Cái hàm thiếc

Tác giả Bài
vuthi
  • Số bài : 139
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 24.02.2009
Cái hàm thiếc - 02.09.2012 12:03:13
Cái hàm thiếc

Người ta chẹn vào họng hắn một que củi, người ta thọc vào óc hắn một thỏi thép, trong khi mắt hắn vẫn tinh tường còn nhìn thấy, tai hắn minh mẫn còn nghe được, và mũi hắn còn thưởng thức được bao mùi vị ở đời. Thật đau đớn khi ai đó chặt quách đi một giác quan nào đó trong cơ thể… có lẽ, ta gần hơn với loài súc vật, mọi phản xạ dường như bỗng trở thành hỗn loạn, điên khùng, hắn chợt như thằng câm, hắn chợt giống thằng điên. Nhìn thấy đấy mà chẳng làm gì được… hắn muốn gào to lên đấy nhưng cứ ư ử như chó bị giọ mõm… Trong khi ấy, mọi giác quan cứ thả sức phè phỡn tung hoành, nó giống như một con người chẳng có chim và đừng có bướm, hắn cứ lừng lững sống ở đời mà vật vã với biết bao là đau khổ. Hắn phải là đàn ông hay đàn bà chứ! Hắn chẳng có âm dương mà ve vãn đùa cợt cùng nhau thì rõ khổ ơi là khổ! Hắn như cái xe máy còn tốt gầm gào muốn chạy mà bị thỏi thép chặn ngay vành, thật rõ khổ… tiên sư cái thỏi thép, thằng bỏ cha, bỏ mẹ nào quái ác mà lại chơi đểu làm vậy. Mọi thứ muốn sống mà đành lặng đứng im, thế mới thật bỏ cha, bỏ mẹ cho cái đời hắn, cứ heo hút lặng lẽ trong trời, chẳng thà như cái lá cứ rụng quách cho xong… và hắn chẳng được như thế thì mới khổ… cái lá đời hắn vẫn xanh, nhưng lặng ngắt như trong tranh, hay bị bàn tay nào cầm giữ thì mới tức. Quanh hắn mọi người cũng thế, cứ im phăng phắc mà hắn phải giống họ thì hỏi có buồn không – nếu cứ gào rống lên thì nhận lấy cái nhục chẳng bằng người… mang cái tiếng là thằng khốn, không chịu đựng giỏi như người khác, và lạy giời hắn im thin thít như người câm, mà đã câm thì luôn kèm theo điếc, mà có lẽ thêm cả mù nữa cho hoàn hảo. Ở thời ta, người ta nuôi chó công nghiệp, cả đàn mấy chục con, họ chọc cho thủng màng nhĩ, chẳng còn nghe ngóng gì được nữa nên chó quên cả tiếng sủa, cứ việc ăn cho béo và họ làm thịt. Họ chẳng cần chó săn bắt, nên con chó thời ta chẳng còn mấy tác dụng, mà ngẫm cũng phải, chó má quái gì mà lại đi xơi cả bả, lăn đùng ngã ngửa ra mà chết hỏi có buồn cho loài chó hay không? Thời đại văn minh, loài người săn chó mà thịt – loài vật rõ gần người, ta chẳng phải mò mẫm gì mấy và miệng dễ có thịt xơi, quả là rõ tiện, khi loài chó chẳng còn đáp ứng được nhu cầu săn bắt mồi trong thời đại văn minh ngày nay, thì chó chết cũng là đáng, chó điếc, chó câm cũng là phải! Cứ câm điếc mà được ăn rồi được chết cũng là cái may cho loài chó. Vạn vật hữu tình rồi cũng đều chết cả cơ mà, đó là chân lý của trời! Chó chết trong miệng thằng người rồi thằng người cũng phải chết vùi thân trong đất. Tựu chung, chó người cùng được về với đất cả. Cứ chui về đấy mà quyến luyến bên nhau cho bõ bao bực tức ở đời. Cứ ngẫm cái nọ ăn thịt cái kia có lẽ là cái việc của trời cũng nên. Hắn lại nghĩ câu chuyện xưa các cụ kể lại, có những dân tộc từ thời cổ đại, khi những người già chẳng còn đắc dụng, họ lặng lẽ cầm mẩu thừng vào rừng sâu, tìm tới chỗ âm u tịch lặng, tự tay thắt thòng lọng vào cổ mình, chèo lên cây lớn, buộc đầu dây còn lại lên chạc cành và lặng lẽ buông mình từ giã con cháu mà về với tiên tổ. Thời nay, họ coi hành động trên là tiêu cực, là thủ tiêu cách mạng, nhưng hắn thì nghĩ khác – hắn thấy đó là hành động dũng cảm nên làm – sau khi đã sống hết mình nuôi dạy nòi giống, đời người đã mỏi mệt với bao điều suy ngẫm và họ lặng lẽ mà làm vậy theo tôi nghĩ thì cũng phải! Họ đã nhìn đủ, nghe đủ, nói đủ, và làm đủ mọi sự ở đời, thì mẩu dây thừng kia, cái thòng lọng ấy như vòng nguyệt quế toả ánh hào quang mà đưa người lìa cõi.
Mà ngẫm cũng lạ, người già thời nay thường ham sống và rất sợ chết. Họ cứ cố mà dai dẳng ở đời thì mới tức – dù khổ mấy, nhục mấy họ vẫn cứ là muốn sống… không lẽ họ ngượng ngập với tổ tiên nhiều điều chi đó mà lúc sinh thời chẳng làm được. Có lẽ là thế, hắn cũng như họ – những người già, chỉ được nhìn, chẳng được nói, và không được nghĩ… và cứ là sống để may ra còn nói lên được đôi điều chi đó cho thoả cái vận hóc xương… tôi cho dứt khoát phải là thế thì người già thời ta mới thèm sống dai đến vậy. Các vị cứ thử nghĩ mà xem, một lão già mắt loà, răng móm, tai nghễnh ngãng, chân tay lủng lẳng chẳng buồn cựa mà vẫn thèm được sống… mà tôi xin cam đoan họ chẳng khác mấy pho tượng nặn dở bằng sành bày bán ngoài chợ. Quả là ở đây – trong chuyện này – phải có một điều gì đó còn vướng mắc, còn dang dở, mà họ chưa làm cho được… dứtkhoát phải là thế… chứ ai đã già đến thế mà còn ngồi ăn vạ cõi đời không bõ nhục, mà cũng có thể các cụ cứ ngồi đấy cho cháu con nhìn thấy cái nhục đời mình làm người mà mãi còn dang dở. Dẫu có hỏi các cụ sẽ chẳng nói đâu… chỉ nhìn thôi – cái nhìn như bảo: “Mẹ bố chúng mày cứ sống đi rồi khắc biết”.
Khi sinh con, cha mẹ nào chẳng muốn dạy nó biết đi, biết cười, biết nói, để rồi biết suy, biết nghĩ, hiểu thế nào là nóng, lạnh và đau đớn, mừng vui, đó là niềm hoan hỉ trong lòng cha mẹ, có ai ở đời mà không muốn thế – con trẻ nó cứ cười, cứ nói bi bô mà nhận biết cõi đời, sự sống cứ chợt hiện, chợt tan trong từng ngày hé mở, họ khoái trá vì con mình khôn ngoan, hiểu biết hơn con người, mắt tinh, tai thính hơn con người khác. Nhưng rồi mỗi lớn nó cứ câm dần, điếc dần, như bao người khác, như hắn hôm nay chẳng hạn, có lẽ vì mọi người hiểu sự sống của họ chỉ hiện lên có một lần, thật quý hóa làm sao nên cứ lẳng lặng mà sống như ai ở đời, chẳng cần nghĩ ngợi bàn cãi chi lắm thêm khổ, thêm mệt. Sự sống đã được đúc kết sẵn, chẳng phải lo lắng lằng nhằng và cứ như vậy là xong chuyện. Mà nghĩ cho cùng, mọi giác quan sinh ra chỉ nhằm vào sự tranh giành ngớ ngẩn, có lẽ vứt bớt đi thì đời người đỡ khổ hơn chăng? Cả cõi đời cứ im lặng mà sống có hơn không? Vạn sự đã có trời phật toan định, thế mà hắn thấy ngứa ngáy, muộn phiền thì mới lạ…
Ở ta, phật sống hiện lên thành người, phật ông có, phật bà chẳng ít. Ông ngồi salông, ông ngồi trên sập, có ông gầy còm kham khổ, lắm ông béo phì như ông Di Lặc dáng trần. Vạn sự ở đời các ngài đều toan tính cho cả, non nước cứ đều đều trôi chảy mà hỉ sả mới hên. Ai cũng như ai, có gạo, có rau, có vừng, có lạc mà sinh sống, cứ lặng lẽ xếp hàng, tuần tự mà đong, mà đếm cho qua ngày. Ai cũng như ai, quân bình phẳng lặng, cả nước tu hành nên thịt cá chẳng cần nhiều chi lắm, cứ ít dần, ít dần cái khẩu phần sát sinh, nặng nghiệp nên con người cứ hiền khô, chẳng buồn vật lộn với nhau nữa, cả nước dốc lòng hướng về chính quả. Nhưng thỉnh thoảng trong cả ngàn vạn người cũng có một vài thằng điên, thằng dại mà nhiều khi cứ ngẫm thấy hắn lại buồn cười, mọi người ai ai cũng thế… mọi thứ cứ đều đều từ văn chương, báo chí, nhạc hoạ, cứ na ná mà tiến lên trên con đường hành đạo, thì hẳn mấy thằng điên lại rước hoạ muộn phiền, mọi cơ quan truyền thông đều đả phá, lẩn tránh họ. Cả nước chẳng ai giống họ mà họ cứ làm mới khổ, ở đời có ai lại đi chống phật bào giờ không cơ chứ – rõ bọn hắn là mấy thằng điên đứt đuôi chẳng còn cãi vào đâu được.
Cứ ngẫm trong sử sách, ở ta nào truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, rồi là Nỏ thần chẳng hạn… có nhiều khi hắn phát sợ… dứt khoát là phật phải nhiều phép lạ thần thông hơn… mà nhiều đứt đuôi nữa là đằng khác… nên hắn sợ. Có lẽ vì hắn sắp điên nên thành phát sợ, thế nào phật cũng biết hắn sắp bị phát điên. Các ông phật nghìn mắt, nghìn tay thì thôi rồi, đời hắn cứ là bỏ mẹ… Hắn sợ hãi nhìn ngắm cõi đời… Có người nào phát bệnh như hắn không? Có đấy – hắn nhìn thấy, nghe thấy bao kẻ đã phát điên, phát rồ mà còn nặng bệnh hơn hắn nhiều. Một niềm vui kỳ lạ thổi bùng trong hắn, thứ cảm giác lạ lùng về những thằng điên – những chấm sáng lập loè đom đóm trong đêm, trên kia là những vì sao, dưới này lập loè của lửa đời đom đóm, vạn vật, bóng đêm và bóng đêm, hắn cứ thiêm thiếp trong nỗi buồn điên dại.
Đêm đêm, khi cõi đời tắt đèn đi ngủ thì hắn thức dậy, lặng lẽ bật đèn – bật thật nhỏ thôi - hắn nhủ thầm như thế với chiếc máy ghi âm, hắn bật băng nhạc của người điên lên ngồi thưởng thức. Hắn bật chiết áp nhỏ lắm – nhỏ đến nỗi âm thanh chỉ bằng đầu kim mà sâu vào lỗ tai hắn. Bao âm thanh nhen nhóm, như còn, như mất, bồng bềnh nổi trôi, như gió thoảng qua hồn: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…” Hắn khoan khoái về lời ca, giọng hát ấy, nhạc sĩ điên nghĩ về hạt bụi và ca sĩ Khánh Ly hát về hạt bụi ấy. Hạt bụi ban đầu trôi trong không gian lại trở về hạt bụi. Nhưng ở khoảng giữa nó, hạt bụi ban đầu và hạt bụi sau cùng có lẽ bằng không. Hắn hoan hỉ về số không đời hắn vì nếu đã là không thì chẳng cần phật pháp – hắn lẩm nhẩm trong đêm – lạy phật, con cóc cần ngài, khi đời người là không, thì… hắn cảm thấy sợ hãi… liệu phật có nghe thấy hắn vừa nói đấy không? Hắn sờ tay lên miệng… cái hàm thiếc vẫn còn – hắn tự nhủ – có lẽ khoảng không là hỗn mang nên lòng ta hãi sợ. Chẳng thà mình cứ là hạt bụi quách đi có hơn không?
Cõi đời như không như có – lời phật dạy mấy ngàn năm còn đó, để đến hôm nay đời hắn cũng như có như không. Mọi chân lý bỗng trở thành mai mỉa trong khoảng trống rỗng ấy. Cõi đời và những cái hàm thiếc như neo bám vào nhau trong sự trống rỗng, vô tình đến quái đản – cái hàm thiếc ngáng lấy mồm hắn và hắn ngoạm lấy như con cá đớp phải lưỡi câu… nghe thấy đấy… mắt nhìn thấy đấy… khối óc suy nghĩ đấy… nhưng mà không – không nói lên được - đôi tay chẳng làm nên được hắn như con rối trong rạp xiếc, chờ dây giật mà thể hiện hình hài – rõ là thằng người quái đản, hắn đang trôi trong không gian, thời gian và chẳng là gì sất cả! Mọi thứ đang bị thời gian gặm nhấm cho tàn tạ đi, như hắn, mớ giẻ rách ở đời cố trùm đúm mà lau lia đi mọi thứ, nếm chải khổ đau trong một thời đã nguội.
2005

Lời tựa

Cõi sống là những kiếp người mà thời gian bện chúng ta lại. Sợi dây thừng cõi đời cứ nối dài tưởng chừng như vô tận, có thể là những mùa hoa êm ru sắc lá, có thể là nắng, là mưa, là ngọt nhạt của muôn loài hoa trái. Tất cả dường như kết nối lại mà cất lên bản trường ca cõi đời! Sự giao hoà giữa sự sống với sự sống, bài ca ấy sẽ mãi mãi ngân lên cho từng ngày, từng tháng, từng năm mà chúng ta hằng sống. Những âm ba đổ vỡ hay sinh sôi, khổ đau hay vui sướng, mãn nguyện hay hận thù, song ta không thoát ra khỏi sợi dây thừng cõi sống! Nó như thít lại tất cả trong vòng xoắn hữu hình của nó. Có bao kẻ như được nó kéo lên và bao người bị nó giằn xuống! Dường như chính nó – Cái sợi thòng lọng muôn thuở dành cho loài người và muôn vật, để đến một chiều ta quỳ xuống trong khổ đau! Hỡi Thượng Đế ngài hãy chỉ cho chúng con: “Tình yêu đâu trong cõi sống? Hay chăng là sợi dây thừng đang từ từ thít lại”. Một ngày mới sẽ qua và bình minh đang dậy cả vũ trụ chất chứa trong đó tất cả mọi thứ của ngài! Có máu và nước mắt – Tình yêu và xảo trá, tất cả mọi thứ dường như được phân định! Song lại là không định. Cõi đời! Sự huyễn hoặc đến vô cùng - Cho từng ngày, từng tháng, từng năm mà ta hằng sống. Hãy lặng lẽ mà đi vào chúng! Trong sự kết dính thời gian, có thể ta sẽ giành lại cho mình một mẩu thừng thân phận.
"Thừng bện xong rồi tự trói ta
Tre non chẻ lạt trói tre già
Một dây vô lại tình nhân thế
Gỡ được cho rồi cũng nát da".

Hà Nội, 20-3-2003