Lời trăn trối cuối cùng

Tác giả Bài
vuthi
  • Số bài : 139
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 24.02.2009
Lời trăn trối cuối cùng - 02.09.2012 15:12:51
Lời trăn trối cuối cùng
Tôi xin kính tặng các bà mẹ mẩu chuyện ngắn này. Đó là lời trăn trối cuối cùng, trong cô đơn trơ trọi
và đau khổ. Có thể sau cái chết sẽ là một sự hồi sinh không? Nếu vậy đó là sự hồi sinh đầy nước mắt.
Tất cả các bà mẹ! Sẽ được lên thiên đường.
Tất cả mọi cái đối với nàng trở nên chậm chạp đều đều chán nản. Những mẩu vụn vặt trôi qua trong mắt vẫn chỉ là những ảo ảnh quen thuộc chán chường. Những tà áo trắng lướt qua, những nụ cuời ánh mắt ẩn hiện hư ảo. Tất cả đều giống nhau, nhạt tẻ và rỗng tuếch như chính cuộc đời nàng đang trải! Như nỗi khổ ban đầu cũng giống nỗi khổ cuối cùng, nó lê thê dài vô tận.
- Tất cả rồi sẽ qua đi! - Nàng luôn tự an ủi mình như vậy. Ngày hôm nay sẽ lại qua đi như ngày hôm qua bỏ lại. Đối với nàng, ngày hôm nay nằm trên giường bệnh, cũng chẳng khác chi ngày hôm qua nằm trên chiếc giường đâu đó. Với nàng nỗi khổ chậm chạp đay nghiến làm sao. Nó giống như hai quả lô ép nước mía đang cán một cây mía, róc vỏ. Tất cả bỗng trở thành nát vụn! Và ở đâu đó, trong cỗ máy thuần thục kia, một chiếc cốc được hứng ra đón lấy dòng nước, đó là nước ngọt ép ra từ cây mía.
Chao ơi! Cái nguyên tắc giản dị mà cay đắng làm sao!
- Không tất cả rồi sẽ quen thôi như bao lần nó đến. Sự quen thuộc đau khổ đã làm nàng chai sạn, nó giống như muôn lớp bùn nhơ, tầng nọ đè lên lớp kia, bồi dầy thêm nỗi khổ. Đó phải chăng là cái bản năng kì diệu của mỗi con người? hay thiên bẩm ghép cho từng cuộc sống, cái khả năng chịu đựng khốn khổ.
- Tất cả rồi sẽ qua thôi. - Nàng cố dứt đi những suy nghĩ muộn phiền day dứt.
- Ta phải can đảm chứ! Mà can đảm là gì nhỉ? - Nàng nhớ đến câu nói của mụ chủ nhà chứa: “Can đảm là sống cả khi ta không còn muốn sống”. - Mà cuộc sống là như vậy mà!
Từ nhà chứa tới bệnh viện và rồi đến đâu nữa cũng chẳng sao đâu. - Nàng nghĩ như vậy và cảm thấy ổn ổn trong đầu.
- Trời ơi sao mệt thế! - Từ đâu đó trong cơ thể nàng, một cái gì đang mất đi và thay vào đó một cái gì đang đến. Nàng cố tự tìm tòi nghe ngóng, song cái mệt làm cho nàng phó mặc. Nàng thiếp đi trong cơn mê chập chờn ác mộng.
- Chết rồi! - Một điều gì đó làm cho nàng cố vùng dậy, đầu rướn lên khỏi gối, đôi mắt bàng hoàng ngây dại. Nàng cố tìm một người quen nào đó, song chỉ có sự lặng lẽ trải dài từ mọi phía. Cái màu trắng huyễn hoặc ru ngủ! Trắng! Trắng quá, trắng ở mọi chỗ, cả nhà đều trắng.
- Đây là đâu! - Tự hỏi mình đôi mắt nàng mở to đang hướng về một nơi nào đó trong tâm khảm.
- Mình đang nghĩ gì nhỉ? - Trong óc nàng những mẩu đời đứt đoạn, chập chờn loé lên rồi lại tắt, như một chuỗi đèn màu hư ảo.
- Đúng rồi! con tôi - Ôi đứa con khốn khổ, không biết ông bà lấy gì nuôi nó, nếu như tôi phải nằm đây. Biết gửi ai mang tiền về bây giờ? Nàng cố nâng bàn tay trĩu mỏi, song nó không còn tuân theo ý muốn của nàng nữa, tiền để trong túi áo, nàng không sao sờ mó được - có những lúc trước những khoảng cách cỏn con gang tấc mà không sao vượt qua nổi. Cái khoảng cách khủng khiếp ấy đang thấm dần vào từng đường gân thớ thịt, nó cắt đi trong nàng bao ý nghĩ rã rời đứt đoạn. Nó đánh thức dậy trong nàng cái sự sống mỏng manh đã trở nên gang tấc.
- Ta chết ư? - Hình ảnh cái chết bỗng hiện lên trong nàng.
- Không! - Nàng cố bấu víu vào đâu đó. Hình ảnh cha mẹ bỗng hiện ra trong óc! Không! Không thể được! không một ai trong nhà được biết mình đang làm gì, ở đâu? Nghĩ đến điều ấy nàng thấy rùng mình ghê sợ. Nỗi cô đơn trơ trọi, tưởng rằng đã quên đi, nhưng giờ đây lại hiện lên trong đôi mắt đẫm lệ. Cái mảnh đất bé nhỏ nàng đã vùi sâu nơi đáy lòng! Cái mảnh đất yêu thương mà giờ đây nàng là kẻ lạc loài. Cái mảnh đất mà nàng nghĩ mình vĩnh viễn sẽ không còn chỗ đứng. Ôi! Sự cô đơn ghê sợ. Nàng sẽ tắt ở đây như ngọn nến tàn lụi và không được gặp con. Nó sẽ là đứa trẻ không cha không mẹ. Ôi nỗi khổ! Liệu có còn nỗi khổ nào hơn nỗi khổ này không? Nàng muốn cào, muốn xé, muốn vùng dậy, song tất cả vẫn lặng lẽ đắm chìm. Một sự nặng nhọc đến khó tả đang muốn đè nàng xuống vĩnh viễn. Nàng muốn kêu, nàng bấu víu vào ai đó, song chỉ còn lại sự bất lực rã rời.
- Không! Nàng sẽ phải gặp con! Hà ơi! Mẹ phải về với con.
Những hình ảnh thân quen lướt qua trong óc nàng như một ảo ảnh bất diệt.
Con nàng nó sẽ không hiểu gì hết, nó là của nàng. Nàng đã nuôi nó bằng dòng sữa vắt ra từ khổ đau tủi nhục. Nó sẽ không bao giờ biết nỗi nhục nhã mà mẹ mình phải nếm trải. Nó vĩnh viễn là của nàng. Nghĩ đến đây nàng lại khóc và trong lòng vơi đi đôi chút.
- Rồi tất cả sẽ qua thôi, có lẽ chả ai khổ mãi. - Nàng tự an ủi mình như vậy. Rồi nàng lại nghĩ đến con. Đã tám tháng mình không gặp nó, thật đáng thương! Đứa trẻ mười tuổi mà không biết ai là cha! Trời ơi! Sự thật sao mà cay đắng thế. Biết bao nhiêu những bộ mặt đàn ông lướt qua trong óc nàng, những bộ mặt đầu tiên và biết bao những gương mặt khác lướt qua đời nàng như những bóng ma chập chờn chao đảo. Kẻ nào trong những bộ mặt kia sẽ là cha nó? Nàng rùnh mình kinh sợ! Không! Không ai cả! Nàng bỗng hét lên trong cơn mê sảng. Một tiếng nói xa xôi từ đâu đó: - Buồng cấp cứu, giường số 3.
- À mình nằm ở buồng cấp cứu.
- Chị gì ơi! Chị có nhìn thấy tôi không?
Họ chỉ nghe thấy trên môi nàng những tiếng không phều phào bất định. Mắt nàng đang nhìn về một nơi xa xăm nào đó.
- Chị gì ơi! Chị có nhìn thấy tôi không?
- Có! - Nàng thều thào trả lời.
Hôn mê tiếp nước ngay, và những bước chân vội vã.
- Nào em tiếp nước cho chị nhé! - Tiếng cô y tá nhẹ nhàng gọi.
- Chị đẹp quá. - Một nụ cười thoáng qua trên môi nàng.
- Chị để tay ra đây cho em, cô y tá nhẹ nhàng nâng tay nàng đặt ra thành giường, họ nhanh nhẹn buộc ga rô, cắm kim truyền nước, cô y tá lặng lẽ điều chỉnh chiếc cặp ống truyền cho những giọt nước đều đều chảy. Tất cả mọi việc ấy nàng không còn cảm giác gì nữa, nàng thấy buồn ngủ, buồn ngủ quá. Nàng linh cảm, nếu mình ngủ thì sẽ vĩnh viễn không bao giờ dậy nữa. Trong mê nàng còn nghe thấy họ nói cô ấy đẹp quá, và nàng cảm thấy chua xót. Nàng nghĩ: đẹp vừa thôi, mà đừng đẹp có lẽ đỡ khổ hơn. Nàng phải cố chống lại cơn buồn ngủ. Trong cơn mê mỏi nàng còn nghe thấy ai đó hỏi nhau: Bệnh nhân cấp cứu lúc nào?
- Thưa bác sĩ, hai giờ đêm qua, không người nhà, chưa làm thủ tục nhập viện vì chưa có địa chỉ, khi vào viện bệnh nhân trong tình trạng hôn mê sốt cao, chuẩn đoán họ nói bằng danh từ y học gì đó nàng không biết được.
- Chị gì ơi! - Tiếng ai giọng ấm áp vang đến tai nàng. - Chị có cần thông báo cho gia đình đến thăm không? Địa chỉ ở đâu? Tôi sẽ nhắn hộ nào!
Đầu nàng hơi lắc và tiếng “không” phều phào thoát ra trên môi. Mắt nàng vẫn mở song không còn chi giác, trên làn môi héo những lợt son phai nhạt, tất cả chỉ còn toát lên một vẻ đẹp khốn khổ tuyệt vọng đồng điệu với linh hồn. Nàng nằm đó trên ga giường đệm trắng, giữa mái tóc dày toả dài trên gối, một khuôn mặt thiên thần lặng lẽ, mắt mở như hướng về đâu đó. Nàng là ai trong cuộc đời này! Phải chăng nàng là món quà ban cho những kẻ bạo tàn ngự trị? Không! Nàng không phải của bọn họ, nàng là của con nàng. Ở một nơi xa xăm nào đó đang vọng lại tiếng khóc trẻ thơ, tiếng khóc của đứa trẻ bơ vơ đòi mẹ.
- Không! Nó là của nàng! Hai tay cố bấu lấy ga giường đầu nàng rướn lên trong một cơn co giật khủng khiếp, cô y tá đỡ lấy cổ nàng và cái từ không! không! ấy cứ yếu dần đi rồi tắt hẳn. Tim nàng ngừng đập, hơi thở đã tàn nhưng mắt nàng vẫn mở! Đôi mắt ấy không muốn nhắm lại! Nó đang hướng về một nơi nào đó trong cuộc đời, như muốn hỏi những ai? Tại sao nàng phải chết, tay nàng còn bíu lấy mảnh ga dường như cố bấu víu lấy cuộc đời này.
Cô y tá lặng lẽ vuốt mắt cho nàng và chính cô cũng khóc.
- Chị ơi! Mắt chị ta không nhắm.
Một sự lặng lẽ đến nghẹt thở. Nàng ở đâu? Ai đưa nàng đến? Ai là người thân của nàng? Nàng nằm kia mắt vẫn mở như một lời thách đố chua xót. Cô y tá phủ lên mặt nàng vuông vải trắng. Cánh cửa đã khép lại với một cuộc đời, niềm sung sướng khổ đau và day dứt. Hà thành trong một buổi chiều mưa nhẹ. Trên đường những chiếc lá thu còn ướt nước mưa. Một chiếc xe tang từ từ tiến đi trên đường phố, vài người mặc áo trắng bệnh viện lặng lẽ đi đưa, dăm ba bó hoa làm phúc đặt trên nóc quan tài, bó hương lớn toả khói hồng nghi ngút. Xe đi chầm chậm một đoạn theo đúng nghi thức tang lễ. Họ đưa tiễn một bà mẹ không tên tuổi, không địa chỉ về nơi an nghỉ cuối cùng. Đám tang lặng lẽ không một lời kêu khóc. Nó lặng lẽ đi trong một buổi chiều thu buồn bã. Lơ lửng đâu đó tiếng khóc trẻ thơ đòi mẹ! Tiếng khóc ấy như quấn lấy chúng ta - những người đưa tiễn. Trong chiếc hòm gỗ sơn đỏ kia! Nàng vẫn còn mở mắt như hỏi chúng ta: Con tôi đâu? Vì sao tôi phải chết?
Hà Nội 15/7/1991