Người chăn chim
-
02.09.2012 15:23:17
Người chăn chim
Lão bàng hoàng đứng trước cái chậu cảnh tàn tạ nằm ở góc khuất cuối sân, cái chậu hoa rêu bám mốc meo, xin xỉn cái thứ màu xanh cổ đại. Trong chậu một thứ cây cảnh sù sì khẳng khiu có lẽ chả ai đoán định được đó là loài gì đang cố lay lắt mà sống, nó chỉ còn vài cái lá già lắm, nửa muốn rụng, nửa như cố gắng bám mà sống leo lắt trong cái thứ không gian thời gian lặng ngắt như vầy. Dù có cố đoán nó là loài thực vật gì... có lẽ cũng xin chịu. Vì nó già quá, cũ quá như chính cái góc sân gác hai nhơ nhớp, hoang tàn. Có lẽ chỉ có lão là biết đó là loài thực vật gì có tên tuổi đàng hoàng chứ không như chúng ta đang nghĩ. Nó vẫn sống... cứ nhìn mấy cái lá là đủ thấy... nó còn đang thở... Mà có lẽ nó đang cố thi gan cùng lão già xem ai sẽ là người tắt trước. Trên khoảng sân gác hai rách nát này đã từ lâu lắm chỉ còn tồn tại ba vật thể sống. Cứ kể hắn là một vật thể sống thứ nhất, ở góc sân sát cửa buồng là một cây đa lớn xoè tán xanh um, đó là vật sống thứ hai. Cây đa cũng già cỗi như lão như nó sù sì khoẻ khoắn siết bao, nó như một gã khổng lồ tham lam phè phỡn vươn lên, bỏ lại vạn vật muốn ra sao cũng mặc. Đã từ lâu lắm rồi, cảnh nhà lão như thế. Sự cô quạnh dường như được cô lại sền sệt như vật thể hữu hình và đời lão chìm nghỉm trong đó... người nhà cứ thưa dần đi rồi chỉ còn mình lão. Chuột bọ cũng chẳng thèm đếm xỉa đến nơi đây vì cái lẽ không còn gì mà kiếm chác, tất cả bỏ rơi lại lão như con ma tươi vất vưởng sống trong khung cảnh rã rời. Cứ hàng năm mùa cây đa có trái, chim chóc mò về kiếm mồi, trong lòng lão lại mừng như ngày hội, chúng nhảy nhót kén chọn từng trái đa chín xơi cho thoả thích rồi ríu rít bay đi, để lại cho lão trên nền sân lổn nhổn những trái đa chén dở... Nhưng lòng lão như ấm lại... đã có thời căn nhà này cũng như thế... trong căn buồng khách, chậu cây cảnh kia mềm mại xanh biếc lộc chồi hoà trong tiếng nói cười đầm ấm... rồi tất cả tan đi như cục vôi rã rời trong nước, mặc cho lòng lão sôi lên buồn thảm, sự chống rỗng, nỗi cô đơn... Trong phòng chỉ còn lão và cái chậu cảnh cuối mùa, từng chiếc lá cứ lặng tờ rơi trên nền nhà, đến một hôm trên cành chỉ còn sót lại một cánh lá... một cánh lá cuối cùng trong mùa thu năm ấy. Lão lặng lẽ khệ nệ bê cái chậu cây để khuất tận góc sân, cũng có thể lão không muốn nhìn thấy gì nữa... Không muốn nhìn thấy tất cả... Cả cõi đời, cả căn nhà, cây đa và cái chậu cảnh... lão như thấy tiếng cười nói đầm ấm còn phảng phất giữa vòm cây đa, còn thấm trong lòng chậu cảnh. Dĩ vãng là vạn vật của ngày hôm qua đang hiện diện trước mắt ta ngày hôm nay và cả bao chuyện đã biến đi chẳng còn hình hài nhưng vẫn để lại dáng dấp nỗi niềm trong lòng người ở lại.
Đã từ lâu lắm, hôm nay lão đi về góc sân ngó nhìn chậu cảnh, gốc cây xương cá sù sì vẫn âm thầm sống, nó chỉ còn vài chiếc lá xanh thẫm như nén lại cả cái màu xanh của không gian thời gian. Chợt lão lặng người... một ổ chim nhỏ bé nằm lọt thỏm giữa hai chạc cành. Hai cái đầu non nớt há mỏ vươn lên khỏi ổ... hai cái mỏ bé nhỏ cứ vươn lên như hớp vào không gian, như đòi gọi chim mẹ mau trở về mớm mồi cho chúng. Ông lão cứ đứng lặng như thế không biết bao lâu nữa, cái ổ chim, những cái mỏ như thôi miên ông đứng lặng không hồn... Chợt ông lão như người tỉnh mộng: Mình cứ đứng đây, chim mẹ có mà dám về... - Ông lẩm nhẩm tự nói với mình. Rón rén ông đi giật lùi, mắt không rời khỏi chậu cây. Ông ngồi phệt xuống hè và cứ thế âm thầm theo dõi. Có những lúc tận đáy sâu của nỗi cô đơn lại bừng lên ánh lửa. Sự hồi hộp đợi chờ, niềm hy vọng lại ánh lên với bao niềm xao xuyến. Trong nhà ông hôm nay có khách. Những vị khách nhỏ nhoi không mời, nhưng lòng ông ấm lại. Ông chia sẻ sự mong mỏi cùng hai chú chim non.
Không gian buổi chiều tĩnh lặng. Cái nắng vơi vớt run rẩy trên vòm lá đa một bóng tối mờ ảo như tràn ra từ ô cửa sổ. Ông lão như sực tỉnh: Loài chim nuôi con thoắt đi thoắt về... mà nay đã ba bốn tiếng - Ông tặc lưỡi: Phải cho hai vị khách chén gì cái đã - Nhẩm nghĩ: Trong nhà chỉ còn nửa bìa đậu ăn tối... Thôi cứ thử cho chúng ăn xem sao.
Ông với sang góc hè, hai cái nồi đen đủi méo mó đặt trên kiềng bếp, có lẽ đây là bộ đồ bếp duy nhất vừa là chạn vừa là bát vừa là nơi ủ ấp đói no cho một đời người. Ông với nồi cơm nguội dành ăn chiều, mở nắp, tay run run cầm đĩa đậu ăn dở. Tay véo một mảnh... Ông chợt nghĩ: “Cứ như thế này thì chúng chết nghẹn”. Một thoáng suy nghĩ: “Cứ thử bón ăn như lũ nhỏ nhà mình lúc xưa xem sao”. Ông đưa miếng đậu vào miệng dần cho nhỏ dập rồi nhả vào lòng bàn tay, đến bên tổ chim... Hai cái mỏ buồn bã, vô vọng cứ hớp vào không trung như lời hú gọi. Hai ngón tay run run, ông véo tí bột đậu... Không được rồi. To quá! Chút bột trên đầu ngón tay ông dù cố đến đâu vẫn là quá to so với hai cái mỏ chim nhỏ xíu. Ông đờ đẫn vì thất vọng và suy nghĩ... Chợt ông tặc lưỡi: Có lẽ là được. - Chạy đến bàn nước, với ống tăm, ông rút que tăm sều từng tí bột đậu, tay run run nhỏ từng giọt bột sền sệt vào hai cái mỏ non nớt đầy đói khát. Chúng như hớp lấy sự sống từ cái đầu tăm nhỏ bé. Cổ chúng cứ nghển lên như bấu víu lấy ông trong bóng chiều đổ sập. Những mảnh ánh sáng vụn vỡ cuối cùng như tan biến vào đêm, không gian cuối chiều lặng lặng trải dài như vô tận, có những lúc hạnh phúc ánh lên nhỏ bé chỉ bằng cái đầu tăm, nhưng nó đã thổi lên trong lòng ta biết bao là hy vọng. Nó dắt cõi đời đi qua từng thời khắc quạnh hiu. Xoa dịu trong ta nỗi đói khát tột cùng vô vọng. Bài ca ấy lại cất lên chiều nay, tại cái góc sân tăm tối kia, có lẽ chỉ có cây xương cá và gốc đa nhận thấy. Nó như nói với ông: Chúng tôi chưa già đâu, vẫn làm nên khối chuyện hỡi ông chủ! - Một niềm vui kỳ lạ đang sống dậy trong ông như mầm đa đang cựa mình thức dậy. Lợt gió hồ đang mày mò trong vòm lá, tiếng xào xạc, nhè nhẹ khúc ru ca.
Ông lặng lẽ vào nhà thắp cây nến, nhìn cái bóng đeo đẳng như nhà vắng thêm người. Ông luôn có cảm giác như thế... nỗi cô đơn nhiều lúc qua đi. Hôm nay, ông thấy vui hơn, trong căn nhà ông, sự sống lại trở về đâu đó... Dù rất mong manh nhưng nó lại trở về. Phải lo xong việc cái đã, mọi sự tính sau - Ông nhẩm nghĩ như thế. Lẳng lặng ra đầu hè với cái nón. Ông nhè nhẹ đậy lên cây xương cá. Có lẽ không ổn. Lấy chiếc áo lao động, ông khoác quanh chậu cây. Hai chú chim ngủ ngoẹo đầu quấn lấy nhau chập chờn trong ánh nến.
Ông lặng lẽ trở về với bữa cơm chiều đạm bạc.
Cả đêm ông mất ngủ, tuổi già nhiều khi như thế cứ lọ mọ với bao điều suy nghĩ vẩn vơ. Lúc lúc, ông lại mò ra quan sát ổ chim xem may ra mẹ nó lại về... Tiếp thêm cây nến phòng lũ chuột vãng lai hại chúng, rồi ông lại nằm... Ngày mai cho chúng ăn gì? Chẳng lẽ lại đậu! Phải làm sao cho tiện được cả mình lẫn hai chú chim. Người già sống qua thời bao cấp là vậy. Có lẽ ai ai cũng thế, lúc nào cũng có cảm giác đói khát và thèm muốn mọi thứ, nên vạn sự cứ phải lo toan. Mà giống đời càng lo toan thì lại càng nhỏ bé. Cứ luẩn quẩn với bát cơm manh áo rồi hết đời lúc nào chẳng hay. Đó là một cái thời kỳ lạ, tất cả cùng đói, cùng giành giật, vật lộn với nhau mà kiếm sống. Người nọ nghi hoặc người kia, nhà nọ nhòm ngó nhà kia mà tranh đấu. Ăn cũng phải giấu, mặc cũng phải lén, tranh nhau từng chỗ đứng trong đời. Mà kỳ lạ, tất cả đều như nhau, cùng nghèo, cùng đói thì mới chết! Tư sản và địa chủ đã chết ngỏm, của cải đã được chia bội... Cả cõi đời là của chúng ta sao vẫn phải giằng co, tranh đấu? Nỗi đói khát và lo sợ như một lớp bồ hóng bám trong hồn con người... Không thể khác được, cứ phải lo, lo cho ngày mai và chỉ ngày mai thôi cái đã và cứ thế từng chặng ngày mai ngăn ngắn đã nối thành đời lão ngày hôm nay. Lão gục ngã trong tuổi già cơ khổ. Cái nghèo đã đánh dạt lão ra bên lề cõi sống. Thời bao cấp rồi cũng qua nhưng nỗi khổ dường như tinh xảo hơn! Không gian, thời gian không còn là của lão nữa, lão là sự vướng víu cho hôm nay và ngày mai sự đời... Lão hiểu thế và lặng lẽ cô đơn ngắm nghía cõi sống. Cứ đứng bên ngoài mà thấm thía mọi sự trôi qua mà nghĩ ngợi, sự tàn khốc cứ lớn lên qua tháng qua năm, nỗi khổ nọ đè lên nỗi khổ kia mà vật lộn.
Lão lại về không như đêm nay, cô đơn trong căn phòng lạnh lẽo. Ngọn nến bập bùng leo lét hắt lên tường cái bóng nghiêng ngả xiêu vẹo đời người, nó nhún nhảy bồng bềnh như hồn ma từ cõi âm về báng nhạo trước đời người đang sống. Kể cũng hay, nó như thân xác tách ra để cho linh hồn ngắm nghía và có lẽ chợt lúc nào đó trong đời người ta thấy mình – thấy kiếp người tạm bợ đến làm sao... ngọn nến cứ lụi dần rồi tan biến vào đêm.
*
* *
Khi những tiếng trái đa rơi trên sân, ông lão đã biết một ngày mới lại tới, loài chim chóc bao giờ sự sống cũng mãnh liệt hơn loài người. Trên vòm đa lại nhẹ nhàng rung lên những thanh âm buổi sáng. Ông lão lật đật trở dậy với công việc hàng ngày. Trong chậu cây, hai chú chim non đang há miệng chờ ăn và cái công việc mớm mồi cho chúng chẳng còn là khó khăn nữa. Cứ lúc lúc ông lão lại ngước lên vòm đa tìm chim mẹ có trở về đâu đó.
Ngày hôm nay nhiều việc lắm đây - Ông nhẩm nghĩ trong đầu – Phải đi vay tiền mua hàng. Cứ nghĩ đến mà ái ngại. Vay thằng con giai thì ông còn dám... chứ vay người khác thì cũng xin chừa. Kẻ khó là sự bận bịu cho cõi sống, họ như những bóng ma vất vưởng trên đời, chẳng còn sức lực và thời gian để mà bứt phá, mà bật lên nữa. Cứ vừa đi trên phố ông lão vừa nghĩ về cái khó ở đời. Hàng tháng năm trăm nghìn thằng con trợ cấp chỉ đủ đóng tiền điện nước nên lão cứ phải còng lưng ra mà bào mà đục, bụi hít có lẽ đầy đến lưng lá phổi... nhưng vẫn phải làm thôi, làm để mà sống, mà chờ ngày tiến lên chủ nghĩa xã hội và dứt khoát ông sẽ được vào viện dưỡng lão, thoát khỏi mọi lo toan ở đời. Cứ ngẫm mà khổ... tuổi trẻ lo ăn cho cả nhà, nào cơm áo gạo tiền nhà cửa, khi về già con cái thoát ly thì lại lo cho chính cái thân mình. Ông lão thở dài... về cái món nợ thân xác, cỗ xe đời ông mòn mỏi lắm rồi. Lao phổi đến mấy lần mà vẫn qua khỏi. Ngẫm cũng lạ... đời cơ khổ sao lại sống dai dẳng thế, cứ vài lọ kháng sinh, dăm ba ngày thuốc uống là con bệnh cứ nhẹ dần rồi qua đi, cũng có thể giời để mắt mà thương cho kẻ khó... có lẽ là thế nên cõi sống vẫn còn đầy dẫy những kiếp người như họ vất vưởng trên đời và có thể họ sống để mà chờ cái ngày nước nhà mọc lên cái nhà dưỡng lão mà tế bần cho đồng loại.
Ông lão như người tỉnh ngủ, dừng chân trước cửa hàng bia hơi đầu phố. Cũng có thể thói quen là thế. Tuổi già một thân một mình buồn lắm. Cái không khí huyên náo ở đây như khuấy lên trong óc ông cái sự sống hỗn độn một thời, nhưng hôm nay thì không phải, ông lão ngó vào quán tìm cô bé bán kẹo cao su. Ông quen nó đến cả tháng nay. Con bé trông đến ngộ, nó gầy quá, mảnh khảnh đến nỗi nhiều khi ông nghĩ: “Liệu con bé có sống nổi qua mùa đông này không”. Con bé độ lên năm lên sáu, mà cũng thật khó đoán, nỗi nghèo khó nhiều khi làm cho đời người biến dạng, nhưng trong đôi mắt nó vẫn ánh lên cái vẻ đẹp ngây thơ ngồ ngộ thật khó quên. Nó lớn hơn cháu gái lão một tí và có thể nỗi nhớ nhung cháu đã khơi dậy trong ông lão tình cảm ấy.
Nó lặng lẽ đứng trước bàn, tay run run cầm hộp kẹo. Cửa hàng của nó bé tí tẹo, chỉ là một cái hộp giấy, to như cái hộp đựng phấn, vài phong kẹo cao su màu xanh màu đỏ đủ loại. “Ông ơi mua cho cháu phong kẹo...” – Ở tận đáy mắt nó như đốt lên ngọn lửa yếu ớt của lời cầu khấn nài xin, người ta chưa thấy được thì nó cứ tần ngần đứng đó. Nó đứng như một sự bỡn cợt cõi đời này, như muốn nói với ông lão: “Ông ơi đừng uống nữa, hãy nhìn đi...”, và ông lão thấy nó, một vại bia giá sáu nghìn, một phong kẹo giá năm nghìn, một bên uống cho say để mà quên đi tất cả và một bên bán kẹo để sống mà đi qua cõi đời này. Trong đầu ông lão chợt loé lên cái dáng dấp hình hài của một thời mê muội, một sự bắt đầu đang quằn quại mọc lên bên một sự lụi tàn đang tìm về cát bụi, có những lúc sự sống bắt linh hồn ta nhìn lại tất cả... Đứa cháu ông no đủ chẳng cần biết đến ai ngoài sở thích chính mình và ở đây con bé kia đang cầu xin tất cả... bao bộ mặt đỏ gay nâng vại lên, đặt vại xuống cứ như thế hai lần một cốc, không khí quán xá hừng hực cựa mình, nó cứ sôi lên trong buổi chiều lặng gió. Người đi kẻ đến cứ nườm nượp sóng cồn và đời con bé như lọt thỏm trong đại dương của cõi đời cuồng nhiệt. Nó cứ đứng đó âm thầm nài nỉ... “Lại gần đây cô bé, ông cho cháu năm nghìn ăn quà”. Nó lặng lẽ lắc đầu. “Cứ lấy đi cháu... ông tặng cháu cơ mà”. “Con bé này buồn cười lắm bác ạ! Mọi người cho, nó chẳng lấy của ai” – Cô nhân viên nhí nhảnh giới thiệu đôi lời về tính nết kỳ lạ của con bé. “Vậy thì ông có lời đề nghị thế này, ông muốn mua một trăm nghìn tiền kẹo của cháu...”. Mắt con bé sáng lên đầy hy vọng. “Nhà ông đông người lắm... mà mua ngay thì không đủ tiền, nếu ông cứ đặt trước cháu mỗi ngày năm nghìn, đến khi đủ một trăm nghìn thì ông lấy kẹo... và bắt đầu từ ngày mai, ngày nào cháu cũng qua cho ông trả tiền kẹo”. Ông đặt vào tay nó tờ năm nghìn như trao cho nó cả tấm lòng cơ khổ... Và từ hôm đó ông lão và cô bé như đôi bạn.
Rõ lẩn thẩn! Ông lão quay đầu. Có nhiều khi người ta đi về trong không tưởng. Con đường phải đến rất ngắn thôi, nhưng nhiều khi trải dài là thế, người ta phải đi trọn một kiếp người để đến một mảnh đất hai mét vuông và nằm xuống... hai mét vuông luôn luôn nằm ở trước cuộc đời mà ta vẫn phải đi vòng vo để mà về đến đó, sự kỳ quái xưa nay là thế và vạn sự vẫn vậy, nó như kim đồng hồ nhúc nhắc quay, như bước chân người lặng tờ vô định, ta đi đâu trên đoạn đường kia. Có lẽ mọi toan tính của người già là như thế. Thời gian của họ như ngắn lại, mạch lạc hơn và đầy suy ngẫm, nhưng suy ngẫm cũng chỉ thế thôi, nó như bộ xương cá gỡ hết thịt chỉ còn trơ bộ gọng... Ngẩn ngơ như một đài tưởng niệm trên đời, và người già đối diện nhìn thẳng xuống đất, nơi dưới bàn chân mình, cái nơi kết thúc của vạn sự đời người.
Kẻ đi vay xưa nay là người mắc nợ, người mắc nợ là kẻ đi vay. Dù ngược hay xuôi vẫn chi chi là thế. Có một thứ vô hình luôn luôn bồng bềnh trôi nổi trước cõi sống, nó như một tảng băng hà luôn luôn hù doạ mà nhấn chìm tất cả, có lẽ đó là sự đói khát, đói khát tất cả mọi thứ từ linh hồn đến thể xác, nỗi đói khát không chừa một ai, từ người lớn đến trẻ nhỏ cũng vậy, tất tật đều như nhau, cùng thèm khát mọi thứ trên đời, người ta vật vã tranh giành mà kiếm sống. Sự thèm muốn no đủ như tranh vẽ treo tường, nó giống như câu khẩu hiệu cứ treo lên lại bạc màu rồi năm sau người ta lại dựng lên cái mới: “Tất cả vì tương lai con em chúng ta”. Nó chẳng khác chi câu nam mô a di đà phật. Cả loài người cứ tưởng niệm mà có thấm gì đâu, cả nước Nam này sống bằng khẩu hiệu và bao thứ băng-giôn lảm nhảm không làm mà cứ nói. Già hơn nói phét là lừa đảo và cứ thế chúng ta là người An Nam. Thân xác là cái bình chứa đựng vật chất và tinh thần, vật chất là hữu hình nuôi thân xác, tinh thần là vô hình nuôi linh hồn. Tất cả dường như đang chứa đựng trong đôi mắt kia - đôi mắt to tròn, mơ hồ khát thèm sự sống, nó cứ hiện lên lung linh trong đầu ông lão. “Tí nữa quay về phải ngồi làm một cốc” - Ông lão nghĩ thế rồi lặng lẽ quay đi.
“Có việc gì thế bố?”. “Ông đã đỡ chưa? Con Cún nó cứ nhắc là ông đang ốm”. “Ổn cả rồi con ạ” - Một thoáng nghĩ trong đầu: “Ta phải làm như thế thì lũ trẻ mới tin ta còn làm được”. “Anh thấy tôi đi bộ một mạch từ nhà ra đây... Cửa hàng dạo này thế nào?” - Ông lão ngước nhìn bảy tầng lầu cao như cố tìm cho mình câu trả lời nào đó. “Bố tính, khách vắng như ma, toàn công an với phòng thuế, rồi lại nhân viên đánh nhau, chuyện gì cũng là tiền bố ạ... Lại sắp mùa đông, bố tính... liệu có trả đủ tiền thuê nhà không con cũng chưa rõ...”. Ông lão lặng lẽ ngồi xuống chiếc ghế mây đặt trước cửa hàng, hai dòng người nườm nượp trôi qua... những tiếng chào mời níu kéo khách vào hàng uống nước. Tiếng lõng bõng của những giọt trà đang trôi vào lòng chén, hai điếu thuốc trơ trọi trên đĩa, cái hộp diêm nửa khép nửa hở quẳng góc bàn. Ông lão thở dài ngao ngán. Ừ, đã cất công ra đến nơi thì cứ nói: “Bố có chút việc cần bàn với con... Câu chuyện là thế này, bố mới tìm mua được một cặp loa cũ nhưng còn tốt lắm, giá sáu triệu, khách hàng đồng ý mua lại gấp rưỡi mà bố kẹt mới chỉ lo được hai triệu, con cho bố vay một hai ngày, giao hàng cho khách xong bố hoàn trả”. Gương mặt con ông sa sầm và đanh lại: “Con phải nói luôn với bố, nếu bố ốm thì mấy triệu con cũng lo, còn về việc làm ăn thì bố phải tự lo, muốn sống mà làm việc thì bố phải có đầu tư”.
Có những lúc con người ta cô đơn đến thế, múi chanh đã vắt hết nước rồi không còn đáng kể. Ông lão lặng lẽ nhìn đứa con mình - đứa con mà cả kiếp người ông đã sống để dựng xây nên nó ngày hôm nay rồi quá vãng... Sự sống cứ chồi lên mà xoa dấu đi tất cả biết bao điều cơ khổ. Họ không còn thấy ở dưới bùn kia, ở mãi sâu tận đáy vẫn có người đang sống. Đó là hai khung trời sống trong cùng một cõi, cái nọ không thừa nhận cái kia và họ cứ xa dần nhau trên cùng một con đường. Có lẽ ở đây thuyết tiến hoá đang mỉm cười nhìn họ. Loài người – thứ sản phẩm tột đỉnh mà tạo hoá sinh ra có những lúc phải âm thầm nhỏ lệ.
Cho bác một cốc - Ông lão như tự nói với mình vì lúc này gần trưa khách hàng đông lắm. “Của bố đây” – Cô gái niềm nở đặt trước bàn một cốc bia tràn đầy, sủi bọt. Có lẽ vì ông là khách quen nên mọi người phục vụ ai cũng nhớ. “Cảm ơn cháu”... Rồi ông lại đắm trong suy nghĩ, ông như kẻ lạc lõng trong cả một đại dương tiếng người, vạn vật đang xô đẩy, lay chuyển về muôn hướng, nỗi cô đơn bỗng nhỏ bé đến làm sao! Không nơi nương tựa, chẳng người bấu víu... và có lẽ khi tuổi già ta mới nhìn thấy được. Lòng chợt nghĩ: “Ta là ai? Ta đang trôi về đâu?”. Ông ơi! – Cô bé bán kẹo tần ngần đứng trước bàn, tay khư khư ôm hộp kẹo. Nó chỉ gọi thế thôi rồi tần ngần lặng lẽ. Đôi mắt nó hiền khô nhìn ông, gương mặt nó lặng tờ như thấm được những nỗi đau trong lòng của một người xa lạ mà nó thường cảm mến. “Lại gần đây, ông đang nghèo nên mấy ngày chưa có tiền giả cháu". "Ông ốm hả?”. “Ừ, ông đang ốm”. “Ông có cần tiền không?” – Gương mặt nó quả quyết nhìn lên. Nó đang muốn làm việc gì đó mà nó cảm thấy phải thế... "Ông có cần chứ, ai mà chẳng thế, phải có tiền để sống". Nó sát lại gần ông hơn: “Cháu cho ông vay”... Mấy cô nhân viên nhìn nó cười ngặt nghẽo... nhưng nó chẳng cần biết. Ông già và nó như đang chìm vào tận đáy hồn nhau và họ lặng lẽ tìm đến nhau trong thấm đậm cô đơn cuộc đời. Nó lần tất cả mọi túi... những đồng tiền nhàu nát đặt lên bàn và nó bắt đầu đếm. Bàn tay nhỏ cáu bẩn lần giở từng đồng tiền nhàu nát cho phẳng lại: “Ông ơi, cháu có năm mươi nghìn, cháu cho ông vay”... Nó giúi vào tay ông chẳng đắn đo, với ánh nhìn tin cậy. Gương mặt nó xanh xao, những mạch máu non nớt thoáng gằn trên gò má. Ông lão cầm chặt tay nó như cố dồn xuống bao điều đang thổn thức... Một thoáng nghĩ trong lòng: “Cõi đời này còn chưa vắng... chưa vắng những kiếp người có tấm lòng hướng thiện”. Mọi người nhìn họ nhưng họ chẳng thấy ai. Thời gian như chậm lại, trùng xuống cho không gian ngừng trôi... Cái khoảnh khắc kỳ ảo trong cõi đời bỗng hiện lên bồng bềnh ánh hào quang tràn qua cõi sống. Ông lão ôm ghì nó vào lòng và những giọt nước mắt nóng bỏng trào trên gò má héo khô... Có những lúc kiếp người bỗng ngập đầy hạnh phúc, dù rất nhỏ bé thôi nhưng đó là hy vọng – hy vọng để cho người ta sống đến những ngày mai... những ngày mai nổi trôi có thể là vô định. Bài ca ấy không thể nào thiếu trong cõi đời này... cho từng thời khắc sống... nó như ngọn gió, hơi thở lan từ cuộc đời này sang bao cuộc đời khác, đốt nóng lên những bếp lửa đời người mà thời gian vùi dập dường như đang tắt nguội, tất cả chừng như lắng xuống, chìm đi trong suy nghĩ...
“Ông đùa cháu đấy” – Lời ông lão như nghẹn lại: “Người lớn bao giờ cũng phải có tiền để sống. Hôm nay ông hoàn toàn khỏi ốm và lại đi uống bia bình thường... mà ông phải ra trả cháu tiền kẹo cơ mà... đã ba ngày cộng với ngày hôm nay là bốn, còn hai ngày nữa là đủ một trăm, hôm ấy ông sẽ lấy kẹo”. Mắt con bé tươi hẳn lên vì ngày mai vẫn đẹp như mọi ngày hằng sống.
Định ra phố một lúc mà về đến nhà đã quá trưa. Ông lão như ân hận đến với lũ chim. “Tao đã về đây. Chắc đói mèm rồi còn gì” – Tay với con dao, ông dần mẩu thịt nạc cho giừ nhỏ xều cho chúng ăn. Hai cái mỏ non nớt cố vươn lên như lần tìm sự sống và niềm vui đâu đó đang len lỏi trong trái tim ông. Trưa hè vắng lặng, thỉnh thoảng chỉ còn những bước chân chim lần giở trên vòm đa còn thức. Trưa nay, trong căn nhà vắng lặng lòng ông thấy vui. Cây đa dường như xanh hơn và căn nhà dường như ấm lại. Ông lão có thứ để mà lo mà nhớ, một niềm vui le lói nhẹ nhàng khơi dậy... Ông lấy chiếc giỏ nhỏ, xưa là cái lẵng hoa của cháu, nhẹ nhàng đặt ổ chim vào đó. Ổ chim mới trông rõ xinh xắn. “Thôi nhé, ta cho các con về nhà mới” - Ông treo giỏ chim lên cành đa sà trước cửa buồng: “Có lẽ thế này... chẳng chuột bọ nào làm gì nổi”. Ông lặng lẽ ngồi đầu hè mà toan tính cho tương lai ngày mai của đôi chim nhỏ. Sự sống trong ông lại thức dậy với những lo toan hằng ngày, không còn đơn giản nữa... những bận bịu nho nhỏ như bao đường tơ nhện giăng lên mỏng manh trong đầu... nỗi cô đơn còn phảng phất đâu đây, trong căn nhà này, những đứa con ông đang trôi về đâu... khi hạnh phúc hiện lên, người ta hay tìm về quá khứ. Có lẽ cái miền gốc rễ ấy là hiện sinh ngày hôm nay cuộc đời. Cái giỏ chim nhỏ nhoi kia là một niềm hy vọng đưa ông về quá khứ. Sự nhạt nhẽo của ngày hôm nay như đè ông xuống nơi đây – trong căn nhà này ngập đầy vắng lặng. Chân lý ngày hôm qua đã chết. Xin mọi người hãy sống với hôm nay – Cũng có lẽ là vậy - Ông nghĩ thế – Tất cả đều vội vã sống và tích góp, cõi sống dường như muộn lắm rồi. Mọi người cứ phải chen lấn xô đẩy mà lên toa tầu ngày hôm nay kẻo lỡ. Họ bỏ mặc tất cả mà sấn tới một cái gì chẳng ai biết đó là thứ quỷ quái gì ở đời. Cũng có thể chân lý là vậy – Chân lý của hôm nay khác ngày hôm qua và quá vãng... Ông như kẻ lỡ tầu ngồi lại trên sân ga lạnh lẽo hay chăng chính đó là bài ca giành cho tuổi già - hãy ngồi đấy để mà làm cội rễ. Ông nhìn lên vòm đa xanh um... Không hiểu sao hôm nay vòm cây xanh thế. Cái màu xanh không muộn phiền trong cõi đời ảm đạm, những mặt người cứ hiện lên trong trái tim ông rồi lặng tắt trong bóng chiều lằng lặng.
Ông ốm bê bết hai hôm... cái bệnh lao phổi luôn xung khắc với sự thay đổi thời tiết. Trong đêm, tiếng ho khan trầm mặc như tiếng gõ cửa nhà xác, cái tiếng ho rút ruột rút gan như tiếng gọi chính mình, cây nến trên bàn hờ hững toả sáng như nói với ông: “Không sao đâu... lão còn chưa chết”. Cũng có thể cây nến sinh ra là vậy... nó như hiện sinh một sự sống mà ta đang tồn tại và có lẽ đó là tất cả - ta còn chút nóng của trời và ta còn hy vọng. Để rồi một ngày mới lại sáng lên, những tia nắng nồng nàn ánh xanh lung linh trên vòm lá. Những người mắc bệnh phổi chỉ hồi lại khi tiết trời ấm áp, cơ thể họ như dựa hẳn vào trời. Mà cũng phải, các cụ xưa có câu: “Ba mươi biết đời và năm mươi biết trời” – nghĩ mà rõ phải. Trên bàn chỏng chơ mấy cái bát chứa trong lòng đểnh đoảng mấy thìa cháo nguội. Cây nến đêm qua đã tan biết chỉ còn một vũng nhoè nhoẹt góc bàn, mọi thứ chỉ còn thế cho một ngày đang lên. Ông lão lặng lẽ đến với lũ chim, những cái mỏ há hoác như lời chào buổi sáng. Ông vui lắm vì dường như lũ chim lớn lên từng ngày. Tay ông run run, khó khắn lắm mấy hạt cháo nguội mới lọt vào mỏ chúng. “Khổ thân chúng mày, từ hôm qua tinh những là cháo, người ăn cháo, chim ăn cháo” - Ông chép miệng xót xa cho thân phận chúng...
Khoác áo ấm, ông lặng lẽ ra phố. Người già cứ phải cố mà vận động may chăng mới khoẻ... Đi lúc thấm mệt lại đứng nghỉ, rồi lại cố mà đi. Nó như cuộc thách đấu giữa linh hồn và thể xác. Cái nọ là động cơ cho cái kia bật dậy, chỉ có họ với họ trong đời. Họ thấm hiểu thời gian đã qua và hiện tại, tất cả dường như đang đối chọi nhau trong từng thời khắc, vẻ đẹp ngày hôm qua là nỗi xấu xí của ngày hôm nay và ngược lại. Có một thứ lôgíc quái đản cứ ngạo nghễ trên đời mà tạo thành chân lý. Nó chẳng phải quy luật của tạo hoá... Nó là một thứ quy luật của ngày hôm nay cõi sống... Nó quay tít như cỗ xe máy đang phóng trơn tuột trên đường, trâng tráo chẳng buồn nhìn ngó lại và có thể nó chỉ dừng khi đâm phải ai đó và chấm dứt... Có lẽ cõi đời là thế, quá khứ đã cũ - Ông đã cũ quá trong cõi đời này. Tất cả mọi thứ kinh điển đều đã cũ trong dòng thời gian thực tại. Chỉ có thực tại là đáng giá cho cõi đời lăn xả. Ông sống chẳng ai buồn thấy, ông nói chẳng ai buồn nghe và thế đấy hãy tự hiểu mà thu xếp...
Ngày thu cứ chầm chậm trôi đi, lợt nắng non trải êm trên hàng phố. Ông lão cứ bồng bềnh trôi trên con phố thưa người, thỉnh thoảng tiếng động cơ xe máy xẹt qua như lay ông tỉnh lại. Ngẫm cũng lạ, nhiều khi tâm không định nhưng bàn chân lại dẫn họ đến và có lẽ đó là bài ca mù loà của thân xác dẫn dắt linh hồn họ đi... Ông lặng lẽ bước vào quán. Vẫn cái góc ấy, cái bàn này, ông mệt mỏi ngồi xuống và lặng lẽ... quán bia vắng tanh, có thể vì cái lạnh đầu mùa đã làm nêm như vậy. Mấy dãy bàn ghế ngay ngắn im phăng phắc như đài tưởng niệm... “Con chào bố” – Cô chủ nhỏ tươi cười như hiện lên trước bàn ông lão: “Cái Hải nó gửi kẹo trả bố đây”. Ngơ ngác ông còn chưa hiểu, cô gái trịnh trọng đặt trước bàn ông cái hôm bìa cát-tông quen thuộc mà hàng ngày ông thường thấy ở đây, trên bàn tay con bé. “Nó không đi bán kẹo nữa bố ạ. Trông con bé ốm lắm. Chiều qua nó rẽ lại đây nhờ con trả bố hộ nó một trăm nghìn tiền kẹo”. “Mình đã trả đủ tiền đâu” – Một thoáng nghĩ trong đầu, ông lão như bị thôi miên. Cái hộp cát-tông cáu bẩn mòn nhẵn vì mô hôi và thời gian bên trong còn đầy ắp những vỉ kẹo xanh đỏ các màu. Con bé đang ở đâu? Hộp kẹo còn nguyên vẹn thế này. Trời thì đang rét lắm. Hình ảnh nhỏ bé còm cõi vì đói rét chợt hiện lên trong đầu ông lão. Nó như thấm vào hồn ông cái bóng dáng nhỏ nhoi ấy, và vĩnh viễn ở lại đấy – trong linh hồn ông với mênh mông một nỗi buồn không tưởng. Ông như nhìn thấy nó co ro lạnh và đói khát ở một nơi nào đó trong trời, hay trên một toa tàu đằng đẵng trải dài về vô tận. Cách đây hai ngày nó có năm mươi nghìn và sẽ ra sao cho những ngày còn lại. Sự trống rỗng cứ khơi lên mà chùm lấp đi tất cả. Linh hồn ông như chìm trong nó, chẳng biết là bao lâu nữa... Cái trạng thái vô định cho đời người, vô định cho cõi đời, tất cả bỗng trở thành không tưởng. Sự vật lộn sinh ra để giành cho tất cả mọi sinh linh. Khi đã đến và sống trong cõi đời này đều phải thế... phải tranh đấu giành giật để mà sống. Có lẽ đó là chân lý ở đời trong một thời đang nguội. Đứa trẻ ý thức được sự tồn tại của mình và ông già cũng vậy. Chẳng cần ai bảo, họ tự tìm cho mình một chỗ đứng, dù nhỏ bé lắm chỉ bằng cái đầu kim chẳng hạn... nhưng đó là chỗ đứng. Ông cứ miên man trong suy nghĩ như thế, chẳng biết đã bao lâu, khi sực tỉnh vại bia trên bàn đã trở nên đắng ngắt. Bên ông vẫn cô chủ nhỏ lặng lẽ ngồi, có lẽ cô đang thấm nỗi buồn trong linh hồn ông. “Cháu tên gì?” - Ông hỏi cô gái. “Cháu là Tạ Thu Hằng, quê ở Thái Nguyên. Bố để con đổi vại mới” – Và cô lặng lẽ vút đi.
Ông bâng khuâng rời khỏi quán như người mộng du. Cứ bồng bềnh như thế trên con đường ven hồ, cái rét đầu mùa sẽ lạnh, dãy phố mới trầm tư khép cửa như những pháo đài nín lặng hững hờ, chừng như tất cả đang chìm vào quên lãng và dứt khoát là thế... Trong cõi đời nay mấy ai để ý đến ai, họ đang chầy chật sống cho mình còn chưa đủ. Cái cảm giác thiếu mọi thứ luôn đeo đẳng gia đình họ. Căn nhà có thể rất đẹp và nhiều tầng đang cầm tù những kiếp người lúc nào cũng thấy mình là thiếu – thiếu, thiếu quá chẳng bao giờ là đủ, đó là một cõi sống chẳng còn sự cân bằng cán cân, cái hữu hình luôn đè nặng lên cõi sống và nhấn chìm tất cả.
Rồi ông cũng về đến nơi – căn nhà của mình. Những bậc cầu thang lát sỏi, cây đa sừng sững như người bạn đứng đợi ông trở về. Mọi thứ dường như đang đổi khác đi – dứt khoát là thế. Trong giỏ, hai chú chim non nghển cổ, mỏ há hoác đang đợi ông về. Để hộp kẹo đầu giường, ông vội vã lo cho chúng ăn... Lũ chim như bén hơi người cứ nháo nhác tìm ông đòi che chở. Có những lúc con người và loài vật hoà đồng với nhau chẳng còn khoảng cách, loài nọ dựa vào loài kia mà sống. Thế giới đại đồng của nhà Phật đang thu nhỏ ở nơi đây – dưới vòm đa và mảnh sân lở lói này...
Ông chìm trong giấc ngủ – một giấc ngủ mà tiềm thức còn đang sống, tất cả như đang sống dậy từ ngôi mồ năm tháng. Những gương mặt thân thương, bao trầy trật đời người, nỗi mất mát, sự mỏi mòn mong đợi. Cả dĩ vãng như đè ông xuống, lôi ông đi – lôi ông ra khỏi cõi đời này muôn thuở. Ông bàng hoàng tỉnh dậy, tiếng cháu gọi ông “Mình ơi!” – Hai ông cháu xưa nay vẫn thế, đôi tay nhỏ bé vuốt trên chán ông bê bết mồ hôi. “Mình ơi! Người ông ướt sũng. Ông khỏi chưa?”. “Dứt khoát là ông khỏi rồi con ạ!” - Ông ôm chặt nó vào lòng và thế là hạnh phúc. “Có người gửi tặng con thứ này đây” - Ông chậm rãi giở hộp kẹo. Mắt con bé to tròn sáng lên vì vui thích. “Ông cho con chọn một vỉ”. “Của con tất” – Con bé sung sướng phụng phịu đòi. “Phải để giành, người ta dặn ông thế” - Ông lão lặng lẽ quay đi che giấu một nỗi buồn khơi dậy: “Con phải ngoan, còn một món quà nữa, nhưng phải hứa là không được đòi vì con nghịch thì nó không chơi với con nữa”. Mắt con bé ngơ ngác vì sung sướng. “Ông hỏi con, ai đưa con về với ông?”. “Bố đón con về”. “Thế bố đâu?”. “Bố ra cửa hàng rồi ông ạ! Ông mình ơi! Còn quà nữa cho con đâu?”. Vòng tay nhỏ ôm lấy cổ ông trìu mến: “À này ông mình hỏi cún, con quân ai?”. “Con quân ông mình”. “Thế thì được” - Ông dắt nó ra đầu hè nhẹ nhàng đặt chiếc giỏ xuống bên hè. Trong giỏ hai chú chim cổ nghển cao như chào mời, đón đợi. Mắt con bé sáng lên vì thích thú. Nó cứ ngồi như thế chẳng biết bao lâu nữa. Hai chú chim trong giỏ như thôi miên nó, từng động thái nhỏ yếu ớt như gửi gắm trong tấm lòng thơ ngây. Cứ lúc lúc nó lại gọi ông cho chim ăn và cứ thế cả ngày hai ông cháu quây quần bên tổ hai chú chim. Có những lúc người già như thấm đượm vẻ đẹp thuần khiết trẻ thơ mà họ không còn nữa, nó như vực ta lên trong bao tháng ngày còn lại. Những đôi mắt, tấm lòng tràn ngập yêu thương và nhân ái, nó óng như tia sáng trong trời sưởi nóng lên những nỗi niềm đau khổ.
Mùa đông bình minh như dậy muộn, những lạt sương còn đóng váng trên vòm cây kẽ lá, thiên nhiên như chìm xuống tĩnh lặng vô cùng nhưng sự sống vẫn khẽ khàng thức dậy. Dường như cõi sống đang nửa tỉnh nửa mơ. Xa xa, Hồ Tây nhạt nhoà trong sương sáng, chỉ có tiếng sóng nhẹ lắm mơ hồ vọng lại. Sự sống xưa nay có lẽ là thế, thật mơ hồ mà tồn tại, nhiều khi ta chợt thấy như mất như còn. Song buổi sáng vẫn là buổi sáng. Ông lão vẫn dậy khi bình mình còn chưa thức, người già đón đợi một ngày mới như vậy – với những âm ba khởi nguồn còn chưa thấy. Họ ý thức se sắt cho từng ngày, cũng có thể họ nhìn thấy nó... thời gian như cái thước căng ra cho một thời và dài ngắn cho đời người được sống. Ông lão đến bên ổ chim, hai chú chim đậu trên vành giỏ, nó nhận biết được chủ của mình, hai cái đầu nhú mào nghiêng ngó như đòi hỏi vòi vĩnh. Nó lớn rõ nhanh, đôi cánh non nớt đã nâng được nó loanh quanh trên mảnh sân. Suốt ngày nó luẩn quẩn bên ông chẳng dời một khắc. Cứ lúc lúc lại ăn nên ông lão luôn bận bịu với niềm hạnh phúc nhỏ nhoi mà thiên nhiên ban tặng. Cứ từng mẩu thịt nhỏ trên đầu tăm là chúng sà lên tay ông mà đánh chén. Thời gian cứ nhẹ nhõm trôi đi mang theo từng ngày sống. Đêm đêm ông mong về ngày mới – một ngày mới ở đó ông tìm được niềm vui mà thiên nhiên trao tặng. Mọi nỗi cô đơn như tìm đến với nhau mà chia sẻ gánh chịu.
Rồi một sáng tinh mơ khi những tiếng vỗ cánh nô đùa trên vòm đa lay ông tỉnh giấc. Không phải mùa có trái nhưng lũ chim xưa nay vẫn thế, chúng trở lại với vòm cây xanh um nơi đã giành cho chúng những mùa sai trĩu quả, ông bật dậy khỏi giường, đứng trên hè lặng lẽ ngắm nhìn đàn chim đang giỡn đùa trên vòm cây xanh biếc. Những chú chào mào đuôi sè như chẻ quạt ánh sắc đen đỏ mượt mà, có những con sa xuống bàn nước ngơ ngác nhìn ông rồi lại vút bay đi. Hai chú chim non như hoà tan trong vẻ đẹp lộng lẫy ấy, lúc ẩn lúc hiện, khi sà xuống vành ổ rồi vội vã bay đi. Chúng nô giỡn đến quên cả ăn, chúng vui cho thoả thích. Trên vòm đa những thanh âm cất lên như bản hoà tấu kỳ lạ có lẽ không mấy ai ở đời thấy mà nghe được. Ông lão cứ đứng đó ngây ngất mà hoà đồng trong thiên nhiên buổi sáng, tới gần trưa đàn chim như cơn lốc vỗ cánh bay đi, trên sân không có những trái đa rụng, chỉ có ông nhìn theo với vô vàn nỗi nhớ. Hai chú chim nhỏ cuốn hút theo đàn. Qua trưa rồi chiều, ông lão cứ lặng lẽ chờ đợi, những mảnh thịt trong tách nhỏ treo ở rìa ổ, kiến leo đến tha đi, ông lão lặng lẽ thay mồi mới. “Chúng còn nhỏ quá, liệu có kiếm được mà ăn” – Ông lão cứ day dứt như vậy. Đêm đến ông nằm mơ về nó, sáng sáng ông nhìn ngó đợi chờ, cái giỏ chim bâng khuâng như niềm hy vọng, vòm đa xanh ngắt như nỗi đợi chờ, tháng năm thì vẫn vậy nhưng ở trong nó chứa chất biết bao nhiêu hy vọng và khổ đau nhưng vĩnh viễn người ta vẫn đợi chờ và hy vọng. Vòm đa chừng như xanh hơn, hứa hẹn một mùa ra trái, chiếc ổ chim vẫn treo ở đầu hè. Cây xương cá thức dậy những lộc non. Ông khệ nệ bê chậu cây đặt ở giữa phòng nơi ngày xưa cả nhà cùng ngắm. Một ngày mới lại bắt đầu với những tia nắng non vời vợi.
Sinh nhật 23-12-2008