi thịt, nên chúng ta phải làm những điều mà lịch sử bắt ta phải làm.Ta phải thay đổi Nậm Vu. Chúng ta có thể làm cho nước của dòng Xích Tư ngấm vào máu của nhân dân Nậm Vu, khi đó lịch sử của đất nước ta sẽ lật sang một trang khác.
Mẫn Khương đưa mắt nhìn xa xôi rồi có vẻ ngậm ngùi:
-Có điều, em không sợ đem đời mình ra đánh cược với thời gian, nhưng thời gian là một dòng chảy vô cùng sinh động xen lẫn với vô tình. Dòng lịch sử luôn luôn tìm một hướng đi thích hợp trong từng giai đoạn, mà hình như không ai có thể bắt lịch sử phải tuyệt đối chảy theo ý chí của mình. Không biết đến khi ta phải đối mặt với sự ruồng rẩy của thời gian, thì ta có còn được nhìn lịch sử chảy theo hướng mà chúng ta mong muốn và con cháu ta không phản bội lại chúng ta?
Ngô Ân Quân có vẻ gay gắt và tự tin:
-Nói như em thì đã không có lịch sử, vì lịch sử là một dòng chảy theo sự định hướng của con người, chính bàn tay và khối óc con người trên dòng chảy của thời gian đã tạo nên lịch sử chứ còn ai? Hôm nay chúng ta đang làm lịch sử cho đất nước Nậm Vu . Mỗi giai đoạn lịch sử là một thời đại. Giai đoạn lịch sử mà nhân dân Nậm Vu lấy dòng Xích Tư để định hướng cho tư tưởng và văn hóa của mình sẽ là một thời đại huy hoàng nhất của lịch sử Nậm Vu từ trước tới nay, thời đại ấy sẽ mang tên anh, em và các người bạn của chúng ta. Ta không còn thời gian để do dự, nghi ngờ. Dù ngày mai ta có chết đi thì cũng sẽ có kẻ khác nối tiếp con đường của chúng ta hôm nay. Dù dòng Xích Tư có chảy theo một hướng khác, hay con cháu ta có phản bội lại chúng ta, thì con đường của chúng ta vẫn không thể thay đổi. Sao mới khởi đầu mà em đã có quá nhiều lo lắng?
Có lẽ Ngô Ân Quân cho rằng chỉ có một mình anh đang làm lịch sử và lịch sử sẽ chảy theo ý chí của anh. Theo anh thì sự pha trộn giữa các dòng sông, giữa các dòng máu , giữa quá khứ và hiện tại, là không thể chấp nhận được.
Mẫn Khương lại dịu dàng:
-Không phải là em bi quan, nhưng chúng ta không thể đơn giản hóa lịch sử, khoát lên lịch sử một màu hồng của ý chí. Có khi, lịch sử tự do lựa chọn hướng đi của mình, mặc dù có sự thúc đẩy của bàn tay con người, như một lối rẽ của dòng sông. Hình như tạo hóa đang đặt lên bàn tay con người một trò chơi với sự lạnh lùng của thời gian . Đó chính là nguồn gốc của sự thất bại của Thành Cát Tư Hãn, của Alexandre Đại đế, và của Napoleon…
Đã hơn nửa thế kỷ, đa số dân ở vương quốc Nậm Vu uống nước của dòng sông Xích Tư, và dòng sông đã trở thành huyền thoại. Và chính người thanh niên dáng gầy gò tên Ngô Ân Quân kia, đã phủ lên dòng sông cái màu huyền thoại đó. Chuyến xe bò đầu tiên lấy nước của dòng sông Xích Tư chính là chuyến xe của anh và đồng đội. Không biết có một thứ ân sủng nào đã biến thành quyền lực thiêng liêng dắt dìu người thanh niên của vương quốc Nậm Vu nghe được những lời thánh trong từng giọt nước của dòng sông Xích Tư đầy cám dỗ và ma quái. Ban đầu Ngô Ân Quân cùng đám tay chân thân tín đi rao truyền cái quyền lực mầu nhiệm và huyền bí của dòng nước Xích Tư chảy qua trần gian như một thứ ân huệ của Thượng Đế. Người ta sẽ nghe được lời sấm truyền từ dòng nước Xích Tư, ngấm vào tâm trí của từng người dân , vào dòng chảy văn hóa của vương quốc Nậm Vu. Thế rồi, sau gần 30 năm đấu tranh thấm đầy máu và nước mắt với những nhóm quyền lực đã lỡ thọ hưởng sự nuôi dưỡng bỡi dòng phù sa của những con sông khác, Ngô Ân Quân trở thành vua của vương quốc Nậm Vu mầu mỡ. Nhưng cũng từ đó, người dân lại trở nên nghèo khó do sự bất thường của dòng nước vơi đầy cùng với sự nhũng nhiễu của đám quan lại xu nịnh, bất tài, chỉ lo vun vén cho cá nhân mình. Có lúc, Ngô Ân Quân cảm thấy bơ vơ giữa những đồng đội . Dựa vào quyền lực để ăn cắp của công và cướp bóc của dân, giờ đây đã biến thành một bệnh dịch lan tràn từ đám quan lại của triều đình cho đến tên hương dịch. Biết vậy, nhưng vì muốn bám lấy quyền lực, Ngô Ân Quân ra lệnh cho đám pháp quan tăng cường hình pháp, bóp nghẹt cổ dân, xây thêm nhà tù và pháp trường. Dân Nậm Vu được lệnh không được uống nước ở bất kỳ một dòng sông nào khác, ngoài dòng nước thiêng Xích Tư . Suốt cả ngày lẫn đêm, người dân Nậm Vu, bằng tất cả phương tiện, từ xe người đẩy đến xe súc vật kéo, phải lấy cho được nước của dòng sông Xích Tư, để thể hiện sự tuân phục đối với đấng quân vương . Những ai không chịu uống nước của dòng Xích Tư, hoặc là bị tù đày hoặc là bị đẩy ra ngoài xã hội. Tuy nhiên vẫn có hàng triệu người vẫn không cho nước của dòng Xích Tư chảy vào huyết quản của mình, mà vẫn lấy và uống nước của những dòng sông khác. Sự mâu thuẫn và xung đột giữa hai nhóm cư dân, uống và không uống nước của dòng Xích Tư, diễn ra âm thầm và ngày càng gay gắt. Còn trong cộng đồng dân cư uống nước của dòng Xích Tư càng trở nên quỷ quyệt vô lương hơn. Họ cắn xé lẫn nhau. Những vụ án mạng man rợ thường xuyên xảy ra, những vụ chém giết cướp giật mang đầy thú tính. Có điều trớ trêu là, khi Ngô Ân Quân càng củng cố quyền lực cho triều đình y, thì đám quan lại càng dựa vào đó để vơ vét của nhân dân, làm cho tiếng oán than càng đi sâu vào tận hang cùng tăm tối, khuyến khích cho tội ác, cho bần cùng.
Đêm nay, dưới ánh trăng trung thu vằng vặc, ngồi trên Vọng Nguyệt Đài vừa mới xây xong, với bao mồ hôi, nước mắt và xương máu của dân, nhà vua đưa tay nắm bàn tay ngọc ngà của Hoàng hậu Mẫn Khương, tuy tay ngài không còn run như cái thuở ban đầu, nhưng trước khung cảnh nên thơ, hữu tình và nhan sắc tuyệt mỹ trời ban của người đàn bà sắc sảo thông minh, trái tim sắt đá của đấng quân vương cũng không thể ngăn được sự bồi hồi xúc động. Nhà vua như chìm vào đôi mắt của Hoàng hậu rồi mở đầu:
-Cảnh thanh bình đang ngập tràn trên đất nước Nậm Vu, có lẽ muôn dân của ta đang hưởng hạnh phúc, nàng có thấy thế không?
Mẫn Khương e ấp:
-Tâu bệ hạ, thần thiếp thấy rất rõ điều đó. Hồng ân của Hoàng thượng đang trải lên sinh mệnh của muôn loài.
- Nhưng không biết vì sao tiếng đàn hát kia chỉ vẳng ra từ chốn cung đình và các dinh thự của quan lại?
- Tâu hoàng thượng, đúng là như vậy. Ở nơi thôn dã xa xôi, chỉ có tiếng nhạc của loài giun dế, vì có lẽ chúng không đủ sức để quan tâm đến nỗi đau của những kẻ cùng đinh khố rách, thấp cổ bé miệng…
Hoàng hậu bỗng đột ngột dừng lại ở đó. Nhà vua nghiêm sắc mặt:
-Hoàng hậu nói sao? Làm gì có kẻ cùng đinh khố rách, thấp cổ bé miệng trong chế độ ta. Có chăng là bọn trí thức trói gà không chặt,chuyên chỉa mồm nghểnh mũi về phía ta để nghe ngóng, soi mói ta, phải nhét đá vào cổ họng bọn chúng.
Ngô Ân Quân như sắp nổi trận lôi đình, khi nhớ lại việc quan ngũ phẩm Ngoại lang ở Cơ mật viện tấu trình rằng có một Bảng nhãn tân khoa nói xa nói gần, đa số quan triều là ngu dốt, bất tài, hèn nhát và tham nhũng. Giờ đây ngài lại nghe chính từ miệng của người mà nhà vua yêu thương quý trọng nhất, về nỗi thống khổ của nhân dân vương quốc Nậm Vu, nét mặt của Ngô Ân Quân đanh lại,đau khổ:
-Nàng cũng biết là ta yêu nàng như thế nào chứ?
Nhà vua bỏ lửng câu nói, nhìn đăm đăm vào khoảng không, khi những thước phim của quá khứ hiện lên, về những ngày gian nan trên đất khách, rồi gặp nhau trên dòng nước Xích Tư huyền thoại, sống chết trên từng thước gươm yên ngựa,và nhất là nét đẹp ngây ngất đến não lòng của nàng. “Ôi, cái vầng trán thông minh vừa ngây thơ vừa bướng bỉnh ấy, làm cho ta, một đấng quân vương, nhiều khi như muốn gục ngã dưới chân nàng! Vầng trăng trên bầu trời xanh thẳm đêm nay chẳng còn có ý nghĩa gì nếu không có nàng bên cạnh…”
Như thấu hiểu nỗi lòng của đấng quân vương, Mẫn Khương quỳ xuống ôm tay đức vua, thỏ thẻ:
-Tâu Bệ hạ, thần thiếp lỡ lời, xin Bệ hạ rộng lòng tha thứ. Nhưng…
- Nàng cũng biết rằng ta không thể giết nàng bỡi tội khi quân, vì giết nàng là ta tự giết ta. Nhưng đầu óc ta muốn nổ tung khi biết có một ai đó nghĩ rằng Ngô Ân Quân này là cái họa cho đất nước Nậm Vu. Còn “nhưng” thế nào, nàng cứ nói tiếp đi, ta còn đủ can đảm mà!
Hoàng hậu vẫn quỳ dưới chân nhà vua, tay nắm long bào, ngước mắt nhìn lên mặt rồng:
-Nhưng... thần thiếp không thể giấu bệ hạ, thiếp phải là tai mắt của bệ hạ, dù những điều thiếp tâu với bệ hạ, có thể làm cho đấng quân vương đau lòng. Thiếp sợ rằng bọn nịnh thần kia sẽ làm lung lay ngai vàng và xã tắc của bệ hạ. Họ chỉ là bọn sâu dân mọt nước, chuyên nịnh hót để kiếm lợi riêng, sự hèn nhát của họ làm cho chúng gần bệ hạ hơn, nhưng lại tách rời khỏi nhân dân Nậm Vu, điều này quan tể tướng họ Lâm biết rõ.
Ngô Ân Quân không ngờ Mẫn Khương, Hoàng hậu sủng ái của mình lại có thể buông những lời quá phũ phàng và nghiệt ngã trước quyền uy tối thượng của thiên tử.. Nhà vua từ từ cúi xuống nhìn nàng, rồi chậm rãi:
-Không! Không bao giờ trẫm có thể tin được rằng bề tôi của trẫm, những người đã từng được tôi luyện trong mấy mươi năm gian khó, thấm đẫm từng giọt nước của dòng Xích Tư vinh quang và mầu nhiệm lại có thể phản bội trẫm, phản bội nhân dân Nậm Vu. Bánh xe lịch sử của thời đại Ngô Ân Quân phải được lăn về phía trước mãi mãi, đến tận cùng của thời gian…
Sự tuyệt vọng hiện lên khuôn mặt xinh đẹp và dịu hiền của Hoàng hậu Mẫn Khương. Nàng mường tượng ra một sự sụp đổ của xuẩn ngốc, bạo tàn, tham lam và phản bội. Hoàng thượng và đám quan quân của ngài thì tự cho mình là những vị thánh, còn đa số người dân Nậm Vu thì nghĩ ngược lại. Đó là tấn bi kịch của một triều đại. Quy luật của sự hưng phế đang hiện dần ra dưới chân nàng và trên chiếc ngai vàng của chúa thượng. Bất giác, nàng thở dài.
Hình như lịch sử không dành sự ngoại lệ cho bất kỳ một dân tộc nào. Dòng Xích Tư huyền thoại đã đến hồi suy kiệt. Sự dồn nén phi lý của vua quan của hai vương quốc Hạ Trụ và Nậm Vu lên đầu thần dân của họ đã đến lúc không còn tác dụng nữa. Người dân bắt đầu ý thức rằng mình không phải là con vật cao cấp trong dòng tiến hóa của Darwin, mà họ là những con người. Ít ra cũng còn có một khoảng thời gian hàng triệu năm dành cho sự đột biến, thăng hoa. Những chính sách của triều đình Nậm Vu đưa ra, người dân không tuân thủ thực hiện, có khi còn chống lại. Xã hội của vương quốc ngày một hỗn loạn. Dòng nước Xích Tư ngày càng khô cạn , người dân của Nâm Vu và Hạ Trụ không thích uống nước ở đó hoặc không còn nước để uống . Một thứ trống rỗng, một kiểu hư vô, những tư tưởng phi nhân bản như đến hồi lụi tàn . Có lẽ đó là sự chọn lọc tự nhiên của loài sinh vật biết suy tư.
Khi mà dòng sông Xích Tư chỉ còn là những dòng nước hắt hiu , dòng chảy tư tưởng , chính trị và văn hóa của hai vương quốc Nậm Vu và Hạ Trụ cũng đã bị lai tạp. Ngô Ân Quân và Mã Tham Đường cũng bắt đầu có những mâu thuẫn sâu sắc. Hai vị quân vương trước đây từng chung chiếu chung chăn, chung đất chung trời, chung sông chung núi, bây giờ đã trở thành thù hận vì tranh giành nơi biên cương. Những quốc gia sống trên dòng phù sa của những con sông khác, không phải là dòng Xích Tư “ mầu nhiệm”, đã trở nên hùng mạnh, không chịu lấp đầy túi tham quyền lực của Mã Tham Đường, hắn quay lại cắn chính người bạn nối khố của hắn là Ngô Ân Quân. Nước Nậm Vu sau bao nhiêu năm chìm trong tăm tối của lạc hậu và nhiễu nhương, lại chính là miếng mồi ngon cho đế chế Hạ Trụ của tên vua cuồng sát Mã tham Đường. Một cuộc chiến tranh “tương tàn” trên dòng sông Xích Tư huyền thoại không thể không xảy ra.
Mặc dù Ngô Ân Quân đã cấm tuyệt con dân Nậm Vu không được hé răng gọi đến tên của đại vương quốc Hạ Trụ, nếu có thì phải ca ngợi mẫu quốc lên tận mây xanh. Bao nhiêu của ngon vật lạ, bao nhiêu báu vật quốc gia đều đem đi cống nộp, nhưng cái túi tham của Mã Tham Đường quả là không đáy, y vẫn từng bước xâm lấn biên cương Nậm Vu. Sự khiếp nhược của vua quan Nậm Vu càng làm cho Mã Tham Đường mở cờ trong bụng, hắn đã xua quân công khai xâm lược Nậm Vu.
Sau nhiều tháng cho quân tràn cả tuyến biên giới, với chiến thuật “biển người”, ưu thế đã nghiêng hẳn về phía của đoàn quân xâm lăng hung hãn của nước Hạ Trụ đất rộng người đông. Lưỡi kiếm sắt máu của Mã Tham Đường giờ đây tha hồ chém giết. Trên những cồn cát của dòng Xích Tư cạn kiệt, xác chiến binh của hai bên phơi đầy trên mặt sông “mầu nhiệm”. Sự phũ phàng của lịch sử một dòng sông cũng đã đến ngày kết thúc. Sự mông muội, cả tin của Ngô Ân Quân giờ đây đã phải trả giá. Người ta thấy nhà vua của nước Nậm Vu cùng đoàn vệ binh chiến bại, dưới ánh trăng mùa thu nhạt nhòa, đang tháo thân về phía ngọn núi Linh Sơn, sau lưng là toán quân truy đuổi mà dẫn đầu không ai khác hơn là người anh em nối khố của ngày xưa, tên vua bạo ngược Mã Tham Đường.
Đoàn bại binh của Ngô Ân Quân vừa kịp vượt qua con suối sâu , chiếm giữ một ngọn đồi của núi Linh Sơn và bố trí đội quân xạ tiễn, thì đội truy kích của Mã Tham Đường cũng đã đuổi kịp. Đội quân thắng trận đã mệt mỏi, không thể vượt qua làn tên dày đặc của đối phương nên đành hạ trại nghỉ đêm ở bên này con suối.
Đêm ấy, trên dãy núi nơi tận cùng vùng cực nam của tổ quốc Nậm Vu, đứng trên một tảng đá lớn, Ngô Ân Quân đưa mắt nhìn về phương bắc của quê hương đã tan hoang vì chiến tranh, bất giác, nhà vua rùng mình. Vị vua mà từ lâu nay cớ ngỡ rằng mình là một vị thánh,ban phát ân sủng cho nhân dân, sẽ được con dân Nậm Vu ngợi ca, sùng bái đến muôn đời, nay đã trở thành một tên vong quốc .
Nhà vua lặng lẽ rảo bước về phía dòng suối để nhìn lại bóng mình lần cuối. Biết đâu sáng mai đây sẽ chẳng còn một cơ hội nào nữa.
Ánh trăng thu vằng vặc đã soi rõ hình bóng của nhà vua nước Nậm Vu trên dòng suối bạc. Bỗng đấng quân vương hốt hoảng thét lên: “ Sao gương mặt ta lại thế này? Ôi, dòng Xích Tư linh thiêng và huyền thoại kia, chẳng lẽ, hơn năm mươi năm qua, ngươi đã dần dần biến linh hồn ta, gương mặt ta,bàn tay ta thành ra của loài ác quỷ? Không, ta là Thánh, ta là Thánh của con dân Nậm Vu,ta không phải là quỷ...!” .Nói rồi, nhà vua ngã gục xuống dòng suối của Linh Sơn. Nhưng dòng suối của Linh Sơn vẫn tuôn chảy, không dừng lại. Còn ở biên cương phía Bắc, dòng Xích Tư cũng đang cạn kiệt phơi mình dưới màu trăng mùa thu cũng vàng vọt vì đói khổ và chiến tranh.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 16.02.2013 12:31:28 bởi Kiều Giang >
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
Kiểu: