Ông tướng về hưu
vuthi 02.09.2012 15:27:21 (permalink)
Ông tướng về hưu

Lặng lẽ ngồi trên đi văng, nỗi cô đơn như thu nhỏ cuộc đời ông lại, sự lẻ loi bao giờ cũng thế, ta cứ bé dần, bé dần chỉ còn là chấm nhỏ như cát bụi, nó là một cái chấm hãi hùng chẳng chừa một ai khi đã từng được sống ở đời - Để đến một hôm ta chợt nhìn thấy nó, đau đớn và nhỏ bé làm sao! Nó nhọn như mũi kim hay đầu ngọn giáo, cứ lặng lẽ xuyên vào đâu đó đời ông.
Căn phòng bỗng trở nên rộng thế – lần đầu tiên ông cảm thấy như vậy, có lẽ khi đời mình bỗng trở thành bé nhỏ thì cõi sống bỗng thênh thang làm sao. Bốn mươi mét vuông chứa đựng một hạt cát… đó là một cảm nhận khi ta chợt hiểu thấu mình – bỗng dưng một hôm, sự sống chợt co lại trong một không gian định hình, cô đơn quá khi đời ông cảm nhận đầy đủ về nó. Mọi thứ trong ông dường như thu nhỏ dần, cứ bé mãi bé mãi cho đến khi chỉ còn là cát bụi. Bao li chén ngày hôm nay, trong bàn tiệc, là ngần ấy gương mặt cuộc đời. Niềm hoan hỉ như còn phảng phất đâu đây. Những tiếng li cụng li, lời nối lời, niềm hoan hỉ sâu chuỗi trong tiếng cười lộng gió. Ông chợt thấy yên tĩnh quá! Mọi thứ quanh ông trong căn phòng này dường như đang cũ đi, thiêm thiếp ngủ, nó giống như một thời mới kề bên cái cũ như cái li đựng rượu. Cái cũ chứa đựng cái mới và ông chợt thấy mình mỏng quá. Có thể sự già nua là vậy, nó mỏng manh như bộ quần áo che thân. Trên giường ngủ phủ tấm vải ga màu sáng, bộ quân phục trải ngay ngắn, trên ngực áo gắn đầy huân, huy chương như bao chứng tích cuộc đời của một ông tướng còn hằn lên bao nỗi nhớ. Ông như kẻ mộng du nhìn vào nó – Quầng ánh sáng một thời, cái thời ông đã sống, có thể rộng lớn như một mặt trận và hôm nay là một căn phòng nhỏ bé chứa đựng đời ông. Có lẽ thời gian là cỗ đại bác bắn vào quá khứ và bao mảnh vụn đời ông còn bám trên những tấm huy chương kia. Đó là xương thịt hiện hình thành tưởng niệm khi đời người còn sống – khi ông còn sống để được nhìn thấy nó – những tấm huân, huy chương gài trên ngực áo trải trên giường nệm trắng. Bộ quần áo kia như một hình hài rũ mỏi mà ông là người nhìn ngắm. Thật thú vị khi ta nhìn ngắm chính mình, như linh hồn đang nhìn thể xác, bảy mươi năm thời gian đã trôi qua… - Buổi ban đầu và ngày hôm nay mọi người ăn mừng ông đã về nghỉ hưu - ngày hôm nay phải chăng là cái đích cho từng đời người nếm trải. Nó như một con tàu mệt mỏi về ga trong đêm tịch lặng. Sự yên ắng sẽ trả lại cho đời người bao điều suy nghĩ… Bao ly chén và những lời chúc tụng như găm chặt đời ông vào cõi sống. Con cháu, bè bạn, những gương mặt thân quen còn ánh lên biết bao là nỗi nhớ. Chẳng mấy ai đang sống, vui sướng hay khổ đau mà lại nghĩ đến cái ngày về hưu của đời mình. Mọi việc làm và suy nghĩ ta đều hướng đến vĩnh cửu. Vật chất có thể sẽ còn mãi, như đống huân, huy chương kia… nhưng đời ông đã về hưu, nó hiện hữu như ánh hào quang trùm lên giấc ngủ. Từng tia sáng bừng thức trong đêm như những vì sao. Mọi khổ đau vật lộn đã được trả giá bằng nó – những tấm huân, huy chương lạnh lùng gài trên bộ quân phục cấp tướng.
Tướng rồi cũng phải về - ông lẩm nhẩm trong miệng tự nói với mình về nguyên lý ấy. Ngày mai đối với ông công sở sẽ chẳng còn ý nghĩa, chỉ là số không – một lỗ hổng lớn trong đời người, nó là cuối con đường, đầu con sóng. Loài người luôn sống và quên đi ngày hôm qua, sự tồn tại trên đỉnh sóng luôn bắt ta phải thế. Có một nguyên lý thật giản dị trên đời là sống và tồn tại như cái cây và ngọn cỏ. Vấn đề là chỗ đứng cho từng sự sống – Ngọn cây kia ngoài cửa sổ buồng ông, nó có nghỉ hưu không? Vẫn chỉ một màu xanh quanh năm toả bóng. Cái bóng ở đời, một cái bóng đau đớn làm sao! Trong đầu ông ý tưởng về cái bóng chợt buồn ảo não… những cái bóng loài người chập chờn điên đảo. Những cái bóng! những cái bóng…! Đó là những vùng đen sẫm phủ khuất đời người.
Một vũng không gian bốn mươi mét vuông chỉ có ông với cái bóng đổ nghiêng trên nền nhà lạnh lẽo. Có thể lần đầu tiên ông suy nghĩ về nó – cái bóng của chính mình – Cái bóng chẳng là linh hồn, nó là sự phản chiếu hình hài thân xác, nó giống như bộ quân phục trên giường kia ngợp nhoà hào quang và thân phận. Bên kia bờ thân xác là linh hồn… Ông đang nhìn về quá khứ. Có lẽ tuổi già bao giờ cũng thế, dòng sông ý nghĩ trôi ngược về đâu đó cội nguồn - Cũng có thể đó là một lô-gíc tâm linh không nằm trong quy luật hiện sinh cõi sống, như con nước không còn trôi nữa và lặng lẽ trở về. Ông như lạc ra khỏi bao điều đang sống – như đứa trẻ chăn trâu ven sông, chiều chiều về qua phố chợ, như những cô hàng sén nhạt mờ quẩy gánh, tiếng sáo diều như mắc vào đêm, bữa đói bữa no đi vào giấc ngủ, ánh ban mai như lửa đốt bên thềm.
Tuổi già bao giờ cũng thấp xuống kề sát cõi đời, họ bắt đầu nhìn lại, dĩ vãng là cái bóng của năm tháng hiện hình trong tâm tưởng, thật gần gũi nhưng xa lạ xiết bao ta đã đi qua và dường như chưa bao giờ nhìn thấy… những cái bóng đời người ngủ yên không bao giờ thức dậy bên những cái bóng hiện lên. Bóng đêm và lãng quên!… Ông thấy lửa nung trong li rượu đắng! Đời người khi dừng lại, họ chợt nhìn trước sau – Cái ngưỡng của thời gian quàng lên thân xác, đời người được đóng khung trong nó – trong thời gian hữu sinh đời người. Kẻ cùng quẫn nhìn thấy cái bóng - cái bóng của mình cơ khổ làm sao? Nó như nỗi ám ảnh hình hài lạc lõng - như ta chợt thấy mình rồi chợt biến trong hư không. Bài ca thời gian hiện lên như con đò chở người qua bến. Ông chợt hiểu thời gian của mình và của người, cõi sống gối lên nhau trải dài mà làm nên sự sống, cái mất cái còn, cái hiện lên là cõi đời ông đang đứng và thời gian sẽ trôi đi mang theo cả đời ông - Đời người là bất định trôi trong thời gian vô định. Sự hào nhoáng của đời loé lên rồi lịm tắt trong thời gian - một khoảng khắc dậy mùi máu - ngót trăm năm dậy mùi máu rồi quên lãng. Cái đã mất được bù lại bằng thịt xương hôm nay. Những bộ mặt đỏ gay vì rượu - bao li chén ngổn ngang và trong lòng ông nỗi buồn lại thức. Chỉ có người già nghe thấy tiếng vỡ - tiếng vỡ của thời gian. Ông nghe thấy nó như tiếng đổ vỡ trong hồn, sự dồn nén của thời gian trong cõi hiện sinhthiêu đốt thành ngọn lửa. Mùi khen khét thịt người như còn nồng mãi nơi đây. Mùi lửa bom, mùi năm tháng như bệt trong óc ông một lớp bồ hóng mà nhiều khi nghĩ lại ngọn lửa lại nung nóng lên bao nỗi buồn cháy dở. Bao khuôn mặt, những dáng hình, chưa một lần được yêu đã chết chìm trong tiếng gọi - tiếng gọi mẹ… tiếng gọi quê hương… như kéo dài trong nỗi nhớ - như mùi máu lặng câm, như họng súng âm thầm. Bao chiến sa chìm trong đêm lạnh! Mọi thứ chừng như đang ngủ - giấc ngủ mê đắm trong đêm với nỗi buồn tự tại. Những đôi mắt người mẹ cằn khô trong thương nhớ, ủ ấp bao đứa trẻ mồ côi, bao nén nhang còn đang thức trên đời, dòng lệ nguôi ngoai cùng năm tháng. Một nỗi buồn bi tráng trong lòng người chiến binh thắp lên thành ngọn lửa… đêm mãi là đêm cho ngọn lửa được thắp lên.

2005


#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9