Mộng ngày của chú AQ (hoạt cảnh "ma thoại" liên hoàn)
MỘNG NGÀY CỦA CHÚ AQ
-Hoạt cảnh “ma thoại” liên hoàn-
Xin cảm tạ và cáo lỗi hương hồn Lỗ Tấn
NHÂN VẬT : Các nhân vật có xuất xứ từ trong “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn, từ lịch sử, dã sử Trung quốc, và một số nhân vật hư cấu.
Trong vở này, có sử dụng nhiều câu, nhiều từ của Lỗ Tấn, của một số nhân vật Trung Nam Hải hiện đại và của một số tài liệu, sách, báo Trung Quốc cổ và kim (qua các bản dịch ra tiếng Việt lưu hành trong nước VN, có khi do chính đài phát thanh Bắc kinh, ban tiếng Việt, trước đây gửi cho tác giả) -có thể có cải biên. Khi cần thiết thì có chú thích.
CẢNH TRƯỚC MỘNG
Trước đền Thổ Cốc, bên gốc cây, AQ ngồi bó gối. Có lúc y đứng dậy, đi lại, v.v... tuỳ theo tình ý trong lời độc thoại.
AQ: -Cái ông Lỗ Tấn thật lắm chuyện, không dưng ghép nặn nên AQ này. Chẳng biết ông ta có ý gì mà dựng lên một AQ không họ, không quê, không cha mẹ, không thân thích. Lai lịch và thân thế thì rõ là chỉ xứng đáng để sung vào sư đoàn sáu vạn vệ binh hồi đại cách mạng văn hoá vô sản, nhất là đội bảo vệ thiên cung Trung Nam Hải. Duy, chất AQ thì đâu phải chỉ riêng loại “đầu đen”(1) mới có! Phải đâu chỉ hạng AQ tôi mới hay phô trương thứ “luân lí thể diện”, thứ “vinh quang mồm”? Chẳng phải cái ông Lỗ Tấn ấy đã từng thóc mách cái việc thiên triều ta hồi trước hết nhượng bộ đến xin xỏ, hết dựa dẫm lại cầu thân cái bọn bạch quỉ Tây dương, nhưng vẫn tự đắc là sứ thần của bọn họ chỉ được đi qua cổng xép đó sao? Ông tạc nên một AQ cho thiên hạ chiêm ngưỡng, nhưng lại vạch một phần gan ruột AQ cho các ông lớn chạnh lòng. Công ở đấy mà tội cũng ở đấy, ông Lỗ Tấn ạ! May mà ông chết sớm, nếu không thì dù được “người cầm lái vĩ đại” phong cho là “chủ tướng của cách mạng văn hoá Trung Quốc”, khi cuộc “đại cách” được phóng tay phát động, ông cũng khó tránh được phải đội mũ đầu lừa và được dong khắp đường phố Băc kinh đâu! Liệu ông có biết cái ông “vĩ đại” ấy từng tán rằng “Lỗ Tấn là thánh nhân của Trung Quốc hiện đại cũng như Khổng tử là thành nhân của Trung quốc phong kiến”, nhưng khi đã chễm chệ được ở Bắc kinh rồi thì lại phán thẳng thừng rằng nếu ông còn sống thì “hoặc là ngồi nhà chớ viết lách gì hoặc ở trong trại lao động cải tạo”. Vì ông đâu có được bản lĩnh của kẻ mà ông từng nhận xét là “tài năng và sự đê tiện kết hợp một cách lạ lùng trong một con người”(2) để được hưởng đặc ân của “lãnh tụ vĩ đại”! Rồi bây giờ đại quốc của chúng ta vươn lên siêu cường về kinh tế và quân sự, liệu ông có đất để chôn mình không?
Cái dở nhất của ông là để cho họ đưa tôi đi xử bắn. Ông may mà không phải chứng kiến những màn đại náo của tấn tuồng “cách mạng”, còn tôi thì phải sống chứ! Sống dai nữa kia! Thế mà ông hạ bút như hạ đao vậy. Suy ý tứ của ông thì hẳn có nhiều uẩn khúc:
-Có phải ông nghĩ rằng để một AQ đầu đen vốn là nạn nhân thì thiên hạ đã bát nháo rồi. Cho hắn ta sống dai sợ lại nảy nòi ra nhiều AQ đầu đỏ nắm quyền sinh sát thì e “thiên hạ đại loạn” mất chăng?
-Hay là ông muốn tôi sớm chết đi để “hai chục năm sau sẽ lại có một tay hảo hán” làm “giáo viên phản diện” không phải từ trong trang sách mà từ chính cuộc đời?
-Hay là ông cho rằng chuyện tôi làm cách mạng là “tưởng tượng ra một việc rất quái gở và tự nghĩ rằng quái gở đến thế là cùng!”(3)?
TIẾNG LỖ TẤN: -Sau này, nếu còn cách mạng thì tôi chắc rằng vẫn còn những tay cách mạng giống AQ. Tôi rất mong mỏi, như lời người ta nói, câu chuyện tôi ghi chép chỉ là “câu chuyện đã qua, hoặc là câu chuyện của một thời nhất định”. Nhưng tôi lại vẫn e rằng những “điều trông thấy” đó không phải là tiền thân mà chính là hậu thân của hiện đại, hoặc giả đó là những sự thực của Trung Quốc hai, ba mươi năm sau này cũng chưa biết chừng.(3)
AQ: -Ha! Ha! Thế mà ông sớm kết liễu đời tôi. Tôi hận nhất là ông đưa tôi ra một pháp trường của một huyện lị vô danh. Ông đã chẳng từng nói: “Bắc kinh là chốn ‘đô thành nhân đức’. Đến cả việc xử tử ở đây so sánh với các tỉnh khác vẫn còn tử tế hơn nhiều” đó ư? Sao ông chẳng cho tôi thọ hình nơi trung tâm “gió Đông thổi bạt gió Tây” ấy? Thật ra thì ông đã biết là ông lầm. Ông đã run bút khi liên hệ tới việc dùng lưỡi liềm cắt cổ như Bao Chửng đời Tống. Ôi! Giá như ông biết rằng sau khi ông chết ba mươi năm, người ta cắt cổ cốt là cắt thanh quản để nạn nhân khỏi kêu hoặc khỏi vạch mặt họ, và rằng phương pháp cách mạng ấy đã có cơ sở tư tưởng hẳn hoi, và đã được đem truyền bá sang cả nước chư hầu, -xứ Chùa Tháp, mãi phương nam xa xôi! Nhưng tôi thì tôi cần quái gì! Dù có chết rục trong tù như vị á hoàng đế họ Lưu hoặc bị các tiểu tướng nện cuốc vào gáy, tôi cũng ngậm cười, vì dù sao cũng được làm vật hiến tế cho các bậc lãnh đạo vĩ đại. Ồ! Nếu tôi lại ghi được nhật kí như anh chàng họ Lôi nữa thì chết càng vinh dự.
Không may cho ông hay là may cho tôi, cuộc đại cách mạng “không phải là tốt mà là rất tốt”(4) đã đem lại sức sống cho tôi. Hơn thế nữa, ông xem đây, có phải tôi phổng phao hơn, chững chạc hơn, cách mạng hơn chú AQ của ông bội phần không?
TIẾNG LỖ TẤN: -Thực ra, AQ có đem đũa mà gióc ngược cái đuôi sam của y lên nữa thì cũng không thể cho là đã làm cách mạng được.(3)
AQ: -Hô! Hô! Người ta bám một chủ nghĩa để tương ra một tư tưởng mà có thể cho là “cách mạng đích vĩ đại” được thì gióc ngược đuôi sam kém vĩ đại ở chỗ nào?
TIẾNG LÕ TẤN: -Chà! Cái tay AQ vốn chỉ là đáng cười và đáng thương, không ngờ lại đáng sợ đến thế!
AQ: -Hi, hi. Ông nghĩ sao? Cho đến nay tôi vẫn mù chữ đấy. Nhưng há ông không biết tôi được nghe đọc Mao tuyển và hô khẩu hiệu nhiều hơn được ngửi hơi cơm sao? Hơn nữa, ông có biết vị thống soái và là cha đẻ Hồng vệ binh khoe với các “tiểu tướng” rằng ông ta học mưu mẹo trong các dã sử Trung Hoa? Tôi vốn là khách quen của các buổi hát tuồng, nghe lời dạy vĩ đại đó, tôi nghiện thêm cái món kể các tích cổ. Ôi cha! cha! Bao nhiêu là sự tích anh hùng! Nào là Tào Tháo giết người, cứu lợn ; nào là Triệu Cao cho ngựa nuốt hươu ; nào là Đường Thái Tông(5) hí Võ hậu. Thật là những gương sáng ngời chính nghĩa!
(AQ đang đắc chí thì lão khán đi đến. Đột nhiên, lão dừng lại, mắt trợn trừng, miệng há hốc)
LÃO KHÁN (lắp bắp): -Ma! ma! (nhớn nhác nhìn trước nhìn sau, trong khi AQ do phản xạ theo cái sợ cố hữu, sững người lơ láo nhìn lão khán. Lão này chắp tay khấn) Mô Phật! AQ sống khôn, chết thiêng, nếu có bất đắc kì tử thì đi đòi những kẻ nào đã hại chú ấy, đừng về ám những người đã dung nạp chú.
(AQ nghe thế như sực tỉnh chợt cười lên. Lão khán hơi giật mình, cố lấy can đảm trỏ vào AQ lên giọng quát, nhưng vẫn hơi run)
Này! Bảo cho mà biết! Hàng mấy chục triệu người mất mạng trong “chỉnh phong”, trong “cải cách điền địa”, trong “đại nhảy vọt”, trong “đại cách mạng văn hoá vô sản” cũng hiện về kêu oan cả đấy hử? Không dưng, ai hơi đâu mà lo cho những đứa đã chết rồi! Dễ chú cũng muốn được dựng nhà lưu niệm ở quảng trường Thiên An môn như ai kia chắc! Chú chết mà sướng đấy. Hãy xem bao nhiêu đứa trong lũ tiểu tướng hung hăng một thời nay lang bang du thủ, du thực, hoặc chết đói nhăn răng ra kia!
AQ (ngẩn ra một lúc rồi kêu lên): -Ủa! Ông khán, ông tưởng tôi chết thật sao? Tôi sống lại rồi. Vừa từ trên huyện về đây.
LÃO KHÁN (định thần lại): -Sao? Chú không chết hả? Có thật không? Mô Phật! Thật vô phúc cho chú. Thôi! Đứng dậy vào quét đền Thổ Cốc, rồi đến nhà cụ cố Triệu, cụ cố Tiền mà cuốc đất, giã gạo kiếm ít cơm nguội.
AQ (nói chủng chẳng): -Đây không làm thuê nưã. Cách cái mạng rồi.
LÃO KHÁN: -Cái gì? Cách mạng rồi à? Ha, ha! Cách cái mạng để cho thằng AQ không còn là thằng AQ nữa! Trời đất ơi! Sao mà chú ngây thơ thế! (Ra giọng tỉ tê, nhưng riễu cợt) Này, AQ này! Chú cứ đi giã gạo cho người ta nhưng cứ nghĩ đây là gạo con cung phụng bố. “Con” là người có gạo, còn “bố” là người giã gạo tức là chú đấy mà. Ấy thế là bụng no cành ra ngay và trong người thảnh thơi ngay đó mà. Chú thấy không? Cụ cố Triệu và ông Tây giả đến rủ chú đi cách mạng đó kìa!
(Cụ cố Triệu mặc áo thụng và lão Tây giả cầm gậy đi vào).
CỐ TRIỆU (giọng lè nhè): -Thằng AQ đó a? Chớ có làm mình, làm mẩy nữa. Xưa sao, nay vẫn vậy, chẳng có gì khác đâu. Nhưng phải cho mày cái áo khác thôi. Cái áo cũ tã quá rồi. Chẳng phải vì lo mày chết rét đâu. Thế nào cũng đến nhé!
TÂY GIẢ (giơ gậy lên): -Không phải nói lôi thôi với nó. Cứ cái này là nó nghe ra hết.
(Cố Triệu và Tây giả bỏ đi. AQ rúm người lại từ khi hai kẻ kia vào, và giơ tay ôm đầu khi Tây giả giơ gậy. Khi bọn kia đi rồi, AQ ngồi bệt xuống cạnh gốc cây)
AQ (lẩm bẩm): -“Nhà tao xưa kia có bề, có thế bằng mấy chúng mày kia! Thứ chúng mày thấm vào đâu!”. Ông cha tao ấy à... Hừ! Thứ chúng mày thật không xứng... ” .
LÃO KHÁN: -Chú vừa lải nhải gì thế? Liệu hồn đấy! (Đổi giọng cười cợt) À, mà chú vẫn tự xưng là có gốc gác quyền thế lắm kia mà. Mang oai tổ tông, chẳng gì cũng giữ mẽ bộ lông, bộ cánh, Bộ dạng chú vênh vang được đấy! Hậu vận chú may ra khá cũng nên. (Bỏ đi).
AQ (thở dài): -Thời buổi nhố nhăng hết chỗ nói. (Hăng lên) Cách cái mạng hết chúng nó đi! (Đứng dậy giang tay làm diệu bộ tuồng) “Ngã thủ chấp cương tiên i... i... tương nỉ đả”. Mẹ kiếp! Ta cũng dòng giống lắm chứ! (Ngồi xuống mơ màng) Ông cha ta xưa... Vị nào hợp với mình nhỉ?
(Nằm xuống ngủ, Ánh sáng tắt. Sân khấu tối thui)
--------------------------------
(1) Chỉ dân cùng đinh, theo cách gọi đời Tàn Thuỷ hoàng.
(2) Lỗ Tấn nhận xét Quách M.N.
(3) Lỗ Tấn -“Vì sao tôi viết AQ chính truyện”
(4) Lời Mao đánh giá “đại cách mạng văn hoá vô sản”
(5) Một vua Trung Quốc ham bành trướng mà Trung Nam Hải, trước hết là Mao, tôn sùng.
(còn tiếp)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.03.2013 11:57:40 bởi Khải Nguyên HT >
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
Kiểu: