Món nợ
-
02.09.2012 15:16:37
Món nợ
Con giun có đường đi của con giun, con dế có đường đi của con dế, con người có đường đi của con người. Khi tiếng gà gáy sáng vang lên, vạn vật như cựa mình thức dậy, loài vật ăn đêm chui vào hang yên nghỉ, loài chim cất cánh bay đi kiếm mồi, đó là sự tuần hoàn trong trời đất! Mọi sinh vật đều có chỗ mà ở, có đường mà đi, có mồi mà ăn, song cứ ngẫm trong muôn loài con người là khổ nhất! Mà khổ thì cũng phải thôi vì hắn mang trong mình tính tự đại! Các bạn thử nghĩ mà xem, loài thú có chúa trời hay phật pháp gì đâu, có lẽ trong điểm này, đứng trên quan điểm đạo học mà ngẫm thì sự thánh thiện luôn tồn tại trong chúng! Cứ ngắm một đàn gà gặp quạ, gà mẹ giương mỏ, xòe cánh mà gào, mà thét, mà che chở cho gà con, còn bác gà trống thì sợ bạt vía, rúc đầu vào bụi rậm mà lánh nạn, nhưng nếu mà gặp loài vật trên cạn, thì bác gà trống ta xòe cánh, gân cổ mặt đỏ như say rượu xông vào quyết tử. Thiên nhiên là như thế đấy, vậy xin các nhà bác học thử lý giải xem sao? Chắc trong lĩnh vực này kể ra cũng khó! Chỉ có loài người mới có cái tính tự đại đến ghê gớm. Tôi xin kể một câu chuyện trong gia đình tôi thôi làm ví dụ, tôi có một người vợ, nàng rất đẹp nên càng đáng yêu. Nàng yêu chồng, thương con đến phát sợ! Nhất nhất công việc gì nàng cũng thấy, cũng tường nên cả gia đình tôi nhiều khi phát hoảng, nàng thường hay giải thích:
- Có thương anh thì em mới nói, mẹ có thương các con thì mẹ mới bảo. Mà sự việc thì có gì đâu, ví dụ như “Anh cất áo lên mắc, anh vắt quần lên dây, anh ơi chăn gập lại, anh…!” Thôi thì đủ mọi thứ và cứ như thế tôi đã ra con người ngăn nắp, chỉ một loáng là mọi việc đã xong, thời gian còn lại để làm gì? Mà chắc nhà tôi quên câu “Anh ơi ngồi mà vặt râu vã”. Dạo ấy tôi chán nản vô cùng! Tôi gần như cái máy do nàng nặn ra! Tôi thử hỏi sống thế thì có buồn không? Tôi luôn thấy cảm giác bị mất mình thì mới khổ! Rồi đến một hôm khi nàng nhắc! Mũ thì tôi để lên đầu giường, quần thì tôi vắt tay ghế, dép thì quẳng xó nhà và chợt thấy một cảm giác khoái lạ: Tôi là chính mình. Còn với lũ trẻ, nhà tôi có những nguyên tắc dứt khoát hơn, ngoài những điều tôi vừa nhắc tới chúng còn phải làm thêm nhiều điều khác nữa như đi học đúng giờ, đi đúng đường mà nàng đã soạn thảo. Thật khổ cho lũ trẻ, chúng cứ phải sống như cái áo mới không bao giờ bẩn, không bao giờ rách mà không rách thì bác thợ may có bán nghiệp mà đi ăn mày. Kiểu sống ấy nó như cây cầu bắc qua sông không phải đi vòng, để rồi sang tới bên kia trời chưa tối, cứ phải lẩn quẩn không dám đến nhà người yêu sợ trai làng gây sự, nên nhiều khi phải đi vòng vèo mà đâm ra có lợi. Người ta kiêu hãnh về cây cầu thẳng một cái tới đích – Tới đích rồi làm gì? Họ sẽ chẳng làm gì nữa cả, họ phải quay về với những điều vòng vèo mà cuộc đời chưa qua. Như thằng con tôi chẳng hạn, nó vâng lời mẹ ganh đua học ngày, học đêm để mà thành đạt như người. Nó chẳng muốn làm bất cứ việc gì trong nhà, để mà học! Mà cái hệ thống học đường của ta hình như là của mấy thằng điên điều hành! Càng có nhiều người học thì nó càng tăng chất lượng đề thi, cứ mỗi năm, mỗi khác, lũ trẻ gần như bỏ làm, bỏ ăn, bỏ luôn tuổi trẻ để mà ganh đua! Ở đây có một điều thú vị, học sinh ở ta đi thi quốc tế thì thường hay đạt giải thủ khoa - Nhưng chỉ thủ khoa thôi, còn thì chẳng biết dùng vào việc gì! Lũ trẻ qua cầu học vấn tới đích nấu cơm chẳng nổi, giặt áo chẳng xong, làm không ai thuê, yêu đương chẳng hiểu, nói chung cả cái tuổi trẻ coi như là mất tiêu. Toán học theo tôi nghĩ không bằng bát phở tái! Chung quy chỉ tại cái tính ngông cuồng của loài người làm khổ chính mình! Những đứa trẻ được uốn nắn đi thẳng tới đích phải quay lại mà tìm lấy cái nhục cảm tự nhiên của chính mình. Những đứa trẻ thiểu lực phải gánh trên vai mình cái đầu của nhà trí thức.
Lúc này tôi xin hỏi: Hỡi các nhà bác học! Thành tựu của các ngài có lớn hơn được hạt cơm không? Xin hãy lấy cân và đặt lên đĩa, một bên là hạt cơm, và một bên là kho tàng nguyên tử! Tôi cam đoan với ngài nhân loại sẽ chọn lấy hạt cơm mà đưa lên miệng.
Những đứa trẻ mệt mỏi về trí thức lang thang trong cõi sống – Kẻ đầu tiên mà nó hỏi thăm đó là vợ tôi! Người mẹ đã vội vã nhồi con trong đường ống, thổi nó tới ánh sáng, một con đường thẳng tuyệt đối như cái nòng súng mà bắn tới khoa học - Con học nhiều mệt mỏi để đấy em làm! Và lạy giời mọi cái bất hạnh nhất nhà tôi gánh lấy cả, còn lũ trẻ thì sao? Cái gì cũng mẹ, mà tại sao không là bố? Vì tôi là đồng minh của chúng! Tôi cũng bị người ta bắn đến tương lai. Viết tới đây tôi lại nhớ đến cha mẹ mình, các cụ xưa dạy con ăn ngay, ở lành, kính trên, nhường dưới. Ông tôi xưa, khi đã làm quan vẫn phải quỳ dưới sập mà nghe thày mẹ dạy bảo. Cao hơn gia đình có đạo Khổng, cao hơn nữa có đạo Lão và ở trên cùng có trời, có phật, có chúa Giêsu! Mà các đạo ở trên cứ hiền hòa làm sao, vô thưởng vô phạt nhưng con người nể kính! Theo tôi nghĩ, đời cần có đạo đã là một nỗi buồn! Khi đạo là đời đó là niềm vui.
Khi nhà tôi hiểu ra đường đi riêng của từng cõi sống thì đã muộn! Những đứa trẻ phải lăn lộn vào đời, sức chịu đựng không có, mánh lới điêu xảo cũng không. Chúng đau đớn vì quá sức, lại mò về mà dày vò cha mẹ. Theo tôi nghĩ nền giáo dục định hướng là nguy hiểm xiết bao! Thật là vớ vẩn. Khi những đứa trẻ chẳng còn móc máy gì được ở cha mẹ, chúng sẽ quay ra hận thù và ở đây một chu kỳ phân rã! Những người đẻ ra chúng lặng lẽ nhìn con mình xa dần, đó là một cõi sống không kế thừa mọi thứ đều bắt đầu từ họ! Không phật pháp, không chúa trời, không ông cha, tất cả đều chỉ là vớ vẩn. Mục đích lớn nhất đứng trước chúng là chinh phục, là thành công mà chung quy là tiền bạc, vì chúng nghĩ tiền bạc đẻ ra được tình cảm, xe hơi, nhà lầu! Người ta đánh giá nhân cách đạo đức bằng áo quần, xe cộ còn quả tim tình cảm chỉ là vớ vẩn! Con trai tôi có trong hàng ngũ quyết tử ấy.
- Ông bà cứ ngồi đấy mà xem!… Mà rõ đúng! Cha mẹ chỉ còn cách cứ ngồi đấy mà xem, chờ ngày lên nóc tủ. Cũng còn may, thời này người ta sống thật là tình cảm với người chết, một suất chết rõ thật linh đình, trống kèn rền rĩ, hoa vòng, hoa bó tùm lum, khói hương mù mịt, hồn người chết có lẽ phải chạy cho nhanh không thì chết ngạt. Họ xây thành, dựng quách mà đặt cha mẹ mình xuống đổ lên nóc một tấm bê tông, chẹn lên đầu một tảng đá có chữ, và các cụ cứ nằm im đấy, đừng có mà cựa quậy gì, hãy câm lặng mà nhìn chúng tôi sống! Thiểu lực thì chúng dùng mưu, dùng khoa học mà chúng đang có, chúng chẳng tin ai ở đời ngoài cái máy vi tính, cái khối sắt vô tình chỉ chứa đựng những thông tin và con số, đã làm cho khối đứa trẻ cận lòi mắt, ấy thế mà chúng vẫn làm! Con đường của chúng là vậy, lạnh lùng xét đoán, chuyên tâm vào công việc. Bằng đủ mọi toan tính, xảo trá mà đoạt lấy tương lai. Có tiền chúng cần thêm nữa, cho đến một ngày chúng thật nhiều tiền, để rồi chúng như con gà quay trên đĩa ngồi ngẫm sự đời! Tuổi thơ đã mất, tuổi trẻ đã qua, tuổi già đang tới.
Còn vợ chồng tôi thì sao? Mọi thứ lần lượt đã được định hướng! Chúng ta chết khổ hơn các cụ xưa thật nhiều! Cái chết của các cụ xưa nhẹ nhàng như sự chuyển tiếp, còn chúng ta nay thì sao? Nỗi day dứt về những đứa con mình nó sẽ để bố mẹ nằm đấy, chưa phát tang mà đi đòi nợ hộ các cụ và sau đó một đám tang linh đình trong nhiều ngày để mà chờ phong bì thập phương, bè bạn. Sau đó chúng sẽ kết xe hoa đưa bố, mẹ ra khỏi cõi đời! Một nấm mồ bê tông bề thế sau này đỡ phải đắp như các cụ ta xưa, rõ là văn minh có khác. Họ tiết kiệm thời gian đến quên cả mả cha, mả mẹ. Lâu lâu thăm viếng, họ sợ hãi cha mẹ có hồn nên cứ phân vua, lạy cha, lạy mẹ vì con bộn bề, vì con thất bát… Thế đấy, nền giáo dục định hướng là vậy! Những cỗ máy sống ở đời nhiều khi cứ ngẫm mà lại buồn cho nhà tôi vì nàng là người đàn bà khổ nhất. Tôi thì đã chán, đã mệt chẳng còn tin ông nào trên cõi đời này nữa vì ông nào thì cũng thế thôi chỉ còn có ông phật là tôi tin hơn cả, vì khi có đức phật trong lòng thì đỡ khổ, đỡ sợ cõi đời. Mà có lẽ đúng, cửa chùa, cửa phật, cửa nhà thờ cứ càng ngày, càng lắm người xưng tụng. Toàn những ông bà sang trọng, vòng vàng xuyến ngọc đeo mang đến lễ phật thì mới kinh! Có thể họ lễ nhiều nên phật cho lắm thì phải? Nhưng cũng lạ! Đức phật nghèo khổ cả đời đi khất thực bố thí đạo cho chúng sinh thì lấy đâu ra lắm của mà cho? Mấy ông sư nghe chừng cũng được nước như ông sư Nhã chùa Trấn Quốc chẳng hạn, cũng lên tới bậc kim cương tử. Không hiểu cái từ “Kim cương tử” có phải nghĩa là một viên kim cương rắn chắc đã chết mọi ham muốn, tỏa ánh hào quang phật pháp soi rọi cho mọi chúng sinh hay không? Tôi nghĩ nếu mà có cục kim cương to nặng đến tám mươi cân như ông thì quý lắm. Chẳng thế ông đến đâu cũng có một anh chàng mặc áo sơ vin cắp catáp, tay cầm ô mà che cho kim cương tử đỡ tỏa sáng. Nghe đâu ông còn vào hẳn nhà Quốc hội mà ngồi tụng kinh mấy khóa thì mới lạ, mà nếu nhà báo có phỏng vấn có lẽ ông sẽ trả lời “Phật dạy bần tăng như thế”, dứt khoát trong cái catáp của gã cầm ô chứa cái bát khất thực của ngài kim cương Nhã. Ngẫm cũng lạ! Đức phật – Ngài có bắt ai phải theo mình đâu, tùy tâm mà đến, tùy sức mà đi. Ngài vô sắc, vô tướng, ngài ở mọi chỗ trên cõi đời! Theo tôi nghĩ thế thì mới là đạo phật. Cứ nghe ông sư Nhã cầu hồn cho ông kim cương bố mà thấy lạ! Tiếng gào thét, thanh la phèng phèng ầm ĩ suốt mấy ngày đêm! Mà ông gào cái gì thì không ai hiểu! Cái thứ tiếng Phan của nhà phật thì ai mà hiểu được thế mà ông cứ gào, mà gào vào loa cho cả cõi đời này nghe thấy! Mà chắc ông chẳng hiểu, loa nói tiếng Việt người ta còn chẳng buồn nghe nữa là ông. Tôi chợt ngẫm khi đức phật ngồi đại định bốn chín ngày dưới gốc bồ đề mà nghe thấy loa sư Nhã chắc ngài khó mà đắc đạo, còn hồn ông kim cương bố chắc phải chạy bạt vía cho xa mà bỏ lại chùa cho ông kim cương nhỏ. Ở đời đã chết là hết chuyện nhưng theo tôi nghĩ vẫn chưa hết đâu! Tôi cứ nghĩ sau này khi vợ chồng tôi theo phật thì hai con mình nó có như ông cha xưa không? Anh em tôi nhường nhau từng tý, không lẽ chúng nó lại mang máy tính đặt giữa nhà mà làm trọng tài thì khổ.
Thế đấy! Mọi loài vật trên đời đều có đường đi của nó, chỉ có con người là khổ! Chồng chéo lên nhau mà sống, thử hỏi tính tự đại ấy có bằng con giun, con dế hay không?
Tháng 4 năm 2002