Người biến hiện thực thành giấc mơ Ký Trần Vũ Long
-
27.07.2012 16:41:54
Người biến hiện thực thành giấc mơ
Trần Vũ Long
Đã nhiều lần định viết về ông, nhưng cứ ngồi vào bàn máy vi tính, tôi lại bất lực. Bất lực bởi vì tôi cảm thấy mình vẫn chưa thực sự hiểu hết về con người nghệ sĩ tài năng này. Có hàng trăm bài báo viết về ông mà tôi được đọc, nhưng để lại ấn tượng trong lòng độc giả cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dĩ nhiên, tôi không muốn bài báo của mình bị rơi vào số đông kia. Đó là điều mong muốn chính đáng đối với mỗi người cầm bút, đặc biệt khi viết về một người mà mình yêu mến kính trọng. Và tôi vẫn luôn tâm niệm điều đó trong đầu kể từ lúc gõ những chữ đầu tiên này. Người thẩm định cuối cùng vẫn là độc giả. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, đây là những tình cảm chân thành của tôi viết về một người bạn. Đó là hoạ sĩ Thành Chương.
Quả thực, ngay lúc này đây, tôi vẫn chưa biết phải bắt đầu từ đâu để viết về ông, nhưng có một cái gì đó cứ thôi thúc tôi gõ tay lên bàn phím sau khi gửi cho ông một tin nhắn “Chúc mừng sinh nhật sư phụ”. Chắc mọi người sẽ nhầm tưởng tôi là môn đệ được ông truyền nghề hội hoạ. Nhưng không, tôi thậm chí không biết vẽ một bông hoa sao cho dễ nhìn, và ông cũng chưa bao giờ viết văn hay viết báo. Tôi cũng biết chắc rằng ông chẳng bao giờ muốn dạy dỗ hay làm thầy của ai đó. Dẫu vậy tôi vẫn luôn tâm niệm, luôn coi ông là một người bạn và là một người thầy, một người thầy với những bài học cuộc đời. Có lẽ một trong những may mắn của tôi là có được một người bạn như ông. Nghe có vẻ sàm ngôn, nhưng quả đúng như vậy, chúng tôi chơi với nhau như những người bạn thực sự mà không hề có ranh giới tuổi tác, và ông luôn là người phá bỏ ranh giới đó. Còn nhớ, hồi mới về công tác tại báo Văn nghệ tôi luôn bị lôi cuốn bởi những câu chuyện hài hước của ông, nhưng vẫn giữ một khoảng cách nhất định bởi ông là người giầu có và quá nổi tiếng, còn tôi thì không muốn bị nghĩ là “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Mặc dù trước đó chúng tôi đã gặp nhau nhiều lần bởi cùng chơi thân với một người, là nhà thơ Bế Kiến Quốc.
Khoảng chục năm trở lại đây, tên tuổi Thành Chương càng được nhắc đến nhiều hơn với khu Việt phủ mà ông xây dựng. Việt phủ Thành Chương là tác phẩm nghệ thuật có một không hai trên đất nước Việt Nam này, nói vậy có lẽ cũng không ngoa chút nào. Mỗi lần đến thăm Việt Phủ, trong tôi luôn có một cảm xúc mới lạ. Tôi thấy mình thật nhỏ bé, tầm thường trước một công trình tuyệt mỹ đến thế, trước một sức lao động sáng tạo phi thường của hoạ sĩ Thành Chương. Tôi vẫn nói với ông rằng: “người giầu hơn chú có rất nhiều và thậm chí có cả thể lực nhưng để xây dựng được khu Việt Phủ này thì chỉ duy nhất Thành Chương mới làm được”.
Còn nhớ, khi lần đầu tiên đến Việt Phủ, tôi được đọc dòng lưu bút của một cậu học trò, đại loại thế này: Cháu thật xúc động khi được đến đây. Cháu cảm thấy mình đã có lỗi với bố mẹ, và cháu hứa sẽ trở thành một đứa con ngoan ngoãn.
Đúng là dòng lưu bút của một cậu học trò, dường như chẳng có gì ăn nhập sau khi được thăm quan một công trình kiến trúc, lúc đó Việt Phủ Thành Chương mới chỉ làm được khoảng 50%. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn cậu bé đã thực sự rung động và cậu đã nghĩ ngay đến những người thân yêu nhất để sẻ chia rồi chợt nhận ra rằng mình đã thật có lỗi với họ, mặc dù cậu chưa hiểu hết những giá trị vừa được chiêm ngưỡng. Nghệ thuật và cái đẹp luôn có sức thuyết phục tâm hồn con người một cách đầy bất ngờ và kỳ diệu mà ta không thể biết trước được. Kể từ đó đến nay có không biết bao nhiêu chính khách trong và ngoài nước, các nhà văn, hoạ sĩ, kiến trúc sư, các nhà nghiên cứu văn hoá…và cả những người dân bình thường nhất đến thăm, không tiếc lời ca ngợi Việt phủ Thành Chương. Những cuốn sổ lưu bút cứ được thay liên tục, tôi đã không thể ngồi đọc hết những dòng lưu bút đó. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng phải thốt lên rằng: “Việt phủ Thành Chương, một vương quốc không phải ở trong những giấc mơ xa xôi và mơ hồ của chúng ta. Vương quốc ấy hiện thực đến mức làm cho ta cảm tưởng mình đang thở cùng hơi thở của ngàn xưa tụ lại, lan toả và sinh sôi”. Những cảm xúc của tôi cũng vậy. Khi chiêm ngưỡng Việt Phủ Thành Chương, tôi thấy mình như đang lạc vào giấc mơ, một giấc mơ rất thật, một giấc mơ ngay khi tôi đang thức. Bao lo toan của một cuộc sống bận rộn và đầy bất trắc dường như bị tan biến. Tôi được đắm chìm, được phiêu lãng trong một thế giới thần tiên mà bình dị và chợt nhận ra rằng, chúng ta - những con người của xã hội hiện đại thật đáng thương. Chúng ta đang dần đánh mất nhiều thứ quý giá mà không gì có thể lấy lại được. Tiền ư? Của cải ư? Danh vọng ư? Tất cả chỉ là phù du. Chúng ta đang trở thành kẻ xa lạ ngay trong chính con người mình. Chúng ta đang mệt mỏi bởi những thứ phù du mà đâu biết tất cả rồi sẽ vô thường và để tuột mất những giá trị bất biến trong cuộc đời. Tôi cũng được chứng kiến một nhạc sĩ nổi tiếng nói với hoạ sĩ Thành Chương thế này: “Thành Chương ơi, thiên đường là đây chứ còn đâu nữa”.
Một nhà văn hoá phương tây thì nói rằng: “tôi đã đi rất nhiều nơi trên thế giới, nhưng đây là nơi đẹp nhất mà tôi được biết”. Trong cuốn sổ lưu bút tại Việt phủ, ông Raymond Burghardt, cựu đại sứ Mỹ, đã viết: “Người ta thường nói biến giấc mơ thành hiện thực nhưng với công trình này ông là người đã biến hiện thực thành giấc mơ”.
Từng có một số bài báo viết về Việt phủ Thành Chương với chữ “chơi ngông”. Tất nhiên là họ cũng ca ngợi thán phục, nhưng chữ “chơi ngông” giống như một cách tiếp thị bóng bẩy, vô hồn để thu hút bạn đọc làm cho Thành Chương rất buồn. Khi chia sẻ điều này, tôi nói với ông rằng: “chú không nên để họ viết những bài báo như thế nữa bởi vì họ không hiểu gì về Thành Chương và chưa thực sự cảm nhận và rung động về Việt phủ Thành Chương”. Đã nhiều lần tôi cùng ông lang thang trong khu vườn thượng uyển, tôi vẫn thường gọi Việt phủ với cái tên như vậy, tôi để ý thấy ông cẩn thận kê lại từng viên gạch, từng hòn đá, từng cái tượng nhỏ đặt ở góc vườn, từng cái ấm cái chén ngay ngắn trên bàn, thậm chí từng cành cây chìa ra, sà xuống đến đâu sao cho hợp lý. Hễ thấy chỗ này bẩn, chỗ kia sứt mẻ, ông liền cho người dọn dẹp và chỉnh sửa lại. Đến tối, khu vườn thượng uyển trông thật lung linh và huyền ảo trong ánh đèn. Từng ngọn đèn chiếu sáng đặt ở góc nào, rọi sáng đến đâu đều được ông tính toán rất cẩn thận. Những lúc đó, tôi nhận ra rằng, tâm huyết của ông dành cho Việt phủ lớn biết nhường nào. Đó là một tác phẩm nghệ thuật để đời mà ông nâng niu, chăm sóc và thương yêu nó. Thành Chương đã làm cho mọi người phải biết đến khu Việt Phủ, và ngược lại Việt phủ đã làm rạng danh thêm tên tuổi của hoạ sĩ Thành Chương. Không những vậy, nó còn làm rạng danh, tôn vinh văn hoá Việt Nam trước bạn bè thế giới.
Từng có một đại gia sau khi thăm quan Việt phủ đã đề nghị ông làm cố vấn để xây dựng một khu cũng tương tự như thế. Sau một thời gian, không biết suy tính thế nào, ông ta lại đề nghị Thành Chương bán lại Việt phủ. Khi kể cho tôi câu chuyện này hoạ sĩ Thành Chương cười và nói rằng: “ông ta có trả giá gấp mười lần cũng chưa chắc đã bán”. Trong thâm tâm tôi nghĩ, dẫu có ai đó mua được khu vườn thượng uyển này, liệu có chắc người chủ mới còn giữ được hồn cốt của nó hay không. Có lẽ, chỉ có bàn tay của Thành Chương, khối óc của Thành Chương, tình yêu của Thành Chương mới làm cho nó ngày càng đẹp hơn, ngày càng quyến rũ hơn, ngày càng mang đậm bản sắc Việt Nam nhiều hơn. Từng viên gạch kia, từng hòn đá kia, từng nhành cây ngọn cỏ kia rồi sẽ trở nên vô hồn nếu không có bóng dáng ông thường xuyên đi qua, thường xuyên chỉnh sửa, nâng niu, gắn bó với chúng.
Viết về Việt phủ Thành Chương, có lẽ trong khuôn khổ bài báo nhỏ bé này không đủ để nói hết được và tôi cũng không đủ hiểu biết để nói sâu về nó. Muốn bàn luận về vẻ đẹp của Việt phủ, từ kiến trúc, nội thất, văn hoá, hàng nghìn cổ vật…phải là những nhà nghiên cứu văn hóa, kiến trúc sư, hoạ sĩ…những người có sự am hiểu hơn tôi gấp nhiều lần mới nói hết được. Còn tôi, dẫu sao cũng chỉ là một kẻ cưỡi ngựa xem hoa với chút kiến thức ít ỏi và thẩm mỹ hạn chế, tất cả những câu chữ trên là xuất phát từ tình cảm và sự rung động trước vẻ đẹp mà thôi.
Trong cuộc đời mỗi con người, không nhiều thì ít, ai rồi cũng phải trải qua những đắng cay, những thử thách nghiệt ngã của cuộc đời, có người trụ được mà vươn lên nhưng cũng có người gục ngã vì kiệt sức, vì mất hy vọng, vì mất niềm tin. Có lẽ những khó khăn, vất vả, những cay đắng, buồn đau mà Thành Chương đã trải qua chẳng thua kém ai nhưng ông đã chấp nhận tất cả để tồn tại một cách vững chãi trong cuộc đời này. Và biết đâu chính những gian khổ, những thử thách nghiệt ngã đó đã làm nên một Thành Chương tài năng đến vậy. Ai đó đã từng nói với tôi rằng, một cuộc sống bình lặng đối với người nghệ sĩ làm công việc sáng tạo đôi khi cũng không phải là may mắn. Câu nói ám ảnh, nghe có vẻ cực đoan và hơi đáng sợ nhưng xem ra cũng có phần đúng. Đã có lần tôi viết tặng hoạ sĩ Thành Chương một bài thơ với nhan đề “Giữa đen và trắng”:
Là bữa tiệc sắc màu
bữa tiệc tình yêu
khi cây cọ của Thành Chương nhảy múa
dịu dàng cỏ cây
thăng hoa bầu vú
trẻ thơ trong sáng niềm tin
cho tình người như bắt đầu ngày mới
Khi ngoài trời bão tố chưa yên
đen lẫn trắng không tạo thành màu sắc
những thanh âm không hoà cùng bản nhạc
Thành Chương vẽ là Thành Chương đang sống
trong tin yêu thế giới của riêng mình
Như một đoá xương rồng trên cát
vẫn nở từng cánh mỏng kiêu sa.
Tôi cứ băn khoăn mãi với hai chữ “kiêu sa” cuối cùng của bài thơ, vì hình như nó không hợp với cá tính mạnh mẽ trong con người ông. Nhưng, ngẫm mãi cũng thấy không sai. Những tác phẩm mà Thành Chương sáng tạo, đã làm rung động tâm hồn, cảm xúc của người xem. Nó giống như những cánh hoa mỏng manh mà kiêu sa khiến ta phải nâng niu, tán thưởng. Hay cũng có thể ví nó như vẻ đẹp kiêu sa của người phụ nữ khiến cho ai cũng phải ngắm nhìn và ngợi ca. Trong một xã hội hỗn tạp và đầy nhiễu nhương, Thành Chương đã tạo lập cho mình một thế giới riêng. Một thế giới bình yên. Một thế giới tràn ngập tình yêu thương, với một người vợ lo toan, chăm sóc gia đình, và những đứa con ngoan ngoãn đáng yêu biết nhường nào. Đó là một thế giới đủ an toàn để Thành Chương tự do đắm chìm vào những bữa tiệc của mầu sắc với cảm xúc và niềm đam mê bất tận, sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật làm đẹp cho cuộc đời.
Nếu ai đó mới tiếp xúc với hoạ sĩ Thành Chương sẽ rất dễ lầm tưởng về con người ông. Có người cho rằng Thành Chương với cái đầu nhẵn bóng, dáng vẻ bụi bặm là một con người ngổ ngáo ngang tàng, sẵn sàng lao vào những cuộc nhậu tàn canh. Nhưng không, cả đời ông chưa bao giờ nhấp môi đến một giọt rượu, không hút thuốc, bên trong cái dáng vẻ bụi bặm khiến mọi người hơi sợ là một con người điềm đạm nhưng ngay thẳng, luôn sống hết mình. Vâng sẽ thật thiếu sót nếu nhắc đến Thành Chương mà không nhắc đến hai chữ “hết mình”. Ông hết mình trong công việc, hết mình với gia đình, hết mình với bạn bè, hết mình với những gì mà ông trân trọng và gìn giữ. Còn nói về sở thích của Thành Chương thì thật là đơn giản. Ông thích lang thang cùng anh em bè bạn trên phố, ngồi nhâm nhi chén trà với vài cái kẹo lạc tại một quán cóc ven đường , chui tận trong chợ Hàng Bè để ăn bữa cơm bình dân , ngồi ăn ở vỉa hè một đĩa bánh cuốn Thanh Trì trên phố Tô Hiến Thành hay một cốc chè góc phố Bùi Thị Xuân. Có một lần tôi cùng ông lang thang trên phố, bỗng dưng ông dừng lại nhìn vào một tiệm váy cưới bằng vẻ mặt đăm chiêu mà hài hước nói “đời tao 3 lần lấy vợ nhưng chưa bao giờ được mặc com lê, khoác tay cô dâu trong bộ váy cưới”. Câu nói và bộ dạng hóm hỉnh của ông đã làm tôi phì cười. Tôi hiểu rằng những suy nghĩ đó của ông rất thật và chính đáng nhưng cũng chẳng có ý nghĩa gì với ông cả, bởi vì ông đã tìm thấy hạnh phúc, một bến đỗ bình yên cho cuộc đời mình. Tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ của nhà thơ Quang Huy:
“Tất cả rồi sẽ hư vô
………
Chỉ còn mãi với thời gian
Tình yêu từ thuở hồng hoang dại khờ”
Tất cả sẽ là vô nghĩa nếu sau một đám cưới với đầy đủ nghi lễ, hoành tráng là một cuộc sống không êm ấm, một cuộc tình tan vỡ. Tình yêu chính là cái khiến con người phải mải miết kiếm tìm trong tuyệt vọng, trong đau khổ và trong hạnh phúc. Bởi chỉ có tình yêu mới giúp ta cảm thấy con người mình được hoàn thiện hơn.
Thành Chương có một người bạn tri kỷ mà ai cũng biết, một người bạn đã quá cố, đó là nhà thơ Bế kiến Quốc. Ông từng nói rằng: “Có được người bạn tri âm tri kỷ như Bế kiến Quốc, đó là một trong những may mắn, hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi, nó còn quý hơn cả tiền tài danh vọng”. Hồi nhà thơ Bế kiến Quốc còn làm ở báo Văn nghệ, hai người luôn như hình với bóng. Khi Bế Kiến Quốc chuyển sang một cơ quan khác, Thành Chương đã hết mực can ngăn nhưng không được. Cho đến bây giờ, khi kể lại chuyện đó trong sự biểu cảm của Thành Chương vẫn đầy vẻ bức xúc, trách móc. Nhưng tôi cũng hiểu rằng, đằng sau đó chính là sự hờn dỗi, sự trách móc của một người bạn đầy yêu thương và tri kỉ. Cuộc đời đã sinh ra họ để vẽ, để làm thơ, để làm bạn tri kỷ, đó là một định mệnh bất biến. Chẳng thế mà trong số rất nhiều bài thơ của bạn bè tặng cho Thành Chương, bài “Thành Chương vẽ” của Bế Kiến Quốc là bài thơ hay nhất, sâu sắc nhất, ám ảnh nhất, thật nhất với con người và cuộc đời của Thành Chương:
Như chùm ớt lửng lơ treo bờ giậu
Càng đắng cay càng tự chín trong vườn
Thành Chương vẽ
Vẽ, và đang cất giấu
Từng mảnh đời tuyệt mỹ của trần gian
Như đầm sen tàn cuối chiều nhạt nắng
Cuống trơ vơ rầu héo tận trong bùn
Thành Chương vẽ
Vẽ, và đang bay liệng
Trên cõi mầu kỳ ảo của vô biên
Như khóm chuối chẳng lá nào lành lặn
Xác xơ anh đứng gió trước heo may
Thành Chương vẽ
Vẽ, và đang cầu nguyện
Cho phục nguyên thế giới tả tơi này
Tình bạn của họ khiến mọi người phải khao khát và kính trọng.
Có những chuyện thật về Thành Chương mà nhiều người không tin, như chuyện gần 10 năm ông tham gia chiến trường. Chắc họ nghĩ rằng một người nghệ sĩ trông có vẻ lãng tử, chơi bời thế kia làm gì có chuyện đi chiến trường. Nhưng họ đâu biết rằng, hoạ sĩ Thành Chương có hẳn một hòm to, được khoá rất cẩn thận, bên trong là rất nhiều kỷ vật và hàng trăm bức ký hoạ về chiến tranh. Tôi đã được ông cho xem những bức ký hoạ đó và kể lại một vài kỷ niệm về hoàn cảnh ra đời của chúng. Rồi, giọng ông nghẹn lại, đôi mắt đỏ hoe khi kể về chuyện phải cầm chiếc mũ cối để đi nhặt từng mảnh xương thịt của đồng đội sau một trận bom của quân Mỹ.
Hơn một năm nay Thành Chương đã nghỉ công tác ở báo Văn nghệ, nhưng thỉnh thoảng ông vẫn đến thăm anh em. Mỗi lần ông đến, cả toà soạn trở nên vui vẻ, náo nhiệt hẳn lên. Đặc biệt là đám thanh niên cứ xoắn lấy ông trêu đùa để ông chuyện trò tếu táo. Vẫn bộ dạng và giọng nói hóm hỉnh, Thành Chương nói: “ Người ta về hưu là hết chức hết quyền, hết bổng lộc, còn tao thì ngược lại, đúng là chớ trêu”. Chẳng là, sau khi nghỉ hưu ở báo Văn nghệ, ông lại được an hem họa sĩ tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Hội mỹ thuật Việt Nam. Vậy là ông thường xuyên phải đi họp hành, một công việc mà trước dây ông vẫn ngán ngẩm. Thỉnh thoảng, đi họp về ông lại rút phong bì ra khoe với anh em bạn bè. Có lần Thành Chương bảo: “có nhiều chuyện mình nói thật thì chẳng ai tin”. Điều này thì dễ hiểu, bởi vì ông hay kể chuyện hài hước, pha trò cười cho mọi người nên nhiều khi họ vẫn cứ nghĩ là ông đùa. Nhưng Thành Chương cũng bảo: “đến khi mình kể chuyện không có thật thì mọi người lại tin”. Cuộc đời thế mới lạ.
Có người yêu thì đau khổ. Có người yêu thì hạnh phúc. Nhưng đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn được yêu.