CON NUÔI
Xóm Đặng làng Hồ hôm nay có chuyện! Mọi người đi qua trước cửa nhà cô Lý đều nghiêng ngó nhìn, tò mò ái ngại và mừng cho chị, họ thì thầm chia sẻ cho nhau về cái tin chị ta cho con bé út làm con nuôi.
- Thôi thế cũng được! Mẹ con họ đỡ khổ! Nhà năm, sáu miệng ăn mà thằng chồng thì nghiện ngập! Mà khổ! Đẻ gì nhiều thế? - Mà ai xin đấy hả cô.
- Lão Hoạch thôn trên bà ạ.
- Lão ta đi làm trên Hà Nội có mấy năm mà có vẻ khá ra phết! Nghe đâu cũng có vợ nhưng chẳng đẻ được bà ạ.
- Rõ chán! Đã què thì còn nuôi nấng gì ai được.
- Chắc lão muốn nuôi để lấy chỗ nương tựa khi về già - cụ cứ nghĩ nó ở nhà còn khổ hơn đi làm con nuôi - mà lão mang lên Hà Nội, ở đấy họ văn minh chứ đâu như ở ta.
Trong sân lão Hoạch đang khua hai tay trong không gian mà phân bua với hai mẹ con đứa trẻ.
- Mới đủ ăn đủ tiêu thì con vợ tôi nó nghĩ ngay đến chuyện con với cái, mà tôi thì chẳng sao làm cho nó đẻ được, mà phụ nữ không có trẻ con thì khác nào như ma ngoài bãi. - Cái mắt còn lại trên bộ mặt nhăn nhúm như chìm xuống trong nuối tiếc.
- Thôi chị sinh nhiều cháu, nhường cho tôi một đứa lấy chỗ nương tựa tuổi già. - Thân hình hắn vặn vẹo tronglần áo ba đờ xuy phủ kín, như cố che giấu đi cái khuyết tật chân thọt bẩm sinh mà hắn phải đeo mang suốt đời. Chợt tiếng đứa trẻ khóc ré lên như nhắc hắn còn một đoạn trong màn kịch chưa thực hiện, vội thò tay vào túi xách bên sườn hắn rút ra một bầu sữa, chắc không còn nóng, nhanh nhẹn chìa về phía mẹ con đứa trẻ.
- Đấy cô thấy… con vợ tôi nó háo hức trẻ con làm sao, từ sáng đã chuẩn bị cho tôi đủ thứ nào tã lót, đường, sữa đủ cả! Hắn nhe hàm răng vàng khè cười hề hề sảng khoái. Cái tiếng khóc trẻ thơ cằn nhằn như bị ru đi theo bầu sữa. Sự yên tĩnh được trả lại cho cuộc trao đổi, song ở đây có lẽ trao nhiều hơn đổi, vì lẽ lão ta chẳng có gì để đổi.
- Cô cứ yên tâm vợ chồng tôi sẽ yêu nó như con! Người cùng làng ta cả chứ đi đâu mà mất, thỉnh thoảng tôi bế nó về thăm nhà có đi mất đâu mà lo. Tiếng mấy người hàng xóm như củng cố thêm niềm tin cho người mẹ đứa trẻ:
- Đấy cô xem! Con bé bú sữa xong ngủ thin thít! Cha này thật có duyên hợp con bé. Cuộc trao đổi ấy qua đi trong một buổi chiều thu ảm đạm. Lão Hoạch thọt tập tễnh địu đứa trẻ ra đi xa dần cái làng Hồ buồn thảm để lại đằng sau nó những giọt nước mắt chứa chan về thân phận nghèo của một người làm mẹ.
Ở tận góc cùng của một vườn hoa thành phố vào một buổi sáng, trong một thùng công te nơ bỏ hoang. Giọng lão Hoạch như gầm lên trong cảnh hoang sơ bàng bạc.
- Thế nào! Mụ đã xong chưa! Chỉ có ăn với nằm mà cũng phải chờ đợi! Đã cho nó bú bầu chưa?
- Cáu cái đếch gì… Bú rồi… Biến đi cho rảnh. - Mụ khệ nệ cắp đứa trẻ qua bãi cỏ rộng đến ven đường. Lão Hoạch bò lê trên cỏ kéo theo mảnh ván được đóng gờ qua loa bốn cạnh, ở mỗi góc có ổ bi, chiếc xe nhỏ ngoằn ngoèo lê theo hắn đến ven đường, mụ ta đặt đứa trẻ kềnh càng trên mảnh ván, mớ tã lót bù xù bẩn thỉu. Đứa bé ngủ thin thít như cục thịt trên phản. Lão quay lại hỏi:
- Sữa đâu?
- Trong túi xách ông quàng đấy thôi.
- Thuốc ngủ pha chưa?
- Khỏi phải nói! - Mắt mụ đanh ác nguýt gã thật dài và chiếc xe lăn bánh ngoằn ngoèo theo những nhịp bò lê của hắn trên con đường công viên, dáng hắn bò trông thật thiểu não khốn cùng, nửa người lết trên mặt đường nhựa, cái chân què lắt lẻo lê theo như món nợ bần hàn. Tay hắn tì xuống đường nhoài lên, đầu hơi ngửa, mồm lải nhải cầu xin.
- Ông bá ơi! Ông bà ơi!… Cái điệp âm ấy đều thiểu não như một bài kinh dài bất tận, sợi dây quàng nơi cổ tay cũng dần dật theo nhịp lê của gã và mỗi lần như vậy đứa trẻ lại giật thót mình rên lên nhè nhẹ. Có lẽ nó chẳng còn khóc được nữa vì thuốc ngủ đã ngấm sâu vào từng đường gân thớ thịt nhỏ nhoi của một kiếp sinh linh khốn khổ. Đứa trẻ mê đi trong cõi đời quên lãng. Chiếc mũ phớt rách để cạnh nó dần đầy lên vì những của bố thí của mọi người. Cái xe cứ lúc lắc ngoằn ngoèo như giễu cợt, như van vỉ cầu xin những người qua lại. Có những lúc họ xúm lại xem đứa trẻ và thằng què như xem những con thú kì lạ trong vườn thú, một loại thú gây đau lòng tất cả. Họ chua xót cho một kiếp người đã được sinh ra.
- Khổ đứa bé chưa! - Họ ngỡ ngàng thốt lên với tất cả tấm lòng thương xót.
- Đã què mà lại còn đẻ đái.
- Có lẽ mẹ nó đã chết! - mà đúng vậy, mẹ nó như đã chết khi trao nó vào tay người khác, rồi nó sẽ chết sau những tháng ngày vật lộn vất vả.
Cái cỗ xe độc mã chở một kiếp người nhỏ bé ấy cứ lưu lạc mãi trên những nẻo đường cuộc đời rồi sẽ về đâu? Thật kì lạ! Trên cõi đời chúng ta, cái nghề ăn mày đã có từ mấy nghìn năm trước, như một lời thách đố những tấm lòng từ thiện và có lẽ sẽ còn mãi mãi cái nghề nghiệp đau lòng này, song lão què làng Hồ đã nâng cấp cái nghề đau lòng này lên đỉnh cao của nỗi đau lòng nhơ bẩn. Nó như thách thức với tất cả mọi tấm lòng trắc ẩn trong đời. Nó là đỉnh cao của mọi đỉnh cao tội ác. Hắn vẫn tồn tại trên đời và kéo theo một kiếp người bé nhỏ. Trên miệng hắn vẫn còn cái lời kinh đều đều bất tận.
- Ông bà ơi! Ông bà ơi!...
Như một sự đùa cợt cõi đời.
Thật kì lạ trong xã hội loài người lại có một cái nghề kinh khủng đến thế.