Người thơ trong cõi nhân gian ấy - Ký Trần Vũ Long

Tác giả Bài
Bim Bim
  • Số bài : 125
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 03.04.2008
  • Nơi: Hà Nội
Người thơ trong cõi nhân gian ấy - Ký Trần Vũ Long - 27.07.2012 16:45:55
Người thơ trong cõi nhân gian ấy

Trần Vũ Long

Trên đường từ toà soạn đến ngõ Văn Chương, tôi cứ miên man trong suy nghĩ về những con phố, những ngõ nhỏ của Hà Nội. Ở đó có biết bao số phận, bao kiếp người đang lặng lẽ, đang chìm khuất, thậm chí đang bị lãng quên trong cái sự nhộn nhịp, sô bồ ở chốn đô thị. Và, đây là lần thứ hai tôi đến con ngõ này. Lần trước, tôi đến đây để gặp một nhà văn rất nổi tiếng. Đó là nhà văn Sơn Tùng. Tuy không bị lãng quên nhưng ông là người sống ẩn mình. Lần này tôi tìm đến ngõ Văn Chương để gặp một con người cũng khá đặc biệt. Một người đặc biệt theo hướng khác của những điều tốt đẹp. Ông là một người điên. Một người điên đã bị cuộc đời quên lãng từ lâu. Và thật trớ trêu thay, người điên đó lại là một thi sĩ. Một thi sĩ đã từng được đông đảo bạn đọc biết đến, đã để lại dấu ấn tên tuổi của mình trên văn đàn vào những năm 70. Người điên đó chính là nhà thơ Đoàn Việt Bắc.
Quả thực, trong suốt hơn mười năm làm báo, chưa bao giờ tôi cảm thấy có chút hồi hộp khi đi gặp nhân vật để viết bài như thế. Tại vì ông là một người điên chăng. Cũng có thể là như vậy. Nhưng có lẽ, điều ám ảnh tôi lớn hơn cả lý do ấy, đó chính là những câu thơ của ông mà tôi đã được đọc trong tập Lá trung quân, khi vô tình sắp xếp lại tủ sách của mình. Những câu thơ Đoàn Việt Bắc viết khi mới là một anh lính trẻ đang độ tuổi mười tám đôi mươi, và cả những câu thơ ông viết sau này trong trạng thái tâm thần. Đó là những câu thơ hay và có sức ám ảnh người đọc ghê gớm:
Để nhớ để quên anh đi vào chén rượu
Chén rượu hoá ngôi nhà mọc giữa mùa xuân
Xung quanh anh rơi đầy hoa quả chín
Đầy hạt thóc vàng rơi xuống dưới chân
……
Chén rượu giao thừa anh uống mình anh
Rượu không uống buông tay rơi vỡ chén
Và đất trời bỗng bùng bùng lửa bén
Màu máu hồng loang đỏ cả mùa xuân
(Chén rượu giao thừa)
Một nỗi cô đơn bị đẩy đến tận cùng của người nghệ sĩ, trong khi đất trời và lòng người đang hân hoan ngập tràn muôn nơi. Những câu thơ vừa mang hơi hướng cổ điển lại vừa mới lạ đến bất ngờ. Cái cổ điển trong nhịp điệu và cái mới lạ trong hình ảnh hoà quện một cách tự nhiên tạo thành lực hút ma mị đối với người đọc. Sở dĩ có được điều đó bởi tâm thức của người nghệ sĩ đang bị rơi vào cái ranh giới giữa tỉnh và điên, giữa tỉnh và say. Có lẽ phần nào thiên về phía điên và say nhiều hơn. Đó chỉ có thể là những câu thơ của một người điên tài hoa. Và, tôi lại chợt nhớ đến một nhà thơ lớn của văn học Việt Nam, đó chính là nhà thơ Hàn Mạc Tử. Khi cuộc đời đẩy con người ta đến tận cùng của nỗi cô đơn, tận cùng của điều tuyệt vọng thì tố chất tài năng trong người họ như bị vỡ tung ra. Khi đó nỗi cô đơn, tuyệt vọng giống như một món quà của thượng đế đã ban tặng. Họ được nhận món quà đó trong hân hoan của cảm xúc và trong đớn đau của kiếp người.
Khi cầm quyển thơ Lá trung quân trên tay, ngay trang đầu tiên của cuốn sách đã gây ấn tượng mạnh, bất thường đối với tôi bởi dòng chữ đề tặng: “Giê Su Xa Lem tặng nhà thơ…”. Và trong đầu tôi chợt nhớ lại những hình ảnh của hơn hai mươi năm về trước. Khi đó Đoàn Việt Bắc có phần tỉnh táo hơn bây giờ, lâu lâu ông lại đi bộ từ ngõ Văn Chương đến nhà tôi chơi. Bởi ông và bố tôi là bạn văn chương với nhau, cùng nhận giải thưởng thơ báo Văn Nghệ vào năm 1976. Năm đó Đoàn Việt Bắc nhận gải B với bài thơ Lá Trung Quân. Mỗi lần ông đến chơi là mọi người trong nhà tôi đều có cảm giác hơi lo lắng, bởi những câu chuyện của ông nó chứng tỏ tâm thần không bình thường. Nhưng trái lại, khi đọc thơ, ông lại có trí nhớ rất tốt. Ông đọc thơ mọi người, đọc thơ của mình vanh vách đầy truyền cảm. Trong những giây phút im lặng, ánh mắt của Đoàn Việt Bắc làm cho ta cảm thấy thấy sợ. Đó là một ánh mắt gằn vện và hoang hoải, nó làm cho người đối diện không dám nhìn thẳng vào ông. Thỉnh thoảng hai bàn tay ông như đang cầm một vật gì đưa lên đưa xuống trước mặt, miệng lẩm bẩm giống như đang nhẩm khấn các bậc thần linh vậy. Tôi cũng đã đôi ba lần tình cờ bắt gặp ông đi lang thang trên phố, hai nắm tay để trước ngực, miệng đọc thơ hoặc nói điều gì đó không ai hiểu được. Bẵng đi một thời gian khoảng hơn chục năm trở lại đây, không ai còn thấy Đoàn Việt Bắc xuất hiện ở đâu nữa.
Để gặp được con người đặc biệt này, tôi đã phải liên hệ qua ông Đoàn Đình Thứ, anh trai của Đoàn Việt Bắc. Nhà ông Thứ cũng nằm trong ngõ Văn Chương, cách nhà Đoàn Việt Bắc chỉ mấy trăm mét. Trước khi đến nhà em trai mình, ông Thứ đã dặn dò tôi rất cẩn thận, phải xưng hô với Đoàn Việt Bắc là cụ hoặc “mét”, để tránh những sự cố bất thường có thể xảy ra đối với một người bị bệnh tâm thần. Ông Thứ bảo, Đoàn Việt Bắc cho mình là người phi thường và thuộc về quá khứ. Con người đó sống với nhiều kí ức. Có những kí ức đau thương cứ ám ảnh ông ta cả lúc tỉnh và lúc điên.
Đi qua một cái chợ dài ồn ào và nhếch nhác, chúng tôi rẽ vào con hẻm nhỏ, ông Thứ dừng xe chỉ về phía một cái cổng sắt. Tôi ngước nhìn lên và hơi giật mình khi cái biển nhà số 4 đập vào mắt tôi. Dẫu nó chẳng phải là con số định mệnh gì nhưng tôi vốn không thích con số đó, dường như đó là điều mơ hồ khó giải thích. Ông Thứ lấy chùm chìa khoá để mở cánh cổng sắt vàng ố, hoen gỉ. Tôi đứng bên ngoài cửa sổ nhìn vào căn phòng của Đoàn Việt Bắc rồi chết lặng. Không biết có thể gọi đó là nhà được không. Một căn phòng tối tăm, hôi hám, bẩn thỉu, ẩm mốc. Trong tôi lại vang lên những câu thơ: “Chén rượu hoá ngôi nhà mọc giữa mùa xuân/Xung quanh anh rơi đầy hoa quả chín/ Đầy thóc vàng rơi xuống dưới chân”. Lòng tôi nghẹn lại, mắt cay xè. Thi nhân ơi. Trên thế gian này chẳng điều gì có thể ngăn cản ngòi bút, ngăn cản “nỗi” thăng hoa cay cực của anh. Hãy cô đơn đi. Hãy cứ hân hoan trong niềm đau đi. Để mà tứa máu nhỏ ra những giọt thơ mà cười mà đau với thế gian này.
Ông Thứ bảo, Đoàn Việt Bắc không cho ai dọn dẹp hay chạm vào bất cứ đồ vật nào của mình, rồi ông gọi to: “Cụ ơi, tôi đưa một mét nhà thơ đến thăm cụ đây”. Từ trong bóng tối, một khuôn mặt vàng vọt ốm yếu bất ngờ ló ra:
- Chào mét, lại có mét nhà thơ đến thăm à.
- Vâng, cụ mặc quần áo vào rồi sang nhà tôi trò chuyện với mét nhà thơ nhé.
Trong căn nhà của ông Thứ, tôi nhìn kĩ thấy Đoàn Việt Bắc đã già và gầy hơn trước rất nhiều trong bộ quần áo bộ đội, sơ vin ngay ngắn. Mái tóc bạc được chải chuốt khá cẩn thận. Ông Thứ bảo: “Cụ Bắc bao giờ cũng vậy, luôn gọn gàng chỉn chu trước mặt người khác”.
Đoàn Việt Bắc đã từng có những năm tháng làm phóng viên báo Tuyên Quang. Rồi ông đi bộ đội, tham gia các chiến trường Đông nam bộ, Capuchia và Tây Nguyên, thuộc Đoàn quân khu Việt Bắc, Đoàn 222. Sau này, do bị sức ép của bom nên Đoàn Việt Bắc trở thành người lúc điên lúc tỉnh. Khi ở bộ đội ra, ông được điều trị tại một trại thương điên, dành cho những người lính ở chiến trường về. Ông Đoàn Đình Thứ lên thăm đã không khỏi đắng lòng khi thấy em mình bị nhốt trong một căn phòng bê tông khoảng 9m2 . Vì thương em ông đã xin ở cùng và gợi lại những câu chuyện cũ. Ông Thứ đã nhận ra rằng em mình không những chịu sức ép của bom mà còn bị sức ép về tinh thần rất nặng. Đoàn Việt Bắc đã bị người ta vu cáo, đổ vấy những trách nhiệm do người khác gây ra. Người ta đổ lỗi cho ông làm mất uy tín của quân đội và đem ra kỉ luật. Đối với một anh lính trẻ thì những va chạm đầu đời này nặng nề khó lòng vượt qua được, nên đã khiến Đoàn Việt Bắc uống thuốc tự tử, may không chết. Sau đó ông Thứ đã xin bảo lãnh cho em trai mình được trở về với gia đình. Có những lúc tưởng chừng như Đoàn Việt Bắc hoàn toàn khỏi bệnh. Ông thi đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Ra trường ông về công tác ở Xưởng phim truyện Việt Nam. Ông từng tham gia nhiều bộ phim có tiếng như: Cánh đồng Chum, hay bộ phim Hồi chuông màu da cam đoạt giải thưởng liên hoan phim Caclovy Vary tại Tiệp Khắc vào những năm 80. Tranh của ông cũng được tham dự nhiều cuộc triển lãm toàn quốc và giành giải thưởng. Đoàn Việt Bắc cũng từng có mái ấm hạnh phúc với người vợ là hoạ sĩ, và họ có với nhau một cô con gái. Sau này chia tay, Đoàn Việt Bắc sống một mình trong cô đơn, nghèo khó và bệnh tật. Trong nỗi cô đơn đó ông làm bạn với thơ và làm bạn với hội hoạ. Đoàn Việt Bắc vẽ rất nhiều, tranh của ông vứt đầy dưới gầm giường và xó nhà.
Đoàn Việt Bắc chỉ vào một bức tranh mà ông mới vẽ:
- Cụ xem bức này có đẹp không. Cũng đẹp đấy chứ nhỉ. Gô Ganh vẽ đấy. Bà này là Đoàn Thị Điểm này. Bà này là Tây Thi.
Đó là một bức tranh vẽ ba cô thôn nữ đang ngồi bên suối khá đẹp. Tôi hỏi:
- Cụ ơi, thế còn bà này là ai?
- Bà này thì chưa nhớ ra. Nhưng đẹp đấy nhỉ
Đoàn Việt Bắc lại tiếp tục khoe một loạt bức tranh khác.
- Văn Cao vẽ đấy. Đẹp nhỉ. Có vẽ một nghìn bức tranh cũng không bằng hai chữ tình người cụ ạ.
Trong số những bức tranh mới vẽ của Đoàn Việt Bắc, đang để nhà ông Thứ, tôi thấy có một bức đề tặng nhà văn Ma Văn Kháng nhân dịp ông nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông Thứ bảo Nhà văn Ma Văn Kháng với gia đình ông là chỗ thân tình, rất quý trọng tài năng của Đoàn Việt Bắc.
Tôi chợt nhận ra một điều, tất cả những bức tranh của Đoàn Việt Bắc vẽ đều cùng một chủ đề về miền núi. Có lẽ những năm tháng làm việc ở báo Tuyên Quang, và những năm tháng đi bộ đội đã ăn sâu vào trong tiềm thức của ông. Trong tập thơ Lá trung quân, mảng đề tài viết về nông thôn miền núi cũng chiếm một phần đáng kể. Có nhiều câu thơ khiến ta ngỡ ngàng:
Đêm dẫn quân đi, hoa thơm trên tóc em
Hương ngào ngạt thay ngọn đèn tín hiệu,
Cứ theo mùi hương mà đi đánh giặc,
Hương chiến trường thành nỗi nhớ riêng anh
(Hoa Sala)
Hay trong bài Mùa thu ơi chớ ngủ quên, Đoàn Việt Bắc đã viết về mùa thu bằng một bút pháp khá mới mẻ:
Em im lặng nằm trong bóng lá
Làn mi cong thân thể trắng ngần,
Đôi môi đỏ, má màu hồng ngọc
Mùa thu ơi, chớ ngủ quên!
Ông cầm chén trà nâng lên chạm chén với tôi, rồi nói:
- Chúc tài đức, toàn dân vũ trụ.
- Cụ ơi, lâu nay cụ có làm thơ nữa không?
- Thơ hả, cụ lấy giấy bút chép đi
Ánh mắt đờ đẫn của ông nhắm nghiền lại, rồi bắt đầu chậm rãi đọc.
Bằng lăng hoa tím thiêng
Người đẹp hay hương hoa ngày ấy
Người đẹp gặp ở trong rừng
Trăng trong hoa tím cỏ mùa xuân
- Bài này cụ viết lâu chưa
- Cụ bảo tôi làm thơ thì tôi làm luôn đấy thôi.
Vâng, một bài thơ ông làm ngay tại chỗ vẫn là những ám ảnh của núi rừng. Ông lại cầm chén trà và nói “Chúc tài đức, toàn dân vũ trụ. Phải đi miền núi mới có cảm xúc. Ngồi nhà trong bốn bức tường xi măng khó viết lắm”. Có lúc cao hứng ông đứng dậy nói oang oang: “Đoàn Việt Bắc đọc thơ cho toàn dân vũ trụ nghe. Người đầu tiên của vũ trụ, từ trên trời rơi xuống qủa đất” Xong, ông ngồi xuống im lặng, rồi quay sang nói với anh trai mình: “Cụ cho xin cái áo may ô và cái khăn mùi xoa nhé”
Cứ như thế câu chuyện của chúng tôi xen kẽ bởi những lời dở tỉnh dở điên của Đoàn Việt Bắc.
Cách đây khoảng 7 năm có một cô gái trẻ làm công nhân xây dựng đã đem lòng thương ông rồi về ở với ông, nhưng được một thời gian ngắn cô bị bệnh mà chết. Trong đám tang vợ, Đoàn Việt Bắc đã gào lên thảm thiết: “Trả lại vợ cho tôi. Sao các người lại đem giấu vợ tôi xuống dưới đất thế kia”. Tiếng gào thét của một người đàn ông tâm thần xé nát tâm can những người dự đám tang hôm đó. Đoàn Việt Bắc lại tiếp tục sống cuộc đời hiu quanh, cô đơn đến cùng cực.
Mỗi ngày hai ba bận, ông Thứ lại mang cơm sang cho em mà đau thắt lòng. Đã có lúc ông Thứ quyết định sang ở cùng với em trai nhưng Đoàn Việt Bắc đã không cho. Cũng có lần trong cơn điên, Đoàn Việt Bắc đã cầm dao đâm vào sau lưng anh trai mình và nói rằng: “Mày là thằng Mỹ, mày đến đây để cướp tiền của tao”. Giọng run run, ông Thứ bảo, cách đây mấy năm, khi mẹ ông còn sống, cụ vẫn hàng ngày đem cơm sang cho con. Có những lúc Đoàn Việt Bắc lên cơn điên đánh cả mẹ mình. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, điều làm cụ không yên lòng đó là đứa con trai tội nghiệp của mình. Cụ bảo, khi cụ chết đi rồi ai sẽ lo cho Đoàn Việt Bắc đây. Trong suốt mấy năm qua, ông Thứ vất vả để xin chế độ lương hưu cho em trai, và dẫu đang ở cái tuổi 75 nhưng ông vẫn đang tiếp tục đi làm chế độ thương binh cho em mình. Ông bảo, dẫu tiền bạc chẳng đáng là bao nhưng Đoàn Việt Bắc xứng đáng được hưởng những chế độ đó.
Tôi và ông Thứ lặng im nhìn Đoàn Việt Bắc đang cười nói một mình khi ngắm những bức tranh của mình: “Đẹp quá. Thiếu nữ đi hái hoa rừng đấy. Bộ đội đáng yêu quá, trông như là mùa xuân ”. Rồi bỗng nhiên ông tỏ ra giận dữ hét to: “Vu cáo. Chúng nó vu cáo. Bộ đội mà hủ hoá thế à”. Ông Thứ lại nhẹ nhàng xoa dịu em mình bằng những câu nói như nựng trẻ con. Tôi hiểu rằng đó là nỗi đau tinh thần đã ám ảnh Đoàn Việt Bắc suốt mấy chục năm qua. Tôi cũng tìm cách xoa dịu cơn giận dữ của Đoàn Việt Bắc bằng cách đọc mấy câu thơ của chính ông:
Sinh nhật mình năm nay lạ lắm
Năm trăm rau muống luộc nhai xuông
Em không còn thuở tết tóc đuôi xam
Đuổi bươm bướm và hái hoa cúc dại
- Cụ ơi, cụ có nhớ thơ của ai không?
- Có chứ, thơ của Văn Cao đấy, không của Nguyễn Du đấy.
Chia tay với Đoàn Việt Bắc và ông Đoàn Đình Thứ, tôi lại đi ngược trở ra con ngõ Văn Chương. Buổi chợ sáng họp trong ngõ đã vãn người, các bà các chị đang chuẩn bị thúng mủng ra về. Ở cái ngõ chợ này có ai mà không biết một ông tâm thần vẫn thường hay đi qua đây nhưng mấy người biết được đó là một nhà thơ. Một nhà thơ tài hoa. Một nhà thơ điên loạn. Một nhà thơ yếu đuối đang bị lãng quên trong cõi nhân gian này.

Có người yêu thì đau khổ. Có người yêu thì hạnh phúc. Nhưng đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn được yêu.