SỢ LÀ THUỘC TÍNH CỦA CON NGƯỜI!
-
24.08.2012 06:49:31
chuyện phiếm: SỢ LÀ THUỘC TÍNH CỦA CON NGƯỜI!
Trần Huy Thuận
SỢ là thuộc tính của con người, bất kể kẻ sang người hèn. Lê Quý Đôn nói: “ Phải biết sợ mới nên người”.
Bé thì sợ chó, sợ chuột, sợ thạch sùng, sợ rắn cắn, sợ người lạ, sợ “mẹ mìn” bắt cóc, sợ ma cà rồng, sợ ông “ba bị chín quai”… Lớn một chút thì sợ bị la mắng, sợ bị đòn, sợ bị phạt không cho ăn. Đến tuổi đi học sợ muộn giờ, sợ không hiểu bài, sợ điểm kém, sợ thầy giáo phạt, sợ không được lên lớp. Lớn thêm chút nữa thì sợ ế chồng, ế vợ, sợ thua anh kém em, sợ không bằng chúng bằng bạn. Đi làm, sợ mất việc, sợ không được lên lương, sợ không được lòng sếp, rồi còn có cả một kiểu sợ lạ nữa, là “Sợ bóng, sợ gió”… Tóm lại là có rất nhiều thứ buộc ta phải… sợ. Sợ cái hữu hình và sợ cả cái vô hình nữa!
Cái sợ của trẻ con chủ yếu là sợ vu vơ, lặt vặt: Do không hiểu mà sợ - sợ ma! Do chưa thấy bao giờ hoặc ít thấy, hoặc thấy hình dạng nó kì quái, bẩn thỉu quá, mà sợ - sợ gián, sợ chuột, sợ thạch sùng! Do đau thể xác mà sợ - sợ rắn, sợ rết, sợ đòn roi của người lớn!.. Còn cái sợ của người lớn thì khác. Đó là cái sợ thấy được, trực tiếp và cụ thể; sợ cả về thể xác lẫn tinh thần, trong đó cái sợ tinh thần chiếm tỉ lệ rất cao. Có cái sợ tránh được, như không bao giờ làm việc xấu, không vướng vào những vụ vi phạm pháp luật,.. thì chả việc gì phải sợ (ấy là theo lẽ thông thường, chứ một khi ... Thôi chả nói nữa, sợ lắm!). Nhưng có cái sợ không tránh được, như bị cướp, bị bắt cóc, bị khủng bố, bị tống tiền, bị doạ cho thôi việc, bị thuyên chuyển công tác, bị sếp ghét bỏ,... Không may gặp những chuyện như thế mà không sợ, thì ai đó phải có thần kinh ...thép! Làm điều sai trái, sợ pháp luật, là cái sợ bình thường. Ra đường sợ kẻ cắp, là cái sợ tuy không bình thường nhưng còn chấp nhận được. Chứ "ra đường sợ công an” (trong khi người ta vẫn nói: “Công an là bạn dân”), “lên phường sợ… thủ tục" (phường là cấp chính quyền thấp nhất, mà chính quyền là “của dân, do dân, vì dân”), thì đấy lại là cái sợ hoàn toàn không bình thường chút nào. Càng không bình thường hơn khi nghe và chứng kiến những cảnh đại loại như thế này: "người ngay sợ kẻ gian", "người quân tử sợ kẻ tiểu nhân", "công an sợ đầu gấu", "dân lành sợ quan tham",...
Con người càng trưởng thành càng có nhiều điều để sợ. Già sắp chết, vẫn sợ! Không chỉ là sợ chết mà còn sợ chết rồi, vẫn để lại hệ lụy cho con, cho cháu.
Các cụ ta xưa có câu: "Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ bần cùng khố dây". Sợ kẻ anh hùng là nể sợ, là bái phục đạo cao đức trọng của người ấy. Còn sợ kẻ bần cùng khố dây là sợ cái sự liều lính bất chấp lẽ phải trái, đạo lý, kỉ cương, luật pháp... của kẻ đã ở thế đường cùng, đã mất hết lý trí.
Cánh đàn ông lại có kiểu sợ đặc thù này: sợ vợ! Đến vua chúa oai thế, còn sợ hoàng hậu, nữa là dân thường! Những khi túm năm tụm ba tán gẫu với bè bạn tôi thường nói thế, để thanh minh cho cái tính nhút nhát sợ... bà xã của tôi! Tôi là kẻ học ít, nhưng cũng sính dùng chữ lắm, ví dụ, không nói "sợ vợ", nói thế nó thô thiển quá, mất giá quá, nên tôi thay bằng câu: "dàn thiên lý nhà mình sắp đổ!". thế là mọi người hiểu ý ngay: Thôi tha cho nó về, kéo vợ nó lại cho nó... lãnh đủ! Giới trí thức gần đây có nhiều người viết hồi ký tự nhận mình “hèn” – hèn tức là sợ đấy, có sợ mới phải hèn chứ? Vậy là ngay những kẻ vốn có trí tuệ hơn người cũng… sợ, thế thì trách gì cái loại “dân ngu khu đen” mình?
Sợ cũng có tính thời gian. Có cái chỉ sợ ban đêm, có cái lại sợ ban ngày – “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”. Lại có cái sợ cả ngày lẫn đêm: Sợ vợ, sợ “bồ nhí”, sợ cả sếp lẫn vợ sếp,..
Sợ có nhiều cách biểu hiện lắm: sợ run cầm cập, sợ hết hồn hết vía, sợ tái xanh tái xám, sợ lạnh cả xương sống, sợ dựng tóc gáy, sợ toát mồ hôi, sợ rụt vòi, sợ vãi đái, sợ vãi linh hồn... Lại có cả sợ bóng sợ vía nữa (là do người đó đã từng sợ, nay chỉ thoáng nghe đến, nghĩ đến, nhắc đến, là "hồn bay phách lạc" rồi - như con chim sau lần thoát chết bởi cung tên của người đi săn, trông thấy cành cây cong cũng sợ!).
Chẳng biết những kẻ to gan lớn mật có thật không biết sợ không? Mật và gan thế nào là to? To quá dễ sinh bệnh, dễ "ngoẻo" sớm - thế thì thà sợ mà được sống thọ thêm một chút, còn hơn! Hèn - Vâng, hèn chính là do sợ quá gây ra. Tôi hay bị bạn bè mắng lắm, mắng là ĐỒ HÈN! Nghe thì tức, nhưng vốn nhiễm tính sợ từ bé, nên không dám cãi, không dám sống khác đi, nên phải cười xoà: Ừ tao hèn, chúng mày không hèn, chúng mày to gan lớn mật, chúng mày gan cóc tía, chúng mày dũng cảm, chúng mày anh hùng!.. Bị dồn một hồi như thế, nhiều đứa chót mắng tôi hèn, bỗng thấy chờn chợn, không khéo thằng này nó khùng! Mà chạm vào ai chứ chạm vào thằng khùng thì có ngày... vạ vào thân! Thế là đến lượt chúng... sợ, lại là sợ cái thằng hèn này mới... đau chứ!
Sợ do việc làm của mình mà bản thân bị hành tội đã đành, còn sợ vì hành vi của mình mà con cháu, người thân bị hành tội theo nữa kia. Cái sợ đó hình như chỉ có ở mấy nước chậm tiến Á Đông? Nó là hệ quả của cái luật man rợ: “tru di tam tộc”!
Có tội sợ đã đành, không làm gì nên tội vẫn sợ. Ấy là sợ bị vu khống, sợ bị mắc bẫy kẻ xấu, sợ bị lừa vào tròng và sợ người thi hành pháp luật hiểu sai hoặc cố ý hiểu sai luật pháp…
Chưa hết! Còn một thứ sợ nữa… Là cái sợ của kẻ có quyền chức. Sẽ có người hỏi: Đã có quyền chức, chắc chỉ sợ người có quyền chức cao hơn? Đúng, nhưng chưa đủ. Bởi thứ nhất, cái sợ đó không đáng sợ, đơn giản là tiền sẽ giúp loại bỏ rất nhanh nỗi sợ đó – “Tiền che tội lỗi, tiền vây chức quyền” mà! Thứ hai, sợ này chỉ mang tính thời gian, bởi sếp quyền chức cao hơn thường sẽ nghỉ hưu trước. Lại có người hỏi: Thế thì chắc chỉ còn sợ… cử tri và quần chúng bỏ phiếu tín nhiệm? Xin thưa, cái đó có, nhưng đối tượng này thường hữu danh, nhưng hiếm khi hữu thực lắm! Vậy cuối cùng kẻ có quyền chức sợ cái gì? - Sợ… chính cái quyền chức của anh ta, chứ còn sợ gì nữa! Khi có quyền chức, người ta luôn sợ mất chức, sợ xuống chức, sợ bị đồng nghiệp tranh chức,.. Không tin à? Cứ thử phấn đấu để có quyền chức, mà xem!..
Vậy đó! Sợ - tưởng chỉ là biểu hiện của những thằng hèn, hoá ra không loại trừ ai cả?!.