Sương Mù Trong Vịnh San Francisco
NgụyXưa 05.09.2012 03:10:35 (permalink)
Sương Mù Trong Vịnh San Francisco

Mọi người hình như đã về hết, chỉ còn Don với chồng hồ sơ cao ngất, và xuyên qua cửa kính Don thấy Mai vẫn còn ngồi cắm cúi ở căn phòng nhỏ đối diện. Toà nhà vắng lặng, các luật sư và nhân viên đã kéo nhau xuống quán bar gần cuối phố, ăn mừng vừa thắng một vụ kiện. Họ có mời nhưng Don lắc đầu, mỉm cười đưa tay chỉ chồng hồ sơ.

Gần đây Don thấy Mai có gì như khác lạ, lúc nào cũng như buồn bã và hay ở lại muộn dù nhiều hôm công việc không có gì nhiều. Don càng ngày càng chú ý tới người đàn bà đẹp dịu dàng đó. Phải chăng là ngưòi từ tiền kiếp, Don thở dài tự hỏi bao nhiêu lần.

Vuốt mái tóc đã bạc mầu, Don lặng lẽ đứng lên gõ nhẹ cửa văn phòng của Mai trước khi đẩy cửa bước vào:
- Mandy, cô mạnh giỏi.
Mai giật mình:
- Trời ơi, ông Miller, ông biết nói tiếng Việt hả.
Don lắc đầu mỉm cười, nói bằng tiếng Anh:
- Không. Tôi chỉ biết vài câu chào hỏi thông thường. Cô vào đây làm đã mấy tháng tôi mới biết cô là người Việt. Thấy tên trong hồ sơ của cô là Mandy Lee, tôi cứ nghĩ cô là người Mỹ gốc Tàu.
Mai vui vẻ chỉ chiếc ghế cạnh bàn mời boss ngồi:
- Chỉ thỉnh thoảng tôi mới làm việc trực tiếp với ông nên ông không biết.
- Đúng vậy. Hôm nọ nghe Cathy rủ cô đi ăn phở, tôi mới đoán ra. Tôi bận quá, suốt ngày họp hành với thân chủ, chạy đi chạy về giữa văn phòng và toà án nên ít có thì giờ la cà với nhân viên.
- Tôi hiểu. Ông học tiếng Việt hồi nào?
- Lâu rồi, từ hồi tôi còn ở trong Hải Quân, trước khi được gửi qua Việt Nam làm cố vấn tại Bộ Tư Lệnh. Cô biết không, tên Việt của tôi là Đôn.
Mai bật cười:
- Ồ. Tôi không biết ông là cựu sĩ quan Hải Quân.
Don gật đầu:
- Tôi giải ngũ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, trở lại trường theo học luật và như cô biết, văn phòng này mở cũng đã được gần 30 năm. Cũng đến lúc tôi cần hồi hưu, nhường lại văn phòng này cho con trai tôi.
- Sao vậy? Trông ông còn rất trẻ mà.
- Cám ơn cô. - Chỉ mái tóc pha màu Don nói tiếp – Lo bạc cả đầu.
- Nhưng rồi ông sẽ làm gì?
- Sẽ đi du lịch, hoặc làm bất cứ điều gì tôi thích.
- Ông đã trở lại thăm Việt Nam bao giờ chưa?
- Một lần, vào năm 2004.
- Ông thích đất nước tôi không?
Don mơ màng ngước mắt nhìn lên trần nhà:
- Tôi yêu xứ sở đó, và đã có một mối tình buồn với một người đàn bà mà không bao giờ tôi quên được.
Ngừng lại một chút, cúi đầu như nhớ lại dĩ vãng, Don ngậm ngùi:
- Tôi trở lại bến Bạch Đằng, nhìn toà nhà cũ của Bộ Tư Lệnh/Hải Quân ngày xưa, nước mắt tôi nhạt nhoà. Có nhiều lúc tôi rất buồn khi nhớ lại những kỷ niệm cũ. Mandy, tôi thấy dạo này hình như cô cũng không mấy vui. Không biết là tôi có thể làm được gì cho cô không?
Mai cười buồn:
- Cám ơn ông đã quan tâm. Chuyện riêng nên tôi giữ kín, nhưng ông đã hỏi, tôi xin nói. Tôi và chồng tôi mới chia tay. Cũng chỉ là chuyện thông thường trên đất nước này, nhưng đôi lúc tôi thật buồn và xót xa.
Don ngỡ ngàng thở dài:
- Tôi không biết nói gì để an ủi cô. Ngày cô mới tới đây làm việc lúc nào tôi cũng thấy cô vui vẻ, chuyện trò ríu rít như chim trên cành. Mong là nỗi buồn rồi sẽ qua mau.

Mai yên lặng thở dài cúi đầu nhớ tới Lâm. Mai biết Lâm khi các bạn của bố mẹ cùng gia đình gặp nhau kỷ niệm 30 năm ngày họ ra trường. Các người của biển ngày tháng cũ xúm vào nhau kể chuyện xưa trong lúc bọn trẻ kéo nhau ra sân với những trò chơi. Mai đứng im lìm dưới bóng mát của một tàng cây, thẹn thùng khi Lâm tới làm quen để rồi yêu nhau. Lúc đó Mai đang học Luật còn Lâm theo bước chân của cha, tốt nghiệp trường Hàng Hải, phục vụ trên một thương thuyền xuyên đại dương. Sau lần gặp gở đầu tiên đó, những ngày tàu về bến là những ngày hạnh phúc, Lâm thường tới đón Mai trước cổng trường, đi với nhau trên những con đường dẫn ra bờ biển, ôm nhau trong vòng tay, chuyền cho nhau hơi ấm tránh cơn gió lạnh mùa đông từ ngoài biển thổi vào, và hôn nhau thật đằm thắm khi chia tay trước cổng nhà Mai.

Thấy Mai yên lặng quá lâu, Don ngần ngại:
- Xin lỗi Mandy, tôi đã gợi lại nỗi buồn, nhưng nếu nói ra được có lẽ cô sẽ thấy nhẹ nhàng hơn.
Mai cười buồn:
- Vâng để tôi kể ông nghe. Tôi lấy chồng nhưng không đành lòng sống xa bố vì tôi là đứa con độc nhất, và bố mẹ tôi đã rất khó nhọc nuôi tôi lên người. Ông biết không, tôi chưa bao giờ xa mẹ tôi hơn một ngày. Ngày cha tôi đi tù cải tạo ở ngoài Bắc, tôi chưa đầy một tuổi, mẹ từ Sài Gòn ra thăm cũng mang tôi theo, cực khổ trăm đường nhưng no đói mẹ con vẫn có nhau. Qua bên này bố mẹ tôi thức khuya dậy sớm, ngày ngày lao động vất vả trong xưởng may, tối còn mang đồ về nhà cậm cụi tới quá nửa đêm, để tôi có cơ hội học hành. Có nhiều đêm nhìn mẹ tôi cong lưng đơm nút áo tôi đã để nước mắt chảy dài.
Ngừng nói để đưa tay lau dòng nước mắt vừa ứa ra, Mai nghẹn ngào kể tiếp:
- Ban đầu chồng tôi vui vẻ sống chung với cha mẹ tôi. Chúng tôi đã có những ngày rất hạnh phúc, nhưng hai người đàn ông trong nhà ai cũng muốn làm gia trường, nên càng ngày càng bất hoà, nhất là sau khi chúng tôi có con. Bố mẹ tôi quá yêu cháu, bồng bế suốt ngày, khiến chồng tôi có cảm tưởng như là bị gạt bỏ ra ngoài cuộc sống gia đình. Một lần anh ấy cãi vã với cha tôi đến độ không còn hàn gắn được nên bỏ nhà ra ở riêng. Bố mẹ tôi muốn tôi ly dị, còn tôi, tôi biết là tôi không thể theo chồng, để bố mẹ già sống một mình.
Nuớc mắt Mai lại ứa ra. Don vỗ nhẹ bờ vai Mai, an ủi:
- Tôi biết hai thế hệ sống chung dưới một mai nhà khó có thể dung hoà, nhất là chồng cô lớn lên ở Mỹ còn bố mẹ cô vẫn theo nền văn hoá cổ truyền. Hy vọng là một ngày nào họ nghĩ lại và sẽ làm hoà với nhau.
Mai ngước nhìn Don như thầm cám ơn:
- Tôi cũng mong vậy. Còn ông, chuyện tình buồn của ông ở Sài Gòn ra sao?
Don gật gù:
- Tôi sẽ kể cho cô nghe .
Ngập ngừng một chút rồi Don mới nói tiếp:
- Có điều tôi phải xin lỗi cô trước vì giữa cô và người đàn bà tôi yêu có nhiều điểm trùng hợp ngẫu nhiên chứ tôi không có ý định làm cô khó nghĩ. Thứ nhất, tên cô ấy cũng là Mandy. Không, không phải vậy, tên Việt của cô ấy là Mẫn nhưng tôi gọi cô ấy là Mandy, và cô ấy rất thích cái tên do tôi đặt.

Năm đó là năm 1973. Tôi được chỉ định làm cố vấn cho Phòng Quân Huấn của BTL/HQ. Mandy là thư ký riêng của tôi, và cũng giống như cô, Mandy có khuôn mặt trắng hồng thật đẹp, mái tóc lơ lửng chấm ngang lưng, bàn tay với những ngón dài, và thân mình mỏng manh tưởng như là lúc nào cũng cần một bàn tay nâng đỡ. Cô ấy chỉ mặc áo dài mầu nhạt, ít khi dùng son phấn hay nước hoa thế nhưng đứng gần là thấy thoảng một mùi thơm, và tôi đã yêu cô ấy ngay tuần lễ đầu làm việc chung.

Ban đầu tôi không biết cô ấy có yêu tôi không, nhưng Mandy rất quan tâm tới tôi, bao giờ cũng nhẹ nhàng êm dịu, và chỉ cười thẹn thùng mỗi lần các sỹ quan khác trêu trọc tôi với cô ấy vì hầu như ai cũng biết tôi là kẻ si tình. Tuần lễ nào tôi cũng ghé qua đường Nguyễn Huệ, mua một bó hoa nhiều màu có lẫn một bông hồng đỏ để tặng cô ấy. Mandy nhận hoa, cắm vào chiếc bình pha lê cô ấy mang theo, và đem đặt trên bàn nơi tôi ngồi, cám ơn tôi với một nụ cười. Những lúc ấy tôi như người ngây dại, tuy thế tôi chưa bao giờ dám làm một cừ chỉ gì để biểu lộ tình yêu ngoài đôi mắt đắm đuối, vì sợ mình vụng về làm tan vỡ một tình cảm đẹp, mong manh như hạt sương.

Thỉnh thoảng chúng tôi có đi ăn trưa với nhau, và có vài lần cô ấy chia cho tôi phần ăn cô ấy mang theo, và những hôm như thế tôi thấy cuộc đời thật là hạnh phúc. Bất chấp pháo kích hay kẹt đường, ngày nào tôi cũng tới sở sớm chờ cô ấy, và những hôm trời mưa tôi được đưa cô ấy về bằng chiếc xe Jeep lùn, vì trạm xe bus khá xa nơi chúng tôi làm việc. Tôi sợ cô ấy mắc mưa ướt áo, hoặc bị cảm sẽ không đi làm được. Thú thật ngày nào cô ấy không đi làm, tôi sẽ đứng ngồi không yên, chẳng làm được việc gì cho ra hồn.
Mai bật cười khúc khích:
- Tôi không ngờ ông lãng mạn và si tình như vậy.
Don cũng mỉm cười, đưa ta vuốt nhẹ mái tóc hoa râm:
- Lúc đó tôi chỉ mới vừa ba mươi tuổi, còn quá trẻ và … dại khờ.
- Ông có bao giờ chính thức tỏ tình với cô ấy không.
- Có chứ. Cũng mất tới mấy tháng tôi mới dám ngỏ lời.
- Rồi sao? Cô ấy …
- Cô ấy không nói, chỉ cúi đầu thẹn thùng mỉm cười, nắm chặt bàn tay tôi trên bàn. Quá hạnh phúc, tôi muốn hét lớn cho mọi người xung quanh nghe nếu cô ấy không đưa bàn tay bịt miệng tôi. Tình yêu trong sáng của chúng tôi kéo dài mấy tháng trời. Trừ những cái nắm tay, tôi chưa bao giờ được ôm hôn cô ấy. Gần đến ngày phải về nước, tôi xin hỏi cưới Mandy, và khi cô ấy gật đầu tôi muốn khóc vì sung sướng. Mandy nói tôi cần người mai mối tới nhà nói chuyện vì gia đình cô ấy rất bảo thủ. Tôi đã phải nhờ counterpart của tôi, ông trưởng Phòng Quân Huấn người Việt, dẫn tôi tới nhà Mandy, xin với cha mẹ Mandy cho phép tôi cưới cô ấy làm vợ. Nhưng cô biết không …

Don không nói hết câu, đôi mắt buồn dầu nhìn đôi bàn tay soắn vào nhau cùng với tiếng thở dài. Mai ái ngại:
- Gia đình cô ấy khó lắm hả?
- Vâng, khó lắm. Ông bố gọi tôi là “thằng Mỹ”, không nhận lời cầu hôn của tôi dù ông trưởng phòng bạn tôi cố gắng hết sức vun vào. Tôi ngồi chết lặng, không hiểu hết những gì cha cô ấy nói nhưng lòng tôi đau như dao cắt. Giá mà gia đình cô ấy đòi hỏi bất cứ điều kiện gì tôi cũng chấp thuận. Tiếc thay họ chỉ nói “không là không”, và còn tỏ ý tiễn khách bằng cách bỏ vào nhà trong. Tôi nghe tiếng Mandy khóc và tiếng la lối của ông bố. Ông bạn tôi ngượng ngùng nên kéo tôi ra về. Tôi như người mất hồn, cúi đầu lầm lũi, không biết tới người xung quanh.
- Tôi nghiệp ông quá! Thời buổi đó người Việt có thành kiến với những người con gái lấy chồng ngoại kiều nên gia đinh cô ấy chống đối.
- Tôi biết, nhưng rất đau khổ. Mấy hôm sau Mandy mới đi làm lại với đôi mắt sưng húp. Tôi thì như người đã chết mặc dù Mandy cố an ủi tôi, xin cho cô ấy thời gian để thuyết phục gia đình. Tôi là người theo đạo Tin Lành, thế nhưng chiều nào trên đường về cư xá tôi cũng ghé vào nhà thờ Đức Bà cầu nguyện. Nhưng không ai có thể cứu vớt được tình yêu của chúng tôi. Ngày tôi phải về nước, Mandy và tôi chỉ biết ôm nhau khóc khi cô ấy tiễn tôi tại phi trường. Đó là lần độc nhất tôi được ôm cô ấy trong vòng tay, thế nhưng đó lại là giây phút buồn đau nhất đời.
Mai cũng thấy dưng dưng buồn:
- Sau đó ông có liên lạc hoặc gập lại cô ấy thêm một lần?
Don gật đầu:
- Chúng tôi có viết thư an ủi lẫn nhau nhưng chỉ được vài lần rồi bặt tin nhau vì biến cố tháng Tư năm 1975. Tôi nghĩ là Mandy được toà đại sứ di tản vì làm việc cho Hoa Kỳ nhưng tôi không được tin cô ấy. Tôi đã bay sang Guam, tìm khắp các trại tỵ nạn, nhờ cả hội Hồng Thập Tự, nhưng vẫn không có kết quả gì. Quả tình tôi không biết bây giờ Mandy ở đâu, đời sống ra sao hay cũng như bao nhiêu người đã bỏ mình trên biển khi đi tìm tự do.
Mai bâng khuâng:
- Ông vẫn còn nhớ và yêu cô ấy?
- Làm sao tôi quên được. Năm năm sau tôi mới lập gia đình nhưng người tôi yêu vẫn chỉ là Mandy.
Don lại cúi đầu yên lặng. Mai chỉ biết nhẹ thở dài, không muốn khuấy động những giây phút lắng đọng. Lâu lắm Mai mới nắm nhẹ cánh tay Don an ủi:
- Tôi không biết nói gì để chia buồn với ông. Trong chiến tranh ai cũng có những mất mát. Cha tôi cũng là sỹ quan của Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà. Cả ông bố chồng của tôi nữa. Hai người đều bị giam cầm hơn mười năm trong vùng rừng núi thượng du Bắc Việt. Họ là bạn cùng khoá, và do đó tôi đã gặp được chồng tôi, yêu anh ấy, có với nhau một đứa con nhưng rồi cũng không được sống với nhau. Ông xem, những mất mát là một phần của đời sống không tránh được. Ông đừng buồn nữa.
- Cám ơn cô nhiều lắm. May cho tôi hôm nay đã dịp chia sẻ một chút tình riêng với cô cho nhẹ lòng.
- Ông đừng khách xáo. Tôi có đề nghị này, nếu ông …
- Cô cứ nói.
- Khi không có ai khác, cho phép tôi được gọi ông bằng “Uncle Don” hay “Chú Đôn”. Đó là tập tục của người Việt chúng tôi đối với những người gần bằng tuổi của cha mẹ mình. Ông bằng lòng nhé.
- Ồ, lẽ dĩ nhiên. Tôi rất vui được cô gọi bằng cái tên thân mật ấy. Ngày xưa Mandy cũng thường gọi tôi là “Anh Đôn”.
Mai mỉm cười:
- Vậy là được rồi, bây giờ xin phép “chú Đôn”. Đã tới lúc chúng mình phải ra về, vì cũng đã khá muộn.
Don vội vã đứng dậy:
- Mới đó mà trời đã tối. Để tôi đưa cô ra bãi đậu xe vì hình như trời đang mưa. Mandy, cô cố gắng đừng buồn nữa. Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua, và tôi … tôi lúc nào cũng quan tâm tới nhân viên, nhất là những người trẻ, tương lai của office này như cô.

Mai gật đầu, “dạ” nhỏ, theo bước chân Don ra khỏi văn phòng. Chỉ là mưa bụi không ướt áo nên Mai không vội vàng. Don mở cửa xe dùm Mai, dặn dò:
- Mandy lái xe cẩn thận nhé.
Mai gật đầu cám ơn, đưa tay vẫy chào giã từ. Don đứng nhìn theo cho đến khi xe Mai đã ra khỏi bãi đậu mới quay trở lại văn phòng, lòng mênh mang buồn vì niềm đau trong quá khứ, nhưng đồng thời cũng thấy bâng khuâng nghĩ tới Mai.

Từ ngày bà vợ qua đời Don rất bơ vơ nên lấy công việc làm vui, nhưng có nhiều lúc thấy rất trống vắng. Bây giờ sắp tới tuổi hồi hưu Don càng cảm thấy cô đơn. Don đã âm thầm nghĩ tới Mai nhiều lần nhưng vẫn giữ một khoảng cách vì biết Mai đã có gia đinh. Hôm nay nghe chuyện buồn của Mai, Don vừa thấy ái ngại, vừa thấy cảm thương. Số mệnh đưa đẩy Don gặp Mẫn và bây giờ gặp Mai, thế nhưng, Don thở dài, cuộc đời Don hình như đã được an bài.

***

Tôi trở về San Francisco sau nhiều năm vắng bóng, và nhân tiện ghé thăm người bạn cố vấn ngày xưa. Gần ba năm từ ngay dự đám cưới của Mai đã trôi qua, tình cờ hôm đó gặp lại Mai trong văn phòng Don, tôi hỏi thăm về Hậu, ba của Mai và cũng là người bạn cùng khoá Bảo Bình của trường Sỹ Quan Hải Quân Nha Trang. Bạn bè nhiều người muốn liên lạc nhưng không ai biết bây giờ Hậu đang ở đâu, kể cả Linh, thông gia của Hậu.

Mai buồn dầu cho tôi biết cuối cùng Lâm và Mai đã chính thức ly thân, còn Hậu và Linh đã tuyệt giao sau khi trách cứ nhau về nguyên nhân tan vỡ gia đình của hai đứa con. Mai cho tôi số điện thoại nhưng dặn tôi là chỉ liên lạc khi thật cần thiết vì Hậu bây giờ không muốn gặp bạn cũ, và nhất là không muốn nhắc tới chuyện con gái mình. Tôi thở dài nghĩ tới hai người bạn ngày xưa chia nhau từng hạt cơm trong tù, người kéo người đẩy chiếc xe chở đá nặng nề trên con dốc mùa đông miền thượng du Bắc Việt, thân nhau còn hơn anh em, thế mà bây giờ đã chia lià …

Trời về chiều, sương mù mờ mịt trong vịnh San Francisco.Tôi lái xe tới cầu Golden Gate, đứng nhìn ra biển Thái Bình Dương, nghe tiếng còi u buồn của một con tàu trên đường ra khơì, thẫn thờ vì những mất mát của những người thân quen. Tôi cũng nghĩ về thân thế người di tản, và bỗng dưng tôi nhớ tới bài hát cũ:

Quê tôi chìm chân trời mờ sương
Quê tôi là bao nguồn yêu thương
Quê tôi là bao nhớ nhung se buồn … ( Chung Quân)

Ước gì một ngày nào tôi lại có chốn để đi về, ước gì Lâm và Mai nối lại cuộc tình xưa, ước gì Linh và Hậu sẽ đi tìm nhau, quên hết giận hờn. Nhưng có lẽ tôi nghĩ về Don nhiều hơn cả. Qua câu truyện tôi biết là Don đã yêu Mai, như Don đã từng yêu Mẫn ngày xưa nhưng không dám tỏ tình vì bản tính nhút nhát, và vì Mai vẫn còn những ràng buộc với gia đình. Tôi ước gì Mai là người từ tiền kiếp, và số mệnh sẽ không lập lại thêm một lần để Don có những ngày vui cuối đời.

Chỉ là ước mơ, nhưng tôi biết nếu không có ước mơ đời sẽ thật buồn. Trong lúc lái xe trở về thành phố tôi cảm thấy bâng khuâng, luyến tiếc những ngày vui khi bạn bè và những người yêu dấu có nhau bên đời.


Trần Quang Thiệu
August 18, 2012
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.09.2012 08:19:22 bởi NgụyXưa >
#1
    Ct.Ly 05.09.2012 05:08:08 (permalink)
    #2
      NgụyXưa 05.09.2012 05:23:43 (permalink)

      Sương Mù Trong Vịnh San Francisco

      Đã mang vào thư viện

      Cảm ơn tác giả Trần Quang Thiệu dã góp sức cho thư viện

      Cám ơn cô Lỳ.

      Cái hình cầu Golden Gate trong sương mù đẹp quá!
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9