Vũ khí sinh học
Asin 26.09.2003 09:47:25 (permalink)
Hiện nay đã có trên 50 loại vi khuẩn, virus, độc tố có nguồn gốc sinh vật được nghiên cứu và liệt kê trong danh mục vũ khí sinh học dùng để tấn công khủng bố sinh học và chiến tranh sinh học. Công tác phòng chống khủng bố sinh học, vũ khí sinh học, thảm họa sinh học là công tác của toàn xã hội, toàn cộng đồng. Từng cá nhân, từng tập thể đều có trách nhiệm tự bảo vệ, phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại, ứng phó kịp thời, không để lây lan, cứu chữa sớm và có hiệu quả người mắc.
I. Vũ khí sinh học
Các loại vũ khí sử dụng trong chiến tranh bao gồm: vũ khí nổ - cháy, hóa học, sinh học và phóng xạ. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã sử dụng vũ khí hóa học, chiến tranh thế giới thứ II đã sử dụng vũ khí nguyên tử. Vũ khí sinh học (bệnh dịch hạch) cũng đã có trong Ðại chiến II và sau đó được sử dụng thăm dò trong chiến tranh Triều Tiên nhưng chưa đạt hiệu quả. Trong những thập kỷ qua, môn sinh học phân tử phát triển tạo ra các chủng vi sinh vật đột biến bằng cách can thiệp vào gen di truyền tạo ra các chủng mới kháng thuốc kháng sinh, chống lại kháng thể do vaccin tiêm phòng và có độc lực cao. Thông qua công nghệ di truyền (genetic engineering) đã thay đổi cấu trúc gen để tạo ra các vi sinh vật (vốn không gây bệnh) có khả năng gây bệnh mới, hoặc các vi sinh vật gây bệnh có khả năng kháng thuốc mạnh, có độc lực cao. Hiện nay cũng đã thử nghiệm cấy một số độc tố vào gen của một số trực khuẩn gây viêm cơ hoại thư để tăng khả năng sát thương, gây các thể bệnh nguy kịch. Những vi sinh vật này đã trở thành các vũ khí mới được gọi là vũ khí gen, vũ khí di truyền, vũ khí ADN...

Các nhà nghiên cứu vũ khí đã có một đánh giá về kinh tế như sau: để tạo ra hiệu quả sát thương cho dân cư một khu vực có diện tích là 1km2 thì nếu dùng vũ khí thông thường (conventional weapons) phải tốn 2.000 đô la Mỹ, nếu dùng vũ khí hạt nhân (nuclear weapons) phải tốn 800 đô la, nếu dùng vũ khí hóa học dạng khí độc thần kinh (nerve-gas weapons) phải tốn 600 đô la, còn nếu dùng vũ khí sinh học (biological weapons) thì chỉ tốn 1 đô la.

Trên thế giới, một số nước đã triển khai nghiên cứu các vũ khí sinh học và cách phòng chống trong nhiều năm dựa trên kết quả nghiên cứu của các viện nghiên cứu sản phẩm sinh học, vi sinh vật, độc học, bệnh lây tối nguy hiểm, động vật học, thực vật học, di truyền học...

Các binh sĩ Hoa Kỳ đều được huấn luyện về phòng chống vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học (vũ khí N, B, C), từng binh sĩ được phát một tờ hướng dẫn phòng vệ bản thân trước cuộc tấn công hạt nhân, hóa học, sinh học. Quân đội Hoa Kỳ đã nghiên cứu các chất liệu dùng trong chiến tranh sinh học, cách phòng vệ trong chiến tranh sinh học, phòng chống các chất hóa học và phòng vệ chiến tranh hạt nhân.

Riêng về vũ khí sinh học, đứng trên quan điểm quân sự phải đạt các yêu cầu sau đây:

1. Là sinh vật phẩm dùng trong hoàn cảnh chiến tranh và điều kiện chiến thuật, phải có khả năng gây sát thương (bằng cách gây bệnh, gây các tổn thương, gây nhiễm độc) làm thiệt hại sinh lực đối phương, làm tổn thất cả con người, động vật chăn nuôi, cây, hoa màu, làm hư hại cơ sở vật chất kỹ thuật của nước đối địch.

2. Các sinh vật phẩm được dùng trong chiến tranh sinh học phải có: hiệu quả sát thương cao, thời gian ủ bệnh ngắn, việc sản xuất, bảo quản, vận chuyển được thuận lợi, có khả năng sản xuất một số lượng lớn, giá thành không quá tốn kém.

3. Cách sử dụng các sinh vật phẩm chiến tranh sinh học rất đa dạng: dạng bột, dạng lỏng, dạng bụi dịch lông phun (aerosol)...

Trong 3 dạng xâm nhập nhiễm bệnh, nhiễm độc (qua da, qua đường hô hấp, qua đường tiêu hóa) thì có hiệu quả nhất và xâm nhập nhanh nhất là đường thở vì liều lượng vi khuẩn hoặc độc tố gây bệnh, gây độc thường ít hơn so với khi bị nhiễm khuẩn một cách tự nhiên. Do đó, dùng dưới dạng khí dung (aerosol) các phần tử gây bệnh, gây độc có kích thước từ 2 đến 4 micron. Gây nhiễm bệnh qua thực phẩm, nước uống... nếu rửa sạch, nấu chín, lọc nước và khử trùng nước bằng cloramin thì hiệu quả gây bệnh sẽ không còn hoặc bị hạn chế nhiều. Qua đường da: một số nha bào và vi khuẩn hoặc độc tố (như T2 mycotoxin...) xâm nhập qua cả da lành (qua đường các ống lông, ống tuyến mồ hôi, tuyến bã).

4. Các vi sinh vật được lựa chọn làm vũ khí sinh học là:

- Các vi khuẩn (bacteria): dùng các loại gây bệnh nguy hiểm, tối nguy hiểm - các loại vi khuẩn đơn bào tồn tại tự do trong thiên nhiên dưới dạng bào tử.

- Các virus gây bệnh: loại này phải sống nhờ vào các tế bào sống để sinh sản qua sao chép di truyền.

- Các rickettsia: loại vi sinh vật có các đặc điểm của vi khuẩn và virus.

- Các chlamydia: vi sinh vật ký sinh bắt buộc trong các tế bào.

- Các nấm: là các thực vật nguyên thủy.

- Các độc tố (toxin): các chất độc do vi sinh vật tiết ra; các chất độc tách chiết từ các cơ thể sống.

Ðể sản xuất một vũ khí sinh học cần có những yêu cầu kỹ thuật sau đây:

1. Nghiên cứu số lượng vi khuẩn, độc tố cần thiết để gây được bệnh cho một cá thể, hoặc một tập thể nhất định.

2. Ðịnh được độc lực gây hại hoặc độc lực để gây được thể nguy kịch, nặng của bệnh hoặc nhiễm độc.

3. Xác định rõ được khả năng sinh bệnh của vật phẩm sinh học.

4. Xác định thời gian ủ bệnh từ khi nhiễm vật phẩm sinh học đến khi phát sinh các triệu chứng đầu tiên.

5. Xác định khả năng lây nhiễm từ người bị sang người khác.

6. Ước định tỷ lệ người bị tử vong khi mắc bệnh hoặc nhiễm độc (tử vong nói chung, tử vong theo thể loại bệnh nhiễm độc).

7. Tính bền vững tồn tại trong môi trường thiên nhiên của chủng bệnh hoặc chất độc sinh học.

Các sản phẩm sinh học được phân loại: bền và không bền, dễ bốc hơi hay không bốc hơi.

8. Không quá khó khăn trong sản xuất bảo quản, vận chuyển và phân phối.

Ðể sử dụng cũng cần có những yêu cầu sau đây:

1. Ðiều tra nắm rõ đối tượng: khả năng miễn dịch của các cá thể (đã được tiêm chủng loại gì, thời gian sau tiêm chủng).

2. Nắm chắc tình hình môi sinh khu vực sẽ được sử dụng: thời tiết, khí hậu, thủy văn, nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, hướng gió...

3. Công tác phòng chống của cộng đồng và cá nhân: ý thức cảnh giác, sự hiểu biết, công tác giám sát dịch bệnh và nhiễm độc thực phẩm, công tác vệ sinh phòng bệnh, công tác an ninh và trật tự xã hội.

4. Khả năng cứu chữa của đối phương: cứu chữa tại chỗ, cứu chữa khẩn cấp, cứu chữa chuyên khoa (tổ chức, cán bộ, trang bị, thuốc chuyên trị...).

Vũ khí khủng bố sinh học - tấn công khủng bố sinh học

Mục đích của tấn công khủng bố sinh học là giết hại, gây tổn thất cho người, gia súc, hoa mầu cây quả... gây hoang mang trong xã hội, phá hoại cơ sở hạ tầng và môi sinh. Do đó, bọn khủng bố đã lựa chọn một số tác nhân vi sinh vật gây bệnh như Bacillus anthracis (trực khuẩn bệnh than), Yersinia pestis coccobacillus (Trực cầu khuẩn dịch hạch), Orthopoxvirus (virus đậu mùa), Staphylococcal enterotoxin B (tụ cầu có độc tố ruột B) và các vi khuẩn, virus gây bệnh nguy hiểm khác: virus Ebola, virus Marburg, virus viêm não, virus sốt xuất huyết, trực cầu khuẩn Francisella tularensis, bệnh sốt Q, trực khuẩn tả, thương hàn và một số độc tố có nguồn gốc sinh vật như botulinum (ngoại độc tố của trực khuẩn Clostridium botulinum), bufotoxin (độc tố lấy từ tuyến da cóc), saxitoxin (độc tố lấy từ 1 loại hến Sasidomus), batrachotoxin (độc tố lấy từ da ếch Phyllobates bicolore), tetrodotoxin (độc tố lấy từ gan và trứng của cá độc Tetraodontidae), ricin (chiết xuất từ hạt cây Ricinus communis)...

Theo nhà sinh học Kanatfan Alibelov, cựu lãnh đạo chương trình vũ khí sinh học của Liên Xô cũ từ 1988 đến 1992, sau đó sang Hoa Kỳ đổi tên là Ken Alibek hiện làm việc ở Viện Nghiên cứu vũ khí sinh học tại thủ đô Washington từ năm 1993 đến nay, thì tùy mục đích khủng bố mà chọn các dạng sản phẩm sinh học thích hợp:

- Nếu dùng để giết hại sẽ sử dụng các vi khuẩn gây bệnh tối nguy hiểm, tử vong cao hoặc các chất độc sinh phẩm, các độc tố gây nhiễm độc nặng và tử vong.

- Nếu dùng để gây hoang mang, để gieo rắc tâm trạng sợ hãi, bất ổn định trong xã hội thì dùng nhiều loại vi sinh vật gây bệnh cảnh khác nhau, dễ lây truyền trong cộng đồng, đường lây nhiễm khác nhau.

- Nếu dùng để gây tổn thất về kinh tế, dùng các vi sinh vật gây hại cho gia súc, gia cầm thành các ổ dịch lớn, dùng côn trùng, sâu bệnh phá hoại mùa màng, hoa màu, cây ăn quả, dùng các mầm bệnh phá hoại chăn nuôi thủy sản.

- Nếu dùng để phá hoại cơ sở hạ tầng thì sử dụng các vi sinh vật, mầm bệnh có khả năng phát tán nhanh trong hệ thống đường xá, toa xe, máy bay, tầu thuyền, bến cảng, khu đông dân cư, bưu phẩm.

- Hiện nay đã có trên 50 loại vi khuẩn, virus độc tố có nguồn gốc sinh vật được nghiên cứu và liệt kê trong danh mục vũ khí sinh học dùng để tấn công khủng bố sinh học và chiến tranh sinh học. Ðây cũng là một hình thái thảm họa do con người gây ra vì các vũ khí sinh học này là những chủng bệnh, các độc tố có độc lực mạnh gây bệnh nguy kịch với tỷ lệ tử vong cao, với khả năng lây nhiễm qua nhiều đường (da, vết thương, hô hấp, tiêu hóa...), có khả năng phát tán rộng và xa (chứa trong thư, bưu phẩm gửi qua nhiều quốc gia), dùng dưới nhiều dạng: bột, dịch, dạng phun, dùng sinh vật mang bệnh, sinh vật truyền bệnh, dùng dạng vũ khí (bom, đạn rocket, tên lửa chứa các mầm bệnh, độc tố...). Nhân loại tiến bộ lên án vũ khí hóa học, hạt nhân, sinh học vì tính năng hủy diệt con người, vũ khí sinh học đã thành một mối nguy cơ thảm họa cho sức khỏe cộng đồng do đó chúng ta cần cảnh giác và cần biết cách phòng chống loại vũ khí này, biết cách đáp ứng và xử trí không để các cuộc tấn công sinh học trở thành một thảm họa sinh học, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đến cuộc sống của chúng ta, đến trạng thái ổn định đi lên của nước ta trong tình hình diễn biến phức tạp của thế giới hiện nay.

II. Vụ tấn công khủng bố sinh học tại Hoa Kỳ hiện nay

Bệnh than (Anthrax) và trực khuẩn bệnh than (Bacillus anthracis) đã trở thành vũ khí tấn công khủng bố sinh học trong cuối tháng 9 và tháng 10 vừa qua ở Hoa Kỳ, khởi đầu phát bệnh ở bang Florida, tiếp đó cả ở thủ đô Washington và bang New York, hiện nay đang có xu hướng xuất hiện rộng hơn ở một số bang khác.

Tại sao những kẻ khủng bố lại chọn trực khuẩn than? Trực khuẩn than là loại trực khuẩn Gram (+) tồn tại trong thiên nhiên dưới dạng nha bào nên bền vững, vi khuẩn sinh trưởng ở nhiệt độ 37oC trong các môi trường nuôi cấy thông dụng, là loại vi khuẩn gây bệnh nhiệt thán ở gia súc ăn cỏ như trâu, bò, dê, cừu... nên người mắc bệnh này thường làm nghề chăn nuôi, thú ý, công nghệ da, hoặc những người ăn thịt động vật bị nhiễm bệnh than. Bệnh than lây nhiễm qua đường da, đường tiêu hóa, đường thở (các nha bào trực khuẩn bay trong bụi, không khí). Ðộng vật bị nhiễm bệnh than biểu hiện bằng tổn thương ở da; vết viêm mủ trên nền phù nề rộng có phủ lớp hoại tử màu đen như than, thường thấy ở chân của động vật. Thường gặp thể bệnh than kết hợp với nhiễm các loại vi khuẩn khác như Clostridium chauvoei và có thể cả Clostridium septicum (cũng là các loại vi khuẩn kị khí tồn tại dưới dạng nha bào gây phù lớn dưới da, nề khí và nổi nhiều u cục).

Trực khuẩn than gây bệnh bằng ngoại độc tố (có 3 thành phần) gây hoại tử mô và phù nề. Phần bao của trực khuẩn bệnh than gây ức chế nặng các tế bào thực bào của cơ thể.

Trực khuẩn bệnh than dưới dạng bào tử kích thước nhỏ dưới 5(m, với số lượng 8.000 đến 20.000 bào tử khi hít thở, chúng có khả năng vào tới các phế nang tận cùng của phổi, cư trú ở các phế bào và qua hệ bạch huyết di chuyển tới các hạch bạch huyết trung thất. Tại đó trực khuẩn than sinh trưởng, theo đường máu gây nhiễm khuẩn huyết và nhiễm khuẩn nhiều nơi trong cơ thể.

Cho đến nay đã có một biên tập viên ảnh tờ báo The Sun ở Florida và hai nhân viên bưu điện tại bưu cục Brentwood (thủ đô Washington) chết vì bệnh than do khủng bố. Hội chứng bệnh lý của những người mắc bệnh là nặng vì nhiễm khuẩn bệnh than do hít thở với thời gian ủ bệnh từ 1 đến 5 ngày với các triệu chứng sốt cao, tím tái, ra nhiều mồ hôi, khó thở, hạch trung thất sưng to, nhiễm khuẩn huyết, phế viêm, viêm màng não do đó dẫn tới tử vong ở những trường hợp quá nặng, mặc dù được cứu chữa tích cực. Hiện còn 3 người nữa cũng mắc bệnh than qua đường hô hấp, diễn biến bệnh đang nặng.

Cũng đã có 6 người mắc thể bệnh than qua da có thời gian ủ bệnh từ 1 đến 10 ngày sau đó xuất hiện tổn thương ở da (sưng đỏ, mụn nước, hoại tử mầu đen). Nếu điều trị sớm và tốt thì khỏi, để lại sẹo da. Nếu sức đề kháng cơ thể kém (vì ngoại độc tố của trực khuẩn than gây hoại tử mô, phù và ức chế các tế bào thực bào của cơ thể) và điều trị không đúng sẽ bị nhiễm khuẩn huyết và nhiễm độc toàn thân, tỷ lệ tử vong trong loại bệnh than qua da này là 5%. Nguy hiểm là dạng bệnh than do hít thở như đã nêu ở phần trên với tỷ lệ tử vong tới 90% số trường hợp. Nhiễm bệnh than qua đường dạ dày ruột, thời gian ủ bệnh từ 2 đến 5 ngày, có biểu hiện đi ngoài ra máu, nôn ra máu, đau bụng, nôn mửa, chán ăn, sốt, trường hợp nặng bị sốc nhiễm độc, hạch mạc treo tràng sưng to, tổn thương niêm mạc phần hồi tràng và manh tràng, tỷ lệ tử vong từ 25% đến 75% số trường hợp (trung bình là 50%).

Theo các tài liệu về y học thảm họa được công bố trong số các tác nhân sinh học gây bệnh qua đường hô hấp được làm vũ khí sinh học, thì trực khuẩn bệnh than được nêu lên hàng đầu. Do các đặc điểm tồn sinh lâu dài dưới dạng bào tử, sinh trưởng ở nhiệt độ 37oC và nhiễm bệnh qua 3 đường (da, thở, ăn uống) gây bệnh với tỷ lệ cao nếu nhiễm bệnh than qua đường hít thở nên trực khuẩn bệnh than đã được dùng làm vũ khí khủng bố có hiệu quả.

Các địa điểm bị tấn công là Văn phòng Quốc hội (Thượng viện, Hạ viện, một số nghị sĩ), bưu điện (các bưu cục, nhân viên bưu điện), tòa soạn một số báo và một số hãng truyền hình, trung tâm vũ trụ Kennedy và một số cơ sở khác...

Các nhà chức trách an ninh tình báo Hoa Kỳ đang tiếp tục truy tìm thủ phạm gieo rắc bệnh than nhưng cũng chưa xác định được. Cục điều tra Liên bang (FBI) và Cục tình báo Trung ương (CIA) cho rằng chính những kẻ khủng bố trong nước reo rắc trực khuẩn bệnh than qua các lá thư chứa chất bột màu trắng có bào tử trực khuẩn bệnh than. Các nhà khoa học Hoa Kỳ cũng xác nhận vi khuẩn bệnh than tìm thấy ở 2 bang New York, Florida và thủ đô Washington đều có nguồn gốc chung, đều là các bào tử dạng mịn dễ di chuyển trong không khí, là các bào tử tự nhiên chứ không phải sản phẩm tạo ra bởi công nghệ sinh học và là loại vi khuẩn có ở ngay Hoa Kỳ.

Ngày 28/10/2001 cũng đã phát hiện và xác minh thêm một trường hợp mắc bệnh than ở một nữ nhân viên bưu điện Hamilton bang New Jersey, nâng số nhiễm bệnh than lên 15 và 34 mẫu máu dương tính bệnh than ở 1100 nhân viên bưu điện được kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm bệnh than.

Ðể ghi nhớ về độc lực của trực khuẩn bệnh than cần nêu: năm 1979 tại Liên Xô cũ đã có một thảm họa sinh học từ một sơ xuất trong quản lý chủng trực khuẩn than, đã có trên 100 người nhiễm bệnh than trong đó tử vong 66 nạn nhân.

III. Cảnh giác phòng chống khủng bố sinh học, thảm hoạ sinh học
Công tác phòng chống khủng bố sinh học, vũ khí sinh học, thảm họa sinh học là công tác của toàn xã hội, toàn cộng đồng. Từng cá nhân, từng tập thể đều có trách nhiệm tự bảo vệ, phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại, ứng phó kịp thời, bao vây cô lập cách ly ổ bệnh, mầm độc, thanh khử trùng, tẩy độc làm sạch môi sinh, không để lây lan, cứu chữa sớm và có hiệu quả người mắc.

Các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm điều tra phân lập xác định mầm bệnh, loại độc tố và tiến hành các biện pháp hữu hiệu để giải quyết hậu quả của vũ khí sinh học.
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9