poisonivy
-
Số bài
:
178
-
Điểm thưởng
:
0
- Từ: 21.05.2009
- Nơi: San Jose, CA. USA
|
Nước Mắt Ơi! Xin Hãy Ngừng Chảy
-
30.01.2015 12:36:52
Nước Mắt Ơi! Xin Hãy Ngừng Chảy Thỉnh thoảng mấy thằng bạn tôi gửi cho tôi mấy cái bài chẳng hạn như “Các Bạn Già Nên Đọc”, “Sinh Lão Bịnh Tử”, “Càng Cao Tuổi Cần Ăn Ngon”, vv…. Mà cứ đọc miết ba cái này nói thiệt không già cũng phải già theo bởi vì vô tình mấy cái đề mục, mấy cái chữ “già” này cứ luẩn quẩn, nhắc nhở, trong đầu tui hoài. Còn hơn cái kiểu Cộng sản nhồi sọ, rửa óc. Mạnh còn hơn nước tẩy trắng Clorox của Mỹ nữa! Nói thật, tôi chỉ thấy thời gian của tôi rất ngắn, không đủ, đôi khi phải tranh thủ cho xong việc, mà mọi chuyện cứ tấp nập đến. Bận đến không kịp thở. Hết Giáng sinh, rồi lại tết Tây, tết Ta, nhanh đến độ mình không xoay trở kịp. Nhưng thật ra thời gian cũng vẫn là bấy nhiêu, cũng vẫn là 24 tiếng đồng hồ trong một ngày, cũng 365 ngày trong một năm, không ngắn không dài, và rất cố định …. Rồi lại một ngày, tôi vô tình đọc bài “Nước Mắt Chảy Xuôi”, cũng do mấy ông bạn già. Tôi đọc xong không thích thú gì cả. Vì cái bài tản văn này nội dung tôi thấy sao mà bi quan, oán trách con cái, và tiêu cực quá! Lại nặng nhọc quá! Nặng nhọc gì? Nặng nhọc cái kinh điển, phong kiến xa xưa. Bạn ạ! Cái thuần phong mỹ tục thì nên giữ. Cái gì phải thay đổi theo thời gian, không gian, thì ta nên co dãn một chút. Khư khư chi cho nó mệt! cố chấp chi nó mệt! Không nghe nhà triết học Darwin đã nói sao? “fitness and survival” (thích nghi để mà tồn tại). Hay nói một cách đơn giản hơn theo người mình “ăn theo thuở ở theo thì”, “nhập gia tùy tục”. Từ ngữ “nước mắt chảy xuôi” nếu nhìn theo chiều sâu thì chỉ có ý nghĩa sự tuần hoàn, rất tự nhiên theo đấng tạo hoá mà con người chúng ta ai cũng phải rơi vào vòng này. Không ngoại lệ. Bịnh con kêu y tá đến chăm sóc thì đúng rồi. Già lết không nỗi thì vào viện dưỡng lão thì đúng rồi. Có đứa con còn đến thăm viếng, còn kêu y tá đến chăm sóc tôi nghĩ là cũng đủ hạnh phúc lắm rồi. Tôi không đòi hỏi ở các con tôi gì cả, chỉ một cú phone cũng đủ tôi vui cả ngày. Tôi cũng không muốn nhắc đến những trường hợp đặc biệt khi con cái quả thật phụ bạc, hay ngược đãi cha mẹ già vì nếu muốn nói thì có thể kéo cả chục trang dài. Mà nếu con cái ngược đãi cha mẹ già thì quả thật lương tri của con người không còn nữa! Có lẽ chúng ta dạy dỗ không đúng chăng? “tử bất giáo phụ chi quá” ư? Điều này có lẽ chúng ta phải nên suy ngẫm lại. Có khi nào chúng ta nghĩ đến cuộc sống chúng ta đã thay đổi hoàn toàn theo môi trường từ một nước chậm tiến thì ùn một cái chúng ta lao đầu một nước kỹ nghệ tiên tiến mà chúng ta phải làm quen với cuộc sống mới. Đầu tắt mặt tối, “sáng lái xe đi, tối lái về”. Con cái chỉ gặp được đôi ba tiếng đồng hồ, nào còn thời gian để tâm sự, hay hàn huyên với chúng nó. Nói thật đây chính là một sự khiếm khuyết trong giáo dục gia đình. Điều còn tệ hại hơn nữa nhiều khi cha mẹ chỉ lo kiếm tiền mà thờ ơ trong việc chăm nom con cái. Việc giáo dục chỉ trông cậy vào nhà trường. Cuộc sống đa dạng, phức tạp nó không còn đơn giản như thời kỳ trung cổ, hay các nước chậm tiến như ở quê nhà. Những bước đi thời gian thật nhanh khủng khiếp các bạn ạ! Chẳng những thế, mà chúng ta còn phải “bắt buộc” thay đổi từ cái ăn, cái mặc, và cả một nền văn hoá hoàn toàn khác biệt. Tôi nhấn mạnh “bắt buộc” ở đây vì nếu chúng ta khư khư sống theo quan niệm cũ xưa ở quê nhà, chắc chắn chúng ta sẽ bị đào thải khỏi xã hội. Con cái chúng ta cũng vậy – sinh, sống ở đất nước tiên tiến này, cũng giống như thằng con Tây không hơn không kém. Hấp thụ nền giáo dục, và văn hoá Tây phương 100%. Tôi không nói về văn hoá, hay giáo dục gia đình mà tôi muốn nói ở khía cạnh sinh hoạt hằng ngày của các đứa trẻ. Chúng nó cũng phải bươn chải với cuộc sống, cũng không có thời giờ, cũng phải trả nợ nần, đôi khi cũng có gia đình riêng phải lo lắng…. Đừng trách rằng nó không viếng thăm, hay nặng nề hơn là không có “hiếu” . Chúng ta thử có bao giờ nhìn thấy đôi mắt mệt mỏi của con mình mỗi khi chúng nó có dịp ghé thăm chúng ta sau những giờ làm việc, hay áp lực cuộc sống bên ngoài đời. Đừng than phiền “nước mắt chảy xuôi”. Mà “Nước mắt ơi! Xin hãy ngừng chảy.” Đừng tạo thêm gánh nặng cho chúng nó, và mình cũng mong chúng nó đừng tạo thêm gánh nặng cho chúng ta vào lúc tuổi chiều là một điều hạnh phúc lắm rồi. Đôi lúc chúng ta cũng cần đứng vào góc độ của con cái để chúng ta thông cảm những tình cảm đã dành cho chúng ta. Để hai thế hệ bao giờ lúc nào cũng gần hơn, thay vì chúng ta vô tình đẩy xa đi, hay đến nổi để nó trôi mất, vượt khỏi tầm tay. Dẫu thế nào đi nữa “con là nợ” mà chúng ta, bậc sinh thành, không thể nào bỏ được, mà chỉ có sự bao dung. Đã biết nước mắt không bao giờ chảy ngược (mà có chảy ngược thì càng đau hơn!) thì xin đừng bao giờ nhắc đến “nước mắt chảy xuôi” rồi mong “nước mắt chảy ngược” vì đó là một quan niệm rất ư tiêu cực. Điều này không quá khó khăn để chúng ta thích nghi với hoàn cảnh, hay trực diện vấn đề mà chỉ cần thay đổi quan niệm sống. Phải vui khi còn con gọi chúng một tiếng “say hi” . Phải vui khi nhìn thấy con có một cuộc sống bình an, không phiền lụy tới mình. Đã từng tuổi này thì kinh nghiệm cuộc sống cũng trải qua rất nhiều, sự đời xa gần, tốt xấu cũng đã thẩm thấu vào xương tuỷ, cũng nhưng Khổng phu tử đã nói “Lục thập nhi nhĩ thuận” mà “Thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ”. Nếu đã có một chuẩn bị tâm lý thì tinh thần sống vui, sống khoẻ, sống tốt sẽ đến chúng ta một cách tự nhiên. Và đó là hạnh phúc vô cùng tận! Bóng chiều tôi cậy vào ai? Trông bầy chim nhỏ xa lìa tổ xưa Thôi thì vui với cỏ cây Nghêu ngao sơn thuỷ yên hà tỉnh say Hạnh phúc chỉ ở tầm tay … -Lãng Nhai Lãng Nhai Trương Văn Tú January 12th, 2015 SJ, CA
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.01.2015 14:05:24 bởi poisonivy >
|