ĐÁ ĐỎ
Mẹ kiếp! (câu chửi thề đay nghiến như một tiếng thở dài). Hắn nhìn đôi bàn tay xù xì rạn vỡ dưới cái quầng sáng nhờ nhờ cuối ngày, có lẽ những tia nắng cuối cùng còn lọt lại rơi rớt xuống đáy giếng sâu. Hôm nay thấy nắng, có lẽ trên mặt đất phải là nắng to lắm. Mùi khen khét của bùn, đất, sạn, sỏi bốc lên làm nghèn nghẹt trong phổi hắn. Hắn ủ rũ nhìn những tia nắng hiếm hoi trong ngày còn rơi rớt đáy sâu, nơi tận cùng thế giới. Không hiểu sáu mươi mét đã là sâu chưa? Một khoảng rộng chừng hơn mét vuông chênh chếch vào núi chừng như đang nuốt đời hắn vĩnh viễn vào trong lòng đất. Hắn chán nản đào những nhát cuốc cuối cùng trong ngày. Có lẽ trên mặt đất gần 6 giờ (hắn lẩm bẩm trong miệng). Phía trên giếng dây gầu dần dật như nhắc hắn làm việc. Những nhát xẻ hằn học gằn lên trong lớp bùn sỏi nghe xào xạo như ai đang đào vào óc hắn. Nỗi đau đớn, tù túng như nén hắn lại bật ra một câu nói như gầm:
- Kéo lên đi!
Khi chiếc dây gầu căng thẳng từ từ kéo lên xảo sỏi đá lướt qua mặt hắn, một tia sáng đỏ ánh lên màu máu. Như cái máy, hắn chồm lên với dây gầu kéo lại, thò tay chộp lấy cái tia sáng ánh màu, bên trên tiếng cằn nhằn.
Hắn nhướng cổ lên phía trên quát to:
- Vướng mẹ nó phải áo tao, đổ cha nó hết rồi! - Hắn hất cái sảo sang bên, nhanh tay xúc đầy sảo mới. Hắn run run cầm viên đá, có lẽ đời hắn lần đầu được sờ tới một viên hồng ngọc lớn và đẹp như vậy.
Bên trên vọng xuống tiếng gọi “Về thôi”, cứ như tiếng vọng xa xăm gọi hồn người chết. Không đắn đo, cả viên đá lẫn bùn cát hắn đưa lên miệng và nuốt ực. Bụng thì đói, trưa được cái bánh mỳ chắc đã tiêu từ lâu, nên viên hồng ngọc trôi đến đâu cứ như cứa vào ruột gan hắn đến đó nỗi đau xót.
- Lên mẹ mày đi, không bố mày cho ngủ luôn dưới ấy bây giờ.
- Tao đang đau bụng! Hắn với lấy cái móc quàng vào dây lưng. Bên trên mấy đứa cẩu hắn như bay lên mặt đất, tay chân quệt vào thành giếng rát bỏng. Cơ thể hắn như quả đạn bắn lên trời rơi phịch xuống đất trước những tiếng cười đùa của dân đào đá - Hắn đau đớn quằn quại trên mặt đất mồ hôi vã ra như tắm. Thằng bưởng trưởng vỗ vào đít hắn vừa cười vừa lần từng túi hắn xem có thất thoát chút nào dưới hố hay không. Hắn đờ đẫn nhìn cái bộ mặt phèn phẹt, mắt to, mắt bé của gã như muốn cắn cho nát cái đầu súc sinh đang run lên vì khoái trá. Hắn lồm cồm bò dậy. Một cái gì đau nhói như dao cứa vào dạ dày. Chắc cơ thể con người đang thử tiêu hóa viên đá đỏ - Loài đá cứng như kim cương, cạnh góc sắc như dao. Nghĩ đến đây cái đau càng thêm dữ dội. Một thoáng suy nghĩ lướt qua đầu: Phải tọng cái gì vài bụng cho dạ dầy căng ra thì đỡ khổ. Hắn cố ôm bụng lê nhanh về lán. Mọi người lộn xộn, mỗi kẻ mỗi góc đang vừa nhai bát mỳ lèo phèo mấy cuộng rau, dăm ba khoanh thịt thủ vừa tán chuyện bậy bạ trên trời dưới biển.
- Chán ăn thèm lên nóc tủ à? Để tao đỡ! Mấy gã cười hô hố. Hắn lặng lẽ cầm bát mỳ lê về góc cố nuốt chừng nuốt chạo cho đỡ đau. Mỳ đi đến đâu trong ruột hắn như thấy được và cuối cùng mọi sự đâu vào đó. Hắn lặng lẽ lê về chỗ ngủ. Tiếng lạo sạo trên sạp làm hắn ghê người. Nỗi mệt mỏi như dán hắn xuống nền lán mặc cho hồn vía bồng bềnh phiêu du. Hắn thấy cái miệng giếng, thấy bao đoàn người thất thểu trên đường, hắn thấy những mặt người méo mó, nhếch nhác khổ đau và bao tiếng gào thét man rợ vì sung sướng. Chừng như cả nhân loại đang bu lấy cái ngọn đồi tỷ. Những đoàn xe gắn máy chen nhau luồn lách tới từng lán mà trao mà đổi, mua, bán, đâm, chém. Tiếng rên rỉ của thằng bên cạnh vang lên như lay thức hắn dậy. Thằng cha này bị sốt rét ác tính đã mấy ngày nay.
Khi đến, hắn to khoẻ là vậy thế mà giờ như cái hồn ma bẹp dí. Gã rùng mình, một trận đau như xé tan cơ thể hắn.
- Ối mẹ ơi, đau quá! Hán ơi! Hắn la trong rên rỉ! Mày đỡ anh một tư, Hán ơi!
Tất cả vẫn yên lặng ngoài tiếng ngáy của mấy chục cái xác không hồn. Hắn chợt tỉnh, một thoáng suy nghĩ, lướt qua trong óc. Hắn lê đến bên ngọn nến, với bao diêm và cây nến lết ra ngoài đồi. Những ngọn gió đêm hè thổi nhẹ như nâng hắn dậy. Xa xa đầu non, mảnh trăng như ngoặc vào đêm tối. Hắn mò đến chỗ vắng mà làm cái công việc tháo dạ, viên hồng ngọc như cái nút bật ra khỏi hậu môn để “cho” hắn nỗi đau đớn cùng cực. Cứ thế đầu hắn gục xuống sườn đồi, song hắn lại cố gượng dậy, mò mẫm trong đám phân bầy nhầy. Đây rồi! Hắn chìa tay về phía ngọn nến, viên đá nổi lên giữa lòng bàn tay vấy máu. Cầm nến soi lại, hắn đi ngoài ra toàn máu, nhưng cơn đau có vẻ nhẹ đi. Làm thế nào bây giờ! Để viên hàng ở ngoài thì kiểu gì cũng mất, mà còn ốm đòn, hắn nhìn ngọn nến mà nghĩ ngợi. Đúng rồi để viên hồng ngọc lên cái lá cho nến chảy bọc trùm lấy viên đá. Hắn khẽ nặn cho những cạnh sắc êm ru phẳng lỳ và cả quyết đưa lên mồm gửi nó vào trong ruột, lần này có vẻ êm ả hơn lần trước. Hắn quệt bàn tay bê bết máu lên cỏ rồi lê về lán. Lúc này trời gần sáng, tiếng rên rỉ của gã sốt rét vẫn đều đều cất lên mê sảng. Lão nằm vật trên nền lán như một cái xác. Khi tiếng gọi đểu cáng của thằng bưởng trưởng vang lên hắn không sao dậy nổi.
- Dậy đi mày.
- Thưa bác, hôm nay tôi bị đi ngoài ra máu.
- Không nghỉ được đâu! hắn nói như ra lệnh. Toản đâu, lấy thuốc clorôxit cho hai thằng nó uống.
Gã sốt rét rên rỉ nói:
- Thưa bác, tôi cần kư ninh. Thằng lé nói như gầm lên: Đ. mẹ, đồ ngu. Thuốc clorôxit chữa bách bệnh. Gã sốt rét không đứng dậy được, còn hắn, sau khi uống 3 viên clorôxit, ăn cái bánh mì "chay" rồi bị lùa ra miệng giếng. Một dây chuyền sản xuất thời nguyên thủy. Cả dãy người được trải dài từ dưới suối lên đến sườn đồi. Ở đâu cũng có tai mắt của chủ bưởng chỉ thấy thoáng ánh đỏ là chính họ nhặt lấy đưa đi.
- Này Hảo! - Thắng lé nói với hắn trên miệng giếng - cả hội chẳng đứa nào thay được việc của mày cố lên mà làm, rồi tao thêm cho!
Gã lặng lẽ móc quai gầu vào ngang bụng và từ từ, đồng bọn đưa hắn xuống. Hắn phải xuống bằng mọi giá vì hắn còn có việc cần làm trong giếng ngày hôm nay. Hắn cứ xuống dần như đang rơi vào địa ngục âm u. Kể cũng lạ ở đời kẻ thả ước mơ trên trời, dưới đất, trong lòng biển khơi mà hắn thì vùi mình trong lòng đất. Hắn lắc đầu ngao ngán như muốn xua mọi suy nghĩ ra khỏi óc. Đáy giếng tối như mực, người làm phải có kinh nghiệm để lần ra lớp bùn sỏi bên dưới lớp cát vàng, nếu sai lầm thì tốn rất nhiều công vì lớp trên chèn lên lớp dưới thì có hót cả ngày chưa chắc đã được gì. Đời hắn đã qua bao đời chủ, cứ bưởng nọ bán hắn cho bưởng kia vì hắn có đôi tay biết nhìn trong đêm, nhận ra vỉa có đá, một nhát xẻng cắm vào vỉa đá hắn đã hiểu được có đúng chỗ cần khai thác hay không.
Hắn định thần thò tay vào túi áo lấy bao diêm và cây nến đã thủ sẵn, thao tác rất nhanh, châm nến rồi bới trong đống sỏi, cát ngày hôm qua. Hắn làm đi làm lại nhiều lần tìm cái chấm lửa bắt sáng của loại đá đỏ nhưng vô hiệu, đúng như các cụ xưa thường nói: “Phúc bất trùng lai"!
Hắn tắt nến, xúc sỏi đổ vào đầy xảo rồi giật dây. Mỗi nhát xẻng, trong bụng lại đau nhói như phải bỏng. Lạy trời, hãy cho hắn vượt qua nỗi đau đớn này, hắn chẳng còn biết nương tựa vào ai ngoài trời phật, hắn nghĩ: Mình phải biến thôi mà biến vào lúc này là hợp lư nhất, vì hắn đang đi ngoài ra máu. Điều cốt tử là phải cố vượt qua cái chặng ngày hôm nay sao cho êm ả. Hắn cứ lầm lũi vừa xúc vừa suy nghĩ, rồi cũng đến lúc người ta đưa xuống cho cái bánh mỳ và chai nước nhỏ. Hắn tựa vách giếng, ngồi nhá cái loại bánh mỳ mua trước mấy ngày vừa rắn vừa hôi. Hắn cứ vừa nhai, vừa uống. Khi đã hoàn tất bữa ăn giữa ngày thì dây gầu lại dật, nhắc hắn đã đến giờ làm. Lưng hắn cứng như gỗ, hắn cố gượng dậy cầm lấy xẻng. Những cơn đau lẩm nhẩm như cồn lên trong bụng. Hắn cố gắng xúc đầy xảo rồi gục xuống trong đau đớn. Một dòng nước âm ấm cứ trào ra ướt hết cả ống quần không sao kìm lại được. Đầu óc hắn cứ quay cuồng rồi tối sẫm. Cái ranh giới giữa sống và chết đang hiện lên. Bỗng một tia sáng đỏ ngời lên trước người hấp hối. Cố gượng dậy thò tay vào trong quần lấy hòn ngọc tròn tròn nhầy nhụa máu, hắn cố gượng đưa lên miệng, nhoài người về phía dây gầu, tháo móc quàng vào dây lưng và gục hẳn. Khi bọn ở trên kéo lên hắn chỉ còn là một cái xác không hồn. Thẳng bưởng chưởng sợ hãi quát đàn em:
- Cõng nó về lán! Những tiếng rì rầm bàn tán như một dây chuyền kéo dài tới bờ suối, như lời thở dài trăn trở. Người ta đặt hắn trên sạp nứa. Thân hình tiều tụy, bất động, hắn chìm nghỉm trong đại dương đau khổ. Giọng thằng lé phá vỡ cái tĩnh lặng đang bao trùm trong lán:
- Để nó nằm đấy, chúng mày đi làm!
Và mặc! mọi việc đâu lại vào đấy. Dây chuyền có thể mất đi vài mắt xích nhưng nó vẫn là một dây chuyền. Trong lán chỉ còn lại hai kiếp sống phù du trôi nổi. Khi chiều xuống, mọi người trở về thì gã sốt rét đã bỏ mặc cõi đời mà ra đi, chỉ còn lại hắn âm thầm trong đói khát. Sự chống chọi với tử thần làm cho hai quầng mắt hắn trũng xuống, lồi lên hai con ngươi sáng quắc như con ma ngồi canh nhà xác. Mọi người vấp phải hắn như vấp phải tử thần đứng đợi, họ đứng sững lại rồi lặng lẽ tản ra, mang nặng trong lòng nỗi buồn mặn chát. Chỉ còn lại hắn đối diện với thằng lé. Một khoảnh khắc yên lặng, họ nhìn thấu vào nhau, bỗng thằng lé phá tan sự yên lặng:
- Mày có dặn dò gì vợ con không? Tiền nong của mày tao sẽ gửi về tận nhà!
Chợt bàng hoàng như người tỉnh mộng, giọng hắn cất lên như từ cõi xa xăm:
- Tao phải về nhà, ngày mai cho tao về sớm, tao vào đây đã cả năm mà ở lại thì cũng chả làm gì được. - Hắn nói với thằng lé, giọng thều thào như cầu khẩn.
- Nhưng mày về làm sao được. Giọng thằng lé ra chiều thông cảm.
- Mày khỏi lo đi, tao đến được thì tao về được. - Hắn nói giọng mệt mỏi nhưng quả quyết.
- Thôi được, ngày mai tao cho mày về.
Bóng chiều loang lổ trên những sườn đồi, một bóng đêm khơi lên từ những miệng giếng như những lỗ mắt quái vật khát thèm cõi sống. Cả khu lán chiều nay như chìm xuống, quên đi. Người ta vừa đi chôn thằng sốt rét gần ven suối. Tiếng đào đá khô khốc như ai nấy khơi mộ cho chính mình. Hắn lặng lẽ như pho tượng, mọi người qua lại ngỡ ngàng nhìn hắn. Liệu hắn có qua được đêm nay để ngày mai mà về không?
Thế rồi hắn sống. Tia nắng mặt trời đầu tiên trong ngày ngời trong mắt hắn. Những tia nắng còn non ru bổng tiếng gà, cái vùng đồi loang lổ như ngửa mình đợi nắng. Xa xa, lán nào đập nứa khơi lửa nấu ăn, ngọn khói bồng bềnh trong gió. Hắn lọ mọ tới chào từng người trong bưởng, cái nắm tay nghe day dứt, đượm buồn. Người ta nấu cho hắn tô cháo nóng và mấy nắm cơm ăn đường. Thằng lé xuất hiện để làm nốt cái thủ tục cuối cùng. Nó nhâng nháo đặt trước mặt hắn 600 ngàn đồng và nói:
- Đây là tiền tạm ứng cho mày về. Mọi đứa khác chỉ có hai trăm, khỏi ốm vào làm lĩnh nốt.
Hắn tự hiểu cái giá của cả năm làm việc có thế! Cõi đời chỉ có thế! Người ta chỉ cho nhau lời nói, cho bao nhiêu cũng được! Nhưng nói đến tiền thì chỉ có thế! Hắn đã hiểu luật chơi! Không cò kè, cầm tiền loạng choạng bước ra khỏi lán.
Tiếng thằng lé còn đuổi theo hắn:
- Tao cho hai thằng dìu mày ra bến! - Kiểu hắn vỗ về cho những người còn ở lại.
Hắn lặng lẽ đi cùng hai người bạn, lòng nhẹ nhơm bâng khuâng. Mọi kẻ ra bến xe Quỳ Châu cùng chung một vẻ! Đó là những người thất bại trong may mắn. Cánh lái xe không mặn nồng với họ. Xe chở người vào bãi thì đâu vào đấy, đó là những người mới đến tìm vận may, họ vẫn có tiền để mua vé, còn lúc xe quay ra thì lái xe thật khổ. Xe qua Quỳ Châu, nếu những người mua vé không cầm tiền vẫy thì xe phóng thẳng. Hôm nay bến vắng, hai người bạn cầm tiền vẫy xe hộ hắn. Người ta nhồi hắn lên thùng xe khách đầy người hồi hương. Đoạn đường Quỳ Châu – Yên Lư khoảng hơn 80 cây số, đường rải đá hộc và đất đỏ. Bao trận mưa rừng cứ xối trôi đi lớp đất nên mặt đường chỉ còn lại những lớp đá lô nhô như bộ xương người đã rũa hết thịt. Dân đào đá cứ đùa: "Đi qua con đường này cứ như đi Tây Trúc lấy kinh”. Tài xế mà non tay thì chẳng dám chạy, cứ như thế, hành khách trên xe như con xúc xắc trên đĩa thả sức mà lăn lóc. Những kẻ thất bại ngồi cùng nhau trên một chuyến xe thì thật là yên ả, tĩnh lặng. Người ta cố chịu đựng để mà trở về, không nói chuyện, không bàn tán. Họ lặng lẽ đong đưa mà suy ngẫm sự đời. Hắn lịm đi trong giấc ngủ ngày hụt hẫng. Thỉnh thoảng sắp tới bến nào thì mọi người lại xì xào về cái tên bến. Có lẽ viên đá đỏ trong bụng như một liều thuốc bổ nâng hắn dậy. Lạy giời nó vẫn ngủ yên ở chỗ nào trong bụng, chỉ có chỗ ấy là còn tạm kín đáo! Mà nếu có ai biết thì họ sẽ xúm lại mổ phanh hắn ra như con lợn, mà đào mà bới cho kỳ thấy cái bảo vật chung của trời đất.
Ở đây mọi thứ thuộc về kẻ mạnh, mà sự may mắn lại rơi vào chính hắn thế mới lạ! Bao hình ảnh tăm tối trong mỏ cứ đeo bám lấy hắn không rời, cứ như cả đời hắn thuộc về cái miệng giếng sâu tun hút đầy bóng tối khổ đau! Hắn đang nằm trên ô tô ôm giữ một kho tàng mấy tỷ trong bụng. Không được chết, vì chết thì phí quá, có ai mà tiền nhiều đến mấy tỷ lại chết không? Xe rùng mình dừng lại nghỉ ăn trưa. Mọi người lục tục xuống xe mà hít thở thì đúng hơn! Vì mấy ai có gì để ăn. Cái giống thợ mỏ quanh đời khác chi mấy xẻng đá trên đồi cứ là tha hồ mà lăn lóc. Có lẽ chất dân quê còn mãnh liệt lắm trong từng quả timhọ. Lấy nắm cơm, rắc muối lặng lẽ ngồi nhai. Mấy anh chàng thợ mỏ hau háu nhìn hắn.
- Các cậu cùng ăn với tớ, hắn gạt nắm cơm ra mời họ. Chỉ một loáng, hai nắm cơm đã biến vào chỗ cần đến, hắn chỉ được vài mảnh nhỏ. Càng ăn ít hắn đỡ làm phiền đến viên hồng ngọc. Xe lại chòng chành đi theo vũ điệu ghê hồn, cả sóng người nghiêng ngả như say, những bộ mặt hốc hác, lim dim như đang trong buổi cầu nguyện.
Ánh hoàng hôn đang táp dần trên trên những đỉnh đồi xa. Những cơn gió dải nồng lùa qua cửa xe toang hoác. Một thứ không khí dễ chịu như món quà chia sẻ cho những kiếp người. Tiếng còi xe báo cho họ ga Yên Lư đang gần phía trước. Mọi người nháo nhác như đàn ong vỡ tổ, mọi ánh mắt đều ngóng về phía trước nơi con đường ngọt ngào trải nhựa cắt ngang. Xe đỗ lại, họ xô nhau mà chen xuống trước. Hắn cũng được sóng người xô đẩy mà bật xuống đường. Họ tán loạn chạy về phía ga cho kịp giờ tàu chạy. Hắn cũng vội vã theo sau bước họ, nhưng chợt sững người, tập tiền trong túi quần trong cài kim băng cẩn thận không cánh mà bay. Túi đựng nắm cơm khoác liền sườn cũng rỗng tuếch. Trong lúc ngủ gật trên xe, người ta đã giật đi cả năm trời công sức của hắn. Nỗi buồn như làn khói mỏng nhen nhóm khơi lên trong lòng hắn. Tiền đâu mà mua vé, cơm đâu mà ăn? Cứ lững thững tiến vào trong ga như kẻ mất hồn, hắn như kẻ mộng du qua trạm soát vé, lên tàu ngồi vào ghế góc toa. Thế đấy! Sự khốn khổ là tấm vé thông hành cho những kẻ hành khất trên đời, hắn như vật thể lạ rơi vào góc toa tàu đang chạy. Mọi con mắt đổ dồn vào hắn, họ ngồi xa hơn để được ngắm một hình hài đến vậy, một kẻ khốn khổ đã rơi xuống giữa hành trình của họ. Một hình hài xương thịt tách bạch rơ ràng, hai gò má nhô lên đỡ lấy hai hố mắt hơm sâu buồn thảm, hai bàn tay khô khan mệt mỏi rủ xuống nan ghế. Thế đấy! Sự sống chừng như chưa tắt trong hắn, cái ánh sáng nhỏ nhoi mờ ảo vẫn còn khơi dậy. Hắn hiện hữu trong cõi đời, chẳng ai nỡ vứt hắn đi nên hắn ngồi đó mà nhìn đời trào lộng. Sự đời người giàu sợ kẻ đói rách, họ tự khoác cho mình một vẻ đẹp cao ngạo, kẻ nghèo cần cơm, rầu rĩ trong vẻ cơ hàn. Có lẽ ở đây đức Phật cũng phải mỉm cười trước những thích nghi của một sinh vật sống. Đoàn tàu cứ chạy, mọi vật đung đưa, lòng hắn cũng đung đưa với sự đói khát của loài thú. Khi sự bình an trở lại, có lẽ cái đói lớn lên mà giày vò hắn. Tất cả mọi người đang nhâm nhi bữa ăn chiều không mấy gì thú vị thì hắn ngồi kia, đang cồn cào đói khát với ánh mắt khát thèm ảo não. Cái đói như làm cho cõi đời này bé lại! Cái đói nén sự sống chỉ còn là cái chấm! Chính hắn - một cái chấm sự đời lặng lẽ mà nghe mình thác loạn. Hắn rùng mình khi ai đó động vào người! Một đứa trẻ 3 - 4 tuổi chìa ra cái bánh sừng bò cho hắn!
- Ông ăn đi!
Một cặp mắt ngây thơ trong sáng như hiện lên nhìn hắn. ở cuối toa có tiếng ai gọi, thằng bé lon ton chạy đi! Hắn cúi đầu cảm ơn họ! Hắn nhớ vợ, nhớ con, thằng bé nhà hắn đã 18-19 tuổi có thời nó cũng như thế. Đói khát không làm cho trẻ nhỏ khác được, vẫn tin yêu và trân trọng cõi đời. Rơ khổ vợ con hắn đã chờ hắn mấy năm trời có lẻ!
Nhưng không sao, trời sẽ bù đắp lại cho họ, hắn sẽ xây lại nhà và cưới vợ cho thằng Hải. Hắn cứ chờ cái ngày ấy mãi. Nhà gái cứ giục đến mấy lần vì người ta có con thì phải lo!
Cứ nghĩ đến chúng là lòng hắn lâng lâng dễ chịu, nhưng lại dằn vặt vì cái nỗi khổ có con mà kẻ làm cha không lo nổi cho đời chúng trọn bề gia thất. Vợ hắn cứ âm thầm khổ sở mà nghĩ ngợi, cả nhà trông cậy vào hắn! Và mãi rồi cũng sẽ có ngày…
Tiếng còi tàu rú lên mấy hồi dài dài, từ từ dừng lại ga Hàng Cỏ! Mọi người tập nập xuống sân ga. Hắn đi theo đoàn người xuống tàu, mệt mỏi đứng trước cửa ga Hà Nội, thành phố sẽ định đoạt số phận của viên hồng ngọc. Những ngọn đèn đường nhờ nhờ toả sáng trong đêm hè tĩnh mặc. Trên phố chẳng còn ai qua lại, chắc là khuya lắm, bóng hắn siêu vẹo đổ dài… Hắn phải về nhà càng nhanh càng tốt, cứ loay hoay thì chết đói. Hắn lầm lũi đi ra phía bờ sông xuôi về bến Nứa. Hắn cứ đi thất thểu bồng bềnh trong cái đói. Ngọn gió trên cầu như muốn lật hắn xuống sông. Hắn cứ vịn lấy thành cầu mà lê về phía trước. Còn 50 cây thì đi sao nổi! Chân hắn cứ nhích dần về cái đích Hải Dương quê hắn. ở đời có những việc tưởng chừng làm không nổi mà người ta vẫn làm, xác suất một trên cả ngàn người ta vẫn đào. Con người là thế, chẳng có ai buồn lư giải về điều này mà họ cứ làm. Có thể cái đích là con số một trên một nghìn chăng! Còn chín trăm chín mươi chín người sẽ ra sao? Có lẽ chỉ có trời mà biết! Cả nghìn thằng cứ giằng co với số phận mà làm thành nỗi khổ. Thế đấy! Cuộc đời là vậy! Hãy lăn vào nó đi, anh sẽ biết anh là ai! Hắn cứchênh vênh qua cầu trong mê sảng, đói khát! Phố đêm Gia Lâm lạnh lẽo không người, những hàng cây ven đường xoè tán sù xì đen xẫm. Thỉnh thoảng hắn lại vịn vào đâu đó cho khỏi ngã rồi lại đi. Đầu hắn trống rỗng mê sảng, cố lê từng bước chân nặng nhọc, bởi hắn hiểu rằng nếu dừng lại thì hắn sẽ không thể bước tiếp được. Con đường Năm dưới chân cứ câm lặng trải dài chừng như vô tận. Từng cột mốc như đánh dấu một khoảng đời đã qua. ở đây chỉ có mình hắn trong đêm, trong bóng tối đơn độc hắn chẳng cần công lư hay công bằng chi cả. ở đây sự cân bằng động đang tiến tới chu kỳ bất động. Hắn cứ chênh vênh tiến trong đêm chẳng còn bóng đổ để nhìn mình sao nữa. Hắn đi đâu, về đâu? cái đích cứ mập mở ảo não! Quê hương hắn, vợ con hắn ở tận cuối đằng kia mà hắn phải lê về với họ. Hắn cứ đi giữa đường như một bóng ma ám ảnh trên cõi đời, mà có lẽ là bóng ma thực sự! Khi người ta chẳng còn gì mà sống thì họ sẽ là ma, là quái ám ảnh cõi đời.
Giờ đây, nếu cho lên đĩa cân, viên đá đỏ và miếng ăn thì đối với hắn cán cân đã nghiêng về bát cơm. Thật thú vị khi người ta cần viên đá phù phiếm đổi lấy hạt cơm mà nhá cho qua khỏi độ đường, nhưng ở đây hắn biết đổi cho ai trong cái bóng đêm dày đặc khốn khổ. Chẳng có sự minh triết nào dành cho bóng tối, hắn cứ phải len lỏi vào nó mà sống. Có một sự cân bằng mà chính hắn phải tìm lấy trong cái dạ dày lép kẹp. Niềm tin trong hắn đã cạn, ngọn lửa nhen nhóm ấy cứ sẫm dần trong đêm. Hắn gục xuống giữa đường khi từ xa đang có ánh đèn ô tô rọi lại.
Xe ô tô dừng lại, người tài xế chạy đến, hắn chỉ còn thều thào được câu “Cứu tôi với”. Anh ta bế xốc hắn đặt lên cabin. Môi hắn nứt nẻ vì đói khát. Anh tài xế cho hắn uống chai nước đường pha sẵn. Hắn có vẻ tỉnh dần lại. Một lần nữa vận may lại mỉm cười cùng hắn! Trong bóng tối vẫn lẩn khuất đâu đó những tấm lòng từ thiện. Người ta cho hắn ăn và chở hắn về tận đầu làng quê hắn. Trong thôn, tiếng gà gáy chập chờn gọi sáng. Dưới chân, con đường gạch gồ ghề nham nhở đưa hắn vào làng. Mọi người vẫn còn đương giấc ngủ, hắn lặng lẽ đi vào trong thôn. Nhà hắn vẫn thế, trước cửa là cái ao, mấy con nhái hoảng hốt lao mình xuống nước, con chó già vẫn nhận ra chủ, nó dụi mơm vào tay hắn mà chia sẻ tình cảm. Nếp nhà mái rạ bê bết thời gian, ủ rũ trong sương. Vẫn cái vại nước mưa đặt bên cửa bếp, cây hồng xiêm xếp tán góc sân. Hắn ngồi đầu hè mà bâng khuâng cho cả năm xa cách. Tất cả dường như vẫn thế, có lẽ chỉ vợ chồng hắn mòn mỏi hơn xưa. Đồng ruộng không trả được niềm mơ ước cho những người từng đổ mồ hôi vì nó. Người ta ra đi, người ta trở lại. Người ta cấy cày, người ta đào đá chung quy chỉ vì cái ước mơ yên hàm mà suốt đời chẳng bao giờ có, mà mơ ước thì tốt chứ sao! Mơ ước giúp cho hắn tồn tại mà sống, hắn cứ ngồi trên đầu hè mà suy ngẫm đời hắn. Niềm vui như gió thổi, nỗi buồn như nắng hè, cái nóng cứ như là thiêu đốt hắn, ấy thế mà hắn sống!
Vợ hắn đứng cạnh lúc nào hắn cũng chẳng biết nữa.
- Ông về lâu chưa! - Bốn con mắt họ nhìn nhau như thấu hiểu tất cả, mọi thứ người vợ đã hiểu hết.
- Ông đi nằm nghỉ đi. - Hắn không đứng dậy nổi.
- Tôi đỡ ông.
Chị vực hắn tới giường, thế là giấc ngủ. Sự bình yên khép đôi mắt hắn lại. Chị lặng lẽ sang gian bên gọi thằng Hải, hai mẹ con nhìn hắn ôm nhau khóc. Họ khóc cho đời hắn, khóc cho chính họ, nỗi cay đắng cứ che phủ mãi đời họ.
- Con đi mời bác y tá xem bố mày làm sao?
Hắn hốc hác như bộ xương còn thở. Chẳng cần biết mình là ai, đang ở đâu, hắn như con ma trở về nhà, vợ hắn thương hắn vì cả đời lam lũ, thương vợ, thương con. Nhưng tất tật chỉ có thế, không khác được, mà lẽ đời người ta phải sống, con cái phải đi lên. Đi lên thì chẳng thấy, mà chỉ thấy hắn tàn tạ quay về. Sự bất lực hiện hình trên cơ thể sống, nó như một quả chuông sẽ ngân lên ai oán khi có người đụng đến. ở đây, trong căn nhà hắn, những đường nét ấy được hòa đồng, như nếp nhà tranh xơ xác đặt bên bờ ao lở lói, đầy váng bẩn, như cái vại nước sứt miệng đặt bên cửa bếp toang hoác, như con chó nằm đầu hè ghếch đầu lên mảnh bát vỡ. Vạn vật tất cả dường như có chỗ của nó, mọi chuyện từ xưa vẫn thế! Tất tật vẫn chỉ là hơn thiệt, buồn vui, thật giả, nhưng ở đây tại nhà hắn chỉ được nửa vế câu trên. Hắn vẫn nằm kia mà ôm lấy niềm vui chưa hề có, cả gia đình đã nhận lại hắn như một phần xương thịt. Sự hoang vắng được bù trả, thế đấy! Cõi đời thật bình dị, người ta vượt qua hoang mạc trở về nhà để nằm ngủ an bình. Tất cả dường như chưa qua, chưa thấy, chưa đến, chưa đi, hay chăng đó là sự quên lãng để tồn tại. Nỗi khổ truyền từ vật sống sang vật sống, nó lưu chuyển như con nước trên sông, từ hắn sang vợ, từ vợ sang con như một bản hòa tấu uyển chuyển mà nâng lên cái nỗi đau cõi đời.
Mỗi gia đình là một cõi sống, cả làng quê là một trời rộng, quê hương không còn gói gém nổi những kiếp người, hãy nhìn vào mắt vợ hắn sẽ hiểu về bố con hắn.
Tiếng thằng Hải vội vã ngoài sân, vợ hắn ra mở cửa để tìm sự bấu víu. Bộ mặt chị hoảng loạn như người chết đuối vớ được cọc.
- Ôi, bác Hạnh giúp nhà tôi với, ông ấy đi làm xa về chẳng hiểu sao mà cứ ngất lịm, không dậy được. - Sự hoang mang tràn trong mắt chị.
- Cứ bình tĩnh bác Hải! Để đấy tôi xem, bà y tá khám bệnh cho hắn.
- Ông ấy thế này bà Hải ạ! Ông nhà bị mất nước trầm trọng nên rối loạn điện giải, kèm với không chịu ăn nên cơ thể suy nhược. Phải truyền cho ông ấy chai nước cái đã, để tôi về nhà mang sang.
- Thế bác Hạnh ơi! Em hỏi có không phải bác đừng trách! Thế thưa bác chai nước có đắt không?
- Thôi đừng lo, cứ lấy của tôi mà dùng còn tính sau - Bà y tá xã tốt bụng đi ra cửa.
Thế rồi 5 hôm sau hắn mới ngồi dậy được mà húp cháo. Lúc vợ, lúc con, họ cứ quấn lấy hắn mà chăm sóc như chưa từng được chăm sóc hắn bao giờ. Có lẽ thằng Hải khổ hơn cả vì cái việc hệ trọng mà nó ấp ủ coi như là hỏng. Song nó thương bố nhường nào, cứ trông nét mặt rầu rĩ mà thêm buồn cho nó. Có những nỗi buồn người ta phải giấuđi mà gánh chịu, ánh mắt nó luôn lảng tránh mọi người. Nỗi thất vọng như muốn đè bẹp trái tim nó.
- Thày ơi! Con đỡ thày dậy xơi bát cháo!
Nó quàng tay xuống gáy nâng cha dậy. Hắn ngồi như pho tượng mà ngắm mọi người tất tưởi lo toan cho mình. Mà hắn cứ phải che dấu nỗi lo viên hàng đang mắc kẹt đâu đó trong cơ thể? Mà không lẽ rơi đâu trên xe, trên tàu, mà hắn không biết cũng nên! Nếu như thế thì chỉ còn nước chết quách cho xong. Hắn nhìn vợ, nhìn con, cái "vương quốc” thủy chung trông chờ vào hắn. Thằng Hải gợt thìa cháo đưa lên miệng hắn.
- Thày ăn thêm chút nữa, nó nài nỉ.
- Ông cố lên, chút nữa thì mới khỏe lên được. - Nụ cười khích lệ héo hon trong mắt chị.
Có nhiều khi người ta phải đón nhận hạnh phúc ánh lên toàn vụn vỡ trong khổ đau như vậy! Cái thế giới tinh thần lóe lên như sao hôm để rồi chết chìm trong cõi thực. Một thứ hy vọng chết ngấm mà không thể thiếu nó được. Nó vừa như đổ vỡ, vừa như hoàn thiện giữa hai cái ranh giới ấy có lẽ là hy vọng. Người ta tồn tại trong đó, giữa âu lo, chờ đợi. Nó như động lực làm cho quả tim đập trong lồng ngực, nó vực dậy cho cõi sống nỗi đam mê. Và có lẽ vì thế họ vẫn còn sống! ở đây người vợ hy vọng chồng mình tai qua nạn khỏi và đừng bỏ làng đi đâu nữa, còn đứa con thì hy vọng có một gia đình riêng khá giả mà đùm bọc thày mẹ mình. Còn hắn hy vọng viên hồng ngọc đừng có rơi trên đường. Cả ba niềm hy vọng ấy tựu chung đều mong manh mà làm thành cuộc đời họ - cõi thực. Ở đời người ta nghĩ ra quay số để mà hy vọng, chơi bạc để mà hy vọng, buôn lậu để mà hy vọng! Cứ ngẫm hy vọng nó hiện sinh đến là bao!
Và rồi đến ngày thứ 6, “niềm hy vọng” mới ra khỏi bụng, rơi xuống mảnh thạp vỡ, hắn nhược người đi vì lo lắng!
Này, mẹ con thằng Hải đâu? - Giọng hắn run run vì chờ đợi.
Vợ hắn và thằng con lo âu, chạy lại.
- Mẹ thằng Hải gợt cho tôi cái hòn nến, rửa sạch mang vào đây! Bà cẩn thận đấy, đừng rửa dưới ao!
Vợ hắn bê mảnh thạp đi ra cửa, hắn quay lại phía thằng con.
- Hải ra bàn thờ lấy cho thày cái đèn bút soi đá.
Vợ hắn quay trở lại với cục nến trắng nhờ nhờ bẩn thỉu.
- Hải lấy cho thày cái đĩa.
Hắn nướng viên hồng ngọc trên ngọn lửa. Cục nến xù xì méo mó tan dần, dưới ngọn đèn để lại trên cặp một viên hồng ngọc trong veo ánh lên màu đỏ tươi của máu. Hắn lẩm nhẩm:
- Viên ngọc đẹp quá, đến hôm nay tôi mới được nhìn kỹ. Hắn đặt viên hàng lên đĩa, dùng đèn bút soi thẳng vào viên đá ở mọi góc cạnh, nét mặt hắn căng thẳng và rạng rỡ niềm vui.
- Mẹ nó ơi! Nhà ta thế là giàu! Thế là hết khổ! Hải ơi!
Viên đá đẹp quá! Có tới 200kr, màu hoa mười giờ mới càng qúy, chẳng rạn nứt tẹo nào. Hắn nói trong niềm hạnh phúc không tả.
Nếu trời phật cho gia đình hắn gặp may mắn thì ở đâu đó ngài đang mỉm cười trước hạnh phúc của gia đình họ. Hai mẹ con tựa vào nhau mà sung sướng, họ chẳng hiểu tẹo nào về đá đỏ, nhưng họ thấy hắn vui, mà niềm vui thực sự! Gia đình họ đỡ khổ thì mới lạ, cái hòn đá nham nhở cạnh sắc như thế mà lại đắt, quý đến vậy.
- Thày ơi, hòn đá này làm sao mà lại quý thế?
Thằng Hải hào hứng hỏi. Hắn với cái chai trên bàn khoanh một đường trên cổ, gõ nhẹ cổ chai vào cạnh bàn, một tiếng rắc, cổ chai tiện lìa rơi trên đất.
- Con thấy không? Loại này rắn gần như kim cương chuyên để làm đồ trang sức mà nó đắt chẳng thua gì kim cương. Trên thế giới nghe đâu chỉ có vài nước có loại đá này.
- Liệu bán có dễ không hả thày? - Nó nôn nóng hỏi.
- Mấy ai có hàng đẹp mà bán. - Hắn trầm ngâm tính toán.
- Mấy hôm nữa khỏe, thày lên Hà Nội.
Hắn tư lự đứng trước cửa hàng buôn bán gia công đá quý ở phố Hàng Bông. Hai dẫy tủ quầy đầy ắp những đồ trang sức, những vòng vàng, xuyến ngọc xếp đặt trên những giá đỡ trong quầy như chào mời quý khách ngắm vuốt. Hắn cứ lặng lẽ trước cái vẻ bề thế như muốn xua đuổi hắn hãy biến đi đâu cho nhanh, cái hình dáng quê mùa cứ lởn vởn trước cửa hiệu thì quả là bất tiện cho cửa hàng. Hắn tiến đến trước quầy nhận gia công hỏi người tiếp khách:
- Chào bác, tôi muốn gia công viên đá đỏ.
Mặt gã nhận hàng sáng lên:
- Bác có thể cho tôi xem qua.
- Được thôi.
Hắn đặt viên hồng ngọc trên mặt quầy. Sau một chút lật đi, lật lại trước ống kính ngọn đèn soi đá, gã chủ nhà niềm nở rạng rỡ hẳn lên.
- Nếu bác có nhu cầu bán, thì cửa hàng đặt vấn đề mua! Bác đỡ phải gia công, về phía bác có lợi hơn không.
- Tôi cần gia công, phần cắt via viên đá thuộc về anh. Hắn bình tĩnh nhắc lại lời mình.
- Xin lỗi bác có phải là thợ làm đá?
- Tôi làm từ những ngày đầu có mỏ Quỳ Châu.
Lão chủ nhà dường như đã hiểu đối tượng là dân đào đá bất trị nên không hỏi thêm, mà phần công chế tác viên hàng đã là quá tươm rồi.
Một viên ngọc rubi được chế tác theo một tác phẩm của ư đã được hoàn thiện, gã bỏ kính đặt viên hàng lên chiếc khay thủy tinh bật đèn soi, một ánh sáng diệu kỳ từ bao giác cạnh tán xạ phát sáng long lanh, cả chiếc khay như được nhuốm thành một màu phơn phớt đỏ, long lanh chuyển động theo những góc sáng ánh đèn.
- Suốt cả đời gia công, đây là viên hàng đẹp nhất mà tôi gặp. Nếu có nhu cầu, ông cứ báo tôi xin đáp ứng. - Hắn cho gã địa chỉ, đút hàng vào túi lững thững trở về trước sự nuối tiếc của cửa hàng.
Năm ngày sau người ta trả hắn viên hàng giá hai tỷ.
- Còn lâu mới tới giá bán - Gã quả quyết nói với gã buôn đá.
Thời gian cứ ánh lên trong gia đình họ niềm hy vọng. Mọi dự định dường như đã được lấp đầy, người ta tự tin mà nhìn thẳng vào cõi sống. Thằng Hải và người yêu cứ chạy đi chạy lại làm cho không khí gia đình dường như khác lạ.
Vào một buổi sáng theo thường lệ, hắn xách túi lững thững ra bến xe lên thành phố. Chiều hôm trước, chủ cửa hàng buôn đá cho người về gặp hắn hẹn nhau ngày mai bàn tính về một ông khách xộp nước ngoài. Trong lòng hắn lâng lâng nhẹ nhơm, những con số cứ hiện lên rồi mất đi chập chờn trong suy nghĩ, để đến một con số mà hắn cho đó là vừa phải không bị bọn buôn bán bóp nặn và hắn cảm thấy hài lòng về niềm tin ấy. Một niềm vui nhẹ nhơm như dắt hắn vào thành phố, hắn lững thững thả bộ về phía hàng Bông.
Gã chủ cửa hàng vồn vã vồ lấy hắn như bắt được của - Bác cả đây rồi - Tôi cứ chờ từ sáng, thôi chúng ta vào việc ngay! Thế bác có mang viên hàng lên không?
- Tôi chẳng mang theo! Viên hàng thì tự tay bác làm chắc bác thật rơ về nó! Anh em mình cứ ngã giá cho phải rồi ta bàn đến chuyện hàng có sao!
- Thôi cũng được, anh em mình làm việc. - Hắn với cốc nước đon đả mời lão Hải - chỗ anh em buôn bán thật lòng. - Hắn ngừng xin lỗi với lấy điện thoại gọi cho ai đó:
- Hùng à lên rồi! - Chỗ anh em buôn bán thật lòng (gã nói tiếp) xin hỏi viên hàng bác định bao nhiêu?
- Tôi lấy về ba tỉ không bớt. - Hắn lạnh lùng trả lời.
- Thế còn nhà hàng? - Gã chủ hàng nhắc khéo.
- Cửa hàng ăn theo bên mua. - Gã trả lời dứt khoát.
- Coi như đã xong, tôi sẽ bàn kỹ với bọn Tây, sau đó điện cho bác cả! – Còn bây giờ anh em mình cụng ly cái đã, ăn mừng cho buổi kỳ ngộ này, hắn gọi với xuống nhà và một mâm cơm thịnh soạn được bưng lên bày trước bọn họ.
Khi hắn về tới nhà thì mặt trời đã lặn, những tia nắng nhạt nhoà nổi váng trên mặt ao. Con chó già chậm chạp chạy ra mừng chủ ngoài ngõ. Trên hiên, vợ con đang đợi hắn về.
- Ông nó ơi! Nhà hôm nay có ông khách Tây về xem hàng.
- Bà bảo sao? - Hắn ngạc nhiên hỏi vợ.
- Có cái anh gì buôn đá trên Hà Nội đưa một ông Tây về xem hàng, tôi chẳng biết giá cả ra làm sao, thằng Hải cho xem, họ ưng ý lắm! Ông đi vắng họ hẹn ngày mai quay lại. Một suy nghĩ chẳng lành thoáng qua trong mắt hắn:
- Hải! Tại sao không có ý tao mà mày lại làm như thế?
- Bố cứ yên tâm con cho họ xem qua rồi cất ngay, nó chạy về phía bàn thờ lấy trong bát hương cái lọ nhỏ đưa cho bố.
- Họ xem xong con cất liền, họ dùng đèn soi kỹ lắm, ông người Tây thích lắm thày ạ.
Hắn mở nút lọ đổ viên hàng lên tay, và không còn là linh cảm nữa, nỗi thất vọng như đè nặng lên tim hắn - Hắn từ từ ngồi bệt trên hè chết chìm trong đau khổ – Chị vợ hốt hoảng lay vai hắn.
- Ông làm sao thế?
- Mất rồi! Mất hết rồi mẹ nó ạ!
- Ông bảo sao?
- Nó tráo mất viên đá của nhà mình rồi.
- Mặt thằng Hải cắt không còn hột máu.
- Sao lại thế được! Thày ơi thày xem lại đi! - Nó cầm bàn tay cha lay lay như sợ cha mình mê ngủ.
- Hải ơi mày hiểu sao được con! (Hắn xoè bàn tay về phía nó giọng run run đau khổ) - Hai viên giống hệt nhau, viên thật thì nó lấy còn hàng giả nó để lại cho mày (lão gầm lên trong phẫn uất vùng dậy ném mạnh viên hàng xuống mặt ao).
Chỉ còn sự yên lặng đến ghê sợ trong gia đình hắn và nỗi yên ắng trong chiều. Cảnh vật dường như nổi bềnh lên trong cô liêu, tất cả lại vẫn thế, niềm hi vọng trả lại cho họ buổi ban đầu, vẫn nếp nhà tranh xơ xác được đặt bên bờ ao lở lói đầy váng bẩn. Cái vại nước sứt miệng đặt bên cửa bếp toang hoang. Con chó đói nằm đầu hè ghếch đầu lên mảnh bát vỡ. Vạn vật tất cả dường như có chỗ của nó, một bóng tối mon men đang xoá dần đi tất cả những đau đớn trong gia đình họ. Lặng lẹ ngoảnh lại! Mẹ thằng Hải đang nhìn hắn đầy chua xót, bốn mắt họ nhìn nhau trong cái quầng sáng nhờ nhờ chạng vạng cuối chiều. Tất cả đều không đến như tất cả đã ra đi bỏ mặc họ như buổi ban đầu trong âm thầm sự sống. Ánh mắt họ như nương tựa vào nhau trong bóng chiều khơi dậy. Một sự lặng lẽ như bóng đêm trải dài toả rộng, nếp nhà tranh nghèo đói như tan biến đâu đây, chỉ còn lại tiếng con chó già cằn nhằn sủa bóng, nghe âm vang gờn gợn trong chiều.
Ngày 7-01-2003