Thế nào là "tiền chiến"?
Khải Nguyên HT 15.09.2012 23:32:24 (permalink)
KHÔNG NÊN DÙNG LẠM TỪ “TIỀN CHIẾN”!
-phiếm luận-

        Lâu nay người ta viết (nói), chẳng hạn, lớp văn nghệ sĩ tiền chiến; tái bản tác phẩm tiền chiến (như văn thơ của Tự lực văn đoàn, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, nhạc của nhóm Đồng Quê, tranh của Tô Ngọc Vân, v.v...). Tiền chiến = trước chiến tranh , hẳn là nói: trước cuộc chiến tranh ở Việt Nam, cụ thể là trước Toàn quốc kháng chiến chống Pháp (19/12/1946).
         Dường như có những trường hợp dùng không thoả đáng.
         Nói Nguyễn Tuân, chẳng hạn, là nhà văn "tiền chiến" chắc là nghe xuôi. Còn Trần Đăng mà tác phẩm được biết đến trước tiên, viết về những chiến sĩ giải phóng quân "lần đầu đến thủ đô", ra mắt sau 19 / 8 / 1945 và trước 19 / 12 / 1946, nếu coi là nhà văn "tiền chiến" thì chắc là khó nghe.
         Về tác phẩm, chẳng hạn Chùa Đàn, truyện của Nguyễn Tuân, xuất bản giữa năm 1946, phần cuối của tác phẩm có dấu ấn của tinh thần những ngày sau Cách mạng tháng Tám, có là truyện "tiền chiến" không? Rồi Ngọn quốc kì, thơ của Xuân Diệu ; Đèo Cả, thơ của Hữu Loan ; Chiến sĩ Việt Nam, ca khúc của Văn Cao ; kịch Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng và nhiều tranh, tượng, ảnh nghệ thuật, cùng các tác phẩm văn thơ, ca khúc khác được sáng tác trong thời gian từ sau Cách mạng tháng Tám đến trước ngày Toàn quốc kháng chiến (không ít) có gọi là những tác phẩm tiền chiến không?
         Có vẻ như chỉ là cách gọi “cho tiện”, chẳng nên so đo làm gì. Thật ra, cái chính ở chỗ khác.
         Nói cho công bằng, không thiên vị, không định kiến, không vì “đấu tranh giai cấp”(?), “đấu tranh ý thức hệ”(?) thì cái mốc “1945” đánh dấu những chuyển biến, những thay đổi (sâu xa hay bề ngoài, lâu dài hay tạm thời, toàn bộ hay một phần, ... ) về tinh thần, về ý thức, về nếp sống, về các mối quan hệ, ... , theo cái hướng “đổi đời”, thoát ra và vươn lên từ “80 năm nô lệ dưới ách thực dân Pháp”. (Không nên quên rằng cuộc Nhật đảo chính Pháp ngày 9 – 3 – 1945 và những xáo động chính trị, xã hội tiếp theo sau đó cũng góp phần nhất định vào những biến chuyển này). Điều cần lưu tâm, cần ghi nhận là ở chỗ đó.  Những chuyển biến, thay đổi ấy về sau phát triển hoặc biến dạng, tốt hay xấu, thì cũng không thể vì thế mà tùy tiện di dời “cái mốc lịch sử” kiểu như di dời cột mốc biên giới mà ông “bạn” láng giềng “vĩ đại” của nước ta vẫn làm!
         Được biết cái từ "tiền chiến" vốn khá phổ biến ở miền Nam VN trước 30 / 4 / 1975 thường dùng để chỉ những văn nghệ sĩ và các tác phẩm văn nghệ từng có mặt trước cái mốc trọng đại trong lịch sử đất nước năm 1945. Có lẽ thời đó ở trong đó người ta không thể (có người thì không muốn ) dùng từ "trước Cách mạng " hoặc "trước ngày Độc Lập" chăng?
         Như vậy thì có nên dùng từ "tiền chiến" hay là nên thay bằng từ khác, chẳng hạn "trước Cách mạng" ? Cũng có thể, để cho “trung tính”, thì nói “trước 1945”.
         Nên chăng có một qui định chính thức từ một cơ quan có chức trách và có thẩm quyền về nghiệp vụ và chuyên môn? Với trường hợp này và nhiều trường hợp khác nữa.
        Để khỏi có sự hiểu lầm, hiểu sai, không chỉ với hậu thế.

Hải Phòng, 20/9/2007 - 10/2011
<bài viết được chỉnh sửa lúc 16.09.2012 18:46:31 bởi Khải Nguyên HT >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9