HỌC LÀM QUAN
Trần Huy Thuận 24.08.2012 06:37:44 (permalink)
HỌC LÀM QUAN
Trần Huy Thuận



Vua chúa xưa, tiếng là “Cha truyền con nối”, “con vua lại làm vua”; nhưng để trở thành người kế vị vua cha, các hoàng tử phải trải qua rất nhiều khâu rèn luyện, thử thách. Vua chúa nào cũng coi trọng việc dạy bảo các hoàng tử. Những thày giáo tuyển vào cung đều là những vị học rộng và đức cao, mẫu mực trong thiên hạ. Nên rất nhiều vua kế vị, dù tuổi rất trẻ nhưng đã vận hành bộ máy quyền lực một cách trôi chảy, đúng đạo, hợp lý, hợp lòng dân, giữ gìn được vị thế Quốc gia, được các đại thần và bách quan quy phục, khiến ngoại bang kính nể. Vua Duy Tân là một điển hình gần nhất: Người Pháp sau khi phế truất vua cha, đã chọn đưa hoàng tử thứ 8 Nguyễn Phúc Vĩnh San lên nối ngôi (lúc ấy ngài mới 8 tuổi – thực chất là 7 tuổi) với hy vọng rằng ngài quá trẻ, họ sẽ dễ sai khiến. Nhưng chỉ một ngày sau khi lên ngôi, Duy Tân đã thể hiện phẩm chất của mình khiến nhà báo Pháp phải thốt lên: “.Un jour de trône a complètement changé la figure d'un enfant de 8 ans” (Một ngày lên ngai vàng đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của cậu bé lên tám” (theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia). Khoảng năm 1912, Khâm sứ Georges Marie Joseph Mahé mở một chiến dịch tìm vàng ráo riết. Mahé lấy tượng vàng đúc từ thời chúa Minh Nguyễn Phúc Chu trên tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ, đào lăng Vua Tự Đức và đào xới lung tung trong Đại Nội để tìm vàng. Vua Duy Tân phản đối quyết liệt những hành động thô bạo đó, nhưng Mahé vẫn làm ngơ. Duy Tân ra lệnh đóng cửa cung không tiếp ai. Toà Khâm sứ Pháp làm áp lực với nhà vua thì Duy Tân đe đọa sẽ tuyệt giao với các nhà đương cục ở Huế lúc bấy giờ. Cuối cùng Toàn quyền Albert Pierre Sarraut từ Hà Nội phải vào giải quyết vua Duy Tân mới cho mở Hoàng thành.
Không chỉ có thế, năm vua Duy Tân 13 tuổi, ông xem lại những hiệp ước mà hai nước Việt-Pháp đã ký. Nhà vua cảm thấy việc thi hành của hiệp ước ấy không đúng với những điều kiện mà hai bên đã ký kết với nhau nên một hôm giữa triều đình, nhà vua tỏ ý muốn cử ông Nguyễn Hữu Bài là người giỏi tiếng Pháp sang Pháp để yêu cầu duyệt lại hiệp ước ký năm 1884 (Patenôtre). Nhưng cả triều đình không ai dám nhận chuyến đi đó (theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).
Rõ ràng, nếu không được học tập chu đáo, vị vua trẻ Duy Tân không thể có những suy nghĩ và hành động tuyệt vời như vậy.
***
Thời phong kiến, chỉ có VUA CHÚA mới “Cha truyền con nối”, các QUAN thì không. Sau cách mạng tháng 8, người làm việc nhà nước, không gọi là “quan” mà gọi là “CÁN BỘ”. Thời kỳ đầu, cán bộ gần dân, “từ nhân dân mà ra, được dân mến, được dân tin muôn phần – lời một bài hát phổ biến một thời”. Chức tước của cán bộ là do “học tập, rèn luyện, phấn đấu” mà trưởng thành; đồng thời phải do “Tổ chức phân công”. Gần đây, một “bộ phận không nhỏ” cán bộ đã tha hóa biến chất và được dân gọi mỉa là “QUAN CÁCH MẠNG”! Càng ngày quan cách mạng càng có xu hướng “cha truyền con nối”. “HỌC” không còn là tác nhân chính giúp người ta trở thành QUAN! Bởi thế, lúc này mới đem chuyện HỌC LÀM QUAN ra bàn.
HỌC LÀM QUAN, có nghĩa là học CÁCH LÀM QUAN. Nhưng trước cả điều đó, lại phải học tốt hai điều quan trọng sau: Thứ nhất phải HỌC LÀM DÂN, thứ hai phải thực sự SỐNG CUỘC SỐNG CỦA DÂN. “Học làm dân” để thấy làm dân khó thế nào, để rèn đức tính “chí công vô tư” và còn để ghi khắc vào tim chân lý “Quan nhất thời, Dân vạn đại”; “Sống cuộc sống của dân” để thông cảm với những nỗi cơ cực hàng ngày của dân, để rèn đức tính “cần kiệm liêm chính”, để biết dân cần gì, dân trông đợi gì, dân ghét bỏ gì và điều gì làm dân phẫn nộ. Học tốt hai vấn đề đó, khi làm quan mới thấy được đầy đủ ý nghĩa câu “DÂN LÀ GỐC”, mới biết phải làm gì cho dân thực sự làm chủ, thực sự tự do, thực sự hạnh phúc...
Không học làm Quan, hoặc học chưa đến nơi đến chốn, nên nhiều ông “Quan cách mạng” hành xử chưa tương xứng với chức trách. Xin đơn cử một vài ví dụ:
Đã có ông cán bộ lãnh đạo đầu tỉnh, khi được thuộc cấp dẫn xem Bảo tàng địa phương. Lúc ngài đến phòng trưng bầy lưu niệm Bác, đã thò tay nhặt chiếc gối lên ngó nghiêng –một hành vi ngây ngô lại vi phạm nội quy Bảo tàng. Chưa xong, lát sau, đáng phải dùng hai tay đặt hiện vật lại đúng vị trí, thì ông này lại quăng chiếc gối của Bác xuống giường! Thật thô lỗ và vô phép. Khi Truyền hình địa phương đưa hình ảnh ấy lên, dân chúng và các vị lão thành lắc đầu chê “lấc cấc”. Lỗi của “quan” này là trước đó không rèn tư chất người cán bộ, vẫn mang theo tính cách thô lỗ của mình thời trai trẻ.
Lại có ông, thăng quan tiến chức liên tục, nhưng cuối đời nhìn lại chả vị trí công tác nào để lại chút “dấu ấn” gì. Hoàn toàn làm theo sự chỉ đạo của trên và quyết định của tập thể (không sai, nhưng đạo làm quan mà chỉ có thế thì nói như một vị Đại biểu Quốc hội khóa hiện hành: “Ai chả làm được”!). Ông này luôn thăng tiến vì ở vị trí nào ông cũng chẳng mắc tai tiếng, chẳng có đơn thư tố cáo… lại được đồng chức đồng đội tín nhiệm (về điểm “tín nhiệm” này thì cũng lại xin thưa, chính cuối đời ông cũng có lần “khiêm tốn” bộc bạch: “Mình lên được không phải vì giỏi hơn các anh ấy, mà vì được lòng các anh ấy. Nhất là khi nội bộ các anh có mâu thuẫn, thì việc đưa mình lên là thuận cho đoàn kết tất cả các bên!” – có thể hiểu là khi có nhiều phe, thì kẻ không thuộc phe nào lại “dễ bảo”, thì dễ được các phe ủng hộ). Đây là mẫu “Quan” gặp vận, gặp thời, lại rất biết tận dụng cái “vận”, cái “thời” ấy để “phấn đấu” đi lên. Gọi chung là QUAN CƠ HỘI. Loại này đa số không có tài cán gì, nhưng cá biệt vẫn có kẻ xuất chúng. Xếp cùng loại với thứ “quan” này, là thứ QUAN MUA. Thời xưa cũng có chuyện “mua bán chức quan”, nhưng thường chỉ là dân làng tự “bán” để lấy tiền dùng cho việc làng. Và chức cao nhất chỉ là LÝ TRƯỞNG và để phân biệt chức LÝ TRƯỞNG do trên bổ nhiệm, dân làng đã cho thêm chữ “MUA”: LÝ TRƯỞNG MUA – chỉ có tiếng, không có thực quyền. Tuyệt đối không để lập lờ đánh lận con đen! Thời hiện tại, số “quan mua” khá phổ biến, việc “Chạy chức chạy tước” đã thành chuyện đương nhiên (ai nói “làm gì có?” chỉ là kẻ mù lòa hoặc giả mù lòa). QUAN MUA thời này có hai đặc điểm: Thứ nhất tuy không bị gắn chữ “MUA”, nhưng ai cũng ngầm hiểu người ấy là “quan mua”. Thứ hai, không chỉ có “tiếng” mà có cả “quyền”, cả “miếng”! Người xưa dạy: “Y phục xứng kỳ đức”, bây giờ cần thêm “Chức tước xứng kỳ đức, tài”.
Về chuyện đức-tài, cần kể chuyện này: Vừa rồi có ông Bộ trưởng trả lời chất vấn về vấn đề mình phụ trách mà cứ “lúng túng như thợ (may) vụng mất kim”, nói năng như “gà mắc tóc”! Lại có ông Bộ trưởng trả lời tỉnh queo: Những chuyện thua lỗ, thất thoát ấy… tôi không biết! Sao ông không tự hỏi trước khi trả lời: “Thế mình làm Bộ trưởng này để làm gì nhỉ?”.
Ngày xưa đi làm việc ở các cơ quan nhà nước, tuy có kẻ thế này người thế kia, nhưng hầu hết chung một ý nghĩ: Đã là cán bộ cách mạng thì phải luôn lấy việc phục vụ nhân dân làm chính. Ngày nay thì có vẻ khác, đi làm, vào biên chế xong là phải lo ngay đến “chạy chức chạy quyền”, để nhanh “vinh thân phì gia”. Trường hợp Bộ trưởng KH ĐT mới giãi bầy với QH rằng “làm Bộ trưởng không sướng gì, chẳng có đồng nào trong túi” (http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/76418/-lam-bo-truong-khong-suong-gi--cha-co-dong-nao-trong-tui-.html), thì cũng lạ! Không biết ông nói về riêng mình hay nói thay các Bộ trưởng khác? Túi ông không có đồng nào (nghe tội quá!). Liệu có phải là do quý phu nhân quản chặt hay do lương và thu nhập của Bộ trưởng quá thấp, đi họp đi hành phải chi phí quá nhiều, chiêu đãi cấp dưới quá lớn? Giá Bộ trưởng giải thích rõ cho dân biết nhỉ. Chứ tình cảnh này không khéo mai kia không còn ai dám phấn đấu làm Bộ trưởng nữa mất!
Có vị đề ra chính sách: Địa phương ta không được tuyển sinh viên tốt nghiệp đại học tại chức, nhưng là “đề ra” sau khi đã đưa “quý tử” mình vào biên chế đâu vào đấy rồi! Về điểm này, cứ thử làm một cuộc điều tra nhanh, xem có bao nhiêu trường hợp con cháu các sếp lớn hiện thất nghiệp và nếu có thì tỉ lệ là bao nhiêu so với con em dân thường? – Không cần điều tra cũng có thể trả lời ngay: Không có những chuyện con các sếp lớn thất nghiệp đâu – trừ phi các công tử, công chúa mắc dị tật, bệnh hiểm nghèo, nghiện ngập hoặc quen ăn chơi trác táng! Đó có thể gọi là nạn “CON ÔNG CHÁU CHA”. Nạn này đang khá phổ biến, không phải ở đâu cao xa, mà ngay từ cấp xã phường! Ai cũng thấy những điều trái tai gai mắt ấy, có điều chả muốn nói ra thôi.
Nạn “CON ÔNG CHÁU CHA” này đã góp phần không nhỏ vào việc cung cấp cho xã hội thêm những quan chức không nắm được công việc, chức trách; không biết làm việc. Cái ghế của các cán bộ này nhiều khi như chiếc “ghế phụ” bên cạnh “ghế chính” trong các toa xe đông hành khách. Về điểm này cũng nên nhắc lại tích xưa: Khi Trần Thủ Độ bị phu nhân hối thúc cất nhắc con cháu làm chức này chứ khác, ông trả lời: “Được, nhưng chúng sẽ phải chặt đi 1 ngón tay để phân biệt với người có tài có đức”!
Quan đương chức ngày nay vẫn có nhiều người thực hiện được lời Bác dạy, luôn CHÍ CÔNG VÔ TƯ, luôn chăm lo giữ gìn ĐẠO ĐỨC CM. Nhưng MỘT BỘ PHẬN KHÔNG NHỎ đã trở thành sâu mọt, lo hoàn thành trách nhiệm thì ít, lo thu vén cá nhân thì nhiều. Bác dạy: “Ðảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” (Toàn tập, ST, 1984, T4, trang 463). Nhưng họ không LÀM THEO mà chỉ NÓI THEO. Trung ương 4 đã có nghị quyết từ nửa năm nay rồi, nhưng dân mới chỉ thấy HỌP mà chưa thấy HÀNH. Ngân sách nhà nước mất hàng chục ngàn tỉ đồng mà chưa mấy ai làm sao, có quan vừa mới bị khởi tố thì đã trốn đâu mất tích, nhờ cả cảnh sát thế giới truy tìm vẫn chưa thấy!

***

HỌC LÀM QUAN – Chứ không phải “CHẠY” LÀM QUAN. Nhưng, hình như thời nay người ta chỉ thích CHẠY chứ không muốn HỌC?!.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9