KÝ ỨC HUẾ
Nguyễn Lương Tuấn 05.08.2012 16:28:53 (permalink)
Tôi thích những con đường nhỏ, cũ kỹ của Huế.
Những con đường làm đâu từ thời Pháp thuộc mãi đến nay tưởng chừng vẫn chưa bao giờ được ngó ngàng đến. Nó bị bỏ phế, mặt đường lỗ chỗ, ổ gà, do tráng nhựa lâu ngày không được tu sửa. Những con đường không có lề, vắng người qua lại. Những con đường cỏ dại mọc tự do, xen lẫn sỏi đá mà hai bên đường là những hàng cây thầu đâu, phượng vĩ.
Đã nhiều lần tôi cùng bạn đi bộ, rảo bước, hít lấy sự yên tĩnh, nhẹ nhàng, lòng không vướng bận. Mắt nhìn hai bên, những ngôi nhà núp kín trong vườn cây xanh lá, những cây sầu đông, sắc hoa tim tím thoảng nhẹ hương thơm về đêm, …
Đâu rồi, trưa, chiều mùa hè, tiếng ve kêu vang. Lòng rộn ràng khôn xiết, tôi đã nhiều lần cầm sào, trên đầu ngọn là mủ mít cùng người anh len lõi vô sâu trong các khu vườn, theo tiếng ve để đưa sào lên, rất nhẹ, không gây tiếng động. Khu vườn yên ắng, chỉ nghe tiếng thì thầm của gió, tiếng xào xạc của lá. Khi chiếc sào dí vào được cánh ve. Lòng tôi sung sướng biết bao nhiêu. Chú ve vùng vẫy, nhưng vô ích, đôi cánh đã dính mủ, không thể nào bay được? Tôi mĩm cười sung sướng. Lòng hân hoan hạnh phúc, …
Những chiều có gió, Trời nổi sấm sét, chuẩn bị mưa giông, tôi chạy ù lên nhà bà Chánh. Ở đó là một vườn đào. Những cây đào to, già. Cây nào cũng đầy trái. Một cơn gió thổi, đào thi nhau rụng lộp bộp. Tôi tha hồ lượm. Khi những chiếc túi đã đầy. Khi đào đã được thả trong áo mà bụng dầy cộm lên như người có bầu, ấy cũng là lúc tôi mang về nhà, để đào đầy trên bàn. Nhìn thành quả lao động của mình. Vui lắm, nhưng ăn thì chả bao nhiêu.
Khi cơn mưa giông buổi chiều mùa hạ ào ào đổ xuống. Con đường như được tắm gội. Bao nhiêu ưu phiền, bao nhiêu mệt mõi như tan biến. Nước chảy mạnh trong những mương cống, trong ao rãnh, tôi, bạn, những trẻ con trong xóm, chúng ta đã cùng nhau vui đùa trong mưa. Bạn nhớ không? những con nhựa được bọc cùng với cây kẹo mà chúng ta mua để dồn chơi đồ hàng, chơi ô, chơi bắn cao su như con voi, con cá, tàu thủy, tàu bay, …đã được chúng ta thả dưới ao nước theo dòng chảy để đua xem con nhựa của đứa nào về nhanh nhất.
Đó là những con đường kỉ niệm, những con đường đã đi qua tuổi thơ tôi, những con đường mà tôi khó lòng quên được, kí ức vẫn gọi nhớ…
Tôi nhớ con đường Võ Tánh, Ôn Như Hầu, Gia Hội (Chi Lăng) về thẳng Bãi Dâu, … mà những sáng, những trưa, những chiều, tôi vẫn đi lại . Mắt tôi ghi đậm cảnh vật, sinh hoạt của hai bên đường. Tôi nhớ từng hàng cây ngọn cỏ, nhớ từng bụi tre, nhớ cây đa góc đường, nhớ quán hớt tóc trong sân của ngôi chùa Tàu ở Chùa Bà. Nhớ quán bán bún thịt nướng của bà vợ ông thợ hớt tóc, nơi tôi từ kiệt Cây Gòn bước ra mà thỉnh thoảng cha tôi vẫn đưa tôi đến ăn chiều. Nhớ khuôn hội An Lạc đầu tiên còn nằm trong khuôn viên của mấy anh em nhà Tôn Thất ở Phú Hậu, mà những đêm rằm hay ngày có lễ Phật, bọn tôi vẫn thường đến để nghe các Thầy thuyết pháp, kể chuyện "Mục Liên,Thanh Đề", chuyện "Cây dao trong tâm", …. Nhớ những cánh đồng trồng rau : rau muống, rau khoai, rau xa lách, … Nhớ những vườn hoa mà người ta trồng hoa để bán của những gia đình ở đường Phú Hậu, Võ Tánh. Nhớ những chiều mùa hè về tắm Bãi Dâu, …
Ôi! tôi nhớ, nhớ thằng bạn tên Võ Văn Đôn, cháu cụ Võ Tánh, nhớ con đường đất nhỏ theo lối mòn đến nhà anh Lê Văn Sâm, bạn học của anh tôi và anh đứa bạn. Con đường đi tới nhà anh Sâm, hai bên là những đám rau muống. Ở đó là vườn ổi Xa lỵ, anh Sâm đã cho chúng tôi tha hồ hái, ăn thoải mái. Khi trở về, còn cho mang theo. Vườn nhà anh Sâm nằm sát phía sau chùa Tăng Quang Tự, trong kí ức tôi vẫn là hình ảnh những nhà sư áo vàng, hai tay bê bình bát đặt phía trước bụng, chân để trần, dáng đi khoan thai.
Phía bên kia đường, sau hồ nước rộng là trường Trung học Gia Hội mà mỗi lần trước khi vào nhà bạn, tôi vẫn ném tầm mắt nhìn qua, ở đó, học sinh nam nữ lô nhô trong sân trường, sâu hút sau hàng tre xanh. Tôi nhớ nhà văn Túy Hồng, bà dạy tại đó, và ăn cơm tháng tại nhà Võ Văn Đôn.
Ôi! Huế của tôi! Huế của những hồi ức lãng mạn, pha nét buồn bã.
Vậy mà tôi vẫn nhớ Huế, thích được lâu lâu trở về Huế, thăm lại cảnh cũ, gặp mặt mấy thằng bạn ngày xưa, ngồi uống cốc cà phê, bên ly bia sủi bọt, nhắc lại kỷ niệm một thời. Tuổi học trò trong trắng, những mơ mộng ấp ủ về một người mình thương mà không bao giờ dám tỏ.
Xa rồi bạn ơi!
Nhưng mà vẫn gần biết mấy!
Huế ngày tôi bé tý trở thành Huế của thuở hồng hoang. Cái gì của Huế cũng đẹp cũng dễ thương. Đẹp từ con đường, dòng sông, cây đa đầu ngõ, bụi trúc đầu làng. Huế không lớn, Huế nhỏ và vì vậy con người Huế trở nên gần gũi. Huế như có sợi dây vô hình liên kết người này với người kia. Cái gì, ở đâu? xa mấy người Huế cũng đều biết… và người ta truyền tụng nhau những câu chuyện ly kỳ, thú vị đầy trí tưởng tượng.
Là dân Huế, có ai chẳng một lần nghe chuyện ma, được kể cho nghe chuyện ma. Bao giờ cũng thế, khởi đầu trước khi vào chuyện, đây là chuyện có thật 100%! Mùa đông Huế ngày ngắn, đêm dài. Trời lạnh như cắt, tưởng chừng nước có thể đông đá. Về đêm, gia đình tôi quây quần bên bếp rèn còn rực than hồng. Và rồi cha tôi kể chuyện ma. Càng về khuya, câu chuyện của cha tôi kể càng rùng rợn. Tôi sợ hải, không dám đi tiểu, nín tè. Tôi hình dung con ma le mà cha tôi kể: cái lưởi nó phải dài lắm, bởi vì ban đêm, chặng đường đi qua cống Phác Lác, người ta không dám lai vảng. Họ đồn có con ma le. Thế nhưng bửa nọ, người đàn ông trong vùng, không tin là có ma. Ông ta muốn đi kiểm chứng thực tế. Trời mưa dầm, lạnh cóng, Người đàn ông cầm đuốc và đi. Khi đến cống, quả y như thế. Một người đàn bà áo quần trắng toát, chận đường ông ta và xin lửa mồi thuốc. Mồi xong, người đàn bà hỏi:
- Ông đã khi mô thấy ma le chưa rứa?
Người đàn ông trả lời:
- Me le! làm chi có.
Người đàn ông vừa dứt lời, người đàn bà le cái lưởi dài, đỏ ngầu. Nhanh như chớp, người đàn ông đưa tay chặt mạnh vào cái lưởi dài thòng. Con ma le biến mất.
Thế nhưng, cha tôi kể tiếp, ít lâu sau, người đàn ông bệnh mà chết.
Tôi hỏi cha tôi:
- Rứa chú có tin đó là chuyện thật không?
Cha tôi cười ha hả:
- Làm chi có chuyện như rứa!
- Rứa răng chú kể?
- Vì nó hấp dẫn, kể cho con nín đái luôn.
Cha tôi cười chọc quê.
Mặc dù nói vậy, nhưng ông vẫn kể chuyện ma, những câu chuyện của ông bao giờ cũng hấp dẫn, có địa chỉ hẳn hoi. Buồn cười nhất là chuyện ma rà mà lại chịu không nổi sự lạnh, về khuya thường tập trung vào bếp rèn của ông bác tôi tại bến đò ở làng Minh Hương. Một bửa nọ, bác tôi dùng loại "cức sắt" còn đỏ hồng, lùi dưới tro. Khuya ấy, ma rà vào ngồi trong bếp rèn, bất ngờ trúng sắt nung đỏ, hui cháy mông ma rà khét rẹt, nghe tiếng xèo xèo, mấy con ma nhảy xuống sông nghe bỏm, bỏm.
Cả nhà cười ngất nghe cha tôi kể chuyện, những câu chuyện của ông lôi cuốn sự tò mò của bọn chúng tôi, có khi quá khuya mà vẫn chưa ngủ.
Trời quá lạnh, cha tôi cho làm lò than vùi tro, đặt dưới giường cho bà nội ngủ. Ban ngày tôi nhớ, bà nội có cái lồng ấp nhỏ, đan bằng tre, phía trong là cái trách bằng đất sét để than hồng trong đó, mặt trên khỏa tro. Bà nội mặc chiếc áo dài. Vạt áo che kín hai tay bà nội bê lồng ấp để trước bụng.
Trở lại câu chuyện về ma, tôi chưa bao giờ thấy ma và khi tôi hỏi mọi người, có ai thấy ma chưa? Câu trả lời bao giờ cũng là chưa. Và theo tôi, ma là do tâm ta kiến tạo nên. Như người đi đêm, nếu tâm không vững, lo sợ suy nghĩ lung tung, sẽ cảm thấy như có người đang đuổi theo ta đằng sau. Nếu ta càng bước nhanh, ta lại thấy bước chân đuổi theo ta càng nhanh hơn. Phải vậy không bạn?
Không thấy ma, nhưng đi xem ma, chứng kiến hiện trường nơi người ta quả quyết ma hiện về thì tôi đã trực diện. Tôi nhớ ở Đò Cồn, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, chặng cuối, gần ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm – Võ Tánh, có ngôi biệt thự cũ, nằm sâu hút bên trong, phía trước là khu vườn rộng bát ngát. Vườn được bao quanh bởi hàng tre dày. Trước sân là ngôi mộ, chung quanh mộ là cỏ xanh rờn. Ngôi mộ đó là con gái của chủ nhà, qua đời đã lâu. Chủ nhà chắc hẳn kế thừa bất động sản của cha để lại. Dạo ấy, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đông nghẹt người, họ đến xem ma. Mọi người bàn tán, ban đêm, người bán hột vịt lộn nghe có tiếng kêu mua hột vịt. Người bán dừng lại, thấy có cô gái đứng chờ. Cô gái nói bán cho cô 2 cái hột vịt lộn. Sau khi trả tiền xong, người bán thối tiền thừa xong lại đi. Điều lạ lùng là người bán phát hiện tiền mà mình nhận được toàn là giấy. Ngày hôm sau quay trở lại để tìm người mua, thì thấy trên ngôi mộ trong sân, hai cái hột vịt lộn nằm đó cùng với tiền thối của người bán. Câu chuyện được truyền đi rất nhanh và tôi cũng hòa trong làn sóng người đó để đến xem. Nhưng thời điểm ấy, thú thật, tôi cố gắng lắm cũng không chen chân vào được. mãi mấy hôm sau, tôi và Võ Văn Đôn đi bách bộ đến. Ngôi vườn trước mặt chúng tôi và ngôi mộ nằm giữa sân cỏ trước nhà. Trên đó, tôi thấy một cái dĩa để trái cây và cây hương đang cháy. Đôn nói:
- Người cha chắc hẳn quá thương con, đã chôn luôn con gái trong sân nhà để được thấy mặt con hằng ngày!
Ngày nay, ngôi biệt thự cũ vẫn còn, sân cỏ rộng thênh vẫn còn và ngôi mộ của người con gái năm xưa vẫn còn đây. Nhưng tôi biết chắc chắn rằng trong số đông người lũ lượt đi xem ma năm xưa bây giờ đã rất nhiều người nằm xuống.
- Họ có gặp được cô gái kêu mua hột vịt lộn năm nào?
<bài viết được chỉnh sửa lúc 06.02.2013 14:54:21 bởi Tuấn Nguyễn >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9