Giọt nước tràn ly
tahuudinhqn 07.10.2012 10:05:31 (permalink)
GIỌT NƯỚC TRÀN LY
Tạp bút của Tạ Hữu Đỉnh

Người nhà đi chùa Yên Tử về đưa cho tôi tập thơ Thi vân Yên Tử. Nhìn qua thấy cái tên Hoàng Quang Thuận (HQT) lạ hoắc. Tôi đọc mấy bài rồi bỏ, vì không thấy hay. Thế rồi lâu ngày quên đi không nhớ đến nữa.
Bỗng hơn tháng nay, thấy các trang báo mạng xôn xao lên về cuộc hội thảo thơ HQT. Tôi bèn lục tìm. May quá sách vẫn còn đây. Tập Thi vân Yên Tử (TVYT), do NXB Giáo Dục in tháng 5 – 2007. 3.00o cuốn. Sách biếu tặng, không có giá bán.
Đầu sách, sau lời giới thiệu của NXB, là thư và chữ ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sách được chia thành hai phần. Phần một: Thi vân Yên Tử, có 63 bài. Phần hai: Ngoạ vân Yên Tử, gồm 80 bài. Cộng thành 143 bài thơ bẩy chữ, luật Đường thi.
Theo chú thích ở bài thơ “Ngủ lại chùa Hoa Yên”, trang 57, thì đêm 26 - 11 – 1997 đoàn du khách phật tử miền Nam, gồm 20 người, do ni trưởng Huệ Giác làm trưởng đoàn ra thăm Yên Tử, và nghủ lại chùa Hoa Yên. Trong đó có cà HQT, và đây là lần đầu tiên ông Thuận ra thăm đất Phật. Trần Trương cũng xác nhận sự việc này, vì thời gian đó anh là Trưởng ban Quản lý Yên Tử, nên anh biết rõ.
Năm sau, tháng 3 – 1998, tập Thi vân Yên Tử, gồm 63 bài của HQT được ra đời. Do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Người viết bài này không rõ in bao nhiêu bản. Nhưng tất cả đều được tác giả “công đức” cho nhà chùa, để nhà chùa biếu tậng khách thập phương đến chùa lễ Phật.
Đồng thời, được sự giúp đỡ của nhả chùa, tỉnh Hội Phật giáo Quảng Ninh, Chính quyền và Hội Văn nghệ địa phương, tác giả đã tổ chức cuộc “ra mắt” tập thơ. Ngoài các cơ quan, đoàn thể phật tử, Hội Văn nghệ và một số văn nghệ sĩ địa phương, ông còn mời một số nhà thơ, nghệ sĩ ngâm thơ, và phóng viên Đài truyền hình từ Hà Nội về Yên Tử để bình thơ, ngâm thơ minh hoạ, và ghi hình phát sóng về cuộc “ra mắt” đó.
Một thày giáo quen bảo tôi: “Cuộc ra mắt ấy, học sinh trường tôi cũng kiếm được khối tiền. Chúng nó được thuê đi vỗ tay. 30.000 mỗi đứa. Còn các văn nghệ sĩ, các nhà báo đài, chẳng biết mỗi nhà được chi trả bao nhiêu?...”.
Rồi ba năm sau, năm 2001, tập Ngoạ vân Yên Tử, cũng do NXB Hội Nhà văn in, với 80 bài. Và đến năm 2008, nhân dịp Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc, tổng số in đã lên đến 25.000 bản. Trong đó có một số bản được in cả ba thứ ngôn ngữ: Việt – Anh – Pháp. Và được phát hành ở hơn 70 quốc gia.
Ngoài ra, tác giả còn gửi biếu một số nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Pháp Jacques Chirac, Tổng thống Mỹ B. Clinton, Nhà Vua Thuỵ Điển…Ở trong nước, tác giả cũng gửi biếu các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Rồi những lần sau tái bản tập thơ ấy, tác giả đã cho in ở đầu sách thư và chữ ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đọc những bài thơ hay, đượm gió ngàn cao, thấm nguồn suối núi, những bài thơ của một người đầy tư tưởng nhân văn”.
Thư của Bộ Văn hoá – Thông tin Pháp: “Tập thơ ấy là bằng chứng quan hệ trao đổi văn hoá giữa hai nước chúng ta…”. Và thư của Hoàng Gia Thuỵ Điển: “Thay mựt Quốc Vương, tôi xin cảm ơn ông về tập thơ. Chúng tôi đánh giá cao sự cao siêu sâu sắc về những vần thơ của ông…”.
Cuối tập Thi vân Yên Tử, do NXB Giáo Dục in là phần “Lời bình”, của bẩy tác giả. Chẳng biết họ có phải là độc giả viết lời bình vô tư, hay đó là những người được tác giả “đặt hàng”? Khen khéo thì công cao, khen vụng thì công thấp. Mà thấy toàn những mĩ từ, những lời hay ý đệp khen tác giả và thơ. Nào là “kiệt xuất”, là “cao siêu”. Nào là “giọng thơ trong trẻo, bồi hồi, run rẩy”. Và “…Mang hơi hướng của một kiệt tác Đường thi…”.
Xin lược trích ít dòng để bạn đọc tiện tham khảo:
- Bài “Sương khói Yên Tử” của Diệu Hương (trang 186) viết: “Cả 63 bài của tập Thi vân Yên Tử (phần một) đều được tác giả viết một mạch ba đêm liền trong dòng cảm xúc khó tả…”.
Thật không thể tin được. Thử hỏi các nhà thơ chuyên nghiệp nổi tiếng của nước ta như Xuân Diệu, Huy Cận, hay Chế Lan Viên, liệu ba đêm họ có viết được 63 bài thơ không?
Ấy vậy mà chính HQT đã nhiều lần nói rằng: “Thơ cứ tự đến như không, cứ như trào ra từ một mạch nước ngầm, và tôi chỉ việc chép lại”.
Và rằng: “Do tiền nhân ứng vào, mượn bút viết ra như nhập đồng. Tôi chỉ viết hộ thần phật”.
Ai cũng biết rằng ở Yên Tử thờ hai vị Phật. Vị thứ nhất là Đức Thích Ca Mâu Ni, giáo chủ của Đạo Phật. Vị thứ hai là Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Phật tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Vậy vị nào “mượn bút” của HQT đây?
Nếu là vị thứ nhất thì 63 bài thơ đó phải là chữ “Phạn”. Hay một thứ chữ nào mà quê hương Đức Phật thời bấy giò đang sử dụng, chứ sao lại là chữ quốc ngữ của ta? Nếu là vị Tổ thứ hai thì phải là chữ Nôm, hay chữ Hán, chứ thời Trần nước ta đá có chữ quốc ngữ đâu?
Truyền thuyết ở vùng Kinh Bắc kể rằng: Bà Phạm Thị Ngà đi chơi chùa Từ Sơn, cùng với người thần giao hợp, rồi có chửa và sinh ra Lý Công Uẩn. Lý Công Uẩn là con của thần linh, có “chân mệnh thiên tử”. Cho nên việc ông lên ngôi Hoàng đế là do ý trời đã định trước.
HQT bịa ra cái chiêu “mượn bút” cũng nhằm mục đích như truyền thuyết trên kia, là để khoe rằng cái tài thơ của mình cũng là tiền định, là Trời - Phật ban cho. Tức mình là một thiên tài!
Đó là chuyện hoàn toàn bịa đặt của một kẻ thiếu hiểu biết, tưởng mình nói thế nào người ta cũng tin. Nếu tính từ lần đầu tiên HQT ra thăm Yên Tử, tháng 11 – 1997, đên tháng 3 – 1998 tập Thi vân Yên Tử mới ra đời. Vậy thì ít nhất HQT cũng có ba bốn tháng để làm thơ, chứ không phải chí có ba đêm như tác giả Diệu Hương đã viết.
Mà kể cả là ba bốn tháng, dẫu có là một nhà thơ chuyên nghiệp, thì cũng không thể viết nổi 63 bài thơ, chứ là một người chưa làm thơ bao giờ. Mà kết quả ấy chỉ có thể là của một nhóm người, phân chia nhau, mỗi người chịu trách nhiệm “sản xuất” một số bài.
- Bài: “Từ Thi vân Yên Tử đến Ngoạ vân Yên Tử một giọng thơ lạ” (trang 176), của nhà văn Trọng Tân. Ông bình luận: “HQT dường như đã có chân tu từ kiếp trước, lại nhất tâm giúp đời (chẳng ai biết HQT đã giúp đời những gì?) nên Phật độ cho anh. Dưới góc độ của người sáng tác, HQT đã cống hiến cho đời nhiều câu thơ thi sĩ đầy lãng mạn, uyên thâm, mà đọc xong dư ba còn đọng mãi trong lòng không phải nhà thơ nào cũng làm được…”.
- Bài “Hành hương về Yên Tử”, của Thái Doãn Hiếu (trang 181), viết: “Tôi đã đọc với tinh thần thẩm định nghệ thuật hàng ngàn bài thơ do các nhà thơ mọi miền gửi đến, rất ít tập thơ được đọc đến lần thứ hai. Thế mà riêng Thi vân Yên Tử tôi đã đọc tới năm lần!...”.
Chắc ông Hiếu muốn nói thơ HQT quá hay, cho nên ông phải đọc đến năm lần mới cảm thụ được hết cái hay. Hay ông định học thuộc lòng để còn đi ngâm vịnh? Ông Hiếu viết tiếp: “Có một chuyện rất lạ nữa tôi không thể không thông tin tới bạn đọc là Giáo sư Hoàng Hữu Đản cũng như bị ai ám hào hứng bỏ ra hai tháng ròng say mê ngồi dịch thơ Thi vân Yên Tử sang tiếng Pháp, ông nói: “Tôi ăn tết năm hổ bẳng Thi vân Yên Tử”.
Ối cha!...Cha!...Thế mới khiếp chứ, một tập thơ chỉ vào tầm cỡ câu lạc bộ thơ phường, mà một ông chuyên đọc thơ để thẩm định nghệ thuật lại phải đọc đến năm lần! Và một vị Giáo sư khả kính, ngày tết cổ truyền lại bỏ cả bánh chưng thịt mỡ, ăn tết bằng thơ.
Nói thế liệu có tin được không? Thưa bạn đọc!...
*
* *
Cuộc hội thảo thơ HQT, do Tạp chí Văn học, Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức ngày 8 - 8 – 2012 vừa qua, có đông đủ các giới chức, một số bạn đọc yêu thơ, và đặc biệt là có 21 bản tham luận của các nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình tiêu biểu, được Hội Nhà văn mời tham dự. (Nghe đâu mỗi bản được nhận một phong bì năm triệu đồng).
Trong số các vị đọc tham luận, cũng có vị tôi quen. Cho nên tôi tìm bài của người quen đọc trứơc. A… đây rồi! Ôi chao ông Quen viết mới hay làm sao! Toàn những lời có cánh tuôn ra như phun châu nhả ngọc…Khi viết những lời văn hoa đẹp đẽ để ca ngợi một tập thơ mà chính bản thân mình đã rất coi thường, đã cho là loại thơ phường, thơ cóc, chẳng biết ông Quen có cảm thấy thương cho cía ngòi bút của minh đã bị bẻ cong đi chỉ vì có năm triệu đồng tiền không?!...
Đọc xong bài người quen, tôi tìm bài của nhà thơ Dương Ký Anh. Vì thấy tác giả Vũ Từ Sơn viết: “Học vị, học hàm Giáo sư - Tiến sĩ của HQT do Dương Kỳ Anh “phong” cho”.
Lạ thật! Theo tôi hiểu thì Dương Kỳ Anh là nhà thơ, nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong, người đầu tiên đã tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu của nước ta. Ông ấy có phải là quan chức cao cấp của Chính phủ và Bộ Giáo Dục - Đào tạo đâu mà có quyền phong TS – GS cho HQT? Hay do làm báo quảng giao, ông Anh đã mua giúp ông Thuận bằng tiến sĩ?
Có thể đúng, vì cái chiêu Phật “mượn bút” của HQT đã chứng tỏ ông ta không có trính độ hiểu biết của một người có học vị tiến sĩ.
Tham luận của Dương Kỳ Anh có tựa đề: “Cảm thức tâm linh của HQT”, sau mấy câu thơ trích của HQT, nhà thơ DKA viết: ”HQT kể với tôi rằng một lần anh lên Yên Tử, trên đường thấy một người bán rắn, anh mua tất cả rồi phong sinh. Một con rắn mào đỏ như lửa vừa bò vào rừng, vừa ngoái lại nhìn anh như thầm cảm ơn.
Đêm ấy, đức phật hiển linh và anh đã làm được một tập thơ, tập Thi vân Yên Tử trên một trăm bài”.
Như vậy, theo nhà thơ Dương Kỳ Anh thì tập Thi vân Yên Tử, HQT chỉ làm có một đêm được hơn 100 bài, chứ không phải là: “Cả 63 bài đều được tác giả viết một mạch ba đêm liền”, như tác giả Diệu Hương đã viết trong bài “Sương khói Yên Tử”!
Chắc ông DKA thừa biết, rắn là loài động vật không có “cảm thức tâm linh”, không có tư duy văn hoá. Và con rắn có mào đỏ như lửa chỉ sống ở trong truyện thần thoại, chứ không sống ở trong rừng Yên Tử. Nó quay đầu lại chỉ là phản xạ tự nhiên trước sự nguy hiểm, chứ không phải là để cảm ơn.
Ông DKA cố ý đưa chuyện phóng sinh là để ám chỉ rằng: Do HQT có thiện tâm phóng sinh rắn, cho nên đêm ấy Phật hiển linh giúp HQT làm được tập TVYT.
Nói thế là bịa đặt, nhắm mắt nói liều. Theo phần “Lời bình”, trong tập TVYT, do NXB Giáo Dục in năm 2007 thì tập TVYT do NXB Hội Nhà văn in lần đầu tiên tháng 3 – 1998 chỉ có 63 bài. Rồi ba năm sau, năm 2001 tập Ngoạ vân Yên Tử, cũng do NXB Hội Nhà văn in mới được ra đời, có 80 bài. Và năm 2007 NXB Giáo Dục mới in gộp cả Thi vân và Ngoạ vấn, thành tập Thi vân Yên Tử, gồm 143 bài thơ bẩy chữ, luật Đường.
Sau chuyện phóng sinh, bài tham luân của DKA cũng trích thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Rõ thật tội nghiệp cho ông Cụ! Chỉ vì yêu mến một nhà khoa học làm thơ, cho nên khi cảm ơn, Cụ đã quá hào phóng đem cho không kẻ biếu mình sách một chữ “hay”, để lũ con chau bất lương lợi dụng uy tín của Cụ tâng bốc nhau, và loè thiên hạ vì danh vì lợi!
Trước khi chuyển sang bình tập Hoa Lư thi tập, DKA trích bốn câu thơ mà ông ta cho là “hay đến lạnh người” của tập Thi vân Yên Tử : “Sớm cưỡi mây chơi cùng non nước…”.
Rồi ông kể về một chuyến vợ chồng ông được HQT mời đi thăm khu Bái Đính – Tràng An: “…Trước khi vào ngôi nhà nghỉ của ông bà chủ Bái Đính – Tràng An giữa thung sâu, bồn bề vách đá dựng, chúng tôi bày lễ vật lên thắp hương ở đền Trần. HQT bảo: “Ta cầu để đêm nay có được những bài thơ hay”.
HQT đưa cho tôi nửa tập giấy khổ A4, bảo: “Anh ký tên vào góc những tờ giấy này cho em nhé”. Thuận cũng ký tên mình vào góc nửa kia của tập giấy. Chúng tôi để cả hai nửa tập giấy lên cái đĩa thờ và dâng lên án thư của đền Trần. Đang khấn thần linh thí một trận gió kỳ lạ thổi ào ào đưa những tở giấy trên đĩa thờ bay lên rồi hạ xuỗng…
Chúng tôi chay theo để nhặt. Nhưng thật diệu kỳ, cả hai nửa tập giấy lại nằm y nguyên trên đĩa thờ”.
Trận gió kỳ lạ đó, phải chăng vì cái đầu của Dương Kỳ Anh không nghĩ ra được trò gì hay ho hơn, cho nên ông ta đành phải “mượn lại” trận gió năm nào của nhà văn Minh Chuyên, viết trong bài : “Gó dữ, gó lành” (Văn nghệ số 30, ngày 26 - 7 – 2008)? Ông Minh Chuyên cũng bày lễ vật ra, đang khấn thần linh thì một cơn gió kỳ lạ ào ào ập tới, làm các máy ảnh, máy camẻra, không bị đổ vỡ, cũng không sủ dụng được nữa….
Và trận gió “mượn lại” này, cũng không làm đỏ vỡ thứ gì, chỉ thổi bay những tờ giây đẻ trên đĩa thờ, khiến cả hai nhà thơ phải chạy theo để nhặt, nhưng rồi “cả hai nửa tập giấy lại nằm y nguyên trên đĩa thờ”!
Thưa ông Dương Kỳ Anh, tôi dám cam đoan rằng, từ thuở khai thiên lập địa đến bây giờ chưa ở đâu, và chưa bao giờ có chuyện lạ như vậy. Chắc ông cũng thừa hiểu, gió là hiện tượng lưu chuyển tự nhiên của bầu khí quyển. Gió bão có khả năng làm đổ cửa đổ nhà. Mà ngay cả ngôi nhà của thần linh, nếu không vững chắc cũng bị gió cuốn đi. Nhưng gió là vật vô tri, không có “cảm thức tâm linh” như hai ông, cho nên gió không “biết” dựng lại những gì nó đã làm ngã đổ. Những tờ giấy trắng của hai ông, nếu quả thật có trận gió thôi bay đi, thì chỉ có một khả năng duy nhất là chính hai ông đi nhặt và xếp lại, chứ không bao giờ có chuyện ”…Thật kỳ diệu cả hai nửa tập giấy laị nằm y nguyên trên cái đĩa thờ”.
Nhà thơ DKA viết tiếp: “…Chúng tôi chia nhau tập giấy trắng. Độ 12 giờ đêm, tôi nghĩ ra được bốn câu thơ, viết vào giấy, rồi chạy qua phòng Thuận ngủ. Thấy tôi Thuận giật mình bảo: “Em chưa làm được bài nào cả”.
Độ bốn giờ sáng, tôi tỉnh dậy đi ra sân thì thấy một người mặc quần áo trắng mờ mờ đứng bên bờ thung sâu. Thì ra là Thuận.
HQT chạy đến bên tôi nói như reo: “Anh xem này, em làm được trên 100 bài thơ, hết số giấy anh ký rồi”. HQT kể rằng, suốt mấy tiếng đồng hồ ngồi bên bàn viết, nghĩ mãi mà không viết được câu thơ nào. Độ một giờ sáng, đột nhiên anh rùng mình, và cảm thấy như có một luồng gió lạnh thổi qua anh. Rồi những vần thơ tuôn trào trong đầu anh. Anh chỉ việc chép ra giấy…
Chỉ trong ba bốn tiếng đồng hồ, HQT đã làm được 125 bài thơ, chữ viết nắn nót trên những tờ giấy tôi đã ký ở góc”.
Ôi trời đất! Thật là trơ trẽn! Nói như vậy là báng bổ thần linh, là kẻ lợi dụng thần linh để làm điều điêu trá.
Nếu có thể hỏi được, thử hỏi tất cả các vị nhà thơ từ cổ chí kim, của cả quả địa cầu này, liệu đã có bao giờ các vị gặp được một luồng gió lạnh thổi qua người mình, rồi các vần thơ cứ tuôn trào trong đầu, và chỉ trong ba bốn tiếng đồng hồ, các vị đã viết được 125 bài thơ như nhà thơ HQT trứ danh của đất nước Việt Nam chúng tôi không?!
Đọc đến đây, tôi vô cùng kinh ngạc, không ngờ một nhà thơ, nhà báo có tên tuổi như Dương Kỳ Anh mà lại đang tâm viết ra những điều bịa đặt ghê tởm đến như vậy…Chắc cái liên minh tay đôi, kẻ làm mủ, đứa làm nhọt này không ngoài mục đích vì danh, vì lợi. Kẻ này kiếm được danh, thì đứa kia phải được hưởng lợi.
Người Trung Quốc họ suy tôn ông Đỗ Phủ là “Thánh thi”. Khi còn sống, trong ba bốn tiếng đồng hồ, ông Thánh ấy làm được bao nhiêu bài thơ?...
Thần - Phật thì trước cũng là người. Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, lúc sinh thời người cũng làm thơ, nhưng không nhanh như HQT bịa ra. Và ngài đã viên tịch hơn 700 năm rồi. Vậy giờ đây làm sao ngài có thể phù trợ một kẻ trần tục, vừa mới võ vẽ tập làm thơ, còn chưa biết niêm luật, bằng trắc là gì, mà lại làm được 125 bài thơ, chỉ trong ba bốn tiếng đồng hồ?...
Cuối bài tham luận, ông DKA còn cho cử toạ cuộc hội thảo biết thêm rằng: “Vợ anh HQT, chị Phạm Thị Kim Thanh là hậu duệ Hoàng tộc nhà Nguyễn, còn HQT là cháu mấy đời một thái y nổi tiếng thời Nguyễn…”.
Và rồi tác giả bài tham luận cũng không quên cô con dâu của HQT, cho nên khen tiếp rằng: “…Hôm cưới con trai đầu của anh từ Mỹ về, cả hội trường vỗ tay rào rào, khi cô dâu và chú rể xuất hiện. Cô dâu người Thái Lan đep như hoa hậu, làm vợ chồng tôi cứ ngây ra nhìn”.
Không biết gia đình nhà thơ, GS – TS, viện trưởng Viện Công nghệ viễn thông - Viện khoa học và công nghệ Việt Nam HQT có nuôi chó không? Nếu có, chắc con chó ấy cũng đẹp lắm!...
Tôi đã đọc một số bài tham luận của các cuộc hội thảo văn học, đăng trên báo Văn nghệ, không thấy bài nào đề cập đến dòng dõi, và nhan sắc của vợ và con tác giả có tác phẩm được hội thảo. Hay bây giờ ngành lý luận phê bình Văn học Việt Nam “đổi mới” rồi chăng?...
*
* *
Đọc lời kết thúc cuộc hội thảo, GS – TS Nguyễn Hữu Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn học khẳng định: “Với 21 bản tham luận và những ý kiến góp ý, trao đổi tranh luận sôi nổi thể hiện sự quan tâm đến tập Thi vân Yên Tử. Chúng tôi hy vọng qua hội thảo lần này, các vấn đề không phải đã khép lại mà chính là cần tiếp tục được mở ra, giúp chúng ta làm quen và chủ động trước mọi hiện tượng văn học, trong đó có hiện tượng Thi vân Yên Tử”.
Ôi chao! Như vậy là tập thơ Thi vân Yên Tử và tác giả của nó là nhà thơ HQT đã được khẳng định là một “Hiện tượng văn học” của nền văn học Việt Nam. Cũng như hơn 200 năm trước, nền văn học Việt Nam đã xuất hiện hiện tượng thần đồng thơ Lê Quý Đôn, và 50 năm vừa qua xuất hiện thần đồng thơ Trần Đăng Khoa vậy.
Thế là lời khẳng định của vị Phó Viện trưởng Viện Văn học, và cuộc hội thảo ngày 8 - 8 – 2012 của Tạp chí Nhà văn đã nhanh chóng trở thành giọt nước tràn ly. Tất cả các trang báo mạng cùng lên tiếng chỉ trích.
Người ta bảo HQT là kẻ đạo văn, những bài thơ trong tập Thi vân Yên Tử, giống “y trang” nội dung tập sách “Cõi thiền trúc lâm Yên Tử sơn” của Trần Trương. Có câu thơ còn nguyên là câu văn chủa Trần Trương.
Rồi, nào là thơ con cóc, thơ câu lạc bộ thơ phường. Tu sĩ Minh Đức Triều Tâm Ảnh đã viết trên Trần Như\ơng com: “…Nếu bảo đó là thơ của tiền nhân, thì thơ tiền nhân đã xuống dốc hết thuốc chữa rồi!”.
Nào là ông Thuận chi cho vụ mua danh này bao nhiêu tỷ? Đào đâu ra mà lắm tiền thế, nếu không tham nhũng?
Rồi cả cái hàm GS và học vị TS của HQT người ta cũng bảo đó là Dương Kỳ Anh phong cho, chứ không phải là HQT có học thật và bằng thật v…v…
Nhiều, nhiều lắm. Có lẽ không ai có thì giờ đâu mà đọc hết được.
Thưa các vị lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, chúng tôi xin yêu cầu và rất mong được quý vị bớt chút thì giờ quý báu giải đáp cho công luận hiểu những điều thắc mắc này: Các vị thừa biết thơ HQT chưa hay, có thể còn ở dưới tầm mức nghiệp dư, và những lời bịa đặt thơ Thàn thơ Phật của ông ta là gieo rắc tâm lý mê tín dị đoan.
Vậy vì sao ông ta lại được kết nàp vào Hội Nhà văn? Và vì sao tập Thi vân Yên Tử lại được tổ chức hội thảo, và nhất là lại được xếp vào hàng “Hiện tượng văn học” của nền văn học nước ta?
Là một người đọc yêu quý nền văn học nước nhà, chúng tôi coi Hội Nhà văn như ngôi đền thiêng. Nhưng giờ đây, sau “Hiện tượng văn học HQT”, liệu ngôi đfền ấy có còn thiêng không? Hay như Lẻmontôp, nhà thơ Nga đã viết:
“…Tượng thần đu đổ vẫn thiêng
Miếu thờ “dột nát” vẫn nguyên miếu thờ?./.

TP Uông Bí, ngày 21 – 9 – 2012
Tạ Hữu Đỉnh


#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9