CON KIẾN VÀ THẦY TÔI
Tôi nhớ về ngôi trường làng, phía sau có bải cỏ dọc theo mé sông, phía trước là sân chơi kế bên con đường đất dẩn từ quê Hòa Tịnh ra ngôi chợ nhỏ Ngả Tư Long Hồ. Niên khóa 1952-1953, lớp nhì, lớp tôi học, do thầy Hai phụ trách (thường gọi là thầy Hai Lương)
Hiện nay tôi vẫn còn hình dung ra dáng thầy dạo ấy. Ốm, cao, da trắng với phong thái rất hiền từ, mỗi ngày thầy lái xe gắn máy từ tỉnh lỵ Vĩnh Long vượt 9 cây số của tỉnh lộ Vĩnh Long – Trà Vinh đến trường.
Thầy đem theo thức ăn trưa, thường là bánh mì thịt. Giờ nghỉ trưa là lúc thầy trò dùng bửa. Bàn viết của thầy làm bàn ăn. Bửa ăn đạm bạc bánh mì, nước lả của thầy không thấy thay đổi. Có lý do nên mới nhắc đến bửa ăn trưa của thầy. Số là không biết từ lúc nào một con chó ốm tong teo, lông rụng còi cọc, thờ thẩn đi xiêu vẹo (chúng tôi nói là đi bẻ bánh lái) xuất hiện bên thầy, ngồi “nhóc mỏ” nhìn miệng. Và thầy thương tình đã chia sẻ từng miếng bánh mì nho nhỏ cho con chó đói tội nghiệp. Ngày qua ngày thầy biến chú chó hoang ốm o trở thành “phương phi”, mập mạp, lông lá mướt rượt, quấn quýt bên thầy mỗi ngày.
Và một hôm sáng sớm vừa vào lớp chẳng bao lâu, thầy bước đến em học sinh tên NămThạnh, ngồi đầu bàn của bàn thứ nhất, bảo em này xoè bàn tay, chúng tôi ngạc nhiên không rõ chuyện gì sẽ xãy ra cho bạn. Thầy Hai rất hiền, thương học sinh, tận tâm dạy dỗ, không la hét hay phạt học trò của mình bao giờ như những đồng nghiệp của thầy thường cho học trò những hình phạt rất khắc nghiệt thuở ấy: nhẹ nhất là khẻ tay bằng thước, chẳng lẽ …khẻ tay Năm Thạnh? Chúng tôi chăm chăm theo dõi: bằng hai ngón tay cái và trỏ, thầy nhón giữ một chú kiến nhỏ, vì quá lâu tôi không nhớ loại kiến gì, và thả nó lên lòng bàn tay của Thạnh, bảo cẩn thận mang thả chú ta ngoài bải cỏ phiá sau trường. Thầy nhìn chúng tôi mĩm cười, không nói một lời…nhưng tất cả sự diễn tiến thẩm thấu vào tim óc chúng tôi một kỹ niệm nhớ đời, một bài học sâu sắc về lòng từ bi, tình thương vạn vật của thầy tôi. Đối với chú kiến mà còn như thế thì với đồng loại , đồng bào thì chúng ta phải làm sao rồi.
Năm sau, chúng tôi lên lớp nhất, không còn học với thầy, nhưng vẫn gặp và cung kính chào thầy mỗi ngày. Thầy vẫn còn tiếp tục nuôi chú chó hửu phước kia…Khi ra tỉnh lỵ để thi bằng Tiểu học, chúng tôi có dịp đến viếng nhà thầy, một căn phố hẹp nằm trên đường Gia Long, ngang Bungalow cũ. Buổi thăm viếng này củng cố thêm lòng mến yêu thú vật, nhất là thú vật nhà, của thầy vì tôi thấy rất nhiều chú mèo trên đầu tủ, trên ghế ngồi, dưới gầm bàn… đang tò mò giương mắt nhìn khách.
Thầy tôi tiếp tục nghề nghiệp tại tỉnh nhà, hình như có lúc thầy làm việc tại trường Sư Phạm Vĩnh Long, trong khi chúng tôi tiếp tục con đường học vấn và ra đời, sinh sống khắp nơi.
Bây giờ lớp học trò cở chúng tôi, đứa còn đứa mất, đầu bạc răng long thì thầy đã về miền miên viễn từ lâu.
Dịp khuyến khích làm thư Haiku VN của anh Hồng Băng trên tongphuochiep-vinhlong.com, Phú Thạnh nói nằm mơ thấy ai đó đã viết:
Con kiến nhỏ
Bỏ tay trò
Thảm cỏ
(Và trước đó cũng đã có mấy câu:
Con kiến thầy nhón lấy
Bàn tay trò
Bải cỏ.
Cửu Long)
Làm tôi nhớ lại thời gian cách nay 60 năm xa xôi…nhưng với tôi nhớ lại thì như mới hôm nào …vẫn còn rất ngọt ngào.
Tôi mạn phép góp vui cùng anh Hồng Băng, Phú Thạnh, Cửu Long (?...chắc là một bạn nào đó cùng lớp với tôi và Phú Thạnh) và tất cả bè bạn bằng mấy câu thơ …thẩn sau đây:
Nhỏ nhoi phận kiến lạc đàn
Phật tâm thầy cứu bởi bàn tay nhân
Dạy trò bài học thiết thân
Thương người thương vật cõi trần: từ tâm.
Thầy tôi giờ đã xa xăm
Dáng thầy, câu chuyện ngàn năm nhớ hoài.
NHA
November 21, 2013
<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.10.2015 08:39:48 bởi Anh Tú >