Cảm hứng chủ đạo trong ca dao người Việt
thuyduong 05.10.2005 00:22:03 (permalink)
Cảm hứng chủ đạo trong ca dao người Việt


TS. Nguyễn Hằng Phương*


1. Cảm hứng chủ đạo là “Trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định, gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận tác phẩm”.[6 .38] Bê-lin-xki - nhà lý luận văn học Xô Viết - cũng đã nhận thức được vai trò quan trọng của cảm hứng chủ đạo trong sáng tạo văn học nghệ thuật, ông coi cảm hứng chủ đạo là “điều kiện không thể thiếu được của việc tạo ra những tác phẩm đích thực, bởi nó “biến sự chiếm lĩnh thuần tuý trí óc đối với tư tưởng thành tình yêu đối với tư tưởng, một tình yêu mạnh mẽ, một khát vọng nhiệt thành” [6 .39].

Cũng như một số khái niệm khoa học khác, khái niệm cảm hứng chủ đạo có quá trình hình thành, phát triển và sự giới hạn nội hàm nhất định. “Thuật ngữ cảm hứng chủ đạo lúc đầu chỉ yếu tố nhiệt tình, say sưa diễn thuyết, sau chỉ trạng thái mê đắm khi xuất hiện tứ thơ. Về sau lý luận văn học xem cảm hứng chủ đạo là một yếu tố của bản thân nội dung nghệ thuật, của thái độ tư tưởng xúc cảm ở nghệ sĩ đối với thế giới được mô tả” [6.39].

Như vậy, cảm hứng chủ đạo đã ngày càng thâm nhập sâu vào thế giới nghệ thuật song song với quá trình điều chỉnh nhận thức của khoa học lý luận văn học.

2. Việc tìm hiểu cảm hứng chủ đạo trong văn học nghệ thuật là một trong những hướng tiếp cận nội dung tư tưởng tác phẩm thường thấy xưa nay. Song, từ việc tìm hiểu cảm hứng chủ đạo đi đến những nhận xét về mối quan hệ giữa nó với các yếu tố nội dung, hình thức tác phẩm, đến việc phát hiện sự biến đổi có tính quy luật của cảm hứng chủ đạo giữa các chuỗi tác phẩm, các bộ phận tác phẩm là một trong những hướng đi còn mới mẻ. Vấn đề chúng tôi đặt ra ở đây là vận dụng lý luận, tìm hiểu cảm hứng chủ đạo, tìm hiểu sự chuyển đổi cảm hứng chủ đạo từ ca dao cổ truyền đến ca dao hiện đại. Cũng cần nói thêm rằng, để sự nghiên cứu có tính khách quan khoa học, chúng tôi sẽ xem xét cảm hứng chủ đạo ở một số tác phẩm tiêu biểu trước khi tiến hành nghiên cứu cảm hứng chủ đạo trong ca dao.

2.1. Trong văn học nghệ thuật, cảm hứng chủ đạo có vai trò quan trọng, chi phối cảm xúc và một số không nhỏ thành phần nội dung, hình thức tác phẩm.

2.1.1. Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du là một ví dụ tiêu biểu. Trong thi phẩm tuyệt diệu này, “loại (...) hiện tượng đời sống được miêu tả phản ánh” là những số phận con người, đặc biệt là những kiếp người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Trong truyện Kiều, có nhiều câu trực tiếp triết lý về kiếp đời chìm nổi, bèo bọt của con người với những lời thơ thấm thía từ gan ruột.

“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
“Thương thay cho một kiếp người
Hại thay mang lấy sắc tài làm chi
Những là oan khổ lưu ly
Chờ cho hết kiếp còn gì là thân” .v.v...


Và có bao nhiêu lần Kiều đánh đàn - tiếng đàn chứa chất tâm trạng - thì cũng có bấy nhiêu lần trái tim tác giả thổn thức theo nhịp đập tâm trạng nàng. Cũng vậy, có bao nhiêu lần Kiều gặp tai hoạ là có bấy nhiêu lần tác giả thốt lên những tiếng kêu xa xót, xé lòng ...
Như vậy, từ việc lựa chọn đề tài số phận con người, lựa chọn các phương tiện biểu đạt ... đến sự vui, buồn, hả hê, đau xót trước những tâm trạng, cảnh huống gặp trong đường đời của nhân vật trung tâm - nàng Kiều, Nguyễn Du đã khêu gợi và thổi vào trái tim độc giả một thư xúc cảm đặc biệt tạo thành cảm hứng chủ đạo nhân đạo chủ nghĩa. Cảm hứng chủ đạo nhân đạo chủ nghĩa, tấm lòng đau đời, thương người ấy đã chi phối toàn bộ hệ thống hình tượng. Cảm hứng ấy hoá thân trong từng cảnh huống, tính cách nhân vật và “nhờ vậy, vượt ra ngoài dự kiến chủ quan của tác giả, làm “vô hiệu hoá” ở một mức độ nhất định chủ nghĩa định mệnh cùng những triết lý duy tâm cố hữu trong tư tưởng của nhà nho Nguyễn Du” [5. 47]. Như vậy, nàng Kiều và các nhân vật trong tác phẩm không phải là những minh hoạ sơ lược cho tư tưởng định mệnh, tài mệnh tương đố và những triết lý duy tâm khác như có người đã nhận định mà là những hình tượng nghệ thuật sinh động chứa đựng tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa, tình cảm tâm huyết của tác giả trước những kiếp người và những biến cố của cuộc đời, góp phần tạo nên tính cách đa dạng mà thống nhất của nhân vật Thuý Kiều, góp phần huy động những phương tiện nghệ thuật ... phù hợp để tái hiện, tái tạo hiện thực. Có thể đánh giá, khen chê Nguyễn Du về điểm này hay điểm khác nhưng thi tài của ông vẫn là siêu phàm và cảm hứng chủ đạo, nhân đạo chủ nghĩa trong tác phẩm vẫn ngời sáng. Truyện Kiều đã, đang và sẽ làm rung động bao trái tim nhậy cảm của người đời bởi cốt truyện ly kỳ éo le, bởi những vần thơ sắc sảo điêu luyện, bởi những xúc cảm nhân đạo chân thực mà đại thi hào Nguyễn Du đã phả vào tác phẩm.
2.1.2. Với loại hình trữ tình, cảm hứng chủ đạo càng có điều kiện bộc lộ rõ nét. Thơ Tố Hữu là một ví dụ, thơ ông theo nghiên cứu của một học giả có tên tuổi - là thơ trữ tình chính trị - hơn thế, là “đỉnh cao thơ trữ tình chính trị” [9.24]. Thơ ông, đa dạng về đề tài, phong phú về giọng điệu, tài tình ở phương cách biểu đạt, đầy ắp cảm xúc, nhiệt tình Cách mạng. Không giống nhiều nhà thơ khác, thơ ông nhất quán về tư tưởng, cảm xúc. Có thể đưa ra nhận xét ấy với đa phần tác phẩm thơ, với từng tập thơ gắn với các thời điểm lịch sử của dân tộc, với cả chặng đường thơ đồ sộ của ông. Như vậy, cũng có nghĩa là có thể tìm hiểu cảm hứng chủ đạo trong từng bài thơ, từng tập thơ hay cả chặng đường thơ Tố Hữu.

Trong số 245 bài thơ in trong tập Tố Hữu Thơ [7] có 155 bài thuộc các đề tài: Đấu tranh Cách Mạng, xây dựng đất nước, Tổ quốc, lãnh tụ, người chiến sĩ (chiếm >63%). Như vậy, cảm hứng chủ đạo trong thơ ông chủ yếu là cảm hứng trữ tình lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng: tìm hiểu cảm hứng chủ đạo trong thơ Tố Hữu không nên chỉ dừng lại ở việc định danh chúng qua liệt kê các lớp đề tài. Theo nghiên cứu của tác giả Thi pháp thơ Tố Hữu, hiện nay, trong văn học nghệ thuật, có 3 dòng “thể tài” (tức 3 dòng nội dung thể loại): Lịch sử - dân tộc, đạo đức - thế sự, đời tư. Tác giả cho rằng “ở các tác phẩm lớn thường có sự kết hợp các nét nội dung thể tài với nhau, trong đó có một hay hai nét chiếm ưu thế, tạo thành loại tác phẩm đa bình diện” [9. 70]. Thơ Tố Hữu có nhiều bài thuộc loại tác phẩm đa bình diện như thế. Trong những bài thơ đa bình diện ấy, cũng có những “cách tân” đáng kể, xét về phương diện cảm hứng chủ đạo. Nói cách chính xác hơn, sự đan xen tự nhiên giữa các đề tài, sự kết hợp hài hoà giữa các chủ đề với các thể tài... làm cho cảm hứng chủ đạo trong thơ Tố Hữu cũng “đa thanh sắc”, “giầu âm điệu cảm xúc”, dễ đi vào lòng người, dễ rung động tình người. Chẳng hạn trong thơ Tố Hữu, cảm hứng chủ đạo trữ tình đời tư là một mạch cảm xúc đáng kể. Song, khách quan mà xét, sự ý thức về đời sống cá nhân, những xúc động cá nhân ấy, thường được sưởi ấm bởi tình cảm cách mạng, niềm lạc quan cách mạng khiến cảm hứng trữ tình đời tư trong thơ Tố Hữu buồn nhưng không bi luỵ, rất “cá nhân” nhưng không đơn độc. Và, “Em yêu”, “Đôi ta”, “Hai đứa mìmh”... trong thơ ông cũng chững trạc hơn rắn rỏi hơn “Em yêu”, “Đôi ta”... trong tác phẩm của các nhà thơ cùng thời.

Điều đáng lưu ý là, trong thơ Tố Hữu, cảm hứng chủ đạo trữ tình lịch sử - dân tộc vẫn là mạch cảm xúc chủ yếu. Cảm hứng ấy không chỉ đánh thức những tình cảm tiềm ẩn trong trái tim độc giả mà trước hết, nó chi phối việc lựa chọn đề tài và các phương tiện nghệ thuật khác tạo nên chất “trữ tình chính trị” - một thứ “ma lực” cuốn hút người thưởng thức và bình giá thơ ông một thời.

Những điều nêu trên cho thấy, cảm hứng chủ đạo là “mạch ngầm” tư tưởng của tác phẩm, là yếu tố chi phối và khuấy động không khí xúc cảm của cả người sáng tác lẫn đối tượng tiếp nhận tác phẩm. Nhưng vấn đề còn là ở chỗ, xem xét cảm hứng chủ đạo phải nhìn từ nhiều bình diện. Xem xét cảm hứng chủ đạo với tư cách là tư tưởng, tình cảm của tác giả đối với hiện thực được mô tả, chúng ta sẽ có thể cắt nghĩa được sự “vận động” của một số yếu tố nội dung, hình thức trong chính thể tác phẩm. Nếu xét cảm hứng chủ đạo với tư cách là yếu tố của bản thân nội dung tác phẩm, chúng ta sẽ chỉ ra được mạch cảm xúc tuôn chảy trong tác phẩm, lý giải được phần nào sức hấp dẫn, sức sống của tác phẩm với công chúng, với thời gian.

Như vậy, có thể nói, cảm hứng chủ đạo là một yếu tố có vai trò cả trong quá trình sáng tạo lẫn thưởng thức văn học nghệ thuật. Yếu tố đó có mặt và thâm nhập vào hầu hết các “ngõ ngách” của tác phẩm. Có điều, cần nhận thức sâu sắc về vai trò của cảm hứng chủ đạo ở mỗi “tư cách” mà nó đảm trách. Với “tư cách” là thái độ, tư tưởng tình cảm của tác giả với hiện thực được mô tả trong tác phẩm, nó là điều kiện tiên quyết, là nguồn cảm hứng để người sáng tác tạo nên giá trị tác phẩm từ sự lựa chọn hiện thực. Tức, là yếu tố tạo nguồn và thúc đẩy quá trình sáng tạo văn học nghệ thuật. Chẳng hạn, cảm hứng chủ đạo giúp lựa chọn, tổ chức, triển khai các khía cạnh khác nhau của đề tài, tạo nên hệ thống đề tài mới trên cơ sở thế giới quan và quan niệm nghệ thuật mới. Với “tư cách” là một yếu tố của bản thân nội dung tác phẩm, cảm hứng chủ đạo là hệ quả của quá trình thâm nhập thực tế, lựa chọn đề tài, thể nghiệm tư tưởng, tình cảm... của tác giả. Tức, là kết quả của sự hoà điệu tuyệt vời giữa thế giới quan với tài năng bản lĩnh và mức độ thâm nhập của người sáng tác vào hiện thực đời sống. Nó có khả năng thức tỉnh những tình cảm ở độc giả, làm tiền đề cho sự tiếp nhận sâu sắc tác phẩm, biến quá trình tiếp nhận tác phẩm dường như khô khan thành quá trình tiếp nhận tự nguyện nhờ sự đồng cảm, thăng hoa nghệ thuật. Song, điều quan trọng là, ở cả hai “tư cách”, cảm hứng chủ đạo đều có vai trò (gián tiếp hoặc trực tiếp) tác động vào người tiếp nhận, tạo nên những xúc cảm thẩm mỹ ở họ, khiến “sự chiếm lĩnh thuần tuý trí óc đối với tư tưởng thành tình yêu đối với tư tưởng” như Bê-lin-Xki đã từng nhận xét.

2.2. Xét cảm hứng chủ đạo trong ca dao là một hướng đi cần thiết để tiếp cận thể loại, tìm ra sự chuyển đổi các hình thức nghệ thuật mang tính nội dung từ ca dao cổ truyền đến ca dao hiện đại. Tuy nhiên, ở phần trước, chúng tôi đã có dịp đề cập đến cảm hứng chủ đạo khi tìm hiểu về hệ thống đề tài trong ca dao cổ truyền và ca dao hiện đại. Đó là cảm hứng chủ đạo với tư cách là tư tưởng, tình cảm của tác giả đối với mảng hiện thực được mô tả. Tìm hiểu cảm hứng chủ đạo với tư cách là một yếu tố của bản thân nội dung nghệ thuật, tức “trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định, gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận tác phẩm” là mục đích chính của chúng tôi trong phần này.

Thực hiện mục đích nghiên cứu, chúng tôi tiến hành “định lượng” cảm hứng chủ đạo trên cơ sở sự khảo sát, thống kê cụ thể. Thao tác đó sẽ kéo theo việc phải xác định rõ một số khái niệm sử dụng trong quá trình khảo sát. Chúng tôi dùng tập hợp từ “cảm hứng trữ tình” (đời tư, lịch sử - dân tộc, đạo đức - thế sự) với tư cách là một thuật ngữ khoa học trong đó “trữ tình” được dùng không phải với tư cách là phương thức phản ánh (bên cạnh phương thức tự sự, kịch) mà với tư cách là định ngữ cho “cảm hứng chủ đạo” nhằm mục đích nhấn mạnh vào tính chất trữ tình của đối tượng nghiên cứu. Từ đây, vì lý do giản tiện, chúng tôi dùng thuật ngữ “cảm hứng” với nghĩa là “cảm hứng chủ đạo” trong quá trình tìm hiểu cảm hứng chủ đạo của các bộ phận ca dao người Việt.

Thông thường, người ta tìm hiểu cảm hứng trong từng tác phẩm. ở đây, do đặc điểm đối tượng và mục đích nghiên cứu, chúng xác định cảm hứng của từng “chuỗi” lời ca dao, từng bộ phận ca dao chia theo các mốc lịch sử. Và định ra tiêu chí phân loại các lời ca dao làm cơ sở cho việc xác định cảm hứng theo mục đích trên là thao tác khoa học cần thiết đầu tiên.

Chúng ta biết rằng, trong quá trình sáng tạo văn học nghệ thuật, người sáng tác có mối quan hệ đầu tiên và mật thiết với đề tài (tức mảng hiện thực được mô tả trong tác phẩm). Mối quan hệ đó là khởi nguồn của mọi xúc cảm tạo nên giá trị tác phẩm. Như vậy, xét đến cùng, cảm hứng trước hết và chủ yếu bắt nguồn từ đề tài, có quan hệ mật thiết với đề tài. Vậy, xác định cảm hứng của các “chuỗi” lời ca dao được phân loại theo tiêu chí đề tài là hướng tiếp cận có cơ sở khoa học.

2.2.1. Chúng tôi tiến hành khảo sát các lời ca dao cổ truyền in trong Kho tàng ca dao người Việt [8] và của các lời ca dao hiện đại in trong Ca dao Việt Nam 1945 - 1975 [2]; Ca dao chống Mĩ cứu nước chọn lọc [1]; Cụ Hồ ở giữa lòng dân [3] theo 2 hướng:
2.2.1.1. ở bộ phận ca dao cổ truyền, chúng tôi khảo sát 2 đề tài: Tình yêu và gia đình. Trong ca dao hiện đại chúng tôi khảo sát một số đề tài: đấu tranh cách mạng, sản xuất xây dựng, lãnh tụ, tổ quốc đất nước, phản chiến.

2.2.1.2. Bước đầu chúng tôi nghiên cứu chủ đề và sắc thái biểu cảm của những lời ca dao ở một số đề tài tiêu biểu.

Khảo sát 300 lời ca dao cổ truyền về đề tài tình yêu in trong Kho tàng ca dao người Việt (tập I), chúng tôi thống kê được 8 chủ đề: tình yêu say đắm bất chấp mọi khó khăn, trở ngại: 45 lời (chiếm 15%); Tình yêu tan vỡ vì những nguyên nhân khách quan và chủ quan; 27 lời (chiếm9%); Tình yêu chân thực, giản dị nhưng vô cùng đẹp đẽ, nên thơ: 103 lời (chiếm xấp xỉ 34,33%); Nỗi nhớ nhung, thổn thức trong tình yêu: 108 lời (chiếm 36%); Sự giận hờn, trách cứ trong tình yêu: 16 lời (chiếm xấp xỉ 5,33%); Đừng bỏ lỡ cơ hội yêu: 5 lời (chiếm xấp xỉ 1,66%); Vẻ đẹp lý tưởng của người yêu và tình yêu: 2 lời (chiếm xấp xỉ 0,66%).
Khảo sát 122 lời ca dao hiện đại về đề tài tình yêu in trong Ca dao Việt Nam 1945 - 1975; Ca dao chống Mĩ cứu nước chọn lọc, chúng tôi thống kê được các chủ đề sau: Tình yêu gắn với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ đất nước: 49 lời (chiếm xấp xỉ 40,16%); Tình yêu gắn với lao động sản xuất và sự nghiệp xây dựng đất nước: 25 lời (chiếm xấp xỉ 20,49%); Tình yêu chiến dịch diệt giặc đốt: 4 lời (chiếm xấp xỉ 3,28%); Tình yêu thuỷ chung, tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng: 37 lời (chiếm xấp xỉ 30,33%); Vẻ đẹp lý tưởng của người yêu theo quan điểm mới: 7 lời (chiếm xấp xỉ 5,74%).
Dựa vào tiêu chí “sắc thái biểu cảm” để phân loại ca dao về đề tài tình yêu, chúng tôi có kết quả như sau:
Trong số 11.825 lời ca dao cổ truyền có 4.733 lời mang “sắc thái biểu cảm” dương tính (chiếm xấp xỉ 77,56%) và 1.369 lời mang “sắc thái biểu cảm” âm tính (chiếm xấp xỉ 22,44%).
Trong khi đó ở bộ phận ca dao hiện đại có 5 lời mang “sắc thái biểu cảm” dương tính (chiếm xấp xỉ 4,1%) và 117 lời mang “sắc thái biểu cảm” âm tính (chiếm xấp xỉ 95,9%) trong tổng số 122 lời ca dao khảo sát.
Trong phong cách học, “sắc thái biểu cảm” được dùng chỉ phần tin bổ sung của tín hiệu ngôn ngữ, chỉ thái độ đánh giá tình cảm của người nói với đối tượng được nói đến [12]. ở đây, chúng tôi dùng khái niệm “sắc thái biểu cảm” để chỉ phần tin cơ sở của tín hiệu ngôn ngữ - tức nội dung của những lời ca dao khảo sát. Từ “ sắc thái” được dùng nhằm mục đích diễn tả sự biến chuyển tinh tế của những thành phần ý nghĩa trong nội dung cơ sở của những lời ca dao khảo sát.

2.2.2. Những thống kê, phân loại ở trên cho thấy:

2.2.2.1. ở mỗi bộ phận ca dao, tần số xuất hiện những đề tài trung tâm rất khác nhau. ở ca dao cổ truyền những lời về đề tài tình yêu và gia đình chiếm tỷ lệ khá cao ( 60,4% - xem sơ đồ 1a). Đó là những lời ca dao ý thức về đời sống cá nhân, bắt nguồn từ những xúc động cá nhân. Tác giả dân gian sáng tác những lời ca dao về các đề tài này đứng ở “góc độ cá nhân” để nhìn nhận vấn đề, xem xét hiện thực. Chúng tôi xác định những lời ca dao trên thuộc cảm hứng trữ tình đời tư (xem biểu đồ 1a). Trong ca dao hiện đại, số lời ca dao chiếm tỷ lệ cao lại là nhữnglời về đề tài đấu tranh cách mạng, sản xuất xây dựng, lãnh tụ, tổ quốc đất nước ... ( xấp xỉ 72,56%). Những lời ca dao này ít nhiều đề cập tới các sự kiện đấu tranh giai cấp, chiến tranh cách mạng, có ảnh hưởng đến vận mệnh dân tộc. Chúng tôi xác định những lời ca dao này thuộc cảm hứng trữ tình lịch sử - dân tộc.

Song, sẽ là phiến diện nếu như người nghiên cứu không xem xét cảm hứng của những lời ca dao thuộc các đề tài chưa được kể đến ở trên. Sự so sánh giữa chúng (giữa những lời ca dao thuộc cảm hứng trữ tình lịch sử - dân tộc với những lời ca dao thuộc cảm hứng khác) sẽ là những gợi ý thiết thực giúp tìm ra sự chuyển đổi hết sức tự nhiên, linh hoạt của các yếu tố nội dung, hình thức giữa 2 bộ phận ca dao, cổ truyền và hiện đại, vấn đề này chúng tôi sẽ trở lại trong một bài nghiên cứu khác.

Tuy nhiên, không thể chỉ xem xét cảm hứng ở bình diện “bề nổi” mà còn phải nghiên cứu nó ở bình diện “bề sâu”. Nhìn vào số liệu thống kê, phân loại và các sơ đồ, biểu đồ ở trên, chúng ta mới chỉ điểm danh được các lớp đề tài, gọi tên được cảm hứng của từng bộ phận ca dao chia theo tiến trình lịch sử. Chủ đề, nội dung của từng chuỗi, từng bộ phận ca dao chia theo tiêu chí đề tài là những vấn đề cần được tiếp tục xem xét
.
2.2.2.2. Số lượng, đặc điểm cách biểu hiện của một số chủ đề được khai triển từ các đề tài trung tâm trong ca dao cổ truyền và ca dao hiện đại rất khác nhau.

Tình yêu trong ca dao cổ truyền là đề tài đáng lưu ý. Đề tài này được triển khai thành nhiều chủ đề. Điều đó cho thấy sự đa dạng trong việc biểu đạt đời sống nội tâm của quần chúng lao động về vấn đề hết sức riêng tư - tình yêu đôi lứa. Tất cả các cung bậc tình cảm: Yêu thương, nhớ nhung, giận hờn, trách móc, riết róng, lạnh lùng .... trong tình yêu đôi lứa đều được phản ánh sinh động qua các lời ca dao. Xin đơn cử vài ví dụ:
65.Yêu nhau vạn sự chẳng nề
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng
HT230 NGCK111a TCBDI17 TNPDI150

192. Nhớ ai trong dạ bồi hồi
Khi đứng tưởng huệ khi ngồi tưởng mai
HPV149 HT 167

5. ở chi hai dạ ba lòng
Dạ cam thì ngọt dạ bòng thì chua
VNP7 210
v..v...

Phải chăng đây chính là một trong những nguyên nhân tạo nên sức hấp dẫn của ca dao cổ truyền? Tuy nhiên, sức hấp dẫn của ca dao cổ truyền không chỉ ở sự đa dạng phong phú của các chủ đề mà còn ở cách thể hiện chủ đề đó trong tác phẩm. Nếu như ở ca dao hiện đại, các chủ đề thường được khai thác qua lời tâm tình trực tiếp của tác giả dân gian [11.18] thì ở ca dao cổ truyền những chủ đề khai thác từ các đề tài (đặc biệt đề tài tình yêu) lại bộc lộ chủ yếu qua hệ thống hình tượng và tâm trạng nhân vật trữ tình. Chẳng hạn:

722. Thương tằm cởi áo bọc dâu
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay
CDTCM47

166. Bao giờ cho hương bén hoa
Khăn đào bén túi thời ta lấy mình
Thuyền không đậu bến giang Đình
Ta không ta quyết lấy mình mà thôi
THQP 5a

Như vậy, có thể nói, cảm hứng trữ tình đời tư là mạch cảm xúc chính chi phối không khí các lời ca của bộ phận ca dao cổ truyền.

Trong khi đó các đề tài: Đấu tranh cách mạng, sản xuất xây dựng, lãnh tụ, Tổ quốc đất nước ... không chỉ chiếm tỉ lệ cao mà còn đáng chú ý bởi các chủ đề được khai triển từ các đề tài đó khá đa dạng, đặc biệt “ đề tài Hồ Chủ tịch được tác giả dân gian khai thác khá triệt để” [11.17]. Có thể thấy rằng, những đề tài tưởng chừng “khô khan” “không tươi mát” cũng tạo được sức hấp dẫn riêng đối với quần chúng lao động. Tuy nhiên, vấn đề còn là ở chỗ quần chúng đó sống trong giai đoạn lịch sử nào, tiếp thu ảnh hưởng của quan điểm nghệ thuật nào ... Một nhà lý luận văn học đã từng nhận xét: Cảm hứng sáng tạo trong giai đoạn lịch sử hiện nay có thể được tạo ra bởi những xúc cảm xuất phát từ các vấn đề chính trị của thời đại và cho rằng điều đó hoàn toàn hợp quy luật. Có thể dẫn một vài lời ca dao đề cập đến những khía cạnh khác nhau của đời sống chính trị song vẫn rạo rực cảm hứng trữ tình.

... Lòng dân về với cụ Hồ
Như sông về biển khi mô cho ngừng
(Lời 251 - Ca dao Việt Nam 1945 - 1975)

Chim khôn chọn nhánh chọn nhành
Người khôn biết Tổ quốc mình là đâu
(Lời 107 - Ca dao Việt Nam 1945 - 1975)

Bao giờ đất nước thái bình
Việt Nam độc lập thì mình lấy ta
(Lời 39 - Ca dao Việt Nam 1945 - 1975)


2.2.2.3. Sự phân loại ca dao về đề tài tình yêu thành hai loại: Dương tính và âm tính (Xem kết quả thống kê mục 2.2.1.2) giúp phần nào nhận thấy những cung bậc tình cảm của tâm trạng nhân vật trữ tình. Mà “nhân vật trữ tình” là gì nếu không phải là hình tượng nghệ thuật sinh động, hư cấu nên từ “nguyên mẫu” ở ngoài đời, như vậy, hiện thực sinh động ở mỗi giai đoạn lịch sử cũng góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng của sắc thái biểu cảm.

ở những lời ca dao tình yêu, tuy nhiên, sự phân loại trên chỉ có ý nghĩa tương đối bởi giới hạn và biểu hiện của sắc thái biểu cảm nhiều khi hết sức mong manh tinh tế. Chẳng hạn, hai lời ca dao sau có thể xác định được sắc thái biểu cảm.

807 - Đôi ta như lửa mới nhen
Như trăng mới mọc như đèn mới khêu
HT148 VNP1I 60 VNP7 182
(Sắc thái biểu cảm dương tính)


724 - Thương tằm ngửa áo bọc dâu
Tưởng tằm có ngãi hay đâu bạc tình
DCNTB II 143
(Sắc thái biểu cảm âm tính)


Còn lời ca dao sau nên xếp vào loại nào:

198 - Không buông giọng bướm lời hoa
Cớ sao lại bắt lòng ta cảm tình
TCBDI 147

2.2.3. Những nghiên cứu ở trên cho phép chúng tôi rút ra một số kết luận sau:

2.2.3.1. Cảm hứng trong sáng tạo văn học nghệ thuật là một yếu tố thuộc phạm trù nội dung, song lại có mối quan hệ gắn bó mật thiết với vấn đề lựa chọn, tổ chức, cấu tạo đề tài - một phương diện của phạm trù thi pháp học. Như vậy, xem xét cảm hứng trong mối quan hệ với đề tài thực chất là đi vào “lãnh địa” của thi pháp học hiện đại để nhìn nhận, đánh giá vai trò và các mối quan hệ giữa nó với các yếu tố có liên quan. Nghiên cứu cảm hứng trong ca dao là một thể nghiệm bước đầu theo hướng trên.

2.2.3.2. Cảm hứng trong bộ phận ca dao cổ truyền chủ yếu là cảm hứng trữ tình đời tư. Nói cách khác, nhiều lời ca dao cổ truyền chứa đựng cảm hứng trữ tình đời tư. Cảm hứng của bộ phận ca dao hiện đại chủ yếu là cảm hứng trữ tình lịch sử - dân tộc. Nói cách khác, hầu hết các lời ca dao hiện đại chứa đựng cảm hứng trữ tình lịch sử - dân tộc.

Như vậy, có sự khác nhau về cảm hứng giữa hai bộ phận ca dao: Cổ truyền và hiện đại. Điều đó một mặt phản ánh sự thay đổi nguồn cảm hứng trong sáng tạo văn học nghệ thuật của các tác giả dân gian ở mỗi giai đoạn lịch sử; mặt khác đánh dấu bước chuyển biến trong quan niệm nghệ thuật của họ cùng thị hiếu thẩm mĩ không chỉ của người sáng tác mà của cả người thưởng thức văn học nghệ thuật dân gian. Vậy nên, có thể nói rằng, sự thay đổi cảm hứng và một số yếu tố khác trong chỉnh thể tác phẩm văn học nghệ thuật là sự thay đổi có tính quy luật cho dù người sáng tác ra nó có ý thức hoặc không có ý thức.

2.2.3.3. Sự khác nhau giữa các chủ đề được khai thác từ cùng một đề tài, sự khác nhau về ‘sắc thái biểu cảm” của các lời ca dao về đề tài tình yêu ở hai bộ phận ca dao: Cổ truyền và hiện đại cho thấy sự chuyển đổi cảm hứng nói riêng, sự chuyển đổi các đặc điểm thi pháp khác nói chung không dừng ở thay đổi diện mạo mà đi vào chiêù sâu - thay đổi nội dung của từng yếu tố trong hệ thống thi pháp. Nếu khảo sát cảm hứng trong từng chuỗi lời ca cùng chủ đề của một đề tài, vấn đề cũng còn nhiều chỗ cần bàn luận.

2.2.3.4. Mối quan hệ giữa cảm hứng với đề tài là mối quan hệ tích cực, thúc đẩy quá trình sáng tạo và thưởng thức tác phẩm, khơi dậy xúc cảm thảm mĩ, tạo nên sự thăng hoa nghệ thuật. Tìm hiểu mối quan hệ này và sự chuyển đổi cảm hứng từ ca dao cổ truyền đến ca dao hiện đại chính là tìm ra “chìa khoá” mở qui luật chuyển đổi một số yếu tố thi pháp khác từ ca dao cổ truyền đến ca dao hiện đại.

Tài liệu tham khảo

1/ Ca dao chống Mỹ cứu nước chọn lọc, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1980
2/ Nguyễn Nghĩa Dân: Ca dao Việt Nam 1945 - 1975, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, 1997.
3/ Lê Tiến Dũng, Trần Hoàng: Cụ Hồ ở giữa lòng dân, Nhà xuất bản Thuận Hoá, Huế, tháng 5 năm 2000.
4/ Vũ Cao Đàm: Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật, Hà Nội, 1996.
5/ Hà Minh Đức (Chủ biên): Lý luận văn học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1993.
6/ Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên): Từ điển thuật ngữ văn học (in lần thứ 3), Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 1999.
7/ Tố Hữu: Thơ, Nhà xuất bản Giáo dục, 1998
8/ Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật (chủ biên): Kho tàng ca dao người Việt (4 tập), Nhà xuất bản Văn hoá thông tin, Hà Nội, 1995.
9/ Trần Đình Sử: Thi pháp thơ Tố Hữu, Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Hội nhà văn Việt nam, 1987.
10/ Nhiều tác giả: Văn hoá dân gian, những phương pháp nghiên cứu, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1990.
11/ Nguyễn Hằng Phương: “Đề tài Hồ Chủ tịch trong ca dao Việt Nam 1945 - 1975”, Tạp chí Văn hoá dân gian số 3/2000.
12/ Cù Đình Tú: Phong cách học và đặc điểm tu từ Tiếng Việt, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1983.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9