Chuyện kể từ chiếc bánh cắt Ký Trần Vũ Long

Tác giả Bài
Bim Bim
  • Số bài : 125
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 03.04.2008
  • Nơi: Hà Nội
Chuyện kể từ chiếc bánh cắt Ký Trần Vũ Long - 27.07.2012 16:44:30
Chuyện kể từ chiếc bánh cắt
(Để nhớ mẹ và một thời khốn khó)
Trần vũ Long

Có lẽ tôi nên bắt đầu bài viết này từ câu chuyện về chiếc bánh cắt của một họa sĩ nổi tiếng, được nhiều người yêu quý. Hôm đó là một ngày làm báo của mấy anh em chúng tôi, ông mở cửa bước vào, đặt bịch một gói lên bàn: “Mời các ông lại ăn bánh cắt của nhà hàng Bô Đê Ga, để nhớ lại một thời bao cấp. Ăn đi, ít nữa không có mà ăn đâu. Bô Đê Ga sắp đem bán cho tây rồi”. Vẫn là những cử chỉ, cách nói hóm hỉnh, họa sĩ Thành Chương mở gói bánh được bọc bằng giấy giang màu trắng đục, cái thứ giấy mà nhà hàng Bô Đê Ga vẫn dùng để gói các loại bánh suốt mấy chục năm nay, vẫn kiểu gói như xưa. Trước mặt chúng tôi là một chiếc bánh nướng dài, được cắt chéo thành từng miếng. Vậy là với chiếc bánh cắt cộng với ấm trà Thái Nguyên ướp hương sen, hàng loạt câu chuyện về thời bao cấp giống như những thước phim đang được tái hiện. Đó là những thước phim không ai muốn xem lại, nhưng cũng chẳng ai quên được. Là thế hệ sinh sau đẻ muộn, với tôi ký ức về thời bao cấp rất ít. Những năm tháng cuối cùng của thời kỳ bao cấp, lúc đó tôi mới chỉ là một đứa trẻ học lớp 5 lớp 6 gì đó. Hiểu biết của tôi về thời khốn khó đó chủ yếu qua phim ảnh, sách báo, qua những câu chuyện kể của bố mẹ, của những người thuộc thế hệ trước sống quanh tôi. Họ nói về thời bao cấp với những cung bậc tình cảm thật khó diễn tả: có một chút gần gụi thân quen, bởi những năm tháng đó gắn liền với phần lớn quãng đời của họ; nhưng ẩn sâu bên trong là nỗi khiếp sợ. Sao mà khổ sở thế! Sao mà cùng cực thế! Sao mà cay nghiệt thế! Sao mà…khốn nạn thế! Bao cấp là thời mà phẩm giá của con người bị miếng ăn hành hạ.
Bao cấp! Bao cấp! Ngay lúc này đây, khi đang ngồi gõ tay lên bàn phím máy vi tính, hai từ đó cứ vang lên trong đầu tôi. Sau hàng loạt câu chuyện được xem, được đọc, được nghe kể, cộng với một chút ký ức của tôi, và đặc biệt sau khi được xem triển lãm về thời bao cấp, tại Bảo tàng Dân tộc học, dường như nó đang làm tôi khiếp sợ. Các cụ đã dậy, trăm nghe không bằng một thấy, vâng, cái triển lãm về thời bao cấp đã gây ấn tượng mạnh đối với tôi. Tôi đã được xem, được sờ vào những hiện vật hết sức bình dị nhưng lại khiến người ta phải rùng mình mỗi khi nhớ đến nó. Ở đó có hình ảnh của bố mẹ tôi, của những người thân cứ hiện dần lên qua các đồ vật, và đôi chút hình ảnh của một cậu bé của hơn 20 năm về trước. Mỗi hiện vật được trưng bày ở đây là một câu chuyện, là một số phận đầy gian truân, thậm chí bi hài. Tôi thầm thán phục những con người đã phải lao động, học tập, bươn trải kiếm từng miếng ăn thời đó. Tôi được gặp đôi chút kỉ niệm tuổi thơ của mình thông qua cảnh tái hiện một cửa hàng lương thực.
Hồi đó, tôi thực sự vui sướng mỗi khi được theo mẹ xếp hàng mua gạo. Trong lúc mẹ đang vất vả chen chúc giữa một đám người khó tính, cáu bẳn, thì tôi lại đang vui vẻ nô đùa cùng lũ trẻ trên những bao tải gạo bằng sợi gai được xếp cao ngất. Những tải gạo đã trở thành chỗ nấp chơi trò đánh trận giả cho bọn trẻ. Thỉnh thoảng các cô mậu dịch viên lại ra quát mắng, tôi chạy re tìm về nép bên mẹ trong hàng người dài dằng dặc. Lúc đó mẹ lại xoa đầu tôi và bảo ra ngoài chơi cho thoáng. Ngước nhìn mẹ, những giọt mồ hôi ướt đầm trên trán, khuôn mặt vốn xanh xao hao gầy đang đỏ bừng vì nóng bức và mệt mỏi. Lúc đó tôi biết mẹ đang rất mệt, vì có khi từ sáng sớm đến giờ mẹ cũng chưa kịp ăn gì. Nhưng lúc đó một đứa trẻ đang tuổi chơi như tôi đã nào biết nghĩ thương mẹ. Hồi đó, mỗi lần mua gạo là mẹ tôi lại xin nghỉ một buổi làm để xếp hàng, cũng có khi phải dậy từ tờ mờ sáng. Đôi khi, tôi cũng xếp hàng thay mẹ trong chốc lát. Những lúc đó tôi cảm thấy vô cùng sợ hãi. Thằng bé con đứng lọt thỏm giữa đám người mồ hôi, mồ kê nhễ nhại. Họ không ngừng than vãn, cãi cọ. Các cô mậu dịch viên luôn mồm quát tháo. Tôi sợ những bộ mặt cáu kỉnh, hằm hè ở trên đầu mình, sợ bị đè bẹp trong hàng người chen chúc đó, chỉ mong sao mẹ mau trở lại. Tôi vẫn còn nhớ câu khẩu hiệu được treo trên mỗi quầy bán gạo : “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” nhưng than ôi, quan hệ của các cô mậu dịch viên với khách hàng lúc đó còn hơn cả thủ trưởng với nhân viên. Còn các cán bộ chuyên viên cao cấp hồi đó đâu có phải xếp hàng khổ cực như vậy vì đã có cửa hàng ở phố Tông Đản để phục vụ. Vâng, chỉ có những người dân lao động vất vả thì thời nào cũng chịu thiệt thòi. Dẫu sao thì thời bao cấp, cái nổi khổ là nỗi khổ chung cho cả dân tộc. Cả một dân tộc hồn nhiên đặt cược đời mình, phẩm giá của của mình, lý tưởng của mình cho một niềm tin và đến một ngày đã phần nào nhận ra rằng niềm tin đó không thể là phao cứu sinh cho cuộc mình cho dân tộc mình. Nói như vậy không có nghĩa là rất nhiều người bây giờ không còn niềm tin để sống. Dẫu sao thì khi chúng ta tồn tại trên cõi đời này vẫn nên thắp cho mình một niềm tin. Có thể niềm tin trong mỗi người có một sắc thái khác nhau nhưng vẫn cùng mẫu số chung đó là mong muốn một tương lai tươi sáng hơn. Chúng ta tin cuộc đời này rồi sẽ không còn chỗ đứng và leo cao cho sự xảo trá, cho những thói vênh vang đạo đức giả. Chúng ta tin ngày mai bước chân ra phố sẽ nhận được những ánh mắt và nụ cười thân thiện chứ không phải sự lạnh lùng và vô cảm đến đớn hèn mà con người đang ngầm dạy bảo nhau. Chúng ta tin chuyện miếng cơm manh áo sẽ không là nỗi ám ảnh thường trực trong mỗi người dân cần lao. Chúng ta tin lòng tốt và những giá trị chân thực sẽ tìm lại được mảnh đất tươi tốt của mình để sinh trưởng và đơm hoa kết trái. Chúng ta tin… và chúng ta cần phải đặt niềm tin nhiều lắm. Vì niềm tin đó giúp ta kiêu hãnh đứng thẳng. Niềm tin giúp ta đấu tranh, giúp ta cống hiến và giúp ta tồn tại.
Giờ đây, cái của hàng lương thực năm xưa đã biến thành dãy biệt thự sang trọng. Mỗi lần ngang qua đó, tôi lại nhớ đến một phần tuổi thơ của mình, nhớ đến những bao tải gạo đã bốc mùi hôi xì mà bọn trẻ con vẫn trèo lên, và…tôi lại nhớ đến mẹ.
Thời bấy giờ, gia đình nào cũng phải kiếm thêm việc làm để có thêm thu nhập. Gia đình tôi cũng nhận việc chuốt sợi tơ tằm cho nhà máy. Bất kể lúc nào bố mẹ rảnh rỗi là trong nhà tôi lại vang lên tiếng kêu lọc cọc của chiếc guồng quay sợi bằng gỗ. Cứ mỗi một bó sợi vàng óng được chuốt xong là bố mẹ tôi lại có thêm được mấy đồng bạc. Để có được một bó sợi như thế phải mất cả tiếng đồng hồ, một tay thì quay liên tục, còn một tay thì bóc kén còn dính trên sợi, đôi khi tứa máu vì bị cứa vào tay.
Còn nhớ lúc nhỏ, tôi có thằng bạn hàng xóm, nhà nó có vô tuyến đen trắng đặt trên tủ li, có đài quay đĩa phát ra những bài hát Liên Xô, có tủ lạnh caratov, đôi khi còn có cả những miếng bơ vàng óng ở bên trong. Tôi cảm thấy hãnh diện vì có một thằng bạn như thế. Sang nhà nó, tôi được nghe đài, xem vô tuyến, thậm chí đuợc ăn cả bánh mì bơ. Sở dĩ nhà nó có đầy đủ tiện nghi, vì bố nó là cán bộ của thành phố, đã từng đi Liên Xô, mẹ nó là cán bộ ở cửa hàng miễn thuế. Đối với tôi, ngôi nhà đó giống như một thiên đường. Mỗi lần sang chơi, tôi còn được chạy nhảy trên cái nền gạch đá hoa có hai màu trắng và đỏ, rồi thích thú thú áp má xuống những viên gạch mát rượi. Không ít lần, tôi đã ngủ quên trên cái nền gạch mịn màng và mát rượi đó.
Thời bao cấp người ta có câu nói cửa miệng “ai đi Liên Xô, chưa mang được cái ti vi tủ lạnh về coi như chưa đi”. Gia đình tôi có người quen làm việc ở cơ quan trung ương, cũng từng được đi Liên Xô, nhưng ông không mua sắm gì nhiều cho gia đình mà chỉ dành dụm tiền để chi tiêu hàng ngày, mỗi tháng một vài lần làm thịt gà cải thiện. Hàng xóm dòm ngó. Chính quyền địa phương biết chuyện. Rồi đến tai cơ quan. Vậy là ông bị ghi vào lý lịch với tội danh hay ăn thịt gà. Vậy là chết rồi, cả nước đang khốn khó, ai bảo nhà ông hay ăn thịt gà làm gì. Suốt mấy chục năm tích cực cống hiến, ông vẫn không lên nổi chức trưởng phòng. Cho đến tận bây giờ trong suy nghĩ của các thủ trưởng, hình như ông đã từng có vết đen gì đó trong lý lịch.
Chuyện thời bao cấp, đối với nhiều bạn trẻ giống như những câu chuyện giả tưởng. bản thân tôi cùng từng được nghe những câu chuyện như thế và cảm thấy thật khó tin. Có lần họa sĩ Thành Chương đã kể cho tôi nghe câu chuyện:
Trong quán phở, một người đàn ông ăn mặc lịch sự, quần âu, áo sơ mi trắng, sơ vin ngăn nắp. Sau khi gọi một bát phở, ông ta lấy trong túi áo ra một lọ pê-li-xi-lin, rồi dùng que tăm hẩy từng hạt màu trắng ở bên trong cái lọ cho rơi vào bát phở. Trời ơi, những hạt màu trắng đó là mì chính. Một thứ gia vị xa hoa trong thời buổi đói kém. Hàng chục con mắt đổ dồn về phía người đàn ông. Trong đó có ánh mắt thèm thuồng, có cả ánh mắt dè bỉu, khinh bỉ. Thời buổi này mà ông ta có hẳn một lọ mì chính to bằng ngón tay cái thế kia chỉ có thể là kẻ bất chính.
Chỉ sau khi nhìn lọ pê-li-xi-lin đựng mì chính bày trong tủ kính của bảo tàng, tôi mới tin đó là câu chuyện có thật.
Nếu như thời bao cấp, các cô gái vẫn thường giương cao câu khẩu hiệu để tìm người yêu: “Một yêu anh có may ô/ Hai yêu anh có cá khô ăn dần/ Ba yêu rửa mặt bằng khăn/Bốn yêu anh có chiếc quần đùi hoa”. Đây chỉ là bài thơ vui nhưng cũng đã phản ánh phần nào nhu cầu cuộc sống lúc bấy giờ. Nếu như các cô gái thời đó biết được các cô gái chân dài bây giờ đặt tiêu chuẩn kiếm chồng như thế nào thì chắc hẳn sẽ không thể đứng vững được.
Thời bao cấp, những ước muốn của con người ta thật đơn giản, nó phản ánh rõ nét cuộc sống nghèo đói, thiếu thốn. Khi đó người ta chỉ ao ước được ăn một bát cơm ngon, được đi chiếc xe đạp Phượng hoàng, được sở hữu một chiếc quạt điện nhỏ, được tắm bằng xà phòng thơm. Còn bây giờ các bạn trẻ có thể mơ ước một chiếc ôtô hạng sang, được ở trong những ngôi biệt thự sang trọng, được đi du lich khắp nơi trên thế giới. Một trong những điểm khiến cho cái triển lãm về thời bao cấp mà tôi đã từng được xem, là tiếng nói của những người dân bình thường đã từng trải qua giai đoạn cùng cực đó, nhằm nói với thế hệ internet rằng những gì xảy ra trong qua khứ giống như nuôi một con lợn trong phòng tắm.
Bao cấp đó là thời bi tráng, cũng là bài học đắt giá về quy luật phát triển của xã hội, cũng như quản lý nhà nước. Bao cấp, đó là hai từ mà chúng ta cần phải quên đi, để bước tiếp trên con đường dài nhưng cũng là bài học truyền kiếp cho các vị đang nắm giữ vị trí quan trọng của đất nước. Hơn hai mươi năm đã qua đất nước có nhiều thay đổi, nhưng chúng ta vẫn chưa thoát khỏi nhóm nước nghèo, chậm phát triển. Tất cả những gì đi ngược lại với quy luật rồi sẽ bị đào thải

Có người yêu thì đau khổ. Có người yêu thì hạnh phúc. Nhưng đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn được yêu.