Người về hưu
Tặng nhà giáo Vương Thị Phương
Ngày hôm nay ông cảm thấy mệt nhiều! Cái ánh sáng đầu ngày còn tươi chênh chếch lùa qua ô cửa, căn buồng như bừng thức dậy, vài ba thứ đồ cũ kĩ cũng rõ thêm lên như cựa mình muốn sống. Từ cái giường giẻ quạt đến cái tủ hồ sơ cũ, hai ba cái nồi lỏng chỏng bên cạnh vài cái chai, mọi đồ vật như muốn tỏ rõ cái hồn của nó. Với người già sống hưu trí, mọi thứ dù sơ sài, nhưng rõ thật quý. Mọi vật dụng không thừa mà chỉ vừa đủ, dường như mọi đồ dùng đều có chỗ đứng cần thiết trong đời ông lão, từ cái túi ni lông phòng khi mua lưng canh cũng được rửa ráy sạch sẽ quàng trên song cửa, đến cái chăn rạ từ thời bao cấp cũng có tuổi sống của nó… cái màu vàng xin xỉn nhão nhoẹt, nhưng gần gũi thân quen làm sao. Có lẽ vì họ ăn chẳng nhiều, mặc không lắm nên mọi nhu cầu chỉ cần vậy, mọi thứ bù đắp vừa đủ cho những lồi lõm đời người.
Căn buồng chín mét vuông, lúc nào cửa ra vào cũng mở cả ngày lẫn đêm. Mất mát ông chẳng sợ – vì có gì đâu mà mất. Nó luôn mở để đón đợi mấy ông bạn cùng tổ hưu tới thăm đỡ phiền hà phải gọi. Có lẽ những người về hưu sống độc thân đều như vậy – cửa luôn mở như đón đợi bao điều… mà chung quy chỉ có họ đón đợi nhau thôi – những kẻ cô đơn sống qua một thời đã mỏi. Họ tụ tập bên bàn cờ, quanh khay nước trà, ngắm nhìn nhau mà sống, bao câu chuyện đời thường sẻ chia mà ngẫm ngợi… Họ kể lể cho nhau biết bao điều buồn vui, khốn khó. Con người về hưu là vậy – căn nhà, cái giường và vài thứ vật dụng, những bước chân luẩn quẩn qua ngày – dường như, vạn sự đời người vo lại trong căn buồng nhỏ bé. Thế hệ trẻ không muốn gần họ nữa, mọi thứ cứ phai đi như quần áo hay tuổi già của họ.
Cái mệt hôm nay nhiều hơn, đầu óc ông váng vất như muốn ngã. Dường như máu trong cơ thể muốn sôi lên dâng tràn lên não làm mắt ông mờ đi, mọi vật nhập nhèm rõ khó chịu. Ông cố gắng đi lại cho có vận động nhưng mấy lần suýt ngã. Cái bệnh huyết áp thật quái ác, chẳng khác gì cái ách gông lấy tuổi già, nó như trói chân, trói tay ông lại. Một thoáng tư lự - thôi cũng đành – cứ nằm xuống nền cho chắc – rải chăn chiếu xuống đất ngả lưng đỡ mỏi – cứ thế này là chắc nhất, chẳng còn ngã vào đâu được. Tuổi già cứ thấp dần đi, cận kề mặt đất! Có lẽ lúc đó họ nhìn thấy thật nhiều và nghĩ ra rõ lắm, cả không gian hiện lên… như quên khuấy mất họ. Chẳng mấy bận lòng về ai nữa nên cái nhìn của họ thấu suốt làm sao… cái nhìn không ôm đồm, chẳng bề bộn, bon chen, cái nhìn của kẻ bên lề nhòm vào cõi sống. Căn buồng ông ở bỗng tẻ ngắt làm sao, có thể lần đầu ông cảm thấy thấm thía như vậy… Vẫn tia nắng sáng ra vào cửa sổ, chiếc giường cá nhân có lẽ cũng đang già đi… trên tường mấy tờ lịch treo cong queo vàng ệch, năm tháng chẳng còn bao ý nghĩa. Thời gian được gạch đít cho từng ngày cần nhớ trong tháng, trong năm - ngày giỗ cha mẹ, ngày lĩnh lương hưu, ngày cháu nội về chơi, còn lại mọi ngày như nhau – ngày tháng của những người hưu trí - những cỗ máy ọc ạch già nua lần mò trong cõi sống. Bài ca của họ đã một thời vang lên trong khốn khổ để hôm nay dần dần lặng tắt trong âm thầm đau đớn.
Yên tĩnh quá, ông nghe thấy cả tiếng bánh xe nghiến trên đường phố, tiếng những bước chân, tiếng chào mời rao bán… sự sống như bay vút lên tầng tư nơi ông đang nằm trăn trở.
Đã là người phải đứng ở đâu chứ? Một câu tự vấn của người già - một câu tự hỏi không có đáp số. Thời gian tỉ lệ nghịch với đời người, nó cứ dài ra bên đời người đang dần dần co lại. Cả vạn vật đang dần dần co lại trong già nua tuổi tác, như căn phòng, đồ vật và cả ông nữa cũng đang cũ dần, cũ dần chẳng còn hương sắc sự sống. Trong cõi đời này vật chất là đời người, vì thân xác hữu hình nên nó là vật chất, để đến một ngày ta đi ra khỏi nó.
Ông nằm lặng dán mình trên nền đất mơ hồ nghe tiếng đời trôi với nỗi ao ước trước cửa phòng mình sẽ có bước chân ai dừng lại! Niềm ao ước như bài ca sám hối cho tuổi già, những nỗi khổ đau của đời ông như đúc lại thành cây nến mà đốt lên ngọn lửa cháy bừng biết bao điều nghĩ ngợi, với ông sẽ chẳng còn khái niệm vật chất nữa, dòng thời gian trôi qua thấm thía làm sao, họ như thấy được nó trôi qua từng ngày không trở lại, sự sống chỉ còn là tiếng vọng rã rời, khi người ta không còn đỡ nổi chính mình thì tuổi già đã đến, tuổi già là gánh nặng đè lên thân xác! Bao suy ngẫm đưa ông vào giấc ngủ…
Trong giấc ngủ chập chờn, bỗng ông có cảm giác một vật gì mềm mại nồng ấm đang lướt trên mặt mình. Ông lão choàng tỉnh giấc, trước mắt ông là con chó Ca phi của nhà ông bạn đang mừng rỡ chồm lên đứng bằng hai chân sau, hai chân trước chắp lại vái vái thi lễ với chủ nhà. Trong lòng ông bừng lên một niềm vui mới sau giấc ngủ. – Bác thấy không, chó với má - nó cứ như dắt tôi đến nhà bác không bằng, mình vừa lẩm nhẩm là sang bác nó đã chạy liền, ông Vân bạn cùng tổ hưu tất tưởi bước qua ngưỡng cửa.
- Sao thế kia? Ai bắt ông nằm đất trông mà thảm hại thế!”
- “Đầu óc cứ choáng váng tôi lê chăn chiếu xuống đất!” - Ông đáp.
Họ nhìn nhau lặng lẽ lắc đầu, con chó cào cào vào tay chủ như nhắc ông chiếc bánh. - À tôi mua biếu bác chiếc bánh giò nóng - mua ngay dưới tầng. Ông lặng lẽ đứng lên tìm bát - ăn đi ông, bọn mình răng kém ăn bánh giò lại hay – Cảm ơn bác, để tôi pha ấm trà cái đã - ông lật đật tìm ấm - bác Khởi ạ - bác Vện cùng tổ chết rồi – chết ngày hôm kia. Ông lão sửng sốt nhìn khách - hôm đó tôi định sang rủ bác ấy sang đây chơi, thấy cửa mở, gọi chẳng có ai, vào nhà bác ấy nằm còng queo dưới chân cầu thang, cũng may con Ca phi nó sủa loạn lên tôi mới vào. Lúc ấy bác ta chưa chết đâu, đau đớn lắm, bác ta còn cố rút cái ví ở túi ngực đưa cho tôi – biếu anh tôi chẳng cần nữa… đến trưa thì bác ấy mất, có lẽ cố đợi mấy thằng con… Ngẫm bọn chúng cũng đoảng… tôi gọi điện ngay nhưng chúng đang mắc việc cơ quan gì đó… mãi tới lúc bác ấy sắp mất anh em nó mới về - mà cũng may cả ba đứa cùng có mặt. Cứ nhớ lúc sống bác ấy hay phàn nàn là chẳng bao giờ gặp cả ba đứa một lúc. Nhiều khi tôi cứ ngẫm… thật rõ cái thời khốn khổ, nhà nào chẳng thế… đâu đâu cũng chỉ lo lắng chuyện kiếm tiền. Lũ trẻ thời này đứa nào cũng vậy cứ quẳng cho bố mẹ ít tiền rồi chúng biến ngay, chẳng đứa nào thiết ngó xem bố mẹ có còn răng lợi gì không mà gặm mấy đồng tiền ấy. Anh có biết không… tôi phải bế anh ấy lên giường… rồi ngồi chờ cả buổi sáng mới nẫu ruột - cứ như trên đời chẳng còn ai sống nữa không bằng. Tôi trả lại cái ví. Chúng nó cứ nhìn như hỏi mình có lấy trộm hay không mới buồn. Chúng có hiểu đâu rằng, người già ăn sao nổi những đồng tiền đau đớn đến thế… mà chúng là dân có học cơ chứ! Đứa luật sư, thằng nhà báo thì mới ức Bác Khởi ạ… thời này chúng nó là như thế!… Cứ phải kiếm nhiều tiền, thật nhiều tiền thì chúng mới sống nổi. Ông lão xẻ cho con chó tí bánh, nó nằm phủ phục bên cái đĩa, đuôi ngoáy tít, mắt hau háu nhìn chủ – đấy… có một tẹo mà anh lại còn cho nó. Nằm im… có để cho chúng tao yên không? Bàn tay ông vuốt trên bộ lông trắng đã có chỗ ngả vàng. Nó ư ử như nũng nịu. - Ông ạ… cứ ngẫm loài vật nó còn có tình… con này nó theo tôi mười mấy năm rồi còn gì… Tay ông ve vuốt trên đầu nó – Mỗi khi cứ nhìn lên mái nhà là lại nhớ đến nó… lứa đẻ đầu tiên được bốn con màu trắng toát… Thế là tôi đủ tiền đổ cái mái. Cứ ngẫm có lao động cả đời cũng chẳng đủ tiền mà làm được. Mà nó nuôi con khéo lắm bác ạ… Sáng ra bốn chú chó con như phép lạ trời cho… Nó tự đẻ, tự cắn rau, không kêu rên, liếm láp tinh tươm mới giỏi… Mà đúng là cái vận trời cho ông ạ! Nhà tôi hồi ấy đang khổ lắm… quả từ cái vận chó mà thành người. Xe máy thằng lớn, thằng bé đều từ chó mà ra. Cũng có thể kiếp trước mình là chó cũng nên… sang kiếp này chúng hiện về cứu giúp! Ông lẩm nhẩm như tự nói với mình. Câu chuyện về con chó ông nhắc đi nhắc lại đã bao lần… Ông cứ kể, cứ kể như lần đầu mới nói. Con chó nằm bên cạnh đầu ghếch lên đùi ông, mắt tròn xoe, ra chừng cũng hiểu, thỉnh thoảng nó lại liếm chân tay ông như cổ động cho câu chuyện đậm đà. Bác ạ… thế rồi cái thời chó đẻ cũng qua đi, chẳng mấy ai cần chó nữa, họ chỉ mua chó thịt – mắt ông già long lên vì bực tức - tôi không nuôi chó đẻ nữa… bán cho lũ người ấy thêm hoài chó. Ông ôm gọn con Ca phi trong lòng như thách thức với ai đó… Trong mắt ông, sau cặp kính một nỗi buồn ẩm thấp nhạt nhoà khơi lên – Sau cái thời chó má ông ạ… nhà tôi mất! Hai thằng con xin ra ở riêng… chúng dứt khoát không mang theo con chó… vì vợ nó sợ hôi sợ bẩn, mặc thằng cháu nội tôi với con chó chơi với nhau như đôi bạn… Mà cũng may… không thì tôi chỉ còn có một mình… ông bỏ kính lén lau nước mắt. Ông Khởi ạ… tôi ăn cùng chó, ngủ cạnh chó, đi chơi cùng chó - Một niềm vui nhỏ nhoi như nhóm lửa trong ông bên nỗi đau hằn vết trong trái tim người già. Buồn vui như hiện hình trong thời gian cháy dở, khi đời họ đang lún xuống trong tháng ngày vô định. Họ! những người già đã đi qua một thời đang chìm dần trong cái bóng của mình.
- Tôi phải về thôi – lời ông nói như trĩu xuống, vừa như lời chào chủ nhà vừa như tự nói với mình.
- Bác đã đi đâu mà vội thế? - Suốt từ sáng đến giờ nhà tôi đâu có ai trông, à… ngày mai bác có đi đưa đám bác Vện được không? Người mệt thế này… để tôi nói với các bác cùng tổ thông cảm – Không sao đâu… tôi thế nào cũng phải đi, tôi với bác ấy có nhiều duyên nợ với nhau lắm.
- Họ chia tay trong bao điều nghĩ dở… Những bước chân ông bạn và tiếng chó nhấm nhẳng cứ xa dần, nỗi cô đơn âm thầm khép lại…
“Ước gì mình có con chó như của bác ấy”. Một thoáng suy tư lướt qua đầu ông lão.
Tang lễ hôm nay đông lắm, chật ních những người. Ông lão phải nằm đấy cả ba ngày chờ người về thăm viếng. Bao bè bạn của con cái từ mấy miền hay tin nếu không về được cũng gửi điện chia buồn, gửi đồ phúng viếng. Nghe nói các đoàn từ trung ương cũng cử người về dự lễ tang. Mọi người ngạc nhiên vì cháu con ông Vện đông đến thế, cứ nhan nhản toàn những khăn xô. Ba anh con trai và mấy nàng dâu mặc áo xô đầu đội khăn cứ chạy ngược chạy xuôi cảm ơn những đoàn thể và bạn bè đến chia buồn thăm viếng, nào trướng nào hoa cứ nườm nượp người mang tới.
Cỗ quan tài sơn son thếp vàng uy nghi đặt giữa phòng khách. Bên trên là ảnh ông Vện với nụ cười đôn hậu. Mọi người ai cũng bảo bức ảnh tươi quá, có người lại bảo bức ảnh rõ đang vui – mà tươi hay vui thì cũng phải… Ngày đưa đám ông mà đông đủ cháu con bè bạn đến như vậy thì dẫu có xuống mồ cũng còn cảm thấy hơi ấm ở đời. Bức ảnh có cũ nhưng cũng còn tươm chán. Bảy, tám năm nay ông lão có chụp cái ảnh nào đâu… mà nếu có ảnh mới - cũng xin lỗi người chết - ảnh ông sẽ không đẹp bằng… vì từ lâu hai hàm răng ông hầu như rụng cả nên hai má cứ hóp lại trông khắc khổ đến não lòng. Con cháu treo cái ảnh kia người chết trông “hoành tráng” hơn đến mấy phần. Bên dưới bức ảnh là cả dàn huân, huy chương, dễ có đến chục cái nên bức ảnh càng được tôn lên cái vẻ bề thế của người đã khuất. Trên nóc áo quan là hai hàng nến đỏ sáng lung linh ôm lấy bát cơm quả trứng, hương khói lênh đênh hoà quyện với ánh sáng run rẩy của hai hàng nến tạo cho ta thấy cảm giác cỗ áo quan như con thuyền đang bồng bềnh trôi về đâu đó. Phía trước áo quan là cái bàn phủ khăn trắng, bên trên đặt bát hương và ba cái mâm để tiền phúng viếng. Dọc theo hai bên quan tài, bên phải là phường bát âm, bên trái là con cháu và gia đình đứng đáp lễ mọi người về thăm viếng. Tiếng kèn, trống cất lên khi mọi người tiến vào phúng viếng. Họ đặt lễ thắp hương vĩnh biệt người đã khuất, đi vòng quanh áo quan nhìn mặt người chết lần cuối trong những âm thanh não nề như miết vào lòng người đang sống. Họ siết tay chia buồn với gia đình và những tiếng khóc nhịp nhàng cất lên thay lời cảm tạ bao tấm lòng bè bạn tìm về thăm viếng.
Cõi sống và đời người, rộng lớn như căn nhà chứa đựng hạt cát, khi linh hồn cảm nhận được hơi ấm và sự no đủ của nó thì sự sống của họ đã qua bờ. Sự sống là chân lí bên đời người phi lí làm sao! Tiếng kèn trống cất lên như lời dụ dỗ biết bao người đang sống… Người chết mọi giác quan đã ngủ yên… tiếng mõ ấy tiếng kèn kia như đùa cợt cõi đời ru ngủ – giữa bát ngát thinh không, linh hồn sẽ thoát đi bỏ mặc lại cõi đời khổ đau bề bộn. Khi cõi sống sa thải họ… không muốn nhìn thấy họ nữa… cái đời người “quá đát” - hãy về đi… bao nhang khói, những vòng hoa như là tiếng khóc cho bao người đang sống… Những dòng nước mắt chợt ngưng chợt chảy, bao âm ba lời nói chợt buồn chợt vui. Những gương mặt chợt sáng chợt tối, đó là cõi đời! Hãy đến đây – hãy về đây mà nhìn, mà ngó khi hồn người lìa xác - Cõi thinh không của một đời người – Một bài ca không còn sóng vỗ, tất cả chỉ còn là yên lặng – im lặng và im lặng – hãy về đi – về đi.
Có lẽ đoàn các cụ là cuối cùng của dòng người thăm viếng. Có thể vì đông quá, bề thế quá, nên các cụ cũng đành nán lại vào sau, mà cũng đành… Tuổi già chẳng đi đâu mà vội, nên các cụ cứ lặng lẽ tụ tập đứng chờ - mà chờ một người bạn già thì mọi lẽ cứ nhẹ nhõm làm sao – Các cụ cảm thấy kiêu hãnh, thú vị cho kiếp sống của bạn mình - Đông thế - đông lắm - phải thế chứ… anh ấy sinh thời quan hệ rộng, nên lúc chết mới lồng lộng thế này… cứ dòng dòng toàn người với vòng hoa… Ngẫm có chết thì cũng đáng, vạn sự như nêm lấy một đời người như vậy cũng bõ - cũng bõ đã được sống làm người – Mọi chỗ cứ hầm hập mà hỉ xả, hoà quện vào nhau trong tình nghĩa mất còn – Cõi sống rạo rực bên cỗ quan tài thắp lửa. Các cụ cứ ngẫm mà thấy thèm… Xác chết như cái thước đo, thập thò, dài ngắn. Sự hữu ích của một đời người có lẽ là thế - khi chẳng còn mưu sinh vẫn dậy mùi cõi sống! Sự lèn bén đâu đây như chừng đang thức dậy, như nhón lửa đầu nén hương lặng thầm gặm nhấm. Cõi sống như chợt say, chợt tỉnh, chợt buồn, chợt vui, nó hiện sinh như mớ rau buộc túm, như vòng hoa kết lại nụ cười… Tất cả dường như phó mặc đời người có sinh, có diệt, có đến, có đi, nỗi đau đớn khả ái còn bừng thức trên từng gương mặt, chảy thành lời nói mà khoan, mà vít cõi đời trong tang lễ - Mọi thứ như vón lại, đầy ắp, hương hoa, bổng lộc, nghĩa tình, bao bề bộn chất ngất như khoanh lại một sự sống hư vô… đời người có lõi, mấy ai đào sâu mà nhìn thấy được - Ta chợt thấy buồn thấy vui – ta vui vì cuộc đời còn dở… ta buồn vì sự sống đã qua… Có một thứ gì đó ngấp nghé bờ vực trong cái nhìn các cụ – nó dở khóc dở cười như đời người hưu trí. Họ thương yêu đùm bọc một thứ gì đó… và chỉ thế thôi – họ tự thương mình khi cõi đời đang dần dần quên họ. Sự chết đâu phải là cái lõi! Cuộn chỉ cứ quay và cứ nhả, dòng thời gian lúc thít lúc buông. Người già hiểu nó như đường tơ kẽ tóc, có đấy và mất đấy. Chẳng hẹn hò sao lòng họ vẫn thương nhau – Họ tề tựu bên cái chết mà chia tình sẻ nghĩa. Người chết như đang sống lại bên bàn cờ với bao vui buồn một thuở, nhỏ bé thôi… là hàng ngày họ có nhau và họ chỉ còn thế, cả cõi sống dường như thu nhỏ lại khi đời người già cỗi – sự cô đọng lãng quên trong dòng chảy cõi đời. Sự mê muội chảy trong mê muội. Dòng tuần hoàn lặng lẽ buồn trôi… Có một lúc nào đó văn chương như một gã say chạy theo thời gian mà gạ gẫm, vẽ vời về một thứ gì đó đã qua - nhưng cũng chỉ thế thôi… như son phấn điểm tô bờ vực.
Họ túm tụm bên nhau, mỗi người mang đến một hoài niệm về người đã khuất, họ như nói với người chết, vừa như nói với ai đó quanh đây về những tưởng niệm một thời.
- Bác có thấy không…? đời người chỉ vèo một cái là biến mất tăm… - ông lão đứng bên buồn bã nói - ông Vân dáng vẻ tần ngần, tay mân mê sợi dây xích con chó – Cái gì rồi chẳng phải biến hả bác… Ở đời xưa nay vẫn thế. Tôi cứ nhớ hồi bác Vện chưa nghỉ hưu, nhà cửa cứ tấp nập những khách là khách - ông lặng lẽ giật xích con chó như người đang mộng du, con chó lặng lẽ nép vào chân chủ – rồi người đến cứ thưa dần, thưa dần, chẳng còn ai nữa… giọng ông trĩu xuống như kẻ mất hồn - Anh thấy không? – lời nói như căng ra, sự phẫn nộ như trào lên đâu đó trong ông – ở đời này là thế, mọi thứ cứ biến dần, biến dần cho đến khi ta chỉ còn trơ trọi ở đời, trụi thùi lụi như con gà bị vặt lông chỉ còn chờ lên thớt nữa là xong! – nhà tôi ngay bên cạnh mà… - hiểu trước về sự cô quạnh… nên tôi tìm sang anh ấy… Cuộc đời khi chẳng còn chức quyền thì cũng như ai thôi, cùng chẳng ăn được nhiều, ngủ nghê thì cũng vậy, tiền bạc cũng chẳng màng, không đùm bọc nổi ai nữa… thế là xong, có lẽ đồ vô dụng đều như nhau cả - cõi đời xưa nay là thế… mọi thứ cứ thưa dần thưa dần rồi quên lãng – anh cứ thử ngẫm… mình cần quái gì cơ chứ… già thì ta lại có kiểu già chứ sao? - ông như tự khẳng định với mình như thế – Tôi quý bác Vện vì anh là người ngay thẳng, chẳng ưa trò ỡm ờ khuất tất - cứ nhớ mãi, có một hôm tôi đến chơi đúng lúc hai bố con anh đang chất vấn nhau về một điều gì đó, cả hai bố con đều là quan chức nhà nước, mang trong mình dòng máu của Đảng, tôi nhớ mãi anh con trai lý giải với cha mình: “Ở thời bố Đảng ta khép cửa, vào thời con Đảng mở cửa ra” – “Tao rất ghét ỡm ờ… mày thử giải thích cho tao thế nào là khép với mở… tao là Đảng viên về hưu chất vấn mày là người đương chức”.
“Anh có biết không? Tôi rất thích sự ngay thẳng, mà có lẽ người già ai ai cũng thế… họ dám nhìn thẳng vào mọi sự tốt xấu ở đời. Dù rằng chẳng còn là ngọn lửa thiêu đốt nữa… nhưng nó là cái nhìn thấu suốt, tinh tế đến làm sao – một cái nhìn không còn tiếng nói, một cái nhìn tự vấn, một cái nhìn bất lực trong cái nhìn… Tuổi già như con tàu đắm. Trong khoảng khắc chợt chìm nghỉm… chỉ còn họ với họ… thế thôi… rồi lặng tắt! Đời họ như cái bơi chèo đã mỏi và đại dương như cái miệng há mồm. Cõi đời trả lại cho thời gian như tiếng chó cằn nhằn gọi chủ”.
“Tao đã bảo mày ở nhà… cứ đòi đi theo mà lắm chuyện” - ông lão như dỗi dằn cùng con chó - Ông ạ… buồn vui lũ chó nó biết cả đấy. - Ông Vân như được dịp nói về con chó. – Nó chẳng hay sang nhà ông Vện mà… vừa được ăn còn được chạy nhảy. Sáng nay tôi định xích nó ở nhà mà nó không chịu… nó cứ chồm chồm, sủa vang đòi đi đưa đám… Thật đúng là “khuyển mã tri tính”… nhưng mà ông ạ… nó biết từng người trong tổ, chỉ nhắc tên là nó chạy tới liền. Nhiều khi ngồi cứ ngẫm… cũng may về già còn có con chó… nó liếm bàn chân ông như khẳng định cảm tình của nó - Nhiều khi nhìn nó tôi cứ ngẫm… ở đời… mất cái nọ được cái kia, thật rõ ông Trời chẳng tận diệt với ai bao giờ… Mình lủi thủi mà có nó bên cạnh như có thêm người cùng sống. Nó là mình, mình là nó, nhiều khi đỡ buồn bác ạ. Họ lặng lẽ nhìn con chó mà thông cảm cho nỗi buồn của nhau. Loài chó là giống vật hữu tình, nó cứ quanh quẩn bên người mà sinh mà sống, nó bù lấp biết bao chỗ mà đời người chẳng có, những thiếu khuyết muộn phiền… Chó học tính người, người học tính chó - Anh có biết không… nhiều sáng tôi mệt không buồn dậy… nó cắn chăn lôi tôi dậy và mình phải dậy theo nó. Nhiều khi mình chẳng muốn ăn nhưng nó đòi ăn làm mình chợt thấy thèm ăn theo nó. Mọi thứ tủn mủn như bay biến đi đâu… thế mới lạ… mình như đang muốn sống để mà dạy dỗ một thứ gì đó cho ra hồn. Anh thử nghĩ xem… nuôi chó nhiều khi thật hữu ích. Loài người không gần động vật, nhiều khi trở nên khô cằn máy móc làm sao… cứ học thuyết nọ, triết học kia như cỗ quan tài chở người về đất, cứ gần giống chó nhiều khi ta thèm sống vì chúng luôn nhắc nhở ta là người, mà là người thì phải gọt dũa mà nhiều khi gọt dũa còn chẳng đâu vào đâu… đã là người nhiều khi cứ phải làm đi làm lại sao cho giống một cái gì đó mà lòng ta ước muốn và có thể loài chó cũng vậy… Niềm ao ước như giấc mơ đặt trước muôn loài mà dụ dỗ cho đất trời thức dậy.
Giữa đám tang ông chợt cười… tiếng cười như xé rách biết bao điều giả dối mà người đi bỏ lại… Mọi người nhìn ông, ông nhìn mọi người trong tiếng cười nước mắt. Bác có biết không… ngày hôm qua công an phường bắt tôi làm tường trình về cái chết ủa bác Vện… vì tôi là người đầu tiên chứng kiến… tôi phát khùng nói thẳng với họ: “Việc này có pháp y cần quái gì tới tôi”. Họ đấu dịu bảo tôi: “Bác thông cảm… đó là thủ tục nhà nước đối với tính mạng công dân”. Tôi chợt nghĩ: “Người già sống vạ vật có đứa nào buồn ngó đến đâu! mà cũng có thể chết rồi lại thành có giá - cái giá trị thằng người. – Nghĩ lại cũng khổ… hôm lĩnh lương tôi chạy sang bác Vện báo tin lương tháng này tăng mấy phần trăm thì bác hàng xóm báo anh mới mất hồi sáng… nhiều khi tôi cứ tự nhủ mình… trời chưa cất thì ta cứ bước…” - Ông lão trầm ngâm như người nửa tỉnh nửa say, cặp kính lão nhờ nhờ trên mắt như ánh sáng sự đời chẳng buồn chui qua lối ấy.
- Chẳng có tăng trưởng gì đâu… anh cứ thử nghĩ mà xem, lương tăng vài ba phần trăm trong khi mọi mặt hàng cứ tăng vọt thử hỏi tăng giảm có nghĩa lí gì? Còn hàng bao nhiêu thứ nữa chứ… nào đóng tiền an ninh, nào đóng tiền người nghèo vượt khó, tiền giúp đồng bào lũ lụt, mà lương người hưu trí được có là bao… miếng ăn cứ nhỏ dần đi thử hỏi lấy gì là sống! Họ lặng lẽ nhìn nhau mà buồn cho thân phận.
- Tiếng kèn trống như gọi người đến, như tiễn người đi, đoàn các cụ tề chỉnh giàn hàng ngang đứng trước linh cữu tiễn biệt người quá cố. Ông Khởi đại diện cho tổ các cụ, tay run run đặt chiếc phong bì lên mâm, nhưng khổ thay… hai lần đặt đều rơi tẹt xuống đất. Không biết vì run tay hay tại phong bì nhẹ quá. Có lẽ vì các mâm đều đầy đặn đến có chóp, nên nhiều khi rõ phiền cho người phúng viếng. Các cụ lặng lẽ vái người đã khuất, trong tiếng kèn nỉ non tiễn biệt - Những cái bóng già nua lặng lẽ trên đời như
món nợ không có người nhận trả… họ lặng lẽ bên nhau như một cộng đồng riêng biệt. Sự lãng quên như mặt nước khép lại trong chiều, mọi thứ đã chìm xuống đáy, chỉ còn lại sự quên lãng đâu đây trong lòng những người già sống dở.
Anh trưởng nam trang nghiêm đọc lời vĩnh biệt: “Cha của ba anh em chúng tôi Nguyễn văn Vện… sinh năm… sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc lòng con cháu và cả gia đình tận tâm cứu chữa, người đã ra đi… vĩnh biệt bè bạn và cháu con… Những người bạn mất đi một bằng hữu… những đứa con mất đi một người cha… đàn cháu con mất đi một người ông… đứng trước tổn thất lớn lao này… tôi xin một phút mặc niệm để tưởng nhớ và vĩnh biệt người”. Trên gò má anh trưởng… hai dòng nước mắt trào ra… trong nỗi nghẹn ngào không thành tiếng.
Người ta mau chóng giải quyết ba cái mâm và cả đàn con cháu xúm xít nâng quan tài trong tiếng khóc ào ào như con thác… ba người con đứng sau xe hai tay vái đáp lễ mọi người. Xe chuyển bánh, ông Vện như hạt lạc củ vùi giữa rừng hoa, trong những tiếng khóc thê thảm kéo lê trên đường phố. Dòng người như con nước đổ về lặng tờ trong nhang khói, đoàn các cụ lẽo đẽo sau cùng, nào người nào chó, lẳng lặng đi trong buổi chiều nhợt nắng. Bóng họ xiêu vẹo trên hè, cứ lớp lớp như những hồn ma xếp hàng chờ đến lượt, thỉnh thoảng họ thì thầm với nhau một vài điều gì đấy: “…Điếu văn gì mà điêu đến thế… chúng nó có ngó ngàng gì đến ông ấy đâu” - Ông Vân đi bên cạnh lặng lẽ lắc đầu: “Cũng thông cảm ông ạ, điếu văn thời này người ta in sẵn, cứ điền tên điền họ vào là xong” - họ lắc đầu: “Anh con trai là nhà báo cơ đấy, đúng là một lũ vô học”.
2005