TRÒ CHƠI
-
24.08.2012 09:23:09
TRÒ CHƠI
Christian Nguyen
Tôi,
Có khi nào em nghĩ cuộc sống này là một “trò chơi”? và chúng ta đang say sưa với những “trò chơi”? Nghe có vẻ thật buồn cười, nhưng tôi dám chắc với em về điều đó. Em không tin? Vậy sao chúng ta không thử kiểm chứng điều này nhỉ?
Em,
Đừng ngốc như thế, em không có nhiều thời gian để làm cái trò nhảm nhí này. Em còn cả một cuộc sống phải lo, một công việc với những mối quan hệ phức tạp đang chờ được giải quyết. Tha cho em đi, chán lắm mấy cái trò cũ rích…
Tôi,
“Cũ rích”? Đúng! Mọi thứ đều cũ rích. Sáng nay tôi uống café đen không đường, rồi đi qua một con phố quen thuộc để đến công ty, gặp anh bảo vệ có bộ mặt “nhăn nhúm”, nhìn chị trưởng phòng “mưa nắng” thất thường… Đó là chưa kể…
Em,
Đừng chơi trò “đi guốc trong bụng” như thế.
Tôi,
Ủa những gì tôi vừa nói là một “trò chơi”? Vậy sao tôi không biết nhỉ?
TRÒ CHƠI 1: “CỤC ĐẤT” (P1)
Tôi ghét phải kể chuyện về mình, vì trông nó có vẻ “cũ rích” quá. Còn bạn? Bạn có muốn kể chuyện của bạn không? Chắc sẽ lại nói chuyện của bạn cũng “cũ rích” như chuyện của tôi chứ gì? Bạn nghĩ “chuyện gì đã qua rồi thì cái nào cũng cũ rích”. Nhưng ý tôi không phải thế, chuyện tôi đã “cũ rích” trong ngày hôm qua, trong ngày hôm nay, nhưng trong cả ngày mai nó vẫn “cũ rích”. Nghe khó hiểu quá phải không?
Hôm qua,
Vậy là 12 năm đèn sách cũng đã qua, tất cả chỉ để đổi lấy một ngày, ngày tôi 17 tuổi rưỡi. Chẳng ăn nhập gì với nhau hết ha? Trớt quớt luôn? Tôi suy nghĩ lắm mới làm mới được đoạn này cho khỏi “cũ rích” đó! Bạn nghĩ sao? Vô duyên hả? Ò, ai cũng nói tôi vậy mà. Nhưng không sao, “đàn gẩy tai trâu” thôi. Ừ! Tôi thừa nhận tôi là “trâu”… Người ta nói “tuổi 17 bẻ gẫy sừng trâu”. Suy ra cái chuyện “17 tuổi rưỡi”và chuyện “tai trâu” cũng có liên quan với nhau đó. Logic chưa? Một cái logic đã được chứng minh là cùn nhất lịch sử…
Tôi ôm nhiều mộng lắm, mà chẳng cái mộng nào ra cái mộng nào. Có lúc tôi mơ mình là bác sỹ, nhưng nghĩ lại thì khoái ông kỹ sư. Mấy cái nghề đó “hot”, còn có thơ rằng: “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa. Sư phạm bỏ ra, nhân văn xếp xó”. Vậy mà tôi lại chấp nhận “xếp xó”, một cái “xó” thật sự cùn giữa Sài Gòn phồn hoa.
“Nhà báo còn chẳng ăn ai. Nhà văn có nước bốc cám!”
Quen lắm với câu nói này. Ngày nào tụi nó chẳng than. Tụi nó là tụi bạn cùng lớp của tôi. Không than là ăn cơm không ngon, học bài không vô và thi không đậu. Than thì than, nhưng đứa nào cũng mê “nghiệp bốc cám”. Ấy vậy nên chẳng ai nghĩ đến chuyện bỏ “nghiệp”, cái “nghiệp” trong nghĩa “nghiệp chướng”.
Sài Gòn cuối đông, mưa đến sớm và cũng tạnh từ sớm. Những vũng nước còn đọng lại trên mặt đường nham nhở. Chiếc lá vàng bị gió cuốn đi, rồi kẹt giữa miệng cống. Rơi xuống hay bay lên? Đèn đường bật, vũng nước trở nên long lanh kiêu hãnh, như thể nó đang cười nhạo chiếc lá tội nghiệp. Bỗng có chiếc ô tô vụt qua, vũng nước bay xoẹt vào chiếc lá, cả 2 rơi tòm xuống cống. Mặt đường vẫn nham nhở, và gió vẫn rít…
Một buổi tối, một con đường, một chiếc xe đạp cà tàng, và một tôi. Chắc hẳn bạn đang chờ đợi một diễn biến tiếp theo. Một diễn biến có thể làm thay đổi cuộc đời. Kiểu như một cô nàng áo dài thướt tha xuất hiện với chiếc xe tuột xích. Hay một tiểu thư bị bọn côn đồ chọc ghẹo. Và nhân vật chính, là tôi, sẽ ra tay nghĩa hiệp và lấy lòng người đẹp. Bạn đang lại suy nghĩ “cũ rích” nữa rồi, những tôi cũng ước gì có một sự “cũ rích” như thế…
Tôi vẫn đi chiếc xe đạp cà tàng, một mình, một con phố quen. Tôi chợt thấy mình nhỏ bé giữa những hàng cây cao lớn. Giật mình rẽ vội khỏi Pastuer qua Nguyễn Đình Chiểu. Lâu lắm rồi tôi không đi đường này. Cuộc sống của tôi từ trước đến giờ giống như một cái máy được lập trình sẵn. Lập trình giờ ăn, giờ học, giờ làm, giờ ngủ, lập trình cả những lối đi, những con đường mà tôi qua dường như chưa bao giờ thay đổi… Tôi đã thấy nó “cũ rích” từ lâu, nhưng tôi không sẵn sàng cho một điều mới mẻ. Hôm nay, tôi về nhà bằng con đường mới, hơi bất an, nhưng lân lân lạ thường. Đôi khi, thay đổi cuộc sống của mình một chút, dù đơn giản chỉ là đi về trên một con đường mới, cũng khiến cuộc sống có nhiều màu sắc hơn. Tôi dừng lại, nhìn về phía sau, nhìn lên phía trước, và cảm nhận… sự lạc đường. Không phải thay đổi nào cũng mang đến kết quả tốt đẹp, không phải lối đi mới nào cũng dẫn về nhà. Đi tiếp hay quay lại? Hay rẽ qua một con đường khác? Nếu là bạn, bạn sẽ chọn phương án nào? Còn tôi, tôi đi hỏi đường.
Một tôi, một chiếc xe đạp cà tàng, một con phố quen, một giờ đêm. Tôi đã về đến nhà. Và em:
- Sao anh về muộn thế? Em đợi từ chiều đến giờ!
Em đợi tôi ư? Thậm chí tôi còn chẳng biết em là ai nữa. Có sự nhầm lẫn nào không đây?
- Xin lỗi, chúng ta quen nhau sao?
- À! Không quen. Nhưng giờ thì quen!
Chuyện gì đây? Chắc chắn em đã nhầm tôi với ai đó rồi.
- Tôi không hiểu, ý cô là sao?
- Là vậy chứ sao! Chứ anh muốn em trả lời sao?
- Không! Ý tôi muốn hỏi cô là ai? Sao cô lại đến tìm tôi?
- À! Em không tìm anh!
Con nhỏ này kỳ lạ. Bị khùng chắc rồi. Ăn nói khó hiểu quá.
- Vậy cô đợi tôi làm gì?
- À! Em là em gái ông Tuấn. Em qua đây để mượn quyển S&M của ổng. Mai em có bài thi. Hồi chiều em tính qua sớm nhưng nghe ông Tuấn nói anh thường về muộn. Em qua muộn hơn… nhưng không ngờ lại… muộn thế này.
Thì ra là vậy, Tuấn là bạn cùng phòng của tôi, nhưng chưa bao giờ nghe nó kể về cô em gái này. Cả tuần nay nó đi thực tế để viết báo cáo, ăn bờ ngủ bụi chỗ nào mà chẳng thấy về nhà. Tôi nhìn em, em hơi cuối đầu.
- Tôi xin lỗi! Hôm nay nhiều việc quá, nên tôi về muộn hơn mọi khi. (Nếu tôi nói rằng tôi bị lạc đường, có lẽ em sẽ cười tôi. Tôi đành nói dối. Nhưng có sao đâu, khi lời nói dối chẳng hại đến ai). Để tôi mở cửa. Cô vào đợi chút. Tôi tìm sách cho cô.
Em bước theo tôi vào nhà. Có vẻ như em hơi dè dặt hơn. Không còn tinh nghịch như lúc đầu nữa. Cũng phải, vì với em, tôi là người lạ. Cũng phải, vì cách cư xử của tôi, rõ ràng, tôi và em đang là người lạ.
- Nhà cô ở đâu? Bây giờ khuya lắm rồi. Cô tự về được không?
- Dạ An Đông.
- An Đông? Cô đi bộ từ đó qua đây à? (Không hiểu sao tôi lại hỏi một câu ngớ ngẩn đến thế. An Đông cách chỗ này cũng đến hơn mười cây số).
- Dạ không! Em đi xe buýt.
Em qua đây bằng xe buýt. Và giờ này thì làm gì còn xe buýt nữa. Tôi đưa em về ư? Hay mời em ở lại? Trời đã quá khuya, tôi không thể để em về một mình được.
- Mai cô làm bài thi mấy giờ?
- Dạ 9 giờ. Có gì không anh?
- À không có gì? Vậy còn kịp. Cô vào nhà đi. Cô ở lại đây, mai về.
- Nhưng…
- Cô đừng ngại. Em gái của Tuấn thì cũng coi như em gái tôi. Tôi sẽ qua nhà bạn ngủ nhờ. Cô yên tâm…
- Dạ không! Ý em không phải vậy?
Tôi thật sự ngỡ ngàng. Cô bé này đang nghĩ gì đây?
- Vậy …
- Em chỉ sợ làm phiền anh. Em biết mai anh phải dậy sớm nên nên không thể nhờ anh đưa về được. Ở lại thì… anh biết đó, mai em có bài thi… nên tối nay em phải đọc xong quyển sách này… Nhưng mà…
Lần này tôi đã bắt kịp được suy nghĩ của em. Lần đầu tiên tôi thấy mình “thông minh” đáng kể.
- Không sao? Cô học thì cứ học… Không ảnh hưởng gì đâu!
- Vậy…
- Còn vậy gì nữa! Cô vào nhà đi! Nói hoài trời sáng luôn đó!
Em lại bước vào nhà theo tôi. Lần này có vẻ như em không còn ngại ngần như lúc nãy nữa. Nhưng vẫn còn sự e ngại lẩn khuất trong ánh mắt. Hình như tôi đọc được suy nghĩ qua ánh mắt của em. Có phải…
- Anh vào ngủ đi! Không cần qua nhà bạn đâu! Em đọc sách ngoài này được rồi!
- Ò…òm… vậy cũng được. Vậy cô cứ mở đèn lớn mà đọc, đèn bàn hơi mờ, tôi chưa kịp thay.
- Dạ không sao…
- Vậy tôi đi ngủ. Có chuyện gì cô cứ gọi!
Không hiểu sao lúc đó tôi lại nói như vậy. Sẽ có chuyện gì được nhỉ? Nhưng có lẽ, câu nói đó cũng khiến em yên tâm hơn.
Tôi không ngủ được. Cô bé này khiến cho tôi qua cơn buồn ngủ, mặc dù lúc chiều tối tôi đã thấy rã rời vì phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ mới về đến nhà. Tôi mở cửa phòng, bước xuống bếp để tìm ly nước uống.
- Anh không ngủ được à?
- À không! Tôi thấy hơi khát.
Trở lại phòng khách với cốc nước, tôi ngồi lặng lẽ trên sopha. Em ngồi đó, bên cạnh cái bàn cũ với ngọn đèn bàn leo lét. Tôi đưa tay mở đèn lớn.
- Không cần đâu anh. Em đọc bằng đèn này được mà!
- Không sao! Đèn này sáng hơn, đọc đèn bàn dễ bị đau mắt lắm.
Thực ra thì có đau mắt gì chứ! Chỉ là tôi muốn tạo cho em một cảm giác an toàn hơn thôi. Tôi nhìn cốc nước, lắc lắc…
- Nghe nói anh học giỏi lắm ha? Em thường nghe anh Tuấn nói vậy á?
- Ờ thì… ai cũng vậy thôi mà… giỏi dang gì đâu!
- Em đang học kinh tế. Mới năm nhất à, nhưng thấy mọi thứ khó quá chừng.
Thì ra em đang học kinh tế. Thời buổi kinh tế thị trường, “học kinh tế là học cách hái ra tiền”.
- Không biết đến đời nào em mới “đu” theo tụi anh được.
Tôi định nói “Tuấn là đứa giỏi, thì em gái cũng sẽ giỏi thôi”. Nhưng nghĩ lại, Tuấn là đứa trầm tính, lại ít khi thể hiện sự quan tâm một cách lộ liễu, nên thôi.
- Cố gắng là được mà – Tôi buông một câu như để lấp chỗ trống.
- Ông Tuấn nhà em chán lắm.
Rồi, hiểu luôn. Tôi không nói nhưng em đã nói. Nhưng tôi biết cái nghĩa “chán lắm” của em cũng giống như tôi đã nghĩ.
- Ờ nói xấu đi. Tuần sau Tuấn về thì biết! – Tôi buột miệng đùa.
- Hì… hì… hì…
Tiếng cười của em thật “lạ”. Tôi không thể hiểu nghĩa của nó là như thế nào. Nhưng dù thế nào thì cũng không nên quan tâm. Ừ! Không nên quan tâm!
Em tiếp tục say sưa với quyển S&M, quyển sách dạy về cách kinh doanh. Tôi không học, và cũng chưa bao giờ đọc nó. Tôi quay nhìn cốc nước, lắc lắc…
- Anh định thức luôn à?
- À không! Tôi chưa thấy buồn ngủ. Cô cứ đọc tiếp đi, không cần quan tâm đến tôi đâu.
Em lại tiếp tục đọc sách. Và tôi lại tiếp tục lắc cốc nước. Mặc dù, cốc nước chẳng còn nước để lắc nữa… Có những lối đi mới không dẫn chúng ta về nhà, nhưng lại tạo cho chúng ta những cơ hội mới. Nếu tôi về nhà sớm, có lẽ, câu chuyện giữa tôi và em chỉ dừng lại ở việc lấy sách…
- Anh… anh… anh…
- À! – tôi giật mình.
- Em đọc xong rồi!
- Mấy giờ rồi nhỉ!
- Dạ hơn 5 giờ rồi.
- Ờ! Nhanh ghê hen!
- Mấy giờ anh đi?
- À… ờ… khoảng 6 rưỡi!
- Vậy anh không định ngủ thiệt à?
- Thôi! Giờ này mà ngủ gì nữa! Cô buồn ngủ thì ngủ đi. Tôi đi pha ly café.
- Em không buồn ngủ. Lát nữa em cũng về mà!
Tôi vào bếp để pha nhanh ly café hòa tan.
- Anh cho em 1 ly được không?
- À… ừ… xin lỗi! tôi vô ý quá!
- Hì… hì… hì…
Lại cái giọng cười đó. Thật sự khó hiểu, nếu không muốn nói là nó làm tôi hơi bối rối.
- Cô là em gái Tuấn. Trước giờ, không thấy Tuấn kể gì cả!
- Chắc anh biết tính ổng mà. Chỉ thích làm chứ đâu có thích nói. Bởi vậy, ê sắc ế đến giờ… Người gì đâu như cục đất!
“Như cục đất”, nhiều người cũng bảo tôi “như cục đất”. Tôi lại thấy Tuấn khéo ăn nói hơn tôi nhiều lần. Mà cô bé này ví Tuấn như “cục đất”, thì tôi là “hạt bụi đất” rồi. Nghĩ cũng ngộ, trời sinh tôi với Tuấn, hai thằng bạn thân từ tâm chứ miệng chẳng nói với nhau lời nào. Nhưng không có những cái “ngộ” thì lấy đâu ra cái bình thường?
- Hì… hì… hì…
Lần này là tôi cười! Cười bù cho Tuấn, và cho cả tôi, cho những “cục đất”.
- Hôm bữa em đọc được một bài của anh trên báo đó.
Cô bé này lại muốn nói gì đây? Có ai biết tôi viết báo đâu. Tên tôi và bút danh hoàn toàn khác biệt. Không ai biết… trừ Tuấn… À Tuấn…
- Ờ…
- Bài đó hay cực luôn. Tụi bạn em đứa nào cũng mê tít.
Vậy tụi bạn em thích hay là em thích? Tôi muốn hỏi vậy quá, nhưng kịp dừng:
- Ý cô là bài nào?
- Bài nói về cuộc sống của lớp trẻ hiện nay đó anh, vừa chí lý, vừa chính xác.
- Hì… hì… hì…
Tôi lại cười cái giọng đó. Nghe vô duyên lạ lùng.
Sau lần đó, em và tôi không gặp nhau nữa. Mặc dù, đôi khi, tôi cảm thấy bâng quơ “nhớ”. Cũng lạ, chỉ cần chạy ngang qua trường, đứng đợi là sẽ được gặp. Nhưng… tôi là “cục đất” vô duyên, vô duyên đến nỗi không hỏi em tên gì? Và cũng không nói chuyện về em với Tuấn…
(Còn nữa…)
Quen biết đầy thiên hạ.
Tri kỷ được mấy người?