Chương vii - Một nhân hai quả
tahuudinhqn 22.06.2012 16:41:32 (permalink)
Chương VII
MỘT NHÂN HAI QUẢ  
Cải cách ruộng đất được coi là một cuộc Cách mạng “Long trời lở đất”, ở nước ta xưa nay chưa từng có bao giờ, nhằm xoá bỏ chế độ chiếm hữu ruộng đất bất công của giai cấp địa chủ phong kiến, đem ruộng đất chia cho nông dân, thực hiện khẩu hiệu: “Người cày có ruộng”, xoá bỏ tận gốc chế độ người bóc lột người, giải phóng sức sản xuất, thiết lập quan hệ sản xuất mới ở nông thôn, văn minh hơn, tiến bộ hơn. Ta là nước nông nghiệp, nên đương nhiên cuộc Cách mạng ấy có quy mô rộng lớn trong phạm vi cả nước, đồng thời nó cũng trực tiếp ảnh hưởng một cách sâu sắc đến toàn bộ đời sống xã hội.
Nhưng lúc bấy giờ miền Nam chưa được giải phóng. nên mới cải cách ở miền Bắc.
Được đi cải cách ruộng đất là một vinh dự, rât đáng tự hào cho mỗi cá nhân, trong các lực lượng vũ trang cũng như cán bộ các ngành, các cấp, không kể gì chức vụ cao hay thấp, người trong hay ngoài Đảng. Đảng và Nhà nước còn chú trọng đặc biệt cho các văn nghệ sỹ, các nhà khoa học, hay nói chung là các cán bộ tri thức, không xuất thân từ thành phần cơ bản, được đi để “Công Nông hoá”, để củng cố lập trường quan điểm của họ. Còn đối với những người ở tầng lớp trung gian “Tiểu tư sản” như tôi, thì niềm vinh dự ấy càng nhân lên gấp bội.
Như vậy cải cách ruộng đất cũng như một mũi tên nhằm cả hai đích. Hay nói một cách khác là một nguyên nhân, nhưng thu được hai kết quả: Người cày có ruộng, và cải tạo, giáo dục cán bộ của Đảng và Nhà nước.
Sau hơn hai tháng đi học Lớp cải cách ruộng đất về, tôi được anh Khuê gọi lên phòng Giám đốc nhận nhiệm vụ mới. Anh nguyên là cán bộ được Bộ Văn hoá cử xuống tăng cường cho tỉnh từ sau ngày tiếp quản khu mỏ. Sau một thời gian công tác, Bộ mới chính thức bổ nhiệm anh làm Giám đốc Sở Văn hoá khu Hồng Quảng. Anh Nguyễn Hữu Tân, nguyên Trưởng Ty Thông tin tỉnh Quảng Yên cũ làm Phó Giám đốc. Tỉnh rút anh Trần Quốc Lân về Ban Tổ chức, anh Thanh Lương về Ban Tuyên giáo.
Anh Khuê khoảng trên dưới bốn mươi tuổi, người nhỏ nhắn, da trắng như con gái. Anh rất nghiêm túc trong công việc, và cả những lúc nghỉ ngơi chuyện trò với cấp dưới, anh cũng giữ gìn chừng mực, trên dưới phân minh. Người ta thường chỉ đỏ mặt khi có điều gì đáng xấu hổ, riêng anh lúc vui cười mặt cũng đỏ lên như quả hồng ương. Có lẽ anh cho rằng, cười cũng có thể bị người ta cho là thiếu nghiêm túc, đáng xấu hổ chăng?... Anh bắt tay tôi rất chặt, mời ngồi, rồi nói ngay vào công việc:
-       Tôi rất mừng báo để anh biết, lãnh đạo Sở vừa quyết định cử anh đi cải cách ruộng đất đợt này, cùng với anh Chính. Nhưng nhiệm vụ của anh không phải là làm anh đội viên Đội cải cách, mà là nhiệm vụ của một phóng viên nhiếp ảnh. Cũng như trong kháng chiến, các phóng viên nhiếp ảnh đi theo bộ đội ra mặt trận vậy.
Bỗng một cơn gió mạnh từ ngoài Vịnh thổi vào, đẩy cánh cửa phòng Giám độc khép lại, làm bay mấy tờ giấy xuống đất. Tôi đứng lên đẩy cửa ra, và móc chốt ghim lại. Anh nhặt mấy tờ giấy, lấy cục than đá chặn lại và nói tiếp:
-       Anh chuẩn bị thảo một đề cương cho tập ảnh phóng sự đi! Phải bám sát từng bước đi, ghi cho thật đầy đủ mọi diễn biến của cuộc đấu tranh cải cách, để làm tài liệu lưu trữ lâu dài cho tỉnh, và sau khi cải cách thắng lợi sẽ đem ra triển lãm. Trước khi chuyển ý, anh ngừng lời, suy nghĩ một lát rồi nói:
-       Sở tin tưởng và rất mong anh cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Anh tươi cười và nhìn sâu vào mắt tôi như dò hỏi xem tôi có làm được không? Gương mặt anh lại đỏ lên, hai làn môi mỏng vẫn hé mở tươi cười, chờ đợi. Tôi lặng người đi vì bồi hồi, sung sướng, nghĩ đến ngày ảnh của mình được trưng bày trong phòng triển lãm, cùng ảnh của các phóng viên có tên tuổi ở Trung ương. Anh Khuê lại nới tiếp:
-       Nếu có khó khăn, hay cần đề đạt gì, anh cứ trực tiếp trao đổi với tôi, hay anh Chính cũng được.
Trước đây cơ quan đã có một số người được đi cải cách ruộng đất. Phần lớn họ đều là đảng viên, trưởng phó các Phòng Ban, hay trưởng phó Đoàn văn công. Việc họ được đi, nhiều lúc đã khiến tôi cảm thấy chạnh lòng. Giờ tôi cũng được đi, tức là mình cũng được tín nhiệm như họ, khiến tôi vui mừng. Hơn nữa chưa bao giờ tôi được làm một tập ảnh phóng sự có quy mô to lớn, và nội dung quan trọng như vậy. Vừa mừng, vừa lo, nhưng tôi rất háo hức, muốn tỏ rõ sức mình. Tôi hăng hái hứa sẽ quyết tâm làm tròn nhiệm vụ, và hỏi anh Khuê:
-       Thưa anh, chúng tôi sẽ xuống Đoàn nào ạ?
-       Đoàn Hai. Đoàn này phụ trách hai huyện Thuỷ Nguyên và Yên Hưng. Nhưng mà này…quê cậu ở Thuỷ Nguyên phải không? Trong thời gian đang cải cách, anh không được phép về nhà đâu. Đây là nguyên tắc và cũng là mệnh lệnh đấy.
Anh bắt tay tôi, kết thúc cuộc gặp. Tôi xuống cầu thang, vừa đi vừa nghĩ: Các ông ấy để phòng xa quá. Gia đình tôi chỉ có hai mẫu ruộng và một con trâu. Sau khi mẹ chúng tôi qua đời, hai anh tôi chia nhau cày cấy. Đến phú nông cũng chưa đủ tiêu chuẩn, chứ nói gì đến địa chủ mà phải đề phòng. Chỉ có phần nào đáng ngại là thời Pháp thuộc, bố tôi làm lý trưởng. Nhưng ông đã qua đời rồi, chẳng lẽ người ta lại đem cả người chết ra mà đấu tố hay sao?...
Thông qua anh Vũ Khuê bản đề cương, và chuẩn bị mọi thứ xong xuôi, tôi cùng anh Phạm Chính lên đường. Tôi đem theo hai mươi cuốn phim “:Kodak”, và chiếc máy ảnh “Rôlây”. Loại máy từ lâu đã nổi tiếng trong làng nhiếp ảnh thế giới, và cũng là niềm mơ ước, khát khao của tất cả những “Anh phó” nghèo như tôi. Tôi được dùng chiếc máy này, không phải do tiền của cơ quan bỏ ra mua. Cơ quan tôi lúc bấy giờ làm gì có nhiều tiền thế. Đây là máy “chiến lợi phẩm”. Khi vào tiếp quản, ta thu giữ của một cơ quan Lãnh sự, mà nước họ không có quan hệ ngoại giao với nước ta.
Chúng tôi đi xe đạp. Bấy giờ là tháng tư dương lịch. Đã cuối  mùa xuân rồi, nhưng những hạt mưa xuân vẫn ướt đầm từng ngọn cỏ, lá cây. Suốt mùa đông dài dằng dặc, khí âm lạnh giá, tối tăm. Sang mùa xuân khí dương ấm áp sáng trong. Và dương khí đến lúc này đã đủ thời gian để thấm nhuần vào muôn vật, thúc đẩy mọi sự nẩy sinh. Từ đồng lúa, bờ tre, hàng cau. khóm chuối, đến con người, con vật, tất cả đều bừng lên, vươn lên, xinh tươi và tràn trề sức sống. Chúng tôi cũng vậy, hai anh em đạp xe đường trường mà không thấy mêt.
Anh Chính có xe riêng. Chiếc “Lanh côn” vừa chắc chắn, bon, lại vừa hào nhoáng. Tuy là trưởng Phòng Văn nghệ, nhưng lương anh cũng chẳng đáng là bao. Nghe đâu chị Trầm, vợ anh, là con cháu nhà tư sản nước mắm “Vạn Vân” ở Cát Hải. Sau ngày hoà bình, được tự do đi lại, chắc gia đình cũng chi viện ít nhiều, nên anh mới có chiếc xe đạp ấy. Người anh cao lớn, chân tay khuềnh khoàng, mặt vuông, má hóp, miệng rộng, môi dầy, hai khoé mép cong ve lên, nét mặt khô như ngói, chẳng có biểu cảm gì, trừ những lúc vui, anh ngoác miệng ra cười thoải mái. Xe tốt, sức  khoẻ có thừa, anh phóng đi như bay, khiến tôi không sao theo kịp. Thỉnh thoảng anh ngoái lại cười: “Nhanh lên chứ! Thanh niên chưa vợ mà sao chậm thế?”.
Tôi đạp chiếc “Meciê” mầu vàng, mà hai năm trước nó đã cùng tôi rong ruổi trên quốc lộ số Năm về Hà Nội, Nhưng bây giờ nó đã xuống cấp, cũ kỹ, méo mó, xộc xệch, nước sơn bong tróc lỗ chỗ đầy mình như con ngựa già ghẻ lở. Mỗi lần chân tôi nhấn mạnh xuống bàn đạp, nó lại kêu rít lên như quá đau đớn, khổ sở. Nhưng cũng chỉ chồm lên phía trước được một chút, rồi nó lại lừ đừ, thủng thẳng như nhà hiền triết, vừa đi vừa suy ngẫm về cái thời xa xưa oanh liệt của mình! Từ trước đên nay, có lẽ cũng không ai biết, nó đã cùng với bao nhiêu người, trải qua bao nhiêu con đường thiên lý? Chỉ biết, khi xong việc trở về, người ta lại quẳng nó ra gốc cây giâu gia, ở trước cửa cơ quan, rồi ai cần đi thì lại ra đấy lấy, cả năm không lau chùi, không dầu mỡ gì. Cũng như thời xưa người ta chơi đu, hết xuân “Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không!” vậy (Hồ Xuân Hương). Không! Công bằng mà nói thì “con ngựa già” nay cũng chưa đến nỗi bị đối xử như “cây đu”. Khoảng vài ba tháng, cũng có thể có một đôi lần chú Suý, liên lạc của Phòng hành chính, dắt nó ra bể, té cho vài xô nước, hoặc sơ qua vài nhát chổi. Thế là xong. Của công ấy mà!
Đoàn Uỷ Hai đóng tại trụ sở Uỷ ban Hành chính huyện Thuỷ Nguyên. Trước khi Đoàn cải cách về, theo quyết định của cấp trên, các cán bộ của Huyện Uỷ và Uỷ ban không thuộc thành phần cơ bản, đều được điều đi công tác xa. Số còn lại chuyển xuống Núi Đèo, làm việc tạm ở nhà dân.
Trụ sở này vốn là huyện đường của nhiều đời quan huyện, từ thời Pháp thuộc còn lại. Những năm kháng chiến, bọn Nguỵ quyền chiếm đóng cũng không xây dựng gì thêm. Ô đất vuông vắn khá rộng, có tường bao quanh. Ngoài chân tường còn có hào nước sâu để phòng thủ, như kiểu một quân doanh thời cổ, còn đánh nhau bằng giáo mác vậy. Ở chính giữa ô đất quay mặt ra cổng, phía Nam là ngôi nhà một tầng, xây theo kiểu nửa Tây nửa ta, và gần như vuông. Hai bên, phía Đông và phía Tây là các ngôi nhà phụ. Chắc cái “Công đường” mà ngày xưa bố tôi vẫn nhắc đến mỗi khi lên huyện về, là ngôi nhà vuông này đây. Tưởng nó đồ sộ và oai nghiêm thế nào kia, chứ hoá ra cũng chẳng có gì đặc biệt. Nếu không có cái tiền sảnh, và hai bên hành lang, thì nó đã thành ra ngôi nhà bé nhỏ và tầm thường rồi.
Hai anh em tôi được bố trí vào bộ phận Tuyên huấn của Đoàn uỷ, cùng với một số phóng viên đài, báo Trung ương và địa phương. Các Đội cải cách đã xuống xã và đang thực hiện bước Một. Bước “Thăm nghèo, hỏi khổ, ba cùng” với nông dân. Tức là cán bộ đội cùng ăn, cùng ở, cùng làm, đi sâu, đi sát những người nghèo khổ, để phát động tư tưởng họ, làm chỗ dựa cho họ vùng lên đấu tranh.
Hôm sau.
Khi lên văn phòng Đoàn uỷ về, anh Phạm Chính đưa giấy giới thiệu cho tôi và bảo:
Cậu có thể xuống bất cứ Đội nào cũng được, tuỳ ý. Nhưng không phải “Ba cùng” đâu. Là cán bộ nghiệp vụ chắc anh hiểu. Anh xuống các Đội nghe nông dân kể khổ để tìm nhân chứng, vật chứng điển hình…      
Thế là từ hôm ấy “con ngựa già Meciê”, vừa tận tuỵ, vừa trung thành đã cùng tôi lóc cóc đến các thôn cùng xóm vắng. Tôi đã được nghe không biết bao nhiêu người kể khổ, đã thấy không biết bao nhiêu dòng nước mắt của những cuộc đời lầm than cơ cực. Và chắc rằng cũng không phải chỉ bây giờ, trong cuộc đấu tranh sôi sục này họ mới khóc, mà cùng với thời gian lâu dài của lịch sử, nước mắt và mồ hôi của những người nghèo khổ đã tràn đầy như suối như sông!
Về “Vật chứng”, tôi đã chụp những túp lều tiều tuỵ, rách nát, mái thủng, vách mòn, xiêu vẹo như cái lều vịt, hay như nhà của những người dân tộc “Cùa”, còn sinh sống bằng nghề “lượm hái thời nguyên thuỷ”, ở trên những dẫy núi đã cao vút, mù sương miền Tây Bắc mới còn ở. Những chiếc áo tơi, lá cuồi đã cùn mòn, chỉ che được nửa lưng, mà người nông dân vẫn dùng để che nắng, che mưa, và cả để chống chọi với gió rét nữa. Có gia đình tài sản hầu như chẳng có gì, ngoài cái cuốc cùn gần đến óc, và mấy cái niêu đất. Bây giờ cơm niêu đã trở thành “đặc sản”, và cả “đặc mốt” ở các nhà hàng nơi đô thị. Nhưng những cái niêu tôi kể đây, không phải là cơm niêu, mà là cái niêu đã hai mươi năm tuổi cùng tồn tại, gắn bó với người nông dân nghèo ở xã Hiệp Hoà. Mới nghe tưởng như chuyện đùa. Nhưng nhờ chính ông chú ruột tôi có cái niêu cũng xấp xỉ tuổi như vậy, nên tôi mới tin là sự thật.
Về “Nhân chứng”: Tôi đã được chứng kiến những cảnh tượng thê thảm của trận đói lịch sử năm 1945 ở Hà Nội. Nếu đem so những người nông dân nghèo bây giờ với những người ăn mày năm ấy, thì chẳng khác là bao. Cũng những gương mặt tóp teo, rầu rĩ, những thân hình gầy còm, vàng vọt. Họ chỉ hơn những người trong trận đói là không cầm cái ống bơ, hay cái bát mẻ đi xin ăn mà thôi. Cũng những bộ quần áo vá chằm vá đụp, mụn nọ chồng lên mụn kia, không còn thấy đâu là nền vải lúc mới may. Nó giống như cái vỏ chăn “tiết kiệm” thời bao cấp, người ta chắp các mẩu vải vụn, đủ các mầu mà may thành vậy. Có những cuộc họp “Kể khổ”, mấy chục người  mà không thấy ai mặc một tấm áo lành. Đã đành rằng đi kể khổ thì mặc áo vá là phù hợp rồi. Nhưng cũng xin đừng nghĩ là họ xu thời. Vì chắc chắn chẳng có ai lại “vá áo lành” để mặc đi tố khổ?
Ôi chao! Kể về nỗi khổ của nông dân nước ta, thì không bao giờ hết. Cũng như tát nước biên Đông thì chẳng bao giờ vơi cạn. Tôi đem đi hai mươi cuốn phin, chứ nếu đem hai trăm cuốn cũng không thể nào chụp xuể. Tôi còn nhớ có nhà văn nào đó ngày xưa đã kêu: “Nhà văn An Nam khổ như chó”. Vâng. Nhà văn là người có học hành, có chữ nghĩa mà còn khổ như chó, thì người nông dân khổ như con gì? Nếu so sánh có phần xược một chút, thì quả thật con chó của nhà giầu, về mặt nào đó cũng còn hơn cả người nghèo!
Vậy vì sao lại có kẻ giầu người nghèo? Trong các buổi học tập trước đây, cũng như thời gian đi học cải cách ruộng đất vừa qua, các học viên chúng tôi tranh luận thường hói nhau như vậy, để tìm nguyên nhân, Có ý kiến đã đi ngược về quá khứ lịch sử, từ lúc con người mới biết gieo trồng, bỏ việc “lượm hái” tự nhiên, để khẳng định rằng, từ những nhát cuốc đầu tiên vỡ đất ấy, đã có sự chênh lệch khác nhau, giữa người khoẻ - người yếu, người chăm - người lười, người khôn - người dại. Và do vậy mà kết quả lao động đã có người nhiều, người ít. Nghĩa là từ lúc khởi đầu ấy đã có kẻ giầu người nghèo rồi. Đó là chưa kể đến những nguyên nhân khác, có tính khách quan, may rủi như ốm đau, thiên tai, địch hoạ. “Thuỷ hoả đạo tặc” v..v…
Có ý kiến lại cho rằng: Tất cả những nguyên nhân trên cộng lại, cũng chưa tác động đễn xã hội nghiêm trọng bằng những cuộc chiến tranh giữa các “Bộ lạc” đã xẩy ra cùng lúc bắt đầu có kẻ giầu người nghèo. Kẻ chiến bại bị bắt làm nô lệ, tài sản đất đai của họ bị kẻ chiến thắng cướp đoạt. Do vậy mà xã hội loài người đã sinh ra giai cấp phong kiến, rồi bọn đế quốc thực dân áp bức, bóc lột người lao động. Vì thế nên mới có kẻ giầu người nghèo.
Để tạo lập ra một xã hội công bằng, Đảng và Nhà nước ta đã phát động cuộc đấu tranh cải cách ruộng đất ở các vùng giải phóng. Và bây giờ đến khu vực cuối cùng, mà chúng tôi đang phục vụ đây.    
Cuộc cải cách đang chuyển sang bước Hai rồi. Bước quyết định số phận của giai cấp áp bức, bóc lột.
Nhưng đối tượng của cuộc đấu tranh cách mạng này, không giống như kể thù ngoại bang xâm lược. Chúng sống chung với dân, lẫn vào hàng ngũ những người lao động. Để tìm ra chúng, nhận được mặt, gọi được tên chúng, ta phải dựa vào kinh nghiệm của người đi trước. Ta cử cán bộ sang nước bạn, học hỏi kinh nghiệm của bạn, rồi về tiến hành cái cách thí điểm. Như đợt cải cách mở màn ở Đồng Bẩm, Thái Nguyên.
Từ những kinh nghiệm của bạn, và thực tế thí điểm của ta, đúc kết thành lý luận, thành tiêu chuẩn để quy định: Địa chủ, phú nông, trung và bần cố nông. Rồi mở lớp huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ, xong mới tung lực lượng ấy đi cải cách các nơi tiếp theo. Và kinh nghiệm của bạn cũng như ở địa bàn thí diểm đã chỉ ra rằng: “Cứ một trăm hộ nông dân, thì có năm hộ là địa chủ”. Còn về tình hình đảng phái phản động ở nước ta, cũng giống như nước bạn. Giảng viên lớp cải cách ruộng đất chúng tôi học, đã đan hai bàn tay vào nhau, nói: “Vùng ta, trước là khu vực tập kết ba trăm ngày của địch, nó như cái túi dồn đọng tất cả cặn bã của xã hội. Các tổ chức cơ sở của ta ở nông thôn, đều bị bọn Quốc dân đảng cài vào như cài răng lược. Cho nên về địa phương, Đội cải cách phải bắt giam Bí thư và Chủ tịch lại, có thế mới phát động được tư tưởng của quần chúng đứng lên đấu tranh”.
Có lẽ vì những kinh nghiệm có tính chất “giáo điều” của bạn, và những nhận định “quá tả” của ta, cho nên dẫn đến hậu quả là nhiều cán bộ chủ chốt ở địa phương đã bị xử lý oan trong cải cách, Cũng như nhiều gia đình nông dân đã bị quy sai thành phần. Từ phú nông, thậm chí từ trung nông cũng thành ra địa chủ.
Thực ra về cuộc đấu tranh giai cấp trên mặt trận chính trị, tư tưởng ở nước ta đã được mở ra từ những năm đẩu của thập kỷ năm mươi. Sau chiến dịch Cao Lạng thắng lợi, biên giới nước ta với nước láng giềng được khai thông, ta đã mở những lớp chỉnh huấn, chỉnh quân, nhằm cải tạo tư tưởng, nâng cao tinh thần chiến đấu và phẩm chất cách mạng của lực lượng vũ trang, cũng như cán bộ các ngành các cấp. Tất cả những tư tưởng, hành động  sai trái với yêu cầu và lợi ích của cách mạng đều bị phê phán, bị coi là tư tưởng “phi vô sản”. Nhưng phải đến thời gian cải cách ruộng đất, thì vấn đề thành phần giai cấp mới thật sự trở nên quan trọng. Người có thành phần cơ bản được chú ý đào tạo, được kết nạp Đảng, được cất nhắc, đề bạt, và quý trọng gần như một kiểu tôn vinh. Trái lại, người ở các tầng lớp trên, dù đã đi theo Cách mạng, đã cống hiến cả của cải, tài năng và trí tuệ cho kháng chiến. Nhưng cũng không được tin cậy và sử dụng như trứơc nũa. Mặc nhiên, những người này trở thành một thư công dân hạng hai, hạng ba. Thậm chí, không ít trưởng hợp đã bị thành kiến, hoặc nghi ngờ đẩy ra ngoài biên chế.
Vì thế cho nên mới sinh ra những kẻ cơ hội, khai man thành phần để trục lợi. Và mới có chuyện: Ông cán bộ lãnh đạo một ngành của tỉnh, khi đi cải cách lại chỉ là đội viên của ông Đội trưởng, vốn là nhân viên cũ của mình. Anh ta được đề bạt làm Đội trưởng là nhờ thành phần bần nông, và đợt đi cải cách trước có thành tích.
Nhưng theo luận điểm biện chứng của các nhà triết học, thì chẳng có gì là vĩnh viễn, không thay đổi. Cũng như theo quy luật tự nhiên, có “Sinh” tất có “Hoá”. Bây giờ nhìn nhận và đánh giá về con người, người ta không mấy chú ý đến thành phần nữa. Có lẽ “Cô Hoa hậu thành phần” đã bước vào tuổi già, nên ít được ngưỡng mộ chăng?
 
***
 
Thuỷ Nguyên có hai tên địa chủ lớn nhất nhì trong toàn huyện: Phán Đạt và Hậu Tuất. Chỉ riêng Phán Đạt ở Lập Lễ đã chiếm hơn một nghìn mẫu ruộng. Đồn điền của y thẳng cánh cò bay. Ngày hoà bình lập lại, miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa, nhà thơ Tế Hanh đã viết:
“ Nông trường ta rộng mênh mông
Trăng lên, trăng lặn cũng không ra ngoài”…
Cái đồn điền này có lẽ cũng đúng như vậy. Trăng lên, trăng lặn cũng không ra ngoài.
Thời Pháp thuộc. Đạt vốn là tên thông ngôn, làm thuê cho một tên quan người Pháp ỏ Hải Phòng. Lập Lễ lúc bầy giờ còn là đất bãi bồi hoang hoá. Tên quan thực dân ấy bỏ tiền ra mộ phu, chiêu dân lập ấp, đắp đê, khẩn hoang rồi thành ra đồn điền này. Cùng dòng máu và giống nòi, tên quan thực dân này cũng  như tên Ray, Chánh mật thám Sở than Bắc Kỳ và phần lớn đồng bọn của chúng: Thích lấy vợ người bản xứ. Hắn có ngờ đâu thằng đầy tớ “trung thành”của hắn lại học được ngón nghề của lão “lái buôn” lừng danh thời tiền sử: Lã Bất Vy buôn vua. Còn Đạt, nó buôn tình! Thằng đầy tớ ăn nàm với “bà chủ”. Mụ me tây hơn nó hơn mười tuổi. Rồi hai đứa đồng mưu đánh thuốc độc cho tên thực dân chết. Thế là cả vợ lẫn cái cơ nghiệp đồ sộ này nghiễm nhiên thuộc về tay Phán Đạt.
Khi đã thành một điền chủ cỡ bự rồi, Đạt tha hồ ăn chơi trác táng. Và thằng đại bợm ấy cũng “nay Hàng Thao, mai Phố Giấy” như ai. Khi chán các Ả đào sành sỏi ở quán bà Mau Hải Phòng, y lại về huyện nhà, với các nàng thôn nữ ngây thơ, trong trắng ở Đông Môn, một làng có truyền thống hát ca trù nổi tiếng. Sau Y cưới một kỹ nữ tài sắc nhất làng nghề về làm vợ lẽ, và xây dựng cho thị một cơ nghiệp riêng ở bên Kiến Thuỵ.
Cuối năm 1946, quân Pháp gây hấn, đánh chiếm Hải Phòng, Đạt thân chinh cùng thuộc hạ chở một thuyền gạo và lợn gà tiếp tế cho giặc Pháp. Bị ta bắt, nhưng y trốn thoát. Chạy về Kiến Thuỵ ở với vợ lẽ, y lại cầm đầu bọn Quốc dân đảng phản động, chống phá lực lượng kháng chiến rất quyết liệt. Nhưng cuối cùng y đã bị quân ta tiêu diệt cùng đồng bọn.
Này hoà bình, vợ con tên địa chủ phản động này đã theo chân quân Pháp vào Nam.
Tôi đến Lập Lễ chụp ảnh dinh cơ của Phán Đạt. Không! Có lẽ phải gọi đây là khu “dinh thự” thì mới đúng. Trong một khuôn viên rộng lớn hàng hecta đất trồng cây ăn quả, nàm bên cạnh con sông Bạch Đằng lịch sử, được xây tường bao chung quanh. Một chiếc cổng lớn với ba cửa đi, cánh gỗ lim dầy. Cửa giữa rộng, dành cho xe ô tô chủ. Cửa nhỏ hai bên dành cho người đi bộ. Trên gác cổng, là chòi canh, đề phòng trộm cướp. Khoảng giữa khuôn viên, mọc lên san sát những tầng lầu nguy nga, cao thấp. Nhà xây theo kiểu Tây, có hành lang rộng đi chung quanh, và các mái vòm “Gôtich” cao vút. Có nhà làm theo kiểu ta, gỗ lim, lợp ngói mũi hài, các đầu cột, thanh xà, gót bẩy đều chạm khắc rồng phượng, chim muông, hoa lá, công phu, lộng lẫy như một ngôi đình. Có nhà của chủ ở, nhà dành riêng để tiếp khách, nhà cho kẻ hầu người hạ. Rồi đến các dẫy nhà kho, và các chuồng trại chăn nuôi, nối nhau liên tiếp.
Chỉ nhìn cái cơ nghiệp bỏ lai này cũng đủ thấy cuộc sống vương giả của bọn bóc lột người. Đồng thời cũng thấy sự tương phản gay gắt với cuộc sống của những người đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt làm giầu cho chúng. Dưới mái hiên nhà Phán Đạt, những khóm hồng nhung vẫn nở hoa, đỏ tươi và thơm ngát. Trước cái sân gạch rộng mênh mông, hàng dừa xanh mướt vẫn trĩu quả. Người đi, hoa nở rồi tàn đã đành. Nhưng còn những buồng dừa, quả tươi mơn mởn kia, nông dân ở quanh đây sao không ai dám hái? Hay chúng vẫn còn chân tay cài lại để bí mật trông coi? Có thể lắm. Khi rút đi, bọn phản động đã từng tung tin: “Rồi sẽ đem quân ra chiếm lại miền Bắc”. Thật là hão huyên! Nhưng suy cho cùng thì xưa nay đã mấy ai ra đi mà chẳng tưởng sẽ có lúc trở về.
Còn Hậu Tuất, về mặt chiếm hữu ruộng đất, Tuất không bằng Đạt. Tuy nhiên chỉ riêng làng Lôi Động, y cũng chiếm hơn một trăm mẫu, còn xâm canh các làng khác chưa kể. Nhưng về mặt “cường hào, ác bá”, thì tên này nổi trội hơn Phán Đạt nhiều.
Người ta gọi Hậu Tuất là gọi cả tên y lẫn phẩm hàm. Tuất làm Chánh tổng, cai quản tám xã tổng Hoàng Pha. Trong nhà y bao giờ cũng nuôi năm sáu tên võ biền, đầu trâu mặt ngựa, làm tay sai giữ của, đi thu nợ, bắt tô, và bảo vệ Chánh tổng, mỗi khi y đi công cán. Bản tính Tuất rất hà khắc và tàn bạo, mỗi khi phát hiện thấy điều gì trái ý là y liền ra lệnh cho bọn “khuyển mã” thẳng tay đàn áp, bắt bớ. Có người chỉ vớt mấy con cá chết nắng ở ruộng y mà cũng bị bắt, và bị đánh đập cho đến chết, chứ nói gì đến những người đã bị y nghi là hoạt động cộng sản.
Vì mẫn cán trong những hành vi bạo ngược như vậy, nên Tuất được quan trên tin cậy. Từ một viên chức ở bậc cuối cùng là “Cửu phẩm”, y được nhấc lên “Bát phẩm”, rồi đến “Thất phẩm”, chỉ kém quan huyện có một bậc. Nhưng y được hàm “Hậu bổ”. Tức là nếu ở đâu đó khuyết một chân quan huyện, thì y sẽ được bổ nhiệm đến thay thế. Và thực tế đã có thời gian Hậu Tuất được bổ nhiệm làm quan Tri Châu, Châu Hoành Bồ. Song  “tri”  mà không biết, vì quá dốt nát nên tại vị chẳng được bao lâu, y phải xin bãi chức.
Tục ngữ nói: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” Quả là không sai. Thằng con kế nghiệp của Hậu Tuất, đang tuổi tráng niên, bỗng lăn ra ốm. Phải thuốc thang chạy chữa khắp nơi. Y mời đốc tờ Tây ở tỉnh về, lại đón cả thầy lang ta nổi tiếng “thần y “ đến. Và rồi “Vừa cúng ma, vừa tra thuốc”. Ở đâu có đền linh miếu ứng y đều sai người đến cầu xin, cúng khấn. Cúng cả chín phương trời, mười phương đất. Nhưng bệnh tình vẫn ngày càng trầm trọng. Cuối cùng vì ngu dốt và hợm của, y sai mài vàng nén, và đốt cả những tờ giấy bạc năm trăm đồng Đông Dương, lấy gio hoà nước cho con bệnh uống. Kết quả là đứa con kế nghiệp của y chết. Rồi chẳng bao lâu lại đến lượt y. Người ta bảo: “:Ác giả ác báo”!
Nếu có cái chết được coi là một điều may, thì có lẽ đúng với trường hợp của cha con Hậu Tuất. Y chết trước Cách mạng tháng tám. Nếu còn, chắc chắn y sẽ bị các “khổ chủ” đòi nợ máu.
Đứa con thứ hai của Hậu Tuất tên là Nghị được kế nghiệp. Khi quân Pháp đánh chiếm Thuỷ Nguyên, lại theo gương cha ôm chân đế quốc. Nghị ra làm Quận trưởng bù nhìn. Song y là đứa có học hành hơn, và không đến nỗi hung bạo như cha hắn trước. Ta đã cử cán bộ đến trực tiếp tuyên truyền, giác ngộ. Nghị cũng nhận giúp đờ Chính quyền kháng chiến, và y đã làm được một số việc. Nhưng ngày hoà bình, Nghị vẫn đem cả gia đình theo quân Pháp vào Nam.
 
***
 
Để tập ảnh phóng sự trong tương lai được đầy đủ hơn, một hôm tôi xuống Đội cải cách xã Thuỷ Đường, chụp dinh cơ một địa chủ thường. Tức là loại địa chủ không phải là “cường hào, ác bá”, không có “nợ máu” với nông dân, Khi xong việc, tiện đi qua đình làng, vốn yêu thích các công trình kiến trúc cổ, tôi ghé vào xem. Trong đình lúc ấy có một số thanh niên nam nữ đang xúm xít quanh chiếc bàn, nói cười ầm ĩ. Nghe họ, tôi đoán chắc là dân quân, hay thanh niên “cốt cán”, đang phân công nhau đi canh gác. Biết họ chẳng họp hành gì quan trọng, tôi cứ tự nhiên vào xem đình.
Năm gian đình dài rộng, mà toang hoang chẳng còn một tấm cửa nào. Cả câu đối, đại tự, án thờ cũng không thấy. Hoàn toàn đình chỉ còn là một ngôi nhà trống trơn. Có lẽ cánh cửa và câu đôí, đại tự ở đây cũng chung số phận như hầu hết đình chùa ở các nơi khác. Người ta đã đem chúng đi xẻ lấy ván làm cầu máng lao đất đắp đê, hay đóng bàn ghế cho các lớp học. Chẳng kể gì vàng son hãy còn rực rỡ, cũng như quá khứ chưa xa, chúng vốn là những vật thiêng. Như nhà thơ Nga, Lecmôngtốp đã viết:
“Tượng thần dù đổ vẫn thiêng
Miếu thở bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ”…
Miếu ở đây không bỏ vắng mà thành phòng họp. Tượng thần thì có còn đâu mà đổ! Các nhà khoa học đã viết trong “Lịch sử tiến hoá nhân loại”: Khi con người bắt đầu có ý niệm về sự thiêng liêng, lấy cục đá hay gốc cây làm vật thờ, thì chính là lúc con người đã bước sang kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên văn hoá, văn minh. Dưới chế độ ta, ai cũng có quyền tự do tín ngưỡng, hoặc không tín ngưỡng. Nhưng huỷ hoại những công trình kiến trúc, và các đồ dùng tế tự đi, thì thật là phí hoài, vì đó là những sản phẩm văn hoá, do bàn tay và khối óc của con người sáng tạo ra.
Tôi đang nhìn ngắm, bỗng thấy tiếng một cô gái hỏi: “Ai có bút cho tôi mượn một tí nào?”. Bất chợt, tôi quay lại. Ôi! Một cặp mắt trong veo, với cặp mí cong như nửa vành trăng, đang lấp lánh nhìn tôi. Nhưng cô ta lại tỏ ra chỉ nhìn vào ngực áo, nơi tôi cài cây bút Parker. Cùng với ánh sáng của tia nhìn, là một nụ cười đầy quyến rũ và mê hoặc. Nụ cười ấy trong chớp mắt đã hút hết hồn tôi, khiến tôi loá mắt trước hai hàm răng nhỏ nhắn, đều tăm tắp, và trắng trong như hai chuỗi ngọc. Cặp môi trái tim đỏ mọng tự nhiên, mũi thẳng, và đôi má hồng sáng bừng lên trên khuôn mặt nhẹ nhàng, thanh tú. Sau mấy giây choáng ngợp, tôi định thần rút bút đưa cho cô gái: “Tôi cho cô mượn đây!”.
Quay ra, tôi lại tiếp tục xem đình. Thì cũng cứ gọi là “xem”, chứ thực ra tôi còn đầu óc đâu mà nghĩ đến đình chùa gì nữa. Hồn vía tôi, dường như đã bị ánh mắt và nụ cười của cô gái xinh đẹp kia thu hút hết cả rồi!
Một lúc sau cô cầm bút đến bên tôi, nói: “Anh cho em gửi lại”. Và lại một cái nhìn nữa. Nhưng lần này cô nhìn vào mặt tôi nhanh như ánh chớp, vừa loáng lên đã vụt tắt.
Ngày xưa, những đôi trai gái yêu nhau, lấy nhau, các cụ bảo là số phận, do “ông Tơ, bà Nguyệt” xe duyên cho họ. Vì thế nên đám cưới nào cô dâu chú rể cũng phải làm lễ “Tơ hồng”. Chẳng biết có ông Tơ, bà Nguyệt và dây tơ hồng không? Nhưng quả thực, từ lúc trông thấy cô gái, trong lòng tôi đang vấn vít, rối bời đây. Liệu có ông Tơ, bà Nguyệt nào xe duyên cho tôi không?...
Năm gian đình trống rỗng, cũng chẳng còn gi để ngắm nhìn, đi loanh quanh vô định một lúc nữa, rồi tôi cũng phải bước ra ngoài đình. Một nỗi buồn bâng khâng bỗng dâng lên xâm chiếm lòng tôi, khiến tôi không muốn bước đi, mà ở lại cũng không thể được. Thôi, thế là hết! Và cũng đành là phải hết! Tên nàng là gì, nhà cửa ỏ đâu? Làm sao mà biết được! Cuộc gặp gỡ thật bất ngờ, và nhanh chóng như một ánh sao băng, vừa sáng bừng lên đã vụt tắt. Chắc chẳng bao giờ tôi có cơ hội gặp lại được nàng!...
Tôi trở lại trụ sở Đội cải cách, để báo đã xong công việc. Trụ sở là nhà địa chủ. Cổng xây bên trái, vào cổng, lối đi bên ngoài tường hoa sang bên phải, rồi mới xuống sân. Tôi đang đi, bỗng có người từ phía sau ôm chầm lấy tôi như hổ vồ mồi. Sau cái giật mình, nhận ra người quen, tôi reo lên:
Ôi anh Động! Thật không ngờ. Anh biến đi đâu mất tăm, mà bây giờ mới thấy đây?
Câ…ậu cậu tưởng tơ…tớ sang thế giới bên kia ròi à?
Anh Động cười, hai má hóp sâu đầy nếp nhăn, hai hàm răng trắng vừa to vừa dài lộ ra gần hết. Chúng tôi quen thân nhau từ ngày còn chạy Tây đi càn, ngủ ở  rừng Vạn Yên, huyện Hoành Bồ. Ngày ấy anh là cán bộ Thông tin, phụ trách xã Việt Hưng. Tôi còn ở Công an, phụ trách thị trấn Trới và xã Lê Lợi, ở bên cạnh. Anh vui tính, và thuộc rất nhiều “Truyện tiếu lâm”. Vốn có tật nói lắp, lúc kể đến chỗ thắt nút của truyện, tiếng anh cứ ríu lại, từ nọ dính vào từ kia, nghe đến bụt đất cũng phải phì cười. Ngày tôi được về Ty Thông tin, thì anh còn ở trong vùng địch tập kết, mãi bây giờ mới gặp lại nhau. Anh Động về cải cách ở đây. Anh giới thiệu tôi với đồng đội, và giữ tôi ở lại chơi.
Tối hôm ấy chúng tôi nằm ở ngoài hiên, trên chiếc phản của nhà địa chủ. Mùa hè. Trời nóng, Nhất là cái sân đá giãi nắng suốt ngày, đêm vẫn bốc hơi hầm hập. Cây cối đứng im phăng phắc. Bầu trời trong, thăm thẳm một mầu tím sẫm, với những vì sao lưa thưa, thoi thóp sáng. Mãi khuya mới có một chút gió thoảng qua, phất phơ trên những ngọn tre rủ cong, lao xao, kẽo kẹt, và cái oi ả của đêm hè mới dần dần dịu bớt. Chúng tôi nằm lạch phạch quạt, và kể với nhau đù mọi chuyện. Cuối cùng anh Động hói tôi:
- Vậy.., vậy là cậu vơ…ẫn chưa vợ con gì à? Cái thằng…mày… mày… kén quá. Im lặng một lát, rồi anh nói tiếp: Hay là kém?
- Kém thì đúng hơn. Con gái đi đầy đường đấy, nhưng là của người ta cả, biết cô nào là của mình mà lấy? Anh hích vào sườn tôi một cái, cười khì khì:
- Hay là về đây, nếu…nếu cậu không chê gái nông thôn, thì tớ…tớ giới thiệu cho một đám?
- Thành phố hay nông thôn, ở đâu mà chẳng được. Chỉ cần tiêu chuẩn đầu tiên là đẹp. Vì vẻ đẹp của con người, chỉ có tạo hoá mới sinh ra được, còn tất cả những cái khác, con người đều có thể làm ra.
- Thế…thế thì được. Con gái Thuỷ Nguyên đẹp nổi tiếng đấy, chắc cậu cũng không lạ gì. Mình công tác ở huyện này lâu, nhiều lúc thấy của đời cũng tiếc là mình dại, lấy vợ sớm. Tớ biết ở Phục Lễ có một đứa đẹp lắm. Chưa ở đâu mình thấy có người đẹp thế. Để hôm nào thu xếp được, mình dẫn cậu đi xem mặt. Nhưng…răng đen có được không?
- Anh thử nghĩ xem, nếu Tây Thi mà răng đen, thì liệu vua Ngô có mất nước không?
- Thê…thế thì tao chịu mày. Nhưng theo mình, răng đen cũng có cái nền nã riêng của nó, ngoài cái ý nghĩa cổ xưa của các cụ lả để phân biệt vơi người Tầu. Mà “Trăm nghe không bằng một thấy”. Tớ không biết tả thế nào, nhưng vẫn tin là nếu trông thấy nó, cậu sẽ mê tít.
Hết hy vọng, tôi lặng yên, bỗng lại hình dung thấy hai hàm răng trắng như chuỗi ngọc lúc sáng…Anh Động cũng im lặng, giở mình nằm quay mặt vào trong nhà, phe phẩy quạt. Lát sau anh quay lại rì rầm nói tiếp:
- Nếu không, ở đây cũng có một đứa khá lắm, răng trắng. Nhưng để… để… tớ còn hỏi xem nó đã nhận lời ai chưa? Thôi, khuya rồi, ngủ đi!
Tôi nhắm mắt lại, nhưng nụ cười hình trái tim, và cặp mắt mí cong như nửa vành trăng lại mở ra nhìn tôi đăm đăm. Tôi thầm đoán và thầm mong người anh Động vừa nói, và người tôi đang nghĩ đến đây sẽ là một. Bất chợt tôi trút một hơi thở dài nhẹ nhõm. Thế là lại có hy vọng rôì! Ngủ làm sao được vào một đêm như đêm nay!...
Sáng hôm sau.
Chúng tôi đang ngồi uống nước với anh Tuyển, đội trưởng Đội cải cách, bỗng anh Động chạy ra ngoài hiên gọi:
- Cô Dưỡng! Cô Dưỡng ơi! Để gánh nước đấy vào đây anh hỏi cái này. Tôi cũng đứng dậy. Ơ kìa! Quả nhiên đúng như tôi dự đoán,. Người đang đi vào kia chính là nàng. Anh Động không biết là tôi đã gặp cô gái này ở ngoài đình, nên anh đánh mắt làm hiệu cho tôi hiểu: Đây là người đêm qua anh đã dự kiến.
Không ngờ lại có cuộc gặp gỡ này, hồi hộp quá, người tôi cứ nóng bừng lên. Tôi phải cố gắng lắm mới giữ được vẻ bình tĩnh, để không ai biết mình xúc động. Tôi thấy cô gái cũng xúc động chẳng kém gì tôi. Đôi má ửng hồng, cô khép nép ngồi xuống phản, hai tay ôm chiếc nón che trước ngực, như cố giấu những nhịp đập thồn thức ở trong tim. Anh Động giới thiệu tôi là bạn thân của anh, và hỏi cô đêm qua anh chị em dân quân, “cốt cán” canh gác nhà giam bọn địa chủ, có xẩy ra sự cố gì không? Nói chuyện một lát, rồi anh vào trong nhà. Chắc anh muốn để chúng tôi có dịp làm quen nhau.
Tôi tưởng cô gái sẽ đứng dậy ngay sau khi anh Động đi, như đúng ra là phải thế. Nhưng thấy cô vẫn ngồi yên. Tôi hiểu đây là cơ hội của mình. Và như có một sức mạnh huyền bí nào đã xui khiến, thúc đẩy tôi mạnh dạn hẳn lên, so với những lần trước, khi tiếp xúc với phái đẹp. Tuy không vồ vập, và cũng không rụt rè, tôi hỏi:
-       Chắc nhà em ở gần đây?
-       Vâng, nhà em chưa đào được giếng. Sáng nào em cũng sang đây xin nước. Với tôi cô tỏ vẻ rụt rè, hỏi mới nói. Và cũng có điều tôi hòi nhưng cô không trả lời, chỉ tủm tỉm cười. Trước nụ cười hồn nhiên xinh đẹp ấy, tôi không sao cưỡng lại được cái tố chất của người con trai, cũng như cái bệnh đam mê nghề nghiệp của người thợ ảnh. Chẳng kịp xin phép, hay nói cho đúng là biết: Nếu xin phép cũng chẳng được nào, tôi liền cầm máy ảnh. Cô vội thốt lên: “Đừng! Anh đừng chụp em!”. Tuy tỏ ý phản đối, nhưng cô không đứng dậy, hay nâng cái nón lên che mặt, mà vẫn ngồi yên, vẫn cười. Về phía tôi, khi cô chưa nói hết câu, thì máy đã bấm xong rồi. Lúc ấy cô mới vội vàng đứng dậy, không chào tôi, mà nói với vào trong nhà: “Anh Động ơi! Em về đây!”. Tôi nhìn theo em gánh gánh nước đầy tràn, sóng sánh, tay vung, chân nhún, chạy khuất ra ngoài ngõ. Thế là em đi rồi, nhưng hình ảnh thì vẫn còn đây, ở lại cùng tôi.
Khi tiễn chân tôi đi, anh Động nắm chặt tay tôi hỏi:
-       No…ó, no…ó đấy. Cậu thấy thê…ế nào, có được không?
Với anh bây giờ thì tôi lại ngượng, mặt nóng lên vì xấu hổ. Để lấp liếm, tôi cười và nhại lại cái giọng nói lắp của anh:
-       Đư…ơc…được, nhưng mới là hình thức, còn nội dung?
-       Cố…cố nông, cốt…cán tích cực đấy!
Thời bầy giờ, tuy thành phần không là tất cả phẩm giá của con người, nhưng ai cũng coi đó là cái quan trọng, có tính chất quyết định thành hay bại của mọi việc. Mặc dù chẳng ai nhầm lẫn giữa hai khái niệm đạo đức và thành phần, nhưng ai cũng tin người có thành phần tốt, cũng có nghiã là người ấy có đạo đức tốt.
Tôi về Đoàn uỷ. Và từ hôm ấy, Đội cải cách xã Thuỷ Đường bỗng nhiên đã thành nơi thân thuộc, khiến tôi năng đi về, lui tới.
 
***
 
Anh Phạm Chính đang chờ và mong tôi về. Anh cho biết Đội cải cách xã Kênh Giang tổ chức đốt văn tự. Ngay chiều hôm ấy tôi xuống xã Kênh Giang. Anh Chính cũng đi lấy tài liệu viết tin cho tờ “Nội san” của Đoàn uỷ.
Trên một khu đất dưới chân đồi ở gần đầu Cầu Giá, tất cả văn tự, khế ước về ruộng đất, được mua đi bán lại, hoặc nợ nần cầm cố của bọn địa chủ, đều được thu gom về đây, đổ thành một đống khá to. Có những bản từ thời còn dùng giấy dó, viết chữ nho đã ố vàng. Có bản giấy “Tây”, chữ quốc ngũ hãy còn mới. Bản nào cũng đóng triện chữ nhật, mầu tím, có chữ ký hoặc điểm chỉ.
Đó là cơ sở pháp lý, là kỷ cương, rường cột, và công bằng của xã hội, bảo đảm cho bọn địa chủ được quyền chiếm dụng không biết bao nhiêu đất đại và của cải, mồ hôi nước mắt của người nông dân. Nhìn những mảnh giấy đã một thời cha truyền con nối, được giữ gìn cẩn trọng đó, tôi lại nhớ chuyện đời ông nội tôi bị mất văn tự.
Bố tôi kể lại rằng: Ngày ấy làng tôi có mấy người cậy quyền cậy thế, họ đồng mưu thuê kẻ gian, lấy trộm ống văn tự của ông. Khi đã nắm được cái gậy “chứng lý” ở trong tay, họ bèn huy động một lực lượng tráng đinh đông đảo, mà nòng cốt là những tên đầu trộm đuôi cướp ở trong làng, đem gậy gộc, giáo mác ra đồng áp đảo đối phương, và ngang nhiên cày cấy. Không thể chống lại chúng bằng võ lực được, sau nhiều phen cãi cọ đấu khẩu diễn ra, ông tôi làm đơn kiện lên quan huyện. Thế là trúng kế của kẻ chủ mưu. Quan ngồi ở “Công đường”, nghiễm nhiên hai tay cùng nhận lễ, của cả bên nguyên lẫn bên bị. Và cuối cùng cái lý lẽ không ai có thể chôí cãi được đã thắng. Đó là văn tự ở đâu thì ruộng thuộc về bên ấy! Rốt cuộc ba năm đi kiện, lên đồn xuống phủ, ông tôi đã phải bán gần hết số ruộng còn lại để đút lót, chi phí, mà thua vẫn hoàn toàn thua. Từ đấy gia đình ông tôi trở nên khánh kiệt, phải đi cấy lĩnh canh nộp tô cho địa chủ.
Ngày ấy chắc ông tôi không thể nào tưởng tượng được đất nước mình lại có ngày hôm nay.
Đứng bên đống văn tự, có khoảng hơn chục địa chủ. Hầu hết họ đều là những người cao tuổi, mặt mũi hốc hác, nhăn nheo, bị giam cầm đã mấy tháng nay, râu tóc lâu ngày không được cắt, cạo đâm ra tua tủa. Họ sợ sệt, buồn rầu, cúi mặt nhìn xuống đất. Người đội nón mê, người phơi mái tóc bạc dưới ánh nắng chiều hè gay gắt, mồ hôi chẩy ròng ròng. Trong đó có một người đàn bà đội nón rách, cúi đầu thấp hơn cả bọn, và với dáng vẻ như người thành kính cầu xin: Đất hãy mở lòng từ bi mà nứt ra, dón mình về với đất, cho xong hết nợ đời. Nhưng nào đất có biết gì đâu. Đất vẫn lặng thinh ở dưới chân người. Hai anh dân quân vừa giải bọn địa chủ từ nhà giam đến đây, chống súng đứng bên cạnh, nhìn vào đám đông với vẻ mặt nghiêm trang và đầy hãnh diện.
Vòng ngoài là bà con nông dân, cùng các cán bộ, đứng kín cả khu đất rộng. Rất nhiều cờ và băng khẩu hiệu, như một cuộc mít tinh lớn. Anh cán bộ tổ chức khoát tay, yêu cầu mọi người chú ý giữ trật tự. Cả vòng người im lặng. Ông Đội trưởng cải cách, quần áo tề chỉnh bước ra phát biểu ý kiến. Ông điểm lại các bước tiến hành cải cách đầy gay go, quyết liệt, và thắng lợi. Rồi thay mặt Đảng và Chính quyền, ông tuyên bố đốt văn tụ, xoá bỏ vĩnh viễn quyền sở hữu ruộng đất bất công của giai cấp địa chủ phong kiến.
Tôi bấm máy chụp mấy kiểu toàn cảnh, rồi chụp bọn địa chủ đứng bên đống lửa đang bốc cháy. Để cho rõ mặt từng người, tôi bảo họ bỏ nón xuống. Ôí trời đất ơi!...Người đàn bà duy nhất trong bọn họ, vừa bỏ nón xuống kia, chẳng phải ai xa lạ, mà chính là bà dì ruột của tôi. Người mà vừa nẫy tôi nghĩ là bà muốn được chết cho hết nợ đời. Mười ba năm trước đây bà đã gửi đứa con trai độc nhất của mình lên Hà Nội cùng đi học với tôi. Tay bà xách cài giỏ rách mất cổ, xâu dây lạt, trong có gói mo cau, chắc là nắm cơm, người nhà đem đến trại giam, nhưng chưa kịp ăn thì có lệnh đi đến đây.
Ô hay!...Lạ thật, nào dì tôi có giầu có gì đâu, sao lại thành địa chủ?... Lúc ấy tôi không thể tưởng tượng được là cải cách ruộng đất lại mắc sai lầm, nên rất hoang mang không hiểu vì sao? Một mặt lại thương dì bị tai bay vạ gió, giữa lúc tuổi già sức yếu. Chắc dì đã nhận ra tôi ngay từ lúc tôi mới đến, và để tránh cho tôi khỏi phải bận tâm, và khỏi bị liên luỵ, nên dì mới cúi đầu giấu mặt để tôi không nhận được. Nhưng lúc phải bỏ nón, không giấu được nữa, thì dì đã bình tĩnh nhìn thẳng vào máy ảnh, chứ không né tránh nhìn đi chỗ khác. Và chính cử chỉ thẳng thắn đó, đã  khiến lương tâm tôi áy náy khôn nguôi. Vì mình cũng là người đi cải cách, dù ít dù nhiều đã gián tiếp gây nên tai hoạ cho dì. Tôi cố trấn tĩnh để khỏi run tay, và vội vàng bấm máy.
Xong việc, tôi và anh Phạm Chính cùng về. Gương mặt ít biểu cảm của anh, giờ đây chẳng biết có điều gì vui, lại thấy hồ hởi, phấn chấn. Anh nhận xét:
- Họ tổ chức đạt yêu cầu đấy chứ? Xem ra địa chủ nữ ở Đoàn ta không có mấy. Mình cứ đinh ninh mụ địa chủ này là vợ goá của một tên cường hào, hay ác bá nào, nhưng không phải.
Tôi giật thót tim, chỉ sợ trong quá trình điều tra lấy tài liệu viết tin, anh đã phát hiện ra mối liên hệ huyết thống dì cháu của tôi, thì thật là tai hại khôn lường. Tôi liếc trộm anh một cái rất nhanh, và giữ vẻ mặt thật bình thản để nhập vai khách quan tiếp chuyện anh, và cố gắng gợi, moi xem anh có biết gì thêm nữa không? Nhưng không. Nét mặt anh đã trở lại bình thường vô cảm, như tấm màn nhung trên sân khấu vừa khép lại rồi.
Từ ngày chưa đi thoảt ly, tôi đã biết hoàn cảnh gia đình dì. Thời Pháp thuộc, nhà nghèo, chú phải đi làm bồi cho Tây, đem dì đi theo làm “chị Hai” nuôi con cho chủ. Rồi chẳng may chú bị bệnh dịch tả mất, dì phải về quê làm ruộng. Với mấy mảnh ruộng hai bên nội ngoại chia cho, để nuôi bốn đưa con thơ và bản thân mình, dì đã phải thắt lưng buộc bụng, lao động ngày đêm vất vả nhiều năm. Và vừa cần vừa kiệm. Dì tiết kiệm đến mức, trừ những ngày giỗ tết ra, không bao giờ dì đi chợ mua sắm bất cứ thứ gì, ngoài muối, dầu hoả và kim chỉ. Cơm, làm ruộng. Cá kiếm ở ngoài đồng. Quần áo, dì trồng bông, ngày đi làm đồng, đêm về kéo sợi, dệt vải, may lấy quần áo mặc. Chắt chiu, dành dụm, dần dần rồi dì tậu được ruộng, mua nghé nuôi thành trâu. Khi có được hai mẫu ruộng và một con trâu thì tuổi dì đã già, sức đã yếu. Hai con gái lớn đi lấy chồng. Dì đã chia cho mỗi người năm sào. Còn một mẫu dì giữ lại cho bản thân, mà sau này sẽ là của người con trai, giáo viên và cô út còn đang đi học. Vì già yếu, sức lao động kém, số ruộng ấy dì chỉ cấy mấy sào, còn đâu cho phát canh. Chẳng lẽ chỉ có thế mà dì thành địa chủ? Hay có kẻ nào xấu bụng đã tố oan, khai điêu cho dì, mà lúc ấy tôi chưa biết.
Bước Hai của cuộc cải cách thật dồn dập, chẳng bao lâu đã chuyển sang bước Ba. Ở các xã trong huyện Thuỷ Nguyên, hầu như ngày nào cũng có những đoàn người đổ ra đường, trống dong cờ mở. Cán bộ Đội caỉ cách và dân quân  du kích vác súng, đưa nông dân đi tịch thu tài sản của nhà địa chủ.
Ngoài ruộng đất ra, còn tịch thu nhà cửa, vườn tược, đến các đồ dùng như tủ chè, sập gụ, sa lông, bát đĩa, nồi đồng mâm thau, lộc bình, lư hương v..v…Nhiều thứ chưa kịp đem đi, để ngổn ngang, la liệt, tràn cả ra ngoài đường. Những tài sản, vật dụng ấy, không biết ai đã đặt tên, mà tất cả mọi người, từ cán bộ đến nông dân ai cũng gọi là “Quả thực”. Quả thực đã lên danh sách phân chia cho các gia đình bần cố nông. Người được sở hữu vật chia được gọi là “Khổ chủ”, cũng như ở bước Một họ lên tố khổ. Có những ngôi nhà ngói gỗ lim của địa chủ, được chia cho hai, ba gia đình khổ chủ, mỗi người một gian, hay gian rưỡi là tuỳ hoàn cảnh của từng địa phương. Còn ngôi nhà dưới của địa chủ, có trường hợp nhà này nhiều gian hơn, nhưng tất nhiên là thấp giá hơn nhà trên, thì để lại cho vợ con địa chủ được ở. Vườn cắt cho mỗi hộ được chia nhà một mảnh, kể cả hộ địa chủ.
Như vậy là người được và kẻ mất, vốn là hai giai cấp đối kháng nhau, bây giờ thành ra xóm láng, sớm tối trông thấy mặt nhau. Chẳng ai biết rồi họ sẽ sông ra sao? Liệu họ có giữ được tình làng nghĩa xóm không?...
Cả Đoàn uỷ chỉ có một mình tôi là phong viên nhiếp ảnh. Tôi hối hả chạy theo các đoàn người, từ làng này sang làng khác, từ sáng đến tối mà vẫn không chụp xuể. Vì các Đội cải cách cùng thi đua với nhau, không đội nào chịu mang tiếng tụt hậu. Mà trái lại đội nào cũng muốn vươn lên, muốn lập được thành tích, muốn giật lấy lá cờ đầu, cho nên công việc diễn ra gần như cùng một lúc.
Công việc ở Thuỷ Nguyên đã tạm ổn, tôi mới nghĩ đến địa bàn khác, và trở lại huyện Yên Hưng. Mấy xã nằm chung quanh thị xã Quảng Yên (Lúc bấy giờ Quảng Yên còn là thị xã) như Hiệp Hoà, Cộng Hoà v.v…ở bước Một, tôi đá ghi được khá nhiều hình ảnh. Lần này tôi vượt đò Chanh sang Hà Nam.
Khu dân cư này nằm trên bờ sông Bạch Đằng, giáp biển Đông, do các nhánh sông bao bọc, nên tách khỏi đất liền thành một cù lao nhỏ. Thời Pháp thuộc gọi là tổng Hà Nam. Dân ở đây ngoài nông nghiệp, họ còn làm nghề chài lưới, và vận tải đướng sông, nên khá trù phú, Nhưng có lẽ do hoàn cảnh địa lý, và nghề nghiệp đa dạng như vậy, nên tiến độ cải cách ở đây có phần chậm, so với các nơi khác. Khi tôi đến vẫn còn chụp được một số cuộc đấu tố, và được dự phiên toà xét xử một địa chủ cường hào giầu có nhất vùng này.
Từ lúc mặt trời vừa lặn, tiếng loa thông tin đã giục giã mọi người ra đình tập trung. Bà con nông dân gọi nhau đổ ra đường mỗi lúc một đông. Người xách đèn, người cầm sẵn máy thanh tre khô, để lúc về làm đuốc soi đường. Các ông già cầm điếu cày, quạt lá. Các chị phụ nữ bế con thơ. Các bà tay dắt cháu, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Chẳng máy chốc, sân đình làng Phong Cốc đã chật như nêm.
Một tấm phông xanh căng giữa cửa đình, dán hàng chữ cắt giấy đỏ: “Toà án nhân dân đặc biệt khu Hồng Quảng”. Hai chiếc bàn kê nối nhau trước tấm phông. Trên bàn có giấy bút, và hai cây đèn bão sáng choang. Ba vị cán bộ ngồi nghiêm chỉnh. Người ngồi giữa là ông Đội trưởng Đội cải cách làm Chánh án. Người bên trái là thư ký phiên toà. Bên phải là một cố nông cốt cán, ngồi ghế Thẩm phán. Chiếc bàn kê vuông góc bên cạnh có hai người, một nam, một nữ. Đó là hai vị “Hội thẩm nhân dân”. Nông dân ngồi kín sân đình, chỉ chừa lại một khoảng trống trước bàn Chánh án, để tên địa chủ đứng.
Tên địa chủ khoảng trên sáu mười tuổi, người to béo, vai rộng, trán hói, mặt to, càm nhẵn không có râu. Y đứng im đầu cúi nhìn xuống đất, thỉnh thoảng lại đổi chân.
Các khổ chủ lần lượt được Toà gọi lên tố cáo tội trạng của bị cáo. Cứ sau mỗi người tố, ông Chánh án lại hỏi: “Có đúng mày đã phàm những tội trạng như khổ chủ vừa tố không?”. Có tội y nhận, nhưng cũng có việc y quanh co chối cãi, hoặc vin vào thời gian quá lâu, tuổi già y không nhớ. Rồi một khổ chủ lên tố y đã đem rượu lậu vùi vào ruộng lúa của ông, rồi báo lính Đoan về bắt ông đi tù, để buộc gia đình ông phải bán ruộng cho y. Y chối: “Thưa quý Toà, thưa ông bà nồng dân, con có mua ruộng của ông ấy, còn việc bỏ rượu lậu, quả thực con không biết”. Ông Thẩm phán liền đập bàn đứng dậy hô: “Đả đảo địa chủ ngoan cố!”. Lập tức hàng nghìn nắm tay phẫn nộ vung lên hưởng ứng: “Đả đảo! Đả đảo!.
Và ngay lúc đó một khổ chủ khác đã bước lên. Bà xỉa tay vào mặt tên địa chủ, dằn giọng nói: “Còn tao đây! Mày không quên chứ? Mày bảo mày không làm, mày quên, nhưng tao nhớ. Từ lúc tao mới mười lăm tuổi, phải đến gán nợ cho nhà mày. Mày đã đang tâm làm nhục tao, cưỡng hiếp tao”…
Tố đến đây, giọng bà lạc đi, hai hàng nước mắt ròng ròng chẩy. Và những dòng nước mắt uất ức bỗng chốc đã hoá thành dầu, đổ vào ngọn lửa đang ngùn ngụt căm thù của những người bị áp bức. Lập tức người ta lại hô: “Đả đảo địa chủ ngoan cố!”. Bà khổ chủ nghẹn ngào nói tiếp: “Chính mày đã bắt tao, đêm tối phải gánh hai hũ rượu lậu vùi vào ruộng lúa của nhà ông ấy. Rồi sáng hôm sau mày sang Quảng Yên báo lính Đoan. Ruộng của người ta mày vẫn cấy, sao mày bảo mày không làm?”.
Mặt tên địa chủ xám ngắt. Y không ngờ việc y giữ kín đã ba mươi năm nay, giờ lại bị phơi bày ra ánh sáng. Y đành cúi đầu nhận tội. Toà tuyên phạt y năm năm đi tập trung cải tạo, và tịch thu toàn bộ tài sản chia cho nông dân.
Kể từ bước Một đến nay, tôi đã nghe rất nhiều người kể khổ, và đã dự các cuộc đấu tố đủ loại địa chủ. Nói chung tội lỗi của bọn chúng đều tương tự như nhau. Vì lòng tham không đáy, chúng đã dùng mọi thủ đoạn, mánh khoé để làm giầu, kể cả dùng thế lực để áp bức và chiếm đoạt. Chiếm đoạt cả tài sản lẫn con người. Tên địa chủ kháng chiến ở xã Mộ Công cũng vậy. Trong các khổ chủ lên tố cáo tội của hắn, đáng kể nhất là chị Xuân, Chị đã gần bốn mươi tuổi vẫn sống độc thân, người sắc sảo, lanh lợi và đẹp đẽ xinh tươi như tên gọi. Chị xỉa tay vào mặt tên địa chủ, nói:
- Mày hãy ngẩng cái mặt tàn ác của mày lên mà nhìn vào mặt tao đây. Mày nghe xem tao nói có đúng không? Vì bố mẹ tao nghèo, tao phải đi ở không công cho mày, từ lúc tao mới mười tuổi đầu. Tao phải bế con cho mày, hết đứa nhớn đến đứa bé. Năm mười hai tuổi, tao phải chăn một đàn trâu mười hai con, phải cắt cỏ, băm bèo, nấu cám. Đến lúc tao nhớn, cả năm mày mới thí cho tao vài thúng thóc lép, với mấy bộ quần áo cũ của con mày thải ra. May có nhớ không?
Và cứ như vậy, sự uất ức thúc đẩy lời lẽ của chị ào ạt tuôn ra như nước chẩy. Chị dừng lại để nghĩ và lấy hơi, rồi lại tiếp tục:
- Cái thằng dê già mặt mo kia! Mày tưởng tao thôi à? Tao nói hết rồi à?. Chưa đâu! Mày đã bóc lột mồ hôi nước mắt của tao, vãn chưa thoả mãn, mày còn hãm hiếp tao bao nhiêu lần nữa, mày có nhớ không? Hay mày bóc lột được nhiều của, mày ăn cho lắm vào, ruột gan, đầu óc mày lú lẫn, mày quên rồi? Mày quên thì tao bắt mày phải nhớ tội của mày đây. Lần đàu tiên tao mới mười sáu tuổi, mày sai tao vào buồng xúc thóc ra xay. Rồi mày mò vào, mày đè tao xuống cót thóc. Lần sau, tao đang rút rơm, mày lù lù dẫn xác đến. Sợ vợ mày biết, tao bẩu không buông ra thì tao kêu lên. Mày liền bịt mồm tao, mày…mày…Lần thứ ba, tao đang nấu cám, giời tôi, mày lẻn vào bếp, mày ấn tao vào thùng trấu. Mày có nhớ không, hử cái thằng mặt dầy kia!
Khổ chủ dứt lời. Ông Đội trưởng Đội cải cách đập bàn quát hỏi:
-       Có đúng mày đã phạm những tội bà Xuân vừa tố cáo không? Bằng cử chỉ chậm chạp của người già, tên địa chủ bình tĩnh và thong thả nói:
-       Thưa ông cán bộ Đội, thưa ông bà nông dân, đúng con đã phạm tội như bà Xuân vừa tố cáo. Nhưng thưa bà Xuân, còn một lần nữa, bà quên, là hôm con với bà đi Hải Phòng thuê săm (buồng) ngủ. Đêm hôm ấy con cũng hiếp bà đấy ạ!
Trước diễn biến bất ngờ như vậy, cả đấu trường lại vang lên tiếng hô: “Đả đảo địa chủ ngoan cố! Đả đảo địa chủ ngoan cố!”. Sau một lát ngây người, đờ đẫn, chị Xuân lặng lẽ đi về chỗ ngồi gục đầu vào vai bạn. Có lẽ chị đang hoang mang. Chị đã tấn công mà không phòng thủ. Chị đã lẫn lộn giữa cưỡng bức và tự nguyện? Hay trước là cưỡng bức, sau là lối mòn?...
Lão địa chủ này được xếp vào loại địa chủ kháng chiến. Vì bản thân y và hai con trai đã thoát ly đi kháng chiến. Hai con y hiện đang tại ngũ. Y không phải đi tập trung cải tạo, chỉ bị tịch thu nhà, và ruộng đất chia cho nông dân.
Chị Xuân đã trở thành cán bộ, được cử đi học văn hoá, rồi về làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Chị được bà con nông đân, nhất là các chị phụ nữ rất quý mến. Nhưng riêng cánh “mày râu”, kể cả mấy ông bị “đứt quang, gẫy gánh giữa đường”, cũng “ Kính nhi viễn chi”, họ vẫn để chị sống đơn chiếc, một mình một bóng!
Trên đường về qua Quảng Yên, tôi đến hiệu ảnh “Xuân Dung” lấy mấy cuộn phim hôm nọ đưa tráng, và kiểu ảnh  cô gái gánh nước, tôi chụp ở trụ sở Đội cải cách xã Thuỷ Đường. Chủ hiệu là một ông già người nhỏ nhắn, tóc hoa râm, đôi mắt đã bạc mầu, lúc nảo cũng phải đeo kính. Thế mà ông vẫn phải nuôi “một đàn” năm cô con gái, với bà vợ to béo phốp pháp, da dẻ hồng hào. Ba cô em đang ăn học. Cô cả tên Xuân, ngoài ba mươi tuổi vẫn chưa chồng, chỉ đọc sách, đan len, và bán thuốc lá lẻ ở vỉa hè. Cô hai tên là Dung, mới nghỉ học ở nhà phụ việc ảnh với bố. Tôi quen biết hiệu ảnh này từ ngày xuống đây tổ chức triển lãm chuyên ngành: “Nông - Lâm - Ngư Nghiệp” cho tỉnh. Ngày ấy tôi đã đem đến cho hiệu “Xuân Dung” nhiều việc làm. Và rồi từ đấy cứ mỗi lần tôi có việc đến hiệu ảnh, ông Xuân Dung lại kiếm cớ tạo cơ hội để tôi tiếp xúc với cô Dung. Lần này cũng vậy, đang ngồi uống nước, thấy tôi vào, ông đứng dậy niềm nở bắt tay, rồi thoái thác vào buồng tối làm, để cô Dung tiếp tôi.
Tôi đang ở tuổi hai lăm, không quá trẻ, nhưng hẳn là chưa già, tuy chỉ là người thợ, nhưng được làm ở cơ quan Văn hoá, có cái danh “phóng viên nhiếp ảnh’, thỉnh thoảng có ảnh in báo, triển lãm, hơn nữa lại đi kháng chiến về, nên tôi rất bằng lòng về vị thế của mình. Nhất là những lúc đứng trước gương, thấy mặt mũi mình cũng sáng sủa, chẳng đến nỗi nào. Còn cô Dung, tuy cũng yểu điệu, ra dáng người thành phố đấy, nhưng chưa hẳn đã là một người đẹp. Thế mà tiếp tôi cô cứ dửng dưng!
Tôi đoán chắc, từ lâu ông Xuân Dung đã ước mong có thằng chàng rể là đồng nghiệp như tôi. Hay chính là tôi?... Nhưng ông đâu có biết, qua dư luận, vô tình tôi đã biết một điều quan trọng: Ngoài năm cô “Công chúa”, ông còn một gã “Hoàng tử” là sỹ quan quân Nguỵ đang ở Sài Gòn. Trái núi chướng  ngại vật không thể vướt qua, và không được phép vượt qua ấy, chắc chưa bao giờ ông gặp phải như cô Thu Nguyệt và tôi? Nhưng thôi, dù sao tôi cũng thầm cảm ơn ông về cái ý định tốt đẹp ông đã dành cho tôi.
Về qua Đội cải cách xã Thuỷ Đường, tôi tìm gặp anh Động. Chắc anh cũng đang mong, nên vừa thấy tôi, anh đã nghiêm mặt nói:
-       Kho…khó khăn đấy! No…nó là đứa đẹp gái, nhi..ều đám theo đưổi lắm. Mà nó thì kín cứ như hu..hũ nút ấy. Hỏi đã nhận lời ai chưa? No…nó chỉ cười rồi xấu hổ chay mất. Anh ngừng lời, nhìn tôi như để xem tôi có cảm thông với khó khăn anh đang gặp phải hay không. Rồi anh nói tiếp:
-       Còn cậu, tơ..ớ cũng muồn biết, nếu…,nếu cậu dất khoát có ý định, thì ma…ặc thiên hạ, đường ta, ta cứ đi.
Đã đến lúc phải nói để anh Động biết là hôm xưa tôi và cô gái ấy đã gặp nhau ở ngoài đình, trước khi biết anh đang công tác ở đây. Và từ những ánh mắt đầu tiên ấy, dường như có một điều gì đã mách bảo: Chúng tôi có thể sẽ mãi mãi thuộc về nhau.
Vẫn nhớ câu chuyện tình hơn mười năm trước, bà Bang đã kể với tôi ở Hồng Gai. Tôi cũng bắt chước người tình của bà, trộm phép cụ Nguyễn Du, lấy hai câu thơ viết sau tấm ảnh cô gái, đưa cho anh Động, nhờ chuyển hộ:
“Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay khộng?”
Nghe tôi kẻ, và xem tấm ảnh tôi đưa, anh Động kêu lên; “Á… chà!..Ca..ái thằng này, mày…mày quái thật!”. Anh cười, hai hõm má sâu đầy nếp nhăn, và những chiếc răng vừa to, vừa dài lộ ra gần hết.
Tôi về Đoàn uỷ, chẳng bao lâu thì được tin Đoàn uỷ vừa duyệt xong phương án chía ruộng của Đội cải cách xã Thuỷ Đường. Đây là xã được duyệt sớm nhất. Và Đội Thuỷ Đường sắp tổ chức lễ “Cắm thẻ nhận ruộng”. Tôi phấp phỏng mừng thầm, vì tập ảnh lớn, phóng sự về Cải cách ruộng đẫt sắp hoàn thành. Và nhất là lại có dịp để trở lại Thuỷ Đường với lý do…chính đáng.
Đúng ngày lễ cắm thẻ, tôi trở lại Thuỷ Đường. Vừa vượt qua dốc Núi Đèo xuống chợ Ngã Tư, tôi đã nghe thấy tiếng trống ếch của Thiếu nhi rùng rùng giòn giã. Rồi những đoàn người râm ran cười nói, gọi hỏi, tay cầm cờ, vai vác thẻ ở các thôn xóm, cùng cán bộ Đội cải cách kéo ra cánh đồng Chùa. Lúa đang vào mẩy. Cả cánh đồng xanh, bỗng chốc đỏ rực mầu cờ, và  âm vang lên tiếng người, tiếng trống, tưng bừng, náo nhiệt. Gió thổi, cờ bay, lúa reo, người người cười nói. Gương mặt nào cũng hồ hởi. Họ mừng vì Cải cách đã thắng lợi. Từ đây chấm dứt cái cảnh người cày không có một tấc đất cắm dùi.
Tôi vội vàng bỏ xe đạp lội xuống ruộng, ghi lấy những giây phút sung sướng của người nông dân cầm tấm thẻ cắm sâu xuống thửa ruộng, mà lần đầu tiên họ mới có trong đời. Mỗi người cắm thẻ, tôi chụp đến hai ba kiểu. Nhưng vẫn chưa yên tâm, vẫn sợ chưa đạt yêu cầu. Vì hầu hết họ đều quá xúc động, nên nửa khóc nửa cười. Duy chỉ có một người còn giữ được vẻ bình tĩnh, gương mặt ông rất tươi vui. Nhưng rất đáng tiếc là trông ông ta lại không thấy những nét khắc khổ của người chân lấm tay bùn. Ông ta mặc quần Tây áo sơ mi lành lặn, mái tóc hoa râm chải ngược, trán cao, da đẻ tươi hồng. Thế mà ông lại cắm tấm thẻ có hàng chữ: “Ruộng của cố nông Nguyễn Văn Nghị”. Một tay cầm chiếc vồ con, ông Nghị thong thả đóng từng nhát chắc nịch xuống đầu cọc thẻ, và ngước nhìn máy ảnh nở một nụ cười thật rạng rỡ. Tất nhiên là tôi phải chớp lấy thời cơ ấy, mặc dù trong lòng vẫn băn khoăn thắc thỏm.
Khi xong việc, về trụ sở Đội cải cách, tôi gặp anh Động, anh vội kéo tôi ra một chỗ vui vẻ thì thầm:
-       Ổn…ỏn rồi cậu ạ! Bọn mình đã nói hết hoàn cảnh gia đình, cũng như bản thân cậu cho nó nghe. No…nó không có phản ứng gì. Lúc mình lấy tấm ảnh ra, chưa…chưa kịp đưa, nó đã cướp lấy rồi chạy mất.
Tôi cũng chứa chan hy vọng. Tấm ảnh đó là bức thông điệp của lòng tôi đã gưi đến tay nàng. Theo ý anh Động bàn, tôi phải ở lại Thuỷ Đường, để anh thu xếp cho hai đứa gặp nhau. Và ngay tối hôm ấy tôi đã gặp nàng, chính thức ngỏ lời cầu hôn. Có lẽ cũng như hầu hết các cô thôn nữ tuổi mười tám lúc bầy giờ, em xấu hổ, bối rối mãi rồi mới nói: “Em…em chẳng biết đâu. Anh phải nới với thầy mẹ em, chứ em thì…em không dám nói đâu”. Vâng, Ngày xưa nàng Kiều cũng nói:
“Dù khi lá thắm chỉ hồng
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha”.
Chiều hôm sau. Anh Động bảo thêm cả anh Quốc, cán bộ Đôi, cùng đưa tôi đến thăm gia đình “đối tượng”. Lúc mới bàn, tôi sợ vã cả mồ hôi. Đi gặp người con gái mình yêu, để thổ lộ lòng mình đã là một cửa ải đầy chênh vênh, hiểm trở rồi. Giờ lại phải gặp bố mẹ và cả gia đình người ta nữa, tôi biết ăn nói ra sao đây? Người tôi ngây ra, lo lắng, bồn chồn như đứa trẻ lần đầu tiên đi chùa, muốn vào xem bụt, nhưng lại sợ ông “Thần Ác” mặt mũi đỏ gay, dữ tợn, cầm thanh long đao đứng trấn ở trước cổng chùa. Dường như bắt thóp được tâm can tôi, anh Động bảo không phải nói năng gì cả, ngoài những câu xã giao. Tôi đến là để cho người ta biết người, biết mặt, còn những điều gì cần nói, hai anh sẽ nói.
Chúng tôi đi.     
Ơ…kìa!...Hoá ra chủ nhân chẳng phải ai khác, mà chính là ông cố nông Nguyễn Văn Nghị, người tôi đã chụp ảnh hôm cắm thẻ nhận ruộng. Ông niềm nở đón tiếp chúng tôi. Không biết có phải vì mới được chia ruộng, hay vì đã biết trước mục đích của khách đến thăm, mà ông vui như vậy chăng?
Đúng như tôi đã dự cảm, thực chất ông Nghị không phải là cố nông, mà là một đầu bếp. Từ ngày còn trẻ, vì gia đình nghèo, ông đã theo người làng ra phố kiếm việc làm. Rồi trở thành đầu bếp, làm thuê cho các tầu buôn. Ông đã vượt qua nhiều đại dương, đến nhiều bến cảng lớn nhỏ trên thế giới. Cho đến lúc tuổi cao, không đủ sức chịu đựng sóng gió, chủ thải hồi, ông mới về quê làm ruộng. Vì không có đất, ông đã “khai hoang” bằng cách cuốc sân lên, nhặt sỏi đá, rồi gánh bùn ở hồ làng về phơi, tải ra lấy diện tích để gieo trồng.
Chuyện làm ăn lân la, hoá ra ông lại là bạn cùng nghề với người chú họ của tôi. Tuy hai ông không làm cùng một tầu, nhưng gắp gỡ nhau ở nơi đất khách, tình đông hương đã khiến họ trở nên gắn bó. Và từ khi biết tôi là cháu của bạn mình, ông nói chuyện với tôi có phần cởi mở hơn. Và bản thân tôi cũng dễ lấy lại được sự bình tĩnh. Lúc ấy tôi là đứa trẻ đã vào được trong chùa rồi, chẳng sợ gì ông “Thần Ác” nữa.
Những bước đi cần thiết đã xong xuôi, tôi vể Đoàn uỷ trình bày với anh Chính. Anh điện thoại báo cáo về Sở Văn hoá. Lãnh đạo Sở cử anh trực tiếp xuông Thuỷ Đường giúp tôi làm đám cưới. Tôi cũng được Sở cho phèp về Trúc Sơn bàn bạc với gia đình. Sau đó tôi về Sở trực tiếp báo cáo với cơ quan, và chuẩn bị các thứ cần thiết.
Lấy vợ, làm nhà, xưa nay vẫn là những việc lớn trong đời người. Và tôi cũng đang làm một trong hai việc lớn ấy đây, thế mà trong túi lại chắng có một xu nào! Cha mẹ không còn. Tất cả đều phải trông cậy vào anh em, và họ hàng. Các anh chị ở quê giúp tôi cái “Lễ tổ” đưa đến gia đình bên gái. Anh chị Ba ở Hồng Gai, mua cho một thùng kẹo bánh và thuốc lá. Còn bá Nhau, tuy là mẹ nhận trong kháng chiến, nhưng bá đã coi tôi chẳng khác gì con đẻ. Dẫu sao tôi cũng không dám nghĩ đến việc nhờ bá giúp. Tôi chỉ đến mời bá và anh chị Nhân về dự đám cưới. Mời cho phải phép, chứ tôi cũng không dám mong bá và anh chị sẽ về. Bá hỏi tôi rất tỉ mỉ về việc lo toan, rồi  bảo: “Hôm ấy nhà có giỗ. Chị Nhân bận con mọn, Nếu nhờ được chị Tài cùng đi, thì hoãn giỗ, bá về. Nhưng bá chỉ ở lại đến trưa thôi đấy!”. Vâng. Được như vậy thì hạnh phúc cho chúng con lắm lắm!
Trước khi trở lại Thuỷ Đường, tôi đã viết thư báo hỷ cho anh cả tôi, và cũng không quên cô Thu Nguyệt đang học dệt ở Hà Nội.
Thật không ngờ đúng sáng hôm cưới, bá Nhau đã về Thuỷ Đường. Bữa cơm gia đình trưa hôm ấy, đại diện cho nhà trai, ngoài ông chú tôi (bạn ông Nghị) và hai anh tôi, còn có cả bá Nhau. Đang ăn cơm, bá gọi cô dâu đến và tự tay mình đeo vào tai nàng dâu đôi hoa tai ba chỉ vàng, bảo: “Bá mừng con đấy!”, Cô dâu chẳng biết nói gì, miệng thì cười, nhưng mắt lại dưng dưng ngấn nước.
Đám cưới chúng tôi được tổ chức vào buổi tối ngày mười tháng mười, trên cái sân rộng mênh mông của nhà địa chủ. Tôi bỗng giật mình nhớ lại các đám cưới thời xưa. Nếu bây giờ còn áp dụng như vậy, thì người nghèo như tôi, chặc không thể lấy được vợ. Thời ấy, ở các nơi nghi thức cưới xin thế nào tôi không được biết, còn ở quê tôi thì hầu như bắt buộc phải qua những bước như sau:
Trước hết là phải nhờ một người làm mối. Người này thường là một bà nhanh chân, mau miệng, khéo ăn nói. Bà mối đến nói với gia đình bên gái trước, rồi bên trai mới đem trầu cau, chè rượu đến. Gọi là lễ “Vấn danh”, hay “Dạm ngõ”. Lễ này coi như đôi bên mới làm quen, hỏi tên, hỏi tuổi nhau, chứ chưa được coi là đã nhận lời.
Tiếp theo là lễ “Chơi nhà”. Lễ này khá to, có cỗ bàn, mời họ hàng đến chứng kiến. Và được coi là đôi bển trai gái và gia đình đã chính thức đính ước với nhau. Và cũng từ đấy, chàng rể phải theo giỗ tết bên gái ba năm, rồi mới được cưới. “Theo giỗ tết “ tức là: Nếu ông bà nội, hay bố mẹ cô gái đã mất, thì ngày giỗ chú rể phải có cái lễ, gồm: Một mâm xôi, một con gà, chai rượu và trầu cau đến cúng. Tết Nguyên Đán phải có chục bánh chưng, một con gà, chai rượu và trầu cau đến lễ mừng năm mới. Còn các tết khác như ngày năm tháng năm, ngày mười tháng mười, thì tuỳ lòng chú rể.
Sau ba năm đến lễ “Xin cưới”. Lễ này vật phẩm cũng nhỏ nhẹ như lễ vấn danh. Đôi bên bàn định ngày tháng, và nội dung to nhỏ của đám cưới. Quê tôi có câu thành ngữ: “Nói cao như thách cưới”. Người ta nói thật cao, để đề cao phẩm gia con gái mình. Đáng lấy năm, người ta nói lên mười, thậm chí mười lăm, hai mươi. Bên trai vật nài xin thấp, “Cò kè bớt một thêm hai”. Cũng có đám, đôi bên không ngã giá được, bên trai giận dỗi bỏ về, doạ không cưới nữa, làm bà mối vất vả, phải chạy đi chạy lại như con thoi.
Sau khi hai bên đã thoả thuận, “Lễ cưới” được tiến hành. Đây là lễ lớn nhất trong lệ cưới xin. Thực phẩm được đưa đến nhà gái chiều hôm trước. Hôm sau là lễ đón dâu, Lễ Tổ nhà gái xong, chú rể phải lễ bố mẹ vợ bốn lễ, để tạ ơn người đã có công sinh thành, dưỡng dục vợ mình. Đúng giờ thầy Phong thuỷ đã định, đoàn dẫn dâu mới lên đường. Bên trai đã chọn một ông già cao tuổi có gia cảnh và đức độ hơn người, tay cầm một bó hương đang cháy, khói bay nghi ngút, vai vác dao phát bờ ruộng, bôi vôi, đi dẫn đầu. Trên đường đi thường gặp một hoặc hai lần “chăng giây”. Người ta đặt giữa đường đi một cái bàn, để bát cắm ba nén hương, cắm hai cái cọc, và căng ngang đường một sợi dây. Cô dâu chú rể phải đến bàn đặt tiền và vái lễ, người ta mới mở dây cho đoàn dẫn đâu đi qua.
Về nhà trai, trong tiếng pháo vui mừng đang nổ. dâu rể vào lễ Tổ. Rồi bà mối đưa họ ra sân, nơi đã kê bàn, bày lễ vật để lễ “Tơ hông”. Tạ ơn “ông Tơ, bà Nguyệt” đã xe duyên cho họ. Và sau bốn lễ tạ ơn cha mẹ chồng, cô dâu được lui về buồng riêng dành cho đôi tân hôn. Phần nghi thức kết thúc.
Dưới mái hiên nhà địa chủ ở xã Thuỷ Đường, căng tấm phông mầu thiên thanh rộng ba mươi mét vuông, tôi mượn của Đoàn văn công anh Soạn. Hoạ sỹ Trần Viết Lý vẽ đôi chim bồ câu đang vỗ cánh bay, hai mỏ đôi chim cùng ngậm một bông hồng nhung đó thắm. Cành lá hồng vẽ cách điệu thành tên dâu rể. Hai bên cánh gà căng hai băng khẩu hiệu: “Chúc mừng hạnh phúc”, và “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Anh Phạm Chính làm chủ hôn. Sau mấy lời giới thiệu tóm tắt về cô dâu chú rể, anh mời vị đại biểu chính quyền địa phương lên tuyên bố công nhận lễ thành hôn của chúng tôi là hợp pháp. Rồi đại biểu các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, và gia đình lên dặn dò, nhắc nhở đôi tân hôn. Cuối cùng chú rẻ thay mặt cả cô dâu lên đáp từ. Kết thúc phần lễ. Chuyển sang liên hoan. Cô dâu chú rể đi đến các bàn mời khách hút thuốc, uống nước, ăn bánh kẹo.  Và với những “cây văn nghệ” có sẵn ở vườn nhà, mọi người cùng hò hát. Khách được mời, và cả những người không được mời cũng đến rất đông, nên không đủ chỗ ngồi, nhiều người phải đứng. Vì ai cũng muốn xem đám cưới của cán  bộ Đội cải cách ra sao? Kết thúc liên hoan, tất cả mọi người cùng đứng lên vỗ tay hát vang: “Kết đoàn…chúng ta là sức mạnh…”.
Thu dọn xong thì đêm đã khuya, mọi người đã ra về. Bên trai chỉ còn một mình tôi ở lại nhà gái. Tôi nhìn trước ngó sau, chẳng biết rồi mình sẽ nằm ở  đâu?
Hỡi các bạn trai, các bạn trẻ trung yêu mến! Tôi xin hỏi nhó các bạn điều này: “Không biết các bạn có cùng mong ước như tôi không? Đó là đêm tân hôn, tôi khát khao đến cháy bỏng, muốn được ôm người đẹp trong vòng tay xiết chặt của mình cho bõ bèn sau bao lo toan vất vả”? Nhưng đêm ấy tôi phải nằm chung giường với ông “Nhạc”. Người mà trước đó chưa lâu, có lúc tôi đã coi như ông “Thần ác” giữ chùa! Còn nàng, người đẹp của tôi, vẫn nằm chỗ cũ. Bên cạnh mẹ nàng. Chẳng biết cái nửa còn lại của đêm hôm ấy nàng nghĩ những gì? Còn tôi có cảm giác hai đứa như hai kẻ tội đồ, cùng biết chỗ của nhau bị giam, nhưng không thể đến với nhau được! Nếu các bạn hỏi vì sao ư? Xin thưa: Vì nghèo, nhà hẹp, người đông!
Sau đám cưới chúng tôi, anh Phạm Chính vội vã rút về tỉnh. Anh Động và các cán  bộ Đội cải cách xã Thuỷ Đường cũng rút đi gần hết. Họ đi đâu mà âm thầm, lặng lẽ, khác hẳn những ngày cờ dong trống mở, rầm rộ đón Đội Cải cách về làng? Trước khi đi không họp mặt chia tay, và cũng chẳng thấy ai đưa tiễn?...Hiện tượng không bình thường ấy, khiến tôi linh cảm như có điều gì quan trọng đã xẩy ra, còn cụ thể là việc gì thì tôi chưa biết.
Tôi được ở lại thu xếp việc gia đình, và đưa vợ về thăm quê nội. Làng tôi lúc ấy chưa bắc cầu, còn phải đi đò ngang. Chúng tôi vừa bước lên đò, đi đến đầu làng, thì thấy một cô gái ăn vận đẹp đẽ, đứng bên bờ tre. Đến gần, thấy cô ra hiệu và gật đầu chào, tôi mới nhận ra Thu. Hơn mười năm rồi, Thu bầy giờ đã thành một cô gái to lớn, béo tốt, trông lạ hẳn đi. Vợ tôi hỏi: “Người họ nhà mình à? Em phải chào bằng gì?”. Tôi bảo: “Không! Đây là chị Thu, bạn chăn trâu của anh ngày xưa”. Thu bị câm bẩm sinh, Ngày ấy, có lần Thu đã ra hiệu: Khoanh một vòng trên đầu, và vuốt dài từ vai xuỗng chân, rồi trỏ về phía nhà tôi chắp tay vái. Ý Thu muốn nói bao giờ lớn, vấn khăn, mặc áo dài  Thu sẽ về nhà tôi lễ Tổ…Thu cười híp cả mắt, nhìn vợ tôi từ đầu đến chân, rồi trỏ vào tôi, vào vợ tôi, để một bàn tay nằm, ấp bàn tay kia lên trên. Ý Thu muốn bảo: Cô biết tôi lấy vợ rồi. Vâng. Đúng là như vậy. Thu mừng cho tôi chứ? Hay có lúc nào đó Thu lại buồn?...
Hôm ấy các anh chị tôi làm mấy mâm cơm để nàng dâu mới lễ Tổ, và ra mắt họ hàng. Chú thím, anh chị em lâu ngày mới có dịp sum họp, lại trong bối cảnh đất nước mới được hoà bình, cuộc cải cách ruộng đất có nhiều biến đổi, họ hàng chúng tôi vẫn được bình yên, cho nên ai cũng có chuyện để nói, để hỏi, và để vui mừng. Tiệc vui cứ dài mãi chẳng muốn tàn. Riêng tôi chỉ mong trời chóng tối. Vì đêm nay mới là đêm “động phòng hoa chúc” của chúng tôi. Tôi mong mỏi, hồi hộp và bồn chồn. Có lẽ sự chờ đợi này của tôi, cũng chẳng khác gì những người ăn mày, ngồi chờ trước dẫy bàn bày bánh dầy trắng muốt, chỉ mong chóng kết thúc cuộc mít tinh kỷ niệm hai Bà Trưng ở Việt Nam học xá năm nào.
Tan tiệc. Đêm khuya, tôi lên giường nằm, chờ vợ còn dọn dẹp những việc cuối cùng. Khi nàng vào giường, tôi ôm em thật chặt. Chẳng cần gì phải nói. Những giây phút tràn đầy háo hức, mà đời người ai cũng từng mong đội này, đâu phải để nói, mà là để làm. Lần đầu tiên tôi được làm một việc mà đời mình chưa biết, chưa được làm  bao giờ. Tôi cuống quýt vừa hôn em, vừa xoa lên bộ ngực nở nang, âm áp, mềm mại và rắn chắc của em. Tim đập thình thình, người tôi ngây ngất như say. Khi tay tôi chạm vào thất lưng em, em hất tay tôi ra, nhanh, mạnh và dứt khoát. Tôi liền ghé sát vào tai em hỏi nhỏ: “Thế anh không phải là chồng em à?”. Như chợt hiểu, người em mền ra. Thế là cánh cửa đã mở, đưa tôi vào một thế giới thần tiên, kỳ lạ nào đó, chứ quyết không phải là thế giới tôi vẫn sống. Người tôi run lên như rét, rồi nhẹ bẫng đi như không còn trọng lượng. Và cứ thế bay đi, bay đi vào cõi vô cùng!...
Chúng tôi yêu nhau, và đã lấy được nhau. Thế là toại nguyện, chẳng phải như ai, vì không lấy được nhau, đã xuống tóc đi nương nhờ cửa Phật. Hay chán đời tìm cách quyên sinh. Nhưng cưới vợ xong tôi mới hiểu, cuộc sống của chúng tôi bắt đầu từ đây đã đổi thay. Vợ tôi bây giờ ở đâu, và nàng sẽ làm gì để sống? Ôi chao! Chuyện chẳng nhỏ bé và dơn giản chút nào. Đến các bậc văn nhân tài tử cũng phải thốt lên: “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Chứ là cái thằng tôi, một anh học sinh nửa mùa, kiêm tiểu tư sản vỏ rỗng tuyếch! Bố mẹ tôi đã mất. Ở quê chỉ còn hai anh. Ruộng hai anh đã chia. Nhà hai anh đang ở. Chín năm thoát ly đi kháng chiến, giờ tôi đưa vợ về thăm quê, thực ra cũng chỉ là khách. Mà đã là khách, thì sớm muộn gì chẳng phải giã từ.
Ở quê chơi hai ngày, tôi đưa vợ về tỉnh, ra mắt anh em cơ quan, và anh chị Ba tôi. Hôm cưới anh ốm, chị bận con thơ không về được. Nhất là đến thăm bá Nhau, bá đã chẳng quản tuổi già, đò xe vất vả, về tận nơi dự đám cưới chúng tôi.
Lúc bấy giờ chúng tôi chẳng có khái niệm gì về “Tuần trăng mật”. Vả chăng, nếu có thì lấy đâu ra tiền và thời gian mà thực hiện. Sau một tuần chung sống, ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân trong cơ quan, cũng chưa có cách nào khác, tôi đành tiễn vợ ra bến xe về quê ngoại, tạm nương nhờ bố mẹ.
Trong quãng thời gian còn ngắn ngủi của đời mình, cho đến lúc ấy, có lẽ chưa bao giờ tôi thấy cuộc chia ly nào lại buồn đến thế! Chiếc xe khách chật cứng người từ từ rời bến, tôi đứng ngây ra, ngẩn ngơ nhìn theo cho đến lúc xe đi khuất, rồi mới lững thững quay về. Như kẻ mộng du, đi bộ một quãng, tôi mới nhận ra tay mình vẫn nắm tay lái chiếc “Meciê” quen thuộc. Tôi leo lên xe. Bỗng những giai điệu buồn bã, tái tê từ thuở nào lại trỗi dậy, lại ngân vang trong tâm trí tôi:
“Biệt ly…nhớ nhung từ đâ…ây…Ôi!...còi tầu như xé đôi long…”.
Biết bài hát ấy là “Nhạc vàng” đã bị cấm, từ lâu không ai dám hát nữa. Nhưng không cầm được lòng mình, tôi hát thầm, hát riêng cho mình tôi nghe thôi.
 
***
 
Về cơ quan tôi bắt tay ngay vào tập ảnh phóng sự cải cách. Vừa nóng ruột muốn biết kết quả cụ thể sau bao ngày vất vả, vừa để khuây nguôi nỗi nhớ nhung. Sau khi lọc bỏ những kiểu phim không đạt yêu cầu, tôi báo cáo Giám độc, và xin phép sản xuất ảnh. Với cử chỉ nghiêm trang vốn có, nghe tôi báo cáo xong anh Khuê bảo:
Hãy phóng cỡ 9x12, làm ma két để anh em xem, tham gia ý kiến, rồi sau nếu cần hãy phóng to anh ạ.
Vâng. Tất nhiên là phải làm ma két rồi, nhưng sao lại “sau nếu cần”? Tôi không dám hỏi lại anh Khuê, chỉ băn khoăn tự nghĩ: Có phải hai chữ ấy đã đặt ra trường hợp ngược lại là nếu không cần thì bỏ đi chăng? Thời gian ấy, việc sai lầm trong cải cách ruộng đất chưa được công bố. Những ngày còn ở Thuỷ Đường, thấy bọn anh Động lặng lẽ rút đi, tôi đã nghi hoặc. Rồi từ hôm về cơ quan, tôi thấy dư luận thì thầm, kín hở: “Cải cách ruộng đất phạm sai lầm nghiêm trọng”. Là cán bộ lãnh đạo, chắc anh Khuê đã biết trước cái tin chẳng lành ấy, nhưng không muốn cho tôi, một người ngoài Đảng biết, nên anh mới có quyết định nước đôi như vậy. Sự cố ý giấu giếm ấy đã khiến tôi không khỏi chạnh lòng ấm ức. Dù sao tôi cũng là người đã đi cải cách, đã lo nỗi lo chung của mọi người, và đã cùng chia sẻ bao khó khăn vất vả. Giờ đây nếu cải cách thực sự bị tổn thất, chẳng lẽ trong đó lại không có tôi? Anh coi tôi như một kẻ đi làm thuê, ngoài cuộc hay sao?
Ở thời gian ấy, ai cũng quen nếp nghĩ như dòng nước chẩy một chiều, khen thì tha hồ thoải mái, kể cả khen sai sự thật cũng chẳng sao. Nhưng chê thì khó lắm, vì rất dễ bị coi là “kẻ xấu”, là phần tử “bôi đen”. Dù chỉ động chạm đến khuyết điểm của một cơ quan nào đó ở cấp xã, cấp huyện, cũng không mấy ai dám nghĩ tới, chứ nói gì đến khuyết điểm của cả một quốc gia, một tập thể lãnh đạo đất nước. Cho nên trước những dư luận ấy tôi cũng chưa dàm tin ngay đó là sự thật.
Nhưng sau đó các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin: Cải cách ruộng đất phạm sai lầm! Bác Hồ đã tự phê bình , và xin lỗi quốc dân. Bác coi sai lầm đó đau xót như: “Tay phải chém vào tay trái mình”. Rồi ông Trường Chinh xin rút lui chức Tổng bí thư. Ông Hồ Viết Thắng, người trực tiếp phụ trách cải cách ruộng đất bị cách chức…
Sau đó tôi mới biết: Từ những ngày tôi đang chuẩn bị đám cưới, Trung ương đã có chỉ thị khẩn cấp, phải lập tức đình chỉ cải cách, và tiến hành sửa sai ở các địa phương đã và đang cải cách. Chỉ thị ấy đến Đoàn uỷ Hai ngày nào thì tôi không biết. Nhưng rất đáng tiếc là đã quá muộn rồi!  Hầu hết các cán bộ chủ chốt như Bí thư và Chủ tích, ở các xã đã cải cách đều bị quy là Quốc dân đảng phản động, và đã bị bắt bớ, giam cầm. Hàng nghìn hộ là phú nông, thậm chí là trung nông (Như bà dì tôi), đã bị quy là địa chủ, bị bắt đi tù. Tài sản của họ đã bị tịch thu chia cho nông dân…Khi tôi về tỉnh, mấy anh cán bộ Đội cải cách xã Thuỷ Đường còn ở lại là để chờ Đội sửa sai về đẻ bàn giao hậu quả.
Tôi đang làm ảnh ma két thì nhận được thư và quà mừng của anh cả tôi gửi về. Anh cho em dâu hai mét vải pôpơlin Trung Quốc rất đẹp, cho tôi quyển sổ tay. Ngoài những lời mừng và thăm hỏi, anh còn cho tôi biết: Khi nhận được thư tôi báo hỷ, cô Thu Nguyệt đã đến khóc lóc, than thở với anh ràng không ngờ tôi lại phụ tình như vậy. Rằng cô vẫn đinh ninh khi mình trở thành người công nhân, thì chắc chắn cơ quan sẽ cho chúng tôi lấy nhau…
Thực lòng, tôi không ngờ Nguyệt lại quyết tâm và nuôi hy vọng hão huyền như vậy. Khi được tin cô nghỉ bán hàng lên Hà Nội học dệt, tôi cho là Nguyệt muốn đổi nghề để phù hợp với xã hội mới, chứ không ngờ cô ấy lại có ý định vừa sâu xa, vừa nông nổi và ngây thơ như vậy. Thành phần tốt xấu, tuy không phải là cái dấu chàm xanh, mà ngày xưa chính quyền phong kiến đóng vào mặt kẻ tội đồ, suốt đời không tẩy rửa được, Nhưng cũng không phải cứ bỏ nghề này, làm nghề kia là có thể thay đổi được. Nhưng thôi, Nguyệt ơi! Em cứ việc oán trách, nguyền rủa cái thằng “Sở Khanh” này đi. tôi xin sẵn sàng chịu đựng.
Gần một trăm tấm ảnh 9x12 đã làm xong. Tôi viết chú thích, và ghim ảnh lên tường, mời Ban giám đốc và anh em đến duyệt. Xem xong, anh Khuê gật đầu bảo:
- Được! Ảnh có nội dung tốt đấy, cũng sáng sủa. Để vài ngày anh em xem xong, cậu thu lại bảo quản cẩn thận để làm tư liệu.
Ý kiến của anh Khuê, chẳng qua cũng chỉ là xác định thêm một lần nữa cho thật rõ ràng về số phận “đứa cọn tinh thần” của tôi mà thôi, chứ tôi đã biết hoàn cảnh khốn khổ của nó rồi. Nó chưa kịp chào đời đã phải chết non chết yểu, vì những sai lầm của cải cách ruộng đất!
Sau ba ngày, tôi gói gém cẩn thận, cất ảnh đi, y như đào sâu chôn chặt một kiếp “phù sinh” bằng xương bằng thịt vậy! Thế là kết thúc chuyến đi cải cách ruộng đất đầy tự hào, và chứa chan hy vọng của tôi. Và đó cũng là đợt cải cách cuối cùng ở miền Bắc. Tôi quay về với những công việc thường ngày của cơ quan. Thỉnh thoảng đi chụp các cuộc mít tinh, hay hội nghị. Tổ chức vài cuộc triển lãm, nhân những ngày lễ lớn trong năm. Đi Cửa Ông, Đèo Nai, Cẩm Phả chụp những tổ, đội sản xuất than vượt mức thi đua. Chụp các nữ công nhân, sau khi sinh con, được xí nghiệp cho ô tô đến nhà hộ sinh đón về nhà. Hay các chị em có con mọn được nghỉ cho con bú, sau mỗi giờ làm việc v.v..
 
***
 
“Sông Tương một dải nông sờ
Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia”.
Từ Hồng Gai đến Thuỷ Nguyên, quãng đường cũng chẳng bao xa, cách nhau chỉ có con sông Bạch Đằng. Thế mà từ hôm vợ tôi về quê đến nay đã vắng bóng, biệt tăm hơn hai tháng. Ngày nảo tôi cũng trông ngóng, mong thư mà chẳng thấy. Càng nhớ thương lại càng giận, vừa hoang mang lo lắng, không hiểu vì sao em không viết thư cho tôi? Hay lả…đã xẩy ra chuyện gì?...Tôi làm ngày làm đêm cho vãn việc, rồi xin phép cơ quan về qua nhà.
Hôm ấy tôi dậy thật sớm ra bến xe, nhưng người xếp hàng chờ mua vé đã dài dằng dặc. Tôi đứng vào hàng, nghển cổ chờ mãi mới thấy cô bán vé mở cửa ghi sê, thò tay ra nhận tiền. Dòng người lao xao chuyển động, nhích dần lên từng bước một. Chờ mãi mới đến lượt. Khi mua được vé rồi tôi mới yên tâm là mình không bị nhỡ xe. Nhưng vẫn còn phải chờ, chưa được lên xe ngay. Chờ mãi mới thấy ở đâu đó có tiếng nói: “Ai đi Hải Phòng lên xe đi!”. Hành khách ùa ra, xô đẩy nhau, ai cũng muốn kiếm một tí chỗ ngồi. Chỉ phút chốc xe đã chật như nêm, người chậm chân phải đứng. Nhưng xe vẫn chưa chạy. Vì ông Tài còn bận “lai rai” ở đâu đó, chưa xong bữa điểm tâm. Lại phải chờ. Hơi người, mùi hàng hoá, cá khô, cá tươi, mắm tôm ngấu xông lên nồng nặc…Lậy trời, cuối cùng rồi ông Tài cũng leo lên xe, vứt quyển sổ hành trình đánh bẹt, và xe chuyển bánh. Lại lậy trời cho xe chạy nhanh, và thông dồng bén giọt. Nhưng dọc đường chỉ liếc thấy một cái vẫy, xe lại dừng. Nhà xe “không nỡ” bỏ khách, mặc dù xe đã quá chật, và có người đã phải đứng ở cửa, bậc lên xuống. Những quý khách mới phát sinh này bao giờ cũng được “ưu tiên”, họ không phải mua vé, chỉ việc đứa tiền. Xe chạy cứ mỗi cú xốc ổ gà, ổ voi, nhũng người đứng không có chỗ bám chắc lại ngã ngồi lên đầu, lên vai những người được ngồi úp thìa ở các hàng ghế.
Quãng đường chỉ có non ba mươi cây số, mà mãi trưa hôm ấy tôi mới về đến nhà.
Qua nhũng lời thăm hỏi, nhìn gương mặt mọi người, nhìn cảnh vật, tôi biết không có chuyện gì xẩy ra. Nhưng hình như không khí trong gia đình vẫn thiếu vắng một cái gì đó thật chan hoà, cởi mở, mà đúng ra là phải có trong lúc người thân đi vắng trở về. Về phía tôi, tuy đã là một thành viên của gia đình, nhưng trong thực tế, tôi chưa có đủ thời gian cần thiết để hội nhập vào cộng đồng mới. Còn về phía gia đình vợ tôi, dường như cái khoảng cách giữa người nông dân với người cán bộ Đội cải cách vẫn còn luẩn quất đâu đó trong lòng mỗi người. Và có lẽ cả vợ tôi cũng vậy, nàng mới có tám ngày chung sống với chồng, thời gian ngắn ngủi ấy chưa đủ để quen hơi bén nết nhau, nên thấy chồng về nàng cũng không tỏ ra thực sự vui mừng. Hay nàng thẹn, chỉ mừng thầm?
Mãi đến lúc đi ngủ, tôi mới có dịp hỏi em vi sao không viết thư cho tôi? Nàng lảng tránh, chỉ ậm ừ, lúc bảo bận, lúc bảo ngại. Tôi gạn hỏi mài, em mới thì thầm: “Chữ em xấu, sợ anh cười, chứ có gì đâu mà cứ hỏi mãi!”. À ra vậy. Tôi trêu: “Sao không nhờ anh nào chữ đẹp viết hộ?”. Nàng cấu tôi cười: “Có mà điên à? Nhờ người ta thì lộ hết bí mật còn gì?”. Tôi siết chặt người em. Rồi một trận cuồng phong, giông tố ở đâu ập đến, quấn quận hai đứa vào một trận mây mưa trần thế…
Sáng hôm sau, thong thả ngồi uống nước, nói chuyện làm ăn, chuyện làng xóm, đến chuyện gia đình, ông Nhạc tôi bảo:
- Thầy định bảo nó viết thư cho anh, nay tiện anh về, thầy có cậu chuyện cũng muốn nói. Thầy xa gia đình lâu, đã nghĩ kỹ, không có gì bằng “Thuyền theo lái, gái theo chồng”. Anh nên tính chuyện đưa nó đi, kiềm việc gì đó, vợ chồng bảo nhau mà làm ăn. Có được không?
- Vâng. Việc này con cũng nghĩ đến rồi, nhưng chưa biết ý nhà con thế nào, để con bàn với nhà con xem.
Tôi hoàn toàn bị động. Tuy vẫn biết đó là bước đường tất yếu mình phải trải qua. Nhưng đưa vợ đi đâu, ở đâu, nhất là làm gì, thì tôi chưa tìm được cách nào để giải quyết. Dù sao, trước tình thế này buộc lòng tôi phải vâng lời ông Nhạc. Vì hiểu rằng đời người con gái, từ khi bước lên xe hoa,  mà trường hợp của vợ tôi là từ lúc mọi người vỗ tay hát “Kết đoàn”, thì em đã thành ra người khách của chính gia đình mình rồi.
- Lại còn miệng lưỡi thế gian nũa, cũng không biết đâu mà lường được. Ông Nhạc tôi nói tiếp. Họ đồn anh có vợ cả rồi. Có đưa còn vỗ ngực bảo chính nó đã trông thấy anh bế con ở Hòng Gai. Hỏi vợ anh mới vỡ lẽ đó là con của ông anh. Nó còn trẻ người non dạ. Thầy cũng lo xa mà nói thế. Nếu anh còn khó khăn, thì cứ để nó ở nhà ít ngày nữa cũng được.
 
 
Hai đứa bàn định xong, chiều hôm ấy xin phép gia đình, tôi đưa vợ đi Hòng Gai, về hiệu ảnh “Sông Đằng”, Nghe tôi trình bày, anh Ba tôi suy nghĩ một lát rồi bảo:
- Thôi được. Chú thím mới làm bạn với nhau, còn chân ướt, chân ráo mà ở xa nhau thế cũng không tiện. Cứ để thím ở đây, tôi dậy làm ảnh. Anh em no đói có nhau. Bá Nhau cũng rất tán thành. Bá sai anh Nhớn quét dọn căn buồng xép chứa cám ở chân cầu thang gác ba, kê giường cho chúng tôi nằm. Từ đấy chúng tôi như đôi chim đã có tổ, sáng bay đi, tối bay về.
Một hôm tôi đang ngồi làm việc, anh Vũ Khuê cùng anh Thanh Lương ở trên gác đi xuỗng. (Anh Thanh Lương thỉnh thoảng vẫn sang chơi với anh Vũ Khuê). Hai ngườ đưa cho tôi tờ báo “Văn nghệ” và hỏi:
-       Hoàng Hữu Thiện có phải là anh ruột cậu không?
-       Vâng. Nhưng có chuyện gì thế ạ?
-       Hoàng Hữu Thiện có bài thơ rất hay. Cậu đọc đi! Bọn mình chúc mừng cậu!
Cả hai anh cùng cười vui và bắt tay tôi rất chặt, khiến tôi vừa mừng vừa tự hào, vì một chút thơm lây. Hai anh quay lên gác. Tôi đọc. Bài thơ in trang nhất, nhan đề: “Đuổi đám mây mù”.
Sau đó ít hôm, anh Ngô Lâm, Trưởng phòng Văn nghệ đi họp “Đại hội Văn nghệ toàn quốc” về (Anh Lâm thay anh Phạm Chính từ ngày anh Chính đi cải cách). Anh em trong cơ quan tụ tập ở Phòng hành chính nghe chuyện “Đại hôi”. Trông thấy tôi, anh Lâm cười, cái cười nhàn nhạt, và nói:
-       Hoàng Hữu Thiện cũng lên đọc tham luận, sau Phùng Quán, nhưng chưa xong thì bị Chủ tịch đoàn rung chuông cắt.
Về phần tôi, tuy làm ở cơ quan văn hoá, nhưng tình hình văn nghệ từ trước đến nay tôi không mấy quan tâm, ngoài đọc sách và xem phim. Giờ nghe anh Lâm kể, tôi mới biết Văn nghệ có hai nhóm “Tô hồng” và “Bôi đen”. Rồi sau qua các phương tiện thông tin, các buổi đi nghe nói chuyện thời sự, tôi biết thêm nhóm “Bôi đen” ấy còn có tên gọi là “Nhân văn”. Nhóm này đang bị phê phán kịch liệt. Có vị diễn giả còn ví nhóm này như “con ruồi”, và bảo ta đang dùng búa đập “con ruồi”!
Tiếc thay anh cả tôi, một nhà văn quân đội đang tại ngũ cũng bị xếp vào nhóm ấy. Mà lại vì chính bài thơ mới hôm nào được hai vị lãnh đạo cơ quan văn hoá, tư tưởng của tỉnh, tỏ lời khen ngợi. Thế ra hay cũng chưa hẳn đã đúng, và đúng cũng rất có thể sẽ không hay!
Rối sau đó, nhận được thư anh tôi từ Tây Bắc gửi về, tôi mới biết: Ngoài bài thơ “Đuổi đám mây mù” bị phê phán ra, anh còn bài thơ “Người không tên tuổi”, in báo Văn nghệ, cũng bị phê phán. Không những thế, bài thơ ấy anh còn bị Bộ Giao thông kiện, vì vụ tai nạn tầu điện tác giả miêu tả không phải là việc có thật. Tất nhiên bị cáo không bị Toà án nhân dân Hà Nội tuyên phạt. Vì dựa vào bản chất “Vì nhân dân quên mình” của anh bộ đội cụ Hồ, tác giả có quyền hư cấu, song đó là về mặt pháp luật, tác giả được trắng án. Còn về phương diện chính trị, tư tưởng, thì tất cả những người trong nhóm “Nhân văn” đều bị phê bình, kiểm điểm, và phải đi cải tạo lao động. Anh tôi phải đi nông trường Mộc Châu lao động ba năm.
Cũng trong thời gian ấy, một buổi tối tôi đi nghe nói chuyện thời sự, khi nói đến Cải cách ruộng đất, diễn giả đã khẳng định: “Những khuyết điểm trong Cải cách ruộng đất chủ yếu là do Đội cải cách làm sai…”. Tức là chủ chương,  chính sách thì đúng, nhưng phương pháp thực hiện thì sai. Không! Nói như vậy là không đúng. Thử hỏi Đội cải cách ruộng đất là ai? Đội là một tổ chức do Đảng lập ra, và trực tiếp lãnh đạo, để thực hiện chủ trương.chính sách của Đảng. Vậy chẳng lẽ Đội sai, lại không phải là Đảng sai? Cũng như cái chỉ tiêu  5% địa chủ (Cứ 100 hộ nông dân thì có năm hộ là địa chủ) có phải là do các Đội tự nghĩ ra đâu. Đó là cấp trên quy định đấy chứ. Hay như việc bắt giam các cán bộ chủ chốt là Bí thư, Chủ tịch ở xã cũng vậy. Nếu không có chỉ thị của cấp trên thì Đội nào dám làm?
Tuy nhiên, Đội cải cách cũng có cái sai: Khi địa phương mình không có đủ số hộ địa chủ như chỉ tiêu quy định, họ đã tự ý kích một số hộ tử phú nông, thậm chí từ trung nông lên thành phần địa chủ. Nhưng nếu họ không làm như vậy, thì chỉ còn một cách là thừa nhận chỉ tiêu là sai. Nhưng ai dám?...
Những buổi nói chuyện thời sự, thường diễn giả cứ việc nói, người nghe chỉ việc nghe. Chứ không đặt ra vấn đề trao đổi, bàn bạc. Tan cuộc ra ngoài, người ta mới bàn tán đúng sai, hay dở. Mà ai có lương tri lại chẳng yêu cái đúng, ghét cái sai. Thế là người ta ghét Đội cải cách, ghét những người đi cải cách. Tôi cũng bị hút vào vòng xoáy của dư luận. Tôi nói thẳng, nói thật những cảm nhận của mình về Cải cách ruộng đất. Tôi có ngờ đâu, mình đã vô tình đụng chạm vào cái chỗ mà người khác đang muốn né tránh, muốn vùi lấp đi, hay muốn mọi người phải hiểu sự việc theo cách của họ. Và thế là trong con mắt của một số người ở cơ quan tôi, tôi đã thành một phần tử “bôi đen”, thành con bò ghẻ, cần phải tách đàn, loại bỏ, kẻo lây sàng con khác. Và cái sự loại bỏ ấy, quá trình diễn biến như sau:
Một hôm anh Nĩu, cán bộ Ban tuyên giáo đem máy ảnh đến Sở Văn hoá gặp tôi, nhờ tôi hướng dẫn anh cách sử dụng. Anh còn dở sổ tay ra bảo tôi gọi tên các bộ phận máy bằng cả tiếng Pháp nữa, để anh ghi, rồi dùng cho nó “sang sang một tẹo”. Vâng. anh em tuy là hai cơ quan khác nhau, nhưng văn hoá và tư tưởng thì có khác gì nhau đâu, tôi sẵn sàng giúp anh đến nơi, đến chốn.
Rồi một buổi chiều thứ bẩy tôi về hiệu ảnh “Sông Đăng”, anh Ba bảo tôi: “Anh Đàm Xuyên, cán bộ Sở Văn hoá đã ra lấy chiếc máy ảnh 9x12 về Sở rồi”. Đó là chiếc máy tịch thu của địa chủ trong cải cách, tôi đã báo cáo anh Khuê, và mượn cho anh Ba dùng. Anh Đàm Xuyên là hoạ sỹ trang trí, chuyên kẻ vẽ, không biết sử dụng máy ảnh, và cũng không có liên quan gì đến việc này. Nếu không có ý kiến cấp trên, chắc anh không tự tiện làm như vậy. Lạ thật, nếu cần lấy máy về sao anh Khuê không bảo tôi? Hai trường hợp về máy ảnh, tuy khác nhau, nhưng đều liên quan đến tôi. Vậy đã có việc gì xẩy ra mà tôi chưa biết đây?...
Đến một hôm khác, chú Suý, liên lạc của Phòng hành chính đi lấy công văn về, đưa cho tôi phong thư của anh Hai ở Thuỷ Nguyên gửi ra. Thư viết:
“…Làng ta họ đồn ầm lên là chú bị kỷ luật, thải hồi về địa phương. Giấy đã báo về Uỷ ban xã. Họ còn nói chú bây giờ khổ lắm, phải đi Đông Triều buôn gà về chợ Hồng Gai bán. Cả nhà lo quá, chẳng biết thực hư thế nào? Tôi nghĩ anh em ta có nhà có cửa, có ruộng vườn, làm sao chú phải khổ thế? Nếu đúng như vậy thì chú thím cứ về quê ở với anh em, chúng ta làm gì mà chả sống…”.
Trời đất ơi! Sự thật lại phũ phàng đến mức như vậy ư? Nào tôi có làm điều gì sai trái đâu? Tôi không tham ô, không hủ hoá. Nhiệm vụ cơ quan giao tôi vẫn hoàn thành. Tôi chỉ nói thật. Cải cách ruộng đất sai tử trên, thì tôi nới sai, chứ tôi có bịa đặt đâu? Luật pháp cũng cho phép người dân được tự do ngôn luận cơ mà? Tôi nói với anh em trong cơ quan, sao lại bảo tôi “phát ngôn bừa bãi?” Chính mấy ông lãnh đạo ở cơ quan tôi mời là người phạm pháp. Họ đã bỏ qua cả Bộ luật lao động hiện hành, để đuổi tôi ra khỏi nơi tôi đang có quyền làm việc?...
Nhưng thôi, thế là rõ ràng rồi! Con ếch chết vì tiếng kêu. Tôi bị tai hoạ vì lời nói thật.
Khoảng hai ba hôm sau, anh Pham Chính, Trưởng phòng hành chính triệu tập toàn cơ quan họp. Có đủ cả chánh phó Giám độc, và các phòng ban. Anh tuyên  ố lý do:
Cơ quan ta họp đột xuất để kiểm điểm, phê phán anh Hoàng Hữu Chỉnh. Các đồng chí ai có ý kiến xin cứ tự do phát biểu.
Anh Chính dứt lời, chờ đợi, rồi lại giục giã. Nhưng phòng họp vẫn im phăng phắc, vẻ mặt ai cũng nghiêm trang, căng thẳng, người nọ đưa mắt nhìn người kia chờ đợi. Vẫn chỉ có tiếng quạt máy chạy vù vù. Rồi như để xua tan bầu không khí nặng nề ấy, anh Vũ Khuê đứng lên phát biểu ý kiến. Càng nói gương mặt anh càng đỏ lên, giọng đanh lại, và lời lẽ sắc bén như dao chém đá. Anh phê phán tôi:: “BẤT MÃN, PHÁT NGÔN BỪA BÃI, GÂY HOANG MANG, MẤT ĐOÀN KẾT NỘI BỘ”. Sau ý kiến anh Khuê, anh Chính lại thúc giục. Rồi cũng có một vài người đứng lên. Nhưng họ cũng chỉ đưa ra những dẫn chứng tôi đã nói như thế này, ở chỗ nọ, chỗ kia, chứ nội dung không có gì khác với ý kiến anh Khuê. Cuối cùng anh Phạm Chính đứng lên đọc “Quyết định” của cơ quan, kỷ luật thải hồi tôi, vì những lỗi lầm như anh Khuê đã nói.
Cuộc họp kết thúc. Anh Phạm Chính đưa bản “Quyết định” cho tôi, và mấy tờ giấy bạc, tôi đóng tiền ăn tháng ấy chưa dùng hết. Như một cái máy vô tri, tôi bước ra ngoài phòng họp, tự nhiên lại ngồi vào bàn ăn ở nhà ăn tập thể. Tôi có định đi ăn đâu. Thói quen đã khiến tôi bước theo mọi người mà đến đây, chứ lòng đau, miệng đắng, thì làm sao mà ăn được!
Tôi quay ra, đi thu dọn hành trang. Mà tài sản của tôi nào có gì nhiều nhặn đâu, vài ba bộ quần áo, cái ca uống nước, bàn chải răng, khăn mặt. Lúc tôi đeo ba lô bước ra ngoài sân, thì đang giờ nghỉ trưa, cả cơ quan im phăng phắc, không một âm thanh, không một bóng người. Chắc mọi người - cả các bạn thân của tôi – đang yên giấc ngủ trưa!
Tôi đang đi, bỗng thấy tiếng gọi: “Anh Chỉnh ơi!”. A…thế ra vẫn có người còn thức! Đó là người phụ nữ quê hương ở mãi miền Nam xa xôi, theo chồng ra đây tập kết. Chị là vợ hoạ sỹ Trần Viết Lý, người đã vẽ phông đám cưới cho tôi. Từ gốc cây giâu gia đi ra, chị nhìn tôi đầy vẻ ái ngại: “Anh đi đấy à? Thật tội nghiệp! Mạnh giỏi nghen!”. Chị là người duy nhất tiễn biệt tôi. Đã lâu tôi không khóc, giờ thấy mắt chị tràn đầy ngấn nước, bỗng mắt tôi lệ cũng tràn ra hàng hàng trên má. Tôi chào chị rồi bước nhanh ra ngoài ngõ. Chẳng biết do ai báo mà vợ tôi lại đến cơ quan Văn hoá giữa lúc ấy. Nhưng không vào trong nhà như mọi lần, nàng đứng đợi tôi bên ngoài tường rào. Tôi nắm chặt tay em, bao khổ đau chồng chất bỗng vợi đi. Chúng tôi lặng lẽ đi bên nhau. Ngoài kía trên bãi biển sóng dội ầm àm. Tôi thấy đời mình cũng như biển, chẳng mấy khi ngừng sóng gió. Nhưng tôi không thể gào lên như biển. Biển ơi! Xin cho tôi gửi lời!.../.
 
                                                        Uông Bí, tháng Ba, năm 1998
                                                            Viết xong ngày 12/9/200
                                                            (Trung thu năm Canh thìn)
                                                                      Tạ Hữu Đỉnh
     
 
 
 


                       

Chương VII
MỘT NHÂN HAI QUẢ  
Cải cách ruộng đất được coi là một cuộc Cách mạng “Long trời lở đất”, ở nước ta xưa nay chưa từng có bao giờ, nhằm xoá bỏ chế độ chiếm hữu ruộng đất bất công của giai cấp địa chủ phong kiến, đem ruộng đất chia cho nông dân, thực hiện khẩu hiệu: “Người cày có ruộng”, xoá bỏ tận gốc chế độ người bóc lột người, giải phóng sức sản xuất, thiết lập quan hệ sản xuất mới ở nông thôn, văn minh hơn, tiến bộ hơn. Ta là nước nông nghiệp, nên đương nhiên cuộc Cách mạng ấy có quy mô rộng lớn trong phạm vi cả nước, đồng thời nó cũng trực tiếp ảnh hưởng một cách sâu sắc đến toàn bộ đời sống xã hội.
Nhưng lúc bấy giờ miền Nam chưa được giải phóng. nên mới cải cách ở miền Bắc.
Được đi cải cách ruộng đất là một vinh dự, rât đáng tự hào cho mỗi cá nhân, trong các lực lượng vũ trang cũng như cán bộ các ngành, các cấp, không kể gì chức vụ cao hay thấp, người trong hay ngoài Đảng. Đảng và Nhà nước còn chú trọng đặc biệt cho các văn nghệ sỹ, các nhà khoa học, hay nói chung là các cán bộ tri thức, không xuất thân từ thành phần cơ bản, được đi để “Công Nông hoá”, để củng cố lập trường quan điểm của họ. Còn đối với những người ở tầng lớp trung gian “Tiểu tư sản” như tôi, thì niềm vinh dự ấy càng nhân lên gấp bội.
Như vậy cải cách ruộng đất cũng như một mũi tên nhằm cả hai đích. Hay nói một cách khác là một nguyên nhân, nhưng thu được hai kết quả: Người cày có ruộng, và cải tạo, giáo dục cán bộ của Đảng và Nhà nước.
Sau hơn hai tháng đi học Lớp cải cách ruộng đất về, tôi được anh Khuê gọi lên phòng Giám đốc nhận nhiệm vụ mới. Anh nguyên là cán bộ được Bộ Văn hoá cử xuống tăng cường cho tỉnh từ sau ngày tiếp quản khu mỏ. Sau một thời gian công tác, Bộ mới chính thức bổ nhiệm anh làm Giám đốc Sở Văn hoá khu Hồng Quảng. Anh Nguyễn Hữu Tân, nguyên Trưởng Ty Thông tin tỉnh Quảng Yên cũ làm Phó Giám đốc. Tỉnh rút anh Trần Quốc Lân về Ban Tổ chức, anh Thanh Lương về Ban Tuyên giáo.
Anh Khuê khoảng trên dưới bốn mươi tuổi, người nhỏ nhắn, da trắng như con gái. Anh rất nghiêm túc trong công việc, và cả những lúc nghỉ ngơi chuyện trò với cấp dưới, anh cũng giữ gìn chừng mực, trên dưới phân minh. Người ta thường chỉ đỏ mặt khi có điều gì đáng xấu hổ, riêng anh lúc vui cười mặt cũng đỏ lên như quả hồng ương. Có lẽ anh cho rằng, cười cũng có thể bị người ta cho là thiếu nghiêm túc, đáng xấu hổ chăng?... Anh bắt tay tôi rất chặt, mời ngồi, rồi nói ngay vào công việc:
-       Tôi rất mừng báo để anh biết, lãnh đạo Sở vừa quyết định cử anh đi cải cách ruộng đất đợt này, cùng với anh Chính. Nhưng nhiệm vụ của anh không phải là làm anh đội viên Đội cải cách, mà là nhiệm vụ của một phóng viên nhiếp ảnh. Cũng như trong kháng chiến, các phóng viên nhiếp ảnh đi theo bộ đội ra mặt trận vậy.
Bỗng một cơn gió mạnh từ ngoài Vịnh thổi vào, đẩy cánh cửa phòng Giám độc khép lại, làm bay mấy tờ giấy xuống đất. Tôi đứng lên đẩy cửa ra, và móc chốt ghim lại. Anh nhặt mấy tờ giấy, lấy cục than đá chặn lại và nói tiếp:
-       Anh chuẩn bị thảo một đề cương cho tập ảnh phóng sự đi! Phải bám sát từng bước đi, ghi cho thật đầy đủ mọi diễn biến của cuộc đấu tranh cải cách, để làm tài liệu lưu trữ lâu dài cho tỉnh, và sau khi cải cách thắng lợi sẽ đem ra triển lãm. Trước khi chuyển ý, anh ngừng lời, suy nghĩ một lát rồi nói:
-       Sở tin tưởng và rất mong anh cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Anh tươi cười và nhìn sâu vào mắt tôi như dò hỏi xem tôi có làm được không? Gương mặt anh lại đỏ lên, hai làn môi mỏng vẫn hé mở tươi cười, chờ đợi. Tôi lặng người đi vì bồi hồi, sung sướng, nghĩ đến ngày ảnh của mình được trưng bày trong phòng triển lãm, cùng ảnh của các phóng viên có tên tuổi ở Trung ương. Anh Khuê lại nới tiếp:
-       Nếu có khó khăn, hay cần đề đạt gì, anh cứ trực tiếp trao đổi với tôi, hay anh Chính cũng được.
Trước đây cơ quan đã có một số người được đi cải cách ruộng đất. Phần lớn họ đều là đảng viên, trưởng phó các Phòng Ban, hay trưởng phó Đoàn văn công. Việc họ được đi, nhiều lúc đã khiến tôi cảm thấy chạnh lòng. Giờ tôi cũng được đi, tức là mình cũng được tín nhiệm như họ, khiến tôi vui mừng. Hơn nữa chưa bao giờ tôi được làm một tập ảnh phóng sự có quy mô to lớn, và nội dung quan trọng như vậy. Vừa mừng, vừa lo, nhưng tôi rất háo hức, muốn tỏ rõ sức mình. Tôi hăng hái hứa sẽ quyết tâm làm tròn nhiệm vụ, và hỏi anh Khuê:
-       Thưa anh, chúng tôi sẽ xuống Đoàn nào ạ?
-       Đoàn Hai. Đoàn này phụ trách hai huyện Thuỷ Nguyên và Yên Hưng. Nhưng mà này…quê cậu ở Thuỷ Nguyên phải không? Trong thời gian đang cải cách, anh không được phép về nhà đâu. Đây là nguyên tắc và cũng là mệnh lệnh đấy.
Anh bắt tay tôi, kết thúc cuộc gặp. Tôi xuống cầu thang, vừa đi vừa nghĩ: Các ông ấy để phòng xa quá. Gia đình tôi chỉ có hai mẫu ruộng và một con trâu. Sau khi mẹ chúng tôi qua đời, hai anh tôi chia nhau cày cấy. Đến phú nông cũng chưa đủ tiêu chuẩn, chứ nói gì đến địa chủ mà phải đề phòng. Chỉ có phần nào đáng ngại là thời Pháp thuộc, bố tôi làm lý trưởng. Nhưng ông đã qua đời rồi, chẳng lẽ người ta lại đem cả người chết ra mà đấu tố hay sao?...
Thông qua anh Vũ Khuê bản đề cương, và chuẩn bị mọi thứ xong xuôi, tôi cùng anh Phạm Chính lên đường. Tôi đem theo hai mươi cuốn phim “:Kodak”, và chiếc máy ảnh “Rôlây”. Loại máy từ lâu đã nổi tiếng trong làng nhiếp ảnh thế giới, và cũng là niềm mơ ước, khát khao của tất cả những “Anh phó” nghèo như tôi. Tôi được dùng chiếc máy này, không phải do tiền của cơ quan bỏ ra mua. Cơ quan tôi lúc bấy giờ làm gì có nhiều tiền thế. Đây là máy “chiến lợi phẩm”. Khi vào tiếp quản, ta thu giữ của một cơ quan Lãnh sự, mà nước họ không có quan hệ ngoại giao với nước ta.
Chúng tôi đi xe đạp. Bấy giờ là tháng tư dương lịch. Đã cuối  mùa xuân rồi, nhưng những hạt mưa xuân vẫn ướt đầm từng ngọn cỏ, lá cây. Suốt mùa đông dài dằng dặc, khí âm lạnh giá, tối tăm. Sang mùa xuân khí dương ấm áp sáng trong. Và dương khí đến lúc này đã đủ thời gian để thấm nhuần vào muôn vật, thúc đẩy mọi sự nẩy sinh. Từ đồng lúa, bờ tre, hàng cau. khóm chuối, đến con người, con vật, tất cả đều bừng lên, vươn lên, xinh tươi và tràn trề sức sống. Chúng tôi cũng vậy, hai anh em đạp xe đường trường mà không thấy mêt.
Anh Chính có xe riêng. Chiếc “Lanh côn” vừa chắc chắn, bon, lại vừa hào nhoáng. Tuy là trưởng Phòng Văn nghệ, nhưng lương anh cũng chẳng đáng là bao. Nghe đâu chị Trầm, vợ anh, là con cháu nhà tư sản nước mắm “Vạn Vân” ở Cát Hải. Sau ngày hoà bình, được tự do đi lại, chắc gia đình cũng chi viện ít nhiều, nên anh mới có chiếc xe đạp ấy. Người anh cao lớn, chân tay khuềnh khoàng, mặt vuông, má hóp, miệng rộng, môi dầy, hai khoé mép cong ve lên, nét mặt khô như ngói, chẳng có biểu cảm gì, trừ những lúc vui, anh ngoác miệng ra cười thoải mái. Xe tốt, sức  khoẻ có thừa, anh phóng đi như bay, khiến tôi không sao theo kịp. Thỉnh thoảng anh ngoái lại cười: “Nhanh lên chứ! Thanh niên chưa vợ mà sao chậm thế?”.
Tôi đạp chiếc “Meciê” mầu vàng, mà hai năm trước nó đã cùng tôi rong ruổi trên quốc lộ số Năm về Hà Nội, Nhưng bây giờ nó đã xuống cấp, cũ kỹ, méo mó, xộc xệch, nước sơn bong tróc lỗ chỗ đầy mình như con ngựa già ghẻ lở. Mỗi lần chân tôi nhấn mạnh xuống bàn đạp, nó lại kêu rít lên như quá đau đớn, khổ sở. Nhưng cũng chỉ chồm lên phía trước được một chút, rồi nó lại lừ đừ, thủng thẳng như nhà hiền triết, vừa đi vừa suy ngẫm về cái thời xa xưa oanh liệt của mình! Từ trước đên nay, có lẽ cũng không ai biết, nó đã cùng với bao nhiêu người, trải qua bao nhiêu con đường thiên lý? Chỉ biết, khi xong việc trở về, người ta lại quẳng nó ra gốc cây giâu gia, ở trước cửa cơ quan, rồi ai cần đi thì lại ra đấy lấy, cả năm không lau chùi, không dầu mỡ gì. Cũng như thời xưa người ta chơi đu, hết xuân “Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không!” vậy (Hồ Xuân Hương). Không! Công bằng mà nói thì “con ngựa già” nay cũng chưa đến nỗi bị đối xử như “cây đu”. Khoảng vài ba tháng, cũng có thể có một đôi lần chú Suý, liên lạc của Phòng hành chính, dắt nó ra bể, té cho vài xô nước, hoặc sơ qua vài nhát chổi. Thế là xong. Của công ấy mà!
Đoàn Uỷ Hai đóng tại trụ sở Uỷ ban Hành chính huyện Thuỷ Nguyên. Trước khi Đoàn cải cách về, theo quyết định của cấp trên, các cán bộ của Huyện Uỷ và Uỷ ban không thuộc thành phần cơ bản, đều được điều đi công tác xa. Số còn lại chuyển xuống Núi Đèo, làm việc tạm ở nhà dân.
Trụ sở này vốn là huyện đường của nhiều đời quan huyện, từ thời Pháp thuộc còn lại. Những năm kháng chiến, bọn Nguỵ quyền chiếm đóng cũng không xây dựng gì thêm. Ô đất vuông vắn khá rộng, có tường bao quanh. Ngoài chân tường còn có hào nước sâu để phòng thủ, như kiểu một quân doanh thời cổ, còn đánh nhau bằng giáo mác vậy. Ở chính giữa ô đất quay mặt ra cổng, phía Nam là ngôi nhà một tầng, xây theo kiểu nửa Tây nửa ta, và gần như vuông. Hai bên, phía Đông và phía Tây là các ngôi nhà phụ. Chắc cái “Công đường” mà ngày xưa bố tôi vẫn nhắc đến mỗi khi lên huyện về, là ngôi nhà vuông này đây. Tưởng nó đồ sộ và oai nghiêm thế nào kia, chứ hoá ra cũng chẳng có gì đặc biệt. Nếu không có cái tiền sảnh, và hai bên hành lang, thì nó đã thành ra ngôi nhà bé nhỏ và tầm thường rồi.
Hai anh em tôi được bố trí vào bộ phận Tuyên huấn của Đoàn uỷ, cùng với một số phóng viên đài, báo Trung ương và địa phương. Các Đội cải cách đã xuống xã và đang thực hiện bước Một. Bước “Thăm nghèo, hỏi khổ, ba cùng” với nông dân. Tức là cán bộ đội cùng ăn, cùng ở, cùng làm, đi sâu, đi sát những người nghèo khổ, để phát động tư tưởng họ, làm chỗ dựa cho họ vùng lên đấu tranh.
Hôm sau.
Khi lên văn phòng Đoàn uỷ về, anh Phạm Chính đưa giấy giới thiệu cho tôi và bảo:
Cậu có thể xuống bất cứ Đội nào cũng được, tuỳ ý. Nhưng không phải “Ba cùng” đâu. Là cán bộ nghiệp vụ chắc anh hiểu. Anh xuống các Đội nghe nông dân kể khổ để tìm nhân chứng, vật chứng điển hình…      
Thế là từ hôm ấy “con ngựa già Meciê”, vừa tận tuỵ, vừa trung thành đã cùng tôi lóc cóc đến các thôn cùng xóm vắng. Tôi đã được nghe không biết bao nhiêu người kể khổ, đã thấy không biết bao nhiêu dòng nước mắt của những cuộc đời lầm than cơ cực. Và chắc rằng cũng không phải chỉ bây giờ, trong cuộc đấu tranh sôi sục này họ mới khóc, mà cùng với thời gian lâu dài của lịch sử, nước mắt và mồ hôi của những người nghèo khổ đã tràn đầy như suối như sông!
Về “Vật chứng”, tôi đã chụp những túp lều tiều tuỵ, rách nát, mái thủng, vách mòn, xiêu vẹo như cái lều vịt, hay như nhà của những người dân tộc “Cùa”, còn sinh sống bằng nghề “lượm hái thời nguyên thuỷ”, ở trên những dẫy núi đã cao vút, mù sương miền Tây Bắc mới còn ở. Những chiếc áo tơi, lá cuồi đã cùn mòn, chỉ che được nửa lưng, mà người nông dân vẫn dùng để che nắng, che mưa, và cả để chống chọi với gió rét nữa. Có gia đình tài sản hầu như chẳng có gì, ngoài cái cuốc cùn gần đến óc, và mấy cái niêu đất. Bây giờ cơm niêu đã trở thành “đặc sản”, và cả “đặc mốt” ở các nhà hàng nơi đô thị. Nhưng những cái niêu tôi kể đây, không phải là cơm niêu, mà là cái niêu đã hai mươi năm tuổi cùng tồn tại, gắn bó với người nông dân nghèo ở xã Hiệp Hoà. Mới nghe tưởng như chuyện đùa. Nhưng nhờ chính ông chú ruột tôi có cái niêu cũng xấp xỉ tuổi như vậy, nên tôi mới tin là sự thật.
Về “Nhân chứng”: Tôi đã được chứng kiến những cảnh tượng thê thảm của trận đói lịch sử năm 1945 ở Hà Nội. Nếu đem so những người nông dân nghèo bây giờ với những người ăn mày năm ấy, thì chẳng khác là bao. Cũng những gương mặt tóp teo, rầu rĩ, những thân hình gầy còm, vàng vọt. Họ chỉ hơn những người trong trận đói là không cầm cái ống bơ, hay cái bát mẻ đi xin ăn mà thôi. Cũng những bộ quần áo vá chằm vá đụp, mụn nọ chồng lên mụn kia, không còn thấy đâu là nền vải lúc mới may. Nó giống như cái vỏ chăn “tiết kiệm” thời bao cấp, người ta chắp các mẩu vải vụn, đủ các mầu mà may thành vậy. Có những cuộc họp “Kể khổ”, mấy chục người  mà không thấy ai mặc một tấm áo lành. Đã đành rằng đi kể khổ thì mặc áo vá là phù hợp rồi. Nhưng cũng xin đừng nghĩ là họ xu thời. Vì chắc chắn chẳng có ai lại “vá áo lành” để mặc đi tố khổ?
Ôi chao! Kể về nỗi khổ của nông dân nước ta, thì không bao giờ hết. Cũng như tát nước biên Đông thì chẳng bao giờ vơi cạn. Tôi đem đi hai mươi cuốn phin, chứ nếu đem hai trăm cuốn cũng không thể nào chụp xuể. Tôi còn nhớ có nhà văn nào đó ngày xưa đã kêu: “Nhà văn An Nam khổ như chó”. Vâng. Nhà văn là người có học hành, có chữ nghĩa mà còn khổ như chó, thì người nông dân khổ như con gì? Nếu so sánh có phần xược một chút, thì quả thật con chó của nhà giầu, về mặt nào đó cũng còn hơn cả người nghèo!
Vậy vì sao lại có kẻ giầu người nghèo? Trong các buổi học tập trước đây, cũng như thời gian đi học cải cách ruộng đất vừa qua, các học viên chúng tôi tranh luận thường hói nhau như vậy, để tìm nguyên nhân, Có ý kiến đã đi ngược về quá khứ lịch sử, từ lúc con người mới biết gieo trồng, bỏ việc “lượm hái” tự nhiên, để khẳng định rằng, từ những nhát cuốc đầu tiên vỡ đất ấy, đã có sự chênh lệch khác nhau, giữa người khoẻ - người yếu, người chăm - người lười, người khôn - người dại. Và do vậy mà kết quả lao động đã có người nhiều, người ít. Nghĩa là từ lúc khởi đầu ấy đã có kẻ giầu người nghèo rồi. Đó là chưa kể đến những nguyên nhân khác, có tính khách quan, may rủi như ốm đau, thiên tai, địch hoạ. “Thuỷ hoả đạo tặc” v..v…
Có ý kiến lại cho rằng: Tất cả những nguyên nhân trên cộng lại, cũng chưa tác động đễn xã hội nghiêm trọng bằng những cuộc chiến tranh giữa các “Bộ lạc” đã xẩy ra cùng lúc bắt đầu có kẻ giầu người nghèo. Kẻ chiến bại bị bắt làm nô lệ, tài sản đất đai của họ bị kẻ chiến thắng cướp đoạt. Do vậy mà xã hội loài người đã sinh ra giai cấp phong kiến, rồi bọn đế quốc thực dân áp bức, bóc lột người lao động. Vì thế nên mới có kẻ giầu người nghèo.
Để tạo lập ra một xã hội công bằng, Đảng và Nhà nước ta đã phát động cuộc đấu tranh cải cách ruộng đất ở các vùng giải phóng. Và bây giờ đến khu vực cuối cùng, mà chúng tôi đang phục vụ đây.    
Cuộc cải cách đang chuyển sang bước Hai rồi. Bước quyết định số phận của giai cấp áp bức, bóc lột.
Nhưng đối tượng của cuộc đấu tranh cách mạng này, không giống như kể thù ngoại bang xâm lược. Chúng sống chung với dân, lẫn vào hàng ngũ những người lao động. Để tìm ra chúng, nhận được mặt, gọi được tên chúng, ta phải dựa vào kinh nghiệm của người đi trước. Ta cử cán bộ sang nước bạn, học hỏi kinh nghiệm của bạn, rồi về tiến hành cái cách thí điểm. Như đợt cải cách mở màn ở Đồng Bẩm, Thái Nguyên.
Từ những kinh nghiệm của bạn, và thực tế thí điểm của ta, đúc kết thành lý luận, thành tiêu chuẩn để quy định: Địa chủ, phú nông, trung và bần cố nông. Rồi mở lớp huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ, xong mới tung lực lượng ấy đi cải cách các nơi tiếp theo. Và kinh nghiệm của bạn cũng như ở địa bàn thí diểm đã chỉ ra rằng: “Cứ một trăm hộ nông dân, thì có năm hộ là địa chủ”. Còn về tình hình đảng phái phản động ở nước ta, cũng giống như nước bạn. Giảng viên lớp cải cách ruộng đất chúng tôi học, đã đan hai bàn tay vào nhau, nói: “Vùng ta, trước là khu vực tập kết ba trăm ngày của địch, nó như cái túi dồn đọng tất cả cặn bã của xã hội. Các tổ chức cơ sở của ta ở nông thôn, đều bị bọn Quốc dân đảng cài vào như cài răng lược. Cho nên về địa phương, Đội cải cách phải bắt giam Bí thư và Chủ tịch lại, có thế mới phát động được tư tưởng của quần chúng đứng lên đấu tranh”.
Có lẽ vì những kinh nghiệm có tính chất “giáo điều” của bạn, và những nhận định “quá tả” của ta, cho nên dẫn đến hậu quả là nhiều cán bộ chủ chốt ở địa phương đã bị xử lý oan trong cải cách, Cũng như nhiều gia đình nông dân đã bị quy sai thành phần. Từ phú nông, thậm chí từ trung nông cũng thành ra địa chủ.
Thực ra về cuộc đấu tranh giai cấp trên mặt trận chính trị, tư tưởng ở nước ta đã được mở ra từ những năm đẩu của thập kỷ năm mươi. Sau chiến dịch Cao Lạng thắng lợi, biên giới nước ta với nước láng giềng được khai thông, ta đã mở những lớp chỉnh huấn, chỉnh quân, nhằm cải tạo tư tưởng, nâng cao tinh thần chiến đấu và phẩm chất cách mạng của lực lượng vũ trang, cũng như cán bộ các ngành các cấp. Tất cả những tư tưởng, hành động  sai trái với yêu cầu và lợi ích của cách mạng đều bị phê phán, bị coi là tư tưởng “phi vô sản”. Nhưng phải đến thời gian cải cách ruộng đất, thì vấn đề thành phần giai cấp mới thật sự trở nên quan trọng. Người có thành phần cơ bản được chú ý đào tạo, được kết nạp Đảng, được cất nhắc, đề bạt, và quý trọng gần như một kiểu tôn vinh. Trái lại, người ở các tầng lớp trên, dù đã đi theo Cách mạng, đã cống hiến cả của cải, tài năng và trí tuệ cho kháng chiến. Nhưng cũng không được tin cậy và sử dụng như trứơc nũa. Mặc nhiên, những người này trở thành một thư công dân hạng hai, hạng ba. Thậm chí, không ít trưởng hợp đã bị thành kiến, hoặc nghi ngờ đẩy ra ngoài biên chế.
Vì thế cho nên mới sinh ra những kẻ cơ hội, khai man thành phần để trục lợi. Và mới có chuyện: Ông cán bộ lãnh đạo một ngành của tỉnh, khi đi cải cách lại chỉ là đội viên của ông Đội trưởng, vốn là nhân viên cũ của mình. Anh ta được đề bạt làm Đội trưởng là nhờ thành phần bần nông, và đợt đi cải cách trước có thành tích.
Nhưng theo luận điểm biện chứng của các nhà triết học, thì chẳng có gì là vĩnh viễn, không thay đổi. Cũng như theo quy luật tự nhiên, có “Sinh” tất có “Hoá”. Bây giờ nhìn nhận và đánh giá về con người, người ta không mấy chú ý đến thành phần nữa. Có lẽ “Cô Hoa hậu thành phần” đã bước vào tuổi già, nên ít được ngưỡng mộ chăng?
 
***
 
Thuỷ Nguyên có hai tên địa chủ lớn nhất nhì trong toàn huyện: Phán Đạt và Hậu Tuất. Chỉ riêng Phán Đạt ở Lập Lễ đã chiếm hơn một nghìn mẫu ruộng. Đồn điền của y thẳng cánh cò bay. Ngày hoà bình lập lại, miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa, nhà thơ Tế Hanh đã viết:
“ Nông trường ta rộng mênh mông
Trăng lên, trăng lặn cũng không ra ngoài”…
Cái đồn điền này có lẽ cũng đúng như vậy. Trăng lên, trăng lặn cũng không ra ngoài.
Thời Pháp thuộc. Đạt vốn là tên thông ngôn, làm thuê cho một tên quan người Pháp ỏ Hải Phòng. Lập Lễ lúc bầy giờ còn là đất bãi bồi hoang hoá. Tên quan thực dân ấy bỏ tiền ra mộ phu, chiêu dân lập ấp, đắp đê, khẩn hoang rồi thành ra đồn điền này. Cùng dòng máu và giống nòi, tên quan thực dân này cũng  như tên Ray, Chánh mật thám Sở than Bắc Kỳ và phần lớn đồng bọn của chúng: Thích lấy vợ người bản xứ. Hắn có ngờ đâu thằng đầy tớ “trung thành”của hắn lại học được ngón nghề của lão “lái buôn” lừng danh thời tiền sử: Lã Bất Vy buôn vua. Còn Đạt, nó buôn tình! Thằng đầy tớ ăn nàm với “bà chủ”. Mụ me tây hơn nó hơn mười tuổi. Rồi hai đứa đồng mưu đánh thuốc độc cho tên thực dân chết. Thế là cả vợ lẫn cái cơ nghiệp đồ sộ này nghiễm nhiên thuộc về tay Phán Đạt.
Khi đã thành một điền chủ cỡ bự rồi, Đạt tha hồ ăn chơi trác táng. Và thằng đại bợm ấy cũng “nay Hàng Thao, mai Phố Giấy” như ai. Khi chán các Ả đào sành sỏi ở quán bà Mau Hải Phòng, y lại về huyện nhà, với các nàng thôn nữ ngây thơ, trong trắng ở Đông Môn, một làng có truyền thống hát ca trù nổi tiếng. Sau Y cưới một kỹ nữ tài sắc nhất làng nghề về làm vợ lẽ, và xây dựng cho thị một cơ nghiệp riêng ở bên Kiến Thuỵ.
Cuối năm 1946, quân Pháp gây hấn, đánh chiếm Hải Phòng, Đạt thân chinh cùng thuộc hạ chở một thuyền gạo và lợn gà tiếp tế cho giặc Pháp. Bị ta bắt, nhưng y trốn thoát. Chạy về Kiến Thuỵ ở với vợ lẽ, y lại cầm đầu bọn Quốc dân đảng phản động, chống phá lực lượng kháng chiến rất quyết liệt. Nhưng cuối cùng y đã bị quân ta tiêu diệt cùng đồng bọn.
Này hoà bình, vợ con tên địa chủ phản động này đã theo chân quân Pháp vào Nam.
Tôi đến Lập Lễ chụp ảnh dinh cơ của Phán Đạt. Không! Có lẽ phải gọi đây là khu “dinh thự” thì mới đúng. Trong một khuôn viên rộng lớn hàng hecta đất trồng cây ăn quả, nàm bên cạnh con sông Bạch Đằng lịch sử, được xây tường bao chung quanh. Một chiếc cổng lớn với ba cửa đi, cánh gỗ lim dầy. Cửa giữa rộng, dành cho xe ô tô chủ. Cửa nhỏ hai bên dành cho người đi bộ. Trên gác cổng, là chòi canh, đề phòng trộm cướp. Khoảng giữa khuôn viên, mọc lên san sát những tầng lầu nguy nga, cao thấp. Nhà xây theo kiểu Tây, có hành lang rộng đi chung quanh, và các mái vòm “Gôtich” cao vút. Có nhà làm theo kiểu ta, gỗ lim, lợp ngói mũi hài, các đầu cột, thanh xà, gót bẩy đều chạm khắc rồng phượng, chim muông, hoa lá, công phu, lộng lẫy như một ngôi đình. Có nhà của chủ ở, nhà dành riêng để tiếp khách, nhà cho kẻ hầu người hạ. Rồi đến các dẫy nhà kho, và các chuồng trại chăn nuôi, nối nhau liên tiếp.
Chỉ nhìn cái cơ nghiệp bỏ lai này cũng đủ thấy cuộc sống vương giả của bọn bóc lột người. Đồng thời cũng thấy sự tương phản gay gắt với cuộc sống của những người đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt làm giầu cho chúng. Dưới mái hiên nhà Phán Đạt, những khóm hồng nhung vẫn nở hoa, đỏ tươi và thơm ngát. Trước cái sân gạch rộng mênh mông, hàng dừa xanh mướt vẫn trĩu quả. Người đi, hoa nở rồi tàn đã đành. Nhưng còn những buồng dừa, quả tươi mơn mởn kia, nông dân ở quanh đây sao không ai dám hái? Hay chúng vẫn còn chân tay cài lại để bí mật trông coi? Có thể lắm. Khi rút đi, bọn phản động đã từng tung tin: “Rồi sẽ đem quân ra chiếm lại miền Bắc”. Thật là hão huyên! Nhưng suy cho cùng thì xưa nay đã mấy ai ra đi mà chẳng tưởng sẽ có lúc trở về.
Còn Hậu Tuất, về mặt chiếm hữu ruộng đất, Tuất không bằng Đạt. Tuy nhiên chỉ riêng làng Lôi Động, y cũng chiếm hơn một trăm mẫu, còn xâm canh các làng khác chưa kể. Nhưng về mặt “cường hào, ác bá”, thì tên này nổi trội hơn Phán Đạt nhiều.
Người ta gọi Hậu Tuất là gọi cả tên y lẫn phẩm hàm. Tuất làm Chánh tổng, cai quản tám xã tổng Hoàng Pha. Trong nhà y bao giờ cũng nuôi năm sáu tên võ biền, đầu trâu mặt ngựa, làm tay sai giữ của, đi thu nợ, bắt tô, và bảo vệ Chánh tổng, mỗi khi y đi công cán. Bản tính Tuất rất hà khắc và tàn bạo, mỗi khi phát hiện thấy điều gì trái ý là y liền ra lệnh cho bọn “khuyển mã” thẳng tay đàn áp, bắt bớ. Có người chỉ vớt mấy con cá chết nắng ở ruộng y mà cũng bị bắt, và bị đánh đập cho đến chết, chứ nói gì đến những người đã bị y nghi là hoạt động cộng sản.
Vì mẫn cán trong những hành vi bạo ngược như vậy, nên Tuất được quan trên tin cậy. Từ một viên chức ở bậc cuối cùng là “Cửu phẩm”, y được nhấc lên “Bát phẩm”, rồi đến “Thất phẩm”, chỉ kém quan huyện có một bậc. Nhưng y được hàm “Hậu bổ”. Tức là nếu ở đâu đó khuyết một chân quan huyện, thì y sẽ được bổ nhiệm đến thay thế. Và thực tế đã có thời gian Hậu Tuất được bổ nhiệm làm quan Tri Châu, Châu Hoành Bồ. Song  “tri”  mà không biết, vì quá dốt nát nên tại vị chẳng được bao lâu, y phải xin bãi chức.
Tục ngữ nói: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” Quả là không sai. Thằng con kế nghiệp của Hậu Tuất, đang tuổi tráng niên, bỗng lăn ra ốm. Phải thuốc thang chạy chữa khắp nơi. Y mời đốc tờ Tây ở tỉnh về, lại đón cả thầy lang ta nổi tiếng “thần y “ đến. Và rồi “Vừa cúng ma, vừa tra thuốc”. Ở đâu có đền linh miếu ứng y đều sai người đến cầu xin, cúng khấn. Cúng cả chín phương trời, mười phương đất. Nhưng bệnh tình vẫn ngày càng trầm trọng. Cuối cùng vì ngu dốt và hợm của, y sai mài vàng nén, và đốt cả những tờ giấy bạc năm trăm đồng Đông Dương, lấy gio hoà nước cho con bệnh uống. Kết quả là đứa con kế nghiệp của y chết. Rồi chẳng bao lâu lại đến lượt y. Người ta bảo: “:Ác giả ác báo”!
Nếu có cái chết được coi là một điều may, thì có lẽ đúng với trường hợp của cha con Hậu Tuất. Y chết trước Cách mạng tháng tám. Nếu còn, chắc chắn y sẽ bị các “khổ chủ” đòi nợ máu.
Đứa con thứ hai của Hậu Tuất tên là Nghị được kế nghiệp. Khi quân Pháp đánh chiếm Thuỷ Nguyên, lại theo gương cha ôm chân đế quốc. Nghị ra làm Quận trưởng bù nhìn. Song y là đứa có học hành hơn, và không đến nỗi hung bạo như cha hắn trước. Ta đã cử cán bộ đến trực tiếp tuyên truyền, giác ngộ. Nghị cũng nhận giúp đờ Chính quyền kháng chiến, và y đã làm được một số việc. Nhưng ngày hoà bình, Nghị vẫn đem cả gia đình theo quân Pháp vào Nam.
 
***
 
Để tập ảnh phóng sự trong tương lai được đầy đủ hơn, một hôm tôi xuống Đội cải cách xã Thuỷ Đường, chụp dinh cơ một địa chủ thường. Tức là loại địa chủ không phải là “cường hào, ác bá”, không có “nợ máu” với nông dân, Khi xong việc, tiện đi qua đình làng, vốn yêu thích các công trình kiến trúc cổ, tôi ghé vào xem. Trong đình lúc ấy có một số thanh niên nam nữ đang xúm xít quanh chiếc bàn, nói cười ầm ĩ. Nghe họ, tôi đoán chắc là dân quân, hay thanh niên “cốt cán”, đang phân công nhau đi canh gác. Biết họ chẳng họp hành gì quan trọng, tôi cứ tự nhiên vào xem đình.
Năm gian đình dài rộng, mà toang hoang chẳng còn một tấm cửa nào. Cả câu đối, đại tự, án thờ cũng không thấy. Hoàn toàn đình chỉ còn là một ngôi nhà trống trơn. Có lẽ cánh cửa và câu đôí, đại tự ở đây cũng chung số phận như hầu hết đình chùa ở các nơi khác. Người ta đã đem chúng đi xẻ lấy ván làm cầu máng lao đất đắp đê, hay đóng bàn ghế cho các lớp học. Chẳng kể gì vàng son hãy còn rực rỡ, cũng như quá khứ chưa xa, chúng vốn là những vật thiêng. Như nhà thơ Nga, Lecmôngtốp đã viết:
“Tượng thần dù đổ vẫn thiêng
Miếu thở bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ”…
Miếu ở đây không bỏ vắng mà thành phòng họp. Tượng thần thì có còn đâu mà đổ! Các nhà khoa học đã viết trong “Lịch sử tiến hoá nhân loại”: Khi con người bắt đầu có ý niệm về sự thiêng liêng, lấy cục đá hay gốc cây làm vật thờ, thì chính là lúc con người đã bước sang kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên văn hoá, văn minh. Dưới chế độ ta, ai cũng có quyền tự do tín ngưỡng, hoặc không tín ngưỡng. Nhưng huỷ hoại những công trình kiến trúc, và các đồ dùng tế tự đi, thì thật là phí hoài, vì đó là những sản phẩm văn hoá, do bàn tay và khối óc của con người sáng tạo ra.
Tôi đang nhìn ngắm, bỗng thấy tiếng một cô gái hỏi: “Ai có bút cho tôi mượn một tí nào?”. Bất chợt, tôi quay lại. Ôi! Một cặp mắt trong veo, với cặp mí cong như nửa vành trăng, đang lấp lánh nhìn tôi. Nhưng cô ta lại tỏ ra chỉ nhìn vào ngực áo, nơi tôi cài cây bút Parker. Cùng với ánh sáng của tia nhìn, là một nụ cười đầy quyến rũ và mê hoặc. Nụ cười ấy trong chớp mắt đã hút hết hồn tôi, khiến tôi loá mắt trước hai hàm răng nhỏ nhắn, đều tăm tắp, và trắng trong như hai chuỗi ngọc. Cặp môi trái tim đỏ mọng tự nhiên, mũi thẳng, và đôi má hồng sáng bừng lên trên khuôn mặt nhẹ nhàng, thanh tú. Sau mấy giây choáng ngợp, tôi định thần rút bút đưa cho cô gái: “Tôi cho cô mượn đây!”.
Quay ra, tôi lại tiếp tục xem đình. Thì cũng cứ gọi là “xem”, chứ thực ra tôi còn đầu óc đâu mà nghĩ đến đình chùa gì nữa. Hồn vía tôi, dường như đã bị ánh mắt và nụ cười của cô gái xinh đẹp kia thu hút hết cả rồi!
Một lúc sau cô cầm bút đến bên tôi, nói: “Anh cho em gửi lại”. Và lại một cái nhìn nữa. Nhưng lần này cô nhìn vào mặt tôi nhanh như ánh chớp, vừa loáng lên đã vụt tắt.
Ngày xưa, những đôi trai gái yêu nhau, lấy nhau, các cụ bảo là số phận, do “ông Tơ, bà Nguyệt” xe duyên cho họ. Vì thế nên đám cưới nào cô dâu chú rể cũng phải làm lễ “Tơ hồng”. Chẳng biết có ông Tơ, bà Nguyệt và dây tơ hồng không? Nhưng quả thực, từ lúc trông thấy cô gái, trong lòng tôi đang vấn vít, rối bời đây. Liệu có ông Tơ, bà Nguyệt nào xe duyên cho tôi không?...
Năm gian đình trống rỗng, cũng chẳng còn gi để ngắm nhìn, đi loanh quanh vô định một lúc nữa, rồi tôi cũng phải bước ra ngoài đình. Một nỗi buồn bâng khâng bỗng dâng lên xâm chiếm lòng tôi, khiến tôi không muốn bước đi, mà ở lại cũng không thể được. Thôi, thế là hết! Và cũng đành là phải hết! Tên nàng là gì, nhà cửa ỏ đâu? Làm sao mà biết được! Cuộc gặp gỡ thật bất ngờ, và nhanh chóng như một ánh sao băng, vừa sáng bừng lên đã vụt tắt. Chắc chẳng bao giờ tôi có cơ hội gặp lại được nàng!...
Tôi trở lại trụ sở Đội cải cách, để báo đã xong công việc. Trụ sở là nhà địa chủ. Cổng xây bên trái, vào cổng, lối đi bên ngoài tường hoa sang bên phải, rồi mới xuống sân. Tôi đang đi, bỗng có người từ phía sau ôm chầm lấy tôi như hổ vồ mồi. Sau cái giật mình, nhận ra người quen, tôi reo lên:
Ôi anh Động! Thật không ngờ. Anh biến đi đâu mất tăm, mà bây giờ mới thấy đây?
Câ…ậu cậu tưởng tơ…tớ sang thế giới bên kia ròi à?
Anh Động cười, hai má hóp sâu đầy nếp nhăn, hai hàm răng trắng vừa to vừa dài lộ ra gần hết. Chúng tôi quen thân nhau từ ngày còn chạy Tây đi càn, ngủ ở  rừng Vạn Yên, huyện Hoành Bồ. Ngày ấy anh là cán bộ Thông tin, phụ trách xã Việt Hưng. Tôi còn ở Công an, phụ trách thị trấn Trới và xã Lê Lợi, ở bên cạnh. Anh vui tính, và thuộc rất nhiều “Truyện tiếu lâm”. Vốn có tật nói lắp, lúc kể đến chỗ thắt nút của truyện, tiếng anh cứ ríu lại, từ nọ dính vào từ kia, nghe đến bụt đất cũng phải phì cười. Ngày tôi được về Ty Thông tin, thì anh còn ở trong vùng địch tập kết, mãi bây giờ mới gặp lại nhau. Anh Động về cải cách ở đây. Anh giới thiệu tôi với đồng đội, và giữ tôi ở lại chơi.
Tối hôm ấy chúng tôi nằm ở ngoài hiên, trên chiếc phản của nhà địa chủ. Mùa hè. Trời nóng, Nhất là cái sân đá giãi nắng suốt ngày, đêm vẫn bốc hơi hầm hập. Cây cối đứng im phăng phắc. Bầu trời trong, thăm thẳm một mầu tím sẫm, với những vì sao lưa thưa, thoi thóp sáng. Mãi khuya mới có một chút gió thoảng qua, phất phơ trên những ngọn tre rủ cong, lao xao, kẽo kẹt, và cái oi ả của đêm hè mới dần dần dịu bớt. Chúng tôi nằm lạch phạch quạt, và kể với nhau đù mọi chuyện. Cuối cùng anh Động hói tôi:
- Vậy.., vậy là cậu vơ…ẫn chưa vợ con gì à? Cái thằng…mày… mày… kén quá. Im lặng một lát, rồi anh nói tiếp: Hay là kém?
- Kém thì đúng hơn. Con gái đi đầy đường đấy, nhưng là của người ta cả, biết cô nào là của mình mà lấy? Anh hích vào sườn tôi một cái, cười khì khì:
- Hay là về đây, nếu…nếu cậu không chê gái nông thôn, thì tớ…tớ giới thiệu cho một đám?
- Thành phố hay nông thôn, ở đâu mà chẳng được. Chỉ cần tiêu chuẩn đầu tiên là đẹp. Vì vẻ đẹp của con người, chỉ có tạo hoá mới sinh ra được, còn tất cả những cái khác, con người đều có thể làm ra.
- Thế…thế thì được. Con gái Thuỷ Nguyên đẹp nổi tiếng đấy, chắc cậu cũng không lạ gì. Mình công tác ở huyện này lâu, nhiều lúc thấy của đời cũng tiếc là mình dại, lấy vợ sớm. Tớ biết ở Phục Lễ có một đứa đẹp lắm. Chưa ở đâu mình thấy có người đẹp thế. Để hôm nào thu xếp được, mình dẫn cậu đi xem mặt. Nhưng…răng đen có được không?
- Anh thử nghĩ xem, nếu Tây Thi mà răng đen, thì liệu vua Ngô có mất nước không?
- Thê…thế thì tao chịu mày. Nhưng theo mình, răng đen cũng có cái nền nã riêng của nó, ngoài cái ý nghĩa cổ xưa của các cụ lả để phân biệt vơi người Tầu. Mà “Trăm nghe không bằng một thấy”. Tớ không biết tả thế nào, nhưng vẫn tin là nếu trông thấy nó, cậu sẽ mê tít.
Hết hy vọng, tôi lặng yên, bỗng lại hình dung thấy hai hàm răng trắng như chuỗi ngọc lúc sáng…Anh Động cũng im lặng, giở mình nằm quay mặt vào trong nhà, phe phẩy quạt. Lát sau anh quay lại rì rầm nói tiếp:
- Nếu không, ở đây cũng có một đứa khá lắm, răng trắng. Nhưng để… để… tớ còn hỏi xem nó đã nhận lời ai chưa? Thôi, khuya rồi, ngủ đi!
Tôi nhắm mắt lại, nhưng nụ cười hình trái tim, và cặp mắt mí cong như nửa vành trăng lại mở ra nhìn tôi đăm đăm. Tôi thầm đoán và thầm mong người anh Động vừa nói, và người tôi đang nghĩ đến đây sẽ là một. Bất chợt tôi trút một hơi thở dài nhẹ nhõm. Thế là lại có hy vọng rôì! Ngủ làm sao được vào một đêm như đêm nay!...
Sáng hôm sau.
Chúng tôi đang ngồi uống nước với anh Tuyển, đội trưởng Đội cải cách, bỗng anh Động chạy ra ngoài hiên gọi:
- Cô Dưỡng! Cô Dưỡng ơi! Để gánh nước đấy vào đây anh hỏi cái này. Tôi cũng đứng dậy. Ơ kìa! Quả nhiên đúng như tôi dự đoán,. Người đang đi vào kia chính là nàng. Anh Động không biết là tôi đã gặp cô gái này ở ngoài đình, nên anh đánh mắt làm hiệu cho tôi hiểu: Đây là người đêm qua anh đã dự kiến.
Không ngờ lại có cuộc gặp gỡ này, hồi hộp quá, người tôi cứ nóng bừng lên. Tôi phải cố gắng lắm mới giữ được vẻ bình tĩnh, để không ai biết mình xúc động. Tôi thấy cô gái cũng xúc động chẳng kém gì tôi. Đôi má ửng hồng, cô khép nép ngồi xuống phản, hai tay ôm chiếc nón che trước ngực, như cố giấu những nhịp đập thồn thức ở trong tim. Anh Động giới thiệu tôi là bạn thân của anh, và hỏi cô đêm qua anh chị em dân quân, “cốt cán” canh gác nhà giam bọn địa chủ, có xẩy ra sự cố gì không? Nói chuyện một lát, rồi anh vào trong nhà. Chắc anh muốn để chúng tôi có dịp làm quen nhau.
Tôi tưởng cô gái sẽ đứng dậy ngay sau khi anh Động đi, như đúng ra là phải thế. Nhưng thấy cô vẫn ngồi yên. Tôi hiểu đây là cơ hội của mình. Và như có một sức mạnh huyền bí nào đã xui khiến, thúc đẩy tôi mạnh dạn hẳn lên, so với những lần trước, khi tiếp xúc với phái đẹp. Tuy không vồ vập, và cũng không rụt rè, tôi hỏi:
-       Chắc nhà em ở gần đây?
-       Vâng, nhà em chưa đào được giếng. Sáng nào em cũng sang đây xin nước. Với tôi cô tỏ vẻ rụt rè, hỏi mới nói. Và cũng có điều tôi hòi nhưng cô không trả lời, chỉ tủm tỉm cười. Trước nụ cười hồn nhiên xinh đẹp ấy, tôi không sao cưỡng lại được cái tố chất của người con trai, cũng như cái bệnh đam mê nghề nghiệp của người thợ ảnh. Chẳng kịp xin phép, hay nói cho đúng là biết: Nếu xin phép cũng chẳng được nào, tôi liền cầm máy ảnh. Cô vội thốt lên: “Đừng! Anh đừng chụp em!”. Tuy tỏ ý phản đối, nhưng cô không đứng dậy, hay nâng cái nón lên che mặt, mà vẫn ngồi yên, vẫn cười. Về phía tôi, khi cô chưa nói hết câu, thì máy đã bấm xong rồi. Lúc ấy cô mới vội vàng đứng dậy, không chào tôi, mà nói với vào trong nhà: “Anh Động ơi! Em về đây!”. Tôi nhìn theo em gánh gánh nước đầy tràn, sóng sánh, tay vung, chân nhún, chạy khuất ra ngoài ngõ. Thế là em đi rồi, nhưng hình ảnh thì vẫn còn đây, ở lại cùng tôi.
Khi tiễn chân tôi đi, anh Động nắm chặt tay tôi hỏi:
-       No…ó, no…ó đấy. Cậu thấy thê…ế nào, có được không?
Với anh bây giờ thì tôi lại ngượng, mặt nóng lên vì xấu hổ. Để lấp liếm, tôi cười và nhại lại cái giọng nói lắp của anh:
-       Đư…ơc…được, nhưng mới là hình thức, còn nội dung?
-       Cố…cố nông, cốt…cán tích cực đấy!
Thời bầy giờ, tuy thành phần không là tất cả phẩm giá của con người, nhưng ai cũng coi đó là cái quan trọng, có tính chất quyết định thành hay bại của mọi việc. Mặc dù chẳng ai nhầm lẫn giữa hai khái niệm đạo đức và thành phần, nhưng ai cũng tin người có thành phần tốt, cũng có nghiã là người ấy có đạo đức tốt.
Tôi về Đoàn uỷ. Và từ hôm ấy, Đội cải cách xã Thuỷ Đường bỗng nhiên đã thành nơi thân thuộc, khiến tôi năng đi về, lui tới.
 
***
 
Anh Phạm Chính đang chờ và mong tôi về. Anh cho biết Đội cải cách xã Kênh Giang tổ chức đốt văn tự. Ngay chiều hôm ấy tôi xuống xã Kênh Giang. Anh Chính cũng đi lấy tài liệu viết tin cho tờ “Nội san” của Đoàn uỷ.
Trên một khu đất dưới chân đồi ở gần đầu Cầu Giá, tất cả văn tự, khế ước về ruộng đất, được mua đi bán lại, hoặc nợ nần cầm cố của bọn địa chủ, đều được thu gom về đây, đổ thành một đống khá to. Có những bản từ thời còn dùng giấy dó, viết chữ nho đã ố vàng. Có bản giấy “Tây”, chữ quốc ngũ hãy còn mới. Bản nào cũng đóng triện chữ nhật, mầu tím, có chữ ký hoặc điểm chỉ.
Đó là cơ sở pháp lý, là kỷ cương, rường cột, và công bằng của xã hội, bảo đảm cho bọn địa chủ được quyền chiếm dụng không biết bao nhiêu đất đại và của cải, mồ hôi nước mắt của người nông dân. Nhìn những mảnh giấy đã một thời cha truyền con nối, được giữ gìn cẩn trọng đó, tôi lại nhớ chuyện đời ông nội tôi bị mất văn tự.
Bố tôi kể lại rằng: Ngày ấy làng tôi có mấy người cậy quyền cậy thế, họ đồng mưu thuê kẻ gian, lấy trộm ống văn tự của ông. Khi đã nắm được cái gậy “chứng lý” ở trong tay, họ bèn huy động một lực lượng tráng đinh đông đảo, mà nòng cốt là những tên đầu trộm đuôi cướp ở trong làng, đem gậy gộc, giáo mác ra đồng áp đảo đối phương, và ngang nhiên cày cấy. Không thể chống lại chúng bằng võ lực được, sau nhiều phen cãi cọ đấu khẩu diễn ra, ông tôi làm đơn kiện lên quan huyện. Thế là trúng kế của kẻ chủ mưu. Quan ngồi ở “Công đường”, nghiễm nhiên hai tay cùng nhận lễ, của cả bên nguyên lẫn bên bị. Và cuối cùng cái lý lẽ không ai có thể chôí cãi được đã thắng. Đó là văn tự ở đâu thì ruộng thuộc về bên ấy! Rốt cuộc ba năm đi kiện, lên đồn xuống phủ, ông tôi đã phải bán gần hết số ruộng còn lại để đút lót, chi phí, mà thua vẫn hoàn toàn thua. Từ đấy gia đình ông tôi trở nên khánh kiệt, phải đi cấy lĩnh canh nộp tô cho địa chủ.
Ngày ấy chắc ông tôi không thể nào tưởng tượng được đất nước mình lại có ngày hôm nay.
Đứng bên đống văn tự, có khoảng hơn chục địa chủ. Hầu hết họ đều là những người cao tuổi, mặt mũi hốc hác, nhăn nheo, bị giam cầm đã mấy tháng nay, râu tóc lâu ngày không được cắt, cạo đâm ra tua tủa. Họ sợ sệt, buồn rầu, cúi mặt nhìn xuống đất. Người đội nón mê, người phơi mái tóc bạc dưới ánh nắng chiều hè gay gắt, mồ hôi chẩy ròng ròng. Trong đó có một người đàn bà đội nón rách, cúi đầu thấp hơn cả bọn, và với dáng vẻ như người thành kính cầu xin: Đất hãy mở lòng từ bi mà nứt ra, dón mình về với đất, cho xong hết nợ đời. Nhưng nào đất có biết gì đâu. Đất vẫn lặng thinh ở dưới chân người. Hai anh dân quân vừa giải bọn địa chủ từ nhà giam đến đây, chống súng đứng bên cạnh, nhìn vào đám đông với vẻ mặt nghiêm trang và đầy hãnh diện.
Vòng ngoài là bà con nông dân, cùng các cán bộ, đứng kín cả khu đất rộng. Rất nhiều cờ và băng khẩu hiệu, như một cuộc mít tinh lớn. Anh cán bộ tổ chức khoát tay, yêu cầu mọi người chú ý giữ trật tự. Cả vòng người im lặng. Ông Đội trưởng cải cách, quần áo tề chỉnh bước ra phát biểu ý kiến. Ông điểm lại các bước tiến hành cải cách đầy gay go, quyết liệt, và thắng lợi. Rồi thay mặt Đảng và Chính quyền, ông tuyên bố đốt văn tụ, xoá bỏ vĩnh viễn quyền sở hữu ruộng đất bất công của giai cấp địa chủ phong kiến.
Tôi bấm máy chụp mấy kiểu toàn cảnh, rồi chụp bọn địa chủ đứng bên đống lửa đang bốc cháy. Để cho rõ mặt từng người, tôi bảo họ bỏ nón xuống. Ôí trời đất ơi!...Người đàn bà duy nhất trong bọn họ, vừa bỏ nón xuống kia, chẳng phải ai xa lạ, mà chính là bà dì ruột của tôi. Người mà vừa nẫy tôi nghĩ là bà muốn được chết cho hết nợ đời. Mười ba năm trước đây bà đã gửi đứa con trai độc nhất của mình lên Hà Nội cùng đi học với tôi. Tay bà xách cài giỏ rách mất cổ, xâu dây lạt, trong có gói mo cau, chắc là nắm cơm, người nhà đem đến trại giam, nhưng chưa kịp ăn thì có lệnh đi đến đây.
Ô hay!...Lạ thật, nào dì tôi có giầu có gì đâu, sao lại thành địa chủ?... Lúc ấy tôi không thể tưởng tượng được là cải cách ruộng đất lại mắc sai lầm, nên rất hoang mang không hiểu vì sao? Một mặt lại thương dì bị tai bay vạ gió, giữa lúc tuổi già sức yếu. Chắc dì đã nhận ra tôi ngay từ lúc tôi mới đến, và để tránh cho tôi khỏi phải bận tâm, và khỏi bị liên luỵ, nên dì mới cúi đầu giấu mặt để tôi không nhận được. Nhưng lúc phải bỏ nón, không giấu được nữa, thì dì đã bình tĩnh nhìn thẳng vào máy ảnh, chứ không né tránh nhìn đi chỗ khác. Và chính cử chỉ thẳng thắn đó, đã  khiến lương tâm tôi áy náy khôn nguôi. Vì mình cũng là người đi cải cách, dù ít dù nhiều đã gián tiếp gây nên tai hoạ cho dì. Tôi cố trấn tĩnh để khỏi run tay, và vội vàng bấm máy.
Xong việc, tôi và anh Phạm Chính cùng về. Gương mặt ít biểu cảm của anh, giờ đây chẳng biết có điều gì vui, lại thấy hồ hởi, phấn chấn. Anh nhận xét:
- Họ tổ chức đạt yêu cầu đấy chứ? Xem ra địa chủ nữ ở Đoàn ta không có mấy. Mình cứ đinh ninh mụ địa chủ này là vợ goá của một tên cường hào, hay ác bá nào, nhưng không phải.
Tôi giật thót tim, chỉ sợ trong quá trình điều tra lấy tài liệu viết tin, anh đã phát hiện ra mối liên hệ huyết thống dì cháu của tôi, thì thật là tai hại khôn lường. Tôi liếc trộm anh một cái rất nhanh, và giữ vẻ mặt thật bình thản để nhập vai khách quan tiếp chuyện anh, và cố gắng gợi, moi xem anh có biết gì thêm nữa không? Nhưng không. Nét mặt anh đã trở lại bình thường vô cảm, như tấm màn nhung trên sân khấu vừa khép lại rồi.
Từ ngày chưa đi thoảt ly, tôi đã biết hoàn cảnh gia đình dì. Thời Pháp thuộc, nhà nghèo, chú phải đi làm bồi cho Tây, đem dì đi theo làm “chị Hai” nuôi con cho chủ. Rồi chẳng may chú bị bệnh dịch tả mất, dì phải về quê làm ruộng. Với mấy mảnh ruộng hai bên nội ngoại chia cho, để nuôi bốn đưa con thơ và bản thân mình, dì đã phải thắt lưng buộc bụng, lao động ngày đêm vất vả nhiều năm. Và vừa cần vừa kiệm. Dì tiết kiệm đến mức, trừ những ngày giỗ tết ra, không bao giờ dì đi chợ mua sắm bất cứ thứ gì, ngoài muối, dầu hoả và kim chỉ. Cơm, làm ruộng. Cá kiếm ở ngoài đồng. Quần áo, dì trồng bông, ngày đi làm đồng, đêm về kéo sợi, dệt vải, may lấy quần áo mặc. Chắt chiu, dành dụm, dần dần rồi dì tậu được ruộng, mua nghé nuôi thành trâu. Khi có được hai mẫu ruộng và một con trâu thì tuổi dì đã già, sức đã yếu. Hai con gái lớn đi lấy chồng. Dì đã chia cho mỗi người năm sào. Còn một mẫu dì giữ lại cho bản thân, mà sau này sẽ là của người con trai, giáo viên và cô út còn đang đi học. Vì già yếu, sức lao động kém, số ruộng ấy dì chỉ cấy mấy sào, còn đâu cho phát canh. Chẳng lẽ chỉ có thế mà dì thành địa chủ? Hay có kẻ nào xấu bụng đã tố oan, khai điêu cho dì, mà lúc ấy tôi chưa biết.
Bước Hai của cuộc cải cách thật dồn dập, chẳng bao lâu đã chuyển sang bước Ba. Ở các xã trong huyện Thuỷ Nguyên, hầu như ngày nào cũng có những đoàn người đổ ra đường, trống dong cờ mở. Cán bộ Đội caỉ cách và dân quân  du kích vác súng, đưa nông dân đi tịch thu tài sản của nhà địa chủ.
Ngoài ruộng đất ra, còn tịch thu nhà cửa, vườn tược, đến các đồ dùng như tủ chè, sập gụ, sa lông, bát đĩa, nồi đồng mâm thau, lộc bình, lư hương v..v…Nhiều thứ chưa kịp đem đi, để ngổn ngang, la liệt, tràn cả ra ngoài đường. Những tài sản, vật dụng ấy, không biết ai đã đặt tên, mà tất cả mọi người, từ cán bộ đến nông dân ai cũng gọi là “Quả thực”. Quả thực đã lên danh sách phân chia cho các gia đình bần cố nông. Người được sở hữu vật chia được gọi là “Khổ chủ”, cũng như ở bước Một họ lên tố khổ. Có những ngôi nhà ngói gỗ lim của địa chủ, được chia cho hai, ba gia đình khổ chủ, mỗi người một gian, hay gian rưỡi là tuỳ hoàn cảnh của từng địa phương. Còn ngôi nhà dưới của địa chủ, có trường hợp nhà này nhiều gian hơn, nhưng tất nhiên là thấp giá hơn nhà trên, thì để lại cho vợ con địa chủ được ở. Vườn cắt cho mỗi hộ được chia nhà một mảnh, kể cả hộ địa chủ.
Như vậy là người được và kẻ mất, vốn là hai giai cấp đối kháng nhau, bây giờ thành ra xóm láng, sớm tối trông thấy mặt nhau. Chẳng ai biết rồi họ sẽ sông ra sao? Liệu họ có giữ được tình làng nghĩa xóm không?...
Cả Đoàn uỷ chỉ có một mình tôi là phong viên nhiếp ảnh. Tôi hối hả chạy theo các đoàn người, từ làng này sang làng khác, từ sáng đến tối mà vẫn không chụp xuể. Vì các Đội cải cách cùng thi đua với nhau, không đội nào chịu mang tiếng tụt hậu. Mà trái lại đội nào cũng muốn vươn lên, muốn lập được thành tích, muốn giật lấy lá cờ đầu, cho nên công việc diễn ra gần như cùng một lúc.
Công việc ở Thuỷ Nguyên đã tạm ổn, tôi mới nghĩ đến địa bàn khác, và trở lại huyện Yên Hưng. Mấy xã nằm chung quanh thị xã Quảng Yên (Lúc bấy giờ Quảng Yên còn là thị xã) như Hiệp Hoà, Cộng Hoà v.v…ở bước Một, tôi đá ghi được khá nhiều hình ảnh. Lần này tôi vượt đò Chanh sang Hà Nam.
Khu dân cư này nằm trên bờ sông Bạch Đằng, giáp biển Đông, do các nhánh sông bao bọc, nên tách khỏi đất liền thành một cù lao nhỏ. Thời Pháp thuộc gọi là tổng Hà Nam. Dân ở đây ngoài nông nghiệp, họ còn làm nghề chài lưới, và vận tải đướng sông, nên khá trù phú, Nhưng có lẽ do hoàn cảnh địa lý, và nghề nghiệp đa dạng như vậy, nên tiến độ cải cách ở đây có phần chậm, so với các nơi khác. Khi tôi đến vẫn còn chụp được một số cuộc đấu tố, và được dự phiên toà xét xử một địa chủ cường hào giầu có nhất vùng này.
Từ lúc mặt trời vừa lặn, tiếng loa thông tin đã giục giã mọi người ra đình tập trung. Bà con nông dân gọi nhau đổ ra đường mỗi lúc một đông. Người xách đèn, người cầm sẵn máy thanh tre khô, để lúc về làm đuốc soi đường. Các ông già cầm điếu cày, quạt lá. Các chị phụ nữ bế con thơ. Các bà tay dắt cháu, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Chẳng máy chốc, sân đình làng Phong Cốc đã chật như nêm.
Một tấm phông xanh căng giữa cửa đình, dán hàng chữ cắt giấy đỏ: “Toà án nhân dân đặc biệt khu Hồng Quảng”. Hai chiếc bàn kê nối nhau trước tấm phông. Trên bàn có giấy bút, và hai cây đèn bão sáng choang. Ba vị cán bộ ngồi nghiêm chỉnh. Người ngồi giữa là ông Đội trưởng Đội cải cách làm Chánh án. Người bên trái là thư ký phiên toà. Bên phải là một cố nông cốt cán, ngồi ghế Thẩm phán. Chiếc bàn kê vuông góc bên cạnh có hai người, một nam, một nữ. Đó là hai vị “Hội thẩm nhân dân”. Nông dân ngồi kín sân đình, chỉ chừa lại một khoảng trống trước bàn Chánh án, để tên địa chủ đứng.
Tên địa chủ khoảng trên sáu mười tuổi, người to béo, vai rộng, trán hói, mặt to, càm nhẵn không có râu. Y đứng im đầu cúi nhìn xuống đất, thỉnh thoảng lại đổi chân.
Các khổ chủ lần lượt được Toà gọi lên tố cáo tội trạng của bị cáo. Cứ sau mỗi người tố, ông Chánh án lại hỏi: “Có đúng mày đã phàm những tội trạng như khổ chủ vừa tố không?”. Có tội y nhận, nhưng cũng có việc y quanh co chối cãi, hoặc vin vào thời gian quá lâu, tuổi già y không nhớ. Rồi một khổ chủ lên tố y đã đem rượu lậu vùi vào ruộng lúa của ông, rồi báo lính Đoan về bắt ông đi tù, để buộc gia đình ông phải bán ruộng cho y. Y chối: “Thưa quý Toà, thưa ông bà nồng dân, con có mua ruộng của ông ấy, còn việc bỏ rượu lậu, quả thực con không biết”. Ông Thẩm phán liền đập bàn đứng dậy hô: “Đả đảo địa chủ ngoan cố!”. Lập tức hàng nghìn nắm tay phẫn nộ vung lên hưởng ứng: “Đả đảo! Đả đảo!.
Và ngay lúc đó một khổ chủ khác đã bước lên. Bà xỉa tay vào mặt tên địa chủ, dằn giọng nói: “Còn tao đây! Mày không quên chứ? Mày bảo mày không làm, mày quên, nhưng tao nhớ. Từ lúc tao mới mười lăm tuổi, phải đến gán nợ cho nhà mày. Mày đã đang tâm làm nhục tao, cưỡng hiếp tao”…
Tố đến đây, giọng bà lạc đi, hai hàng nước mắt ròng ròng chẩy. Và những dòng nước mắt uất ức bỗng chốc đã hoá thành dầu, đổ vào ngọn lửa đang ngùn ngụt căm thù của những người bị áp bức. Lập tức người ta lại hô: “Đả đảo địa chủ ngoan cố!”. Bà khổ chủ nghẹn ngào nói tiếp: “Chính mày đã bắt tao, đêm tối phải gánh hai hũ rượu lậu vùi vào ruộng lúa của nhà ông ấy. Rồi sáng hôm sau mày sang Quảng Yên báo lính Đoan. Ruộng của người ta mày vẫn cấy, sao mày bảo mày không làm?”.
Mặt tên địa chủ xám ngắt. Y không ngờ việc y giữ kín đã ba mươi năm nay, giờ lại bị phơi bày ra ánh sáng. Y đành cúi đầu nhận tội. Toà tuyên phạt y năm năm đi tập trung cải tạo, và tịch thu toàn bộ tài sản chia cho nông dân.
Kể từ bước Một đến nay, tôi đã nghe rất nhiều người kể khổ, và đã dự các cuộc đấu tố đủ loại địa chủ. Nói chung tội lỗi của bọn chúng đều tương tự như nhau. Vì lòng tham không đáy, chúng đã dùng mọi thủ đoạn, mánh khoé để làm giầu, kể cả dùng thế lực để áp bức và chiếm đoạt. Chiếm đoạt cả tài sản lẫn con người. Tên địa chủ kháng chiến ở xã Mộ Công cũng vậy. Trong các khổ chủ lên tố cáo tội của hắn, đáng kể nhất là chị Xuân, Chị đã gần bốn mươi tuổi vẫn sống độc thân, người sắc sảo, lanh lợi và đẹp đẽ xinh tươi như tên gọi. Chị xỉa tay vào mặt tên địa chủ, nói:
- Mày hãy ngẩng cái mặt tàn ác của mày lên mà nhìn vào mặt tao đây. Mày nghe xem tao nói có đúng không? Vì bố mẹ tao nghèo, tao phải đi ở không công cho mày, từ lúc tao mới mười tuổi đầu. Tao phải bế con cho mày, hết đứa nhớn đến đứa bé. Năm mười hai tuổi, tao phải chăn một đàn trâu mười hai con, phải cắt cỏ, băm bèo, nấu cám. Đến lúc tao nhớn, cả năm mày mới thí cho tao vài thúng thóc lép, với mấy bộ quần áo cũ của con mày thải ra. May có nhớ không?
Và cứ như vậy, sự uất ức thúc đẩy lời lẽ của chị ào ạt tuôn ra như nước chẩy. Chị dừng lại để nghĩ và lấy hơi, rồi lại tiếp tục:
- Cái thằng dê già mặt mo kia! Mày tưởng tao thôi à? Tao nói hết rồi à?. Chưa đâu! Mày đã bóc lột mồ hôi nước mắt của tao, vãn chưa thoả mãn, mày còn hãm hiếp tao bao nhiêu lần nữa, mày có nhớ không? Hay mày bóc lột được nhiều của, mày ăn cho lắm vào, ruột gan, đầu óc mày lú lẫn, mày quên rồi? Mày quên thì tao bắt mày phải nhớ tội của mày đây. Lần đàu tiên tao mới mười sáu tuổi, mày sai tao vào buồng xúc thóc ra xay. Rồi mày mò vào, mày đè tao xuống cót thóc. Lần sau, tao đang rút rơm, mày lù lù dẫn xác đến. Sợ vợ mày biết, tao bẩu không buông ra thì tao kêu lên. Mày liền bịt mồm tao, mày…mày…Lần thứ ba, tao đang nấu cám, giời tôi, mày lẻn vào bếp, mày ấn tao vào thùng trấu. Mày có nhớ không, hử cái thằng mặt dầy kia!
Khổ chủ dứt lời. Ông Đội trưởng Đội cải cách đập bàn quát hỏi:
-       Có đúng mày đã phạm những tội bà Xuân vừa tố cáo không? Bằng cử chỉ chậm chạp của người già, tên địa chủ bình tĩnh và thong thả nói:
-       Thưa ông cán bộ Đội, thưa ông bà nông dân, đúng con đã phạm tội như bà Xuân vừa tố cáo. Nhưng thưa bà Xuân, còn một lần nữa, bà quên, là hôm con với bà đi Hải Phòng thuê săm (buồng) ngủ. Đêm hôm ấy con cũng hiếp bà đấy ạ!
Trước diễn biến bất ngờ như vậy, cả đấu trường lại vang lên tiếng hô: “Đả đảo địa chủ ngoan cố! Đả đảo địa chủ ngoan cố!”. Sau một lát ngây người, đờ đẫn, chị Xuân lặng lẽ đi về chỗ ngồi gục đầu vào vai bạn. Có lẽ chị đang hoang mang. Chị đã tấn công mà không phòng thủ. Chị đã lẫn lộn giữa cưỡng bức và tự nguyện? Hay trước là cưỡng bức, sau là lối mòn?...
Lão địa chủ này được xếp vào loại địa chủ kháng chiến. Vì bản thân y và hai con trai đã thoát ly đi kháng chiến. Hai con y hiện đang tại ngũ. Y không phải đi tập trung cải tạo, chỉ bị tịch thu nhà, và ruộng đất chia cho nông dân.
Chị Xuân đã trở thành cán bộ, được cử đi học văn hoá, rồi về làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Chị được bà con nông đân, nhất là các chị phụ nữ rất quý mến. Nhưng riêng cánh “mày râu”, kể cả mấy ông bị “đứt quang, gẫy gánh giữa đường”, cũng “ Kính nhi viễn chi”, họ vẫn để chị sống đơn chiếc, một mình một bóng!
Trên đường về qua Quảng Yên, tôi đến hiệu ảnh “Xuân Dung” lấy mấy cuộn phim hôm nọ đưa tráng, và kiểu ảnh  cô gái gánh nước, tôi chụp ở trụ sở Đội cải cách xã Thuỷ Đường. Chủ hiệu là một ông già người nhỏ nhắn, tóc hoa râm, đôi mắt đã bạc mầu, lúc nảo cũng phải đeo kính. Thế mà ông vẫn phải nuôi “một đàn” năm cô con gái, với bà vợ to béo phốp pháp, da dẻ hồng hào. Ba cô em đang ăn học. Cô cả tên Xuân, ngoài ba mươi tuổi vẫn chưa chồng, chỉ đọc sách, đan len, và bán thuốc lá lẻ ở vỉa hè. Cô hai tên là Dung, mới nghỉ học ở nhà phụ việc ảnh với bố. Tôi quen biết hiệu ảnh này từ ngày xuống đây tổ chức triển lãm chuyên ngành: “Nông - Lâm - Ngư Nghiệp” cho tỉnh. Ngày ấy tôi đã đem đến cho hiệu “Xuân Dung” nhiều việc làm. Và rồi từ đấy cứ mỗi lần tôi có việc đến hiệu ảnh, ông Xuân Dung lại kiếm cớ tạo cơ hội để tôi tiếp xúc với cô Dung. Lần này cũng vậy, đang ngồi uống nước, thấy tôi vào, ông đứng dậy niềm nở bắt tay, rồi thoái thác vào buồng tối làm, để cô Dung tiếp tôi.
Tôi đang ở tuổi hai lăm, không quá trẻ, nhưng hẳn là chưa già, tuy chỉ là người thợ, nhưng được làm ở cơ quan Văn hoá, có cái danh “phóng viên nhiếp ảnh’, thỉnh thoảng có ảnh in báo, triển lãm, hơn nữa lại đi kháng chiến về, nên tôi rất bằng lòng về vị thế của mình. Nhất là những lúc đứng trước gương, thấy mặt mũi mình cũng sáng sủa, chẳng đến nỗi nào. Còn cô Dung, tuy cũng yểu điệu, ra dáng người thành phố đấy, nhưng chưa hẳn đã là một người đẹp. Thế mà tiếp tôi cô cứ dửng dưng!
Tôi đoán chắc, từ lâu ông Xuân Dung đã ước mong có thằng chàng rể là đồng nghiệp như tôi. Hay chính là tôi?... Nhưng ông đâu có biết, qua dư luận, vô tình tôi đã biết một điều quan trọng: Ngoài năm cô “Công chúa”, ông còn một gã “Hoàng tử” là sỹ quan quân Nguỵ đang ở Sài Gòn. Trái núi chướng  ngại vật không thể vướt qua, và không được phép vượt qua ấy, chắc chưa bao giờ ông gặp phải như cô Thu Nguyệt và tôi? Nhưng thôi, dù sao tôi cũng thầm cảm ơn ông về cái ý định tốt đẹp ông đã dành cho tôi.
Về qua Đội cải cách xã Thuỷ Đường, tôi tìm gặp anh Động. Chắc anh cũng đang mong, nên vừa thấy tôi, anh đã nghiêm mặt nói:
-       Kho…khó khăn đấy! No…nó là đứa đẹp gái, nhi..ều đám theo đưổi lắm. Mà nó thì kín cứ như hu..hũ nút ấy. Hỏi đã nhận lời ai chưa? No…nó chỉ cười rồi xấu hổ chay mất. Anh ngừng lời, nhìn tôi như để xem tôi có cảm thông với khó khăn anh đang gặp phải hay không. Rồi anh nói tiếp:
-       Còn cậu, tơ..ớ cũng muồn biết, nếu…,nếu cậu dất khoát có ý định, thì ma…ặc thiên hạ, đường ta, ta cứ đi.
Đã đến lúc phải nói để anh Động biết là hôm xưa tôi và cô gái ấy đã gặp nhau ở ngoài đình, trước khi biết anh đang công tác ở đây. Và từ những ánh mắt đầu tiên ấy, dường như có một điều gì đã mách bảo: Chúng tôi có thể sẽ mãi mãi thuộc về nhau.
Vẫn nhớ câu chuyện tình hơn mười năm trước, bà Bang đã kể với tôi ở Hồng Gai. Tôi cũng bắt chước người tình của bà, trộm phép cụ Nguyễn Du, lấy hai câu thơ viết sau tấm ảnh cô gái, đưa cho anh Động, nhờ chuyển hộ:
“Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay khộng?”
Nghe tôi kẻ, và xem tấm ảnh tôi đưa, anh Động kêu lên; “Á… chà!..Ca..ái thằng này, mày…mày quái thật!”. Anh cười, hai hõm má sâu đầy nếp nhăn, và những chiếc răng vừa to, vừa dài lộ ra gần hết.
Tôi về Đoàn uỷ, chẳng bao lâu thì được tin Đoàn uỷ vừa duyệt xong phương án chía ruộng của Đội cải cách xã Thuỷ Đường. Đây là xã được duyệt sớm nhất. Và Đội Thuỷ Đường sắp tổ chức lễ “Cắm thẻ nhận ruộng”. Tôi phấp phỏng mừng thầm, vì tập ảnh lớn, phóng sự về Cải cách ruộng đẫt sắp hoàn thành. Và nhất là lại có dịp để trở lại Thuỷ Đường với lý do…chính đáng.
Đúng ngày lễ cắm thẻ, tôi trở lại Thuỷ Đường. Vừa vượt qua dốc Núi Đèo xuống chợ Ngã Tư, tôi đã nghe thấy tiếng trống ếch của Thiếu nhi rùng rùng giòn giã. Rồi những đoàn người râm ran cười nói, gọi hỏi, tay cầm cờ, vai vác thẻ ở các thôn xóm, cùng cán bộ Đội cải cách kéo ra cánh đồng Chùa. Lúa đang vào mẩy. Cả cánh đồng xanh, bỗng chốc đỏ rực mầu cờ, và  âm vang lên tiếng người, tiếng trống, tưng bừng, náo nhiệt. Gió thổi, cờ bay, lúa reo, người người cười nói. Gương mặt nào cũng hồ hởi. Họ mừng vì Cải cách đã thắng lợi. Từ đây chấm dứt cái cảnh người cày không có một tấc đất cắm dùi.
Tôi vội vàng bỏ xe đạp lội xuống ruộng, ghi lấy những giây phút sung sướng của người nông dân cầm tấm thẻ cắm sâu xuống thửa ruộng, mà lần đầu tiên họ mới có trong đời. Mỗi người cắm thẻ, tôi chụp đến hai ba kiểu. Nhưng vẫn chưa yên tâm, vẫn sợ chưa đạt yêu cầu. Vì hầu hết họ đều quá xúc động, nên nửa khóc nửa cười. Duy chỉ có một người còn giữ được vẻ bình tĩnh, gương mặt ông rất tươi vui. Nhưng rất đáng tiếc là trông ông ta lại không thấy những nét khắc khổ của người chân lấm tay bùn. Ông ta mặc quần Tây áo sơ mi lành lặn, mái tóc hoa râm chải ngược, trán cao, da đẻ tươi hồng. Thế mà ông lại cắm tấm thẻ có hàng chữ: “Ruộng của cố nông Nguyễn Văn Nghị”. Một tay cầm chiếc vồ con, ông Nghị thong thả đóng từng nhát chắc nịch xuống đầu cọc thẻ, và ngước nhìn máy ảnh nở một nụ cười thật rạng rỡ. Tất nhiên là tôi phải chớp lấy thời cơ ấy, mặc dù trong lòng vẫn băn khoăn thắc thỏm.
Khi xong việc, về trụ sở Đội cải cách, tôi gặp anh Động, anh vội kéo tôi ra một chỗ vui vẻ thì thầm:
-       Ổn…ỏn rồi cậu ạ! Bọn mình đã nói hết hoàn cảnh gia đình, cũng như bản thân cậu cho nó nghe. No…nó không có phản ứng gì. Lúc mình lấy tấm ảnh ra, chưa…chưa kịp đưa, nó đã cướp lấy rồi chạy mất.
Tôi cũng chứa chan hy vọng. Tấm ảnh đó là bức thông điệp của lòng tôi đã gưi đến tay nàng. Theo ý anh Động bàn, tôi phải ở lại Thuỷ Đường, để anh thu xếp cho hai đứa gặp nhau. Và ngay tối hôm ấy tôi đã gặp nàng, chính thức ngỏ lời cầu hôn. Có lẽ cũng như hầu hết các cô thôn nữ tuổi mười tám lúc bầy giờ, em xấu hổ, bối rối mãi rồi mới nói: “Em…em chẳng biết đâu. Anh phải nới với thầy mẹ em, chứ em thì…em không dám nói đâu”. Vâng, Ngày xưa nàng Kiều cũng nói:
“Dù khi lá thắm chỉ hồng
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha”.
Chiều hôm sau. Anh Động bảo thêm cả anh Quốc, cán bộ Đôi, cùng đưa tôi đến thăm gia đình “đối tượng”. Lúc mới bàn, tôi sợ vã cả mồ hôi. Đi gặp người con gái mình yêu, để thổ lộ lòng mình đã là một cửa ải đầy chênh vênh, hiểm trở rồi. Giờ lại phải gặp bố mẹ và cả gia đình người ta nữa, tôi biết ăn nói ra sao đây? Người tôi ngây ra, lo lắng, bồn chồn như đứa trẻ lần đầu tiên đi chùa, muốn vào xem bụt, nhưng lại sợ ông “Thần Ác” mặt mũi đỏ gay, dữ tợn, cầm thanh long đao đứng trấn ở trước cổng chùa. Dường như bắt thóp được tâm can tôi, anh Động bảo không phải nói năng gì cả, ngoài những câu xã giao. Tôi đến là để cho người ta biết người, biết mặt, còn những điều gì cần nói, hai anh sẽ nói.
Chúng tôi đi.     
Ơ…kìa!...Hoá ra chủ nhân chẳng phải ai khác, mà chính là ông cố nông Nguyễn Văn Nghị, người tôi đã chụp ảnh hôm cắm thẻ nhận ruộng. Ông niềm nở đón tiếp chúng tôi. Không biết có phải vì mới được chia ruộng, hay vì đã biết trước mục đích của khách đến thăm, mà ông vui như vậy chăng?
Đúng như tôi đã dự cảm, thực chất ông Nghị không phải là cố nông, mà là một đầu bếp. Từ ngày còn trẻ, vì gia đình nghèo, ông đã theo người làng ra phố kiếm việc làm. Rồi trở thành đầu bếp, làm thuê cho các tầu buôn. Ông đã vượt qua nhiều đại dương, đến nhiều bến cảng lớn nhỏ trên thế giới. Cho đến lúc tuổi cao, không đủ sức chịu đựng sóng gió, chủ thải hồi, ông mới về quê làm ruộng. Vì không có đất, ông đã “khai hoang” bằng cách cuốc sân lên, nhặt sỏi đá, rồi gánh bùn ở hồ làng về phơi, tải ra lấy diện tích để gieo trồng.
Chuyện làm ăn lân la, hoá ra ông lại là bạn cùng nghề với người chú họ của tôi. Tuy hai ông không làm cùng một tầu, nhưng gắp gỡ nhau ở nơi đất khách, tình đông hương đã khiến họ trở nên gắn bó. Và từ khi biết tôi là cháu của bạn mình, ông nói chuyện với tôi có phần cởi mở hơn. Và bản thân tôi cũng dễ lấy lại được sự bình tĩnh. Lúc ấy tôi là đứa trẻ đã vào được trong chùa rồi, chẳng sợ gì ông “Thần Ác” nữa.
Những bước đi cần thiết đã xong xuôi, tôi vể Đoàn uỷ trình bày với anh Chính. Anh điện thoại báo cáo về Sở Văn hoá. Lãnh đạo Sở cử anh trực tiếp xuông Thuỷ Đường giúp tôi làm đám cưới. Tôi cũng được Sở cho phèp về Trúc Sơn bàn bạc với gia đình. Sau đó tôi về Sở trực tiếp báo cáo với cơ quan, và chuẩn bị các thứ cần thiết.
Lấy vợ, làm nhà, xưa nay vẫn là những việc lớn trong đời người. Và tôi cũng đang làm một trong hai việc lớn ấy đây, thế mà trong túi lại chắng có một xu nào! Cha mẹ không còn. Tất cả đều phải trông cậy vào anh em, và họ hàng. Các anh chị ở quê giúp tôi cái “Lễ tổ” đưa đến gia đình bên gái. Anh chị Ba ở Hồng Gai, mua cho một thùng kẹo bánh và thuốc lá. Còn bá Nhau, tuy là mẹ nhận trong kháng chiến, nhưng bá đã coi tôi chẳng khác gì con đẻ. Dẫu sao tôi cũng không dám nghĩ đến việc nhờ bá giúp. Tôi chỉ đến mời bá và anh chị Nhân về dự đám cưới. Mời cho phải phép, chứ tôi cũng không dám mong bá và anh chị sẽ về. Bá hỏi tôi rất tỉ mỉ về việc lo toan, rồi  bảo: “Hôm ấy nhà có giỗ. Chị Nhân bận con mọn, Nếu nhờ được chị Tài cùng đi, thì hoãn giỗ, bá về. Nhưng bá chỉ ở lại đến trưa thôi đấy!”. Vâng. Được như vậy thì hạnh phúc cho chúng con lắm lắm!
Trước khi trở lại Thuỷ Đường, tôi đã viết thư báo hỷ cho anh cả tôi, và cũng không quên cô Thu Nguyệt đang học dệt ở Hà Nội.
Thật không ngờ đúng sáng hôm cưới, bá Nhau đã về Thuỷ Đường. Bữa cơm gia đình trưa hôm ấy, đại diện cho nhà trai, ngoài ông chú tôi (bạn ông Nghị) và hai anh tôi, còn có cả bá Nhau. Đang ăn cơm, bá gọi cô dâu đến và tự tay mình đeo vào tai nàng dâu đôi hoa tai ba chỉ vàng, bảo: “Bá mừng con đấy!”, Cô dâu chẳng biết nói gì, miệng thì cười, nhưng mắt lại dưng dưng ngấn nước.
Đám cưới chúng tôi được tổ chức vào buổi tối ngày mười tháng mười, trên cái sân rộng mênh mông của nhà địa chủ. Tôi bỗng giật mình nhớ lại các đám cưới thời xưa. Nếu bây giờ còn áp dụng như vậy, thì người nghèo như tôi, chặc không thể lấy được vợ. Thời ấy, ở các nơi nghi thức cưới xin thế nào tôi không được biết, còn ở quê tôi thì hầu như bắt buộc phải qua những bước như sau:
Trước hết là phải nhờ một người làm mối. Người này thường là một bà nhanh chân, mau miệng, khéo ăn nói. Bà mối đến nói với gia đình bên gái trước, rồi bên trai mới đem trầu cau, chè rượu đến. Gọi là lễ “Vấn danh”, hay “Dạm ngõ”. Lễ này coi như đôi bên mới làm quen, hỏi tên, hỏi tuổi nhau, chứ chưa được coi là đã nhận lời.
Tiếp theo là lễ “Chơi nhà”. Lễ này khá to, có cỗ bàn, mời họ hàng đến chứng kiến. Và được coi là đôi bển trai gái và gia đình đã chính thức đính ước với nhau. Và cũng từ đấy, chàng rể phải theo giỗ tết bên gái ba năm, rồi mới được cưới. “Theo giỗ tết “ tức là: Nếu ông bà nội, hay bố mẹ cô gái đã mất, thì ngày giỗ chú rể phải có cái lễ, gồm: Một mâm xôi, một con gà, chai rượu và trầu cau đến cúng. Tết Nguyên Đán phải có chục bánh chưng, một con gà, chai rượu và trầu cau đến lễ mừng năm mới. Còn các tết khác như ngày năm tháng năm, ngày mười tháng mười, thì tuỳ lòng chú rể.
Sau ba năm đến lễ “Xin cưới”. Lễ này vật phẩm cũng nhỏ nhẹ như lễ vấn danh. Đôi bên bàn định ngày tháng, và nội dung to nhỏ của đám cưới. Quê tôi có câu thành ngữ: “Nói cao như thách cưới”. Người ta nói thật cao, để đề cao phẩm gia con gái mình. Đáng lấy năm, người ta nói lên mười, thậm chí mười lăm, hai mươi. Bên trai vật nài xin thấp, “Cò kè bớt một thêm hai”. Cũng có đám, đôi bên không ngã giá được, bên trai giận dỗi bỏ về, doạ không cưới nữa, làm bà mối vất vả, phải chạy đi chạy lại như con thoi.
Sau khi hai bên đã thoả thuận, “Lễ cưới” được tiến hành. Đây là lễ lớn nhất trong lệ cưới xin. Thực phẩm được đưa đến nhà gái chiều hôm trước. Hôm sau là lễ đón dâu, Lễ Tổ nhà gái xong, chú rể phải lễ bố mẹ vợ bốn lễ, để tạ ơn người đã có công sinh thành, dưỡng dục vợ mình. Đúng giờ thầy Phong thuỷ đã định, đoàn dẫn dâu mới lên đường. Bên trai đã chọn một ông già cao tuổi có gia cảnh và đức độ hơn người, tay cầm một bó hương đang cháy, khói bay nghi ngút, vai vác dao phát bờ ruộng, bôi vôi, đi dẫn đầu. Trên đường đi thường gặp một hoặc hai lần “chăng giây”. Người ta đặt giữa đường đi một cái bàn, để bát cắm ba nén hương, cắm hai cái cọc, và căng ngang đường một sợi dây. Cô dâu chú rể phải đến bàn đặt tiền và vái lễ, người ta mới mở dây cho đoàn dẫn đâu đi qua.
Về nhà trai, trong tiếng pháo vui mừng đang nổ. dâu rể vào lễ Tổ. Rồi bà mối đưa họ ra sân, nơi đã kê bàn, bày lễ vật để lễ “Tơ hông”. Tạ ơn “ông Tơ, bà Nguyệt” đã xe duyên cho họ. Và sau bốn lễ tạ ơn cha mẹ chồng, cô dâu được lui về buồng riêng dành cho đôi tân hôn. Phần nghi thức kết thúc.
Dưới mái hiên nhà địa chủ ở xã Thuỷ Đường, căng tấm phông mầu thiên thanh rộng ba mươi mét vuông, tôi mượn của Đoàn văn công anh Soạn. Hoạ sỹ Trần Viết Lý vẽ đôi chim bồ câu đang vỗ cánh bay, hai mỏ đôi chim cùng ngậm một bông hồng nhung đó thắm. Cành lá hồng vẽ cách điệu thành tên dâu rể. Hai bên cánh gà căng hai băng khẩu hiệu: “Chúc mừng hạnh phúc”, và “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Anh Phạm Chính làm chủ hôn. Sau mấy lời giới thiệu tóm tắt về cô dâu chú rể, anh mời vị đại biểu chính quyền địa phương lên tuyên bố công nhận lễ thành hôn của chúng tôi là hợp pháp. Rồi đại biểu các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, và gia đình lên dặn dò, nhắc nhở đôi tân hôn. Cuối cùng chú rẻ thay mặt cả cô dâu lên đáp từ. Kết thúc phần lễ. Chuyển sang liên hoan. Cô dâu chú rể đi đến các bàn mời khách hút thuốc, uống nước, ăn bánh kẹo.  Và với những “cây văn nghệ” có sẵn ở vườn nhà, mọi người cùng hò hát. Khách được mời, và cả những người không được mời cũng đến rất đông, nên không đủ chỗ ngồi, nhiều người phải đứng. Vì ai cũng muốn xem đám cưới của cán  bộ Đội cải cách ra sao? Kết thúc liên hoan, tất cả mọi người cùng đứng lên vỗ tay hát vang: “Kết đoàn…chúng ta là sức mạnh…”.
Thu dọn xong thì đêm đã khuya, mọi người đã ra về. Bên trai chỉ còn một mình tôi ở lại nhà gái. Tôi nhìn trước ngó sau, chẳng biết rồi mình sẽ nằm ở  đâu?
Hỡi các bạn trai, các bạn trẻ trung yêu mến! Tôi xin hỏi nhó các bạn điều này: “Không biết các bạn có cùng mong ước như tôi không? Đó là đêm tân hôn, tôi khát khao đến cháy bỏng, muốn được ôm người đẹp trong vòng tay xiết chặt của mình cho bõ bèn sau bao lo toan vất vả”? Nhưng đêm ấy tôi phải nằm chung giường với ông “Nhạc”. Người mà trước đó chưa lâu, có lúc tôi đã coi như ông “Thần ác” giữ chùa! Còn nàng, người đẹp của tôi, vẫn nằm chỗ cũ. Bên cạnh mẹ nàng. Chẳng biết cái nửa còn lại của đêm hôm ấy nàng nghĩ những gì? Còn tôi có cảm giác hai đứa như hai kẻ tội đồ, cùng biết chỗ của nhau bị giam, nhưng không thể đến với nhau được! Nếu các bạn hỏi vì sao ư? Xin thưa: Vì nghèo, nhà hẹp, người đông!
Sau đám cưới chúng tôi, anh Phạm Chính vội vã rút về tỉnh. Anh Động và các cán  bộ Đội cải cách xã Thuỷ Đường cũng rút đi gần hết. Họ đi đâu mà âm thầm, lặng lẽ, khác hẳn những ngày cờ dong trống mở, rầm rộ đón Đội Cải cách về làng? Trước khi đi không họp mặt chia tay, và cũng chẳng thấy ai đưa tiễn?...Hiện tượng không bình thường ấy, khiến tôi linh cảm như có điều gì quan trọng đã xẩy ra, còn cụ thể là việc gì thì tôi chưa biết.
Tôi được ở lại thu xếp việc gia đình, và đưa vợ về thăm quê nội. Làng tôi lúc ấy chưa bắc cầu, còn phải đi đò ngang. Chúng tôi vừa bước lên đò, đi đến đầu làng, thì thấy một cô gái ăn vận đẹp đẽ, đứng bên bờ tre. Đến gần, thấy cô ra hiệu và gật đầu chào, tôi mới nhận ra Thu. Hơn mười năm rồi, Thu bầy giờ đã thành một cô gái to lớn, béo tốt, trông lạ hẳn đi. Vợ tôi hỏi: “Người họ nhà mình à? Em phải chào bằng gì?”. Tôi bảo: “Không! Đây là chị Thu, bạn chăn trâu của anh ngày xưa”. Thu bị câm bẩm sinh, Ngày ấy, có lần Thu đã ra hiệu: Khoanh một vòng trên đầu, và vuốt dài từ vai xuỗng chân, rồi trỏ về phía nhà tôi chắp tay vái. Ý Thu muốn nói bao giờ lớn, vấn khăn, mặc áo dài  Thu sẽ về nhà tôi lễ Tổ…Thu cười híp cả mắt, nhìn vợ tôi từ đầu đến chân, rồi trỏ vào tôi, vào vợ tôi, để một bàn tay nằm, ấp bàn tay kia lên trên. Ý Thu muốn bảo: Cô biết tôi lấy vợ rồi. Vâng. Đúng là như vậy. Thu mừng cho tôi chứ? Hay có lúc nào đó Thu lại buồn?...
Hôm ấy các anh chị tôi làm mấy mâm cơm để nàng dâu mới lễ Tổ, và ra mắt họ hàng. Chú thím, anh chị em lâu ngày mới có dịp sum họp, lại trong bối cảnh đất nước mới được hoà bình, cuộc cải cách ruộng đất có nhiều biến đổi, họ hàng chúng tôi vẫn được bình yên, cho nên ai cũng có chuyện để nói, để hỏi, và để vui mừng. Tiệc vui cứ dài mãi chẳng muốn tàn. Riêng tôi chỉ mong trời chóng tối. Vì đêm nay mới là đêm “động phòng hoa chúc” của chúng tôi. Tôi mong mỏi, hồi hộp và bồn chồn. Có lẽ sự chờ đợi này của tôi, cũng chẳng khác gì những người ăn mày, ngồi chờ trước dẫy bàn bày bánh dầy trắng muốt, chỉ mong chóng kết thúc cuộc mít tinh kỷ niệm hai Bà Trưng ở Việt Nam học xá năm nào.
Tan tiệc. Đêm khuya, tôi lên giường nằm, chờ vợ còn dọn dẹp những việc cuối cùng. Khi nàng vào giường, tôi ôm em thật chặt. Chẳng cần gì phải nói. Những giây phút tràn đầy háo hức, mà đời người ai cũng từng mong đội này, đâu phải để nói, mà là để làm. Lần đầu tiên tôi được làm một việc mà đời mình chưa biết, chưa được làm  bao giờ. Tôi cuống quýt vừa hôn em, vừa xoa lên bộ ngực nở nang, âm áp, mềm mại và rắn chắc của em. Tim đập thình thình, người tôi ngây ngất như say. Khi tay tôi chạm vào thất lưng em, em hất tay tôi ra, nhanh, mạnh và dứt khoát. Tôi liền ghé sát vào tai em hỏi nhỏ: “Thế anh không phải là chồng em à?”. Như chợt hiểu, người em mền ra. Thế là cánh cửa đã mở, đưa tôi vào một thế giới thần tiên, kỳ lạ nào đó, chứ quyết không phải là thế giới tôi vẫn sống. Người tôi run lên như rét, rồi nhẹ bẫng đi như không còn trọng lượng. Và cứ thế bay đi, bay đi vào cõi vô cùng!...
Chúng tôi yêu nhau, và đã lấy được nhau. Thế là toại nguyện, chẳng phải như ai, vì không lấy được nhau, đã xuống tóc đi nương nhờ cửa Phật. Hay chán đời tìm cách quyên sinh. Nhưng cưới vợ xong tôi mới hiểu, cuộc sống của chúng tôi bắt đầu từ đây đã đổi thay. Vợ tôi bây giờ ở đâu, và nàng sẽ làm gì để sống? Ôi chao! Chuyện chẳng nhỏ bé và dơn giản chút nào. Đến các bậc văn nhân tài tử cũng phải thốt lên: “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Chứ là cái thằng tôi, một anh học sinh nửa mùa, kiêm tiểu tư sản vỏ rỗng tuyếch! Bố mẹ tôi đã mất. Ở quê chỉ còn hai anh. Ruộng hai anh đã chia. Nhà hai anh đang ở. Chín năm thoát ly đi kháng chiến, giờ tôi đưa vợ về thăm quê, thực ra cũng chỉ là khách. Mà đã là khách, thì sớm muộn gì chẳng phải giã từ.
Ở quê chơi hai ngày, tôi đưa vợ về tỉnh, ra mắt anh em cơ quan, và anh chị Ba tôi. Hôm cưới anh ốm, chị bận con thơ không về được. Nhất là đến thăm bá Nhau, bá đã chẳng quản tuổi già, đò xe vất vả, về tận nơi dự đám cưới chúng tôi.
Lúc bấy giờ chúng tôi chẳng có khái niệm gì về “Tuần trăng mật”. Vả chăng, nếu có thì lấy đâu ra tiền và thời gian mà thực hiện. Sau một tuần chung sống, ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân trong cơ quan, cũng chưa có cách nào khác, tôi đành tiễn vợ ra bến xe về quê ngoại, tạm nương nhờ bố mẹ.
Trong quãng thời gian còn ngắn ngủi của đời mình, cho đến lúc ấy, có lẽ chưa bao giờ tôi thấy cuộc chia ly nào lại buồn đến thế! Chiếc xe khách chật cứng người từ từ rời bến, tôi đứng ngây ra, ngẩn ngơ nhìn theo cho đến lúc xe đi khuất, rồi mới lững thững quay về. Như kẻ mộng du, đi bộ một quãng, tôi mới nhận ra tay mình vẫn nắm tay lái chiếc “Meciê” quen thuộc. Tôi leo lên xe. Bỗng những giai điệu buồn bã, tái tê từ thuở nào lại trỗi dậy, lại ngân vang trong tâm trí tôi:
“Biệt ly…nhớ nhung từ đâ…ây…Ôi!...còi tầu như xé đôi long…”.
Biết bài hát ấy là “Nhạc vàng” đã bị cấm, từ lâu không ai dám hát nữa. Nhưng không cầm được lòng mình, tôi hát thầm, hát riêng cho mình tôi nghe thôi.
 
***
 
Về cơ quan tôi bắt tay ngay vào tập ảnh phóng sự cải cách. Vừa nóng ruột muốn biết kết quả cụ thể sau bao ngày vất vả, vừa để khuây nguôi nỗi nhớ nhung. Sau khi lọc bỏ những kiểu phim không đạt yêu cầu, tôi báo cáo Giám độc, và xin phép sản xuất ảnh. Với cử chỉ nghiêm trang vốn có, nghe tôi báo cáo xong anh Khuê bảo:
Hãy phóng cỡ 9x12, làm ma két để anh em xem, tham gia ý kiến, rồi sau nếu cần hãy phóng to anh ạ.
Vâng. Tất nhiên là phải làm ma két rồi, nhưng sao lại “sau nếu cần”? Tôi không dám hỏi lại anh Khuê, chỉ băn khoăn tự nghĩ: Có phải hai chữ ấy đã đặt ra trường hợp ngược lại là nếu không cần thì bỏ đi chăng? Thời gian ấy, việc sai lầm trong cải cách ruộng đất chưa được công bố. Những ngày còn ở Thuỷ Đường, thấy bọn anh Động lặng lẽ rút đi, tôi đã nghi hoặc. Rồi từ hôm về cơ quan, tôi thấy dư luận thì thầm, kín hở: “Cải cách ruộng đất phạm sai lầm nghiêm trọng”. Là cán bộ lãnh đạo, chắc anh Khuê đã biết trước cái tin chẳng lành ấy, nhưng không muốn cho tôi, một người ngoài Đảng biết, nên anh mới có quyết định nước đôi như vậy. Sự cố ý giấu giếm ấy đã khiến tôi không khỏi chạnh lòng ấm ức. Dù sao tôi cũng là người đã đi cải cách, đã lo nỗi lo chung của mọi người, và đã cùng chia sẻ bao khó khăn vất vả. Giờ đây nếu cải cách thực sự bị tổn thất, chẳng lẽ trong đó lại không có tôi? Anh coi tôi như một kẻ đi làm thuê, ngoài cuộc hay sao?
Ở thời gian ấy, ai cũng quen nếp nghĩ như dòng nước chẩy một chiều, khen thì tha hồ thoải mái, kể cả khen sai sự thật cũng chẳng sao. Nhưng chê thì khó lắm, vì rất dễ bị coi là “kẻ xấu”, là phần tử “bôi đen”. Dù chỉ động chạm đến khuyết điểm của một cơ quan nào đó ở cấp xã, cấp huyện, cũng không mấy ai dám nghĩ tới, chứ nói gì đến khuyết điểm của cả một quốc gia, một tập thể lãnh đạo đất nước. Cho nên trước những dư luận ấy tôi cũng chưa dàm tin ngay đó là sự thật.
Nhưng sau đó các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin: Cải cách ruộng đất phạm sai lầm! Bác Hồ đã tự phê bình , và xin lỗi quốc dân. Bác coi sai lầm đó đau xót như: “Tay phải chém vào tay trái mình”. Rồi ông Trường Chinh xin rút lui chức Tổng bí thư. Ông Hồ Viết Thắng, người trực tiếp phụ trách cải cách ruộng đất bị cách chức…
Sau đó tôi mới biết: Từ những ngày tôi đang chuẩn bị đám cưới, Trung ương đã có chỉ thị khẩn cấp, phải lập tức đình chỉ cải cách, và tiến hành sửa sai ở các địa phương đã và đang cải cách. Chỉ thị ấy đến Đoàn uỷ Hai ngày nào thì tôi không biết. Nhưng rất đáng tiếc là đã quá muộn rồi!  Hầu hết các cán bộ chủ chốt như Bí thư và Chủ tích, ở các xã đã cải cách đều bị quy là Quốc dân đảng phản động, và đã bị bắt bớ, giam cầm. Hàng nghìn hộ là phú nông, thậm chí là trung nông (Như bà dì tôi), đã bị quy là địa chủ, bị bắt đi tù. Tài sản của họ đã bị tịch thu chia cho nông dân…Khi tôi về tỉnh, mấy anh cán bộ Đội cải cách xã Thuỷ Đường còn ở lại là để chờ Đội sửa sai về đẻ bàn giao hậu quả.
Tôi đang làm ảnh ma két thì nhận được thư và quà mừng của anh cả tôi gửi về. Anh cho em dâu hai mét vải pôpơlin Trung Quốc rất đẹp, cho tôi quyển sổ tay. Ngoài những lời mừng và thăm hỏi, anh còn cho tôi biết: Khi nhận được thư tôi báo hỷ, cô Thu Nguyệt đã đến khóc lóc, than thở với anh ràng không ngờ tôi lại phụ tình như vậy. Rằng cô vẫn đinh ninh khi mình trở thành người công nhân, thì chắc chắn cơ quan sẽ cho chúng tôi lấy nhau…
Thực lòng, tôi không ngờ Nguyệt lại quyết tâm và nuôi hy vọng hão huyền như vậy. Khi được tin cô nghỉ bán hàng lên Hà Nội học dệt, tôi cho là Nguyệt muốn đổi nghề để phù hợp với xã hội mới, chứ không ngờ cô ấy lại có ý định vừa sâu xa, vừa nông nổi và ngây thơ như vậy. Thành phần tốt xấu, tuy không phải là cái dấu chàm xanh, mà ngày xưa chính quyền phong kiến đóng vào mặt kẻ tội đồ, suốt đời không tẩy rửa được, Nhưng cũng không phải cứ bỏ nghề này, làm nghề kia là có thể thay đổi được. Nhưng thôi, Nguyệt ơi! Em cứ việc oán trách, nguyền rủa cái thằng “Sở Khanh” này đi. tôi xin sẵn sàng chịu đựng.
Gần một trăm tấm ảnh 9x12 đã làm xong. Tôi viết chú thích, và ghim ảnh lên tường, mời Ban giám đốc và anh em đến duyệt. Xem xong, anh Khuê gật đầu bảo:
- Được! Ảnh có nội dung tốt đấy, cũng sáng sủa. Để vài ngày anh em xem xong, cậu thu lại bảo quản cẩn thận để làm tư liệu.
Ý kiến của anh Khuê, chẳng qua cũng chỉ là xác định thêm một lần nữa cho thật rõ ràng về số phận “đứa cọn tinh thần” của tôi mà thôi, chứ tôi đã biết hoàn cảnh khốn khổ của nó rồi. Nó chưa kịp chào đời đã phải chết non chết yểu, vì những sai lầm của cải cách ruộng đất!
Sau ba ngày, tôi gói gém cẩn thận, cất ảnh đi, y như đào sâu chôn chặt một kiếp “phù sinh” bằng xương bằng thịt vậy! Thế là kết thúc chuyến đi cải cách ruộng đất đầy tự hào, và chứa chan hy vọng của tôi. Và đó cũng là đợt cải cách cuối cùng ở miền Bắc. Tôi quay về với những công việc thường ngày của cơ quan. Thỉnh thoảng đi chụp các cuộc mít tinh, hay hội nghị. Tổ chức vài cuộc triển lãm, nhân những ngày lễ lớn trong năm. Đi Cửa Ông, Đèo Nai, Cẩm Phả chụp những tổ, đội sản xuất than vượt mức thi đua. Chụp các nữ công nhân, sau khi sinh con, được xí nghiệp cho ô tô đến nhà hộ sinh đón về nhà. Hay các chị em có con mọn được nghỉ cho con bú, sau mỗi giờ làm việc v.v..
 
***
 
“Sông Tương một dải nông sờ
Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia”.
Từ Hồng Gai đến Thuỷ Nguyên, quãng đường cũng chẳng bao xa, cách nhau chỉ có con sông Bạch Đằng. Thế mà từ hôm vợ tôi về quê đến nay đã vắng bóng, biệt tăm hơn hai tháng. Ngày nảo tôi cũng trông ngóng, mong thư mà chẳng thấy. Càng nhớ thương lại càng giận, vừa hoang mang lo lắng, không hiểu vì sao em không viết thư cho tôi? Hay lả…đã xẩy ra chuyện gì?...Tôi làm ngày làm đêm cho vãn việc, rồi xin phép cơ quan về qua nhà.
Hôm ấy tôi dậy thật sớm ra bến xe, nhưng người xếp hàng chờ mua vé đã dài dằng dặc. Tôi đứng vào hàng, nghển cổ chờ mãi mới thấy cô bán vé mở cửa ghi sê, thò tay ra nhận tiền. Dòng người lao xao chuyển động, nhích dần lên từng bước một. Chờ mãi mới đến lượt. Khi mua được vé rồi tôi mới yên tâm là mình không bị nhỡ xe. Nhưng vẫn còn phải chờ, chưa được lên xe ngay. Chờ mãi mới thấy ở đâu đó có tiếng nói: “Ai đi Hải Phòng lên xe đi!”. Hành khách ùa ra, xô đẩy nhau, ai cũng muốn kiếm một tí chỗ ngồi. Chỉ phút chốc xe đã chật như nêm, người chậm chân phải đứng. Nhưng xe vẫn chưa chạy. Vì ông Tài còn bận “lai rai” ở đâu đó, chưa xong bữa điểm tâm. Lại phải chờ. Hơi người, mùi hàng hoá, cá khô, cá tươi, mắm tôm ngấu xông lên nồng nặc…Lậy trời, cuối cùng rồi ông Tài cũng leo lên xe, vứt quyển sổ hành trình đánh bẹt, và xe chuyển bánh. Lại lậy trời cho xe chạy nhanh, và thông dồng bén giọt. Nhưng dọc đường chỉ liếc thấy một cái vẫy, xe lại dừng. Nhà xe “không nỡ” bỏ khách, mặc dù xe đã quá chật, và có người đã phải đứng ở cửa, bậc lên xuống. Những quý khách mới phát sinh này bao giờ cũng được “ưu tiên”, họ không phải mua vé, chỉ việc đứa tiền. Xe chạy cứ mỗi cú xốc ổ gà, ổ voi, nhũng người đứng không có chỗ bám chắc lại ngã ngồi lên đầu, lên vai những người được ngồi úp thìa ở các hàng ghế.
Quãng đường chỉ có non ba mươi cây số, mà mãi trưa hôm ấy tôi mới về đến nhà.
Qua nhũng lời thăm hỏi, nhìn gương mặt mọi người, nhìn cảnh vật, tôi biết không có chuyện gì xẩy ra. Nhưng hình như không khí trong gia đình vẫn thiếu vắng một cái gì đó thật chan hoà, cởi mở, mà đúng ra là phải có trong lúc người thân đi vắng trở về. Về phía tôi, tuy đã là một thành viên của gia đình, nhưng trong thực tế, tôi chưa có đủ thời gian cần thiết để hội nhập vào cộng đồng mới. Còn về phía gia đình vợ tôi, dường như cái khoảng cách giữa người nông dân với người cán bộ Đội cải cách vẫn còn luẩn quất đâu đó trong lòng mỗi người. Và có lẽ cả vợ tôi cũng vậy, nàng mới có tám ngày chung sống với chồng, thời gian ngắn ngủi ấy chưa đủ để quen hơi bén nết nhau, nên thấy chồng về nàng cũng không tỏ ra thực sự vui mừng. Hay nàng thẹn, chỉ mừng thầm?
Mãi đến lúc đi ngủ, tôi mới có dịp hỏi em vi sao không viết thư cho tôi? Nàng lảng tránh, chỉ ậm ừ, lúc bảo bận, lúc bảo ngại. Tôi gạn hỏi mài, em mới thì thầm: “Chữ em xấu, sợ anh cười, chứ có gì đâu mà cứ hỏi mãi!”. À ra vậy. Tôi trêu: “Sao không nhờ anh nào chữ đẹp viết hộ?”. Nàng cấu tôi cười: “Có mà điên à? Nhờ người ta thì lộ hết bí mật còn gì?”. Tôi siết chặt người em. Rồi một trận cuồng phong, giông tố ở đâu ập đến, quấn quận hai đứa vào một trận mây mưa trần thế…
Sáng hôm sau, thong thả ngồi uống nước, nói chuyện làm ăn, chuyện làng xóm, đến chuyện gia đình, ông Nhạc tôi bảo:
- Thầy định bảo nó viết thư cho anh, nay tiện anh về, thầy có cậu chuyện cũng muốn nói. Thầy xa gia đình lâu, đã nghĩ kỹ, không có gì bằng “Thuyền theo lái, gái theo chồng”. Anh nên tính chuyện đưa nó đi, kiềm việc gì đó, vợ chồng bảo nhau mà làm ăn. Có được không?
- Vâng. Việc này con cũng nghĩ đến rồi, nhưng chưa biết ý nhà con thế nào, để con bàn với nhà con xem.
Tôi hoàn toàn bị động. Tuy vẫn biết đó là bước đường tất yếu mình phải trải qua. Nhưng đưa vợ đi đâu, ở đâu, nhất là làm gì, thì tôi chưa tìm được cách nào để giải quyết. Dù sao, trước tình thế này buộc lòng tôi phải vâng lời ông Nhạc. Vì hiểu rằng đời người con gái, từ khi bước lên xe hoa,  mà trường hợp của vợ tôi là từ lúc mọi người vỗ tay hát “Kết đoàn”, thì em đã thành ra người khách của chính gia đình mình rồi.
- Lại còn miệng lưỡi thế gian nũa, cũng không biết đâu mà lường được. Ông Nhạc tôi nói tiếp. Họ đồn anh có vợ cả rồi. Có đưa còn vỗ ngực bảo chính nó đã trông thấy anh bế con ở Hòng Gai. Hỏi vợ anh mới vỡ lẽ đó là con của ông anh. Nó còn trẻ người non dạ. Thầy cũng lo xa mà nói thế. Nếu anh còn khó khăn, thì cứ để nó ở nhà ít ngày nữa cũng được.
 
 
Hai đứa bàn định xong, chiều hôm ấy xin phép gia đình, tôi đưa vợ đi Hòng Gai, về hiệu ảnh “Sông Đằng”, Nghe tôi trình bày, anh Ba tôi suy nghĩ một lát rồi bảo:
- Thôi được. Chú thím mới làm bạn với nhau, còn chân ướt, chân ráo mà ở xa nhau thế cũng không tiện. Cứ để thím ở đây, tôi dậy làm ảnh. Anh em no đói có nhau. Bá Nhau cũng rất tán thành. Bá sai anh Nhớn quét dọn căn buồng xép chứa cám ở chân cầu thang gác ba, kê giường cho chúng tôi nằm. Từ đấy chúng tôi như đôi chim đã có tổ, sáng bay đi, tối bay về.
Một hôm tôi đang ngồi làm việc, anh Vũ Khuê cùng anh Thanh Lương ở trên gác đi xuỗng. (Anh Thanh Lương thỉnh thoảng vẫn sang chơi với anh Vũ Khuê). Hai ngườ đưa cho tôi tờ báo “Văn nghệ” và hỏi:
-       Hoàng Hữu Thiện có phải là anh ruột cậu không?
-       Vâng. Nhưng có chuyện gì thế ạ?
-       Hoàng Hữu Thiện có bài thơ rất hay. Cậu đọc đi! Bọn mình chúc mừng cậu!
Cả hai anh cùng cười vui và bắt tay tôi rất chặt, khiến tôi vừa mừng vừa tự hào, vì một chút thơm lây. Hai anh quay lên gác. Tôi đọc. Bài thơ in trang nhất, nhan đề: “Đuổi đám mây mù”.
Sau đó ít hôm, anh Ngô Lâm, Trưởng phòng Văn nghệ đi họp “Đại hội Văn nghệ toàn quốc” về (Anh Lâm thay anh Phạm Chính từ ngày anh Chính đi cải cách). Anh em trong cơ quan tụ tập ở Phòng hành chính nghe chuyện “Đại hôi”. Trông thấy tôi, anh Lâm cười, cái cười nhàn nhạt, và nói:
-       Hoàng Hữu Thiện cũng lên đọc tham luận, sau Phùng Quán, nhưng chưa xong thì bị Chủ tịch đoàn rung chuông cắt.
Về phần tôi, tuy làm ở cơ quan văn hoá, nhưng tình hình văn nghệ từ trước đến nay tôi không mấy quan tâm, ngoài đọc sách và xem phim. Giờ nghe anh Lâm kể, tôi mới biết Văn nghệ có hai nhóm “Tô hồng” và “Bôi đen”. Rồi sau qua các phương tiện thông tin, các buổi đi nghe nói chuyện thời sự, tôi biết thêm nhóm “Bôi đen” ấy còn có tên gọi là “Nhân văn”. Nhóm này đang bị phê phán kịch liệt. Có vị diễn giả còn ví nhóm này như “con ruồi”, và bảo ta đang dùng búa đập “con ruồi”!
Tiếc thay anh cả tôi, một nhà văn quân đội đang tại ngũ cũng bị xếp vào nhóm ấy. Mà lại vì chính bài thơ mới hôm nào được hai vị lãnh đạo cơ quan văn hoá, tư tưởng của tỉnh, tỏ lời khen ngợi. Thế ra hay cũng chưa hẳn đã đúng, và đúng cũng rất có thể sẽ không hay!
Rối sau đó, nhận được thư anh tôi từ Tây Bắc gửi về, tôi mới biết: Ngoài bài thơ “Đuổi đám mây mù” bị phê phán ra, anh còn bài thơ “Người không tên tuổi”, in báo Văn nghệ, cũng bị phê phán. Không những thế, bài thơ ấy anh còn bị Bộ Giao thông kiện, vì vụ tai nạn tầu điện tác giả miêu tả không phải là việc có thật. Tất nhiên bị cáo không bị Toà án nhân dân Hà Nội tuyên phạt. Vì dựa vào bản chất “Vì nhân dân quên mình” của anh bộ đội cụ Hồ, tác giả có quyền hư cấu, song đó là về mặt pháp luật, tác giả được trắng án. Còn về phương diện chính trị, tư tưởng, thì tất cả những người trong nhóm “Nhân văn” đều bị phê bình, kiểm điểm, và phải đi cải tạo lao động. Anh tôi phải đi nông trường Mộc Châu lao động ba năm.
Cũng trong thời gian ấy, một buổi tối tôi đi nghe nói chuyện thời sự, khi nói đến Cải cách ruộng đất, diễn giả đã khẳng định: “Những khuyết điểm trong Cải cách ruộng đất chủ yếu là do Đội cải cách làm sai…”. Tức là chủ chương,  chính sách thì đúng, nhưng phương pháp thực hiện thì sai. Không! Nói như vậy là không đúng. Thử hỏi Đội cải cách ruộng đất là ai? Đội là một tổ chức do Đảng lập ra, và trực tiếp lãnh đạo, để thực hiện chủ trương.chính sách của Đảng. Vậy chẳng lẽ Đội sai, lại không phải là Đảng sai? Cũng như cái chỉ tiêu  5% địa chủ (Cứ 100 hộ nông dân thì có năm hộ là địa chủ) có phải là do các Đội tự nghĩ ra đâu. Đó là cấp trên quy định đấy chứ. Hay như việc bắt giam các cán bộ chủ chốt là Bí thư, Chủ tịch ở xã cũng vậy. Nếu không có chỉ thị của cấp trên thì Đội nào dám làm?
Tuy nhiên, Đội cải cách cũng có cái sai: Khi địa phương mình không có đủ số hộ địa chủ như chỉ tiêu quy định, họ đã tự ý kích một số hộ tử phú nông, thậm chí từ trung nông lên thành phần địa chủ. Nhưng nếu họ không làm như vậy, thì chỉ còn một cách là thừa nhận chỉ tiêu là sai. Nhưng ai dám?...
Những buổi nói chuyện thời sự, thường diễn giả cứ việc nói, người nghe chỉ việc nghe. Chứ không đặt ra vấn đề trao đổi, bàn bạc. Tan cuộc ra ngoài, người ta mới bàn tán đúng sai, hay dở. Mà ai có lương tri lại chẳng yêu cái đúng, ghét cái sai. Thế là người ta ghét Đội cải cách, ghét những người đi cải cách. Tôi cũng bị hút vào vòng xoáy của dư luận. Tôi nói thẳng, nói thật những cảm nhận của mình về Cải cách ruộng đất. Tôi có ngờ đâu, mình đã vô tình đụng chạm vào cái chỗ mà người khác đang muốn né tránh, muốn vùi lấp đi, hay muốn mọi người phải hiểu sự việc theo cách của họ. Và thế là trong con mắt của một số người ở cơ quan tôi, tôi đã thành một phần tử “bôi đen”, thành con bò ghẻ, cần phải tách đàn, loại bỏ, kẻo lây sàng con khác. Và cái sự loại bỏ ấy, quá trình diễn biến như sau:
Một hôm anh Nĩu, cán bộ Ban tuyên giáo đem máy ảnh đến Sở Văn hoá gặp tôi, nhờ tôi hướng dẫn anh cách sử dụng. Anh còn dở sổ tay ra bảo tôi gọi tên các bộ phận máy bằng cả tiếng Pháp nữa, để anh ghi, rồi dùng cho nó “sang sang một tẹo”. Vâng. anh em tuy là hai cơ quan khác nhau, nhưng văn hoá và tư tưởng thì có khác gì nhau đâu, tôi sẵn sàng giúp anh đến nơi, đến chốn.
Rồi một buổi chiều thứ bẩy tôi về hiệu ảnh “Sông Đăng”, anh Ba bảo tôi: “Anh Đàm Xuyên, cán bộ Sở Văn hoá đã ra lấy chiếc máy ảnh 9x12 về Sở rồi”. Đó là chiếc máy tịch thu của địa chủ trong cải cách, tôi đã báo cáo anh Khuê, và mượn cho anh Ba dùng. Anh Đàm Xuyên là hoạ sỹ trang trí, chuyên kẻ vẽ, không biết sử dụng máy ảnh, và cũng không có liên quan gì đến việc này. Nếu không có ý kiến cấp trên, chắc anh không tự tiện làm như vậy. Lạ thật, nếu cần lấy máy về sao anh Khuê không bảo tôi? Hai trường hợp về máy ảnh, tuy khác nhau, nhưng đều liên quan đến tôi. Vậy đã có việc gì xẩy ra mà tôi chưa biết đây?...
Đến một hôm khác, chú Suý, liên lạc của Phòng hành chính đi lấy công văn về, đưa cho tôi phong thư của anh Hai ở Thuỷ Nguyên gửi ra. Thư viết:
“…Làng ta họ đồn ầm lên là chú bị kỷ luật, thải hồi về địa phương. Giấy đã báo về Uỷ ban xã. Họ còn nói chú bây giờ khổ lắm, phải đi Đông Triều buôn gà về chợ Hồng Gai bán. Cả nhà lo quá, chẳng biết thực hư thế nào? Tôi nghĩ anh em ta có nhà có cửa, có ruộng vườn, làm sao chú phải khổ thế? Nếu đúng như vậy thì chú thím cứ về quê ở với anh em, chúng ta làm gì mà chả sống…”.
Trời đất ơi! Sự thật lại phũ phàng đến mức như vậy ư? Nào tôi có làm điều gì sai trái đâu? Tôi không tham ô, không hủ hoá. Nhiệm vụ cơ quan giao tôi vẫn hoàn thành. Tôi chỉ nói thật. Cải cách ruộng đất sai tử trên, thì tôi nới sai, chứ tôi có bịa đặt đâu? Luật pháp cũng cho phép người dân được tự do ngôn luận cơ mà? Tôi nói với anh em trong cơ quan, sao lại bảo tôi “phát ngôn bừa bãi?” Chính mấy ông lãnh đạo ở cơ quan tôi mời là người phạm pháp. Họ đã bỏ qua cả Bộ luật lao động hiện hành, để đuổi tôi ra khỏi nơi tôi đang có quyền làm việc?...
Nhưng thôi, thế là rõ ràng rồi! Con ếch chết vì tiếng kêu. Tôi bị tai hoạ vì lời nói thật.
Khoảng hai ba hôm sau, anh Pham Chính, Trưởng phòng hành chính triệu tập toàn cơ quan họp. Có đủ cả chánh phó Giám độc, và các phòng ban. Anh tuyên  ố lý do:
Cơ quan ta họp đột xuất để kiểm điểm, phê phán anh Hoàng Hữu Chỉnh. Các đồng chí ai có ý kiến xin cứ tự do phát biểu.
Anh Chính dứt lời, chờ đợi, rồi lại giục giã. Nhưng phòng họp vẫn im phăng phắc, vẻ mặt ai cũng nghiêm trang, căng thẳng, người nọ đưa mắt nhìn người kia chờ đợi. Vẫn chỉ có tiếng quạt máy chạy vù vù. Rồi như để xua tan bầu không khí nặng nề ấy, anh Vũ Khuê đứng lên phát biểu ý kiến. Càng nói gương mặt anh càng đỏ lên, giọng đanh lại, và lời lẽ sắc bén như dao chém đá. Anh phê phán tôi:: “BẤT MÃN, PHÁT NGÔN BỪA BÃI, GÂY HOANG MANG, MẤT ĐOÀN KẾT NỘI BỘ”. Sau ý kiến anh Khuê, anh Chính lại thúc giục. Rồi cũng có một vài người đứng lên. Nhưng họ cũng chỉ đưa ra những dẫn chứng tôi đã nói như thế này, ở chỗ nọ, chỗ kia, chứ nội dung không có gì khác với ý kiến anh Khuê. Cuối cùng anh Phạm Chính đứng lên đọc “Quyết định” của cơ quan, kỷ luật thải hồi tôi, vì những lỗi lầm như anh Khuê đã nói.
Cuộc họp kết thúc. Anh Phạm Chính đưa bản “Quyết định” cho tôi, và mấy tờ giấy bạc, tôi đóng tiền ăn tháng ấy chưa dùng hết. Như một cái máy vô tri, tôi bước ra ngoài phòng họp, tự nhiên lại ngồi vào bàn ăn ở nhà ăn tập thể. Tôi có định đi ăn đâu. Thói quen đã khiến tôi bước theo mọi người mà đến đây, chứ lòng đau, miệng đắng, thì làm sao mà ăn được!
Tôi quay ra, đi thu dọn hành trang. Mà tài sản của tôi nào có gì nhiều nhặn đâu, vài ba bộ quần áo, cái ca uống nước, bàn chải răng, khăn mặt. Lúc tôi đeo ba lô bước ra ngoài sân, thì đang giờ nghỉ trưa, cả cơ quan im phăng phắc, không một âm thanh, không một bóng người. Chắc mọi người - cả các bạn thân của tôi – đang yên giấc ngủ trưa!
Tôi đang đi, bỗng thấy tiếng gọi: “Anh Chỉnh ơi!”. A…thế ra vẫn có người còn thức! Đó là người phụ nữ quê hương ở mãi miền Nam xa xôi, theo chồng ra đây tập kết. Chị là vợ hoạ sỹ Trần Viết Lý, người đã vẽ phông đám cưới cho tôi. Từ gốc cây giâu gia đi ra, chị nhìn tôi đầy vẻ ái ngại: “Anh đi đấy à? Thật tội nghiệp! Mạnh giỏi nghen!”. Chị là người duy nhất tiễn biệt tôi. Đã lâu tôi không khóc, giờ thấy mắt chị tràn đầy ngấn nước, bỗng mắt tôi lệ cũng tràn ra hàng hàng trên má. Tôi chào chị rồi bước nhanh ra ngoài ngõ. Chẳng biết do ai báo mà vợ tôi lại đến cơ quan Văn hoá giữa lúc ấy. Nhưng không vào trong nhà như mọi lần, nàng đứng đợi tôi bên ngoài tường rào. Tôi nắm chặt tay em, bao khổ đau chồng chất bỗng vợi đi. Chúng tôi lặng lẽ đi bên nhau. Ngoài kía trên bãi biển sóng dội ầm àm. Tôi thấy đời mình cũng như biển, chẳng mấy khi ngừng sóng gió. Nhưng tôi không thể gào lên như biển. Biển ơi! Xin cho tôi gửi lời!.../.
 
                                                        Uông Bí, tháng Ba, năm 1998
                                                            Viết xong ngày 12/9/200
                                                            (Trung thu năm Canh thìn)
                                                                      Tạ Hữu Đỉnh
     
 
 
 


                       
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9