Chùa Kì Vũ
rabinka 07.10.2005 02:58:20 (permalink)
Chùa Kì Vũ


Làng Thượng Cát (xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm) có chùa Kỳ Vũ, còn gọi là chùa Giác hay Cổ Giác được xây dựng từ khá sớm. “Kỳ Vũ tự” nghĩa là “chùa cầu mưa”, cầu nước. Tại nhà tiền tế của chùa hiện còn một bức hoành phi có hàng chữ “ Kỳ Vũ tự cầu vũ đắc vũ” (chùa Kỳ Vũ cầu mưa được mưa), chứng tỏ nơi đây từng là điểm cầu đảo của các quan và dân địa phương.

Sở dĩ có hiện tượng này vì nước là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Vì thế khi Phật giáo vào Việt Nam (đầu Công nguyên) đã kết hợp với tín ngưỡng bản địa để tạo nên hệ thống “Tứ Pháp” (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện) thờ các hiện tượng tự nhiên (mây, mưa, sấm, chớp) trong các chùa của người Việt để cầu "mưa thuận gió hoà".

Theo các tài liệu Hán Nôm còn lưu thì chùa Kỳ Vũ được xây cất từ lâu. Đến tháng 10 năm Thịnh Đức năm thứ (1655), ông Phạm Công Doanh người phường Công Bộ, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên (nay là phường Thành Công, quận Ba Đình), là Đô chỉ huy sứ ty cùng với dân làng góp tiền của đúc quả chuông đồng lớn và hai lư hương làm đồ thờ tự cho chùa. Đây là quả chuông lớn, đẹp, có 6 núm, thân cao 97 cm, quai cao 35 cm, ngang 45 cm, đường kính miệng 70 cm., chữ khắc đẹp, rõ nét.

Bốn năm sau, theo tấm bia hậu "Kỳ Vũ tự, hậu Phật bi đề danh ký"dựng ngày 24 tháng 9 năm Vĩnh Thọ thứ 2 (1659), chùa được trùng tu lớn với sự hưng công của Quận chúa Lê Thị Ngọc Nhân.

Sau nhiều lần tu sửa, đến cuối thế kỷ XVII chùa Kỳ Vũ trở thành chùa lớn. Hiện trạng chùa có kết cấu hình chữ “Công": gồm nhà tiền tế và thượng điện được nối với thiêu hương, hai hành lang ở hai bên, gác chuông và nhà tổ ở phía sau. Kiến trúc, hệ thống tượng và các mảng điêu khắc đều mang đậm phong cách giữa thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII). Với vị thế đẹp của làng Thượng Cát “phía Nam có sông nước, núi chầu, thế thời sinh tướng tài, khoa bảng; phía Bắc có dải sông uốn lượn, bến chợ ngựa xe tấp nập. Phía Đông là lị sở của hai ty quan, bên ngoài tụ tập các quan chức, phía Tây cao vọt lên ngọn núi Tam Đảo chầu về, phía trước có lâu đài sán lạn cơ hồ thu thập một bầu thế giới, chùa trở thành một danh lam cổ tích lớn, được nhiều quan lại cao cấp, các quận chúa và người các phưởng ở Thăng Long cùng khách thập phương đến thăm và đóng góp tiền của để tu bổ. Bài Minh trên quả chuông đúc năm Thịnh Đức 3 (1655) cho biết, tham gia góp tiền đúc chuông còn có cả Binh bộ Thượng thư Quảng Quận công Đặng Thế Khoa, Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Trân. Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Tương, Sơn Tây đẳng xứ Tán trị thừa chánh sứ ty Tham nghị Văn Thắng bá Nguyễn Trình cùng hàng trăm người ở các phường Công Bộ, Báo Thiên kinh đô Thăng Long và nhiều phường, xã trong vùng v. v…

Chùa Kỳ Vũ được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1990, được dân làng quan tâm bảo vệ và tôn tạo. Năm 2003, dân làng đã góp trên 500 triệu đồng tu bổ lại chùa.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9