NÀNG THU thái san
NÀNG THU
thái san
oOo
Mẹ nàng lấy chồng là một trung tá quân cảnh mỹ. Nàng cũng không hề phản đối.
Vóc dáng người tây như một vật lạ, trắng đỏ, lông tóc đầy khắp gây lên những tò mò trong nàng, của lứa tuổi mười chín đầy ắp chín mọng.
Phần mẹ.
Lấy được người chồng là quá đủ, bà là một vũ nữ về chiều, huống chi ông chồng ngoại này lo cho mẹ con nàng đầy đủ: một biệt thự thênh thang (biệt thự Chân Lý Thủ Đức), xe cộ và biết bao vật chất để se sua với đời. Thu cũng chẳng lấy làm hãnh diện, nhưng mưa lúc nào mát mặt lúc nấy, bù lại những ngày qua mẹ nàng nghe lời bác, đã phải bán thân nuôi lấy cuộc sống hai người với lũ lính viễn chinh, mang danh là quân đội đồng minh gây thêm cảnh nội chiến tương tàn hai miền, lũ lính xa nhà thèm khát, dầy xéo lên biết bao cơ thể phụ nữ Việt. Trong các trại binh mỹ, chị em đi làm lao công, bồi phòng, thư ký, vì hám lợi bán rẻ danh dự, bán rẻ thân xác.
Những đứa con lai vô thừa nhận bắt đầu ra đời, cùng với tiếng súng vọng về thành phố, đánh mất đi những cao quý của mình, của một dân tộc.
Nhiều đêm Thu thắc mắc.
Cuộc chiến với những xác chết gói nhanh vùi vội, những thân thể nát tan không thu lượm trong rừng sâu, những cái đói, những cái ốm thiếu thuốc chờ chết đau lòng, những tên tuổi mất tích vĩnh viễn không cớ sự, những tù nhân vô lý đầy dẫy trong hai cảnh tù tội, và hàng ngày những xe lính chở nhan nhản những xác chết về thành phố, những cảnh phụ nữ hai miền với những vành khăn xô trắng trên đầu với tuổi còn quá trẻ càng ngày nhiều thêm, hàng triệu người chết, hàng triệu người buồn, nhiều triệu cảnh u ám, làm thui chột sự phát triển của một đất nước, chỉ để thoả mãn những con đầu đàn, không biết ngồi lại với nhau nói lên chữ tình.
Nàng bước ra khỏi cổng không một ai thấy.
Tâm sự ngổn ngang. Phía ngoài nhìn vào tưởng như một thiếu nữ nhà giầu dạo chơi. Nhớ lại những lời mẹ dặn:
-Con chỉ được ở đây cho đến khi lập gia đình. Sau đó mẹ con ta xa nhau vĩnh viễn, đừng bao giờ đi vào vết xe đổ của mẹ. Nhớ đừng bao giờ trở lại đây nữa, coi như mẹ đã chết...
Mẹ nàng như cảnh tỉnh một điều gì chỉ trong giác quan của người mẹ mới nhận thấy, muốn bảo vệ con gái mình, với những kinh nghiệm bản thân trải qua, của đám đàn ông tham lam tiểu kỷ, có thể xảy ra nơi ông chồng và đám lính cận vệ của ông ấy, đã sống tự nhiên quá mức của lối sống tây phương.
O
-Anh chuẩn bị gì chưa? Thu hỏi:
-Rồi, ngày mai anh lên đường. Trốn sao nổi trong thành phố này. Thu thấy lo lắng cho mình và cho anh. Cứ nói thẳng:
-Em sẽ nhờ mẹ. Anh cứ yên tâm.
-Nhờ đến cái thằng tây của em chứ gì?
-Không muốn để anh ra mặt trận, một thứ cuộc chiến phi lý, anh nặng lòng nghe em đi, chết lúc này được gì, để giữ được anh em sẽ làm tất cả vì đời em còn ai, còn những gì, em chỉ cầu xin anh không được xa em, không bao giờ có quyền chê trách, phỉ báng em, anh nên thương yêu em nhiều hơn, vì trong em, anh là hiện thân quê hương, mẹ em là đất tổ, mẹ đã đánh mất hết vì cái đói, cái khó do cuộc chiến tạo nên vì ý đồ của những con đầu đàn tranh dành quyền lực, em và mẹ không có tội gì cả, và em còn gì, anh không hèn nhưng anh lại là một thằng ngố, lý tưởng dởm, anh chẳng ý thức được khi lên tầm bắn, anh lại bắn chính anh em mình, em không dậy anh lý thuyết nhà chúa, em chẳng hiểu nhiều về lý lẽ nhà phật, em cũng chẳng nhân từ, em không bao giờ muốn những thằng mũi lõ vào đây để bắn dùm những anh em mình, và hiện thời nó đang dầy xéo lên thân thể phụ nữ, trên thân thể mẹ...
Anh chưa thấy em khóc bao giờ vì em chẳng bao giờ còn nước mắt nữa anh biết không, anh biết không. Em phải lăn lóc bên cạnh khi mẹ tiếp khách, bây giờ là một đứa con gái con của me mẽo đầy đủ tiền bạc, đầy đủ uy quyền của vợ cố vấn Mỹ có thể lo tìm cho anh một chỗ làm lính kiểng, hay lính văn phòng không phải đi tác chiến, không phải lao đầu vào chỗ chết, em muốn gì, anh muốn thế nào đều phải được. Rồi tất cả những gì sau đó là phần của chúng mình, xa lánh tất cả, tìm cuộc sống bình thường đơn giản, sống cho qua đi cuộc chiến khốn nạn này và chờ đợi đến đời con mình may ra nó có được hưởng một chút thanh bình.
Thụ ngúc ngắc thầm nghĩ mình như một con bò đã bị khóa vào trong ách, giữa cái sống và chết, giữa cái nên và không, ngay tức khắc không thể chần chừ, vì ngày mai anh chỉ là một hạt cát phải ném vào cuộc chiến, kẻ ra đi không ngày trở lại, tiếng mùa hè đỏ lửa nghe đến đã rùng mình sởn gáy. Thụ chắp tay sau lưng đi đi lại lại suy nghĩ, thở dài rồi cũng trả lời nàng:
-Thôi tùy ý em. Thấy Thụ đồng ý chiều theo, nàng quá sung sướng. Thu bây giờ mới kịp nhớ, bầy ra bàn tất cả những món ăn nàng đem theo, một chai rượu nhỏ xinh hiệu Mỹ. Nàng nói:
-Anh yên tâm vào trung tâm huấn luyện, đến ngày ra trường sẽ có sự vụ lệnh về thành phố. Thu và Thụ đồng cười vui hẳn lên. Cả hai như tim đập chung một nhịp, nâng ly rượu uống, nàng thấy ưng ức nhộn nhạo rát bỏng trên ngực, trong người .
Thụ cảm thấy đời mình bước vào một ngõ quanh khác, cuộc sống trắng dã và nhãn tiền cấu xé xoáy vào da thịt như những cơn sóng biển dầy những mảnh thủy tinh vụn nhọn sắc phủ ập lên người , những tiếng hú gào dữ tợn của chiến tranh tràn về thành phố trùm lên xóa lấp hếøt tất cả mơ ước tầm thường của một kiếp người, không ai có quyền chọn cho mình một lối đi, và ngược lại, nơi đây thành phố này vẫn ăn chơi thỏa mãn trong tiếng cười về khuya, vẫn sung sướng trong từng đỉnh tế bào đến chân tơ kẽ hẹp, những tiệc tùng thịt rượu ê hề, những bộ áo sang trọng của các chính khách, những da thịt và da thịt thỏa mãn truy hoan, làm sao nghe được những tiếøng kêu gọi của người, của đồng chủng đồng loại, trong cực đỉnh thỏa mãn với trái tim thú vật, làm sao nó rung cảm được nỗi đau của bom đạn đang ghim trong biết bao da thịt con người, bao nhiêu đất đai hoang phế vì chiến tranh, người người đói lạnh kẻ chết vẫn chết như để lót đường, lót chân cho lũ chúng tận hưởng. Kẻ cao hơn mang trong người một lời thề hứa đẹp theo hướng nam, lên tận núi cao, rừng già với những nắng mưa, ngoi ngóp trong sình lầy, nhuộm da thịt trong bom đạn, đeo đẽo lý tưởng gộp về một mối, mưu cầu ý tưởng thần thánh, lành mạnh hóa xã hội ấm no cho loài người , cuối cùng cũng là rình rập săn tìm để giết, dành dân lấn đất, người dân không việc làm trở thành khốn cùng, trẻ em không học hành trở thành ngu muội, dân tộc thoái hóa chậm phát triển hằng thế kỷ.
oOo
Thu trở về lúc ba giờ sáng. Trên đường đi nàng nhìn lại thân thể nhiều lần sợ để lộ những cảm giác còn âm ỷ sâu kín phía trong, nàng đã trao tất cả cho người chồng chưa cưới, để ngày mai Thụ nhập ngũ, phần còn lại nàng phải nhờ đến mẹ và ông bố dượng Mỹ. Nàng không ngập ngừng đi thật nhẹ như một thứ mèo hoang, mèo đêm, về thẳng hướng phía phòng riêng của ông bố dượng mỹ. Có tiếng mở cửa.
Một hy sinh vô bờ bến khi yêu là cho đi tất cả, không đắn đo. Không ai cho phép nhiều đường suy nghĩ.. Nếu có là nàng đã cãi và bỏ ngoài tai lời mẹ dặn, nhưng nàng muốn cái quyết của riêng mình, hoặc sự tự vệ cuối cùng của thói quen đã có sẵn trong di truyền muôn thuở.
Tất cả sự trắng trộn lẫn trong bóng đêm khó ai có thể nhìn thấy điều gì. Quê hương Việt nam u ám chiến tranh. Lòng dạ con người u tối. Những thèm muốn đen đúc của người này kéo theo những thèm muốn khác, đồng lòng xẩy ra tận tình, tới cùng đích của những đồng thèm, cùng lao thật sâu.
oOo
Tiếng còi chấm dứt giới nghiêm phá tan không gian buổi sáng của thành phố.
Một vì sao băng cuối cùng của đêm rơi như chạm xuống hàng kẽm gai cuối chân trời phiá đông mầu đỏ sẫm.
OOo
Cả hai vợ chồng đã đồng ý bán đứt đứa con đầu là đứa con trai cho người khác, vì không đủ tiền bạc chi nộp cho cơ quan làm giấy xuất cảnh theo diện con lai. Trước mắt chỉ còn nhận được một số quà và chiếc xe hon da cũ để làm chân đi lại kiếm việc sinh sống.
Hồi đó Thụ là lính chế độ cũ, đóng gần nhà do Thu lo lắng sắp xếp và đã rã ngũ ngay sau ngày người chồng của mẹ Thu rút khỏi Việt nam, cấp bậc nhỏ nên chỉ học tập cải tạo ba ngày tại địa phương sau ngày giải phóng, cái đói xẩy đến không kịp chống đỡ, Thụ nghĩ mãi cũng chẳng hiểu nổi. Chín tháng quân trường, sau đó đi phép mãn khóa để chờ ngày nhận đơn vị là ngày nàng sanh nở.
oOo
Số ngày Thu mang thai không sai trật, có trời mới hiểu được nên không thể nào kết tội Thu được. Vì nàng sanh ra một đứa con Mỹ trắng, đứa trẻ càng lớn càng hiện rõ, từ những hàng lông tóc bạch kim, đến nước da trắng bóc đầy tàn nhang và mắt xanh
Thu không hé môi biện minh hay đính chính. Thụ âm thầm chịu đựng. Rồi đến ngày hôm nay cả hai người bắt buộc phải tiễn biệt đứa con đi theo số phận, thanh thỏa cái vướng vất sau mười tám năm đã đeo mang âm ỷ. Nói cho đúng Thụ đã được tất cả, nhưng chàng chỉ manh nha sự ơn nghĩa đó thuộc về bổn phận của mẹ Thu giúp đỡ, nhưng chàng nhu nhược khi những cái chết thường ngày về từ trận chiến nên im lặng. Riêng nàng , Thu cắn răng chịu đựng, không ân hận, không thở than, dù những ngày bụng mang dạ chửa, mẹ nàng thường hay cau có vì chưa cướ, Thu đã mang một cái bầu. Không muốn con gái đi vào dấu vết cũ của chính mình. Nàng sanh nở được một đứa con trai, phải thật tinh ý mới thấy được ông bố ghẻ chia xẻ chăm sóc nàng hếøt mình qua bàn tay mua sắm của mẹ. Nàng biết nhưng tất cả đã đi vào dĩ vãng. Nay đứa con trai ra đi kéo theo những ấm ức xuôi theo, để đổi lại nàng cần có một ít tiền, kiếm một mảnh đất dựng một cái chòi.
Những hy sinh xưa cũ khi bấn loạn, đã để lại dấu vết trong xóm làng dư luận, bây giờ phải nghe tiếng bán con. Dù sống trong xóm đạo cũng không khỏi bị tiếng đời bươi móc của những người xấu miệng.
oOo
Ba tháng sau nghe tin mẹ nàng chết trong trại gọi là phục hồi nhân phẩm. Họ bắt mẹ nàng để chiếm cứ khu biệt thự của bà, là sở hữu cuối cùng của một đời khốn khổ. Một con đĩ lấy chồng Mỹ là nợ máu với nhân dân, và tài sàn đó phải là tài sản của nhân dân bị du kích tiếp thu quản lý. Cũng không lâu đứa con trai Mỹ trắng đi khỏi, Thụ buôn lậu cà phê bị trạm thu mua lương thực ba chỉa rượt bắt, xe Thụ húc vào xe tải, gẫy nát chân bị nhiễm trùng đã bị cưa sát cả hai chân tới gối, bao nhiêu tiền bạc dốc sạch cho chồng trong những ngày nằm viện. Nhìn ba đứa con đói khổ mà lòng đau quặn, nàng đã trữ sẵn một chai thuốc rầy để một lúc nào đó....
oOo
Nhiều lúc nàng tự hỏi, nàng còn gì nữa để hy sinh. Nàng đối diện với đứa con gái lớn của mình và tấm ảnh mẹ, bây giờ nàng thấu hiểu nỗi lo của mẹ về nàng xưa, nàng mới hiểu thế nào là vết xe đổ, không lẽ ba đời người phải hứng chiu cảnh ngộ này, nàng phải dậy dỗ con gái như chính mẹ dậy mình.
oOo
Thu sẽ tách rời chồng và các con, nàng nhận lấy gánh nặng trên vai, gom sức tàn lực tận hy sinh một lần nữa, vì tình yêu chân thật, nàng không cần ai hiểu kể cả các con và Thụ, Thu đang đau cái đau của hai đời, thương cảm cho người chồng gắn liền với cái tên Thụ, sự chịu đựng nằm yên không được rên xiết, quằn quại. Phía ngoài đời họ cũng tỏ vẻ thương cảm, nhưng đấy là cái cớ họ đến để kiếm chuyện nhỏ to làm quà thương hại.
OOo
Ta có lỗi xưng với thượng đế, thượng đế có tội ngài phải xưng với ai? Vì một sợi tóc trên đầu rơi xuống cũng không ngoài ý của thượng đế. Kỳ cục. Khôn cũng người , dại cũng người, nhưng còn số may mắn? Sinh vật nhỏ nhoi cũng phải tự bảo vệ, cũng còn thiết sống.
oOo
Thu ngước thẳng lên trời, ý nghĩ thô thiển như loài người thời thượng cổ khi thấy nhiều vị thần dữ tợn: thần mặt trời, thần núi thần sông thần sấm sét, thần dương vật, thần âm vật, nếu biết thì các thứ thần đó đều phải phục vụ loài người.
Một triết lý chân chính của tồn vong.
Lẽ ra loài người phải lập nhà thờ thần bao tử, vì sự đói khát đã thay đổi con người từ tìm hái săn bắt trở thành cộng đồng cầy cấy rồi đổi chác mua bán.
Nàng sửa soạn trang điểm, như chờ đợi ai từ sớm, nàng căn dặn và chỉ giữ lại một mình Thụ, để trông coi phía trước cửa. Thụ không di chuyển được nên chàng làm tấm chắn cản ngăn khi hữu sự. Khi nàng bận việc phía trong.
thái san 2001
v
<bài viết được chỉnh sửa lúc 12.11.2012 19:17:53 bởi Ct.Ly >
Thống kê hiện tại
Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
Kiểu: