CHIẾC ĐÈN TRUNG THU-truyện ngắn
sen dat 29.09.2012 15:46:44 (permalink)
CHIẾC ĐÈN TRUNG THU
Tác giả Ái Thơ

Trẻ con trong xóm đã lục tục kéo nhau ra đầu con hẻm sửa soạn rước đèn. Ánh nến lung linh theo nhịp bước, chúng nối đuôi thành hàng dài, đèn đưa cao ngang tầm mắt. Mấy chiếc phi cơ mở rộng cánh, và con cá chép vẩy bạc. Đôi con bướm vòi uốn cong, cánh xòe điểm hoa lốm đốm. Dăm ba con thỏ lông trắng, vài quả bí sọc, tròn xinh xinh...Tất cả gợi nhớ đến một đêm trăng huyền dịu, khi Đường Minh Hoàng mơ nguyệt điện thuở xa xưa.
Bé Du hấp tấp mở cặp lôi ra chiếc đèn xếp.
Chiều nay giờ thủ công, cô giáo đã dạy lũ học trò xếp đèn, chuẩn bị đón Trung Thu. Bạn bè Du, đa số xếp đèn để lấy điểm; chứ đứa nào cũng khoe ở nhà đã có mua đèn ở tiệm cả. Chả vì đèn ở hiệu đẹp gấp bội.
Du đưa chiếc đèn xếp ra chỗ có ánh sáng. Hai tờ giấy Thế Giới Tự Do được dán liền gấp theo nếp. Đèn cũng có chỗ đốt nến, cọng kẽm để treo.
Du đốt ngọn đèn cầy nhỏ xíu, đặt cẩn thận vào đèn rồi tìm một que tre nho nhỏ, cột chặt vào cọng kẽm. Du đưa lên cao ngắm nghía.
Tờ giấy quá dầy bên ngoài đã ngăn cản ánh nến! Đèn coi có vẻ hơi kỳ dị! Phải chi Du có tiền mua giấy bóng làm, chắc đèn sẽ đẹp hơn nhiều! Do dự một lát, Du đứng lên nói với vào trong:
_Má ơi con chơi rước đèn chút nghe má.
Má nó đang làm gì phía sau cao giọng:_Chơi gì mậy! Đèn đâu mà đòi?
Du đưa cao đèn lên:_Có nè má! Cô con mới dạy làm hồi chiều đây!
Má Du bước ra, lau tay vào vạt áo đang mặc:_Đâu...? Đèn gì kỳ vậy mậy? Dầy mo? Ối! Đèn với đuốc! 11, 12 tuổi rồi!
Nghe mẹ chê Du khó chịu dù nó cũng thấy chiếc đèn kỳ kỳ làm sao ấy! Trong lớp chả có cái đèn nào giống của nó cả! Du vùng vằng, quay về phía cửa:
_Kỳ gì? xin má tiền mua đèn chơi, má hỏng cho, rồi xin tiền mua giấy bóng làm cũng hỏng cho. Đứa nào cũng có hai ba bữa rồi...
Má nó nạt ngang:_Tao biểu hỏng có mua chác gì hết! Dẹp đi!
Du rơm rớm nước mắt yên lặng. Lúc nào mẹ nó cũng dễ nóng giận! Nó cũng bướng bỉnh nhưng cũng biết sợ đòn!
Du thấy mẹ nó nhiều lúc thật khó chịu, chả bù với cô giáo trong lớp. Chiều này khi bạn bè dè bỉu chiếc đèn này, cô giáo nó đã ôn tồn giảng giải:_Mấy em có giấy bóng làm đèn càng tốt. Không có dùng giấy có sẵn ở nhà như Du đây, cũng chẳng sao! Tuy giấy hơi dầy, nhưng cũng đẹp. Không hề gì. Giấy của Du tuy vậy song được lợi điểm là gấp dễ và giữ nếp hơn...
Du bỗng thấy yên chí đi mau ra đầu hẻm.
Tụi nó đã xếp thành hàng cả rồi. Du thấy lòng nao nức. Mấy hôm nay, Du vẫn thèm thuồng nhìn tụi nó chơi. Xin mẹ mấy lần không được Du đành chịu. Vả lại có lần cô giáo đã từng dặn dò:_Các em chớ nên suy bì với bè bạn. Mỗi em có một hoàn cảnh gia đình khác nhau. Kẻ giàu người nghèo. Cô nghĩ rằng cha mẹ em nào cũng thế, ai cũng hết lòng lo lắng, hy sinh cho các em cả. Những gì cha mẹ không làm được cho các em, chính vì cha mẹ thiếu khả năng, phương tiện. Đòi hỏi quá đáng chỉ làm khổ tâm cha mẹ các em mà thôi! Các em nên sung sướng trong hoàn cảnh của mình, dù nghèo nhưng vẫn được mẹ cha cho đến trường học hỏi. Còn hơn biết bao trẻ con bất hạnh khác...
Mà Du thấy ba má cũng lo cho nó thật. Nhà nó nghèo. Ba nó ngày ngày còng lưng trên chiếc xích lô đạp. nhiều khi như hôm nay chẳng hạn, gần 8 giờ đêm rồi ông vẫn chưa về nghỉ ngơi. Mẹ Du khuya đã thức dậy, xuống tận khu ruộng mua vài chục mớ rau muống gánh về chợ. Mẹ nó thường bảo nghề này ít vốn, mỗi ngày kiếm hơn trăm bạc lại có rau ăn. Có lần người hàng xóm đến hỏi ba má nó cho nó đến phụ giữ em, mỗi tháng trả cho vài ngàn bạc. Nhưng ba má nó quyết liệt từ chối. Ba má nó muốn nó học hành đàng hoàng, dù nhà nghèo phải chạy gạo từng bữa...
Đám trẻ con quay hẳn về hướng Du khi có một đứa reo lên:_Con Du ra rước đèn kìa bây ơi! Á! Đèn của nó ngộ quá!
Có giọng chế nhạo:_Đèn đặc biệt, đèn đặc biệt!
_Đèn gì "quê" quá! "cù lần" quá bây ơi!
Mỗi đứa một tiếng nói, một tiếng cười. Du tức tối, bao nhiêu náo nức tự nãy, giờ tan biến nhanh chóng. Nó sừng sộ:_Ừ! Đèn tao làm đấy! Đứa nào làm được như tao chưa?
Bọn trẻ con cười rộ: _Làm xấu òm mà cũng khoe. Này xem đèn tụi tao mua này! Coi có phải đẹp "dễ nể" hông? Dẹp đi mày ơi! Mua đèn khác mà chơi!
Du hằn học:_Tụi bây làm tàng há!. Khỏi thèm chơi với tụi bây đi. Hừ! Để tao mua đèn khác, đẹp gấp trăm lần bây.
Bọn trẻ cao giọng thách thức:_Ừ! Mua đi rồi đem ra đây! Tàng hoài!
Du bực tức trở về nhà, liệng đèn trước cửa không do dự, tiếc rẻ. Đèn cầy ngã xuống gặp giấy, bật cháy. Nỗi bực tức hầu như tan dần theo ngọn lửa. Du tần ngần đứng nhìn buồn chán.
Mẹ Du hốt hoảng khi thấy ánh lửa  trước hiên nhà. Cơn giận vụt đến khi bà thấy đứa con gái đang đứng yên lặng nhìn. Bà tru tréo:_Trời ơi là  trời! Hổng cho tiền mua đèn bây giờ nó làm nư với tao hả? Trời ơi là trời! Nó muốn hại tui nè! Mày muốn cháy nhà hả con này?
Thế là Du bị một trận đòn nên thân, mông ê ẩm. Nó nằm chèo queo trên giường thút thít...
Du lén mẹ đi lần ra đầu ngõ. Bọn trẻ lúc nãy đi đâu cả rồi! Du lần đến cửa tiệm bán đèn Trung Thu nơi mấy hôm nay nó vẫn thường đứng lặng hàng giờ ngắm nghía.
Đèn đủ kiểu vẫn còn treo la liệt. người mua, người xem vẫn đông đảo như mọi lần.
Du thích thú nhìn chiếc đèn con cá Tàu với lớp vẩy bạc lấp lánh dưới ánh đèn. Mỏm cá đỏ tươi, há rộng. Cái vây mới tuyệt, dài và đẹp như cánh áo mấy nàng tiên.
Đèn phi cơ dang cánh y như thật. Có cả đèn tàu thủy với những nét sóng gợn hai bên hông tàu. Đèn bươm bướm, phi thuyền, con voi, con  thỏ...cái nào cũng đẹp, nhưng Du không thích bằng con cá Tàu lúc nãy. Có tiếng trầm trồ:_Cái đèn kéo quân này mới số dách ta!
À! Chiếc đèn kéo quân độc đáo thật! Nhưng cũng đắt gớm! Con cá 120 đ mà đèn này những 600đ.
Đèn làm thật công phu! Những chùm tua ren vàng thả mềm mại theo từng góc của chiếc đèn khối bát giác. Đèn cao cỡ năm tấc là ít. Mặt đèn không dán giấy bóng kính như các đèn kia, mà là bằng lụa mỏng màu hồng nhạt. Một bóng đèn điện tròn được đặt bên trong, soi tỏ dạng những hình người đang  di chuyển trên mặt lụa.
Trẻ con chung quanh ý chừng cũng thích chiếc đèn kéo quân này nhất. Chúng chỉ chỏ, trầm trồ.
Du chợt nhớ đến lũ bạn trong xóm. Mình mà có chiếc đèn này thì phải biết! Có tụi nó lác mắt! Cả xóm chả đứa nào được chiếc đèn như thế này! Phải làm sao có chiếc đèn này mới được! Hết đứa nào còn bộ mặt khinh khỉnh! Tha hồ cho tụi bây vuốt ve, ngắm nghía...
Du cho tay vào túi. Nó thở dài ngao ngán! Túi rỗng không! Tiền không có để mua đèn cá Tàu mà nó vẫn thích , nói chi đến đèn kéo quân này! Nhưng giọng nói thách thức của lũ bạn ban nãy lại vang lên trong đầu Du. Tức thật!
Một ý nghĩ chợt lóe lên! Cô giáo vẫn thường khuyên nhủ đám học trò, nghèo cho sạch rách cho thơm, phải ngay thẳng, thật thà...Nhưng tức lắm cơ! Mặc kệ! Phải làm sao có chiếc đèn này mới được!
Du đưa con mắt quan sát. Bà hàng đang mãi lo gói bánh tận trong quầy. Người mua, kẻ ngắm chả ai buồn để ý đến nó. Chiếc đèn treo tận mé ngoài để câu khách, không quá tầm tay với của Du, cọng kẽm treo ơ hờ.
Do dự một chút , Du cả quyết đưa tay lên cọng kẽm , cầm giật mạnh. Nó xách đèn chạy, chạy cắm cổ.
Người Du nhẹ như bông, hai chân sải nhanh. Chiếc đèn trên tay không gây một trở ngại nào. Nó bỏ lại sau lưng tiếng người nhốn nháo, tiếng kêu, tiếng la thất thanh của bà hàng.
Chạy quanh co mãi hơn chục con hẻm, Du mới đến hẻm nhà! Quái! Hôm nay sao đường xa thế nhỉ? Chạy mệt người nó loạng choạng, chập chờn. Du đứng lại khi biết chắc đã thoát hiểm. Nó thong thả tiến vào hẻm.
Lũ trẻ con ban nãy đang từ trong đi ra, miệng hét to, thích thú:
"Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Đèn ngôi sao với đèn bươm bướm
Đèn thiên nga với đèn cá chép
Em đốt đèn này đến cung hằng"
Lũ trẻ chạy xô lại, bỏ cả hàng ngũ, vây quanh Du chúng reo lên:_trời ơi! Con Du ngon quá! Mày có cái đèn số dách! Bao nhiêu đó mậy?
Mặc cho lũ bạn lao nhao, ngắm nghía, vuốt ve. Du đắc thắng đứng im, cười hãnh diện.
Một đứa, nổi tiếng nhất trong đám, bỗng nhìn nó soi bói ranh mãnh._Thôi tao biết rồi! Mày ăn cắp? Phải hôn? Sức mấy mày có tiền mua cái đèn này? Chết mày rồi!
Du đứng chết lặng. Nó cố gắng to giọng:_Ai bảo mày thế? Tao mua đó.
Lũ trẻ bỗng nhốn nháo hẳn lên. Chúng hạch hỏi rồi lại chế nhạo. Du lúng túng, giật nhanh chiếc đèn, bỏ chạy.
Đám bạn Du đuổi theo sau, hò hét như đám giặc. Du hốt hoảng, cố sức, chạy nhanh hơn. Có giọng đe dọa:_Chết mày rồi! Vô trường tao mét cô. Cho mày bị đuổi học chơi...Lỗ tai Du lùng bùng mồ hôi nó toát ra. Chết thật! Cô giáo biết được không khéo bị đuổi thật chứ không lôi thôi đâu!
Hoảng sợ Du vất nhanh chiếc đèn, tiếp tục căm cổ chạy. Trong cơn hấp tấp Du vấp phải một chiếc ghế. Ghế đâu mà đặt tai ác! Du nhoài người đứng lên. Bỗng, Du hồn phi phách tán! Trời ơi! Bà hàng! Bà đang đứng chắn ngay trước mặt nó. Tiện tay bà nắm lấy tóc con bé, miệng rít: _Con mất dạy! Đồ lưu manh! Đồ ăn cắp! Này! Ăn cắp! Này...
Mỗi tiếng "này" bà ta lại giơ thẳng cánh tay, vả vào mặt Du bốp bốp.
Trong cơn thảng thốt, Du tự hỏi, làm gì bà ta biết được? Hồi Du lấy làm gì có ai thấy? Bây giờ, Du đang tay không cơ mà!
Du cố gỡ bàn tay to lớn của bà hàng, nó van vỉ: _Hỏng có! bà ơi! Con đâu có lấy gì của bà! Bà xem con này! Đâu có gì.
Mặc cho Du van lơn bà hàng thẳng tay tiếp tục. Du đau đớn gục đầu, nức nở chịu trận đòn...
Ba Du mệt nhọc đẩy xe vào hàng hiên. Gương mặt sạm nắng, lấm tấm mồ hôi. Hơn chín giờ đêm rồi! Hôm nay chạy xe có mòi khá hơn thường lệ. Ông đưa mắt nhìn vào nhà, tìm kiếm:_Bà đâu? Con Du đâu rồi hỏng thấy vậy ha?
Mẹ ngồi trên ghế chống tay lên cằm, dài giọng:_Nó kìa! Ngủ trên tấm vạt đó! Đòi chơi đèn, đòi mua đèn! Tôi hỏng cho! Kiếm đâu được cái đèn dầy mo, đốt cháy rồi! Tôi mới cho một trận nên thân đó đa!
Mẹ nó kể lể:_Nhà nghèo mà hỏng theo phận nghèo! Cứ đòi đèn với đuốc thật tức mình!
Ba Du giọng dễ dãi: _Nghĩ cũng tội nghiệp nó chứ bà! Mấy năm nay có được cái nào đâu! Toàn là chơi đèn lon sữa bò! Đây nè! Bữa nay chạy xe khá, tui mua cho nó cái đèn đây! Kêu nó dậy đi!
Mẹ Du đứng lên. Ba Du từ cửa bước vào, lủng lẳng trên tay chiếc đèn. Mẹ nói giọng tiếc xót:_Trời ơi! Nghèo mà xài sang! Bao nhiêu vậy?
_Trăm đó! Tui kèo nài,người ta bớt được hai chục. Không thì tới trăm hai. Kệ cho nó chơi năm nay đi bà. Du à! Dậy chơi đèn đi con!
Mẹ Du im lặng. Nghĩ cũng tội nghiệp con bé!
Tiếng thút thít của Du làm mẹ nó giật mình! Nãy giờ bà cứ tưởng con đã ngủ. Tội chưa khóc từ đó tới giờ.
Bà cất giọng nhẹ nhàng:_Thôi! Dậy lấy đèn chơi đi, khóc gì nữa?
Du vẫn thút thít nằm im, tiếng ú ớ trong cổ họng, tay đưa về phía trước bâng quơ. À con bé chắc đang nằm mơ! Chiêm bao sao mà khóc dữ vậy kìa?
Mẹ nó nghe thoáng hối hận trong lòng. Hồi nãy bà đánh con bé cũng hơi quá tay. Đến bên con, bà lay vai Du: _Du! Du à! Dậy chơi đèn đi con! Du!
Du bàng hoàng mở mắt. Ánh ngọn đèn dầu lung linh. Đúng  bà hàng đang nắm vai nó. Du tiếp tục van vỉ, nước mắt chan hòa:_Dạ! con hỏng có! Tha con đi
Mẹ Du thấy điệu bộ của con, từ ngạc nhiên bước sang hoảng sợ, càng lay mạnh vai nó:_Gì vậy con? Du? Má làm gì mà tha?
Ba Du đưa chiếc đèn đến bên nó:_Bà đánh nó dữ lắm sao? Coi nó hoảng sợ kìa! Du! Ba mua cho con nè!
Nó hoang mang nhìn ba nhìn má, chiếc đèn:_Bà hàng đâu rồi ba má? Đèn nào vậy?
_Con này ngớ ngẩn! Bà hàng nào đem hàng vào nhà mình bán? Ba mày ổng mới mua về cho mày đó. Xách đi chơi đi. Đòi cả mấy bữa nay!
Du dụi mắt, cố định thần. Rõ ra một cơn ác mộng! Thật hú vía! Sung sướng thay, vừa rồi chỉ là một cơn mơ!
Du càng sung sướng hơn với sự thật trước mắt. Trên tay ba nó , con cá vây dài mà Du từng ao ước, đang há mõm, vẩy lấp lánh.
Du quẹt vội nước mắt. Nó nhảy thót xuống đất, đến bên cha, cẩn thận đón lấy chiếc đèn. Thích mê đi cho lũ bạn hết chê đèn xấu.
Ba má Du tần ngần đứng dựa cửa, nhìn con đang hân hoan xách lồng đèn ra nhập bọn với lũ trẻ. Hai người đều thấy lòng mình mở hội, miệng không dấu được nụ cười.



#1
    Ct.Ly 04.10.2012 14:52:59 (permalink)
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9