Tình Mẹ, Người Yêu và Lời Thú Tội
poisonivy 28.08.2012 11:37:17 (permalink)
[Helpful answer received] / [List Solutions Only]
Tình Mẹ, Người Yêu và Lời Thú Tội
******************************


Không có sự đau thương nào bằng mẹ xa con. Vâng! con biết thế. Thế tại sao con gây ra niềm đau thương đó? Bởi lẽ, con nghĩ đó là chuyện con phải làm. Là hạnh phúc, hay đau khổ cuộc đời mà con đã tự chọn, tự quyết định. Cha mẹ không chấp nhận thì con chỉ phải bỏ nhà ra đi để đi theo tiếng gọi của tình yêu, và hạnh phúc mà con đeo đuổi. Xin mẹ nên nghĩ đây là một quyết định không dễ dàng trong cuộc đời con. Mà là một sự cấu xé lương tri, và đầy mâu thuẫn. Là một cái gút con cố đang tháo gỡ ….

Con không thích một sự sắp đặt nào trong cuộc đời con. Mặc dù là vậy, con vẫn suy nghĩ có nên chấp nhận sự đặt để hôn nhân do cha mẹ quyết định để được cha mẹ vui lòng mà con nghĩ đó là một sự “báo hiếu” không?! Con đang tìm cách ngụy biện chữ “hiếu” này, mà con cũng đang tìm cách để lẫn tránh chữ “hiếu”này đây, mẹ ạ! Con vẫn không tìm một lý do chính đáng nào ngoài cái lí lẽ “hạnh phúc” để biện minh phương tiện của con.

Con cố làm bổn phận một người con cho tròn chữ “hiếu”, và tự hứa dẫn dắt đàn em cho tròn chữ “để” để cho cha mẹ đở đi phần cực nhọc. Con đã cố gắng rất nhiều để lãng quên người yêu của con, nhưng nỗi nhớ ngày càng da diết. Đã hơn cả tháng con không đi đâu cả, mẹ thấy đó! Con cả ngày chỉ ở nhà trông tiệm, đọc sách và cứ để thời gian đục dần trí não. Thân con đây nhưng đầu óc cứ đâu đâu. Tình yêu là cái quái gì mà sao nó cứ làm con bứt rứt trong lòng. Nó cứ luẩn quẩn đâu đây như bóng ma trơi.

Nhưng rồi một ngày con không ngăn cản được trái tim, con gặp lại người yêu. Tình yêu con lại càng điên cuồng hơn, mãnh liệt hơn, nồng cháy hơn. Và con biết con không thể quên đi được cái khuôn mặt khả ái, dịu dàng đó. Cái xiềng sắt không còn sức chịu nỗi sự nóng bỏng cao độ của con tim, cái xiềng sắt mà con tự xiềng trái tim con đã tự tan chảy đi tự lúc nào. Trái tim con nó hừng hực sống dậy, như adrenaline hormone vỡ mạch . Nóng như lửa . Máu con chảy sùng sục trong huyết quản, như những muôn ngàn cơn sóng dội vào bờ. Nó vỡ bờ. Cái lý trí của con nó bị đánh gục tự lúc nào.

Sự lựa chọn là đây! Cái mốc là đây! Con đã buông trôi theo sóng biển của tình yêu. Con đã hưởng ứng theo tiếng dội của tình yêu. Con đã chạy theo ánh hào quang đầy đam mê, quyến rũ của tình yêu. Con đã bỏ mẹ mà đi. Con điên chăng? Con mù quáng chăng? Con đam mê chăng? Con bồng bột chăng? Hay con đã sa ngã, đã lụy vì tình? Thì cứ cho con đã điên, mù quáng, đam mê, bồng bột, sa ngã đi. Tội con muôn ngàn, tư mã phân thây vẫn còn chưa đủ. Đành vậy thôi! Con đi nhưng hình ảnh cha mẹ vẫn canh cánh trong lòng. Đau đớn lắm! nhưng nếu con bỏ người yêu của con thì chắn hẳn nàng cũng phải đau trăm vạn lần như vậy, mẹ ơi! Không phải một mà đến hai lận, mẹ ạ!

Có lẽ con đã nhuộm phải tư tưởng triết học tây phương quá nhiều, cái gọi là “chủ nghĩa cá nhân” hay “cái tôi”, mà con quên đi đạo nghĩa thánh hiền “hiếu, để, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sĩ.” Có lẽ con đã nhuộm phải cái gọi là “tình yêu tự do và hạnh phúc cá nhân” mà nhóm văn hào Tự Lực Văn Đoàn đã ca ngợi, tôn vinh, mà con quên đi đạo đức Khổng Mạnh nhà ta. Con mong mẹ cũng nên thông hiểu nổi lòng của con dù rằng con biết đây là sự khiêu khích tình thương và sẽ gây nỗi đau cho mẹ trăm ngàn. Có lẽ con phải xin gánh tội nầy cho kiếp sau nhưng sự lựa chọn của con không bao giờ xoay chuyển.

Lòng mẹ như biển cả, là dòng sông thanh khiết, là ngọn gió mát trong lúc hè oi ả, là loài linh dược độc nhất xoa dịu cơn đau…. Dù cho muôn vạn ngôn từ cũng không đủ để diễn tả tình thương muôn thuở của mẹ vì nó đã là định đề mặc nhiên tuyệt đối.

Nhưng chẳng ai biết biển cả là gì khi họ ví von lòng mẹ nhưng biển cả. Họ chỉ biết lòng mẹ rộng lớn, bao la như biển Thái Bình. Nhưng có ai hiểu rằng ngoài sự bao la của biển, biển còn có thể làm tất cả những rác rưởi, những nhơ nhớp do những dòng sông mang ra, biến những thứ xấu xa nhơ bẩn đó thành những vi sinh vật, những vi khuẩn có chất kháng sinh chống lại tất cả bịnh tật, và tạo thành những vi sinh hữu dụng cho nhân loại. Con muốn nói cái sức chứa đựng bao la của sự vị tha so với lòng vị kỉ, “cái tôi” tệ bạc của con. Mẹ chính là biển cả, còn con chính là dòng sông mang những ô uế, phế thải cho mẹ đấy mẹ ạ!

Con đã lợi dụng khả năng, huyền diệu của biển cả, biến vô dụng thành hữu dụng, biến vô sinh thành hữu sinh cũng như con đã lợi dụng lòng mẹ, và sự vị tha vô bờ bến của mẹ mà bỏ nhà ra đi tạo sự nhớ nhung, đau đớn cho mẹ. Con biết rồi thế nào mẹ cũng phải chấp nhận thôi. Tệ lắm thay!

Lòng mẹ cũng như thế đó. Thế tại sao ta có thể phủ nhận sự yêu thương đó. Tại sao hở Thượng đế?


Trương văn Tú (Lãng Nhai)
một đêm ở nơi nào, tháng 04, 1976

<bài viết được chỉnh sửa lúc 25.08.2023 11:03:08 bởi poisonivy >
#1
    poisonivy 03.04.2013 08:56:58 (permalink)
    Happy Birthday! Em.
    *******************
     
    Tôi có một người bạn sinh vào ngày này, tháng này. Cô ta là một người rất năng động, lạc quan, yêu thích hội hoạ, thơ văn, và ca nhạc. Bao giờ cũng vui vẻ, dễ yêu.  Nhưng rồi, đột nhiên cô ta không còn yêu thích gì cả, chỉ thích tụng kinh, và lặng lẽ rút vào cái vỏ sò, khép mình vào bóng tối. Không muốn liên hệ với bạn bè, mà chỉ cuộn mình một thế giới nội tâm riêng mình, tiêu cực. Thật sự, tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra trong đời của cô mà lại mượn thiền môn, cửa phật để lảng tránh sự đời.  Tôi cũng dần mất đi liên lạc một người bạn tôi yêu mến mặc dầu tôi cố gắng rất nhiều, nào email, nào text, … nhưng vẫn không được hồi âm.   Nhiều lắm tôi chỉ được câu ngắn gọn “Em không sao.  Anh đừng lo.  Em chỉ muốn được yên tĩnh.”  Phải chăng tôi đã quấy rầy sự yên tĩnh của cô bạn tôi?  Tôi rất buồn, rất lo âu cho cô bạn gái này.

    Tôi tự hỏi thiền môn, cửa phật phải chăng là nơi để lảng tránh thế giới bên ngoài với muôn ngàn kỳ hoa dị thảo, có đắng có cay, có ngọt có bùi? Hay là nơi để những kẻ đã vấp ngã trong cuộc đời, không ý chí quật khởi đi tìm cuộc sống mới, mà ẩn náu cửa thiền lẩn tránh sự đời? Theo tôi, thì đức Phật không bao giờ có nói điều này, mà chỉ những ông sư, bà vãi mượn danh thánh thần tạo những ảo giác thiên đàng cho những người đã không tìm, hay không muốn tìm lại ánh sáng cho cuộc đời. Bao giờ thì "cùng ắt phải biến, mà biến ắt phải thông."  Ở cuối đường hầm bao giờ cũng sẽ có ánh sáng nếu ta đi tìm.
     
    Tôi gặp cô ta trong một dịp tình cờ qua cô em gái của cô ta.  Cô ngỏ ý cô rất có thú vị văn chương, và chúng tôi đã làm bạn nhau.  Cô rất cám ơn là tôi đã xem cô một người bạn trong đời.  Sau dần, tôi hiểu được cuộc đời của bạn tôi thật sự quá thăng trầm, và khắc nghiệt trong tình duyên với hai lần dang dở.  Nhưng phải công nhận là tài hội hoạ, sáng kiến, và sự trừu tượng của bạn tôi quả hơn người mặc dầu cô ta chưa từng bước qua một lớp hội hoạ nào.  Tôi rất thích thú, và hâm mộ về tài vẽ của cô ta bởi vì khi xưa tôi cũng rất thích quệch quạc.  Có lẽ vì tài hoa nên bạc phận má hồng ư!  Tôi thì không quan tâm nhiều về chuyện quá khứ.  Tình bạn chúng tôi đến thật nhanh vì tâm đầu ý hợp.  Tôi có thể hiểu cô ta muốn nói gì trong những tranh vẽ của cô ta.  Và cô ta cũng cảm nhận được những gì trong thơ văn tôi diễn đạt mà không cần giải thích.  Có thể nói là một tri âm trong đời mà tôi chưa từng gặp.
     
    Tôi rất quí mến cô ta, và cô ta cũng rất quí mến tôi.  Tình bạn thật là thân thiết có thể đưa đến mức độ là gần nhưng chúng tôi đã yêu nhau(?)  Nhưng đạo đức đã kìm hãm chúng tôi ở hai bờ ranh giới.  Tôi là người đã có gia đình, và tôi cũng rõ ràng điều này.  Còn cô ta cũng có cảm giác đã đi đến bờ vực "không nên" nên vội vàng dừng lại.  Cả hai chúng tôi vẫn giữ trên bờ ranh giới đạo đức, nhưng vẫn thường xuyên trò chuyện.  Tôi không dám xem chúng tôi là nhân ngãi vì đạo đức, trách nhiệm vẫn là hệ trọng.  Và cũng có thể là ảo giác mà dẫn chúng tôi đến sự sai lầm trong cuộc đời.
     
    Cũng có lần cô ta nói với tôi rằng hy vọng cô ta sẽ tìm được một người giống như tôi.  Cô lại tiếp "nhưng mà nếu còn có anh chàng nào trên thế gian như tôi mà còn độc thân thì quả là chuyện lạ!"  Tôi hơi sửng sốt, nhưng rất dè dặt và cũng mong rằng cô bạn tôi sẽ tìm được một người như vậy.  Nhưng mà, trời đất hởi!  Làm sao mà có người giống nhau từ xương cốt, cho đến tư tưởng chứ!
     
    Cô bạn tôi thì hay dùng trực giác nhiều hơn là tư duy.  Cô bảo trực giác của cô lúc nào cũng đúng (?).  Cô cứ bảo là theo định luật tự nhiên thật sự không thể nào có một người bạn thân thiết khác giới tính mà không thể nào trở thành tình nhân được.  Đúng chăng?  Sai chăng?  Chúng tôi đang giởn với lửa chăng?  Vì vậy, tôi rất buồn đôi khi sinh oán sao lại phải làm bạn với cô ta.  Giá gì chúng tôi đừng gặp nhau để tôi không oán hận.  Ước gì cô ta là đàn ông, con trai thì có lẽ sẽ không có ranh giới nam nữ thì chúng tôi đâu phải câu nệ, hay sống theo khuôn khổ như thế này!
     
    Còn tôi, thật sự tôi cũng rất hoang mang, mù mờ vì đôi khi đôi lằn ranh giới bị mờ đi.  Lô-gích bảo rằng không zero thì là 1, không 1 là zero.  Nhưng tôi thì vẫn cứ biện luận rằng vẫn phải có phần xám, fuzzy logic, ở giữa hai ranh zero và 1 thì tại sao chúng tôi không thể nào ở trong cái phần xám kia chứ!  Tôi ngụy biện ư?  Tôi bị ảo giác chăng?
     
    Phải chăng trực giác của một người đàn bà bao giờ cũng chính xác?  Phải chăng giác quan thứ sáu là có thật?  Phải chăng cô ta sợ hãi sẽ phải một lần vấp ngã đau đớn nên đã quyết định giữ một khoảng cách rất ư là xa, hầu như đoạn tuyệt tình bạn này? Sự quyết định của cô bạn tôi có chính chắn không? Cô nghĩ là có, nhưng tôi nghĩ là không.
     
    Còn tôi,  tôi tự biết tôi sẽ phải làm gì trong tình bạn này.  Tôi rất tự tin vào chính bản thân tôi.  Tìm một người bạn thân tình đã là khó.  Tìm một người tri âm lại càng khó hơn.  Ví như Bá Nha đã viết cho Tử Kỳ:
     
    (tạm dịch)
    Đập dao cầm, đau phượng vĩ,
    Tử Kỳ đã khuất còn ai nghe đàn!
    Tao nhân bè bạn khắp phương,
    Tri âm tìm mãi mãi tìm đâu ra.
                                        - Lãng Nhai
     
    Dẫu sao, tôi vẫn cố giữ ở một góc xó nho nhỏ, thành tâm chúc phúc cho bạn tôi một ngày sinh nhật trọn vẹn và vui vẽ.  Happy Birthday! Em.
     
     
    Lãng Nhai Trương Văn Tú
    Dec 19th, 2012
    SJ, CA
     
     
    Chú thích:
    1.  Dao cầm (penta, hexa, heptacord):  Đàn gồm 5 dây, 6 dây, hoặc 7 dây.
    2.  Phượng vĩ:  Cuối thân đàn. Từ hoa mỹ dùng trong cổ đại.  Ở cuối thân đàn là nơi để cột những sợi dây đàn, và thường gắn tua (tassel) giống như đuôi phượng trông cho trang nhã.
     
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 08.04.2013 12:55:36 bởi poisonivy >
    #2
      poisonivy 09.04.2013 11:58:50 (permalink)
      Nắm Níu
      ********
       
      Có lẽ suốt đời người của ta không thể nào thoát hai chữ “nắm níu”.  Tình yêu là một sự nắm níu khó buông tay.  Tình yêu nơi đây không giới hạn giữa nam và nữ, mà là tình yêu nói chung, đại thể không giới hạn, ở dưới dạng đa nghĩa.  Tình yêu giữa người và người, tình yêu giữa người và thiên nhiên, ....  Khi có tình yêu thì ta đã có cảm xúc mạnh mẽ nhất, đẹp đẽ nhất nhưng cũng khó nắm bắt, giữ lại, hay vô tình vuột đi, và cũng khó định nghĩa nhất.   Bởi vì tình yêu là một trong những “thất tình” mà ta là con người rất ư tầm thường không thể nào thoát được cái vòng hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục.  Nó không lô-gích.  Nắm níu là bi thương, là “ai”, là ai oán, khi những đôi bàn tay dần vuột đi, rồi phải bắt buột phải buông đi.
       
      Từng những chặn đường đời ta đã phải buông tay quá nhiều.  Đôi khi mẹ phải buông tay khi con còn thơ vì bởi hoàn cảnh nghiệt ngã.  Khi có con mẹ cha đều vui, nhưng khi lúc phải xa lìa vì trong hoàn cảnh khắc nghiệt không còn đường lựa chọn là một điều sầu thương.  Có phải “lạc” rồi “ai” chăng? Hay là những xót xa chia lìa của đôi vợ chồng xuân sắt vì chiến tranh, kẻ đi người ở lại “hôm nay đi nhận xác chồng” không kịp một lời nhắn nhủ.  Có phải “hỉ” rồi liền với “ai” chăng?  Đôi khi ta phải buông tay khi những đàn con khôn lớn đã có cánh bay đi, đi tìm một hạnh phúc ở chân trời mới.  Buồn nhưng lại vui vì thấy con cái có một bến bờ hạnh phúc.  Có phải “ai” rồi “hỉ” chăng? Hay con phải buông tay cha mẹ vì tuổi già sức yếu, âm dương xa cách.  Nếu vậy thì ta tại sao ta không sống thực với ta, sống thật nhiệt tình, sống thật thành khẩn với ta khi mọi thứ điều còn ở trong tầm tay để khi lúc phải buông tay thì ta sẽ chẳng có gì luyến tiếc, hay oán hận.
       
      Rồi khi ta biết yêu thì tình yêu khi đến khi đi, từ “ái” đến “ai” nghe sao mà đơn giản.  Nhưng ít khi khi ta yêu một người mà ta nhận lại được tình yêu bằng ấy! Mà nếu có thì "ái" "lạc" quả là toàn mỹ.  Nhưng ai có biết “nắm níu” cho thời gian ngừng lại, hay lui ngược về kỹ niệm quá khứ là việc bất khả thi.  Vì vậy,  nếu có yêu thì xin yêu thật lòng, dù một khoảnh khắc để cho tình yêu rực lửa như ánh pháo hoa sáng ngời trên đỉnh trời u tối trong quãng đời, rồi cho có vụt tắt vẫn còn những dư âm da diết trong suốt cuộc đời, hay chém ngọt trong buồng tim, hay khắc sâu trong đầu óc mà ký ức vĩnh hằng muôn thuở.
       
      Những đôi bàn tay nhỏ bé, xinh xắn của con trẻ, hay những đôi bàn tay búp măng yêu mến của người tình, hay những đôi bàn tay khắc khổ chay đá lăn lốc cuộc đời của cha mẹ, hay những bàn tay cụt ngủn thô kệch dãi nắng dầm sương, tảo tần nuôi con của những bà vợ hiền, cũng vẫn là những bàn tay yêu mến mà cuộc đời ta khó mà buông đi vì nắm níu.  Những đầu ngón tay đau nhức bởi những mũi kim, hay bị bầm dập vì bất cẩn vẫn là những cái đau thốn tận trong buồng tim, thì sự “nắm níu” giữ lại còn xót xa hơn nữa.  Bởi lẽ, ta là con người phàm, sống đầy bản ngã, chứ không phải là thánh thần, thì sao ta có thể thoát được chữ "ai" trong “thất tình lục dục” kia chứ!
       
       
      Trương Văn Tú (Lãng Nhai)
      August 26th, 2012
      SJ, CA
      #3
        poisonivy 15.05.2013 12:22:43 (permalink)
        Xin Em Hãy Tha Thứ Cho
        ***********************
         
         
        Thật ra anh đối với em quá tàn nhẫn.  Đó đâu phải là bản chất của anh, anh đâu làm gì hơn được để cuộc đời em không bị dày xéo.  Đạo làm con và với bổn phận làm anh trong gia đình, anh phải giải quyết thế nào để khỏi phải lỗi đạo làm con, làm anh.  Anh như là một miếng sandwich nằm giữa hiếu và tình.  Anh cũng rất hiểu gia đình anh là một gia đình phong kiến dù đã ở thời đại 70.  Anh không dám trách cha mẹ anh, và cũng không thể nào chọn lựa một người cha, hay một người mẹ khác vì đó là tiên đề mặc nhiên khẳng định.  Cứ nghĩ tại sao anh phải sống theo những nề nếp, kỷ cương hủ lậu, thoái hoá trong một xã hội phong kiến gò bó đặt sẳn như vậy.
         
        Anh cũng biết trước cảnh này sẽ xẩy ra trong bất cứ đại gia đình nào, nhưng anh vẫn không thể nào tránh khỏi được; lý do rất giản dị là anh không có khả năng tài chánh tạo lập một gia đình riêng của chúng ta được trong xã hội mà chúng ta đang ở.  Cho dù anh có khả năng đi chăng nữa anh cũng không thể nào làm như thế, bởi những điều giáo lý thánh hiền đã kiềm thúc những ý tưởng tư dục ấy.  Buồn quá em ạ!
         
        Tại sao anh lại hành hạ em như vậy mỗi khi gia đình xảy ra chuyện.  Chả nhẽ anh đã dùng em như một cái thớt để mỗi khi anh giận cá thì anh quay ra chém cái thớt tội nghiệp đó.  Vô lý quá hở em?  Khắc nghiệt quá hở em?  Nhưng em ơi! nếu lòng em quảng đại, bao dung, và nếu em vẫn còn nhớ những ngày hẹn hò trốn cha, trốn mẹ thì xin em hãy tha thứ cho anh những giây phút điên rồ, giận dữ, vô lý trí ấy!  Cho dù là em khơi màu những câu chuyện gây gổ, nhưng hành động thô bỉ cũng không thể nào tha thứ được, không lý do nào biện hộ được, có phải không em?
         
        Nhìn em đang say sưa trong giấc điệp với khuôn mặt hồn nhiên, khả ái y như một đứa trẻ vô tư lự.   Anh rất muốn ôm em vào lòng nhưng lại sợ quấy động giấc ngủ sau một ngày quần quật.  Rồi anh tự hỏi không hiểu em có mang theo những cơn sóng gió buổi chiều tàn nhẫn này vào giấc ngủ em không?  Đừng em nhé! Xin đừng em nhé!  Mong em một giấc ngủ bình yên, một giấc ngủ an lành, không ác mộng. 
         
        Lý ra anh phải thương yêu em nhiều hơn thay vì đối xử với em tệ bạc như vậy.  Có lẽ cuộc đời em chỉ còn có anh là nguồn an ủi duy nhất khi em phải xa mẹ, xa gia đình theo anh với ước mơ “gối mỏi chân mòn” đơn giản chân thật.  Em đâu có đòi hỏi cao sang chỉ một hạnh phúc đơn giản thế sao anh nở tâm hắt hủi nguồn an ủi, ước mơ duy nhất mà em đang có.  Anh đâu đành lòng như vậy!  Anh vẫn yêu em muôn đời, và tha thiết như ngày nào, em ạ!  Đôi khi anh nghĩ vẩn vơ rằng hy vọng em tìm được một người tốt hơn anh, khá giả hơn, một gia đình cởi mở hơn để em có một cuộc hạnh phúc hơn, an nhàn hơn vì anh một hạnh phúc rất ư đơn giản mà không cho em được thì anh phải nghĩ vậy thôi.
         
        Ơi! ngày nào chúng ta yêu nhau thì chúng ta vẫn yêu nhau.  Anh tự trách anh không tự chế được những cơn giận dữ.  Mà khi anh không khống chế được cơn giận dữ thì lý trí anh phải mất.  Mà khi lý trí không còn thì anh không còn sự khôn ngoan để xử lý chuyện trên dưới đẹp đẻ nữa.  Điều đó gây cho hạnh phúc của đôi ta quá đổi bất hạnh.  Nguồn an ủi,và những giấc mơ đơn giản của em có lẽ bây giờ phải nói là nguồn đau thương, tràn đầy thất vọng đối với em.  Anh rất hiểu.  Anh đã không mang lại cho em dù một hạnh phúc rất đơn sơ.  Anh đã không giữ tròn lời hứa là phải bảo bộc em, “chuyện gì có anh”, dù muôn ngàn chông gai trước mặt. Quá nghiệt ngã!  Quá tàn nhẫn! … Phải không em?  Xin em hãy tha thứ cho!
         
        Mong em ngủ tròn mộng đẹp.  Anh tự hứa sẽ tạo lại nguồn vui cho em, gây lại niềm tự tin và đầy phấn khởi, hạnh phúc hơn.  Và là một bờ vai vững chắc để em nương tựa.  Anh xin em để anh đi xa vài hôm, để anh tìm lại con người của mình, và cũng để sóng gió theo thời gian lặng yên em nhé, em yêu!  Mong em đừng lo lắng.  Anh sẽ sống thật tốt.  Yêu em nhiều!
         
         
        Trương Văn Tú (Lãng Nhai)
        04 Tháng 10, 1978
        Niềm hối hận trên đảo Kuantan
         
         
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 16.05.2013 07:04:44 bởi poisonivy >
        #4
          poisonivy 30.01.2015 12:36:52 (permalink)
          Nước Mắt Ơi! Xin Hãy Ngừng Chảy
           
           
          Thỉnh thoảng mấy thằng bạn tôi gửi cho tôi mấy cái bài chẳng hạn như “Các Bạn Già Nên Đọc”, “Sinh Lão Bịnh Tử”, “Càng Cao Tuổi Cần Ăn Ngon”, vv…. Mà cứ đọc miết ba cái này nói thiệt không già cũng phải già theo bởi vì vô tình mấy cái đề mục, mấy cái chữ “già” này cứ luẩn quẩn, nhắc nhở, trong đầu tui hoài.  Còn hơn cái kiểu Cộng sản nhồi sọ, rửa óc.  Mạnh còn hơn nước tẩy trắng Clorox của Mỹ nữa!
           
          Nói thật, tôi chỉ thấy thời gian của tôi rất ngắn, không đủ, đôi khi phải tranh thủ cho xong việc, mà mọi chuyện cứ tấp nập đến.  Bận đến không kịp thở.  Hết Giáng sinh, rồi lại tết Tây, tết Ta, nhanh đến độ mình không xoay trở kịp.  Nhưng thật ra thời gian cũng vẫn là bấy nhiêu, cũng vẫn là 24 tiếng đồng hồ trong một ngày, cũng 365 ngày trong một năm, không ngắn không dài, và rất cố định ….
           
          Rồi lại một ngày, tôi vô tình đọc bài “Nước Mắt Chảy Xuôi”, cũng do mấy ông bạn già.  Tôi đọc xong không thích thú gì cả.  Vì cái bài tản văn này nội dung tôi thấy sao mà bi quan, oán trách con cái, và tiêu cực quá!  Lại nặng nhọc quá!  Nặng nhọc gì?  Nặng nhọc cái kinh điển, phong kiến xa xưa.  Bạn ạ!  Cái thuần phong mỹ tục thì nên giữ.  Cái gì phải thay đổi theo thời gian, không gian, thì ta nên co dãn một chút.  Khư khư chi cho nó mệt! cố chấp chi nó mệt!  Không nghe nhà triết học Darwin đã nói sao? “fitness and survival” (thích nghi để mà tồn tại).  Hay nói một cách đơn giản hơn theo người mình “ăn theo thuở ở theo thì”, “nhập gia tùy tục”. 
           
          Từ ngữ “nước mắt chảy xuôi” nếu nhìn theo chiều sâu thì chỉ có ý nghĩa sự tuần hoàn, rất tự nhiên theo đấng tạo hoá mà con người chúng ta ai cũng phải rơi vào vòng này.  Không ngoại lệ. 
           
          Bịnh con kêu y tá đến chăm sóc thì đúng rồi.  Già lết không nỗi thì vào viện dưỡng lão thì đúng rồi.  Có đứa con còn đến thăm viếng, còn kêu y tá đến chăm sóc tôi nghĩ là cũng đủ hạnh phúc lắm rồi.  Tôi không đòi hỏi ở các con tôi gì cả, chỉ một cú phone cũng đủ tôi vui cả ngày.  Tôi cũng không muốn nhắc đến những trường hợp đặc biệt khi con cái quả thật phụ bạc, hay ngược đãi cha mẹ già vì nếu muốn nói thì có thể kéo cả chục trang dài.   Mà nếu con cái ngược đãi cha mẹ già thì quả thật lương tri của con người không còn nữa!  Có lẽ chúng ta dạy dỗ không đúng chăng? “tử bất giáo phụ chi quá” ư?  Điều này có lẽ chúng ta phải nên suy ngẫm lại.
           
          Có khi nào chúng ta nghĩ đến cuộc sống chúng ta đã thay đổi hoàn toàn theo môi trường từ một nước chậm tiến thì ùn một cái chúng ta lao đầu một nước kỹ nghệ tiên tiến mà chúng ta phải làm quen với cuộc sống mới.  Đầu tắt mặt tối, “sáng lái xe đi, tối lái về”.  Con cái chỉ gặp được đôi ba tiếng đồng hồ, nào còn thời gian để tâm sự, hay hàn huyên với chúng nó.  Nói thật đây chính là một sự khiếm khuyết trong giáo dục gia đình.  Điều còn tệ hại hơn nữa nhiều khi cha mẹ chỉ lo kiếm tiền mà thờ ơ trong việc chăm nom con cái.  Việc giáo dục chỉ trông cậy vào nhà trường.  
           
          Cuộc sống đa dạng, phức tạp nó không còn đơn giản như thời kỳ trung cổ, hay các nước chậm tiến như ở quê nhà.  Những bước đi thời gian thật nhanh khủng khiếp các bạn ạ!  Chẳng những thế, mà chúng ta còn phải “bắt buộc” thay đổi từ cái ăn, cái mặc, và cả một nền văn hoá hoàn toàn khác biệt.   Tôi nhấn mạnh “bắt buộc” ở đây vì nếu chúng ta khư khư sống theo quan niệm cũ xưa ở quê nhà, chắc chắn chúng ta sẽ bị đào thải khỏi xã hội.
           
          Con cái chúng ta cũng vậy – sinh, sống ở đất nước tiên tiến này, cũng giống như thằng con Tây không hơn không kém.  Hấp thụ nền giáo dục, và văn hoá Tây phương 100%.  Tôi không nói về văn hoá, hay giáo dục gia đình mà tôi muốn nói ở khía cạnh sinh hoạt hằng ngày của các đứa trẻ.  Chúng nó cũng phải bươn chải với cuộc sống, cũng không có thời giờ, cũng phải trả nợ nần, đôi khi cũng có gia đình riêng phải lo lắng….  Đừng trách rằng nó không viếng thăm, hay nặng nề hơn là không có “hiếu” .   Chúng ta thử có bao giờ nhìn thấy đôi mắt mệt mỏi của con mình mỗi khi chúng nó có dịp ghé thăm chúng ta sau những giờ làm việc, hay áp lực cuộc sống bên ngoài đời.  Đừng than phiền “nước mắt chảy xuôi”.  Mà “Nước mắt ơi! Xin hãy ngừng chảy.”   Đừng tạo thêm gánh nặng cho chúng nó, và mình cũng mong chúng nó đừng tạo thêm gánh nặng cho chúng ta vào lúc tuổi chiều là một điều hạnh phúc lắm rồi.
           
          Đôi lúc chúng ta cũng cần đứng vào góc độ của con cái để chúng ta thông cảm những tình cảm đã dành cho chúng ta.  Để hai thế hệ bao giờ lúc nào cũng gần hơn, thay vì chúng ta vô tình đẩy xa đi, hay đến nổi để nó trôi mất, vượt khỏi tầm tay.  Dẫu thế nào đi nữa “con là nợ” mà chúng ta, bậc sinh thành, không thể nào bỏ được, mà chỉ có sự bao dung.  Đã biết nước mắt không bao giờ chảy ngược (mà có chảy ngược thì càng đau hơn!) thì xin đừng bao giờ nhắc đến “nước mắt chảy xuôi” rồi mong “nước mắt chảy ngược” vì đó là một quan niệm rất ư tiêu cực.
           
          Điều này không quá khó khăn để chúng ta thích nghi với hoàn cảnh, hay trực diện vấn đề mà chỉ cần thay đổi quan niệm sống.  Phải vui khi còn con gọi chúng một tiếng “say hi” .  Phải vui khi nhìn thấy con có một cuộc sống bình an, không phiền lụy tới mình.  Đã từng tuổi này thì kinh nghiệm cuộc sống cũng trải qua rất nhiều, sự đời xa gần, tốt xấu cũng đã thẩm thấu vào xương tuỷ, cũng nhưng Khổng phu tử đã nói “Lục thập nhi nhĩ thuận” mà “Thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ”.
           
          Nếu đã có một chuẩn bị tâm lý thì tinh thần sống vui, sống khoẻ, sống tốt sẽ đến chúng ta một cách tự nhiên.  Và đó là hạnh phúc vô cùng tận!
           
          Bóng chiều tôi cậy vào ai?
          Trông bầy chim nhỏ xa lìa tổ xưa
          Thôi thì vui với cỏ cây
          Nghêu ngao sơn thuỷ yên hà tỉnh say
          Hạnh phúc chỉ ở tầm tay …
           
          -Lãng Nhai
           
          Lãng Nhai Trương Văn Tú
          January 12th, 2015
          SJ, CA
           
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.01.2015 14:05:24 bởi poisonivy >
          #5
            poisonivy 20.08.2023 11:52:55 (permalink)
            [This post was marked as helpful]
            Ba Lần Giã Biệt Mẹ
             
            Hạnh phúc trong tầm tay giờ vụt mất. Mẹ tôi mất vào sáng ngày 13/7 lúc 3:59 sau một ngày cuối cùng tôi hối hả chạy vào bệnh viện để thăm mẹ.  Tôi biết là lúc tôi phải buông tay để mẹ vui vẻ, an tâm , bình an mà đi đoàn tụ với ông bà ngoại như lúc tôi còn bé Tết về quê thăm ngoại. 
             
            Tánh mẹ tôi lúc nào cũng lo lắng cho dù các con đã trưởng thành, cho dù chúng cũng  đã trên 60.  Trước ngày mẹ mất, tôi nói với mẹ “Mẹ cứ vui vẻ, an tâm mà đi.  Đừng lo lắng bận bịu với các con nữa.  Con đã sắp xếp hành trang cho mẹ rồi cứ an tâm mà đi."  Sáng hôm sau quả thật mẹ tôi ra đi trong giấc ngủ an lành.  Bốn giờ sáng thật sự là giấc ngủ ngon nhất !
             
            Tôi buồn lắm nhưng suy đi nghĩ lại thế cũng tốt cho mẹ thôi.  Hai lần giã biệt mẹ nhưng lần thứ ba này quả thật không gặp mẹ nữa rồi. Tình mẫu tử giờ xa vời trong tầm tay.  Có chăng con gặp mẹ ở nơi vĩnh cửu nào?
             
            Lần thứ nhất giã biệt với mẹ là lúc 12 tuổi.  Bởi con ngổ ngáo, phá làng phá xóm nên ngày nào cũng có người đến nhà mắng vốn nên mẹ phải gửi tôi về ngoại.  Còn tôi thì nghĩ tôi bị đày biệt xứ.  Ở ngoại được một tuần ngày nào đi học về cũng xoay vào vách tường mà khóc.  Tôi nhớ nhà, nhớ mẹ.  Bà ngoại thấy vậy cho tôi cuối tuần đáp xe về thăm nhà.  Từ Rạch Giá về tới phà Vàm Cống, tôi lại phải chuyển xe lamb về quê Sa đéc.
             
            Vừa bước chân tới nhà tôi chạy thẳng ra sau bếp thì thấy mẹ giặt một thau quần áo.  Mẹ tôi thấy tôi về ngẩn mặt lên kêu Xíu.  Tôi ôm mẹ mà khóc oà!  Chủ Nhật tôi lại lật đật lên xe đò trở về ngoại.  Từ dạo đó tôi nguôi ngoai không còn khóc nữa! Những lúc buồn nhớ mẹ, nhớ cha tôi vớ cây đàn mandolin, hay lấy harmonica của cậu tôi mà thổi.  Ánh trăng vàng soi sáng ở Sa Đéc vẫn đẹp hơn. Mấy thằng bạn quỷ sứ theo thời gian tôi cũng quên đi.
             
            Lần thứ hai mẹ tôi đưa vợ chồng tôi và các em xuống tàu vượt biên.  Lúc chạng vạng tàu vừa rồi bến.  Mẹ tôi vẫn còn lẩn quẩn ở bến với những người xa lạ.  Họ cũng đưa thân nhân vượt biển như mẹ tôi.
             
            Tôi đứng trên bong tàu thấy mẹ tôi hớt hải, vẫy tay gọi tên tôi.  Mẹ tôi nghĩ chuyến vượt biên này có còn gặp mặt lại các con hay không, những giờ đây nghìn trùng xa cách.
             
            Tay kia mẹ vẫy không ngừng,
            E rằng chỉ thấy mặt con lần nầy.
            Con đau, con xót đêm dài,
            Nhưng vì thế cuộc mẹ con chia lìa.
            Thuyền thì cứ rẽ sóng đi,
            Máy kêu “phình phịch”, mẹ kêu xa dần
            Bóng đêm nghiệt ngã chìm dần
            Khuất đi bóng mẹ nỗi buồn không vơi!
                                    Mẹ và Đêm Vượt Biển, Lãng Nhai Trương Văn Tú
             
            Nhưng rồi anh em cuối cùng bình an đặt trên đất khách.  Không đầy 4 năm tôi cố gắng bám lại nơi khỉ ho cò gáy Greenville để bảo lãnh cha mẹ và các đứa em còn lại.  Cha mẹ đến sau ngày Giáng sinh và gia đình lại xum vầy trước ngày Tết tây.  Một Tết tây xum vầy, ý nghĩa đánh dấu sự đoàn tựu của mọi người trong nhà  - thiên luân chi lạc!
             
            13 năm trước, ngày thượng thọ 80 của mẹ tôi vừa vui mừng vừa nhìn cha mẹ già tôi càng cảm thấy cha mẹ dường như cứ xa dần tầm tay theo ngày tháng mà tôi thì không có một quyền năng nào để kéo cha mẹ tôi gần hơn nữa.  Con Tạo nghiệt ngã thì cứ hờ hững xoay vần.  Đúng ra đó là hạnh phúc của một đời người mà tôi phải tạ ơn trời đất.  Nhưng sao trong lòng tôi cứ sợ hãi cái hạnh phúc ấy nó sẽ vội tan biến bất cứ lúc nào. 
             
            Mạnh Giao, thi nhân nhà Đường, đạt công danh ở tuổi 50 còn báo đáp mẹ. Đưa mẹ về huyện phủ Lật Dương, tỉnh Giang Tô để hưởng tuổi già còn lại.  Trong bài thơ Du Tử Ngâm, Mạng Giao cảm thán:
             
            “Thùy ngôn thốn thảo tâm
            Báo đắc tam xuân huy”
             
            Thảo tâm hay lòng hiếu thảo.  Ba xuân ý là lòng mẹ ấm áp như mùa xuân.
             
            Cụ Nguyễn Du trong truyện Kiều trong đoạn Thúy Kiều bán thân báo hiếu cha mẹ, diễn tả như sau:
             
            “Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,
             Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân”
             
            Còn tôi thì sao? Cho đến tuổi 55 tôi vẫn còn bị mẹ đánh đòn.  Mấy cái bạt tay vào đầu đau đấy!  May là tôi cũng có võ công chịu đòn còn được. Tôi bị oan nhưng không hề oán mà lòng lại vui vì tôi còn biết đau có nghĩa là mẹ tôi còn khỏe.  Ngày hôm sau mẹ gọi điện thoại: “Đánh con xong mẹ giờ đây cũng đau lòng.”  
             
            Cù lao chín chữ ân tình,
            Một đời tất bật vì con không nề.
            Mẫu từ nghĩa nặng ân sâu,
            Con xa day dứt đêm thâu trong lòng.
            Nắng xuân báo đáp không xong,
            Nói chi một tấc thảo tâm với người!
                                    Du Tử Ngôn, Lãng Nhai Mạc Hận
             
            Thọ 90 lại đúng vào cơn sốt covid nên làm trễ.  Em tôi vội vã từ Virginia và làm tiệc đại thọ trong gia đình trong tháng năm vừa qua.  Mẹ tôi lúc bấy giờ không còn biết gì cả .  Mẹ tôi lãng trí vô cùng, ăn uống hồ đồ, gì cũng ăn, gì cũng nuốt! Tôi chỉ biết:
             
            “...
            Ngẩng mặt than trời thương thân mẹ
            Tuổi chiều bệnh tật lại vướng mang
            Bóng dần mờ nhạt trong sương khói
            Hận đất xa trời ai hiểu chăng?
                                    Mưa Nhẹ Đầu Xuân – Chẳng Thấy Xuân, Lãng Nhai Mạc Hận
             
            Giờ đây tôi mất tất cả kể cả cái bạt tay của mẹ. Tôi không còn là con vịt đen trong đàn bầy vịt trắng nữa, như mẹ tôi nói.    
             
            Mẹ tôi mất, người tôi như điên đảo
            Cả mặt trời áng sáng cũng tối đen
            Cõi U Minh thế giới của vô hình
            Sinh và tử hai đôi bờ xa thẳm
            Mẹ ra đi nghìn thu nay giã biệt
            Cõi thiên đường mẹ hãy ung dung đi
            Mẹ đi đi, lửa Phật đã soi đường
            Tôi lẳng lặng ... mẹ về nơi vĩnh cữu!

            Lãng Nhai Trương Văn Tú
            August 11, 2023
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.10.2023 23:27:23 bởi poisonivy >
            #6
              Ct.Ly 20.10.2023 00:45:19 (permalink)
              #7
                Chuyển nhanh đến:

                Thống kê hiện tại

                Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
                Kiểu:
                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9