Có Những Ngày Vui

Tác giả Bài
NgụyXưa
  • Số bài : 880
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 31.01.2007
  • Nơi: Thái Bình Dương
Có Những Ngày Vui - 17.10.2012 04:06:55
Có Những Ngày Vui
(Để nhớ lại những tình thân trong thế giới Internet)


Dũng trở về Mỹ sau hơn một tháng thăm viếng quê nhà Việt Nam, và mặc dù với bằng cấp Ph. D. về History, Dũng cũng vất vả mấy tháng trời mới xin được việc làm tạm thời tại một đại-học cộng đồng ở New Port, Rhode Island, một thành phố nhỏ cách New York city chừng 180 dậm về phiá đông bắc. Dũng không hài lòng lắm vì không được ở gần người yêu nhỏ bé, nhưng dù sao thì cũng không xa cách ba ngàn dậm như xưa, khi Dũng còn theo học tại California. Cuối tuần Dũng vẫn có thể lái xe về New York City thăm Candy, để dắt nhau đến những nơi mà hai người từng hứa hẹn khi Dũng còn lang thang trên những nẻo đường Việt-Nam.

Chín giở tối chủ nhật điện thoại reo vang, Dũng bấm máy vì nhìn số Dũng biết là Candy gọi. Tiếng Candy thật rõ ràng qua speaker:
- Anh Dũng ơi!
- Anh vừa ở đó về đến nhà, lại nhớ rồi hả
- Ứ ừ. Em quên nói anh gửi cho em những bài anh viết.
- Bài nào?
- Những bài anh viết cho em khi anh về Việt-Nam đó!
- Ah! Em xem lại emails của anh coi. Mà em cần những bài đó làm gì?
- Em xoá mất những cái emails đó rồi. Anh quên là em đang học lớp Việt văn tại college hay sao? Sắp phải nộp term paper, và em muốn viết về quê hương Việt-Nam, cần mấy bài của anh làm tài liệu.
- OK. Anh sẽ gửi, cuối tuần anh về giúp em nữa, chịu không?
- Chịu. Cám ơn anh nghe.

Dũng chợt thấy mình bâng khuâng. Gửi cho em những gì để em viết về Việt Nam đây? Điêu tàn của chiến tranh trong quá khứ, ngỡ ngàng với đổi thay của của hiện tại, hay tương lai bấp bênh của Việt Nam vì sự đe dọa từ phương Bắc? Dũng nhẹ thở dài, mà thôi, anh sẽ gửi cho em những bài viết về gió heo may và lá vàng của mùa thu Hà Nội, về đồi thông và sương mù của Đà Lạt, về giòng sông Tiền Giang hiền hoà của miền Nam. Cho em những hình ảnh quê hương để em và những người trẻ lớn lên ở hải ngoại biết về giang sơn gấm vóc, để em yêu thương và mong một ngày trở lại cội nguồn.

Có tiếng Candy rất nhẹ:
- Anh Dũng nè …
- Gì nữa đây?
- Em … Thôi không nói nữa!
- Không nói nữa? Mà anh biết rồi. Anh cũng vậy!
- Vậy là sao?
- Là anh cũng nhớ, nhớ em nhiều lắm. Em ngủ ngon nghe.

Có tiếng Candy cười nhẹ và tiếng hôn gió. Dũng tắt máy, mỉm cười ngồi suy nghĩ vẩn vơ. Kể ra thì cũng đáng buồn. Đời sống quay cuồng khiến mình không có thì giờ liên lạc với bạn bè và người thân. Chú Duy và bố Ngụy mình mới gặp đây, nhưng còn Dung, còn Sony, còn Bill, còn Hằng và mấy người bạn khác ở Cali nữa! Chắc phải gọi họ một tiếng, hẹn nhau một ngày nào đó về Cali một lần cho tình thân thêm đậm đà. Để liên lạc với cô em họ trước đã, “cái” Dung giờ này chắc có nhà.
- Allo Dung hả? Anh Dũng đây.
- Trời. Tưởng anh chết bờ chết bụi ở đâu rồi!
- Sao Dung độc mồm độc miệng vậy. Quen bỏ bom thiên-hạ nên người nhà cũng không tha.
- Chứ anh Dũng bây giờ ở đâu? Bình thường chứ?
- Anh Dũng dạy học ở New Port, RI. Vẫn thường!
- Vẫn thường? Nghĩa là vẫn ngố?
- Ờ.
- Vẫn khờ?
- Ờ.
- Vẫn quê một cục?
- Ờ.
- Vẫn cù-lần, cà chua, cà-pháo?
- Ờ.
- Và vẫn cà-chớn như xưa?
- Ứ ừ. Hết cà-chớn rồi. Dạy học nên nghiêm túc lắm.
- Hì hì. Thế có còn “lăng nhăng dăm ba cuộc tình”?
- Cũng tu rồi. Chỉ nhớ có một người.
- Ai vậy?
- Dung biết mà. Thôi đừng nói chuyện anh Dũng nữa. Dung dạo này ra sao? Vẫn ở trọ nhà Diễm, và vẫn viết cho tờ Orange County Register?
- Yep!
- Vẫn đi bỏ bom thiên hạ?
- Dài dài!
- Coi chừng bị thiên hạ gán cho là VC!
- Đâu đến nỗi vậy. Chỉ “móc họng” mấy ông chống Cộng bằng mồm thôi mà!
- Anh Dũng hỏi Dung câu này nhé. Từ ngày bồ cũ bỏ về Việt-Nam lấy vợ, con tim Dung đã vui trở lại chưa?
- Hết buồn rồi anh. Ba đồng một mớ đàn ông. Ai mà thèm nhớ!
- A ha. Dung vẫn là Dung. Không thay đổi gì cả. Hôm nào anh Dũng qua thăm Dung, và một số bạn cũ, đi ăn phở và uống café Nguyễn Huệ cho đỡ ghiền.
- Nhớ nhé.
- Nhớ. Good night Dung.
- Good night anh Dũng Ngố.

Dũng buông máy mỉm cười. Những ngày tháng cũ ở Fountain Valley như sống lại. Một đoạn đời vui buồn nhưng là những kỷ niệm không quên. Mai mốt ta về, dù “lối cũ ta về hình như nhỏ lại”. Dũng hát nhỏ bài hát của Tùng Giang, mở cửa nhìn bàu trời đầy sao, và nghe như có niềm vui dạt dào.

***

Lại một tuần lễ trôi nhanh. Chưa bao gìờ Dũng mong đợi tới cuối tuần như lúc này. Ngày nào cũng điện thoại, có khi hơn một lần, thế nhưng hình như lúc nào cũng nhớ nhung. Sáng thứ Bảy Dũng ra khỏi nhà sớm, xa lộ còn vắng vẻ nên gần trưa Dũng đã tới NYC, đón người yêu đi chơi, quấn quít với nhau những giờ phút riêng tư ngắn ngủi cuối tuần. Căn apartment hai phòng ngủ của mẹ con Candy ở ngoài ngoại ô vắng vẻ nên Dũng thường đưa Candy về gần trung tâm thành phố đông vui. Nhìn xe cộ chen chúc trên đường, Candy ái ngại:
- Anh Dũng ơi, lái xe mấy tiếng từ Rhode Island về, rồi lại còn phải chạy vòng vòng tìm chỗ đậu xe, anh mệt không?
- No, Candy. Có em bên cạnh anh lái tới góc biển chân trời nào cũng không mệt!
- Anh Dũng xạo!
- Thiệt mà. Ah, có chiếc xe rời parking kìa, mình có chỗ đậu xe rồi. Candy, đi với em anh lúc nào cũng gặp hên.
- Hi hi, anh Dũng xạo nữa.

Cuối cùng thì hai người cũng vào được một quán nước. Buổi chiều cuối tuần nhưng quán không đông lắm nên Dũng kiếm được cái bàn kín đáo cho hai người. Kéo ghế cho Candy, Dũng hỏi:
- Em uống gì nào. Café nhé, nhớn rồi mà.
- Ứ ừ. Anh gọi cho em milk shake, còn anh uống café, và cho em uống ké, tí xíu thôi.
- Được rồi, nhưng này đừng có mách mẹ là anh Dũng … dụ dỗ nghe!
Candy lắc đầu:
- Mẹ đang vui, không để ý tới tụi mình đâu.
- Thiệt hả?
- Yep! Mẹ đang đợi bác Bill từ Cali đang lái xe xuyên bang sang thăm. Anh nhớ bác Bill không?
- Nhớ chứ, hàng xóm của anh ở Cali mà. Người đàn ông đó mẹ em gặp trong trại tỵ nạn tại Thái Lan, và đã giúp đỡ mẹ và em rất nhiều, đúng không?
Candy gật đầu:
- Bác Bill và con trai nay mai sẽ tới New York. Tim và em học chung với nhau một trường trước khi mẹ moved qua New York. Bác Bill cũng thương em lắm vì em không có bố.
Dũng nhẹ thở dài:
- Có bao giờ em hỏi mẹ về bố em không?
- Có chứ. Em hỏi mẹ vài lần. Mẹ nói bố em mất trước khi em sinh ra trong trại tỵ nạn. Mẹ em không nói rõ nhưng em biết là có chuyện gì đó bí mật về bố em, và mẹ em có vẻ buồn mỗi lần em hỏi nên đã từ lâu lắm rồi em không nhắc tới chuyện cũ nữa. Gần hai mươi năm rồi còn gì, bây giờ mẹ vui lắm, nhất là khi nghe tin bác Bill sang thăm.
- Ha ha, nhớ nhau ngàn dậm cũng chỉ là một đoạn đường.
- Anh nói ai nhớ ai?
- Thì ai nhớ ai đó chứ còn nhớ ai!
- Anh Dũng cà chua. Chọc em hoài.
- Tuởng chỉ có Dung mới gọi anh là là Dũng cà-chua! May quá không có Dung ở đây. Nếu không anh sẽ còn được gọi là Dũng ngố, Dũng khờ, Dũng quê một cục … Hì hì.
- Chị Dung xù tụi mình, hẹn sang chơi nhưng rồi không sang. Bận gì vậy, anh Dũng biết không?
- Ở lại Cali, nghe theo tiếng gọi của con tim.
- Sao?
- Email cho anh, nói là có cố nhân tới thăm. Chỉ cho biết tên tắt anh chàng là G. Chắc là Gia hay Giao gì đó chứ không phải Gà … sống hay Gà chết!
- Ha ha. Em mách chị Dung là anh hết đường về Cali!
- Thôi đừng. Mà không về Cali được thì anh ở luôn đây với em. Chịu không?
- Ứ ừ.
- Là sao?
- Không biết! Anh Dũng khờ!

Candy vừa nói vừa đưa tay với ly café của Dũng, trong lúc Dũng nheo mắt nhìn em cười. Dũng và Candy kéo ghế ngồi sát nhau, nhìn ra ngoài phố, nhưng thỉnh thoảng vẫn nhìn nhau cười vu vơ. Chợt nghe tiếng nhạc, Dũng mở cell phone đưa lên tai:
- Allo, ủa Dung hả?
- …
- Không có gì, Dung đừng bận tâm, mình sẽ còn dịp khác gặp nhau. Gặp “cố nhân” vui không?
- …
- Ăn thua gì. Thì cũng là cố nhân cả. G. tìm Dung trước rồi mới tạt qua hàng xóm thăm Mù-U sau. Như thế biết là ai “nặng” hơn ai rồi.
- …
- Hi hi. “Bà cô khó tính của tôi”. Thôi, đi uống café đi.
- …
- Đang ngồi với ai hả? Biết rồi mà. By the way, cho hỏi thăm Diễm nhé. Thanks a lot, and have a nice day.

Dũng quay qua Candy, từ nãy giờ vẫn lắng tai nghe:
- Chị Dung của em gọi phone xin lỗi là đã “xù” bọn mình, kể chuyện gặp lại cố nhân. Mong là Dung vui, nối lại được tình yêu cũ.
Candy nhoẻn miệng cười:
- I don’t know, but I doubt it. Còn anh, Anh Dũng, anh lái xe về Rhode Island hay anh ở lại New York tối nay?
- Anh ở lại với em cho đến hết cuối tuần. Cho anh ở đậu không?
- Ớ ờ. Mẹ không chịu đâu.
- Anh nằm ngoài phòng khách mà. Mẹ đã gặp anh nhiều lần, khen “cái cậu Dũng này biết điều”. Anh “ngoan” lắm!
- Ghé tai em nói nhỏ cái này.

Mặt Candy đỏ bừng, Dũng cười cười, lắc đầu:
- Thôi được, để anh check in khách sạn gần đây. Tối nay đi ăn có mời mẹ không?
- Ứ ừ! Có mẹ làm sao em dám ăn chung đĩa với anh. Thôi, để trưa mai ăn cơm với mẹ tại nhà. Biết đâu chừng có cả Bác Bill, hí hí …
Dũng cứ nhìn Candy cười không nói. Candy ngạc nhiên:
- What?
- Nothing.
- I know that you’re after something! Ngó con mắt anh cười kìa. – Candy đưa hai tay bịt mắt Dũng - Không cho anh ngó nữa, anh Dũng cà-chua!
- Hì hì, anh định nói là em sẽ không được gọi bác Bill bằng bác nữa! Có lẽ phải gọi bằng ‘Dượng’ hay bằng … ‘Ba’ không chừng.
- Ah. Em về mách mẹ, coi chừng anh bị cấm cửa.
- Maybe not. Nhưng Candy này, nếu anh bị cấm cửa, em có bỏ nhà theo anh không?
- Never!
- Hà hà, thế sao lúc nãy em nói nhỏ với anh là không cho anh ngủ phòng khách, sợ nửa đêm nhớ anh, lén mẹ ra ngồi với anh.
Candy dãy nảy, đấm thùm thụp lên vai Dũng:
- Ứ ừ, anh Dũng cà chua, anh Dũng quê một cục. Không chơi với anh nữa.
Dũng hôn nhẹ lên má Candy, làm hòa:
- Thôi, anh nói rỡn mà. Chúng mình đi China Town ăn tối nhá. Em thích ăn gì nào?
Candy vẫn phụng phịu ngồi yên. Dũng lại dỗ dành:
- Đi ăn mau rồi về nhà anh thổi kèn cho em nghe. Thổi bài của chúng mình ở Fountain Valley.
Candy ngước mắt nhìn Dũng, mỉm cười:
- Which one?
Dũng đứng lên kéo ghế cho Candy:
- “Forever in love”. Em biết rồi mà.
Candy đứng dậy, vòng tay ôm cổ Dũng:
- Ừ, nếu không có em, anh không được thổi bài đó cho ai nghe. Nhớ chưa?
Dũng cúi xuống thấp cho trán mình chạm vào trán Candy:
- Just for you, my love.
Candy dựa vào vai Dũng trên đường đi ra bãi đậu xe. Trời đã mờ mờ tối, bầu trời lấp lánh vài ngôi sao. Dũng quàng tay ôm lưng Candy, ngước mắt nhìn trời:
- Em xem kìa, những ngôi sao cũng đang theo chân chúng mình. Anh làm sao không theo chân em. … suốt đời … Em chịu không?
Candy không trả lời, chỉ nghiêng đầu cười nhẹ, nhưng mắt em long lanh như có trăm ngàn lời gửi gấm.

***

Khi Dũng mở cửa bước ra ngoài đã thấy hai mẹ con Candy ngồi ăn sáng tại chiếc bàn nhỏ kê ngoài balcony. Dũng ngồi xuống chiếc ghế còn trống, nhẹ mỉm cười:
- Good morning, dì Nga. Candy, đêm qua em ngủ ngon chứ?
Candy đưa tay che miệng đang nhai cereal:
- Ứ ừ, có ai đó ngáy lớn quá ở ngoài phòng khách nên trằn trọc mãi em mới ngủ được.
Cả Thiên Nga và Dũng đều bật cười. Dũng chống chế:
- Anh đã nói để anh về khách sạn ngủ nhưng em cười cười, chỉ cái sofa rồi bỏ mặc anh một mình. Đi chơi suốt ngày nên anh mệt, ngáy hơi lớn. Mai mốt …
Dũng tủm tỉm cười không nói tiếp. Candy hình như hiểu, em đưa cao nắm tay như đe dọa. Dũng yên lặng mỉm cười nhìn Candy. Em còn quá trẻ, có lẽ chưa bao giờ trải qua một chút cay đắng ở đời nên chưa biết thế là là hạnh phúc của một buổi sáng êm đềm bên cạnh những người thân yêu. Khi anh lang thang trên những nẻo đường VN anh đã nhớ em quay quắt, chỉ mong một ngày nào được có em như lúc này. Uớc mơ nhỏ nhoi cho anh, cho em và cho tương lai của chúng mình, em biết không?
Candy đặt bát cereal xuống bàn:
- Sáng nay mình làm gì, hay đi đâu hả anh?
Dũng mỉm cười:
- Em muốn đi đâu anh sẽ đưa em đi. Anh đâu biết gì nhiều về New York. Tùy em đấy.
- Thật nhé? Vậy chúng mình …
Candy ngần ngừ không nói tiếp. Dũng nhướng mắt nhìn:
- What?
- Hơ … Để em hỏi mẹ đã rồi nói với anh sau.
Thiên Nga lên tiếng:
- Mẹ đây! Con hỏi gì?
Candy cười nhẹ, lắc đầu:
- Chút nữa, mẹ. Để con nghĩ lại đã.

Candy đứng lên cười bằng mắt với Dũng, cầm chiếc bát vào nhà. Thiên Nga nhìn theo lắc đầu:
- Vẫn cứ như con nít.
Dũng cười:
- So với lần đầu tiên gặp Dũng ở Fountain Valley thì Candy đã “người nhớn” hơn nhiều, dì thấy không?
Thiên Nga gật đầu:
- Ừ, nhất là từ dạo Dũng về thăm Việt-Nam để cho con bé nhớ thương!
- Có xa mới nhớ mà dì!
- Đúng thế.
Đôi mắt Thiên Nga mơ màng:
- Không biết bây giờ “người ta” đã dời Houston chưa nhỉ?
Dũng cười:
- Từ ngày dì dọn qua New York, bác Bill buồn lắm, nhất là khi Tim bị tai nạn xe hơi, phải ngồi xe lăn. Cô Hằng quá bận với cái Hair Salon, bác Bill retired sớm nên càng buồn hơn. Qua đây thăm dì và Candy cũng là ước vọng của bác ấy từ lâu. Đường nào rồi cũng tới New York. Dì thấy Dũng không?
Thiên Nga cũng cười:
- Mong là thế, dù biết rằng Bill sẽ chỉ ở lại New York vài ngày ngắn ngủi. Còn Dũng, bao giờ Dũng về lại Rhode Island?
- Chắc chiều nay, dì. Trường sắp khai giảng khóa mùa thu. Dũng cần chuẩn bị, và nghe đâu có vài du sinh Việt-Nam sẽ do Dũng hướng dẫn.

Candy vừa trở ra, ghé tai Dũng hỏi nhỏ:
- Có nử sinh viên nào không?
Dũng quay lại cười:
- Anh không rõ. Hay là em đi với anh lên đó để xem cho biết!
Candy bật cười:
- You wish! Theo anh là Mẹ đuổi đi luôn.

Nắng vẫn chỉ là nắng hanh vàng. Khuôn mặt Candy sáng ngời, làn da trắng hồng và đôi mắt đen láy đang nhìn Dũng. Candy, anh Dũng muốn đưa em đi suốt cuộc đời, đến bất cứ một nơi nào, chỉ cần lúc nào cũng có nhau. Chiều anh Dũng về, anh Dũng sẽ lại nhớ em, mong cho đến cuối tuần để trở lại. Có nhau bên đời là có những ngày vui. Nhưng em biết không, anh yêu và biết ơn xứ sở tự do này mà sao anh vẫn mơ màng một nơi có em và có anh, có tình yêu và tình người nhưng không có hận thù, về một nơi có hồn thiêng sông núi, một nơi mà mọi người đều có thể tự do sống như là họ ước mơ.

Trần Quang Thiệu
<bài viết được chỉnh sửa lúc 17.10.2012 07:15:17 bởi NgụyXưa >

NgụyXưa
  • Số bài : 880
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 31.01.2007
  • Nơi: Thái Bình Dương
RE: Có Những Ngày Vui - 20.10.2012 10:09:08
Có người hỏi tôi "Có Những Ngày Vui" này có thật không. Xin trả lời: xạo đó. Viết cho vui mà.

Nhưng trong một truyện ngắn khác có đoạn dưới đây:

- Một thương tóc cột đuôi gà
Hai thương
Ba thương
Bốn thương
Năm thương
Sáu thương
Bảy thương
Tám thương
Chín thương
Mười thương cũng vẫn chỉ là em thôi.

Cô gai la lớn:
- Xạooo

Thế nhưng đó lại là chuyện có thật đấy.

Ct.Ly