Chiếc thẻ bài
Chiếc thẻ bài
Truyện ngắn - Lê Văn
Ngày ấy, tôi dạy ở trường sư phạm. Mới ra trường, không còn trẻ nhưng cũng chưa đến độ già, vậy mà tôi chơi thân được với mấy đứa sinh viên, kể cũng vui. Một tuần vài bận, chúng kéo cả lũ đến nhà tôi bày biện chuyện ăn, chuyện nhậu rình rang. Con trai có, con gái không thiếu. Mấy đứa từ miệt Duyên Hải, cứ chủ nhật về là xách lên ê hề đủ thứ mồi. Nào cua, nào rắn, nào cá biển...đứa ít cũng bịch khô đuối, khô khoai. Riết rồi chúng biến phòng ở của tôi thành cái quán nhậu. Ở cái xứ nắng và gió phóng khoáng ấy của đất trời, nhậu đã thành một nét văn hoá riêng. Văn hoá nhậu đã tạo nên một phần của cốt cách người phương Nam, và trong tôi, nét văn hoá đó dường như dần dần cũng được thấm vào máu vậy.
Một bữa nọ, đang giờ giảng, tôi đưa chùm chìa khoá cho nhỏ Đào về mở cửa để chuẩn bị cho bữa nhậu cuối tuần. Tối hôm đó, nhè vào khi tôi đã nhậu sương sương, nó bá vai tôi, đưa trả chùm chìa khoá rồi căn vặn:
- Thầy ơi, ở đâu thầy có chiếc thẻ bài đẹp vậy? Mà tên ghi ở trển là ai vậy thầy?
Nó châm đầy li rượu, ghé sát miệng tôi mà ép:
- Con và thầy cưa đôi, rồi thầy kể, nghen thầy.
- Thôi mà. Chuyện dài lắm, để rồi hôm nào rảnh thầy kể.
Chẳng để đến lúc rảnh, Đào một hai kì nèo bắt tôi kể cho bằng được. Uống đâu tròm trèm dăm li, thường rượu ngấm vào rồi cứ thích nói. Lại được cả đám sinh viên vây quanh đồng tình bắt buộc, vậy là tôi kể.
***
Cũng chưa lâu lóm gì cho lắm, hồi trước thầy là lính, tụi bay biết rồi đấy. Ngày đó thầy là tiểu đội trưởng. Thì cứ nói là tiểu đội trưởng cho oai, chứ thực ra tiểu đội chỉ có ba người. Trung đoàn thầy chiến đấu ở vùng Thừa Thiên. Hãy nhớ lại Chiến dịch Huế - Đà Nằng hồi chiều thầy vừa giảng để mà liên hệ. Trong cả một thời gian dài, chiến trường Thừa Thiên ác liệt lắm. Ở vùng ta không có rừng, có núi, chắc mấy đứa khó hình dung được. Thôi thầy cứ kể, tụi bay nghĩ được sao thì nghĩ. Cả một vùng rừng núi ấy xác xơ vì bom đạn của đôi bên. Quân nguỵ chiếm giữ hết thảy vùng đồng bằng và giáp ranh. Bọn thầy chỉ ở trên rừng, và đôi bên cứ giành giựt nhau từng điểm cao một ở khu giáp ranh ấy.
Một bữa nọ, tiểu đội của thầy được giao nhiệm vụ oánh cái chốt của địch ở ngả ba đường. Đường rừng nha, không phải đường như ở đồng bằng đâu. Đêm cuối tháng. Trời đang động, chớp nhì nhoằng. Khi không có chớp, tối như hũ nút. Được trinh sát tiểu đoàn cho biết, địch ở ngả ba chỉ có bốn thằng thôi. Tập kích chúng trong đêm, thầy nghĩ là sẽ chắc thắng. Và đêm đó, bọn thầy oánh ngon ơ. Loáng cái, sau khi thầy ra lịnh, tay giữ B.40 đã bắn trúng bóc chiếc hầm cách chừng bảy mươi thước. Cũng may, có ánh chớp mà thấy được hầm. Sau tiếng nổ xé tai và ánh lửa bùng lên giây lát, bọn thầy nhào lên. Hai thằng nguỵ chết ngay miệng hầm. Thằng khác bị thương nằm ở gốc cây gần đấy. Còn thằng nữa, tìm mãi không thấy.
Thằng chết, đã chết rồi, chẳng nói làm gì. Còn thằng sống, mới đáng nói. Nó bị miểng B.40 phạt vào ống chân. Miểng nữa vào tay. Ở chân nhẹ nhưng ở tay chắc nặng lắm. Bỏ nó không đành, rồi cũng phải sơ cứu băng bó vết thương cho nó. Máu ra nhiều quá nên nó ngất xỉu, cả tiếng sau mới tỉnh. Thấy ba đứa thầy đang vây quanh, súng lại lăm lăm, thằng nguỵ sợ quá, quỳ xuống mà xá: "Em xin các anh tha mạng! Lớn tuổi rồi, trốn mãi không được. Em bị bắt lính mới mấy tháng thôi. Ra trận chưa bắn được phát nào đã dính. Tha cho em, em đội ơn các anh!". Biết nó thiệt hay xạo? Mà nói thiệt, nghe nó kêu, nó khóc thảm quá, ai cũng động lòng. Mấy đứa nghĩ coi, khi hai bên giương súng lên rồi, mình không bắn nó, nó bắn mình. Thằng nào bóp cò trước, thằng đó sống. Còn khi nó đã gục xuống rồi, mình xử tệ nó, không đặng.
Băng bó cho thằng nguỵ xong rồi, thầy mới thấy khó xử. Nó kêu, nó xá vậy, "thịt" nó chẳng đứa nào đành. Đưa về đại đội thì không có người. Vả lại, còn phải ở lại chốt đường. Rồi thầy cũng có cách. Cách mà ít người làm, ấy là thả nó đi. Bọn thầy đang bàn tính, thằng nguỵ lại kêu, lại nài nỉ: "Trăm ngàn lạy các anh tha cho em đi. Nếu được tha, về dưới đó rồi em sẽ trốn biệt khỏi quê luôn. Quyết không để chúng bắt lần nữa". Trong ánh đèn pin mờ ảo, thầy thấy nó lần mò, gỡ chiếc thẻ bài ở cổ xuống, đưa cho thầy và nói: "Em lột chiếc thẻ bài này xuống. Mất thẻ bài và em cũng sẽ lột bộ áo lính từ đây. Anh giữ lấy nó, làm chứng cho em". Nó đưa, tiện thể thầy nhét vào túi. Nghĩ rồi cũng chẳng làm gì. Ý thầy đưa ra, đã được 2 anh bạn đồng tình. Có điều cả ba phải thống nhất là tuyệt đối giấu chuyện. Đại đội biết được sẽ không yên đâu.
Sau trận ấy, về hậu cứ mấy lần thầy định vứt chiếc thẻ bài. Có người thấy thầy giữ chiếc thẻ, bảo là hâm. Giữ thẻ bài tụi nó, xui thấy mồ. Nhưng thấy cái thẻ hay hay, vả lại số lính của thằng nguỵ đẹp, là số 018 nên giữ lại. Thứ nữa, cũng là để làm vật kỉ niệm của một trận đánh. Khi ra trường rồi, thầy mới có vài ba chiếc chìa khoá. Sực nhớ đến tấm thẻ bài, thầy lôi ra ngoắc thêm vào, làm vật trang điểm cho chùm chìa khoá ít ỏi của mình và là dùng nó để cạo gió những khi xỉn, hết ý luôn.
Tôi kết thúc câu chuyện, để còn thời gian mà nhậu:
- Thế đấy, mấy đứa cứ nài nỉ hoài thì thầy kể. Xem như thêm một bài ngoại khoá cho tiết giảng chiều nay vậy. Thôi tiếp đi nào. Nãy giờ chúng mày ngưng phải không? Đến lượt thằng nào rồi?
Cuộc nhậu lại tiếp tục. Vừa nhậu, tụi nó vừa bàn tán mãi về chiếc thẻ. Có đứa hỏi:
- Nó là của ai vậy ta? Có bao giờ thầy nghĩ là sẽ gặp lại người lính ấy không thầy?
- Ôi dào, mò kim đáy bể. Thôi, không nói về nó nữa. Uống tiếp đi.
Chiếc li xoay chừng lại xoay tiếp, như bao cuộc nhậu rồi, thầy trò chúng tôi vẫn xoay. Rồi cuối cùng, bao giờ cũng vậy, thầy trò ngả nghiêng mà đàn, mà ca.
***
Ra tết, lớp tôi chủ nhiệm đi thực tập. Đào xuống phòng ở của tôi trình bày:
- Thầy ơi, con được phân về trường Nhơn Ngãi ngay nhà. Thầy đi với đoàn con đi.
- Thầy về trường nào cũng được, nhưng đi đâu là do nhà trường phân công.
Đào nài nỉ:
- Không, thầy phải về trường Nhơn Ngãi. Con đã báo với tía rồi. Và tía giao cho con, bằng cách nào cũng phải kéo được thầy về dưới đó để nhậu với tía. Ổng khoái thầy lắm.
- Ơ hay, con nhỏ này. Tía mày biết thầy là ai mà khoái?
- Mấy bận về nhà, con đã kể chuyện của thầy với tía rồi. Con kể thầy là người nhậu có hạng ở trường, vầy là ổng khoái.
Cũng đã mấy năm rồi, tôi không xuống miệt Duyên Hải. Nhân dịp này mà về thăm lại bạn nhậu. Độ ấy, dưới đó đang là mùa gió chướng, nắng như rang. Được cái, về xứ ấy như là về với đất nhậu. Rượu ngon bá cháy, mồi xả láng. Phụ huynh quý thầy như anh em chí tình. Dân dưới đó, người Miên nhiều hơn người Việt. Học sinh học yếu, nhưng ngoan. Sinh viên thực tập ngày hai buổi đến trường. Tối lại, chúng kéo thầy hết sóc này qua sóc khác bù khú thâu đêm. Ngày đó, ở cái xứ hóc bò tó ấy làm gì đã có điện, tối thui vầy mà cứ dắt díu nhau đi. Vui thiệt! Đang là mùa khô, đất giồng chủ yếu trồng thuốc lá. Đêm cứ tắt qua những vuông đất giồng, mùi thuốc sặc vào mũi hăng hắc, ngai ngái. Được cái tôi ham vui, nhưng nghiệt thấy mụ nội, theo tụi nó nhậu riết rồi cũng thấy oải.
Hết tuần đầu, Đào mới mời tôi về nhà. Hôm đó là ngày chủ nhựt. Đào đến trường đón tôi từ sớm. Vừa về đến cổng, Đào đã la toáng lên:
- Tía ơi, ra mà đón khách quý nè.
Từ trong nhà, một người đàn ông cỡ trung trung, chừng hơn tôi dăm bảy tuổi, trong bộ đồ bà ba mâu, vai vắt chiếc khăn rằn, ra mở cửa. Ông bắt tay tôi, cái bắt tay thật chặt, rồi vồn vã:
- Trời đất quỷ thần! Tui chờ thầy hoài ạ. Tui là Vĩnh, thứ ba. Thầy cứ gọi là Ba đi. Mời thầy vô nhà!
Ông Ba mời tôi ngồi vào bộ ngựa giữa nhà, rồi vừa châm trà vừa kể lể:
- Tui nghe nhỏ Đào nó kể nhiều về thầy từ lâu rồi, nay mới được gặp. Hôm nay thầy về đây rồi, tui có bạn nhậu, có bạn mà giãi bày. Cấp trước tui thăng trầm lắm thầy ạ. Lóng rày, sắp nhỏ cũng khá rồi. Con Đào lại được học với thầy, vầy là tui vui quá xá luôn. Thư thư rồi tui kể tiếp thầy nghe.
Ông ngừng, với tay lấy bịch thuốc rê, vấn một điếu to bự chảng, móc túi áo lấy chiếc zippo, châm lửa khói nghi ngút. Ông đang vui thiệt.
Tôi và ông Ba ngồi hầu chuyện nhau ở nhà trên, ở căn bếp phía sau đã nghe tiếng gà đành đạch. Lại một con gà xấu số nữa chết vì tôi. Mà thôi, lâu lâu mới xuống một bận, đi tới đâu, gà vịt chết tới đó, thương chi hết. Đào cùng lũ bạn và má đang chuẩn bị bữa trưa. Nó la lói gọi thằng em:
- Thằng Năm đâu! Mầy cầm cái can ra quán bà Bảy mập lấy rượu cho chị. Nhớ lấy thêm mấy chai xá xị và đá nghen.
Thằng nhỏ cầm cái can nhét vào giỏ bàng, phóc lên chiếc xe đạp cà tàng vọt đi. Ra ngõ rồi, nó quẹo lại:
- Lấy loại nào vầy Hai?
- Thì Xuân Thạnh chứ loại nào nữa. Thiệt cái thằng!
Từ nhà trên, tôi nghe tiếng gà tắc tưởi, rồi nghe đến cái từ "Xuân Thạnh", nghĩ là chập này chết chắc rồi. Ví như vô tù, cửa đã sập lại, chịu đòn roi là không thoát. Mà thôi, "đòn roi" tôi chịu thấu nhiều lắm rồi, âu cũng đã chai lì.
Giác giữa buổi, có mấy đứa nam sinh viên nữa đến. Rồi lại mấy ông lối xóm tấp sang. Mấy đứa sinh viên đùm đề xách đến mấy cái giỏ. Chắc lại tiếp tế thêm mồi. Có thể, ở trỏng là rắn, là cua...là đủ thứ mồi đặc sản của vùng Duyên Hải này. Có "quân chi viện", tôi đã vững tâm hơn. Đến bữa, chiếc nóp rộng được trải ra giữa nhà. La liệt mồi, bát ngát rượu. Ú ụ mấy đĩa gà tả tơi. Hai tộ cháo rắn nấu với đậu xanh, thơm nhức mũi. Mấy con cua bành ki, hấp rượu vàng ươm...Thôi thì ê hề mồi, nhìn đã thấy sôi máu rồi. Vào cuộc, ông Ba giơ cao chiếc li tràn trề rượu, tuyên bố:
- Hôm nay có thầy Năm trên trường con Đào về, tui làm bữa nhậu. Đây là rượu của bà Bảy tự kháp lấy. Anh em uống vô thấy bá cháy thần sầu, vừa thơm vừa ngọt khé cổ luôn. Uống vô tới đâu rần rật tới đó, khỏi lo đi. Nào anh em! Hôm nay là ngày vui của qua. Một bữa nhậu mà qua chờ đã bấy lâu. Nào chúc cho thầy sức khoẻ! Trăm phần trăm, dô luôn! - Ngửa cổ ông ực caí thấy ngọt trớm.
Từ đó những chiếc li cứ cạch qua, cạch lại không ngớt. Và ông Ba cứ nhè vào tôi mà chuốc:
- Làm cái nầy nữa trăm phần trăm nghen thầy. Nào tới bến, cho quắt cần câu luôn! - Ông bá vai tôi, lại tiếp - Chưa bao giờ qua nhậu đã như hôm nay.
Được mấy đứa sinh viên gánh dùm chút đỉnh, nhưng rồi khi can rượu đã vơi gần tới đáy, tôi gục lúc nào chẳng hay. Loạng choạng đứng lên, lột hết quần áo ngoài, rồi tôi nhào đến chiếc giường kê bên cạnh. Người lử đử, lừ đừ, như đang bay bổng tận đẩu đâu. Ôi lưu linh! Tôi chẳng biết gì nữa. Tới bến rồi ông Ba ơi. Nhưng tôi chết chìm luôn nè.
***
Đã vục cả cái đầu xuống con rạch sau hồi, hút như cái máy bơm mùa gió chướng lối đất giồng, vầy mà cổ họng tôi vẫn khát đắng. Đầu như có ai buộc đá vào, nó nặng đến nỗi không sao nhấc lên được. Đang ráng uống cho đã cơn khát, thì có ai đó cầm tay tôi lắc lắc:
- Dậy thầy ơi! Thầy xỉn hết biết luôn. Gần tối rồi, thầy dậy cho tía con thưa chuyện.
Tôi cố mở mắt. Con Đào chớ ai. Nheo nheo mấy cái cho nó đỡ quay cuồng. Thì ra tôi xỉn quắt cần câu thiệt, khát quá mà mơ. Oải quá trời! Cạn hết li nước chanh nóng Đào đưa, tôi thấy đỡ. Ờ, có chuyện gì mà ông Ba định thưa với tôi? Tôi đang bần thần, đã thấy ông đứng cạnh:
- Xin lỗi, biết là thầy đang mệt, nhưng tui có câu chuyện nầy muốn thưa cùng thầy. Mời thầy sang phòng bên.
Tôi mặc quần áo, rồi theo ông Ba bước ra phòng ngoài của căn nhà. Đấy là gian thờ của gia đình. Tôi chột dạ, chắc có chuyện gì hệ trọng đây. Mà chuyện gì ta? Hay trong khi xỉn tôi đã nói điều gì, làm việc gì bậy bạ. Chưa biết chuyện gì sẽ xẩy ra, thì ông Ba lớn tiếng:
- Con Đào đâu, đưa ra cho tía mầy!
Đào từ nhà trong chạy lên, tay cầm chùm chìa khoá đưa cho ông Ba. Tôi liếc sang. Đúng rồi, chùm chìa khoá là của tôi. Sao lại trong tay Đào? Ông Ba cầm chùm chìa khoá đặt lên ban thờ chính, trên đó đã bày sẵn mâm đồ cúng. Ông thắp ba nén nhang, và chắp tay khấn:
- Thưa ba má! Bao nhiêu năm nay, con ráng tìm tin tức người cứu mạng, hôm nay đã gặp. Con thắp ba nén nhang để báo ba má biết mà chứng giám cho chúng con - Vái ba vái, cắm nhang lên ban thờ, rồi ông kéo tôi ra phòng kế có bộ ngựa:
- Thưa thầy, tui đã làm thầy đường đột. Xin lỗi thầy! Chuyện là thế nầy. Tui nghe con Đào kể về chiếc thẻ bài trong chùm chìa khoá của thầy từ tháng trước. Linh cảm cho hay, đấy là chiếc thẻ của tui. Khi thầy ngủ, con Đào đã cáo lỗi thầy mà lấy chùm chìa khoá. Hôm nay, tui đã tận mắt nhìn thấy nó. Đúng tên cúng cơm, đúng số lính luôn. Cầm chiếc thẻ bài, tui đã không cầm được nước mắt. Hình ảnh cái đêm tui đưa thầy chiếc thẻ bài, không bao giờ quên được. Nay gặp được thầy rồi, cho tui được quỳ xuống để tạ ơn thầy cứu mạng.
Ông Ba chuẩn bị quỳ xuống thì tôi đã kịp kéo ông đứng lên:
- Thôi mà ông Ba. Chuyện qua lâu rồi. Ơn ngãi gì, trong hoàn cảnh đêm ấy, chắc rồi ai cũng làm vậy. Mừng là ông còn sống, con cái nên người, vầy là ngon lành rồi...
Tôi gọi Đào ra ban thờ lấy chùm chìa khoá. Gỡ chiếc thẻ bài, trịnh trọng tôi giao lại ông Ba. Tay ông run run nhận lại chiếc thẻ. Với tôi, nó không có ý nghĩa là mấy. Với ông Ba, chắc nó là vật báu, ghi dấu ấn đau khổ của những ngày ở lính, tuy ngắn ngủi thôi.
Đêm đó, tôi ngủ lại cùng ông. Gió ngoài bưng thổi vào mát rượi. Tiếng cuốc lẻ bạn kêu buồn, nhưng chúng tôi đang vui. Chuyện cái ngày là lính, dẫu hai người lính ở hai chiến tuyến, mà kể mãi cho nhau thâu đêm, không dứt...
Tháng 6/2010
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
Kiểu: