Hồi ký "cây bút"
vuthi 02.09.2012 15:09:56 (permalink)
Hồi ký “Cây bút”
Theo tôi nghĩ, phát minh đầu tiên lớn lao nhất của loài người là cây bút. Nó như một thứ vũ khí để tạo khắc trên cõi đời những suy nghĩ, tư tưởng của nhân loại. Nó làm cho cõi sống tuần hoàn và sinh động hơn nhờ vào sự hiểu biết những kinh nghiệm đã qua. Tôi không thể tưởng tượng thể loại bút nào xuất hiện đầu tiên trên cõi đời? Cây que hay lông thú? Nhưng ở thời tôi đã sống, có lẽ cây bút mà tôi còn nhớ được là cái ngòi "777". Cái loại ngòi bút được cắm trên quản gỗ tiện. Mỗi khi sử dụng phải chấm vào lọ mực. Người ta hay nướng ngòi bút trên ngọn lửa để đốt sạch dầu mỡ và làm mềm đầu ngòi bút, khi viết nét chữ sẽ mềm và linh hoạt hơn. Mà ngẫm cũng khổ, giấy má thời ấy sao mà tồi tệ đến thế. Trông cứ thâm sì sì mà lại còn lồi sà lồi sồi không phẳng, tờ giấy cứ cứng đơ đơ như cán bằng gỗ chứ đâu như bây giờ. Ấy thế mà thời đó, mọi thứ quý như vàng. Tôi muốn được mua một cái ngòi bút mới thì cha mẹ phải được nghe tường trình đâu vào đó về nỗi bất hạnh của cái ngòi bút hỏng. Đối với tôi nỗi bất hạnh của cái ngòi bút là vô kể. Tôi bị các cụ mắng mỏ thường xuyên về cái ngòi bút và áo quần sách vở giây mực. Biết là ăn đòn nhưng mà chẳng làm sao sửa nổi. Có lẽ vì trong đầu trẻ thơ chưa có nhiều ký ức nên chẳng có gì để viết, nên tác dụng của cây bút thì ít nhưng tai hoạ lại nhiều. Cứ ngẫm cậu họctrò thời ấy, cắp cái túi đi học, vá vài chục mảnh bằng các loại vải tiết kiệm đủ các loại hình thù: tam giác, vuông, lục lăng, xanh, đỏ, tím, vàng, đủ mọi màu sắc. Tất cả những mảnh vải nghèo đói ấy hoà quện lại thành cái túi xách học trò. Trong cái túi xách ấy, cây bút phải an phận nằm cạnh đủ mọi loại bát nháo. Nào sách nào vở, nào sỏi chơi ô ăn quan, nào quả bàng xanh trên phố, nào thỏi nam châm. Tất tật các thứ lỉnh kỉnh ấy cứ chen lấn mà đè lên cây bút. Thử hỏi khi đến lớp hay về nhà thì cái đầu hạt gạo nơi ngọn bút còn gì là hồn vía, hôm thì cong tớn, hôm thì mất một bên. Bài vở lem nhem, áo quần tím ngắt, và thế là lại xe điếu. Tôi còn nhớ mông đít tôi đã vằn lên nhiều "con lươn" tím ngắt, để rồi ngày mai vẫn thế. Cha mẹ mong muốn con mình hoàn hảo, nhưng trẻ thơ thì đâu cần. Những bài học đâu có chỗ trong cái dạ dày lép kẹp vì đói khát, có lẽ sự đùa nghịch giúp cho trẻ con quên đi nỗi cào cấu của cái đói. Mẹ tôi thường nhắc: "Hiên ba bát rồi"? Ba bát là chấm hết cho nhu cầu dinh dưỡng của nửa ngày, và cứ thế nhân lên cho một thời thơ trẻ. Tôi đói lắm nên chẳng cần ngòi bút với manh áo nâu mẹ khâu bằng bao đựng đường Cu Ba viện trợ. Tôi cắp túi lên đường có lẽ chẳng đúng! Các cụ xưa có câu "Miếng trầu là đầu câu chuyện" nếu đặt câu nói này vào thời đó thì phù du quá? Mà phải ngẫm nghĩ câu của trẻ con thường nói "Nhân bất "khợp" bất chi lý". Trẻ em bóp méo câu nói của các cụ thật đúng và tài tình vì thời đó sự sống còn dưới mức để cho chúng suy nghĩ đến việc học. Còn chúng lôi những đứa trẻ con thì cứ đùa nghịch cho quên đói.
Cái ngòi bút 777 sinh ra vào cái thời đói kém giáp hạt như vậy? Cái loại ngòi bút bất tiện cho lứa tuổi, làm phiền cho đói khát!
Câu chuyện bắt đầu vào một hôm mẹ xách làn đi chợ, đưa tôi rẽ vào thăm bà bác? Phố Nguyễn Biểu, một khu phố lặng lẽ, thanh bình. Đâu phải do đầu phố có nhà thờ Cửa Bắc. Sự thanh bình có lẽ là tính cách sẵn có của phố Nguyễn Biểu. Thời các cụ thì nó thuộc về tầng lớp quyền quý. Thời ta thì nó thuộc về các vị tai to mặt lớn. Thỉnh thoảng, có xen kẽ vài số nhà bình dân, xong có lẽ nó là những nét tô điểm cho sự bình dị của các nhà sang trọng. Thời ấy quan chức ai cũng muốn tỏ ra hoà mình xong có lẽ hoà chẳng nổi nên cứ lênh đênh trên ngôi cao sự sống.
Nhà bác tôi số 18 nằm gần đầu phố, trước mặt là nhà thờ Cửa Bắc và chạy song song với phố Đặng Dung, nơi gia đình tôi ở. Hai con phố đều có một nét giống nhau đó là cái tĩnh lặng thanh bình, nhưng phố Đặng Dung thì ít các vị chức sắc vì bản chất nó là nhà ở của các tư sản thời Tây, sang thời ta họ bị đánh bẹp nên im lìm nằm thở và gia đình nhà tôi cũng im lìm như họ, sự tĩnh lặng quả là có nhiều lẽ!
Tôi theo mẹ tiến vào nhà bác, một khu biệt thự hai tầng trang nhã có ngõ rộng trải sỏi và hiên lớn nhìn ra đường. Những dãy cửa sổ lớn sơn màu nâu giản dị mà sang trọng. Tôi len lén theo mẹ tiến vào phòng khách. Bác tôi thời Tây làm quan tri huyện, không hiểu sao sang thời ta bác tôi lại làm quan chức ở Phủ Thủ tướng. Kể cũng lạ, bác tôi khéo léo làm sao mà tránh khỏi bị đánh bẹp và sướng luôn cả hai thời? Bác tôi là một ông già nghiêm khắc. Khi chúng tôi gặp bác thì đã sang thời ta, nghe đâu Bác Hồ vận động bác tôi ra hoạt động kháng chiến có ít ngày mà gia đình bác tôi thoát khổ. Quả là may mắn! Bố tôi không được cái may như vậy, nên cứ còm cọm với đời từ con địa chủ xuống trung nông rồi bần nông và chấm hết vì có lẽ chẳng còn bậc nào để mà xuống nên gia đình tôi cứ vậy! Mỗi khi sang nhà bác tôi, gặp lại cái không khí quan huyện thời xưa và quan cách mạnh thời ta làm cho con cháu chúng tôi cứ rờn rợn mà kinh hãi! Mà kinh hãi thì cũng phải vì trong phòng khách nào sập gụ tủ chạm, đồ sành đồ sứ cổ la liệt trong phòng! Bác tôi là một người quắc thước, rất nghiêm khắc, cho dù giọng nói có hơi lắp song chẳng hề hấn gì tới cái phong cách uy nghi trong gia đình. Hôm ấy có lẽ mẹ tôi sang vay tiền thì phải, vì nhà tôi chẳng còn gì mà bán. Mọi thứ đồ đạc bán được chừng như vô duyên với gia cảnh đói kém nên nó cứ lặng lẽ ra đi theo từng bước thăng trầm. Sự phát mại chỉ được dừng lại trước bàn thờ tổ tiên vì trên ban có ông nội tôi đội mũ cánh chuồn trông thật nghiêm khắc. Dứt khoát vì lẽ ấy nên mẹ tôi hay phải đi vay mượn đó đây anh chị em trong gia đình họ hàng.
Tôi len lén nép sau lưng mẹ lí nhí chào bác rồi tiến vào phòng khách. Mẹ tôi ngồi trên ghế sa lông đối diện với bác gái, tôi đứng đằng sau, bác trai lừ lừ một vài câu xã giao rồi lặng lẽ đi vào nhà trong! Có lẽ đó là đặc tính riêng của mọi quan chức thời ấy? Họ không muốn tiếp xúc với tất cả mọi loại thứ dân hay người thân quen đến cầu cạnh? Khi xưa một người làm quan cả họ được nhờ nhưng thời ấy thì có mà đợi? Khi bác quay vào lúc đó tôi mới được hoàn hồn. Là đứa trẻ hiếu động, tôi chạy đến bên chiếc bàn gỗ lớn, trên mặt để nhiều tập sách lớn nhỏ chắc đó là nơi làm việc của bác trai. Trèo lên ghế, với lên mặt bàn và bắt đầu hí hoáy với mọi thứ lạ lẫm trong đời, trên bàn. Nào là những nghiên mực bằng thuỷ tinh pha lê, những giá cắm giấy tờ bằng gỗ mun đen bóng. Tiện tay tôi với được cây bút bi - Mà quả thực lúc đó tôi không hề biết đó là cây bút, chợt vạch lên giấy thấy có mực và thế là tôi thoả trí vẽ vời quên cả mẹ và bác gái đang trò chuyện. Đến khi mẹ tôi gọi về thì tôi mới tỉnh cơn nghịch. Về đến nhà tôi vẫn cầm trên tay cây bút bi của bác và lại say mê với cây bút của lạ, cứ thế mà vẽ vời cho đến lúc anh trai con bác tôi vỗ vai:
- “Này cậu em, sao mà gian thế, cho anh xin lại cây bút em cầm nhầm" - Tôi mới tỉnh cơn say trả lại cây bút cho anh mang về!
Có lẽ bác thấy tôi vẽ vời vớ vẩn nên phát hiện ra cây bút tôi cầm nhầm. Đối với đứa trẻ lên sáu tuổi đang học lớp vỡ lòng thì lời nói như vậy là quá nặng, nhưng lúc ấy tôi chưa hiểu. Sau khi anh về, bố cầm xe điếu lôi tôi ra trước bàn sa lông:
“Hiên! Con có biết đó là hành động gì không?”
Tôi lặng lẽ không trả lời vì có biết gì đâu - Đó là ăn cắp? Lấy của người khác không hỏi là ăn cắp. Cha tôi là một con người nhân hậu ngay thẳng, nhưng nếu cha tôi không giải thích tường tận đến vậy thì đời tôi có lẽ không đến nỗi! Ngày hôm ấy hai cái từ "Gian quá" "ăn cắp" cứ lởn vởn trong đầu tôi như một nỗi ám ảnh. Tôi ngượngngùng với mọi người trong gia đình nên thường lảng tránh những ánh mắt của người thân, cả tâm hồn dường như thu nhỏ lại. Mỗi khi và mãi cho tới những ngày sau khi cầm đến cây bút tôi lại có cảm giác hãi hùng như vậy. Tôi luôn luôn có cảm giác mọi người đang nghĩ xấu về mình. Nó như vết gợn đầu tiên và đeo đẳng tôi mãi mãi về sau, như một con bệnh dai dẳng cứ lớn dần lên để trở thành thù hận. Tôi luôn căm thù cây bút, suốt những năm đi học tôi luôn phải dùng duy nhất loại bút quản bằng gỗ, ngòi 777 vì bố mẹ không lo nổi cho con chiếc bút máy. Tôi rơi vào tình trạng vừa căm ghét vừa thèm muốn cây bút. Có lẽ suốt cả đời tôi không có nổi lấy một cây bút nên mỗi khi nhìn thấy các bạn có bút mới tôi đâm ra ganh tị bực tức, đã mấy lần thó thực sự của các bạn về giấu trong thạp gạo. Càng căm ghét cây bút thì tôi lại càng bị nó mê hoặc? Các bạn đi học gọn gàng sạch sẽ bao nhiêu thì tôi luộm thuộm chừng ấy, áo quần luôn nhem nhuốc vì cái lọ mực chết tiệt. Có lẽ cả quãng đời ấu thơ là sự thèm thuồng đói khát - Một sự đói khát chính đáng mà cha mẹ tôi không sao lo nổi và anh chị em tôi thực sự hiểu điều ấy! Tất cả cứ bị nén xuống như những quả cà trong vại. Cha tôi - từ một công chức Nhà nước lương cao, nuôi dưỡng cả một gia đình 14, 15 người sung túc, trong nhà người ăn kẻ ở, vú em cho từng đứa con mà mẹ tôi mỗi tháng còn để ra được mấy lạng vàng. Thế mà lúc ấy mức lương cha tôi chỉ còn bằng 1/20 thì hỏi rằng một gia đình sẽ ra sao? Có lẽ đó là một cú trượt dốc kinh khủng. Con người lúc đói chỉ còn duy nhất một mục đích là miếng ăn, một sự cân bằng đến kinh hãi. Người ta chỉ còn gặp nhau ở cửa hàng gạo phân phối hay ở cửa hàng mua thịt bán theo tem, người ta tranh dành, người ta trò chuyện? Có lẽ các ông bà nông dân muốn hoán vị chỗ đứng của mình cho bọn địa chủ và tư sản nên xã hội bỗng rơi vào trạng thái đói kém thế này, họ chẳng muốn chơi với ai hết như ông bác tôi chẳng hạn. Còn tôi, cái đứa trẻ tàn tật vì đói khát. Tôi chẳng cần chi nữa ngoài việc ăn...
Đúng như câu nói của các cụ ta xưa "Dân dĩ thực vi tiên" nên ngọn đòn đầu tiên có lẽ là cái đói! Cứ đói thì mọi chân lý của họ sẽ sáng lên, con người ta mới ngửa mặt lên mà cầu ông trời ban lộc. Có thể vì lúc đó tôi còn nhỏ quá - Cầu cha mẹ thì chẳng có nên cũng đành lăn như hòn bi con quay ngoài phố cho đỡ tủi. Thời ấy cha tôi thật hay đánh con cái? Tất tật mọi lỗi lầm đều cứ là xe điếu. Cha tôi đánh con nhiều lắm, đánh đến nỗi cha tôi còn mệt, vì hồi ấy cha tôi đang đau dạ dày. Mãi về sau này tôi mới hiểu và thương cha, một con người chăm lo sự sống cho mười mấy người thì còn thời gian đâu mà dạy dỗ con mình! Càng thương con cha tôi càng đánh, chân lý thì vẫn thế - Sự đói khát là điều không thể thiếu cho một xã hội đi lên - Mọi thứ Nhà nước lo cả, từ áo, quần, chăn, chiếu, cơm, gạo, tất tật cứ là xếp hàng. Tùy theo chỗ đứng, mức lương mà phân phối còn những kẻ không có chỗ đứng thì bình quân, cả xã hội không có tư nhân bán lẻ.
Một mình cha tôi cứ lặng lẽ mà làm, người càng ngày càng ít nói? Chị gái tôi đi học về phải ngồi cột điện mà đan len và ôn bài đến tận nửa đêm. Tôi và thằng em cũng phải học đan mà kiếm miếng, cứ đi học về là lại vào việc, hết đan thì quay tơ. Cả gia đình tôi là một công trường nho nhỏ. Tất cả dành cho cái miệng! Bài học hữu ích vì cái đói hiệu nghiệm làm sao. Sau này tôi còn chuyển qua cả nghề bốc vác, kéo xe bò làm thêm vì nghề này có vẻ hợp hơn với tôi bởi tính thích ngao du nghịch ngợm cùng bè bạn. Thời ấy tôi thực sự sợ hãi khi ở nhà - Vì ở đó trong nhà tôi có một cái gì na ná như địa ngục? Tác dụng cải tạo một xã hội quả là ghê gớm! Cứ đảo lộn lên cõi đời sẽ thấy cần ai! Sau này lớn lên tôi mới hiểu các bậc đàn anh của ta như Liên xô hay người Tàu chơi với đàn em Việt Nam cũng thế? Họ cũng trói cái bao tử của nhau để mà sai khiến, còn ta có lẽ là tương kế tựu kế định dùng họ để mà đắc lợi? Chúng ta thành công nhưng quả là mệt - Mà mệt thực sự nữa đằng khác! Vì cả một dân tộc đói ăn khi được ăn thì cứ phải là ăn đã - Mà kể cả bội thực cũng ăn thế đấy hãy đặt cái đói trước mặt chúng ta sẽ thấy vâng lời? Như cha tôi phạt cơm thì thằng em lặng lẽ dúi cho anh nửa phần cơm đỡ đói.
Thời ấy cả gia đình tôi sống trong một biệt thự, về sau này ở phố Châu Long, ngôi nhà thật to nhưng rỗng tuếch. Tôi còn nhớ mãi cái trường Yên Thành hồi cấp một! Các bạn tôi không bị quất ngọn roi thành phần thì có vẻ còn sáng sủa, anh em tôi thì ảo não làm sao - áo sơ mi mẹ khâu bằng bao bột mì, nhấn nâu còn nguyên cả cái triện như thằng tù "Đường Cu Ba", anh em tôi rất ngượng? Song để bù vào đấy tôi sẵn sàng đánh tất cả những đứa nào coi thường manh áo khốn khổ mẹ khâu và cứ thế một thời thơ ấu qua đi trong đói khát tủi nhục. Anh chị tôi trầy trật rồi cũng xin được vào một vài trường vớ vẩn nào đó cho có chỗ đứng nhưng mỗi người mỗi nơi, nên cái chỗ đứng ấy dường như chẳng có tác dụng gì mấy cho gia đình nhưng như thế còn hơn vì anh chị em tôi may ra còn có một chỗ đứng, cái nghề tư sản hay địa chủ có vẻ được nương nhẹ đi chút ít. Cả tháng hay cả tuần gia đình tôi may ra mới có dịp đông đủ và hôm ấy có lẽ là ngày luận tội nghịch ngợm của thằng em vì hồi này sau khi đi học về tôi lại theo bạn đi bán nước vối nóng và bán kem ở trên tầu điện, mà tôi rao thật khéo nghe cứ ảo não làm sao "Lào ai lước vối lóng đê, lước vối lóng lào... " lời rao như méo đi nghe thật thú vị vì tôi nói có ngọng đâu nhưng đối với khách hàng cứ như đùa cợt, ấy thế mà bán được. Một đứa trẻ con nhà quyền quý lên tầu đi bán que kem kể cũng thật vui! Người ta nặn sao chẳng được - Cải cách sai thì họ làm lại, nghe mới thật ghê? Nhưng theo tôi nghĩ chính những con người trong cõi sống bắt buộc họ phải làm lại. Cứ thử ngẫm một đất nước nhà nào chỉ biết nhà ấy, kèn cựa, nhòm ngó, bon chen nhau tất tật chỉ vì miếng cơm manh áo? Tôi tự hỏi: Đồng ruộng xưa nay vẫn thế, khung cửi dệt vải vẫn vậy, sao con người lại đói kém đến thế? Các ông to như bác tôi chẳng hạn, có cửa hàng cung cấp riêng, đi đưa về đón, vẫn kiểu cách như xưa, họ hoán vị chỗ đứng cho nhau nhưng chỉ có khác họ tranh đấu vì họ mà thôi. Họ có thể gửi cha mẹ là thành phần địa chủ lên Hà Nội chơi cờ bạc ở phố Hàng Bạc để ở nhà rảnh tay mà đâm mà chém những gia đình địa chủ khác. Thế đấy? Họ chỉ có thế! Khi sức mạnh đã trong tay họ thì chẳng còn gì là khó là không làm được. Họ dùng chính cái đói để làm mâu thuẫn xã hội và khi có mâu thuẫn thì có đấu tranh giai cấp, mọi thứ tất tật họ đổ cho đế quốc sài lang, họ chẳng bận tâm với bất kể vật cản nào trên đường, người lớn thì có trại tập trung, trẻ con thì có trại giáo dưỡng? Ngẫm quả là gớm - Khi có quyền lực thì gớm thật. Họ dựng bác nông dân dậy, cho ở nhà của địa chủ. Bác nông dân rồi cũng thay tâm, đổi tính, ăn lắm, ít làm, thích đè nén dạy bảo người khác cho ra vẻ, khi có chuyện thì họ gào ầm lên mà lao vào san bằng đạp đổ. Mà ngẫm cho cùng thì các ông to bà lớn thời ấy có mấy ai là con nhà bần nông. Tôi cứ ngẫm mãi, có lẽ họ tự đánh vào đít mình trước rồi họ làm thịt thiên hạ sau thì phải? Từ ngày xưa có thằng đế quốc nào giết đến cả triệu người dân Nam bao giờ đâu? Ấy thế mà họ làm được - Mà làm vẻ vang nữa đằng khác cơ chứ.
Ở làng tôi các bác nông dân được chia nhà địa chủ, họ dỡ dần ra mà bán rồi cuối cùng lại bán lại cho con cháu nhà địa chủ thì mới lạ? Thế đấy trò đời thật chớ trêu. Gia đình địa chủ bị đè nén nhưng họ vẫn cần cù làm ăn, học hành vươn lên để giành lại cuộc đời của họ. Quả thật loài người đặt trước cái đói thì khủng khiếp xiết bao, họ đóng cửa, bế quan toả cảng để mà nhào mà nặn một lớp người đói khát biết xếp hàng, bon chen và kèn cựa lẫn nhau, chẳng cần biết ông già người lớn hay trẻ nhỏ tất tật đều bằng phẳng như nhau mà hứng chịu.
“Bác ơi, nếu như bác có linh hồn thì thời ấy cháu đói - Cái đứa trẻ lên sáu, cháu của bác đang đói! Sao bác không cho nó yến gạo, manh áo, cái bút hay quyển vở?
Hay chăng bác tôi to quá rồi chưa phải đói bao giờ nên khỏi bàn này nọ? Sau này tôi mới rõ - Bác tôi thời đầu là chánh công an Bắc kỳ (có nghĩa tầm Bộ trưởng Bộ công an thời nay) rồi bác tôi còn làm đến trưởng phòng Lập pháp Phủ thủ tướng. Thật quả là những công việc to lớn nên bác làm gì còn thời gian đâu mà lo đến ai trong họ hàng làng nước nữa. Nhiều khi tôi ngẫm nếu như cách mạng xã hội chủ nghĩa đã san bằng xong mọi bất bằng trong xã hội mọi gia đình cả nước ai cũng như ai thì phản ứng nào sẽ xảy ra nữa đây? Một cõi sống không bất bình, không cao thấp chẳng có tài năng hơn kém thì thật kỳ lạ - Thế mà hồi đó dân ta cứ tin như là kinh Phật đà không bằng?
Họ thành lập hợp tác xã, một hình thức công bằng ai cũng như ai để rồi đồng ruộng chẳng có ai chuyên tâm mà làm. Nào là phong trào năm tấn lúa/ha, nào là ba đảm đang cho chồng vào Nam đánh giặc. Thôi thì đủ thứ, cuối cùng cả xã hội ai cũng chỉ muốn làm cho riêng mình, từ ông to bà lớn cho đến bác nhà nông và cuối cùng thì lại là quyền tư hữu và cái lầm lỡ thì ai chịu đây? "Ta sai ta sửa!" chỉ có thế!
Tất tật chỉ có thế! Theo tôi nghĩ nỗi khổ lớn nhất là nỗi khổ cha mẹ không bao dung nổi những đứa con mình và giờ đây mỗi khi nghĩ đến cha mẹ tôi và một đàn con lít nhít mọi lứa tuổi tôi lại thầm ước: Nếu có thiên đường và địa ngục? Thì trời ơi? Tôi cầu cho ông bác tôi được đứng cạnh vạc dầu mà xem khổ hình của bao kẻ ác độc trên đời đã làm hại cho non cho nước. Cuộc đời tôi cứ mất? Đầu tiên tôi mất mẹ, một năm sau tôi mất cha, rồi tôi mất dần biết bao người bạn thân yêu khác? Cõi sống thật bình dị thiết tha, nhưng sao cuộc đời tôi không cớ, dường như tất cả đều chỉ là huyễn hoặc? Một cõi sống tạm bợ cho những cuộc đời tạm bợ cơ cầu, dường như những nhà chính trị Việt Nam đã ru ngủ non nước này cho bao ý đồ của họ. Tôi căm thù hai từ “chính trị”, cứ thấy họ là tôi lại nghĩ Họ đang định làm việc gì bịp bợm ta đây? Mỗi kiếp người là bao điều đáng kể! Nhưng ở tôi chỉ có bao điều sợ hãi? Tôi vào tù khi còn rất trẻ sau bao năm tôi ra tù, nhìn lại gia đình mình buồn bã làm sao. Cha mẹ tôi đã bán ngôi biệt thự lấy tiền lo cho con cái và mua một căn nhà mới thật nhỏ tận cuối làng. Bố tôi vẫn còm cọm đi làm, mẹ tôi vẫn ngồi bên guồng sa quay sợi. Cả nước vẫn giữ lại một nét đặc trưng dường như không đổi là cái nghèo. Chẳng nhẽ cái nghèo là một quốc sách? Bố mẹ tôi con cái đã lớn, nhưng chỗ ở thì hẹp hơn tất cả chen chúc trong một buồng và phải sống - Phải sống để chờ xã hội đi lên. Đả đảo "đế quốc Mỹ sài lang" để rồi đến quan hệ Việt - Mỹ, rồi thì hội nhập kinh tế thế giới - Ngẫm đời cũng hay – Con đĩ chưa tụt váy người ta đã hiểu sau lớp váy kia là cái gì! Thế mới khổ, thế mới lạ - Đài báo vẫn chửi - Tay chính khách thì bắt tay cho quan hệ. Và cái thời ăn no ló mặt! Người ta bực mình vì hợp tác xã không đạt! thế là rũ bỏ giao giả chúng mày. Đồng ruộng trổ đòng, lúa mọc bội thu, mấy bác nông dân cứ là tha hồ được dịp - Chẳng phải họp hành, đừng phải chấm điểm, nhà cửa, đài đóm, cứ là lũ lượt hiện lên sau khi xã hội thoát khỏi thời bao cấp. Tôi chợt nghĩ, không hiểu con người nào chủ trì trong việc đưa đất nước vào thời bao cấp? Tôi chắc chắn rồi bác nọ lại đổ cho bác kia, mỗi bác gánh tội một tí nên tội to thành tội nhỏ mà tội nhỏ thì chẳng bõ thế là hoà. Chỉ khổ mấy bác nông dân tưởng đời thăng hoa để rồi vẫn thế. Mà cái giống đang bị trói chặt, bỏ đói khi thả ra thì thú vị siết bao? Cứ là ăn, cứ là nhậu, đài thì phải đài xịn, xe thì phải xe sang, toàn những là hàng hoá của tư bản, cái xe đạp có ném về quê chẳng khác gì cho nhau mớ rau mới lạ. Họ chơi với ta quả là hậu hĩnh chứ đâu như anh Nga, anh Tàu cứ là khoá cái bao tử để mà sai bảo. Đất nước cần xoá đói giảm nghèo thì họ cho vay? Tôi còn nhớ có thời người Mỹ cấm vận dân ta thật khổ? Nhưng chẳng hề hấn gì - Dân Việt Nam quen bướng đầu tuân theo kỷ luật sắt, nên họ có cấm nữa thì ta đâu có sợ, chẳng còn gì để mất? Nhưng rồi không hiểu sao họ lại bỏ cấm vận thì mới lạ? có lẽ họ chơi đến bài vỗ béo cho ăn, cho vay. Mà cái giống đói lâu dễ bội thực, nằm lâu cuồng cẳng gặp xe máy là cứ muốn phi thẳng lên trời. Tôi chợt nghĩ đến lời mẹ khi xưa: “Không nên ăn no vì ăn no không muốn làm việc - Không nên đắp ấm quá vì đắp ấm quá không muốn đứng dậy - phải nhìn thấy lỗi của mình thì mới sửa được. ” Mà sửa thế nào đây? - Khi chúng ta còn gì đâu mà sửa, một lũ trẻ nhuộm da, nhuộm tóc lởn vởn khắp đời. Chúng đã quen ăn không ngồi rồi, thích mình thành ông thần ông thánh, vì chúng luôn tự hào là tương lai của gia đình, đất nước. Quả thật đằng sau những người đi trước là một thế hệ đi sau. Vòng tuần hoàn cứ trải dài vô tận, người ta kế thừa, người ta cắt bỏ, và bao giờ cái mới cũng khoẻ và sắc hơn.
Ngẫm đến đây lại nhớ đến ông bác tôi khi về già. Vào một hôm tới thăm, bác đã già và chậm chạp hơn xưa. Căn phòng khách khi xưa, nay thuộc về con cái, bác lui về căn phòng gần gầm cầu thang. Hôm tôi đến các anh đang sửa nhà thật là ầm ĩ. Ngôi biệt thự được chia thành ba bốn chủ. Hợp ý ai người ấy làm, vương quốc này không còn là của bác nữa, nên cái quan trọng uy nghi dường như tan biến đâu mất. Tôi chào bác, xong ông chẳng nhận ra là ai. Theo tôi nghĩ có lẽ bác đã thấm hiểu bọn chúng tôi đều như nhau - Chẳng đứa nào muốn vào cái hợp tác xã của bác cho thêm mệt. Bác gái đã mất lâu trong một tai nạn lúc sang sửa nhà cửa nên bác trai cứ phải lủi thủi một mình trong căn nhà thật rộng, với một thế hệ con cháu không cùng ý tưởng. Cái bó đũa gia đình đã dỡ tán loạn trên mâm! Nỗi mệt mỏi cứ đến dần mà thấm vào trong bác. Cái niềm tin cõi sống nhạt nhoà dần đi, thời gian trả lại đâu đây nỗi cô đơn khơi dậy, bác là cái bóng của một thời cứ mờ dần trong kỷ niệm. Chú em tôi có mặt khi bác mất. Anh chị thay áo quần lần cuối cho bác, họ tìm thấy trong túi áo ngực một bức ảnh thời trẻ ngày hai bác mới cưới nhau. Đằng sau bức ảnh có dòng chữ bác viết "Bà ơi, cho tôi đi theo bà". Cả cuộc đời bác là một sự bất thành, không hiểu tại số phận hay con người? theo tôi nghĩ có lẽ tại cả hai, do vậy bác tôi cứ lui dần về quá khứ. Nhớ đến bác lòng tôi lại ngẫm về cây bút: Cây bút bi! Nếu như ngày hôm nay ai có nhu cầu tôi xin trịnh trọng mang biếu cả tá! ấy thế mà có lúc đời tôi tan nát đến vậy! Tôi căm thù cây bút!
Nhưng cái nghiệp cuộc đời lại là nhà văn nên mỗi khi hễ cầm đến bút tôi muốn dùng nó mà đâm toang hoang bao nỗi khổ trên đời cho hả một thời thơ trẻ tôi đã từng đau thương vì nó.
“Hỡi cây bút bi mà ta đang dùng để viết những trang hồi ký này, ta trả lại cho ngươi biết bao nhiêu đau khổ mà một đời người phải nếm trải”.
Hà Nội ngày 20 tháng 2 năm 2003
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9