RỘNG MỞ TỪ ÁI
tueuyen 07.09.2012 22:15:43 (permalink)
0
RỘNG MỞ TỪ ÁI

Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Anh dịch: Jeffry Hopkins, Ph. D.
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển - 22/09/2011

MỤC LỤC

Lời nói đầu

1- Quan điểm của tôi
2- Những giai tầng phát triển
3- Căn bản thanh tịnh của tâm thức
4- Bước nền tảng: Nghĩ về bạn và thù
5- Bước thứ nhất: Nhận ra bạn
6- Bước thứ hai: Đánh giá đúng sự ân cần
7- Bước thứ ba: Quay lại ân cần
8- Bước thứ tư: Học để yêu thương từ ái
9- Sự khác biệt giữa từ ái và luyến ái (dính mắc)
10- Từ ái như căn bản của nhân quyền
11- Mở rộng vòng xoay từ ái
12- Bước thứ năm: Năng lực của bi mẫn
13- Bước thứ sáu: Chí nguyện cố gắng hoàn toàn
14- Bước thứ bảy: Tìm cầu sự giác ngộ vị tha
15- Năng lực vô biên của vị tha
16- Hành động với từ ái
Các tác phẩm

***


LỜI NGƯỜI DỊCH

Cổ Đức có dạy :
"Từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc
Bi năng bạt nhất thiết chúng sanh chi khổ ".

Tạm dịch :
Lòng thương yêu có khả năng đem đến cho tất cả chúng sanh an vui,
Lòng thương xót có khả năng cứu tất cả chúng sanh thoát khổ.

Phật Giáo Tây Tạng khi dịch ra Anh ngữ thường dùng:

- Love để dịch cho chữ Từ hay từ ái và có định nghĩa là nguyện cho mọi chúng sinh được hạnh phúc và có nguyên nhân của hạnh phúc.

- Compassion để dịch chữ Bi hay bi mẫn (hay great love: Đại bi) và có định nghĩa là nguyện cho mọi chúng sinh thoát khổ và hết những nguyên nhân của khổ.

Đức Đạt Lai Lạt Ma trong một số bài viết cũng nói rằng, không phải nói đến từ ái hay bi mẫn là chúng ta phải có khả năng để ban vui hay cứu khổ mà trước hết đấy là sự phát nguyện, mong ước của chúng ta cho mọi chúng sinh được có niềm vui và hết khổ. Quả vậy, nếu chúng ta nghĩ đến ban vui cứu khổ mà khi chúng ta chưa có khả năng thần thông tự tại như những vị Phật hay Bồ tát thì quả là ngoài sức tưởng tượng và chúng ta không thể và không dám nghĩ đến, và chúng ta cảm thấy thối chí. Tuệ Uyển nghĩ như thế. Nhưng thay vì thế, như lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma, chúng ta trước hết phải có tấm lòng rộng rãi như thế, phải phát nguyện từ ái và bi mẫn nguyện cho mọi người được hết khổ, được có niềm vui, được có nguyên nhân của niềm vui, được hết những nguyên nhân của khổ. Với lời nguyện ước, mong muốn này chắc ai cũng có thể làm được.

Dĩ nhiên nói đến từ bi là nói đến lòng thương yêu không phân biệt kẻ oán, bạn hữu hay người dưng, nhưng thật khó mà nghĩ đến người làm tổn hại chúng ta, người chúng ta không ưa với tâm bình đẳng như vậy, nhưng như Bồ tát Tokmay Sangpo nói, nếu chúng ta không thuần hóa kẻ thù nội tại mà lại muốn thuần hóa kẻ thù ngoại tại thì kẻ oán lại càng tăng, thế nên việc phát lời nguyện ước từ ái và bi mẫn hay nguyện cho mọi người đều khỏi khổ, hết nguyên nhân của khổ, được hạnh phúc và có nguyên nhân của hạnh phúc là cách hay nhất để rộng mở cõi lòng của chúng ta, thuần hóa kẻ thù nội tại của chúng ta, dù thực tế chúng ta chưa hành động gì cả.

Trong những buổi lễ của Phật Giáo, chúng ta thường có một phút nhập từ bi quán, nhưng chỉ một phút thôi và lâu lâu một lần như vậy thì thật khó mà thâm nhập được từ bi và khó mà rộng mở cõi lòng, khó mà thuần hóa kẻ thù nội tại. Nhưng nếu chúng ta thường xuyên phát nguyện từ ái và bi mấn, hay luôn luôn giữ lòng từ bi, chắc chắn kẻ thù nội tại sẽ khuất phục trước năng lực của từ bi. Các đạo sư Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, hay Thiền sư Nhất Hạnh thường nói hãy gởi những thông điệp thương yêu hay từ bi vào không gian, năng lực của từ bi của chúng ta, của càng nhiều người sẽ làm dịu "thế gian nóng bức" này, dịu những nổi thù hận trong nghiệp chướng của chúng ta. Phát nguyện từ ái bi mẫn là thiết thực làm việc này, là thiết thực biểu lộ bản chất của Đạo Phật, đạo của từ bi.

Thức dậy miệng mĩm cười,
Hăm bốn giờ tinh khôi,
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời.


Nam mô A Di Đà Phật
Ẩn Tâm Lộ ngày 23-9-2012
Tuệ Uyển

LỜI NÓI ĐẦU

Tôi đã gặp vị thầy đầu tiên của tôi về Phật Giáo Tây Tạng gần cuối năm 1962 ở New Jesey. Một người Kalmykia từ Astrakhan, nơi mà dòng Volga đổ vào biển Caspian, Geshe Wangyal, giống như nhiều tu sĩ Kalmykia, đã du hành sang Tây Tạng để vào một trường đại học Phật Giáo và ở đấy trong ba mươi lăm năm. Đã chứng kiến sự tàn phá những học viện Phật Giáo ở Liên Bang Sô Viết, thầy đã cảm thấy - sau khi Trung Cộng xâm chiếm Tây Tạng năm 1950 - những gì sẽ xảy đến cho Tây Tạng, và vào năm 1955 thầy đã đến Ấn Độ. Ba năm sau, thầy đã du hành bằng thuyền đến Hoa Kỳ với sự giúp đở của Hội Thánh Phụng Sự Thế Giới.

Gần như từ thời khắc đến Hoa Kỳ, Geshe Wangyal đã bắt đầu giảng dạy Đạo Phật Tây Tạng cho tất cả những ai tìm cầu, thành lập một tu viện và trung tâm tu học và mời bốn vị tu sĩ Tây Tạng để hợp lực với thầy vào năm 1960. Các thầy đã dạy cho nhiều người Mỹ, kể cả tôi. Một số này cuối cùng đã trở nên có ảnh hưởng trong những học viện, chính trị, y khoa, tôn giáo, nhà xuất bản cũng như những lĩnh vực khác.

Sự ra đi ồ ạt từ Tây Tạng năm 1959, khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đào thoát đến Ấn Độ, đã đưa đến sự hình thành của những trường học Tây Tạng cho những cư sĩ và tu sĩ ở Ấn Độ, Sikkim, và Nepal, kể cả một chương trình giáo dục tu sĩ đầu tiên trong một nơi đã từng là nhà tù trong cái nóng bức của Buxaduor, Ấn Độ, một nơi với sự điều tiết khổ sở đến khí hậu và độ cao thấp so với mặt biển của một môi trường mới [đối với những người Tây Tạng vốn ở trên một cao nguyên nóc nhà thế giới].
Cuối cùng, những tu viện chính của tất cả những trường phái quan trọng của Đạo Phật Tây Tạng được tái thiết lập, mặc dù trong hình thức thu nhỏ, ở Ấn Độ và Nepal. Trong những hoàn cảnh mới của họ, những tu viện đại học cộng đồng (college) lớn hơn đã nắm lấy cơ hội để tự cải cách, bỏ đi những khía cạnh nào đấy, chằng hạn như tổ chức tu sĩ cảnh sát, những người giữ gìn trật tự đáng sợ của Tây Tạng xưa. Những nhóm khác đã tạo nên những học viện tôn giáo đổi mới bên ngoài sự kiểm soát của những tu viện. Cũng thế, sự giáo dục cư sĩ và những trình độ thứ yếu đã đi đến bao gồm những phiên bản của những chủ đề cho đến nay chỉ giới hạn trong giới tu sĩ.

Ở hải ngoại, những vị thầy Tây Tạng - cả tu sĩ và cư sĩ - đã tìm cách để thích nghi với những phương pháp trước đây về việc nghiên cứu học hỏi và thực hành đến một môi trường thế tục hơn. Hiện tại bây giờ, sau sự thành công chậm rãi nhưng vững vàng trong hàng ngàn trung tâm khắp thế giới, chúng tôi đang tiến sát gần đến việc thành lập những trung tâm nổi bật theo phong cách Tây Tạng bên ngoài cộng đồng Tây Tạng. Sự khuếch tán đã làm cho những bộ phận rèn luyện truyền thống của Tây Tạng có từ hơn một ngàn năm lan rộng vượt xa mãnh đất nguyên thỉ của nó. Bên ngoài Tây Tạng có một mối khao khát đối với sự vững chắc về những môn học này và việc đánh giá cao cho những kiểu mẫu cổ xưa đã được thử thách qua thời gian trong việc rèn luyện, mặc dù có những khó khăn hơn dự kiến trong việc đưa những sự học hỏi nghiên cứu như vậy hoạt động bên ngoài môi trường của Tây Tạng và Mông Cổ.

Người ta có thể nghĩ rằng thế giới bị vây quanh bởi những năng lực ngăn ngừa một sự phát triển chính đáng như vậy: việc gia tăng những khuynh hướng đối với sự khai thác, tham lam, và dục vọng; chủ nghĩa tiêu dùng quá khích; những ý kiến vận động liên tục là những thôi thúc điều chỉnh thô tháo; vô số khu giải trí hiện diện khắp nơi; sự gia tăng cách biệt giữa giàu và nghèo; những giải thích đáp ứng cho các phức tạp về sự hiện hữu của con người; việc ăn uống quá mức đưa đến bệnh tật và mập phì; những vận động để đưa những quyền làm việc trở lại các trình độ thế kỷ mười chín; một sự nhấn mạnh buồn cười trên quyền lợi kinh tế, giống như điều này có thể là mục tiêu duy nhất của hơi thở. Tuy nhiên, có những dấu hiệu rằng đây là những năng lực đen tối phát sinh một khe hở của bất mãn và một sự tự nguyện thử nghiệm những cung cách khác.

Nhiều người khắp thế giới có cả văn hóa địa phương và văn hóa toàn cầu, và nhiều người đã tiếp nhận những quan điểm đã sinh khởi so với sự nổi bật của nền văn hóa bản địa của họ. Sự cởi mở này gợi lên một sự sẳn sàng cho những quan điểm mới, nhưng nó có thể biểu lộ một ý nghĩa rạn nứt của thời gian, là điều có thể đe dọa đến một loại đắm mình trong sự thực tập Phật Giáo Tây Tạng.

Chính quyền lưu vong Tây Tạng đang chuyển động đến một biểu hiện nguyên tắc dân chủ trong việc tách rời sự kiểm soát chính trị khỏi những tổ chức tôn giáo nhưng vẫn còn ở trong đề mục của những tư tưởng Đạo Phật. Điều này làm song hành sự thích nghi những hệ thống giáo dục Tây Tạng, là điều đã trở thành một hổn hợp của thế tục và tôn giáo.

Người Tây Tạng sống bên ngoài quê hương Tuyết Sơn đang đấu tranh để quyết định những phương cách truyền thống nào nên duy trì - và làm việc ấy như thế nào. Thí dụ, đối với tất cả chúng ta đánh giá cao truyền thống y khoa lâu đời của Tây Tạng. Sự tài tình của hàng trăm vị thầy thuốc qua hơn một ngàn năm đã đưa đến kết quả trong việc phát triển những sự chửa trị đầy năng lực của cỏ thuốc và khoáng chất. Khi chúng ta nhìn vào những bộ phận khác của thế giới, nơi mà chủ nghĩa hiện đại đã phá hủy và thay thế những cung cách xưa cũ của đời sống, và nơi mà tuệ trí của những hệ thống y học cổ truyền đã bị đánh mất vĩnh viễn, chúng ta thấy sự quý giá của kho tàng kiến thức cổ xưa được bảo tồn trong những truyền thống riêng lẻ của Tây Tạng và Trung Hoa.

Những khu rừng cần được duy trì qua dự án khai thác và tái tạo để bảo tồn sự đa dạng của cây cỏ và động vật lợi ích tiềm tàng cho thế giới, nhưng nổ lực thì đầy các rắc rối của sự thay đổi và thương nghiệp có thể lên án con người đến sự nghèo nàn không ngừng; người Tây Tạng cũng thế phải đối diện với sự xung đột giữa nhu cầu nuôi dưỡng con người bây giờ và sức mạnh thị trường cuối cùng sẽ để lại một kho tàng trống rỗng. Giống như những thị trường không điều hòa không làm nên thị trường tự do, sự phát triển vô tổ chức không bảo đảm tiến trình. Đây là những rắc rối mà toàn thế giới đang đối diện, và không có những giải pháp dễ dàng.

Sự cát tường tương lai của Tây Tạng tùy thuộc trên sự tự nguyện của chính quyền Trung Cộng để đặt qua một bên sự sợ hãi của họ và tiến hành những sự đối thoại chân thành với chính quyền lưu vong Tây Tạng. Có phải sự kêu gọi của Bắc Kinh cho những sự đàm phán một chính sách mới biểu hiện sự quan tâm chân thành của họ, hay đấy chỉ là một mánh khóe khác mà thôi? Đến hôm nay, chính quyền Bắc Kinh đã thi hành lừa dối như một sách lược trì hoản, một thí dụ đang được đòi hỏi rằng Tây Tạng từ bỏ mục tiêu độc lập, điều này mặc dù Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bỏ những đòi hỏi như vậy tận năm 1978. Việc thất bại của chính quyền Trung Cộng là sự vắng bóng của từ ái và bi mẫn, là những điều được biết từ cuộc sống của chính chúng ta cuối cùng đưa đến sự tự tàn phá.

Khắp thế giới từ ái yêu thương phải tan biến tính không bao dung; kiến thức phải xói mòn si mê ám tối; chủ nghĩa năng động hợp tác phải thay thế sự chấp nhận thụ động và chán nản; đối thoại phải thay thế cho tố cáo lẫn nhau; công bằng đổi mới phải chiếm chỗ của trả thù; đạo đức phải hất cẳng sự nhấn mạnh kết quả cuối cùng; sự thừa nhận những quyển lợi phổ quát phải được thay thế sự không thừa nhận. Chỉ một nổ lực quyết tâm trải qua một thời gian dài mới có thể vượt thắng những nổ lực cố thủ của ngu xuẩn và tham lam.

Hy vọng của tôi rằng quyển sách này về từ ái, trong điều mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã vạch ra từ một truyền thống lâu dài về những kỷ năng Tây Tạng cho việc chuyển hóa tâm thức và trái tim, sẽ cống hiến đến những gì chúng ta cần thật mến thương - một ý nghĩa của từ ái và bi mẫn cho nhau.

Jeffrey Hopkins, Ph.D
Professor of Tibetan Studies
Univesity of Virginia







#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9